AcDieu225
Co Vang amazon Tammy

Free Hit Counters
Web Site Hit Counters

Khách viếng thăm

Translate

Powered by Translate

cam-on-anh_TPB (2).jpg

TRUYỆN NGẮN - TÙY BÚT

Chút tình năm xưa

- Túy Trước

Sóc Trăng cách Bạc Liêu có 50 cây số, cở 30 mile. Chút đó thôi, mà khi xưa tôi nghe nó xa diệu vợi làm sao. Lần đầu tiên tôi đặt chân vào thành phố Sóc Trăng năm 17 tuổi, sau lớp 11 trung học để đi thi tú tài 1. Nghỉ cũng tội một cuộc thi nhí như vậy mà Bạc Liêu lúc đó cũng không có. Phải “lên tới” Sóc trăng thi. Những năm gần đây Bạc Liêu đã có được trường đại học, một hành trình dài gần nửa thế kỷ. Tôi chắc bây giờ Bạc Liêu không những chỉ thi học, mà thi đẹp như thi hoa hậu cũng có thể tổ chức cấp kỳ.

Năm đó theo dự tính tôi sẽ lên Sóc trăng trước vài ngày để chuẩn bị tinh thần thi. Nhưng tuần lể trước ngày thi bà nội tôi bịnh phải vào nhà  thương. Trước ngày dự định đi Sóc Trăng tôi lên nhà thương thăm và từ giả Bà. Bà cháu thủ thỉ dặn dò. Trên giường bịnh, Bà nói ráng thi cho đậu, rồi móc hầu bao Bà cho tôi tiền bảo bỏ túi ăn hàng. Đó là lần cuối cùng bà cháu tôi bên nhau. Qua ngày sau Bà hôn mê luôn, bịnh viện cho về nhà. Hôm ấy hầu hết dám bạn bè tôi đã khăn gói quả mướp đi Sóc Trăng. Chuyến đi của tôi đình lại vô thời hạn. Thay vì relax để chuẩn bị tinh thần thi, tôi cùng các anh chị em tôi phải tức tốc, nổ lực lo “di tản” hàng tạp hoá chứa ngổn ngang trong nhà để dọn chổ mang bà về và hậu sự. Vì nhà neo người, hôm đó những thùng hàng nặng mười mấy hai chục ký nhưng tôi mang xốc đi te te, đúng là gái mười bảy bẻ gảy sừng trâu!

Ngày thi tú tài ở Sóc Trăng chỉ còn vài hôm thôi. Bà về nhà được một hôm thì mất. Ai cũng buồn và đa đoan lo cho tang lể nên tôi không dám hỏi còn cuộc thi của tôi thì sao? Hôm sau gia đình phát tang. Nhận tang xong ba tôi bảo tôi, thôi đi thi đi, nhận tang xong coi như xong rồi. Tôi đáp chuyến xe cuối cùng trong ngày lên Sóc Trăng. Tôi xin cám ơn một chị bạn đã nán lại để đáp chung chuyến xe đi cùng với tôi hôm đó.  Gia đình tôi không có ai quen ở Sóc Trăng, nên tôi trọ nhà bác của chị. Thửa đó chưa có GPS, không người dẩn đi khó tìm tới chổ.

Khi tới Sóc trăng trời đã tối không thấy gì hết, nên tôi cũng không có first impression gì cả, cho dù thành phố đẹp hay xấu. Hôm sau tôi đã phải vào trường làm bài thi túi bụi.  Tôi không nhớ lúc đó thi mấy ngày, hình như ba ngày thì phải. Thi xong tôi tức tốc trở về nhà cho kịp ngày đi mở cửa mả cho Bà. Tôi đã hoàn toàn vắng mặt suốt đám tang bà.

