AcDieu225
Co Vang amazon Tammy

Free Hit Counters
Web Site Hit Counters

cam-on-anh_TPB (2).jpg

Thép và Máu

  HMV

Hà Mai Việt, cựu Đại Tá Thiết Giáp, Quân Lực VNCH.

 

 

Chiến-sự đầu Xuân 75

Kể từ ngày 14-3-1975, sau khi Ban Mê Thuột thất-thủ, tình-hình đất nước biến đổi dồn-dập và bất-ngờ. Những cảnh thảm-sát thường-dân vô-tội và những tổn-thất nặng-nề của Quân-đoàn II diễn-biến trên Liên tỉnh-lộ 7 đẫm máu đã làm cho toàn dân hoàn-toàn thất-vọng. Hầu như cả nước không còn đặt niềm-tin vào khả-năng lãnh-đạo của chính-quyền và sức-mạnh của quân-lực VNCH nữa. Cho đến nay người ta vẫn không hiểu tại sao vào cuối năm 1974, tổng-thống Nguyễn-Văn-Thiệu lại thay-thế 3 tư-lệnh Quân-Ðoàn trong cùng một lúc, làm tan-nát quân-đội?

Hiện-tượng nói trên đã tạo ra những làn sóng di-tản dồn-dập, lan-tràn như nước vỡ bờ, đổ nhanh trên quốc-lộ. Mọi người hướng về miền Nam lánh nạn. Về phía quân-lực VNCH, sau những cuộc lui binh hỗn-loạn chưa từng thấy trong chiến-tranh Việt-Nam, tướng chạy đằng tướng, quân chạy đằng quân, mạnh ai nấy chạy. Kết cuộc là vào ngày 16-4-1975, Phan-Rang thất-thủ, Quân-đoàn I và Quân-đoàn II hoàn-toàn tan-rã. Vùng 1 và Vùng 2 Chiến-thuật (CT) bỏ ngỏ, để mặc cho quân Bắc-Việt tự-do tràn xuống. Miền nam Việt-Nam chỉ còn lại Vùng 4 CT và một phần lãnh-thổ thuộc Vùng 3 mà thôi. Kể từ ngày quân-đội viễn-chinh Pháp thất trận tại Ðiện-Biên-Phủ, đây là một biến-cố tồi-tệ nhất trong quân-sử VNCH, ngoài sức tưởng-tượng của mọi người, ngay cả đối-phương cũng không thể ngờ được.

Tại Hà-Nội, nhận-định thời-cơ đã đến, đại-tướng BV Võ-Nguyên-Giáp liền cho bộ Chính-trị, Quân-ủy Trung-ương và bộ Tổng-tư-lệnh nghiên-cứu, đề bạt ý-kiến về phương-án mở chiến-dịch Tổng-tiến-công vào Sài-Gòn, đánh nhanh trong mùa khô và ngay cả trường hợp phải kéo dài đến hết mùa mưa. Ngoài một số điểm cần gợi-ý như bao-vây, chia cắt, tiêu diệt vòng ngoài, không cho địch co-cụm vào đô-thành, tướng Giáp còn khai thác những tin-tức từ các tù-binh bắt được tại Phan-Rang như trung-tướng Nguyễn-Vĩnh-Nghi và của các thành-viên hai phái-đoàn quân-sự Việt-Nam Dân-Chủ Cộng-Hòa và Cộng-hòa Miền Nam Việt-Nam ở trại Davis, trong phi-trường Tân-Sơn-Nhứt, để thiết-kế và chuyển quân vào Nam cho kịp thời. Theo tướng Giáp kể lại thì: Lời-khai của Nguyễn-Vĩnh-Nghi cũng mang lại nhiều thông tin quan-trọng. Sau khi bị bắt ngày 16-4 tại Phan-Rang, viên trung-tướng này được đưa ngay ra miền Bắc. . . Nguyễn-Vĩnh-Nghi đã tiết-lộ nhiều điều, cho thấy lực-lượng phòng-thủ của địch đã bị căng ra rất mỏng, lực-lượng dự-bị còn rất ít. Trong nội đô, địch chỉ dựa vào lực-lượng Cảnh-sát và phòng-vệ dân-sự. Hướng hiểm-yếu nhất, theo y, là tiến-công từ Gò Dầu Hạ – Trảng Bàng. Trên hướng Ðông, địch có thể phá các cầu để chặn bước tiến của quân ta. Ðịch bố-trí các kho đạn chính ở Nhà Bè và Cát-Lái. Long-Bình chỉ là kho tiếp-liệu. Do địch dựa vào chủ-yếu là không-quân, nên các sân bay Tân-Sơn-Nhứt, Biên-Hòa và Cần-Thơ giữ vai-trò quan-trọng, đặc-biệt là sân bay Biên-Hòa, nơi đậu các máy bay cường-kích F5 và A37 . . . Khi được hỏi về thất-bại của y tại Phan-Rang, Nghi đổ lỗi cho binh-lính tinh-thần sa-sút, không chịu chiến-đấu. Như còn nuối tiếc một ảo-vọng y nói: Chúng tôi thiếu tiếp-liệu và thiếu thời-gian. Nếu các ông đánh chậm một tháng nữa thì chưa biết sẽ ra sao!

