AcDieu225
Co Vang amazon Tammy

Free Hit Counters
Web Site Hit Counters

cam-on-anh_TPB (2).jpg

Từ Cuộc Hành Quân Lam Sơn Tới Cổ Thành Quảng Trị

   Cựu Sĩ quan tùy viên Đặng kim Thu

 pic

I. Ý định tấn công Hạ Lào đã có từ lúc nào?

Ngày 20 tháng 3 năm 1967, tại Hội Nghị Thượng Đỉnh trên đảo Guam, đại diện chính phủ VNCH đã yêu cầu chính phủ Mỹ viện trợ tài chánh, cũng như yểm trợ quân sự cho các chiến dịch ngăn chận CS Bắc Việt xâm chiếm miền Nam VN. Trung Tướng Thiệu và Đại Tướng Viên đề nghị Tổng Thống Johnson một kế hoạch tấn công qua Hạ Lào, ở vùng Tchepone, để cắp đứt đường tiếp vận quan trọng của CS.

Lúc đó, Tổng Thống Johnson của Hoa Kỳ không quyết định liền mà đề nghị để ông ta nghiên cứu kỹ vì không biết chắc Quốc Hội Mỹ có đồng ý cho mở rộng chiến tranh qua Lào hay không? Vả lại, vương quốc Lào là một quốc gia trung lập nên cần phải có sự chấp thuận của họ.

-”Về phần “các ông” (tức phiá VN) thì cứ chuẩn bị kế hoạch, ở tư thế sẵn sàng, tôi (Johnson) sẽ họp bàn với bộ Ngoại Giao, bộ Quốc Phòng, và Quốc Hội để quyết định. Có thể, tôi sẽ cử phái đoàn qua VN để nghiên cứu, xem xét tình hình tại chỗ. “Các ông” chuẩn bị kế hoạch rõ ràng dể chúng ta bàn thảo.” Thiếu Tướng Hoàng Xuân Lãm, Tư Lệnh mặt trận Nam Lào, 1970

>hoang-xuan-lam

Khi về tới Saigon, Đại Tướng Viên bảo Chuẩn Tướng Trần Thanh Phong, lúc bấy giờ là Tham Mưu Phó Hành Quân kiêm Trưởng Phòng Ba Bộ TTM, với sự giúp đỡ của Trung Tá Trần Đình Thọ, Phó Phòng, (Sau này, ông là Trưởng Phòng Ba Bộ TTM.) soạn thảo kế hoạch tấn công qua Hạ Lào, ở vùng Tchepone. Bộ phận nghiên cứu đã chuẩn bị 5 bảng “chart” thuyết trình, gồm 5 mục tiêu chủ yếu của Lệnh Hành Quân để đích thân Đại Tướng Viên thuyết trình cho Lưỡng Viện Quốc Hội Hoa Kỳ và Bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ khi qua Saigon.

Tháng 5-1967, Đ/ T Viên đã thuyết trình 2 lần. Lần thứ nhất trước phái đoàn Quốc Hội Hoa Kỳ, gồm Ủy Ban Quốc Phòng Thượng và Hạ Viện Hoa Kỳ, tại khách sạn Majestic ở đuờng Tự Do, Saigon. Lần thứ nhì (cách lần đầu khoảng một tuần) tại Bộ Tư Lệnh MACV, ở Tân Sơn Nhứt cho các tướng lãnh thuộc Bộ Tham Mưu Hoa Kỳ.

Vì người viết đứng chờ để thay đổi “chart” thuyết trình, mỗi khi bắt đầu sang qua tiết mục khác, nên đã ghi nhớ những ý chính trong kế hoạch hành quân, như sau:

1. Mục đích của cuộc hành quân:

- Để ngăn chận đường chuyển vận của CSBV tiếp tế cho “Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam” (MTGPMN).

- Giải tỏa áp lực của quân CS đang đè nặng lên căn cứ Khe Sanh, đang do một lữ đoàn Thuỷ Quân Lục Chiến Mỹ trú đóng.

2. Lực lượng tham chiến:

Cuộc hành quân cần ít nhất 3 sư đoàn tấn công và 1 sư đoàn trừ bị.

3. Quan niệm điều binh:

Chuẩn bị sẵn nhiều điạ điểm bốc quân bằng trực thăng, tấn công chớp nhoáng đồng loạt vào các mục tiêu đã định trước. Không tiến quân bằng đường bộ vì điạ thế hiểm trở khó di chuyển nhanh.

Cuộc hành quân dự trù kéo dài từ một tháng tới một tháng rưỡi. Sau cuộc hành quân, quân VNCH sẽ xử dụng một chiến đoàn đặc nhiệm (tương đương với một sư đoàn) hoạt động lưu động 100% trong vùng “yết hầu” của đường mòn Hồ Chí Minh một cách thường xuyên. Bộ Chỉ Huy Chiến Đoàn, sẽ được thiết lập bên này biên giới của ta ở Lao Bảo, để dễ tiếp vận và để các đơn vị dễ luân phiên hoạt động ở Hạ Lào, vì ta không được phép lập căn cứ trên đất Lào.

