AcDieu225
Co Vang amazon Tammy

Free Hit Counters
Web Site Hit Counters

Khách viếng thăm

Translate

Powered by Translate

cam-on-anh_TPB (2).jpg

NĂM DẬU: NÓI CHUYỆN GÀ

 image

NGUYỄN CHÂU

Trong vòng hoàng đạo tử vi phương Đông có 12 con vật tượng trưng cho 12 tuổi và vận mệnh của con người. Mở đầu là con Chuột, tiếp theo là con Trâu, con Cọp, con Mèo, con Rồng, con Rắn, con Ngựa, con Dê, con Khỉ, con Gà, con Chó và cuối cùng là con Heo, tiếng Trung Hoa là Tý, Sửu, Dần, Mão, Thìn, Tỵ, Ngọ, Mùi, Thân, Dậu, Tuất, Hợi.

Gà là con vật thứ 10 trong hoàng đạo. DẬU là chi thứ 10 trong 12 địa chi.

NĂM DẬU

Về Con người, theo sách Tử vi, người sinh năm Dậu, tuổi con gà, nói chung, thường có vẻ oai phong và có tính ưa khoa trương, cường điệu, làm nổi. Cá tính: hăng hái nhưng dễ nổi nóng, hiếu thắng nên dễ bị khiêu khích; hung bạo, sôi nổi, bền chí, tự tin. Người tuổi Gà, nói chung, tự đắc, hướng ngoại và hay đóng kịch trong giao tế xã hội, vì khuynh hướng khoe khoang… Tuy nhiên, nếu tuổi Gà được tín nhiệm giao công việc, họ sẽ chân thành và ăn nói huỵch toẹt [plain-speaking].

Năm Đinh Dậu (2017), bắt đầu từ ngày 28 tháng Giêng 2017,

Về Vũ trụ, Năm Đinh Dậu, Đinh thuộc âm, Hành của năm là Hỏa.

Đinh Dậu thuộc Âm Hỏa, nhưng Thổ khí bất cập nên sẽ mưa ít mà gió nhiều. Mộc khắc Thổ nên sẽ có gió to, thổi mạnh thành bão, Sâu sẽ sinh sản nhiều và ăn các quả chín. Cây cỏ nhờ Thủy khí nên tốt tươi nhưng vì Thổ khí không đầy đủ (bất cập) nên hoa quả ít, lại nhiều tỳ vết, gọi là “hậu thiên thiếu cung”. Sẽ có nhiều sương mù vì Kim thịnh Hỏa suy.

Vận khí của năm Đinh Dậu (2017) sẽ gây một số bệnh về nóng lạnh và mụn nhọt. Thời khí Kim thịnh Hỏa suy, Thổ cũng nhược theo, con người gặp thời khí này thì Tỳ Thổ thụ tà ngay, sinh ra các chứng rối loạn tiêu hóa. Ngoài ra với thời khi này, bệnh thuộc âm nhưng quyết cách là dương, nên đi ngược lên thành “hỏa không có gốc”, “hư hỏa” sinh ra các chứng nhức đầu, miệng lưỡi khô đắng hoặc bị viêm, lở, nặng hơn thì nặng ngực và mệt ở vùng tim.

Ðầu năm: Chủ khí là phong mộc, khách khi là thấp thổ. Mộc khắc thổ, thổ khắc thủy… tỳ thận để bị tổn thương, dễ mắc bệnh về hô hấp (phổi), đau nhức khớp xương, cảm cúm.

Sau tiết Xuân phân, tướng hỏa tác dụng, chủ khí là quân hỏa. Quân hỏa, tướng hỏa kết hợp, thời khí của dịch bệnh dữ dội (nhất là loài cầm như chim, gà, vịt). Thời kỳ thứ ba, khí Kim tác động, bắt đầu thời tiết mát mẻ, nhưng đang lúc Hỏa làm chủ khí nên táo và nhiệt kết hợp lại gây ra hạn hán, nóng bức khó chịu. Cuối thời kỳ này, chủ khí là Thái Âm, khách khí là Thái Dương, âm-dương gặp gỡ trở nên nhuận, dịu, nhưng vì thuộc thời lệnh là Thu kim, bệnh nóng lạnh dễ xâm nhập vào con người.

Ðầu mùa Thu, hành Thủy tác động trong khi khí thấp Thổ đang vượng, thời tiết trở lạnh sớm, mưa xuống, khí quân hỏa vượt thoát bốc lên đụng độ với chủ khí thủy, thủy hỏa tương khắc ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe của con người (nặng ngực, khó thở, đau vùng tim, nói theo đông y là tâm-thận bôn đồn, bất an). Giữa mùa Thu, khi phong mộc trở về, hỏa ẩn tàng trong Thổ, thời tiết được ôn hòa. Mùa Thu mà có cái ấm áp của mùa Xuân (hành lệnh: mộc sinh hỏa) khí hậu điều hòa, cây cỏ tốt tươi. Ðời sống con người ít bệnh tật. Chiến tranh giảm cường độ.

Sau cùng, thiếu âm quân hỏa tác động, dương khí phát tán, các loài sâu bọ thay vì phải ẩn núp, thì lại xuất hiện gây hại mùa màng. Con người phải đề phòng các bệnh dịch

Tóm lại, năm Đinh Dậu thời khí không được điều hòa, vũ trụ nhiều xung khắc, thế giới loài người xẩy ra nhiều đụng độ tại vùng hỏa vượng và băng giá (có thể là Trung Ðông và Nga).

(Tham khảo “Hải Thượng Y Tông Tâm Lĩnh”, Tập II, của Lê Hữu Trác, Sài Gòn, 1987).

Người Tuổi Con Gà – Tâm Tính và Vận Số:

Theo Tử Vi Trung Hoa, có năm hạng tuổi Dậu căn cứ vào hành của Mạng:

mạng Thạch lựu Mộc (Tân Dậu / 1921 và 1981).

mạng Kiếm phong Kim (Quý Dậu / 1933 và 1993).

mạng Tuyền trung Thủy (Ất Dậu / 1945 và 2005).

mạng Sơn hạ Hỏa (Ðinh Dậu / 1957 và 2017).

mạng Ðại dịch Thổ (Kỷ Dậu / 1909 và 1969).

