AcDieu225
Co Vang amazon Tammy

Free Hit Counters
Web Site Hit Counters

Khách viếng thăm

Translate

Powered by Translate

cam-on-anh_TPB (2).jpg

Tay Chơi Tướng Công Giang Sơn Một Gánh

DƯỠNG CHÂN

image

Đền thờ Nguyễn Công Trứ ở Kim Sơn, Ninh Bình (wikipedia)

Giới Thiệu: Sinh đúng năm Mậu Tuất 1778, cách nay 240 năm, và mất năm 1858, 160 năm trước, Nguyễn Công Trứ là nhân vật lỗi lạc trong nhiều khía cạnh. Ông làm thơ, viết lời cho ca khúc, làm quan khá trễ vào đầu thế kỷ 19 với công trạng văn võ hiển hách lẫn kinh bang tế thế vì xây dựng đất sống cho dân nghèo. Nổi tiếng không kém là bước thăng trầm trên hoạn lộ trải dài 28 năm. Ôngbị giáng cấp nhiều lần, từ án sát, tổng đốc có khi bị đẩy làm lính thú - mà vẫn cười. Trong một Giai phẩm Xuân Mậu Tuất, xin nhớ về một nhân vật xuất chúng năm Mậu Tuất và tạ thế khi nước nhà bắt đầu bị thực dân Pháp tấn công năm 1858….

Tuổi tác tuy rằng chửa mấy mươi

Đổi thay mắt đã thấy ba đời

Ra trường danh lợi, vinh liền nhục

Vào cuộc trần ai, khóc trước cười

Chuyện cũ trải qua đà chán mắt

Việc sau nghĩ lại chẳng thừa hơi

Đã hay đường cái thời ra thế

Sạch nợ tang bồng mới kể ngươi.

Nguyễn Công Trứ viết như vậy trong bài thơ “Làm Quan Bị Cách”.

Chúng ta chẳng còn biết bài thơ xuất hiện năm nào, sau khi bị cách chức hay giáng chức lần thứ mấy mà ông lại buông lời chua chát như vậy? Chỉ biết Nguyễn Công Trứ, tự Tồn Chất, hiệu Ngộ Trai, biệt hiệu Hi Văn, người làng Uy Viễn, huyện Nghi Xuân tỉnh Hà Tĩnh đã đỗ Giải nguyên kỳ thi Hương năm 1819, rồi làm quan khá trễ, ở tuổi 42 khi Hoàng đế Minh Mạng, lên trị vì năm 1820. Sau đó là 28 năm hoạn lộ thăng trầm cho tới khi về hưu ở tuổi thất tuần, 1847, vào cuối đời Minh Mạng. Trong giai đoạn ấy, ông từng bị cách chức làm lính thú ở tuối 66, sau khi đã là Uy Viễn Tướng công, Tổng đốc. vv…

Nguyễn Công Trứ vào Huế năm 1820, khởi sự làm Hành tẩu sử quan trong Quốc Sử Quán vừa thành lập. Năm sau, ông đi chấm thi tại Huế và Sơn Nam ở miền Bắc, rồi năm 1824 thì làm Lang trung trong Bộ Lại, cơ chế đứng đầu Lục Bộ, và qua Quốc Tử Giám vài tháng rồi chuyển về làm Thiêm sự trong Bộ Hình. Năm 1825, ông làm Phủ thừa, chức vụ thứ nhì trong phủ Thừa Thiên, nơi có kinh đô Huế, rồi ba tháng sau lên làm Tham hiệp tỉnh Thanh Hóa để trực diện với vấn đề xã hội bên dưới là nội loạn.

Trong năm năm, ông làm bảy chức trước khi trở lại Quốc Tử Giám, là trung tâm đào tạo nhân tài cho triều đình, dưới sự điều động của các danh sĩ trung kiên uyên bác thường được Hoàng đế trực tiếp tham khảo ý kiến. Khi nhận trọng trách trong Quốc Tử Giám, quan lộ của ông được thượng cấp đánh giá là “trên trung bình”. Thực tế thì ông kiêm nhiệm hai chức Phủ thừa (nay có thể gọi là phó tỉnh trưởng) lẫn Tư nghiệp trong Quốc Tử Giám, là vừa lo việc hành chánh vừa là tham mưu cho nhà vua.

Tuy nhiên, trong các chức vụ gần mặt trời như vậy, ông chưa có dịp thi thố tài năng và hoài bão, nhất là các tư tưởng kiến quốc an dân mà ông đã trình bày trong thơ văn, và sớm nhất là trong bài “Thái Bình Thập Sách” dâng lên Gia Long khi người sáng lập nhà Nguyễn kinh lý Bắc Hà vào mùa Thu năm 1803.