4. Yểm trợ tiếp vận, yểm trợ pháo binh và không yểm:

Lực lượng Hoa Kỳ sẽ trợ giúp hoàn toàn phần việc này. Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ chịu trách nhiệm tiếp xúc thương lượng với chính phủ Lào cho phép quân VNCH tiến quân vảo lãnh thổ của họ, vì VNCH không đủ ảnh hưởng dàn xếp với chính phủ Lào.

5. Trả lời thắc mắc của lưỡng viện Hoa Kỳ:

Trong buổi họp, một câu hỏi quan trong được nêu ra, như sau:

Nếu ngăn chặn được đường tiếp vận của CSBV từ Bắc vào Nam tại Lào, thì quân đội VNCH cần bao nhiêu thời gian mới tiêu diệt hoàn toàn VC ở Miền Nam?

Đại Tướng Viên khẳng định:

- Nếu đường mòn HCM bị cắt đứt hẳn, VC ở Miền Nam sẽ không nhận được nguồn tiếp tế từ miền Bắc vào nữa. Do đó, chúng không thể tiếp tục chiến đấu lâu hơn một năm.

Trơng buổi thuyết trình thứ hai tại MACV cho phái đoàn của Ngũ Giác Đài, một tướng 3 sao hỏi Đại Tướng Viên:

- Nếu kế hoạch hành quân thành công như ý muốn, liệu quân đội VNCH có thể duy trì được tình trạng đó lâu dài, khi quân đội Mỹ rút hết về nước?

- Chúng tôi chắc chắn duy trì được lâu dài, với điều kiện chúng tôi vẫn nhận được quân viện từ nước Mỹ ở mức độ như hiện nay mà không bị cắt giảm bớt. Đại Tướng Viên đáp. Sau đó, hai phái đoàn quốc hội Hoa Kỳ trở về tường trình với lưỡng viện quốc hội, cũng như Bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ trở về báo cáo cho Tổng Thống Johnson. Các phái đoàn đều đồng ý hỗ trợ kế hoạch của VNCH.

Nghe xong báo cáo, Tổng Thống Johnson liền yêu cầu Ngoại Trưởng Dean Rush, “đi đêm” với chính phủ Lào, đề nghị chính phủ Lào chấp thuận cho quân đội VNCH được tiến quân vào Hạ Lào.

II. Bất đồng giữa Tổng Thống Johnson và Ngoại Trưởng Dean Rush: Ngoại trưởng Dean Rush, Tổng Thống Johnson, và Bộ Trưởng Quốc Phòng McNamara. 1970

deanrush 

Thế nhưng trước đó, khi phái đoàn Hoa Kỳ còn ở Saigon thì Ngoại Trưởng Dean Rush đã họp báo đề nghị Quốc Hội Hoa Kỳ nên tìm ra một giải pháp hoà bình cho VN, bằng cách vận động Liên Hiệp Quốc tiến hành tổ chức một hội nghị ở Genève (Thuỵ Sĩ), hoặc ở Paris (Pháp), hay ở một nơi nào đó để giải quyết xung đột ở VN. Bây giờ Tổng Thống Johnson yêu cầu như vậy, dù trái ý nhưng ông cũng phải miễn cưỡng thi hành. Không biết việc “đi đêm” với chính phủ Lào như thế nào mà Hoàng Thân Souvana Phouma tuyên bố trên báo chí Lào:

- Chúng tôi không muốn quân đội của 2 miền Nam và Bắc VN đánh nhau trong lãnh thổ của chúng tôi.

Sự tuyên bố như vậy là có thâm ý, gián tiếp báo động cho phiá CSBV. Vài ngày sau, Hoàng Thân Phouma lại lên tiến phản đối sự hiện diện của quân đội miền Bắc trên lãnh thổ Lào. Ông yêu cầu quân đội miền Bắc phải rời khỏi lãnh thổ Lào ngay lập tức, để nước Lào được yên ổn.

Cũng trong thời gian đó ở Mỹ, nhiều cuộc biểu tình của thanh niên, sinh viên diễn ra hàng ngày và lan nhanh tới khắp các trường đại học. Họ chống lại chính sách quân dịch của chính phủ Mỹ đã đem thanh niên đi đánh nhau ở đất nước VN, xa xôi, cách nửa vòng trái đất. Thêm vào đó, ở Thượng Viện Hoa Kỳ, nghị sĩ John S. Cooper, thuộc đảng Cộng Hoà, trong Uỷ Ban Ngoại Giao Hoa Kỳ, lên tiếng thúc dục chính phủ Hoa Kỳ phải tìm cách mở ngỏ chính sách, để thương thuyết với CS, hầu tìm ra lối thoát cho chiến cuộc VN. Ở Hạ Viện, dân biểu Morris Kudall, trong một bài diễn văn trước hạ viện cũng đã lên tiếng cho rằng Hoa Kỳ đang đi trên con đường nhiều chông gai nguy hiểm tại VN. Hoa Kỳ nên chấm dứt leo thang chiến tranh và lo chuyện đem những thanh niên Mỹ trở về nước. Những sự kiện dồn dập như vậy đã thúc đẩy phong trào phản chiến ở Mỹ bùng lên khiến Tổng Thống Johnson không còn quan tâm tới việc yểm trợ quân đội VNCH tiến quân qua Lào nữa.