Tại Vùng 4 CT, cho đến đầu tháng tư, tình-hình tương-đối yên-tĩnh, nhưng các cuộc chạm súng lẻ-tẻ tại những nơi xa-xôi, hẻo-lánh vẫn còn tiếp-diễn. Người ta chưa thấy Hà-Nội điều-động một đơn-vị CSBV đáng kể nào, ngoại-trừ tin tình-báo ngày 1-4-1975 cho biết sư-đoàn 4 VC Hậu-Giang từ U-Minh đang di-chuyển về Cần-Thơ để phối-hợp với 2 tiểu-đoàn VC Tây-Ðô tấn công vào thị-xã trước ngày 8-4-1975.

Ðược tin nói trên, thiếu-tướng Nguyễn-Khoa-Nam, tư-lệnh Quân-đoàn IV, liền điều-động Sư-đoàn 21 Bộ-binh và Thiết-đoàn 9 Kỵ-binh đang hành-quân tại ven rừng U-Minh, do chuẩn-tướng Mạch-Văn-Trường chỉ-huy, về phòng-thủ thị-xã Cần-Thơ. Tại đây, Sư-đoàn 21 còn được Trung-đoàn 11 thuộc Sư-đoàn 7 BB và Trung-đoàn 63 BB tăng-cường, và pháo-binh Quân-đoàn yểm-trợ trực-tiếp.

Ðêm 8, rạng ngày 9-4-1975, Sư-đoàn 4 VC Hậu-Giang gồm các trung-đoàn 2, 10 và 20 VC và 2 tiểu-đoàn VC Tây-Ðô lén-lút xâm-nhập và tấn-công vào vòng đai phòng-thủ Ba-Se, trấn-đóng bởi các trung-đoàn 32, 63 BB và chi-khu Phong-Ðiền, nhưng quân bố-phòng đã chống-trả mãnh-liệt và Sư-đoàn 4 KQ từ các phi-trường Bình-Thủy và Trà-Nóc đã lên vùng, xạ-kích và oanh-kích dữ-dội vào mục-tiêu khiến địch-quân tổn-thất nặng. Chiến-đoàn 933 do trung-tá TG Trần-Hữu-Thành chỉ-huy, nằm ở vòng ngoài (Thới Lai, Ô Môn) đã chặn viện và tiêu-diệt các đơn-vị VC từ Vòng Cung rút ra. Hai hôm sau, ngày 10-4, bộ tư-lệnh Miền và Quân-khu 9 phải lệnh cho Sư-đoàn 4 VC lui binh, nhưng đêm 12-4, từ quận Bình-Minh, Vĩnh-Long, VC lại pháo 50 trái 105 ly vào thị-xã Cần-Thơ, gây hỏa-hoạn cho khoảng 200 căn nhà và sát-hại hơn 100 thường dân vừa chết và bị thương.

