AcDieu225
Co Vang amazon Tammy

Free Hit Counters
Web Site Hit Counters

cam-on-anh_TPB (2).jpg

Chuẩn Tướng Trần Văn Hai « Sinh Vi Tướng, Tử Vi Thần »

Nhật Hồng Nguyễn Thanh Vân 2010/04/19

TranVanHaiChT

Qua hơn 4 ngàn năm dựng và giữ nước, lịch sử Việt Nam đã có không biết bao nhiêu là những bậc hùng anh  dũng cảm, hiên ngang, kiên cường, bất khuất.

Họ đã không tiếc xương máu của mình để tài bồi cho tổ quốc non sông ngày một hùng cường vững mạnh, đến nỗi giặc Bắc phương với 1 ngàn năm đô hộ, cuối cùng rồi cũng phải ngã đầu kinh sợ trước giống Lạc con Hồng.

Hỏi ai trong chúng ta không có lần ngậm ngùi thương cảm và kính phục Trần Bình Trọng với câu : « Thà làm Quỷ nước Nam hơn làm Vương đất Bắc », hoặc một Võ Tánh, một Hoàng Diệu quyết chết theo thành để giữ tròn danh tiết mà mãi mãi ngàn đời cháu con vẫn hằng tưởng nhớ.

Lại còn biết bao những anh hùng liệt nữ khác, mà sự trung trinh tiết liệt sáng ngời như Bắc Đẩu giữa trời Nam !

Những vị đó rất xứng đáng được lưu danh thiên cổ với câu « Sinh Vi Tướng Tử Vi Thần », sống làm Tướng, chết được làm Thần.

Nhưng không phải hễ ai được phong Tướng lúc sinh thời, rồi khi chết đều được thành Thần tất cả, mà còn phải xứng đáng là kẻ tài ba dũng lược với tấc lòng thiết thạch vì nước quên mình, hoặc không tham sống sợ chết, không đầu hàng quân giặc, không sống vinh thân phì da trên xương máu của người dân, và khi chết phải với “da ngựa bọc thây” ngoài chiến địa, hay tuẫn tiết theo thành, hoặc sừng sửng hiên ngang dẫu đầu rơi máu đổ nếu chẳng may thất trận thua binh bị bắt. Chứ không khiếp nhược đầu hàng quân giặc, không bỏ chạy khi quốc biến gia vong, hoặc không thể bị luỵ thân vì tửu sắc như Lã Bố hay là chết vì sự nóng nảy hồ đồ, say sưa hung hãn như Trương Dực Đức đời Tam Quốc, và không phải chết nhục nhã nơi cửa ải mỹ nhân như rất nhiều những Tướng Quân Đông Tây kim cổ, mà vết nhơ còn để đến muôn đời ! !

Ôi lịch sử ô nhục của ngày 30/04/1975 vừa qua với lệnh đầu hàng của Đại Tướng Dương Văn Minh, đã làm cho toàn Quân Lực miền Nam Việt Nam phải đi vào tử địa, khiến kẻ bị bắt, người bị tù đày khốn khổ, hoặc chết thảm thương nơi bờ luỹ bờ hào mà uất khí oan hồn còn vất vưởng nơi rừng cây nội cỏ.

Có lẽ trong cõi vô hình họ đang căm hờn phẫn hận, nguyền rủa những kẻ mạt tướng bội vong dâng mảnh dư đồ cho Búa Liềm Cộng Sản !

Thế nhưng, bên cạnh đó, cũng còn có những tướng lãnh anh hùng, mà dòng máu của Trần Bình Trọng, Hoàng Diệu … vẫn còn luân lưu trong huyết quản, nên những vị đó đã tự sát giữa cơ binh, hoặc trong doanh trại … mà đền ơn Tổ Quốc.

Đáng kính phục thay ! Những anh hùng vị quốc vong thân ! Dù đã chết mà anh linh còn đó, hoà nhập với hồn của núi sông, muôn đời và mãi mãi làm một vị “THẦN” của dân tộc Rồng Tiên.

Đó là Tướng Nguyễn Khoa Nam, Phạm Văn Phú, Lê Văn Hưng, Lê Nguyên Vỹ … mà ở đây, chúng tôi muốn đặc biệt nói về cái chết của Chuẩn Tướng Trần Văn Hai – một chiến sĩ Biệt Động Quân (BĐQ) trong hàng chục năm dài – và cũng là một Chỉ Huy Trưởng thanh liêm trong sạch nhưng đầy vẻ hào hùng tự trọng, gan dạ và quả cảm của Binh Chủng Mũ Nâu, khiến mỗi khi nhắc đến, không phải chỉ có đa số Sĩ Quan, Hạ Sĩ Quan trong đại gia đình Binh Chủng ngưỡng phục, mà đến cả hàng Binh Sĩ cũng kính trọng vô vàn.