Tướng Westmoreland, ở bộ Tư Lệnh MACV, đã soạn thảo một kế hoạch có tên là “EL PASO” để yểm trợ cho quân ta tấn công qua Lào. Trong khi đó, phiá ta cũng đã sẵn sàng chờ Tổng Thống Johnson “bật đèn xanh” thì tiến hành. Nhưng ta và quân đội Hoa Kỳ ở VN chờ mỏi mòn mà không thấy quyết định.

Biến cố Mậu Thân, cùng những biến động khác dồn dập xảy ra, cũng như nội tình rối ren phải lo đối phó, nên không ai trong giới lãnh đạo miền Nam còn nghĩ tới chuyện xua quân qua Hạ Lào nữa.

III. Vào năm 1970, Tướng Đỗ Cao Trí chỉ huy sau cuộc hành quân Toàn Thắng 42 (đợt I) của Quân Đoàn III, đánh vào Trung Ương Cục R của CSBV, và cơ quan đầu não của MTGPMN bên Kampuchea. Cuộc hành quân đã kết thúc vào tháng 8-1970 với chiến thắng hết sức vẻ vang ngoài sức tưởng tượng của mọi người, đã gần như tiêu diệt Trung Ương Cục R và cơ quan đầu não của MTGPMN.

Cuối tháng 10-1970, Đô Đốc John McCain (cha của nghị sĩ McCain hiện giờ), Tư Lệnh Lực Lượng Hoa Kỳ tại Thái Bình Dương, yêu cầu Đại Tướng Abrams, tư Lệnh MACV, nghiên cứu một kế hoạch hành quân qua Hạ Lào để cắt đứt đường xâm nhập của CSBV vào miền Nam. Không giống như cuộc hành quân đánh qua Kampuchea, Hoa Kỳ chỉ yểm trợ về không vận (trực thăng vận) và không yểm mà thôi. Các đơn vị quân đội của VNCH nhận lãnh trách nhiệm tiến quân qua Lào. Các cố vấn Mỹ không được đi theo các đơn vị VN qua bên kia biên giới, dù với bất cứ lý do gì.

Tướng Alexander Haig đã đích thân đem thư của Tổng Thống Nixon qua Saigon tháng 12-1970 để thông báo cho Tổng Thống Thiệu về các quyết đinh của phiá Mỹ đối với quân đội Mỹ trong việc phối hợp hành quân qua Hạ Lào.

Ngày 11 tháng 1 năm 1971, Bộ Trưởng Quốc Phòng Mỹ, và Đô Đốc Thomas Moorer, Chủ Tịch Ủy Ban Tham Mưu Liên Quân Hoa Kỳ, đến Saigon để hội kiến với Tổng Thống Thiệu. Ngày 15 tháng 1 năm 1971 (4 ngày sau), Trung Tướng Đỗ Cao Trí được lệnh từ Tổng Thống Thiệu đem 20.000 quân tiến đánh Kampuchia trở lại (đợt II).

Lần này, chúng ta tung ra cuộc hành quân ở Kampuchia với mục đích đánh lừa địch và được xem như “diện”. Mặt trận Hạ Lào sắp tới mới thật sự là “điểm”.

Đối với mặt trận Hạ Lào, Bộ Tư Lệnh MACV đã thông báo tin tình báo cho Đại Tướng Viên biết rằng, giữa năm 1970, Bộ Chính Trị CSBV đã biết ý định của ta trước sau gì cũng tìm cách bóp nghẹt cái “yết hầu” tiếp liệu của chúng. Trước sau gì ta cũng tìm cách chận đứng sự xâm nhập của chúng vào miền Nam bằng cách hành quân sang Hạ Lào. Vì thế CSBV đã chuẩn bị sẵn chiến trường.

Khi quân ta mở cuộc hành quân Toàn Thắng đánh vào sào huyệt của MTGPMN và Cục R ở Kampuchea. Chúng ta đã phá nát hậu cần của chúng, đẩy các đơn vị chủ lực của chúng phải né tránh qua vùng cao nguyên Bolaven, giáp ranh giữa ba biên giới Việt-Miên-Lào, mà ta thường gọi là Khu Tam Giác Sắt. Trong thời gian nay, Sihanouk của Kampuchea vừa lưu vong sang Trung Cộng. Nơi đây, ông ta đã được Chu Ân Lai dẫn theo qua thăm Hà Nội và họp kín với Bộ Chính Trị CSBV. Chu Ân Lai tỏ vẻ lo lắng về tình hình chiền sự lúc đó. Giáp tỏ ra tự tin và khẳng định với Lai rằng tình hình chẳng có gì đáng ngại.