Hoạn lộ của Nguyễn Công Trứ có bước ngoặt đầu tiên khi ông làm Tham hiệp tại Thanh Hóa ở miền Bắc và thấy ra mối nguy của nạn cướp bóc, nổi loạn khiến dân tình điêu đứng. Ông có dâng biểu về triều đình để xin tiễu loạn, bằng quân sự. Từ kinh nghiệm thực tế đó, ông được cử đi dẹp loạn Phan Bá Vành trong các năm 1826-1827, rồi nổi tiếng với nhiều chiến công.

Từ văn, Nguyễn Công Trứ bước qua võ vì hiểu được tình trạng bất an của các tỉnh Nghệ An, Thanh Hóa tại miền Bắc. Nơi đây dân tình đã khổ vì cường hào ác bá, còn gặp nạn đao binh của thành phần chống chính quyền Huế ở Đàng Trong hoặc vẫn luyến tiếc nhà Lê. Tình trạng loạn lạc ấy lan từ miền Bắc tỉnh Thanh Hóa đến các tỉnh Nam Định, Thái Bình, Hải Dương, lên tới Tuyên Quang, Quảng Yên… với vụ Nông Văn Vân năm 1833 là một tiểu biểu.

Đâm ra Bài toán Nam-Bắc, hay ảnh hưởng của triều đình Huế ra khu vực Bắc Hà cũ, xưa kia là đất cai trị của Lê-Trịnh, là khung cảnh bất ngờ của hoạn lộ Nguyễn Công Trứ. Nhưng cũng là cơ hội chứng tỏ tài năng cầm quân dẹp loạn và trở thành Uy viễn Tướng công chống quân Xiêm La sau này trong cuộc chiến Việt-Xiêm để giành ảnh hưởng trên đất Chân Lạp!

Sau thành tích dẹp loạn Phan Bá Vành, mùa Thu năm 1827, Nguyễn Công Trứ được điều về Kinh làm Thị lang Bộ Lễ, có dịp trực tiếp tâu bày với Minh Mạng về tình hình các địa phương lẫn thái độ và phẩm hạnh quan lại. Từ đó ông được yêu cầu hoàn chỉnh chánh sách thanh lọc nhân sự và qua năm sau làm Thị lang Bộ Hình, một Thứ trưởng bộ Tư Pháp thời nay!

Như vậy, Nguyễn Công Trứ am hiểu khúc mắc chính trị trong bộ máy công quyền tại trung ương lẫn các bài toán bình định ở nhiều địa phương sau mấy trăm năm nội chiến mới một lần được thống nhất từ năm 1802 mà thôi.

Một bước ngoặt thứ hai trong sự nghiệp làm quan của Nguyễn Công Trứ là từ những gì đã thấy tại chỗ trong việc tiễu trừ loạn lạc vào các năm 1826-1827. Ông dâng lên triều đình Minh Mạng bài sớ có ba thỉnh nguyện: giải quyết vấn đề của kẻ nổi loạn và của nha lại địa phương cho nông dân nghèo không có đất canh tác.

Lý do nổi loạn không chỉ vì giặc Ngụy Tây của nhà Tây Sơn đã sụp đổ 25 năm rồi mà vì các vua Lê lẫn Chúa Trịnh không ổn định được Bắc Hà từ mấy trăm năm trước nên mới sanh ra nạn cường hào ác bá và thủ lãnh địa phương. Vì vậy mới cần tăng cường binh bị để xây dựng nền móng căn bản trong tinh thần ngụ binh ư nông. Chuyện quan lại thì vì có quá nhiều quan mà bổng lộc quá ít nên ông đề nghị sa thải phân nửa và tăng lương cho những người cần mẫn còn lại. Chỉ hai đề nghị ấy cũng đủ gây ra nhiều kẻ thù!

Đề nghị thứ ba là khẩn hoang cho dân nghèo có đất canh tác là sáng kiến kinh tế xã hội khiến Nguyễn Công Trứ được cử làm Dinh Điền Sứ sau khi trực tiếp tâu bày với Minh Mạng.

Ông tổ chức lại bộ máy cai trị và thuế khóa từ cấp xã ấp trở lên và qua hai mùa Đông-Xuân của các năm 1828-1829 đã lập ra hai huyện Kim Sơn tại Ninh Bình và Tiền Hải tại Thái Bình. Chi tiết về việc tham khảo, tâu bày, kiểm tra và thực hiện hai chương trình ấy cho thấy tâm tình thực tiễn và mẫn cán của Nguyễn Công Trứ mặc dù quanh Minh Mạng có khá nhiều người phản bác. Họ sống trên tháp ngà từ xa nhìn xuống và nghi ngờ con người năng nổ!

image

Từ thời 1828-1829, Nguyễn Công Trứ lập ra hai huyện Kim Sơn tại Ninh Bình và Tiền Hải tại Thái Bình. Hình: Sáng kiến quai đê lấn biển nay vẫn được dân tiếp tục.