Tùy theo hành của Mạng, tâm tính và vận số mỗi người tuổi con gà có phần khác nhau, nhưng những đặc điểm chung của người tuổi Dậu có thể gồm những tính chất sau đây: không dung nạp sự gian dối và tính nham hiểm dù hoàn cảnh nào, rất ghét các mánh khóe và bất chính. Người tuổi Dậu luôn luôn đặt những con bài ra trên mặt bàn và tôn trọng những ai có tính chân thật để làm như họ. Mặc dù tính thẳng thắn, bộc trực, đôi khi thành lỗ mãng, nhưng, không phải chỉ là một loại người chất phác, lương thiện mà thôi, người tuổi Dậu thích hòa mình vào xã hội, và dễ thành công lớn trong các cuộc tập hợp quần chúng, có thể trở thành “linh hồn” của nhiều đoàn thể xã hội hoặc chính trị. Người tuổi Dậu thường dí dỏm, hoạt bát, vui vẻ và làm vừa lòng mọi người. Khi lôi cuốn được sự chú ý của nhiều người trong xã hội, người tuổi Dậu sẽ cảm thấy hạnh phúc tuyệt đỉnh, nhưng nên biết là tuổi này không thích lắng nghe bất cứ người nào xen vào công việc của họ. Tuổi Dậu sẽ nổi “cơn thịnh nộ”[giận dữ] khi phát giác ra là có người khác tìm cách xâm nhập vào vai trò của nó. Như mọi người đều biết: Gà trống thì thích gáy, không để ý đến sự nhậy cảm của kẻ khác về mặt giao tế. Tất cả gà trống đều thích khoe bộ lông láng mướt, nhiều mầu sắc và tiếng gáy của chúng.

Ngoài ra về tâm lý, người tuổi Dậu có khuynh hướng bi kịch hóa [melodramatize] các vấn đề xã hội và thích thú khi chiều theo thị hiếu tầm thường của quần chúng [to play to the gallery, – vé hạng chuồng gà: gallery hit, tiết mục bình dân]. Mặc dù vậy, tuổi Dậu thường rất thực tế và tuân theo luận lý. Tính ưa sự hoàn toàn [cầu toàn] cho nên hay đi vào các chi tiết một cách quá đáng, hay quan trọng hóa và kiểu cách, cứ đưa “mỏ mổ khoét vào vấn đề” thay vì tuyển chọn các vấn đề lớn ra mà giải quyết. Khuynh hướng “bới lông tìm vết” này [nit-picking] thường làm cho người khác bực bội, bất lợi.

Người tuổi Đinh Dậu, mạng Hỏa (Sơn hạ Hỏa).

 Bản tính hiền lành, hay quan tâm đến bạn hữu và gia đình; có khả năng xoay sở và hòa hợp với người khác trong công việc với tư cách đồng đội và không bị chỉ huy. Gà mạng Hỏa thường dành nhiều thời gian cho “bộ lông cánh” của mình, có khuynh hường xã hội mạnh mẽ nên rất quan tâm đến các công tác làm cho xã hội tốt đẹp hơn. Tuổi Đinh Dậu là một nhà tổ chức xuất sắc, một ý chí quyết liệt, có thể trở thành một lãnh tụ được quần chúng quý chuộng và kính trọng. Tuy nhiên, người Đinh Dậu có thể gặp một số phiền hà khách quan khi hoàn thành mơ ước, nhiệm vụ của mình trong xã hội, do đó, cần phải quan tâm học hỏi về kỹ năng giao tế và phép lịch sự (tactful).

Năm Đinh Dậu thuộc âm-Hỏa, người tuổi Đinh Dậu, mạng Hỏa, “lưỡng hỏa, hỏa diệt”, cả hai đều âm-hỏa, nên sẽ tắt hết, sẽ gặp nhiểu “tẻ lạnh, hụt hẫng” trong cuộc sống.

Nên biết là chữ DẬU () trong Hán tự không có nghĩa là con Gà mà chỉ là tên của CHI thứ 10 trong 12 Địa Chi. DẬU thuộc Bộ Nhất, 6 nét, Hán tự có nghĩa là NO, GIÀ.

CHUYỆN GÀ

Gà, tiếng Latin: Gallus gallus, hay gà nhà Gallus gallus domesticus, là một loài chim đã được con người thuần hoá từ hàng nghìn năm trước. Một thuyết cho rằng loài này có thuỷ tổ là loài chim hoang dã ở Ấn Độ và loài gà rừng lông đỏ nhiệt đới ở vùng Đông Nam Á. Trong thế giới loài cầm, gà là loài có số lượng lớn kinh khủng nhất, theo thống kê đến năm 2003 có tới 24 tỉ con.

Con người thường sử dụng thịt gà, trứng gà và lông gà. Ngoài ra, ngày nay, người ta còn dùng gà để làm các thí nghiệm nghiên cứu khoa học trong các ngành sinh học, vật lý, hoá học.

Tử vi Trung Hoa, chỉ nói đến gà trống (gong-ji/ cock – coq – rooster) mà thôi, không nói đến gà mái. Ở nước Trung Hoa, người ta không ăn thịt gà trống và ngay cả vào dịp Tết nguyên đán, phong tục không cho giết gà trống. Một số dân tộc tin rằng con gà trống có khả năng xua đuổi ma quỷ. Chẳng hạn, người ta tin rằng một bức tranh vẽ con gà trống đỏ sẽ bảo vệ cho ngôi nhà khỏi bị hỏa hoạn; để trên quan tài, một con gà trắng (bạch kê) có thể giữ không cho quỷ sứ đến gần quấy phá người vừa mới chết.

Con gà trống được ưa chuộng không phải chỉ vì tính can đảm, hùng dũng, mà còn vì dáng vẻ của nó như là một “trang” nghĩa hiệp oai phong. Gà trống khi tìm được thức ăn thường cất tiếng mời gọi các “nàng” gà đến ăn. Ngoài ra, gà trống còn là biểu tượng của đức tính khả tín: không bao giờ sơ sót trách nhiệm trong việc thông báo bước đi của thời giờ. Tại nhiều quốc gia, khi chưa phát minh ra đồng hồ, gà trống đã giúp loài người thức dậy cùng với mặt trời. Gà vừa gáy sáng, vừa gáy trưa và chiều.

Theo truyền thuyết Ấn độ, một con gà trống đậu trên cây trong Lục địa của xứ Jambudvipa thì đó là “Gà Vua” [King Cockerel] và khi nó cất tiếng gáy thì tất cả gà trống trên trái đất đều gáy theo.

Trong văn hóa Trung Hoa, gà trống gọi là “công kê” [cong-di], và “gà gáy” (kê minh) tượng trưng cho sự thành công và danh tiếng (công minh). Tiếng Trung Hoa, cái “mồng” tươi thắm trên đỉnh đầu gà trống, đọc là “guan” đồng âm với chữ “quan” có nghĩa là “chức vị” trong hệ thống chính quyền hoặc xã hội.

Do đó, khi người ta tặng nhau một bức tranh vẽ con gà trống oai phong với cái mồng tươi thắm đẹp đẽ, là có ý cầu chúc người nhận quà được “thăng quan tiến chức”.

Ngày Tết, người Việt Nam xưa có treo tranh gà (thường là tranh Đông Hồ).

Thơ Tú Xương có câu “Đì đẹt ngoài sân tràng pháo chuột,

                                       Om thòm trên vách bức tranh gà.”