Cũng khó nói cuộc đời tôi ra sao nếu tôi lở cuộc thi năm đó. Năm sau cũng có cuộc thi tú tài 1 ở Sóc Trăng, nhưng ngồi lại lớp 11,  đi sau bạn bè thì cũng hơi khó. Tập album ảnh chụp những ngày tang lể Bà không có hình tôi. Sau nầy mấy đứa cháu hỏi sao không thấy hình cô trong đám ma Bà. Tôi đáp vì cô phải đi thi. Tuy đó là lý do thật chánh đáng, nhưng cũng là một thiếu xót không bù đắp được . Tôi thi đậu năm đó cũng có thể nhờ sức học của mình, cũng có thể nhờ Bà phù hộ, nhưng tôi chắc chắn số tiền Bà cho tôi bỏ túi để ăn vặt đã giúp tôi vững tâm làm bài thi. Sau đó số tiền để ăn vặt nầy đương nhiên đã dùng vào chuyện ăn vặt như bà bảo, vì tôi chưa từng nghe ai giử tiền để làm kỷ niệm bao giờ. Tiền xài hết nhưng tôi quyết chí năm sau thi đậu tú tài 2 ban toán cho Bà coi!

Đó là kỷ niệm vỏn vẹn của tôi với Sóc Trăng.  Một Sóc Trăng vội vàng tới để không bỏ cuộc thi. Một Sóc Trăng vội vàng đi để về cho kịp ngày khai mộ. Một Sóc Trăng mang tang.

Về hành chánh Sóc Trăng và Bạc Liêu có một lịch sử nhập chia khá dài với quận Vĩnh Lợi, nơi ghi trong giấy khai sanh của tôi. Quận Vĩnh Lợi, tỉnh Ba Xuyên, Sóc Trăng. Quận Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu. Ba Xuyên rồi Bạc Liêu, rồi Minh Hải (short life), rồi lại Bạc Liêu hồi hai.Tôi cũng không rỏ năm tôi sanh quận Vĩnh Lợi thuộc về ai, chắc có lẻ thuộc tỉnh Ba Xuyên.  Tôi chỉ có thể nhớ tên vài quận trong tỉnh Bạc Liêu như  Vĩnh Lợi, Vĩnh Châu, Phú Lộc, Phong Thạnh (Giá Rai). Còn Sóc trăng tôi chỉ nghe địa danh Bãi Xàu và hoàn toàn không biết tên các quận khác.

Phải cho tới tháng rồi nằm trên bải biển Magnolia ở Port Lavaca, Texas, tôi mới biết trước 75, Sóc Trăng có tám quận. Tôi nghĩ mình sống vô tình quá. Sóc Trăng kế bên Bạc Liêu mà mình chẳng biết nơi đó ra sao. Cũng như tôi sống ở Texas đã mấy chục năm, mà chẳng biết Texas có cảng Port Lavaca và bải biển Magnolia. Một nơi có những con cá đối  y hệt như những con cá đối khi xưa bán ở chợ cá Bạc Liêu, những con cá thuôn thuôn dài độ ba tất, có đuôi vàng và vẫy bạc óng ánh. Những con cá đối nằm trên cối đá….

Chúng tôi những người bạn quen nhau tình cờ bên lề quán cà phê Starbucks trong một khu shopping sang trọng.  Từ khi con dọn ra, nhà vắng đi. Thỉnh thoảng chiều cuối tuần tôi và ông xả tôi ra Starbucks ở đây vừa ngồi uống cà phê , vừa xem thiên hạ rảo phố và được nghe nhạc sống miễn phí. Ban nhạc dưới tàng cây oak già vĩ đại chơi đủ thể  loại từ Pop tới Country music, từ nhạc vàng Solid Gold của thập niên 70s cho tới Hard Rock hiện đại. Chẳng những vậy mà tôi còn được tha hồ tự do bình phẫm thiên hạ đang qua lại. Nhất là về thời trang của các bà các cô. Hôm đó như Mai Thảo viết “Định mạng đã an bài”, chúng tôi gặp nhau.  Sáu người, ba cặp bài trùng. Một cặp đang an hưởng tuổi vàng và hai cặp đang ngắm nghé sắp bước vào. Từ đó sau lần làm quen, chúng tôi không hề từ chối những cú điện thoại rủ rê đi cà phê.  Và định mạng cũng đã an bài để tôi gặp lại những con cá đối đáng thương.