Tại Vùng 3 CT, ngày 9-4-1975, khoảng 30,000 quân CSBV tiến đánh Xuân-Lộc, thuộc tỉnh Long-Khánh, cách Sài-Gòn khoảng 60 cây-số. Sư-đoàn 18 BB và Lữ-đoàn 1 Dù đã chặn đứùng các đợt tấn-công liên-tiếp của địch trong suốt hơn một tuần, gây tổn-thất nặng-nề cho địch-quân và buộc họ phải bỏ mục-tiêu mà bọc sang hướng Tây. Từ 11-4 đến ngày 25-4-1975, Lực-lượng Xung-kích Quân-đoàn III (LLXK QÐ III), do chuẩn-tướng Trần-Quang-Khôi, tư-lệnh lữ-đoàn 3 Kỵ-binh, chỉ-huy, trong 14 ngày đêm liên-tiếp đã chặn đứng địch-quân tại khu-vực Dầu-Giây. Ðặc-biệt ngày 16-4, trên tuyến Hưng-lộc – Ngã ba Dầu-Giây, Lực-lượng Xung-kích và địch-quân giằng-co dữ-dội khiến tướng Khôi phải xin trung-tướng Nguyễn-Văn-Toàn, tư-lệnh Quân-đoàn III, cho xử-dụng 2 trái bom CBU55 ném vào mục-tiêu, hạ khoảng 1 trung-đoàn VC và chạên đứng mũi dùi tấn-công của Quân-đoàn 4 BV đồng thời giải-cứu Chiến-đoàn 52 thuộc Sư-đoàn 18 BB, do đại-tá Ngô-Kỳ-Dũng chỉ-huy, khỏi bị tiêu-diệt. Sau đó Trung-đoàn 52 BB rút về Long Bình, Biên Hòa.

Kể từ ngày 19-4-1975, áp-lực của địch đè nặng vào mặt trận phía Ðông. Quân-đoàn 2 và Quân-đoàn 4 BV đang cố gắng tìm cách tiến sát vào vòng đai phòng thủ Sài-Gòn, đối-phương chỉ còn cách Thủ-đô khoảng 50 cây-số.

Ngày 20-4-75, trung-tướng Nguyễn-Văn-Toàn, tư-lệnh Quân-đoàn III, lệnh cho chuẩn-tướng Lê-Minh-Ðảo, tư-lệnh Sư-đoàn 18 BB, bỏ Xuân-Lộc, rút quân theo tỉnh-lộ 2 qua ngả Phước-Tuy về căn-cứ Long-Bình, Biên-Hòa để dưỡng quân và bổ xung quân-số. Lữ-đoàn 1 Nhảy Dù, do trung-tá Nguyễn-Văn-Ðỉnh chỉ-huy, xuất-phái khỏi sư-đoàn 18 BB, di-chuyển xuống Vũng Tàu, tăng-cường cho khu-vực này. Riêng LLXK QÐ III được tăng-phái Trung-đoàn 8 thuộc SÐ5BB của trung-tá Nguyễn-Bá Mạnh-Hùng, án-ngữ tại mặt trận Dầu Giây – Hưng Lộc cho đến ngày 25-4-1975, là ngày bộ tư-lệnh QÐ III dự-trù cho Sư-đoàn 18 BB (-) lên thay-thế LLXK tại chạm tuyến.

Tình-hình mỗi ngày một khẩn-trương và nguy-ngập, nhưng giới hữu-trách trong chính-quyền cũng như bộ Tổng-tham-mưu vẫn giữ im-lặng. Không ai nghe thấy một "Lệnh tử-thủ" hay "Hịch" nào từ hàng lãnh-đạo, hay từ những người đại-diện dân, có lẽ họ đang chờ Hoa-Kỳ bật đèn xanh hay đỏ hoặc mong đón nhận một nhân-nhượng nào đó từ phía CSBV. Bởi vậy, dân và quân cùng gia-đình, chỉ còn cách bỏ chạy sau khi nghe những tin-tức không mấy chính-xác, từ các đài phát-thanh BBC và VOA. Các đài này đã cố ý hay vô-tình tiếp tay địch quân một cách tàn-nhẫn, làm suy-sụp tinh-thần quân-dân miền Nam không ít.

Cũng trong ngày 20-4-1975, đại-sứ HK Graham Martin gặp tổng-thống Nguyễn-Văn-Thiệu và "khuyên" ông Thiệu phải từ-chức để ổn-định tình-hình vì ông Martin cho rằng tổng-thống Thiệu không bao giờ có thể thương-thuyết với Cộng-sản.