Một bức tranh vẽ “một gà trống với năm gà con” mang thông điệp “bổn phận của người cha là phải dạy dỗ năm đứa con của mình”. Tranh “gà mái với 5 gà con” tượng trưng cho tương giao thân thiết giữa cha mẹ và con cái”.

Gà Trống và Ngũ Đức Của Người Đàn Ông:

Theo quan niệm truyền thống Việt Nam và Trung Hoa xưa (do ảnh hưởng của Khổng giáo)

thì người đàn ông lý tưởng phải hội đủ “Ngũ Ðức” (trong lúc đàn bà phải có Tứ Ðức – tổng cộng cả nam và nữ là số 9) và cho rằng con gà trống tượng trưng cho một người đầy đủ đức tính của một nam nhân.

Ngũ Ðức Là Gì?

NGŨ ÐỨC là năm phẩm tính NHÂN, DŨNG, TÍN, VĂN và VÕ nơi người đàn ông hoàn hảo.

1- NHÂN: là đức đầu tiên trong trong năm điều hằng có, không thay đổi theo thời gian hoặc không gian [gọi là Ngũ Thường]; nhân là lòng thương người và vạn vật. Sách Khổng Tử ghi rằng “nhân dã ái nhân”: Người có đức nhân là người biết yêu người. Ðức nhân thường biểu lộ qua hành vi thương xót, cứu giúp người hoạn nạn, chống lại sự tàn bạo vì tàn bạo là “bất nhân”…

2- DŨNG: Là ý chí và sức mạnh tinh thần thúc đẩy con người thực hiện những điều mình nhận định là PHẢI LÀM, ÐÁNG LÀM và NÊN LÀM cho đồng loại và trong đời sống.

Ði đường gặp người bị hà hiếp, thấy xót thương, muốn ra tay che chở, cứu giúp là dũng. Người xưa đã nhận định một cách dứt khoát thế nào là người không có DŨNG, tức là người thiếu ý chí và sức mạnh tinh thần để ra tay làm việc tốt cho xã hội: “KIẾN NGHĨA BẤT VI, VÔ DŨNG DÔ (Thấy điều nghĩa tức thấy việc đúng mà không làm là người không có ý chí, không có năng lực tinh thần).

Ðức Dũng là một biểu hiện của HÙNG TÍNH (bản chất của phái nam) đích thực, cho nên người ta thường nói “HÙNG DŨNG.” HÙNG là dương tính, nam tính tiềm tàng, biểu lộ ra bên ngoài là DŨNG, vừa khí, vừa lực. Hùng là thể, Dũng là cái dụng. Loại người VÔ DŨNG sẽ không đủ khả năng bảo vệ gia đình, vì khoa tâm lý xã hội học cho thấy rằng: điều khiển việc nhà khó hơn làm việc nước. Khổng Tử đã nhận định rằng: “Trị quốc dễ như gẩy đàn, Trị gia khó như cầm cương ngựa.” Người VÔ DŨNG sẽ không đủ sức chịu đựng khi gặp những hoàn cảnh khó khăn của gia đình và thường có những phản ứng không tương xứng với đòi hỏi của hoàn cảnh…

3-TÍN: nguyên ngữ nghĩa là “LÒNG TIN” chữ Trung Hoa viết theo lối hội ý, gồm chữ NHÂN là người và chữ NGÔN là lời nói… TÍN, như vậy có nghĩa là lòng tin của người khác đối với mình, là lời nói đi đôi với con người. Tín là tin vào mình và giữ lòng tin nơi người khác. Ðức thứ ba này, chẳng những quan trọng đối với gia đình mà còn rất quan trọng đối với xã hội rộng lớn và quốc gia.

Khổng Tử nói: “Người không có lòng tin thì sẽ chẳng biết mình phải làm gì và làm được gì, giống như chiếc xe lớn mà không có gọng kéo, xe nhỏ không có cái ách để mắc vào thì làm sao mà đi?”

Lão Tử nói: “Người có lòng tin như xe có bánh, người quân tử nói một lời, như con ngựa hay chỉ chạm một roi, một lời đã nói ra rồi, xe bốn ngựa cũng khó mà theo kịp” (Nhơn nhi hữu tín như xa hữu luân, quân tử nhứt ngôn, khoái mã nhứt tiên, nhứt ngôn ký xuất tứ mã nan truy).

4-VĂN: Chữ “Văn” ở đây chỉ sự học hành mở mang trí tuệ (chứ không có nghĩa là văn chương thi phú) văn là người có học vấn. Người đàn ông cần phải hiếu học, phải ưa sự mở mang trí óc để biết suy lý về sự việc ở đời. Có học chữ (có văn) thì mới dễ dàng học tập các ngành nghề khác, chữ nghĩa là chìa khóa mở tất cả các cửa của đời sống.

5-VÕ: Chữ võ ở đây chỉ các môn luyện tập thân thể, “kiếm, cung, quyền, cước…” mà người thanh niên nào cũng phải có ở trình độ cơ bản, để tự vệ, bảo vệ gia đình, xã hội và khi “quốc gia lâm nguy” có thể lên đường chiến đấu bảo vệ quê hương.

Gà Trống và Các Biểu Tượng của Ngũ Đức:

Theo Hàn Thi Ngoại Truyện: Gà có 5 đức tính: Có ăn thì gọi nhau là Nhân, có chí phấn đấu hăng hái gọi là Dũng, đêm gáy đúng giờ gọi là Tín, chân có cựa sắc là Võ, đầu có mào đỏ là Văn.

Trong tác phẩm “Lục Súc Tranh Công”, gà đã khoe rằng:

“Nầy nầy, gà ngũ đức thẳm sâu:

Nhân, dũng, tín, võ, văn, gồm đủ.

Trên đầu đội văn quan một mũ,

Dưới chân đeo hai cựa thần thương.

Ðã ghe phen đến chốn chiến trường

Lập công trận vang tai, lói óc.

Người Pháp tôn phong con gà trống là Vua Triều đình hạ đẳng [Le Roi de la Basse Cour]

Chữ “cour” trong tiếng Pháp có ba nghĩa: 1) cái “sân”; 2) triều đình; 3) tòa án. Tiếng Anh là “court” có hai nghĩa tương đương là triều đình và tòa án, còn “sân” thì có chữ “yard và courtyard – trong tiếng Pháp chữ “court” với chữ T ở sau là “sân Tennis” chứ không phải sân thường].

Hình tượng Con Gà Trống đứng trên trục của một chong chóng chữ thập với bốn mũi tên chỉ Ðông-Tây, Nam-Bắc, thường được đặt trên nóc các dinh thự ở Pháp và Âu Châu là một dụng cụ để theo dõi hướng gió và sức gió (tiếng Anh: weather-vane; weathercock, tiếng Pháp: girouette).