Dự đoán trước tình hình, Bộ Chính Trị CSBV đã chỉ thị cho Giáp lập một binh đoàn mang bí số B70, do Thượng Tướng CS Lê Trọng Tấn làm Tư Lệnh và Hoàng Phương làm Chính Ủy để đối phó với ta ở Hạ Lào. Chiến dịch này được đặt tên là “Đường 9 Nam Lào”.

1.Mặt trận Nam Lào:

tqlc

Ngày 8-2-1971, quân ta bắt đầu vượt biên giới Lào, nhưng trước đó 2 ngày, Lê Trọng Tấn đã có mặt tại đây để bố trí quân sẵn sàng nghinh chiến với quân ta.

Do mắc phải nhiều sai lầm khi soạn thảo kế hoạch hành quân, như không giữ được yếu tố bí mật nên đã bị tiết lộ ra ngoài; không nắm rõ lực lượng địch, hoặc bộ phận yểm trợ tiếp vận không chu toàn nhiệm vụ. Nhưng khuyết điểm nghiêm trọng nhất là sự bất đồng ý kiến về cách xử trí tình hình “sinh tử” của các đơn vị tham chiến của 2 vị tướng 3 sao với vị tư lệnh chiến trường cũng 3 sao. Sự bất tuân lệnh, bất hợp tác khiến cho lực lượng trực tiếp chiến đấu bị nhiều thương vong và tiêu hao nhiều chiến cụ. Một đơn vị TQLC tại Quảng Trị, 1972

(Sẽ viết chi tiết rõ ràng, đầy đủ riêng về các khuyết điểm do các cấp chỉ huy chiến trường ở một bài khác, căn cứ theo nội dung phiên họp ngày 19 tháng 4 năm 1971 tại dinh Độc Lập để kiểm điểm lại cuộc hành quân Lam Sơn 719, do Tổng Thống Thiệu chủ toạ.)

Đối với truyền thông, báo chí ngoại quốc, họ chỉ nhìn thấy thương vong của ta quá cao, chiến cụ của ta bị tiêu hao nhiều, cộng thêm những hình ảnh họ chụp được từ vài quân nhân của ta mất tinh thần, bám vào càng trực thăng để rời khỏi chiến trường. Những hình ảnh đó được họ phát lên các đài truyền hình Mỹ, cùng với những bài bình luận một chiều, lệch lạc, không phản ảnh trung thực hiện trạng chiến trường khiến dư luận quốc tế hiểu lầm về quân lực của ta. Họ làm sao biết đuợc lực lượng thiện hiến của ta đang phải đương đầu với địch qua những trận thư hùng quyết liệt mà quân số của địch đông gấp 3 lần quân số, trên địa hình xa lạ mà địch nắm phần chủ động. Vì vậy, khi Ngoại Trưởng Henry Kissinger xem thấy nhưng chẳng nắm vững môt tí gì sự thật, vội vàng phát biểu:

- Cuộc tấn công này đã không biến hy vọng của chúng tôi thành sự thực, mà trái lại còn thất vọng, ê chề!

Lời tuyên bố vô trách nhiệm đó đã đẩy phong trào phản chiến lan rộng ở nhiều thành phố của nước Mỹ. Đại Tướng Abrams, Tư Lệnh MACV ở VN tỏ ra giận dự về lời phát biểu của Kissinger, nên khi gặp Đại Tướng Viên, ông phải thốt ra lời chửi thề:

- Kissinger knew damn well what was happenning! (Lời châm biếm miả mai: Kissinger chắc đã biết rõ lắm về những điều đang xảy ra!) Ông nói tiếp. Cuộc hành quân còn đang tiếp diễn. Khi cuộc hành quân kết thúc, ai chiến thắng sau cùng mời gọi là chiến thắng. Hãy chờ xem.

Khi các đơn vị quân đội của ta rút hết về bên này biên giới, chấm dứt cuộc hành quân Lam Sơn 719, Đại Tướng Abrams đã cho phi cơ thả các máy “điện tử tín hiệu báo động”, có tên là “IGLOO WHITE”, xuống các điạ điểm có chiến xa và pháo binh của ta bỏ lại bên Lào khi rút quân và những trực thăng của ta bỏ lại không “câu” về được. Các máy điện tử này có công dụng phát ra tín hiệu khi có người tập trung, hoặc có tiếng động cơ ở gần đó. Hệ thống “PAVE WAY” ở trung tâm tiếp nhận tín hiệu của Không Quân Hoa Kỳ sẽ nhận các tín hiệu này.