Vào buổi chiều cùng ngày, tỉnh Phan-Thiết, nằm về phía Ðông-Ðông-Bắc Sài-Gòn khoảng 150 cây-số, là tỉnh-lỵ cuối cùng tại miền duyên-hải Nam Việt-Nam, bị Cộng quân tiến chiếm. Dân chúng, quân-nhân và gia-đình từ Phan-Rang, Phan-Thiết hốt-hoảng chạy về miền Nam, đã kể lại những điều tai nghe mắt thấy, càng làm cho tinh-thần quân-dân tại thủ-đô cảm thấy bi-đát hơn, đa-số những người có phương-tiện đều chuẩn-bị hành-trang, tìm đường di-tản.

Sau các vụ vi-phạm hiệp-định Paris tại VNCH, để tìm hiểu lý-do tại sao gia-đình quân, cán, chính và ngay cả dân chúng địa-phương lại có thể thi nhau bỏ chạy nhanh như vậy? Bằng chứng là tại Quảng-Trị, Thừa-Thiên, Ðà-Nẵng, Bình-Ðịnh, Tuy-Hòa, Nha-Trang và nhiều nơi khác nữa, người ta đã bỏ chạy trước khi địch tấn-công! Nhiều tỉnh-lỵ hay thị-xã như Nha-Trang, Ðà-Lạt đã bỏ trống trong nhiều ngày, mặc dầu địch-quân còn ở đằng xa, chưa kịp thu quân! Qua các cuộc phỏng-vấn người tỵ-nạn từ khi họ còn ở trong nước hay đã xuất-ngoại, chúng tôi ghi nhận được hai lý-do sau đây:

1.) Trong thời-gian tổng-thống Nguyễn-Văn-Thiệu lãnh-đạo VNCH: Sau các cuộc xâm-lấn trắng-trợn tại Ban-Mê-Thuột và rối-loạn đẫm máu tại Liên tỉnh-lộ 7, hầu hết người ta nhận thấy rằng: Trong khi HK rút quân khỏi VN và cắt giảm quân-viện, thì ngược lại BV lại được Nga-Sô và Trung-Cộng viện-trợ chiến-cụ nhiều hơn trước. Vậy nếu HK không còn yểm-trợ hỏa-lực cho VNCH khi bị BV xâm-lấn thì trước hay sau rồi miền Nam Việt-Nam cũng lọt vào tay CSBV vì rõ-ràng là HK đã quyết-định bỏ rơi miền Nam. Hơn nữa, sau trên 20 năm chiến-tranh, cho đến giờ chót miền Nam vẫn chưa tìm ra người lãnh-đạo có tài-đức. Chính vì vậy mà hầu như mọi người, mọi giới đã "mất hết niềm tin" nên vội vã di-tản.

2.) Sau khi trung-tướng Nguyễn-Văn-Thiệu đào-thoát: Mặc dầu hầu-hết người dân miền Nam vẫn sống trong thầm lặng nhưng không ai lại không hiểu rằng nếu tướng Dương-Văn-Minh lên làm tổng-thống, thì dù cho có hay không có chính-phủ "Ba thành-phần", thì tương-lai gần, miền Nam VN cũng sẽ bị CSBV đồng-hóa. Bởi vậy, bất chấp mọi hiểm-nghèo, người ta đã tìm đường tỵ-nạn vì sợ sau này CS sẽ trả thù, hành-hạ hay kìm-kẹp trong chế-độ khát máu, bạo-tàn. Nhận-định này cũng được trung-tướng Trần-Văn-Ðôn, phó thủ-tướng VNCH, nhắc đến trong hồi-ký "Việt-Nam Nhân-Chứng": Nghe tin ông Minh nhận chức Tổng-thống dư-luận chia làm hai: Một số nghĩ rằng sắp có cơ-hội thương-thuyết để ngưng chiến, một số khác cho rằng chúng ta đang mở cửa cho Cộng-Sản nuốt trọn miền Nam.