Ở xứ Gaulle, trong huyền thoại về Gà Trống, người ta cho rằng tiếng Latin, từ ngữ Coq và Gaulois đồng nghĩa, cả hai được gọi là “Gallus”, điều này đã góp phần vào sự kiện Gà Trống (Coq) trở thành biểu tượng của Pháp quốc. Một số báo chí ngoại quốc đã vẽ hí họa con gà trống để trêu chọc những người Pháp hay tự cao tự đại và tự khoe khoang về bản thân: đừng nói là tự kiêu như một người Gaulois. Gà Trống là huy hiệu của các đội đá bóng Pháp.

GÀ TRONG SẤM TRẠNG TRÌNH

Trạng Trình tên thật là Nguyễn Bỉnh Khiêm, tự là Hạnh Phủ, biệt hiệu là Bạch Vân cư sĩ, sinh năm 1491, thời Hồng Đức, vua Lê Thánh Tôn, mất năm 1585. “Trạng Trình” là cái tên thân kính người dân Việt gọi ông Trạng Nguyên Nguyễn Bỉnh Khiêm, một nhà tiên tri của Việt Nam đã đoán trước được một số biến cố lịch sử đất nước và thế giới. Những lời tiên tri này được lồng trong những câu thơ bình dân nhưng đầy bí ẩn vì người thường khó mà hiểu được ý nghĩa của các ngôn từ theo dạng “Sấm Ký”.

Sấm: Lời nói hoặc điềm triệu báo trước việc lành dữ sẽ xảy ra; lời tiên tri; thường goi là “sấm ngôn”; “Sấm ký”; “Sấm truyền”

Từ điển Thiều Chửu:

Lời sấm ký: sự chưa xảy ra mà đã biết trước và nói bằng cách bí ẩn không cho người biết đích ngay, chờ khi sự xảy ra rồi mới biết gọi là sấm.

Sau đây là những câu sấm của Trạng Trình có liên quan đến năm Gà:

1/ “Giữa năm hai bẩy mười ba

Lửa đâu mà đốt tám gà trên mây.”

Hai câu này được các bậc thức giả luận rằng: “năm hai bẩy mười ba” tức là năm nhuận hai tháng Bẩy. Đó là năm Quý Dậu (1933) nhuận hai tháng Năm. Tám Gà tức là Bát-Kê, tên của Toàn Quyền Pháp tại Đông Dương.

Năm đó, Toàn Quyền Pháp tại Đông Dương (Indochine-Indochina gồm Việt-Miên-Lào) là Pierre Pasquier (đọc là Pát-kiê hoặc Bát Kê) mãn nhiệm, lên đường bay về Pháp. Máy bay của Toàn Quyền Pasquier gặp nạn, cháy trên không ngày 15-1-1934, nhằm một tháng chạp Quý Dậu.

2/ Chó mừng chúa, gà bầy cộc tác

Lợn ăn no thả rác nằm chơi

Đó mới kể là đời thịnh thế

Mà thiên hạ sao sẻ làm hai

Người Đoài cũng thực ấy tài

Mà cho người Sở toan bài lập công

Cuối năm Dậu, dư luận xôn xao về một vị minh chúa, đến năm Tuất thì minh chúa xuất hiện. Qua năm Hợi thì xã hội bình an, no đủ, thảnh thơi, nhưng dân tình lài chia làm hai phe, bên nào cũng có nhân tài.

3/ “Ô hô thế sự bình bồng

Nam, Bắc hà thời thiết lộ thông

Hồ ẩn sơn trung mao tận bạch

Kình ngư hải ngoại huyết lưu hồng

KÊ minh ngọc thụ thiên khuynh Bắc

Ngưu xuất Lam Điền nhật chính Đông

Nhược đãi ưng lai sư tử thượng

Tứ phương thiên hạ thái bình phong

Cộng sản Việt Nam đang làm con đường sắt Móng Cái-Vân Nam (Trung Hoa) về Hạ Long chưa biết khi nào thì thiết lộ này thông.(Theo báo Du Lịch Hạ Long, thì “Nếu kiểm soát được trục đường chiến lược Móng Cái – Hạ Long, các đội quân xâm lược đến từ phương Bắc sẽ gặp thuận lợi hơn rất nhiều khi tiến từ Móng Cái về Hạ Long. Từ Hạ Long chúng có thể tiến về Hà Nội và Hải Phòng theo hai ngả là đường cao tốc Hạ Long – Nội Bài và tuyến cao tốc nối Hạ Long với đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng (sắp được triển khai). Đó là về lâu dài, còn trước mắt tuyến đường cao tốc Móng Cái – Hạ Long chắc chắn sẽ góp phần đắc lực vào mục tiêu bóp chết nền sản xuất trong nước bằng những hàng hoá rẻ tiền và độc hại của Trung Cộng.)

Cáo ẩn núp trong núi lâu quá đã trắng lông hết, Hồ Chí Minh và Mao Trạch Đông đã hết thời, hết ảnh hưởng và một trận hải chiến giữa các đội Hải quân hùng mạnh máu đỏ nước biển Đông, đến đầu năm Dậu (Kê minh/ gà gáy) có người tài giỏi (ngọc thụ) xuất hiện thì phương Bắc sụp đổ, đến năm Sửu (Ngưu xuất) thì chính nghĩa mới thắng gian tà (nhật chính Đông). Nếu xảy ra sự biến chim Ưng đến đậu trên đầu Sư tử (Ưng lai Sư tử thượng) thì toàn cầu sẽ được hưởng thái bình.

Ưng là chim Ó (Hoa Kỳ) đậu trên đầu Sư tử (Mao sư vương tức Trung Cộng) nghĩa là Mỹ chế ngự được Trung Cộng sau trận “Kình ngư hải ngoại huyết lưu hồng” thì thế giới mới được hòa bình.

4/ “Đến thời thiên hạ vô quân

Làm quan chẳng dễ, làm dân chẳng lành,

Gà kêu cho khỉ chạy nhanh

Phụ nguyên số đã rành ràng cáo chung

Thiên sinh hữu nhất anh hùng

Cứu dân độ thế trừ hung diệt tà…

Dưới chế độ cộng sản (thiên hạ vô quân), làm quan, làm dân đều gian khổ như nhau, luôn luôn bị đe dọa ám hại, giết chóc, ngục tù… Từ giữa năm  Bính Thân (2016) nhiều sự biến xẩy ra khiến nhà nước cộng sản Việt Nam điên đầu (vụ ba cán bộ trung ương đảng bị sát hại một cách chớp nhoáng, nguyên nhân chưa rõ, rồi vụ 12 cán bộ cao cấp chết ở nhà hàng Karaoke… cũng bí ấn, vụ hai cán bộ cao cấp thầm lặng trốn ra ngoại quốc sau khi “tiêu hết” hàng ngàn tỷ đồng. Cộng sản nói là trên 3,000 tỷ. Con số này dường như là môt định mức có sẵn để truy tố tội danh liên quan đến tài chánh của các công ty quốc doanh)… Từ tháng Tám âm lịch (tháng Dậu/) “Gà kêu cho Khỉ chạy nhanh”: Nguyễn Phú Trọng tuổi con Khỉ (Giáp Thân, 1944) có điềm báo là số phận của “Phụ Nguyên” tức họ Nguyễn (trong Hán tự, chữ Nguyễn gồm có chữ phụ và chữ nguyên () đã rõ ràng phải chấm dứt. Đây là trường hợp của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sau vụ Trịnh Xuân Thanh, đang tứ bề thọ địch (Đinh La Thăng, Nguyễn Tấn Dũng, Trần Đại Quang và phe “thiên Mỹ” (xin lưu ý là “thiên” chứ không phải “thân”).