Quả đúng như dự đoán, CSBV sau đó đã tập trung toàn lực lượng cho hàng chục ngàn quân BV thu gom chiến cụ của ta bỏ lại và thu dọn chiến trường. Đại Tướng Abrams đã cho đánh cú “hồi mã thương” bằng một trận không tập quy mô, dùng luôn cả loại bom CBU. Chiến dịch đã tiêu diệt gần như toàn bộ quân BV hiện diện trong vùng. Đó là trận “huỷ diệt” sau cùng của mặt trận Hạ Lào đã được dự tính trước.

2. Mặt trận Quảng Trị. (Lò sát sinh của bộ đội CSBV)

Theo tin tức tình báo (từ Bộ Tư Lệnh MACV báo cho Đại Tướng Viên), vụ không kích dữ dội do Không Quân Hoa Kỳ thực hiện ở Hạ Lào, vào đúng giờ phút ngay sau khi cuộc hành quân Lam Sơm 719 chấm dứt, gây tổn thất nặng nề cho quân CSBV khiến bọn chúng kiệt quệ về nhân lực. Vì thế, bọn chúng phải sửa lại luật “quân dịch” từ 18 tuổi xuống còn 16 tuổi, và các sinh viên đang theo học nghành chuyên môn nếu thiếu điểm lên lớp thì phải gia nhập quân đội ngay. Phải đến cuối năm 1971, chúng mới bổ xung đầy đủ quân số cho đơn vị. Tuy nhiên, không vì thế CSBV từ bỏ tham vọng tấn công miến Nam VN với quy mô lớn.

Cũng theo tin tình báo từ MACV cung cấp, Bộ tham mưu quân đội CSBV đã soạn thảo một kế hoạch lấy tên “Chiến dịch Hè Xuân 1972” để đẩy mạnh cuộc tấn công quân sự trên cả 3 vùng ở miền Nam.

trung-tuong-tri

Khởi đầu, bọn chúng dự trù 3 phương cách tấn công khác nhau: Trung Tướng Đỗ Cao Trí đang đứng trước một phóng đồ hành quân tại Kampuchia

a. Thứ nhất: Tấn công các tỉnh, quận dọc theo biên giới Kampuchea và miền Đông thuộc Quân Khu (QK) III của ta.

b. Thứ hai: Tấn công vùng cao nguyên thuộc QK II.

c. Thứ ba: Tấn công Quảng Trị và Thừa Thiên thuộc QK I.

Đầu tháng Giêng 1972, khi Bộ Chính Trị CSBV duyệt xét tình hình, chúng thấy việc tiếp viện chiến cụ và lương thực cho QK III sẽ không hữu hiệu vì hậu cứ của chúng ở Kampuchea đã bị ta phá tan năm 1970 và 1971 chưa kịp phục hồi, cũng như di chuyển viện binh từ Bắc vô cũng quá xa, không kịp đáp ứng chiến trường.

CSBV quyết định chọn 2 phương cách thứ 2 và 3. Chiến trường “Trị-Thiên” là chính, tức là “điểm”, trong khi chiến trường Cao Nguyên là “diện”. Tuỳ theo tình hình thực tế lúc chiến đấu có thể chuyển “diện” thành “điểm”.

Đại Tướng Abrams đã biết rõ ý định tấn công của CS từ tháng giêng 1972. Ông đã hứa với Đại Tướng Viên là sẽ xử dụng B52 chận đứng những cuộc tấn công của CS, nếu chúng dùng lực lượng lớn để tiến đánh quân đội VNCH. Nhưng thật bất ngời, khi ông đánh công điện về Mỹ xin được xử dung B52 thì Toà Bạch Ốc từ chối, vì cho rằng có thể ngăn chặn cuộc tấn ông của BV bằng một chuyến “đi đêm” với Bắc Kinh để yêu cầu CS Bắc Kinh ngăn cản CSBV. Trong khi đó, Bộ Ngoại Giao Mỹ cho rằng dùng B52 sẽ làm tiêu tan những triển vọng đàm phán với Hà Nội. Kissinger còn e sợ làn sóng phản đối của phong trào phản chiến của dân chúng Mỹ sẽ bùng lên không kiểm soát nổi nếu dùng B52 ngay cả trong phạm vi giới hạn. Trong khi đó, Bộ Quốc Phòng Mỹ thì sợ phải gánh thêm gánh nặng ngân sách.

Thế là Đại Tướng Abrams đành thúc thủ chấp nhận xử dụng các phương tiện hiện có trong tay mà thôi. Ông than với Đại Tướng Viên:

- Chính phủ giao trách nhiệm cho tôi mà không cho tôi toàn quyền hành động. Đại Tướng hãy thông cảm cho tôi. Đừng buồn vì tôi không giữ đúng lời hứa.