 

Miền Nam như rắn mất đầu

Ngày 21-4-1975

Vào buổi sáng, tổng-thống Nguyễn-Văn-Thiệu triệu-tập nội-các thu hẹp để trình bày lý-do và ý-định từ-chức sau khi ông đã tiếp-xúc với đại-sứ Hoa-Kỳ Graham Martin vào ngày 20-4. Cũng vào buổi chiều hôm ấy, tổng-thống Thiệu cho mời Tối-cao Pháp-viện, Quốc-hội, Chính-phủ và các tướng-lãnh cao-cấp trong quân-lực VNCH tới dinh Ðộc-Lập để chứng-kiến việc ông đọc thông-điệp gửi toàn-thể đồng-bào trên hệ-thống truyền-thanh và truyền-hình, sau gần 9 năm lãnh-đạo miền Nam Việt-Nam. Trong thông-điệp từ-nhiệm, kéo dài khoảng 90 phút, tổng-thống Thiệu lên án Hoa-Kỳ đã nuốt lời hứa và bỏ rơi Việt-Nam Cộng-Hòa trong vai-trò chống Cộng, đồng-thời ông cũng tiết-lộ tình-trạng quân-khí, đạn-dược và săng nhớt của quân-đội miền Nam thiếu-hụt trầm-trọng vì lý-do Hoa-Kỳ đã cắt giảm viện-trợ. Theo hiến-pháp VNCH, phó tổng-thống Trần-Văn-Hương đương-nhiên thay thế trung-tướng Nguyễn-Văn-Thiệu trong chức-vụ tổng-thống. Nhưng về phía CSBV và phe trung-lập lại chống đối tổng-thống Trần-Văn-Hương vì họ cho rằng ông Hương cũng chỉ là tay chân của tướng Thiệu.

Sự-kiện nói trên đã làm cho tinh-thần chiến-đấu của quân-sĩ và nhân-dân miền Nam suy-nhược không ít và ngược lại, đối-phương thêm phấn-khởi. Nhất là tướng Thiệu lại đột-ngột đào-thoát vào lúc quân Bắc-Việt ở thế chủ-động, nên địch quân đã tập-trung lực-lượng, đánh mau, đánh mạnh vào các yếu-huyệt, ào-ạt như nước vỡ bờ, không để Sài-Gòn có thời-giờ cầu xin một giải-pháp chính-trị.

Tại Vùng 2 Chiến-thuật, phòng tuyến Phan-Rang do trung-tướng Nguyễn-Vĩnh-Nghi chỉ-huy, đã bị tràn-ngập từ 11 giờ trưa ngày 16-4-75, bởi Sư-đoàn 3 Sao Vàng, Sư-đoàn 325 BV và Ðoàn 968 VC từ hướng Bắc đánh xuống. Quân bố-phòng rút chạy tán-loạn. Trước đó 3 ngày, Lữ-đoàn 2 Dù nằm trên chạm tuyến, nhưng kể từ ngày 13-4-75, Lữ-đoàn 2 Dù được thay thế bởi Liên-đoàn 31 BÐQ do đại-tá Nguyễn-Văn-Biết chỉ-huy, quân số còn khoảng 1,300 người. Ngoài ra Phan-Rang còn được tăng-cường bởi Sư-đoàn 2 BB (-) do chuẩn-tướng Trần-Văn-Nhựt chỉ-huy, quân-số của cả 2 Trung-đoàn 4 và 5 BB thuộc Sư-đoàn này còn khoảng 900 người, cùng 1 Chi-đội Thiết-vận-xa và 2 Pháo-đội 105 ly. Tất cả các đơn-vị nói trên, còn đang hoang-mang, giao-động vì mới vội-vã rút về chờ bổ-sung quân-số, nhưng lại được điều-động ngay ra chạm-tuyến để thay-thế cho Lữ-đoàn 2 Dù. Theo nguồn tin của một sĩ-quan cao cấp, cùng bị giam với trung-tướng Nguyễn-Vĩnh-Nghi, kể lại: Trung-tướng Nghi cho biết khi nhận lãnh trách-nhiệm phòng-thủ Phan-Rang, tổng-thống Nguyễn-Văn-Thiệu đã chấp-thuận đề-nghị của ông về việc xin gửi ra Phan-Rang những đơn-vị chưa bị ảnh-hưởng bởi việc tháo chạy, như sư-đoàn 21BB thuộc QÐ IV và sư-đoàn Nhảy Dù chẳng hạn. Nhưng khi ra tiền-tuyến, ngày 1-4-75, tướng-Nghi chỉ có Lữ-đoàn 2 Dù. Ngày 12-4-75, Lữ-đoàn 2 Dù lại được thay-thế bởi Liên-đoàn 31 BÐQ. Ngày 13 và 14-4-75, tướng Nghi được tăng-cường Sư-đoàn 2 BB (-) nguyên từ Chu-Lai chạy vào Bình-Tuy. Cũng theo tướng Nghi, tuyến phòng-thủ này phải cần tới 2 sư-đoàn BB mới có thể tạm phòng-thủ được.

