AcDieu225
Co Vang amazon Tammy

Free Hit Counters
Web Site Hit Counters

cam-on-anh_TPB (2).jpg

Cần Thơ sóng nước xôn xao

Từ mạn cuối trời có hai cách để đi Cần Thơ: đường bộ và đường THỦY. Với dân miệt dưới, hai tiếng “Cần Thơ” nghe nao nức như thể đó là nơi bắt đầu cho tất cả. Cũng đúng thôi.

Cần Thơ của miệt ruộng Bạc Liêu – Sóc Trăng để lúa gạo đi qua. Cần Thơ cho khóm, mía và cá của U Minh quá cảnh trước khi chúng đi xa nữa. Cần Thơ cây trái ở ngoại vi như cánh hoa với đài hoa. Vì vậy Cần Thơ thơm thơm phố thị, hấp dẫn, thân thiện, không nhiều cạm bẫy.

Năm 11 tuổi, cô bé mơ mình sẽ là nhà văn, nhà báo lần đầu được cô và chị cho đi Cần Thơ. Quần áo mới, chao ơi, mùi vải tinh khôi, guốc gỗ tinh khôi và cảm xúc thì cực kỳ tinh khôi, không thể phai mờ. Nhà sống bằng nghề vườn, cam quýt, sapôchê, cau trầu, nông sản đựng trong những cần xé lớn tướng. Đường thủy được chọn, một chiếc tàu đò lực lưỡng, khách có thể giăng võng ngủ vùi giờ này sang giờ khác, suốt một ngày đường.

Can_tho

Đường phố Cần Thơ xưa. Ảnh TL

Nhà văn tương lai không ngủ. Tâm hồn mẫn cảm lên tiếng rằng ngủ sẽ phí lắm. Kênh xáng Xà No, “con đường lúa gạo” của Nam kỳ hiện ra kỳ lạ trong mắt trẻ. Thăm thẳm và thẳng như sợi chỉ giăng mà thầy dạy sử từng thôi miên học trò trên lớp. Thầy kể, sau khi khai thông con kênh đào lịch sử này, vào ngày 18.12.1928, viên Toàn quyền Đông Dương quyết định thành lập thành phố Cần Thơ, thành phố đầu tiên của vùng Nam sông Hậu có thị trưởng và ngân sách riêng. Còn trước đó thì sao, thưa thầy? Thầy vỗ trán như để gọi những con số đang nằm sâu bên trong bộ trí nhớ siêu việt ấy thức giấc. Trước đó, cái tên Cần Thơ xuất hiện từ thời Minh Mạng năm 1832, là một trong bốn tổng của tỉnh Vĩnh Định. Khi người Pháp chiếm đóng, thống đốc Nam Kỳ vào ngày 23.2.1876 thành lập hạt Cần Thơ gồm 9 tổng, 119 làng, dân số là 53.910 người. Hạt Cần Thơ, các em biết không, hạt là tiểu vùng. Hạt Cần Thơ, nghe có thơ không? Mười ba năm sau nữa, hạt được đôn lên thành tỉnh, Cần Thơ là một trong 20 tỉnh của Nam kỳ vào cuối thế kỷ 19 đó.

Chiếc tàu đò đưa những chàng trai cô gái con nhà khá giả về lại trường học sau mấy ngày về thăm nhà ở hai bên kênh xáng, mùi thơm của tri thức tỏa ra trên người họ, đôi giày bata, bộ đồ đồng phục xanh và trắng. Chiếc tàu lướt giữa đôi bờ vườn tược ngút ngàn, nối dài nghề vườn của người Cần Thơ với những vùng xa khuất như thể những dấu chân âm thầm của cha ông Nam tiến miệt mài. Đến ngoại vi Cần Thơ thì sóng nước đã xôn xao chào đón và những cái tên nghe sang trọng quá chừng: Phong Điền, Bình Thủy, Long Tuyền, Mỹ Khánh, Giai Xuân. Chiếc tàu đò đưa nông sản cho chợ nổi Cái Răng mà thời ấy, là những chiếc ghe vựa tầm nhỏ và những cây bẹo chưa nhiều chiêu thức PR như bây giờ. Chợ nổi giữa sông, nơi ngã ba chập chã, chập chã. Những chiếc ghe tam bản nhà nông tay chèo lướt ra từ mạng nhện ngòi và rạch bu quanh những nhà vựa bập bềnh kia. Nón khăn xống áo phấp phới, hoa và trái. Con tàu lại lướt đi, một nhánh sông Cần Thơ xẻ thành phố làm đôi, lại miên man vườn đối diện với bờ kia, nhà xưởng, chành lúa, trường học, bệnh viện, công sở.

Phía trước đã là vàm sông, nghe thấy sông Hậu thở hơi thở của người khổng lồ. Bà cô bảo ở đây chưa nhìn thấy bến bắc, tối nay đi xe đêm lên Sài Gòn sẽ biết. Cô bé 11 tuổi thực sự đặt bàn chân lên một nơi đích thị “trên bến dưới thuyền”, thầy ơi, lịch sử đang nói với em điều gì vậy thầy, cô bé nhớ và dào dạt cảm ơn thầy giáo sử của mình. Bà chị ngoắc một bé trai tay lắc chuông, vai đeo chiếc thùng cà rem. Em chọn cây cà rem màu xanh phớt, hấp tấp bóc tờ giấy bọc, mút kem. Chị dặn em đứng yên đây nghe, dưới cột đèn ba ngọn đây nghe, kế mấy bà bán bắp luộc đây nghe, để chị đi kêu xe ba gác chở hàng lên bến xe, nghe. Ký ức cất giữ mãi mãi hình ảnh này, cây kem que, vắt nước đá bào rưới đẫm xi rô, những chiếc tủ bánh mì kẹp thịt, những dãy phố hai tầng chạy dài, một ngôi chùa của người Hoa, tà áo dài của cô giáo và nữ viên chức, tấm lưng đẫm mồ hôi của phu xích lô và tiếng tàu ghe chộn rộn không ngớt dưới cái bến có tên mỹ miều hết cỡ: Ninh Kiều.