6/ “Rồng nằm bể cạn dễ ai hay

Rắn mới hai đầu khó chịu thay

Ngựa đã gác yên không người cỡi

Dê không ăn lộc ngảnh về Tây

Khỉ nọ ôm con ngồi khóc mếu

Gà kia vỗ cánh chập chùng bay

Rồng nằm bể cạn” tức là Việt Nam bị Tàu Cộng chiếm hết biển rộng nên Rồng phải vào nằm bể cạn, không thể vẫy vùng, bay lượn gì cả, thật không ngờ được (dễ ai hay). Thế mà còn thêm chuyện “Rắn mới hai đầu” mới thật là khó chịu, bởi vì không thể nhúc nhích. Rắn hai đầu: một đầu là Xã Hội Chủ Nghĩa, một đầu là Kinh Tế Thị Trường, hai cái đầu này về bản chất không thể dung hòa với nhau được, cho nên con rắn hai đầu “Kinh tế Thị Trường theo Định Hướng Xã Hội Chủ Nghĩa này chỉ có nằm yên một chỗ chờ chết liệt mà thôi.

Năm Ngọ, không có ai đứng ra lo việc nước, năm Mùi, những thành phần không thuộc nhóm lợi ích (Không ăn lộc) thì hướng về phương Tây khao khát tự do, dân chủ cho đất nước, hy vọng sẽ có đổi mới, nhưng rồi năm Thân đến, tình hình đất nước càng thê thảm hơn, Biển Đông coi như mất trọn, cho nên Khỉ chỉ ôm con mà khóc thôi… Tình hình đất nước ngày càng thê thảm, mội trường ô nhiễm, cá chết hàng loạt, chủ quyền mong manh cho nên từ cuối năm Thân, đến năm Dậu, số người Việt từ trong nước đua nhau bay ra ngoại quốc kinh doanh, du học… thực chất chỉ là tìm cách ra khỏi nước, đó là “Gà kia vỗ cánh chập chùng bay”.

(Luận của Linh Chi Dị Nhân).

GÀ TRONG THẦN THOẠI

Từ thời cổ đại, gà đã được xem như là một loài vật linh thiêng gắn liền với một số tôn giáo.

– Tại Ba Tư, trong giáo phái thờ Lửa (Zoroastrian), Gà Trống là con chim biểu tượng của Sraosha, một vị thần trẻ thuộc Tổng Thiên thần và là thần hướng đạo của thế giới âm phủ. Tiếng gáy của Gà Trống xua đuổi các tà ma.

– Người Hy Lạp sau khi tiếp xúc với văn hóa Ba Tư đã dùng thuật ngữ “chim Ba Tư” (Ornis persikos) để chỉ gà trống “vì tầm quan trọng lớn lao và chức năng thiêng liêng của gà trống trong xã hội Ba Tư”.

Người Hy Lạp cổ đại thường không dùng gà để hiến tế, có lẽ là do nó vẫn được xem là loài vật ngoại lai. Nhờ bẩm thụ tính dũng cảm mà gà trống được xem là biểu trưng của thần Ares (Chiến tranh), Heracles (Thần Sức mạnh và Quyền lực trở thành anh hùng vinh quang nhờ nữ Thần Héra. (Héra là nữ thần vô địch về chung thủy hôn nhân và ghen tuông) và Athena (Nữ Thần, con gái của Thần Zeus, chủ tể của Athènes). Từ đó, Gà được phong thêm một số thần tích nữa, đó là trường hợp của Kouros (người trẻ, đẹp và sức lực), thần của đảo Crète, đồng thời cũng là biểu hiện của các Thần như Hermès, Apollon, Asklepios (thần y học). Người ta hy sinh những con gà trống cho thần Y học Asklepios, có lẽ vì gà trống được xem như đã đem đến một ánh sáng mới, hoặc một cuộc sống mới cho bệnh nhân, hoặc người đã chết. Sách ghi rằng, ngay trước khi chết, hiền triết Socrate đã trối với bạn ông là Citron rằng “chúng ta nợ thần Y học một con gà trống! Hãy trả giùm tôi món nợ ấy! đừng sơ sót nghe!”. Sự kiện này cho thấy sự quan trọng của gà trong hiến tế thần Y học đối với người bệnh.

Người ta còn nói rằng Gà Trống từng ở bên cạnh nữ thần Léto (người được thần Zeus yêu), khi bà sinh Apollon (liên quan với mặt trời) và Artémis (liên quan tới mặt trăng), sự liên kết của Gà Trống với các vị thần này đã làm nổi bật những biểu tượng đã được ghép cho nó trong thời thượng cổ, đó là: Vẻ đẹp, sự cường tráng của tuổi thanh niên, sự mãnh liệt của tình ái, đồng thời là sứ giả, phát ngôn viên hay vệ sĩ.

Thời cổ đại Hy Lạp, trong một số giáo phái huyền bí, Gà tượng trưng cho vai trò hướng dẫn, và chủ tế trong các lễ thâm nhập cõi thần linh hoặc báo tin sự trở về của ánh sáng. Ngoài ra, Gà còn được xem là kẻ trung gian giữa thế giới bóng tối (đêm) và thế giới của ánh sáng (ngày).

Người Hy Lạp tin rằng ngay cả sư tử cũng sợ gà trống.

Tại Indonesia, gà có vai trò rất quan trọng trong nghi thức hỏa táng của đạo Hindu. Gà ở đây được xem là trung gian cho linh hồn xấu xa. Trong buổi lễ, gà bị trói chân để bảo đảm rằng các linh hồn xấu xuất hiện trong buổi lễ sẽ nhập vào gà thay vì nhập vào các thành viên trong gia đình đang ở đó. Sau lễ, người ta mang gà về nhà và thả nó ra để tiếp tục cuộc sống bình thường.

Chúa Jesus và Gà

Tại La Mã, trong kinh Tân Ước, Jesus đã tiên đoán sự phản bội của Thánh Pierre: “Thầy bảo thật anh, nội đêm nay, khi gà chưa kịp gáy, thì anh đã chối Thầy ba lần.” (Lc 22:34) Lời tiên tri đó đã trở thành sự thật (Lc 22:61). Sự kiện này khiến gà trống trở thành biểu tượng của sự cảnh giác. Trong Phúc Âm Mathew, Phúc âm Marco và Phúc âm Luca của Tân Ước đều nói đến chuyện gà trống là hiện thân của Jesus. Vào thế kỷ 6, Giáo hoàng Gregorio I tuyên bố gà trống là biểu tượng của Kitô giáo. Vào thế kỷ 9, Giáo hoàng Nicola I ra lệnh đặt hình gà trống lên tất cả các nóc gác chuông nhà thờ.