Trong khi đó các vị lãnh-đạo tối cao của quân-lực VNCH là tổng-thống Nguyễn-Văn-Thiệu và đại-tướng Cao-Văn-Viên đã không có một kế-hoạch khả-thi nào để dồn nỗ-lực vào việc bảo-vệ miền Nam, dù là chỉ trấn-giữ trong một thời-gian ngắn, đủ để đổi ngược thế cờ. Ngược lại, Tổng-tư-lệnh Nguyễn-Văn-Thiệu lại phó-thác cho các Tư-lệnh chiến-trường. Còn đại-tướng Tổng-tham-mưu-trưởng Cao-Văn-Viên thì lúc nào cũng trông ngóng vào Hoa-Kỳ và chờ lệnh của tổng-thống Thiệu, nên ông vẫn để một vài tướng-lãnh tự-ý điều-động các đơn-vị sẵn có trong tay, với khả-năng hạn-hẹp và kế-hoạch vá-víu. Riêng bộ Tổng-tham-mưu thì vẫn được điều-hành như một hộp thơ, bởi những sĩ-quan thiếu kinh-nghiệm chiến-trường, từ trước đến sau vẫn vậy, không hơn không kém. Người ta cho rằng, các tướng Nguyễn-Văn-Thiệu và Cao-Văn-Viên không muốn làm phật-ý Hoa-Kỳ. Cho đến nay, sau 28 năm tỵ-nạn, người ta vẫn thường tự hỏi, tại sao sau gần 9 năm cầm quyền tướng Thiệu lại không sớm hành-động cho thích-ứng với tình-thế hay can-đảm bàn giao việc lãnh-đạo quốc-gia cho người khác trách-nhiệm mà lại để quốc-sản rớt vào tình-trạng nghèo-nàn và rách nát như vậy?

Còn Hoa-Kỳ thì cứ để mặc cho Bắc-Việt chiếm nhanh chừng nào hay chừng nấy, miễn sao chấm dứt được chiến-tranh Việt-Nam, chứ Hoa-Kỳ không có một phản-ứng nào như tổng-thống Nixon đã hứa hẹn. Tại Hoa-Thịnh-Ðốn Eric Von Marbod và tướng Weyand ra trước tiểu-ban thuộc ủy-ban Chuẩn-chi Hạ-viện HK điều-trần để yêu-cầu Quốc-hội chấp-thuận ngân-khoản 300 triệu Mỹ-kim quân viện bổ-túc và 170 triệu kinh-viện nhưng đã tuyệt-vọng.

Ngày 22-4-1975.

Sau khi tổng-thống Nguyễn-văn-Thiệu từ-chức, đại-tướng Cao-Văn-Viên và trung-tướng Ðặng-Văn-Quang vào dinh Ðộc-Lập để xin từ-nhiệm. Tổng-thống Trần-Văn-Hương chấp-thuận trên nguyên-tắc, nhưng đại-tướng Viên phải chờ người thay-thế.

Tòa đại-sứ HK xác-nhận vì thiếu máy bay nên việc di-tản có phần chậm trễ so với kế-hoạch dự-trù. Tuy-nhiên theo nguồn tin chính-thức cho biết 3,300 người tỵ-nạn đã rời Sài-Gòn bằng phi-cơ quân-sự HK trong ngày 22-4-1975. Sự-kiện "di-tản" này đã làm mọi người hoang-mang tột độ, nhất là dựa theo kinh-nghiệm người Mỹ bỏ chạy ở Nam-Vang trước đó.

Tại Vùng 3 Chiến-thuật, VC pháo-kích và tấn-công vào căn-cứ Không-quân Biên-Hòa. Tỉnh-lỵ Xuân-Lộc được bỏ ngỏ mặc dầu sư-đoàn 18 BB và lữ-đoàn 1 Dù đã tiêu-diệt trên 5,000 quân Bắc-Việt trong một trận chiến kéo dài gần 2 tuần-lễ. Quan-sát-viên quân-sự cho biết Xuân-Lộc không còn là mục-tiêu trọng-yếu của địch-quân, họ đã vòng sang đường khác để tiến về Sài-Gòn nên tướng Nguyễn-Văn-Toàn cho rút quân về Long-Bình để kịp thời ngăn-chặn đối-phương.