Tôi tuy không phải là người thích xa hoa, nhưng sau nhiều chuyến đi làm nước ngoài, ở khách sạn sang trọng của hãng bao, đã làm mình quen đi. Những lần đi vacation kiệm ước, ở khách sạn kém sao hơn tôi phàn nàn.  Hôm đó ngồi ngoài quán cà phê, chị Bình bảo tháng sau có tổ chức đi biển chơi.  Một retiree của hãng làm màng hình lap top, chị Bình đã đi làm hai mươi năm cho đến khi chị hơn bảy mươi tuổi mới nghỉ hưu. Chị bảo vui lắm, chiều đi chài cá câu cua về nướng ăn ngon lắm. Chị rủ chúng tôi tham gia. Nghe món cá nướng lửa than hấp dẩn thật, nhưng không ở khách sạn nên tôi rất ngại. Chúng tôi cà kê cho đến khi chia tay, chị Bình lại thiết tha, em đi đi, vui lắm!  Nể tấm chân tình tôi đáp, đi thì đi.  Ba tiếng gọn gàng khiến ông xả tôi phải ngạc nhiên, vì từ hồi qua Mỹ tới giờ tôi có bao giờ đi cắm trại ngủ lều ngủ bụi đâu. Về nhà ông xả tôi hỏi, màng trời chiếu đất đó nghe, you sure? Tôi hỏi lại, tại sao không được, sáu tháng ở đảo Pulau Tanga tị nạn, chẳng màng trời chiếu đất thì là gì?

Hôm đó chị Bình có bảo tôi mình phải làm sao có chổ đi ngoài, vì rest room xa lắm phải chạy xe, mà đường đi tối hù. Mấy ông nói biển ngay đó  bao la lo gì. Tôi và chị nhìn nhau ái ngại, biển bao la nhưng nó cũng tênh hênh lắm. Nhưng mình đã hứa đi rồi nên những tuần sau đó tôi lo, tuy chưa đến đổi mất ăn mất ngủ nhưng rất lo. Bởi vì khách sạn ít sao thế mấy cũng có nhà vệ sinh, và chỉ cần vài bước vào ngay. Phải nói chỉ có tôi lo thôi, vì ông xả tôi chả lo gì, chỉ lo già!  Sau cùng tôi đã tìm được cách làm nơi đi ngoài dả chiến, sử dụng biển ngay đó nhưng rất kín đáo, tốn chưa tới 20 đô.   Nhà vệ sinh qua đêm đó trông dể thuơng,  tuy không đầy đủ tiện nghi, nhưng đủ kín đáo, có cuộn toilet paper treo lủng lẳng, có sọc rác đàng hoàng và khử mùi khá hiệu quả . Tôi xin giử bản quyền bí mật để khỏi bị nhóm enviromental protection làm khó dể.

Magnolia Beach và buổi chiều tàn. Bải cát lài và nước biển đục phù sa. Mặt trời cuối tháng Bảy đổ lửa nóng hừng hực lúc xế trưa trước đó không lâu, giờ nầy đã dịu lại. Ráng trời đã tô màu da cam. Hơi ẩm gió biển thổi vào bây giờ mới nghe mát.  Nước đang lớn và gió đang đẩy vào những nhịp sóng nhấp nhô chảy vào cửa lạch.

Anh Lưu, bạn cà phê Starbucks của chúng tôi, vị chỉ huy trưởng của chuyến đi, đang đứng trong nước, tay chỉ tay quơ như bỏ radar thăm dò.  Anh đang chỉ huy một cuộc truy lùng, và kẻ đang bị truy lùng là đàn cá trong lớp nước biển đục ở cửa lạch.  Anh ra lệnh, Sam! Sam! Qua bên trái. Ra xa xa một chút. Đó đó, quăng lưới đi! Cá ở đó đó. Sam đang vung tay tung mạng lưới chài vòng trên không thành một vành tròn trông rất thiện nghệ. Anh Vọi của tôi, Sam, người gốc Bạc Liêu nhà ở xóm Đạo.  Sau 75 gia đình trôi dạc dọn về Láng Dài lúc đó em còn nhỏ.  Qua vài năm lưu lạc “xứ người” ở Láng Dài em đã học được mánh quăng lưới kéo câu.  Lưới em quăng tung tròn rớt nhanh.  Em bảo lưới nầy được mang từ Việt Nam qua, chứ lưới Mỹ nhẹ hều chưa xuống tới nước cá chạy mất rồi có đâu mà kéo. Sam từ Kansas đã lặn lội đường xa gần chín trăm dặm để tới đây, Magnolia Beach. 