Nguyễn Công Trứ đã biết thế nào là nghèo đói từ thuở hàn vi và cố tìm giải pháp khi có cơ hội. Sự phán xét của chính người dân ở dưới mới là sự thật lịch sử. Ông được họ lập sinh từ, đền thờ khi còn sống, để ca tụng công đức của ông.

Nhưng ý dân chưa là ý trời, trong từng bước thi hành việc khẩn hoang và cải thiện cuộc sống người dân, Nguyễn Công Trứ gặp nhiều trở ngại, lại còn bị vu cáo khiến ông về kinh giải trình sự việc. Đấy là lúc Minh Mạng cho thấy bản lãnh của mình. Minh Mạng tin vào việc làm của Nguyễn Công Trứ ở xa nhưng vẫn cần các vị quan ở gần: họ là rường cột từ thời nội chiến sau nhiều năm củng cố quyền lực của trung ương. Bài toán không là cá tánh bướng bỉnh hay sự kiên định của Nguyễn Công Trứ!

Những vận hạn sau đó của ông đã trở thành giai thoại trong dân gian.

Nhớ lại công lao của một nhân vật xuất chúng sinh vào ngày Tết Mậu Tuất, đời sau chẳng nên quên vài ba đặc điểm của thời đại Nguyễn Công Trứ.Thứ nhất, vì nhu cầu tập trung quyền lực, tầng lớp quan lại có những mâu thuẫn về xuất xứ, nhận thức, hành động, chủ trương và tư tưởng lẫn tư lợi và cả sự kiêu mạn. Nguyễn Công Trứ thừa tự tin mà cũng dầy kinh nghiệm quan trường nên vẫn giữ được thanh danh của mình và sự quý trọng của người dân.

Minh Mạng là ông vua rất sáng khi biết khai thác những mâu thuẫn đó trong bộ máy cai trị. Hai ông kế vị là Thiệu Trị và Tự Đức thì không bằng, nên khi thực dân Pháp tấn công từ năm 1858 thì triều đình bị khuất phục dần dần và giang sơn bị cắt làm ba.

Khi ấy, Nguyễn Công Trứ đã về hưu được 10 năm và ở tuổi bát tuần vẫn xin Tự Đức cho cầm quân chống giặc. Ông tạ thế trước khi thấy cảnh nước mất nhà tan….

Nhưng vì sao con người rất tỉnh táo về danh lợi và những gian truân trên hoạn lộ mà vẫn đầy nhiệt huyết như vậy? Chúng ta phải tìm giải đáp không qua sử liệu mà trong thi ca của ông.

Các bài thơ và lời ca trù trứ tác thuở hàn vi, qua 25 năm chờ thời trước khi làm quan vào tuổi 42, rồi khi từ quan về thú điền viên cho đến ngày tạ thế, không chỉ là kho tàng văn học mà còn là trứ có ý nghĩa tâm lý xã hội học về một nhân vật đã kết tụ các ưu điểm của một nền văn hóa sắp tiêu vong.

Nguyễn Công Trứ biết hết, dù biết mà vẫn dám làm, khi làm thì vẫn biết cười. Đáng kể hơn cả, tiếng cười lớn nhất của ông lại ném vào chữ danh vọng! Còn lại, bốn ngón cầm kỳ thi tửu lẫn bao cuộc tình với giai nhân ca kỹ ông đều tận hưởng, rồi còn dặn lại chúng ta rằng “nghề chơi cũng lắm công phu”.

Chơi như thế mới là chơi thật!

Chuyện giang sơn một gánh, có giai thoại thường được kể về ông.

Nguyễn Công Trứ ra làm quan ở tuổi khá trễ là 42. Sau 28 năm nổi trôi chốn quan trường thì được 10 năm hưu nhàn trước khi tạ thế ở tuổi bát tuần. Như vậy, phân nửa cuộc đời trai trẻ và trung niên của ông thuộc giai đoạn hàn vi nghèo khó. Nhưng ngay từ khi còn trẻ, ông đã có nỗi đam mê tình ca, tình và ca, của một nghệ sĩ: Nguyễn Công Trứ làm thơ và viết lời từ cho nhạc, là các bài ca trù nổi tiếng nhất của văn học Việt Nam.