Chẳng những thế mà người dân ở Tỉnh Phú Yên, các chiến sĩ trong Lực Lượng Cảnh Sát Quốc Gia, các cấp chỉ huy cho đến tân binh thụ huấn ở Trung Tâm Huấn Luyện Lam Sơn (Dục Mỹ), và sau cùng là chiến hữu các cấp của Sư Đoàn 7 Bộ Binh, cũng đều mến mộ tiếc thương cho một anh hùng khi ngã ngựa – mà ngã ngựa trong vinh dự của một Tướng lãnh thà tự sát chết đi, còn hơn đầu hàng những kẻ “chăn vịt đội nón tai bèo”.

Theo người thân kể lại thì Chuẩn Tướng Trần Văn Hai sinh tại Cần Thơ năm 1926 (tuổi Bính Dần), xuất thân là nhân viên Công An thời Pháp thuộc, sau đó theo học Khoá 7 trường Võ Bị Quốc Gia Đà Lạt … rồi với các cấp bậc Thiếu Uý, Trung Uý, Đại Uý, ông đã phục vụ một cách đắc lực cho Quân Đội Việt Nam từ lúc phôi thai cho đến mãi về sau này, và cũng từng được đưa đi đào tạo tại Mỹ Quốc …

Ở cấp bậc Đại Uý, Trần Văn Hai là một trong những người đầu tiên thành lập Trung Tâm Huấn Luyện Biệt Động Quân Dục Mỹ vào ngày 01/08/1961, và cũng là người khai sáng ra các lớp Hành Quân Biệt Động Rừng Núi Sình Lầy và Hành Quân Viễn Thám – mà hễ ai từng được tham dự khoá này cũng đều công nhận câu “Thao trường đổ mồ hôi, chiến trường bớt đổ máu” là đúng.

Hình ảnh một Đại Uý Trần Văn Hai giữa trưa hè nắng gắt, quần trận, giày sô, áo thun màu cứt ngựa, chỉ huy xe ủi đất hùn hụt suốt ngày đêm làm bằng phẳng cả khu vực của Trung Tâm Huấn Luyện, xẻ đường ngang lối dọc một cách vất vả, mồ hôi nhễ nhại cho kỳ đạt được sự khang trang đẹp mắt mới thôi.

Sự hăng hái làm việc của ông trong giai đoạn này, được các Cố Vấn Mỹ thời đó, vừa mến phục vừa thân thương đặt cho danh hiệu là “Hai Highway”, ngụ ý khen tặng cái khả năng hiếm có của ông, mặc dù với phương tiện thô sơ kém cỏi, mà chỉ trong một thời gian kỷ lục, ông đã hoàn tất sự xây dựng rất khó nhọc cho Trung Tâm một cách tuyệt hảo như những Kỹ Sư xây dựng xa lộ cao tốc vậy. Đồng thời cũng để nêu cao sự tận tuỵ của một Sĩ Quan mang cấp Đại Uý, mà Đại Uý của Quân Đội Việt Nam Cộng Hoà ở thời điểm năm 1961 thường có thể giữ những chức vụ khá cao trọng như : Tiểu Đoàn Trưởng, Trung Đoàn Trưởng, Tỉnh Trưởng.. vv … trái lại đàng này, ông chỉ làm cái công việc chỉ huy xe ủi đất rất tầm thường và khiêm tốn, nhưng không hề bất mãn hay bỏ bê nhiệm vụ.

Rồi cũng với hình ảnh một Đại Uý Trần Văn Hai giữa cái gió cát từng cơn hắt vào da thịt, vẫn giày sô, quần trận, áo thun màu cứt ngựa chuyên tâm lo huấn luyện lớp Hành Quân Biệt Động Rừng Núi Sình Lầy..vv … mà cái cực nhọc của những lớp học này nói sao cho hết. Từ Cán Bộ Huấn Luyện Viên cho đến Sĩ Quan, Hạ Sĩ Quan khoá sinh, và chính ông là người chịu trách nhiệm Trưởng Lớp huấn luyện trực tiếp … đều cùng chung gian khổ với nhau.