Sam chăm chú kéo sợi dây chài đang căng.  Anh Lưu nói như ra lịnh, nhẹ tay thôi!  Hớn hở ra mặt Sam bảo, có! Có nhiều lắm! Mà Sam thiện nghệ thật, mạng lưới nào em kéo lên cũng có cá. Những con cá đối, cá chấm đuôi, đang vẫy vùng trong chiếc lưới Sam kéo lên và mang vào bải cát. Mọi người hớn hở, tôi cũng trong đám cổ động viên, reo hò cho những chiến lợi phẫm. Những con cá đối nằm ở chợ cá Bạc Liêu xưa, mãi bao nhiêu năm bây giờ tôi gặp lại ở Magnolia Beah. Những con cá đối đang vẫy vùng, chúng  sinh động hơn những con cá đối chết nằm ở chợ đang chờ người mua ngày nào. Tôi chợt động lòng. Nhưng thôi đội mình đang vui chiến thắng, để vui cho trọn.

Sau gần hai giờ quăng lưới kéo cá và câu cua, đoàn ngư phủ mang chiến lợi phẫm trở về thành. Thành bán nguyệt được tạo trên bải cát, một bên là biển, bên kia là  đoàn xe mini van và SUV đậu nối nhau bao thành vòng cung. Từ cửa lạch dưới gió của dảy xe, tôi chợt hửi được mùi lửa củi.  Mùi hăng hăng của lửa củi đước Bạc Liêu xưa. Những khúc củi đước đã được bà nội tôi bửa và đốt hàng ngày để nấu nồi cơm ngon và tô canh ngọt.  Một mùi hương sau bao nhiêu năm tháng tưỡng đã tan biến từ lâu đang quyện về trong gió chiều.

Trên bải cát Magnolia Beach, bone fire đã được đốt lên trong khi đám ngư phủ chúng tôi đang reo hò kéo cá. Mấy khúc củi oak to bây giờ đã cháy thành lửa than. Thực đơn dinner hôm đó rất đơn giản. Cua luộc. Cá nướng trui. Bấp nướng quét mở hành thay bánh tráng miệng. Một bửa ăn bình dị, nhưng lại được đưa hơi đẳng cấp bằng rượu chát. Khi mấy chai cabernet Silverado chưa cạn thì trăng lên. Texas Blue Moon.  Muộn một đêm, trăng mười sáu đang lên hơi kém tròn , ánh trăng đỏ cam phản chiếu trên mặt biển lấp lánh. Trời mông mênh, ánh trăng nhấp nhô trên đầu sóng làm cho biển đêm như rộng thêm, bao la hơn.  Bải biển Magnolia và đêm trăng thơ mộng.  Dô! Dô! Mừng trăng lên! Cạn ly! Cạn ly!

Khi trăng đã lên “qua đầu ngọn cao” thì chương trình truyền hình CNN Crossfire cũng bất đầu.  Khách mời của chương trình quây quần hôm đó gồm một cặp HO, một cặp Việt Nam mới sang thăm con thăm cháu, ba cặp dân Austin kỳ cựu và một Việt Nam độc thân mới di dân qua vừa trở thành Việt kiều. Cả đám đang cụng nhau về một đề tài chính trị nóng bỏng, thế chân vạc của tay ba Mỹ-Việt-Trung ở Thái Bình Dương. Kẻ theo, người chống,  kẻ tung, người hứng rất sôi nổi. Nghiêng ngửa, tôi không thể chấm ai thắng ai thua được. Trăng đứng bóng, sương khuya đã bắt đầu đọng ướt thành ghế. Chai rượu lựu mở sau cùng cũng đã cạn. Có lẻ khung cảnh đêm trăng nhẹ nhàng hay sao mà chai rượu mạnh cognac còn nguyên si nằm êm không ai động tới. Chương trình TV đã hết sôi nổi và chanel đang chuyển qua Discovery’s - Việt Nam đi từ bắc vào nam, qua khắp bốn vùng chiến thuật và ngừng lại ở Sóc Trăng.  Tôi và chị Bình bây giờ đã nằm dài trên hai chiếc ghế xếp lắng nghe thôi. Chúng tôi thủ thỉ với nhau, thỉnh thoảng chen vào mẩu đối thoại mà đề tài bây giờ chỉ còn vu vơ gossip.