Can_tho

Bến Ninh Kiều – Cần Thơ 1966/72. Ảnh James M. Kraft

Cần Thơ đặc sắc như là duy nhất với khu phà hai bến không ngủ, đêm ngày. Người đi háo hức, bên kia là sự trù phú nhất đẳng của sông Tiền và lên nữa, là Sài Gòn hoa lệ. Người về trầm ngâm lúc chờ phà, sông Hậu hiền như mẹ hiền, bao dung, bát ngát. Ở đây mới thấy rõ cột vi ba có từ nảo đời nào, mái ngói dinh thự công và tư có từ thời hoàng kim của ngưới Pháp với xứ này. Và như nghe thấy mùi ẩm thực của giao thoa Hoa – Kinh – Khmer làm nên mùi phố thị trăm năm.

Năm 1976, vâng, đúng 100 năm từ khi Cần Thơ là hạt với 9 tổng. Thời điểm thành dấu son vừa chung vừa riêng của một người từng đứng mút kem dưới trụ đèn ba ngọn trên bến Ninh Kiều. Năm 1976 ấy, trong ngôi nhà mặt phố nguyên vẹn kiến trúc Pháp, những người làm báo kháng chiến của Khu 9 (Tây Nam bộ) và của tỉnh Cần Thơ được gom về một mối trước khi ai về tỉnh nấy để xây dựng quê hương. Hòa bình rồi, thống nhất rồi, tràn ngập hồ hởi “thay trời đổi đất, sắp xếp lại giang sơn”. Năm ấy người phụ nữ mê văn và sử mới có thời giờ ngồi lại với viết lách, bằng sợi dây võng, nối chiếc bàn đêm đêm với đứa con trai vừa sinh 1976, Bính Thìn. Những lúc thư nhàn, ngôi nhà cách bến Ninh Kiều có mươi bước chân, nhà văn trẻ thả hồn cho sông nước. Nhớ thầy quá chừng, thầy đi kháng chiến và thầy đã nằm lại rồi tan vào lòng đất như bao người. Thầy nói, phải mất 45 năm nhà Nguyễn mới vượt được sông Hậu vì thời đó quân đội của Mạc Cửu đến trước quá mạnh. Mãi rồi họ mới thần phục chúa Nguyễn và bờ cõi chúng ta mới có thế tận cùng như bây giờ. Núi xương và sông máu, thầy ơi, trong đó có máu của thầy cho quốc gia, dân tộc, hôm nay.

Can_tho

Bến Ninh Kiều thế kỷ 21. Ảnh: T.L

Cần Thơ một lần nữa lại được sắp xếp, là tỉnh lỵ trung tâm của một tỉnh lớn với số dân gần bằng nước Mông Cổ. Hậu chiến chưa xong, đã lại chiến tranh ở cực Bắc và cực Tây Nam. Người phố thị đi kinh tế mới, trốn về, kéo nhau làm dân di tản. Trai trẻ bổ sung cho quân ngũ, cho xây dựng nông thôn, suốt ngày “con kênh ta đào chưa có nước chảy qua”. Thủ phủ một thời quạnh vắng như một thị trấn, thị tứ xa xưa. Trụ đèn ba ngọn vẫn còn nhưng đêm đêm chỉ có một bóng điện chiếu sáng vì đất nước đang nửa chiến tranh nửa hoà bình. Người giàu “một đi không trở lại”, doanh nhân không được phép sinh ra, lớp trí thức mới được dạy phải biết khinh ai nói rằng “phi thương bất phú”.

Đất nước dồn nén và bừng tỉnh. Đầu thế kỷ 21, Cần Thơ trở lại chính danh là thành phố thủ phủ, đầu tàu. Việc đầu tiên của chính quyền trực thuộc trung ương là làm lại bến Ninh Kiều. Có thế chứ. Phục hồi phố đi bộ, phố mua sắm có từ thời thuộc Pháp và bảo tồn ngôi nhà lồng chợ có kiến trúc vào loại đẹp nhất nhì phố thị vùng Nam sông Hậu. Cái Răng, Phong Điền ngoại vi thành quận, cầu Cần Thơ tiễn bến bắc về quá vãng.

Dù sao vẫn là non trẻ, đô thị chưa đầy 140 năm đang hoàn thiện chính mình. Nhưng, như mọi miền đất của đất nước này, nó lưu dấu vào tâm khảm con người những nỗi thăng trầm bể dâu khiến lòng ta vừa ngậm ngùi xót thương vừa khấp khởi tin yêu, hy vọng.

Dạ Ngân

up

AcDieu
Google Search:       

Tin vui

Tin Buồn

 

RFI
Nguoi_Viet
RFA
Quan_Su_VNCH
Quân Sử VNCH
Voa_tieng_Viet
BBc_Tieng_Viet
Dan_lam_bao

TIME