Đằng đẳng nhiều năm dài như vậy, ông không nề nguy hiểm gian lao đem hết khả năng đào luyện những cán bộ nồng cốt, cho hầu hết các đơn vị Bộ Binh Quân Lực VNCH.

Nếu ai đã từng học qua một lớp Căn Bản Biệt Động Quân, hoặc lớp Hành Quân Biệt Động Rừng Núi Sình Lầy, hay lớp Hành Quân Viễn Thám ở Trung Tâm Huấn Luyện Biệt Động Quân Dục Mỹ, chắc cũng cho những điều nêu trên là đúng, mà Đại Uý Trần Văn Hai đã trực tiếp chịu trách nhiệm thực thi, hết lớp học này đến lớp học khác, đạt mức thành công theo tiêu chuẩn đòi hỏi của Bộ Tổng Tham Mưu.

Điều đáng nói thêm về ông ở đây, là ngoài việc theo dõi một cách kỹ lưỡng từng môn học, bận bịu suốt cả ngày đêm mà cuốn sách tự học trên tay không lúc nào thiếu vắng nơi ông.

Có lần ông tâm sự : « Con đường binh nghiệp của chúng ta hãy còn dài, cấp bậc của chúng ta hiện giờ tuy còn nhỏ, nhưng lần lần sẽ được nâng cao hơn. Nếu bây giờ chúng ta tự mãn với hiện tại, không cầu tiến, không lo học hỏi trau dồi thêm sinh ngữ, đọc nhiều về binh thư binh thuyết, một mai cấp trên giao vào tay ta cả Đại đơn vị thì làm sao chu toàn được nhiệm vụ ».

Lời tâm sự đó, có lẽ là để tự rèn luyện cho bản thân ông chuẩn bị một ngày nhận lấy chức vị Tướng Lãnh về sau này, và cũng để khuyên nhủ các thuộc cấp phải trau dồi thêm tinh thần đó nữa.

Đáng trân trọng thay ! Lời nói tuy bình dị, không ẩn chứa một triết thuyết nào cao diệu, nhưng cũng là lời : “Nói Được Làm Được” của chính bản thân ông – đã minh chứng rõ ràng về sau này.

Thế rồi ông được thăng cấp Thiếu Tá, và được bổ nhiệm vào chức vụ Tỉnh Trưởng kiêm Tiểu Khu Trưởng Phú Yên (Tuy Hoà). Thời gian này ông đã hoàn thành nhiệm vụ của mình một các đầy đủ, được Dân-Quân-Cán-Chính địa phương mến phục.

Ông cũng đã đem lại một thắng lợi chói ngời cho Tỉnh nhà qua trận chiến tại vùng biển Vũng Rô, tịch thu hầu hết những khối lượng vũ khí đáng kể của Cộng nô. Bởi vì chúng đã xâm nhập bằng hải lộ từ miền Bắc, lén lút đưa vào cất giấu ở địa điểm hiểm trở này, để mong thiết lập một kho vũ khí tiếp liệu, ngỏ hầu trang bị cho các cán binh của chúng đánh phá miền Nam.

Chính Thiếu Tá Trần Văn Hai đã phối hợp với các đơn vị quân sự trong vùng bẻ gãy hoàn toàn những kế hoạch về người, cũng như về trang cụ của Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam ở địa phương này, khiến từ đấy về sau “Mật Khu Vũng Rô” nằm dưới chân Đèo Cả (Tuy Hoà) đã bị vô hiệu hoá.

Có một giai thoại xảy ra khi ông còn làm Tỉnh Trưởng Phú Yên mà không biết nên cười hay khóc, hoặc cảm thương cho cái tính thẳng thắn chống lại sự “dĩ công vi tư” của ông, mà phải đột nhiên giã từ chức vụ đang làm.

Đó là có một vị Tướng Lãnh cao cấp trên quyền ông, mà bà vợ của y cũng thuộc vào hàng có đôi chút nhan sắc và tiếng tăm trong giới nghệ sĩ Sàigòn thời đó, bà ta nổi hứng thế nào không biết, hoặc có một công việc riêng tư nào chẳng hiểu, đi phi cơ ghé lại qua đêm ở Tuy Hoà.

Lệnh từ trên đưa xuống cho Tỉnh Trưởng nơi đây phải đem xe ra đón, và chuẩn bị một chỗ nghỉ ngơi cho “Lệnh Bà” trong Dinh Tỉnh Trưởng.