Để tấn công Quảng Trị, không kể các đơn vị điạ phương dưới danh nghiã MTGPMN, chỉ tính riêng quân chính qui của CSBV cũng đã có khoảng 50 ngàn, gồm 3 sư đoàn, nhiều trung đoàn biệt lập, và các đơn vị kỹ thuật tác chiến. Sau sáu ngày đêm chiền đấu, quân ta buộc phải bỏ nhiều căn cứ, rút về cố thủ Đông Hà, La Vang, Ái Tử, Quảng Trị. Nhưng chỉ vài ngày sau, lực lượng của ta đã chỉnh đốn lại lực lượng, phòng vệ vững chắc, bể gãy các mũi tấn công của chúng. Mũi tấn công của CSBV vào Đông Hà bị thiệt hại nhất.

Rối loạn của “chóp bu” CSBV.

Qua hệ thống tình bào vô tuyến, Phòng 7 Bộ Tổng Tham Mưu của ta nghe được các cuộc điện đàm giữa Bộ TTM của địch và Bộ Tư Lệnh Chiến Trường của CSBV. Khi Tướng CS Lê Phi Long báo cáo tình hình, Quân Uỷ Trung Ương (QUTU) và Bộ Chính Trị (BCT) CSBV không đồng ý với nhau về ý định điều động quân và về mục tiêu của chiến dịch. Chẳng hạn như ở Quảng Trị, sau 2 đợt tấn công liên tục, Long đã báo cáo rằng sức khoẻ bộ đội CS giảm sút nhiều, quân số bi hao hụt đáng kể, các đơn vị thiếu vũ khí các loại, đạn được, nhưng Hà Nội lại cứ ra lệnh mở tiếp các đợt tấn công, nhằm đánh chiếm Thừa Thiên- Huế.

Long tức quá đánh điện trả lời ngắn gọn rằng Hà Nội đã “mắc bệnh chủ quan quá nặng”. Liền sau đó, Long đã bị Tướng CS Lê Quang Đạo thay thế.

Khi quân ta phản công dưới sự phối hợp yểm trợ hoả lực của Không Quân và pháo binh trên các tàu của Mỹ thì Quảng Trị trở thành “lò sát sanh” đối với quân của CSBV. Chúng đã bị thiệt hại nặng nề. Sau vài ngày, quân ta đã chiếm lại quận Hải Lăng và quận Triệu Phong. Lực lượng ta đã áp sát thị xã Quảng Trị xiết chặt vòng vây.

Lực lượng CSBV trên danh nghiã có 5 sư đoàn bộ binh, nhưng thực tế đã bị tiêu diệt quá nhiều không còn sức chiến đấu. Thậm chí có những đại đội chỉ còn 20 đến 30 người. Lương thực và đạn dược thiếu hụt nhiều. Thương binh nằm la liệt không có thuốc men để cứu chữa. Tình hình ngày càng bi đát, vậy mà Hà Nội vẫn chủ trương tấn công. Đạo, tướng CSBV, gửi điện văn báo cáo:

“Lực lượng ta không đánh được một trận nào khả dĩ tiêu diệt được quân “địch” dù là khoảng một hai chục người. Gần nửa tháng nay thời tiết xấu, không có ngày nào nắng ráo nên hầm hố lúc nào cũng sũng nước. Trong khi đó, phi pháo và hạm pháo ngoài biển của “địch” liên tục đánh vào vị trí của ta gây thương vong ngày càng nhiều. Vì thế, ta không thể tiến công.”

Khi nhận được báo cáo của Đạo, Võ Nguyên Giáp bèn gửi một bức điện xuống thẳng cho Tướng VC Nguyễn Hữu An, Tư Lệnh Sư Đoàn 308, và Tướng CS Hoàng Đan, Tư Lệnh Sư Đoàn 304, như sau:

“An. Đan. Báo cáo ngay tình hình. Chờ. Văn.” (bí danh của Giáp)

Điện văn này chứng tỏ Giáp đang lo lắng và bối rối. An đã báo cáo ngay:

“Tôi thấy không thề tiến công được nữa. Ở ngầm Phương Thuỷ, Công Binh chở vào 34 khoang thuyền để làm cầu qua sông thì bị “địch” oanh kích phá huỷ hoàn toàn. Đại đội bảo vệ ngầm cũng bị thương vong rất nhiều. Một tiểu đoàn pháo binh “cơ động” đang tiến ra phiá trước thì bị máy bay “địch” phát giác, oanh tạc phá huỷ gần hết. Sức chiến đấu của “ta” giảm rõ rệt. Trong lúc đó, “địch” tăng cường thêm lực lượng chuẩn bị phản công tái chiếm QuảngTrị. Tôi xin chuyển về thế phòng ngự. An”

Hoàng Đan, Tư Lệnh Sư Đoàn 304, báo cáo ngắn gọn hơn:

“Theo kinh nghiệm của tôi, một trung đoàn chủ lực của ta chỉ đánh được 2 trận tập kích là hết sức, nếu không được nghỉ ngơi, củng cố lại thì không thể nào tiếp tục chiến đấu thắng lợi. Hơn nữa, hiện nay “địch” đang tăng cường và mạnh hơn ta. Trái lại, lực lượng ta càng lúc càng suy giảm và rơi vào tình trạng bị động. Tôi nghĩ rằng ta chuyển vào phòng ngự là cần thiết. Đan”

Nhận được 2 báo cáo, Giáp hoang mang tột độ, trong khi đó Tướng CS Văn Tiến Dũng trở ra Hà Nội, cáo bệnh, nằm an dưỡng ở Tam Đảo.