Tại Bắc-Việt, cũng trong ngày 22-4, CS cấp-thời điều-động Quân-đoàn 1 và 3 tung vào chiến-trường miền Nam, đồng-thời Lê-Duẫn thay mặt Chính-trị Trung-ương Ðảng CS, gửi công-điện vào Nam, mở cuộc tổng tiến-công vào Sài-Gòn. Sau đó, Bộ chỉ-huy chiến-dịch gồm Lê-Ðức-Thọ, đại-diện Trung-ương Ðảng, Phạm-Hùng, Chính-ủy, và đại-tướng Văn-Tiến-Dũng, tư-lệnh bộ chỉ-huy chiến-dịch Hồ-Chí-Minh, duyệt lại lần chót kế-hoạch tiến-công vào Sài Gòn – Gia Ðịnh theo các hướng Bắc, Tây-Bắc, Tây, Ðông và Nam. Sau khi hoàn-thành tổ-chức hiệp-đồng các hướng và quân binh chủng, Lê-Ðức-Thọ và Phạm-Hùng ở lại hậu-cứ Lộc-Ninh điều-khiển các vấn-đề liên-quan đến quân-sự, chính-trị và ngoại-giao.

Ngày 23-4-1975

Tại Sài-Gòn, tân tổng-thống Trần-Văn-Hương mời đại-tướng Dương-Văn-Minh làm thủ-tướng toàn-quyền. Nhưng đến 5 giờ chiều ngày hôm sau, 24-4-1975, tướng Minh họp báo từ-chối, có lẽ vì ông thấy chưa hội đủ điều-kiện để thương-thảo. Trong khi đó, một mặt Cộng-quân ào-ạt tạo áp-lực tại các vùng quanh Sài-Gòn như Hóc-Môn, Long-Thành, Biên-Hòa. Mặt khác VC loan tin xác-nhận chỉ có Dương-Văn-Minh là người mà họ khả-dĩ có thể thương-thuyết, ngoài ra những thân-tín hay bộ-hạ của tướng Thiệu hoàn-toàn bị gạt bỏ, ám chỉ kể cả ôngï Hương.

Nhận thấy tình-hình mỗi ngày một đen tối, đại-sứ Pháp Mérillon đã cố gắng thuyết-phục tổng-thống Trần-Văn-Hương nhường quyền-bính lại cho tướng Dương-Văn-Minh để ông kịp tiếp tay tướng Minh trong việc thành-lập chính-phủ ba thành-phần hầu tránh đổ máu. Vào lúc này có nhiều nguồn tin cho rằng nước Pháp muốn đứng ra làm trung-gian liên-lạc với Mặt Trận Giải-phóng miền Nam và Hà-Nội hầu cứu-vãn tình-thế. Pháp muốn giữ miền Nam bằng một chính-phủ trung-lập, 3 thành-phần, gồm: Quốc-gia, Ðối-lập và Mặt-trận Giải-phóng Miền Nam. Việc này Trung-Cộng đã trả-lời đồng-ý trên nguyên-tắc bằng miệng, nhưng Nga-sô từ chối và dành quyền quyết-định cho Bắc Việt. Tại Ðông Nam Á, ngoại trừ Nam-Dương, còn các nước khác đều tán-thành VN đình-chiến trong trung-lập hơn là thống-nhất trong độc-lập.

Lúc đầu tổng-thốngï Trần-Văn-Hương còn do-dự và ngần-ngại về khả-năng của tướng Dương-Văn-Minh, nhưng sau cùng ôngï Hương đành chọn giải-pháp đưa vấn-đề lựa người lãnh-đạo, có đủ điều-kiện để hòa-giải với Cộng-Sản, cho quốc-hội biểu-quyết.

Cũng trong thời-điểm này, tại trường đại-học Tulane, ở New Orleans, Hoa-Kỳ, tổng-thống Gerald R. Ford tuyên-bố đại-ý như sau: Cuộc chiến tại Việt-Nam đối với người Hoa-Kỳ coi như đã xong (đã chấm dứt). Trong khi đó, tại Sài-Gòn, đại-sứ Graham Anderson Martin chính-thức cho phép nhân-viên Việt-Nam làm việc tại sứ-quán HK được di-tản.