Chúa Jesus so sánh ông với gà mẹ khi nói về Jerusalem: “Hỡi Jerusalem, Jerusalem, ngươi giết các đấng tiên tri và ném đá những kẻ thừa sai đến cùng ngươi, bao nhiêu lần ta muốn nhóm họp các con ngươi như gà mái túc gọi con mình lại ấp trong cánh, mà các ngươi chẳng hưởng ứng.” (Mt 23:37; Lc 13:34).

Tranh “Gà trống Ba Tư Vatican” – Hình in trên vải năm 1919 thể hiện một con gà trống Ba Tư thuộc Tòa Thánh, niên đại là năm 600. Lưu ý: vầng hào quang thể hiện sự linh thiêng.

Người La Mã cổ đại dùng gà trong thuật bói chim để nhận lời tiên tri. Một người (gọi là pullarius) sẽ chăm sóc gà, khi nào cần bói thì ông ta sẽ mở lồng và cho nó hạt đậu hoặc một loại bánh ngọt mềm đặc biệt. Nếu con gà ở nguyên trong lồng và gây ra tiếng động (“occinerent”), đập cánh hoặc bay đi thì đó là điềm xấu; nếu con gà ăn ngấu nghiến thì là điềm tốt. Năm 249 trước Công nguyên, trước trận chiến Drepana, vị tướng La Mã là Publius Claudius Pulcher đã sai người vứt “những con gà thiêng” xuống biển do chúng từ chối ăn. Ông còn nói “Nếu chúng nó không ăn thì có lẽ chúng muốn uống nước”. Ngay lập tức ông bại trận dưới tay người Carthago và 93 thuyền của La Mã bị đắm. Khi trở về Roma, ông này bị xử tội bất kính và chịu hình phạt nặng nề.

Do Thái Giáo và Gà:

Theo lệ thường, người Do Thái giáo chính thống sẽ dùng các thức ăn được quy định gọi là “kosher”. Kosher quy định một số động vật được ăn, về thú thì bò, dê, cừu (không được ăn lợn, ngựa và lạc đà); về cầm thì gà, vịt, ngỗng, bồ câu (không ăn diều hâu, chim ưng, đại bàng vì là loài ăn thịt); về cá thì chỉ được ăn các loài có vẩy, có vây như hồi, ngừ, trích… (không ăn các loại không vẩy, da trơn như lươn, trê, tầm. tôm tép, nghêu sò, ốc hến…

Vào dịp Lễ Yom Kippur (Ngày sám hối và chuộc tội), trước khi làm thịt một động vật, người Do Thái cầm con vật đu đưa quanh đầu người, rồi đến chiều mới xẻ thịt để ngày hôm sau hiến tế. Nghi thức Kapparos là hiến tế gà. Vật hiến tế sẽ mang đi tội lỗi của người dâng lễ. Nữ thì đem cúng gà mái, nam thì gà trống.

Sách Talmud (Kiến văn kỳ diệu) có nói đến việc học hỏi “tính lịch thiệp đối với bạn đời” từ gà trống (Eruvin 100b). Như đã nói ở trên, khi gà trống tìm thấy thứ gì ăn được, nó sẽ gọi các gà mái đến ăn trước. Sách Talmud viết “Giả sử nếu chúng ta không có kinh Torah thì chúng ta sẽ học sự nhu mì từ mèo, sự cần cù lao động lương thiện từ kiến, sự trinh bạch từ bồ câu và sự lịch thiệp từ gà trống”- (Jonathan ben Nappaha. Talmud: Erubin 100b)

Trong nhiều truyện cổ tích Trung Âu, người ta tin quỷ dữ sẽ chạy trốn khi nghe tiếng gáy đầu tiên của gà trống. (trong Văn tế Thập Loại Chúng Sinh của Nguyễn Du có câu: “Nghe gà gáy tìm đường lẩn trốn, tắt mặt trời lẩn thẩn tìm ra.”)

Tại miền Bắc Trung Hoa và Cao Ly, gà mái là đối tượng tôn thờ của một giáo phái đặc biệt. Tại những vùng này, ăn thịt gà là một điều cấm kỵ. Cả gà trống và gà mái đều được nuôi vì có cái đuôi dài, đẹp và tiếng gáy vang xa, chứ không phải nuôi để lấy trứng và thịt.

Người Lolo, một dân tộc thiểu số Tây Tạng-Miến Điện (Phía Nam Trung Hoa) có một truyền thuyết  cho rằng vào thời sơ khai của thế giới, có hai con gà mái, một trắng, một đen, mỗi con đẻ ra chín trứng, từ đó sinh ra người tốt và người xấu.

Tại Nam Trung Hoa và tại Việt Nam, nhiều nơi dùng trứng gà để cầu xin thần thánh linh thiêng cho biết thời vận, tương lai. Chân gà cũng được dùng để “đọc thời vận xấu tốt” sau khi dâng lễ cúng thần linh (coi giò gà, đoán giò gà: căn cứ vào hình dạng của các ngón chân gà, màu sắc… vân vân, để đoán vận mạng của người cúng lễ, hoặc cầu xin. Chẳng hạn: thấy có đường máu đỏ chạy lên đầu các ngón chân gà, thầy sẽ đoán: “huyết đáo thượng trần, không mần cũng có ăn!”).

Nhiều người tin rằng, máu gà đen (gà quạ, gà ô) rất hữu hiệu trong một số trường hợp đuổi tà ma, quỷ sứ.

Theo tín ngưỡng dân gian Trung Hoa, thì gà là vật dành riêng để kính dâng lên tổ tiên và cúng thành hoàng. Theo tục lệ thì việc cúng gà thường đi kèm với lời cầu khấn trang nghiêm, xin thần linh phù hộ. Trong đám cưới, Gà được dùng làm vật thế mạng cho người bị bệnh hay đã quá vãng (chẳng hạn bị chết bất ngờ) không dự được hôn lễ. Người ta quàng khăn bằng lụa đỏ lên đầu gà và một người họ hàng gần của cô dâu hay chú rể vắng mặt, sẽ ôm con gà ấy khi tiến hành lễ cưới. Ngày nay hiếm người còn theo tục này.

VỀ GÀ MÁI

Trong văn hóa Trung Hoa, những thành ngữ có chữ “Kê” mang nhiều ý nghĩa phức tạp.