Nhận lệnh thì phải thi hành, nhưng thay vì đem công xa ra đón, ông đã mướn một chiếc xe du lịch của tư nhân thế vào, và thay vì phải dọn một “biệt phòng” dành cho yếu nhân ngủ lại trong Dinh Tỉnh Trưởng, thì ông thuê khách sạn cho Bà Tướng qua đêm, đương nhiên là có đầy đủ tiện nghi và an ninh cẩn mật.

Việc làm của ông xét ra thì rất đúng với đạo của cấp dưới, vừa tránh miệng tiếng dèm pha không tốt cho ông Tướng khỏi mang danh chiếm dụng của công, và ngay cả bản thân mình nữa. Đồng thời cũng để cho “Lệnh Bà” thoải mái nghỉ ngơi dạo phố ngắm cảnh, hơn là ngủ ở “Biệt phòng” có lính túc trực canh gác mất tự nhiên.

Ý nghĩ của ông rất tốt đẹp và chu đáo, tiếng lành được dân chúng địa phương khen tặng.

Còn vị Tướng cao cấp kia thì sao ? Và không biết “Lệnh Bà” nói thế nào, mà trong vài ngày sau vị Tướng kia lại đích thân bay đến Tuy Hoà, ngồi trên phi cơ gọi Tỉnh Trưởng ra trình diện. Quả thật ! Đúng là phong cách của một vị Tướng Lãnh cao cấp có khác ? !

Khi ông gặp vị Tướng đó ở phi cơ, sau cái chào tay cứng người theo quân kỷ, ông được vị Tướng “ban lệnh” với nội dung chê trách ông, nào là ngồi đầu Tỉnh mà để cho Việt Cộng xâm nhập quá nhiều ở địa phương, không làm tròn trách nhiệm đem lại an ninh cho dân chúng và … cần phải thay thế người khác ! ?

Ông khiêm tốn trả lời trước khi quay về nhiệm sở để chuẩn bị bàn giao cho người khác thay thế :

- Xin tuân lệnh ! và nếu ai cũng lo cho dân như Thiếu tướng, thì “Đất nước ta rồi đây sẽ khá !”.

Về sau, các vị bô lão và Dân-Quân-Cán-Chí nh của Tỉnh lỵ này – thường hay kể cho nhau nghe về câu chuyện “Đất nước ta rồi đây sẽ khá” của ông, coi như một bài học để đời. Bởi vì đất Tuy Hoà trong suốt thời gian ông làm Tỉnh Trưởng được tiếng là bình yên, giặc Cộng ít khi dám bén mảng đến, thế mà cấp trên lại lấy lý do bất an ninh để thay thế, chỉ vì ông dám coi rẻ “Lệnh Bà” …

Câu chuyện của người dân Tuy Hoà kể lại đúng sai thế nào, nếu những kẻ hậu sinh về sau này muốn tìm hiểu thêm một đôi chút bề trái của sự việc, thì có thể tìm đọc về cái chết dũng cảm của Tướng Trần Văn Hai, mà nhiều sách báo từ sau ngày 30/04/1975 của những người Việt di tản viết ra, hoặc của một vài cây bút ngoại quốc tường thuật lại, thì cũng tự đánh giá được về ông.

Còn vị Tướng Lãnh kia, nghe đâu trước ngày 30/04/1975 đã trốn chạy ra nước ngoài “có lẽ là mưu cầu một kế sách nào đó, tái phản công cứu nguy cho dân tộc hay không thì không biết ?” chỉ nghe người ta nói ông ta không có tên trong danh sách các vị “Sinh Vi Tướng Tử Vi Thần” như những Tướng Nguyễn Khoa Nam, Phạm Văn Phú, Lê Văn Hưng, Lê Nguyên Vỹ, Trần Văn Hai … và đang tiếp tục sống cuộc sống lưu vong nơi xứ lạ quê người, để ôn lại quãng đời làm Tướng … “nhưng chết không được làm Thần” … của ông.

Mất nhiệm vụ Tỉnh Trưởng Phú Yên một ít lâu, và với cấp bậc Trung Tá, Trần Văn Hai lại được bổ nhiệm về Binh Chủng cũ với chức vị Chỉ Huy Trưởng Biệt Động Quân Trung Ương.

Ở cương vị này, ông càng biểu lộ thêm về ý chí và tài cán của mình một cách khéo léo năng động, mặc dù chức vụ chỉ thuần tuý về Hành Chánh, Tham Mưu và Tuyển Mộ các binh sĩ Biệt Động Quân cho các Liên Đoàn, Tiểu Đoàn tác chiến trực thuộc mà thôi. Còn quyền điều động và chỉ huy các “đứa con” của mình đánh giặc thì không có.