Khi tuổi về hưu, ông còn ỡm ờ với tình. Bài ca trù “Tuổi già cưới vợ hầu” làm chúng ta giật mình với câu “Tân nhân dục vấn lang niên kỷ? Ngũ thập niên tiền nhị thập tam!” Cô dâu muốn hỏi tuổi đức lang quân thì biết “năm mươi năm trước tớ hăm ba”! Thưa nàng ta đã bẩy ba…

Trong hơn trăm bài thơ hậu thế còn ghi lại - quá ít ỏi so với cuộc đời phong phú của ông - có nhiều bài ca trù đáng nhớ. Và trong các cuộc tình của ông với thơ, với nhạc và ca kỹ, nổi tiếng nhất vẫn là với nàng Hiệu Thư.

Thời trẻ, Nguyễn Công Trứ là một nghệ sĩ có tài. Chẳng khác gì Phạm Duy đời nay, ông là gã “rong ca”: ôm đàn theo phường hát ca trù lưu diễn nhiều nơi. Ngoài đóng góp về đàn, hát ông còn viết lời ca, nên mới được làm “kép hát”.

Thời ấy, phường ca trù nổi tiếng làng Cổ Đạm có một danh ca tài sắc hơn người. Từ làng Uy Viễn ôm đàn theo nàng, có bữa hai người qua đồng không mông quạnh. Kép Trứ bèn cung kiếm ra tay khiến nàng chau mày ứ hự. Ôi, ngôn ngữ tuyệt vời. “Ứ hự” là lời cự tuyệt, mắng yêu hay là tiếng thán từ, biểu lộ cái gì đó.

Vài chục năm sau, khi đã tiễu trừ Phan Bá Vành ở Nam Định vào các năm 1826-1827 và làm Tham tri Bộ Binh kiêm Tổng đốc Hải An (hai tỉnh Quảng An và Hải Dương), Nguyễn Công Trứ cho tổ chức một cuộc hát tại tư dinh, cho mời các danh kỹ trong vùng tới trình diễn. Trong số nghệ sĩ, có người nhận ra quan Tổng đốc ngồi trên là chàng “Kép Trứ “ năm xưa. Vì vậy, khi đàn kêu tích tịch tình tang, bỗng có giọng âm vang:

Giang sơn một gánh giữa đồng,

Thuyền quyên “ứ hự” anh hùng nhớ chăng?

Là người có ký ức, nghe câu hát, Tổng đốc Nguyễn Công Trứ giật mình nhơ. ù Ngài nhìn lại nàng ca kỹ vừa hát,thảng thốt hỏi:

- Có phải… Hiệu Thư đó không?

Khi biết Hiệu Thư vẫn phòng không, quan Tổng đốc liền quyết định cưới nàng làm thiếp.

Đời sau ghi lại, năm 1833, Nguyễn Công Trứ được cử đi dẹp loạn Nông Văn Vân từ Tuyên Quang ra tới vùng biển Quảng Yên. Khi ấy, dù gian lao vất vả Hiệu Thư vẫn theo chồng lo việc quân. Nhờ vậy, ta mới có câu thơ tương truyền là của Nguyễn Công Trứ về bậc nữ lưu anh hùng không chỉ biết kim chỉ thêu thùa:

Đành nhẽ cầm thư mà kiếm mã

Ai hay kim chỉ cũng anh hùng.

Bài viết này được gợi ý từ một tiểu luận của Giáo sư Keith W. Taylor, “Nguyễn Công Trứ at the court of Minh Mạng”, do Journal of Southeast Asian Studies, do Đại học Cambridge xuất bản, Volume 47 / Issue 2 / June 2016, trang 255-280.

Giáo sư Taylor là một sử gia và chuyên gia về văn hóa Việt Nam thuộc Đại học Cornellø. Ôâng là nhà nghiên cứu nghiêm túc về thi ca Việt Nam và và hoàn cảnh lịch sử. Trước khi luận về Nguyễn Công Trứ, Keith W.Taylor lận về Nguyễn Du và giới thiệu sách “The Kim Can Kieu” of Nguyen Du (1765-1820), bản dịch của Vladislaw Zhukov do Cornell University Press xuất bản năm 2013.

Kính xin cảm tạ Giáo sư Keith Taylor.

Dưỡng Chân

Nguồn: https://vietbao.com/a278405/tay-choi-tuong-cong-giang-son-mot-ganh

up

AcDieu
Google Search:       
RFI
Nguoi_Viet
RFA
Quan_Su_VNCH
Quân Sử VNCH
Voa_tieng_Viet
msn
BBc_Tieng_Viet
Dan_lam_bao
Radio_VNHN

TIME