Ngày 24-4-1975

Các nước Anh, Tây Ðức, Hòa Lan, và Thái Lan đóng cửa tòa đại-sứ tại Sài-Gòn. Cả tổng-thống Hương và đại-tướng Minh, đều gửi sứ-giả của mình tới trại Davis. Họ được các đại-diện của Mặt-trận Giải-phóng tiếp đón lịch-sự nhưng từ-chối không cam-kết. Cũng trong ngày này, tại Ba-Lê và Hà-Nội, Mặt-trận Giải-phóng công-bố một bản tuyên-cáo đại-ý: Phải lập một chính-quyền mới tại Sài-Gòn và trong chính-quyền này không thể có một bộ mặt nào của bè lũ Thiệu.

Ngày 25-4-1975

Sư-đoàn 18 BB từ Long-Thành lên mặt trận Trảng-Bom – Hưng Lộc – Ngã Ba Dầu Giây thay thế cho Lực-lượng Xung-kích Quân-đoàn III về Biên-Hòa dưỡng-quân và đặt trong tình-trạng trừ-bị Quân-đoàn, riêng Trung-đoàn 8 thuộc sư-đoàn 5 BB được hoàn-trả về Lai-Khê. Chiều ngày 25-4, Chiến-đoàn 322 và 1 tiểu-đoàn TQLC do trung-tá TG Nguyễn-Văn-Liên chỉ-huy đã hạ 15 chiến-xa T-54 VC trong nhiệm-vụ tiếp-cứu trường Thiết-giáp tại khu-vực ngã ba Long-Thành – căn-cứ Bear Cat.

Theo tướng Văn-Tiến-Dũng dự-trù thì chậm nhất là ngày 28-4, họ phải lấy được căn-cứ Nước Trong, quận Long-Thành, dọn đường đánh chiếm quận-lỵ Nhơn-Trạch hầu kéo đại-pháo 130 ly vào để khai-triển trận địa-pháo, làm tê-liệt phi-trường Tân-Sơn-Nhứt và khóa chặt sông Lòng Tàu, không cho đối-phương dùng thủy-lộ chạy ra biển. Chiều ngày 25-4, đại-tá BV Hoàng-Ngọc-Diêu báo-cáo phi-công và thợ máy tại Ðà-Nẵng đã học xong cách lái và bảo-trì phản-lực-cơ A-37 lấy được của VNCH nên tướng Văn-Tiến-Dũng quyết-định đánh Tân-Sơn-Nhứt bằng A-37.

Không đầy 4 hôm sau khi từ-chức tổng-thống, để thỏa-mãn ý-định của Hoa-Kỳ, vào lúc 9 giờ 30 tối ngày 25-4, trung-tướng Nguyễn-Văn-Thiệu và đại-tướng Trần-Thiện-Khiêm, cựu thủ-tướng VNCH, đã được đại-sứ Martin tiễn chân lên phi-cơ C118 của Không-quân HK sang Ðài-Loan ẩn-náu an-toàn, nhưng sự thật là Hoa-Kỳ đưa các ông ra khỏi Việt-Nam để làm vừa lòng Bắc-Việt. Riêng gia-đình của hai ông đã rời Việt-Nam từ tháng trước.

Sau khi tổng-thống Thiệu rời Việt-Nam vào ngày hôm trước, thì hôm sau trung-tướng Trần-Văn-Ðôn gặp trung-tướng Vĩnh-Lộc tại nhà đại-tá Huyến, có ý muốn tiến-cử tướng Vĩnh-Lộc làm Tổng tham-mưu-trưởng nhưng ông khước-từ và đề-nghị trung-tướng Nguyễn-Ðức-Thắng, là người có nhiều cảm-tình với binh-sĩ, lên thay thế đại-tướng Cao-Văn-Viên.

 

HMV

 http://www.banvannghe.com/D_1-2_2-59_4-2576/thep-va-mau-ha-mai-viet.html

up

AcDieu
Google Search:       

Tin vui

Tin Buồn

 

RFI
Nguoi_Viet
RFA
Quan_Su_VNCH
Quân Sử VNCH
Voa_tieng_Viet
msn
BBc_Tieng_Viet
Dan_lam_bao
Radio_VNHN

TIME