Ngoài mặt trận, tướng CS Trần Qúy Hai được cử thay tướng CS Lê Trọng Tấn. Giáp tiếp tục ra lệnh cho quân tiếp viện áp sát bờ Bắc sông Thạch Hãn để vượt sông tăng cường cố thủ Quảng Trị. Đồng thời Giáp điện cho tư lệnh chiến trường với nội dung, như sau:

“Do nhu cầu “tranh đấu” ngoại giao, cần phải giữ vững thành cổ, để hỗ trợ cho cuộc đàm phán ở Paris mà ta đang ở thế “thượng phong”. Ráng cố thủ, sẽ có tăng viện. Văn.” DSDại Tá Trần Quang Khôi, Lữ Đoàn Trưởng Lữ Đoàn 3 Thiết Giáp. 1971

 tran-quang-khoi

Trong khi đó ở hội đàm Paris, Đại Tá Nguyễn Huy Lợi, đặc phái viên của Bộ TTM /QLVNCH bên cạnh hội đàm báo cáo về Đại Tướng Viên:

“Ngày 12 tháng 5-72, Lê Đức Thọ chỉ giả vờ thương thuyết, không tỏ ra thiện chí đàm phán vì y đang chờ tin chiến thắng mà y nghĩ đã gần kề. Thái độ làm cao của y đã làm cho Kissinger tức giận báo cáo cho Tổng Thống Nixon. Tổng Thống Nixon bảo với Kissinger rằng bất luận kết quả đàm phán ra sao ông cũng sẽ ra lệnh oanh tạc miền Bắc. Ông quả quyết rằng ông chấp nhận huỷ cuộc họp thượng đỉnh với Moscow sắp sửa xảy ra. Nixon cảnh cáo thêm,”Hà Nội đang đứng trước một nguy hiểm rất lớn nếu cứ tiếp tục tấn công miền Nam VN.”

Quả nhiên, ngày 15-5-72, hàng loạt B52 rải thảm bom vùng Vĩnh Linh và dọc theo phiá Bắc sông Bến Hải, trải dài từ Đông sang Tây, gây thương vong nặng nề cho đoàn quân trừ bị của CSBV đang chờ vượt sông Bến Hải vào Nam tăng cường cho mặt trận Quảng Trị. Giờ đây CSBV không còn khả năng tiếp viện nữa.

Cổ thành Đinh Công Tráng, do quân CS đang cố thủ, trở thành mục tiêu đánh chiếm chính của quân ta. Hoả lực pháo binh và bom đan từ phi cơ liên tục nã vào cổ thành. Lực lượng tấn công của ta, gồm có Nhảy Dù và TQLC, đã dành từng mô đất, từng bờ tường với Cộng quân. Mỗi ngày quân CSBV bị tiêu hao trung bình khoảng 1 đại đội.

Đêm 16-9, sau 80 ngày đêm hứng chịu bom đan của quân ta, bộ phận tử thủ cuối cùng của CS bị tiêu diệt. Một số bị chết, một số bị bắt, một số rất ít bỏ chạy để lại thương binh. Sáng 17-9, Cục Tác Chiến của CSBV nhận được điện báo (Trích đăng gần như nguyên văn):

“”Thành cổ” bị “địch” chiếm lại tối qua.”

Võ Nguyên Giáp đã trình bày trước Bộ Chính Trị CSBV về biến chuyển và nguyên do thất thủ, như sau:

“”Thành cổ” Quảng Trị bị thất thủ vì quân ta hoàn toàn kiệt sức. Lực lượng chiếm giữ “thành cổ” lúc đầu có mấy tiểu đoàn, bị tiêu hao mỗi ngày mà không được bổ xung. Mỗi tiểu đoàn còn chỉ khoảng 30, 40 người. Việc bổ xung quân số và tiếp tế lương thực, đạn dược qua sông hết sức khó khăn. “Ta” phải qua sông ban đêm, nhưng cũng bị “địch” phát giác. Nhiều sinh viên phải bỏ học để nhập ngũ. Nhiều tân binh chưa gặp mặt người chỉ huy đã bị “hy sinh”.

Nhiều cán bộ chỉ huy của “ta” ngày đêm vất vả, râu tóc mọc đầy nhưng không có thời gian để cạo.