Tiếng anh Bình, xưa anh làm an ninh quân đội ở Sóc trăng. Có tiếng chen vào, hèn gì anh đi tù Yên Bái, Lào Cai chín năm. Tiếng anh Bình, cũng nhờ ráng giử lạc quan nên anh mới qua nổi… Mặc dù lúc đó anh đang ở tù, nhưng nói gì thì nói chớ núi rừng Việt Nam ở miền bắc đẹp lắm… Hồi đó khi anh đổi về Sóc trăng, tỉnh có tám quận, Mỹ Xuyên, Kế Sách, Lịch Hội Thượng, Ngả Năm, Long Phú, Mỹ Tú, Thuận Hòa, Thạnh Trị.  Có nhiều tiếng chen vào. Ủa sao anh rành vậy? Sao mà thuộc nằm lòng dử vậy?  Chắc tại mỗi quận, quận nào anh cũng có để lại kỷ niệm chứ gì? Không nghe câu trả lời trực tiếp. Tiếng anh Bình, sao chú nầy chỉa mủi dùi qua anh không vậy.

Đêm xuống sâu hơn, dưới ánh trăng và ánh đèn măng xông chạy bằng pin, tập nhạc được mở ra. Tiếng đàn guitar thùng của anh Bình nhẹ nhàng đang đưa nhịp cho đôi song ca tuổi vàng Anh 74 - Em 68, qua những bản nhạc tình lãng mạn với lời ca phản ảnh đúng tâm sự người hát - Yêu ai yêu cả một đời…(Nổi Lòng) Dù cho mưa tôi xin đưa em đến cuối cuộc đời… (Niệm Khúc Cuối)

Magnolia Beach một  giờ khuya, gió đứng lại. Chị Phương vị chỉ huy bếp lửa đã chui vào lều. Sau vài bản tình ca, chị ca sỉ kiêm photographer vừa chui vào xe đã vội  chui ra phàn nàn muổi cắn quá, xong lại chui vào xe. Chỉ còn tôi và chị Bình, thỏ thẻ tôi hỏi, sau 75 chắc chị cực lắm phải không? Em ơi, đám con năm đứa, tuổi từ hai tới mười hai. Nheo nhóc mẹ con… Lúc đó căn nhà trong Sóc Trăng bị lấy… Đi bán quần áo củ có quầy sập gì đâu, đứng bên lề đường bị đuổi lên đuổi xuống.  

Magnolia Beach ba giờ khuya, trăng vẫn còn. Đám senior tan hàng. Bên đống lửa đang cháy râm rỉ, đám junior còn hang-out. Mãi đến năm giờ sáng, đám junior tan hàng.  Dưới màng trời tôi cố dổ mình vào giấc ngủ trên chiếc ghế xếp. Sương mai xuống và trăng đã  tàn. Tôi chợt thấy cuộc đời cũng ngộ.  Đương không tôi ngủ bụi trong một đêm trăng bên bờ Đại Tây Dương.  Để được nghe nhắc tới những địa danh ở mãi tận bờ Thái Bình Dương xa lắc xa lơ.  Để được nghe ký ức của một người đã đến và đã đi qua hết tám quận của Sóc Trăng. Trên bải cát đêm trăng blue moon của Texas, từ dĩ vãng, Sóc Trăng đã đến gần hơn với một người Bạc Liêu như tôi.

Túy Trước

Nguồn: http://www.hoiaihuubaclieubaccali.com/index.php?p=data&cat_id%20=%2053&id=475&name=TRUY%E1%BB%86N%20NG%E1%BA%AEN%20-%20T%C3%99Y%20B%C3%9AT

up

AcDieu
Google Search:       
RFI
Nguoi_Viet
RFA
Quan_Su_VNCH
Quân Sử VNCH
Voa_tieng_Viet
msn
BBc_Tieng_Viet
Dan_lam_bao
Radio_VNHN

TIME