KÊ: Con gà;”mẫu kê” gà mái. /Nguyễn Du: “Thâm đồ mật toán thắng phu quân, Ưng thị thần kê đệ nhất nhân” (Vương Thị tượng) Mưu tính thâm hiểm hơn chồng, Đúng là “gà mái gáy sáng” bậc nhất.

“Kê gian” hành vi cùng là đàn ông (nam tính) dâm dục với nhau. Cũng gọi là “nam phong”.

Dâm hiếp đàn ông gọi là kê gian (Từ điển Thiều Chửu).

Kê gian [jijian] Sự giao hợp đồng tính (giữa con trai với nhau). Từ điển Trần Văn Chánh.

Lưu ý: Cập Kê: là cài trâm không liên quan gì đến Gà, như một số người lầm “tuần cập kê” là thời điểm gà bắt đầu gọi trống (trong truyện Kiều: “Xuân xanh xấp xỉ tới tuần cập kê”: là con gái đã đến tuổi cài trâm, ý nói đã trưởng thành về mặt tình dục)

GÀ Trong Một Số Truyền Thuyết Á Đông

1/ Gà Trống Không Có Dương Vật?

Khoa sinh vật học nhận thấy con gà trống không có “dương vật” khi truyền giống (đạp mái)

Ðể giải thích sự kiện này, một truyền thuyết dân gian kể rằng: vào thời hồng hoang lịch sử muôn loài, vũ trụ điều hòa nhịp nhàng: ban ngày mặt trời lên để soi sáng và sưởi ấm mặt đất, đến đêm mặt trời lặn xuống để muôn vật nghỉ ngơi, tái tạo sức lực trong không khí mát mẻ. Cho đến một hôm, nhiều loài sinh vật trên mặt đất đã ăn ở dơ bẩn và mất trật tự nên ông Mặt trời đã bỏ đi. Mặt đất trở nên tối tăm lạnh lẽo, muôn loài khốn khổ vì thiếu ánh sáng, thiếu hơi ấm, mọi sự sống gần như sắp lụi tàn hết.

Muôn vật liền họp đại hội, bàn tính làm sao để gọi Mặt trời trở về. Hội nghị muôn loài đã đi đến kết luận là kẻ có thể kêu gọi Mặt trời về là anh Gà Trống, vì lâu nay, mỗi lần anh Gà Trống cất tiếng gọi ba lần là Mặt Trời từ từ lên ở phương Ðông. Hội nghị đề cử anh Gà Trống đi gọi Mặt Trời. Nhưng gặp một trở ngại là muốn đến chỗ có thể gọi Mặt Trời phải vượt qua một con sông lớn tên là Giang Hà, mà anh Gà Trống lại không biết bơi. Hội nghị có sáng kiến đề cử thêm chị Vịt Mái, vừa biết bơi vừa kêu to có thể chở anh Gà Trống vượt sông Giang Hà để thay mặt muôn loài đi gọi mặt trời về. Ðề nghị chị Vịt Mái chở anh Gà Trống trên lưng qua sông, bị anh Vịt Trống phản đối kịch liệt. Anh la hét đến khản cả cổ. Có một sáng kiến để anh Vịt Trống khỏi lo ngại, đó là biện pháp yêu cầu anh Gà Trống phải hi sinh bộ phận dương vật để anh Vịt Trống yên tâm cho chị Vịt Mái chở Gà Trống trên lưng. Vì sự sống của muôn loài, anh Gà Trống chấp nhận sự hy sinh, và dương vật của anh bị cắt đi.

Cuộc hành trình của chị Vịt Mái chở anh Gà Trống đi gọi Mặt trời trở về với mặt đất đã thành công. Mặt đất đã có ánh sáng và hơi ấm trở lại, nhưng cả dòng họ Gà Trống mất đi dương vật. Khi truyền giống chỉ phóng tinh qua gà mái một cách nhanh chóng, chớp nhoáng.

2/ Gà là Khắc Tinh của Con Rết:

Truyện Tiết Ðinh Sơn Chinh Tây, kể rằng, vào đời nhà Ðường, trong khi lâm trận, có một tướng giặc dùng pháp thuật phất lá cờ Ngô Công (cờ vẽ hình con Rết) lên trời là có hàng vạn con rết độc nhào xuống cắn chết quân binh của nhà Ðường. Tướng Tiết Ðinh Sơn bất lực, không có cách gì ngăn được pháp thuật Ngô Công, phải nhờ đến Phàn Lê Huê. Phàn Lê Huê được tôn sư Lê Sơn Thánh Mẫu, cho mượn lá cờ Kim Kê (cờ vẽ hình con Gà) để trừ giặc Rết. Khi lâm trận, Phàn Lê Huê phất cờ Kim Kê, lập tức hàng ngàn con gà đổ ra mổ nuốt hết hàng vạn con rết. Từ đó, người ta mới biết Gà là khắc tinh của rết, rết với gà thù nhau không đội trời chung.

Dân gian Việt Nam kể rằng người bị rết cắn, nọc độc gây nhức nhối, đau đớn suốt đêm, đến khi gà gáy sang thì hết nhức. Truyền thuyết này có lẽ bắt nguồn từ truyện Tây Du Ký, hồi thứ 55: Đường Tăng cùng Tôn Ngộ Không, Trư Bát Giới và Sa Tăng trên đường đi thỉnh kinh, Trư Bát Giới vì tham ăn tại Hoàng Hoa Quán, bị con yêu tinh gốc bọ cạp (Rết) chích độc, làm cho nhức nhối đau đớn không có gì trị được. Tôn Ngộ Không tìm ra manh mối, liền mời Mão Nhật Tinh Quân (Con Gà) đến gáy và hàng phục yêu tinh. Độc rết được trừ diệt.

Theo một số kinh nghiệm thì khi người bị rết độc cắn, cơ thể bị sưng tấy và nhức nhối đau đớn vô cùng. Nhưng cơn đau chỉ kéo dài đến lúc gà gáy sáng là chấm dứt, vì rết rất sợ gà nên chất độc cũng tan đi. Kinh nghiệm này cũng chỉ là truyền tụng, chưa thấy sự kiểm chứng nào.

VÀI CHUYỆN GÀ TRONG LỊCH SỬ

1/ Chuyện “Gân Gà và Cái chết của Dương Tu”:

Trong truyện “Tam Quốc Chí” của Trung Hoa, có câu chuyện liên quan đến cái gân gà. Ðó là việc Tào Tháo đã ra lệnh giết Dương Tu vì mật lệnh “Gân Gà”[Kê cân – có nơi viết là Kê lặc, sườn gà].

Lúc bấy giờ, Tào Tháo giữ chức Thừa Tướng của triều đình nhà Hán. Ông ta là một tay nhiều mưu lược, nhưng đa nghi, ác độc và nham hiểm. Dương Tu là một mưu sĩ, thông minh, kiến văn cao rộng, giữ chức Hành Quân Chủ Bạ dưới quyền của Tào Tháo, thường đọc được ý nghĩ thầm kín của Tào.