Trong hầm cứu thương ở ngay dinh tỉnh trưởng của “địch” thường xuyên có trên 200 thương binh, nồng nặc mùi hôi. Các lực lượng ở “thành cổ” thì chiến đấu một cách tuyệt vọng. Các lực lượng ở bên ngoài, tuy có cố gắng đánh vào cạnh sườn của địch để hỗ trợ cho lực lượng bên trong, không tạo được hiệu quả.”

Mặt trận Quảng Trị kéo dài, thương vong rất lớn. Có thể nói là lớn nhất so với tất cả chiến dịch trong 2 cuộc “kháng chiến”. Mỗi lần nghĩ lại, tôi rất đau lòng. Ta đã tung hết lực lượng, đã kiệt quệ. Có lúc tôi phải điều động học viên trường Lục Quân về gần Hà Nội để lập một lữ đoàn bảo vệ trung ương vì không cón quân.”

Giáp vừa dứt lời thì tướng CS Lê Phi Long, Ủy Viên trong “Quân ỦyTrung Ương” nêu thắc mắc:

-”Tôi không hiểu vì sao ta phải cố thủ “thành cổ” Quảng Trị với một giá quá đắt như vậy. Ai chủ trương thì người ấy phải chịu trách nhiệm.”

- Các anh trong Bộ Chính Trị chủ trương như vậy vì nhu cầu đàm phán.” Giáp giải thích.

Nghe tin Quảng Trị bị ta hoàn toàn chiếm lại, Ở Paris, Lê Đức Thọ không còn vênh váo nữa mà dịu giọng xuống nước trở lại. Kissinger đã báo cáo về Tổng Thống Nixon:

“Sau 4 năm khăng khăng đòi hỏi chúng ta phải loại bỏ thể chế chính trị của VNCH và thay thế bằng một chính phủ liên hiệp, Thọ giờ đây đã không còn đòi hỏi yêu sách đó nữa. Suốt 3 năm nay, Hà Nội luôn nhấn mạnh rằng điều kiện tiên quyết là chúng ta (Mỹ) phải chấm dứt viện trợ cho chính quyền Saigon. Nay Thọ cũng bỏ qua điều kiện đó và không nhắc tới nữa.”

Kết luận:

Xin dành riêng cho quý độc giả phần nhận định tổng quát. Riêng người viết thiển nghĩ như sau:

Nếu Tổng Thống Mỹ Johnson đồng ý với VNCH phối hợp đánh qua Lào từ hạ bán niên 1967 thì có thể sẽ không xảy ra biến cố Tết Mậu Thân. Thành phố Huế đã không bị VC chiếm 29 ngày. Vụ thảm sát hơn 5.000 dân vô tội ở Huế có thể đã không xảy ra, vì năm 1967 sự yểm trợ quân sự cửa lực lượng Mỹ ở VN còn hùng hậu, quân lực cuả ta đang ở tư thế mạnh hơn địch. CSBV bị bấp ngờ không đủ thời gian chuẩn bị chiến trường. Nếu có bị rơi vào tình trạng ác liệt như cuộc hành quân Lam Sơn 719 hồi năm 1971 thì “nai bị vạc móng, chó cũng lè lưỡi”. VC sẽ không có đủ khả năng xâm nhập vào miền Nam với quy mô lớn để thực hiện các kế hoạch sau này.

Hay đây là ý nghị thầm kín của phe “bồ câu” Mỹ đang ngự trị ở Bộ Ngoại Giao và Quốc Hội Hoa Kỳ muốn ngăn cản không cho Tổng Thống Mỹ Johnson toàn quyền hành động?

Nghĩ lại sự hạn chế của một nưóc nghèo, đang phải ngửa tay nhận viện trợ từ một nước giàu có và hùng mạnh, là điều không tránh khỏi. Những chủ trương, đường lối mà cấp lãnh đạo quốc gia của nước ta đề ra chắc chắn không thoát khỏi ảnh hưởng “chiến lược toàn cầu” của Hoa Kỳ.

Đặng Kim Thu

 

Ghi Chú:

Tất cả các cuộc điện đàm của các tướng CSBV mà tôi đã ghi lại ở đây là từ các báo cáo của Phòng 7 thuộc BTTM/ QLVNCH, bộ phận tình báo vô tuyến điện tử, do Thiếu Tá Mai Ngọc Liên, khoá 15 Đà Lạt, mang đến cho ĐT Viên. Sau khi đọc xong, ĐT giữ lại một bản copy, mà tôi là người may mắn được giữ cặp hồ sơ có những văn bản này khi đang phục vụ dưới quyền Đại Tướng Cao Văn Viên.

up

AcDieu
Google Search:       

Tin vui

Tin Buồn

 

RFI
Nguoi_Viet
RFA
Quan_Su_VNCH
Quân Sử VNCH
Voa_tieng_Viet
msn
BBc_Tieng_Viet
Dan_lam_bao
Radio_VNHN

TIME