Tào Tháo rất nhiều tham vọng về quyền lực và lãnh thổ, nên thường đưa quân đi đánh chiếm các nước lân bang. Trong trận Hán Trung, quân Tào Tháo bị quân của Lưu Bị [Lưu Huyền Ðức] và quân sư Khổng Minh (Gia Cát Lượng) ngăn chận không tiến quân được. Tào nghe Hạ Hầu Uyên bị giết, muốn đem quân giải cứu, nhưng 40 vạn quân đã bị phá. Quân Tào Tháo đóng tại Tà Cốc, tiến không được mà đóng lại lâu không ích gì, nhưng bỏ đi thì uổng. Buổi tối, tướng Hạ Hầu Ðôn vào bản doanh của Tào Tháo để xin “mật lệnh” cho ngày mai, gặp lúc Tào Tháo đang dùng chén “thang gà”, đang gặm một cái gân gà, ông buột miệng nói “gân gà”.

Hạ Hầu Ðôn nhận mật lệnh “kê cân”và truyền lại cho quân tướng. Không ai hiểu mật lệnh ấy nói gì. Dương Tu tự mình lo thu xếp hành trang và bảo các quân tướng hãy thu xếp chuẩn bị rút quân. Dương Tu giải thích rằng: mật lệnh của chủ tướng là “Gân Gà”[Kê cân] mà “gân gà” là cái ăn chẳng ngon, nhưng bỏ đi thì tiếc, chẳng khác nào đất Hán Trung này, bỏ đi thì tiếc, mà ở lại thì không có lợi gì, nên ta nghĩ là Ngụy Vương muốn bỏ, để rút quân về.

Mọi người khen Dương Tu là thông minh hiểu được tâm ý của chủ tướng, nên cũng làm theo. Ðêm ấy, Tào Tháo thao thức, không ngủ được, liền cầm gươm đi tuần tra quân tình, thấy mọi người đều thu xếp hành trang, Tào Tháo hỏi ai ra lệnh thu xếp hành trang rút quân? Hạ Hầu Ðôn nói đó là ý của quan Hành quân Chủ bạ. Tào Tháo ra lệnh chém Dương Tu vì tội làm rối loạn lòng quân, đem đầu bêu trước quân trại để răn đe quân tướng. Sau đó, Tào Tháo ra lệnh rút lui.

Theo truyện Tam Quốc, thì Tào Tháo đã có lòng ghét Dương Tu từ lâu, vì ông này đã đọc được những ý nghĩ thầm kín của Tào Tháo. Lần thứ nhất, Tào Tháo ra lệnh xây cổng vào Hoa viên, khi xây xong, rước Tào Tháo ra xem. Xem xong, Tào không nói gì cả, lấy giấy viết một chữ “hoạt” dán vào giữa cổng. Ðám thợ xây cất, không hiểu Thừa Tướng muốn nói gì? Dương Tu bảo: “Thừa tướng chê rộng, chữ Hoạt nằm giữa chữ Môn thành chữ “Khoát” là rộng.” Thợ liền chữa cho hẹp bớt lại.

Tào Tháo đến xem, rất vừa ý, hỏi ai bảo xây hẹp lại, mọi người nói Dương Tu. Tào nghe nói, ngỏ lời khen Dương Tu thông minh, nhưng trong lòng không ưa.

Lần thứ hai, có người dâng lên thừa tướng một lu sữa, Tào Tháo lấy bút đề vào hai chữ “Nhất Hiệp” rồi để lu sữa ở cổng. Dương Tu liền gọi các quan đến, mời mỗi người ăn một phần, hết sạch. Tào Tháo hỏi ai cho phép ăn, Dương Tu nói chính Thừa Tướng ra lệnh: mỗi người một phần ăn, chữ nhất là một, chữ Hiệp gồm có chữ Nhân là người, chữ Nhất là một, chữ Khẩu là miệng ăn (Nhân nhất khẩu ). Tào Tháo khen giỏi, nhưng trong lòng sinh ghét thêm. Vì vậy, đến “Gân gà” là lần không thể tha thứ được (Sự bất quá tam).

Có thể nói cái chết của Dương Tu nằm trong trường hợp “chết vì quá khôn lanh” như trong câu ngạn ngữ “Khôn cũng chết, dại cũng chết, biết là sống”.

2/ Con Gà và Hiền Triết Diogène:

Diogène (de Sinope ố 412-323) là một hiền triết Hy lạp, phái Cynisme (khuyển như /dog-like) đồng thời với triết gia Platon (427-347 B.C.). Diogène lấy một cái thùng đựng rượu làm chỗ ở, ông coi thường nền văn minh Hy Lạp, chủ trương đời sống thiện hảo là đời sống giản dị và tự chủ. Diogène nổi tiếng thông minh và có tài khôi hài, châm biếm.

Tương truyền rằng một hôm, nhà hiền triết Platon (môn đệ ưu tú của Socrate) giảng cho các môn sinh về ý niệm “người”, nói rằng “người là một con vật có hai chân mà không có lông vũ”. Diogène đã chế nhạo câu định nghĩa quá ư đơn giản của Platon một cách dí dỏm: hôm sau, Diogène lấy một con gà trống, vặt trụi lông, đem đến thả vào trường học của Platon và bảo: “Ðây là thằng người của Platon đấy!”

3/ Con Gà Trống và Ông Bà Tổng thống Mỹ:

Nhân dịp đi thăm một trại gà nổi tiếng, Tổng Thống và Ðệ nhất phu nhân chia nhau đi xem các khu nuôi gà. Ðệ nhất phu nhân đi ngang qua chỗ gà trống đang gieo giống, đứng lại nhìn cảnh gà trống đạp mái, rồi hỏi người hướng dẫn:

– Mỗi ngày con gà trống đạp mái mấy lần?”.

Dạ thưa bà, trung bình là 10 lần.

Chốc nữa, Tổng Thống đi qua đây, anh hãy nói cho ông ta biết điều đó.

Ðệ nhất phu nhân dặn người hướng dẫn.

Một lúc sau, đến lượt Tổng Thống thăm khu gieo giống, người hướng dẫn nói với Tổng Thống là “Ðệ nhất phu nhân bảo tôi nói lại với Tổng Thống là con gà trống đạp mái trung bình 10 lần một ngày.” Vị Tổng Thống hỏi lại “Có phải chỉ với một con mái thôi không?” –  Dạ thưa Tổng Thống, với nhiều con mái khác nhau ạ.” Tổng Thống dặn “chốc nữa bà quay lại đây, anh hãy nói cho bà biết việc này.” (American Humours).

NGUYỄN CHÂU

 

up

AcDieu
Google Search:       
RFI
Nguoi_Viet
RFA
Quan_Su_VNCH
Quân Sử VNCH
Voa_tieng_Viet
msn
BBc_Tieng_Viet
Dan_lam_bao
Radio_VNHN

TIME