Bởi vì các đơn vị BĐQ tác chiến này chỉ có nhiệm vụ là “tăng phái” cho các Sư Đoàn Bộ binh, hoặc các đơn vị hành quân tác chiến khác theo lệnh của Bộ Tổng Tham Mưu Quân Lực VNCH lúc bấy giờ.

Mang tiếng là Chỉ Huy Trưởng Binh Chủng, nhưng chỉ biết nhìn các “đứa con” ruột thịt thân yêu của mình, lần lượt đặt dưới quyền của các vị Tư Lệnh chiến trường này đến các vị Tư Lệnh chiến trường khác, rồi tha hồ cho các vị ấy bóp méo vo tròn, hay ho gì cũng chỉ là thân phận của những đứa “con ghẻ” không hơn không kém.

Ấy thế mà lòng thương đồng đội, yêu mến kẻ dưới quyền – nhất là hàng binh sĩ phải ngày đêm gian khổ xông pha vào các chiến trường dầu sôi lửa bỏng – đã thôi thúc ông luôn tìm các hổ trợ và an ủi họ.

Ông đã đi thăm viếng hết các đơn vị BĐQ tác chiến này, đến các đơn vị khác trên khắp 4 Vùng Chiến Thuật, hầu như ít khi ngừng nghỉ … mà nổi bật nhất và cảm động nhất là hai sự kiện sáng chói : đó là nhảy vào vùng bão lửa của Mặt Trận Khe Sanh, và cùng chiến đấu với các Tiểu Đoàn BĐQ trong hai lần Tổng Công Kích Tết Mậu Thân của giặc Cộng vào thủ phủ Sàigòn-Chợ Lớn.

1 - Nhảy vào Khe Sanh

Nói đến Khe Sanh, với một căn cứ quân sự nằm sâu trong vùng rừng núi hiểm trở miền Trung Việt Nam sát ranh giới Hạ Lào, mà bất cứ một quân nhân nào nghe qua cũng đều rùng mình hãi sợ. Bởi vì nó chính là một vùng thung lũng nhỏ, chung quanh toàn là núi rừng san sát đầy vẻ lam sơn chướng khí, đường bộ đi vào không có chỉ dùng đường hàng không duy nhất mà thôi.

Người ta còn nhớ các địa danh Khe Sanh, Lao Bảo, Đường 9 Nam Lào của Vùng I Chiến Thuật thời đó, đã diễn ra không biết bao nhiêu là những trận đánh kinh hồn giữa ta và giặc Cộng, mà các báo chí trên toàn thế giới đã nhiều lần nhắc đến. Trong đó, trận chiến Khe Sanh hầu như nổi tiếng hơn hết, vì là nơi thử lửa của một Lữ Đoàn Thuỷ Quân Lục Chiến (TCLC) tinh nhuệ của Hoa Kỳ và hàng mấy Sư Đoàn của Cộng Sản Bắc Việt đang vây hãm bên ngoài.

Mà điểm đáng nói ở đây là có một Tiểu Đoàn BĐQ + 01 Đại Đội BĐQ được tăng phái cho Khe Sanh, đó là Tiểu Đoàn 37 BĐQ và 01 Đại Đội của Tiểu Đoàn 21 BĐQ do Thiếu Tá Hoàng Phổ chỉ huy – một trong những Tiểu Đoàn và Đại Đội con cưng của Binh Chủng – đã khiến cho Trung Tá Trần Văn Hai, người anh đầu đàn BĐQ ở Bộ Chỉ Huy Trung Ương tại Sàigòn ăn ngủ không yên.

Thật vậy, làm sao ăn ngủ cho yên được, khi Binh Chủng của mình đang có một bộ phận quan trọng bị vây hãm sống còn nơi chốn đèo heo hút gió, khó khăn về sự tiếp vận và tiếp liệu này. Đến nổi các báo chí Tây phương đã có lần ví von “nơi đây là một Điện Biên Phủ thứ hai”, nhưng kẻ bị vây là Lữ Đoàn TCLC Mỹ và một Tiểu Đoàn BĐQ (+), chứ không phải là các đơn vị “Phú Lang Sa” đô hộ trước kia.

Hàng ngàn quả đạn pháo đủ loại của giặc Cộng cứ thi nhau mỗi ngày rót vào căn cứ, với quyết tâm san bằng nơi đây làm cho TCLC Mỹ và BĐQ Việt Nam phải khiếp sợ đầu hàng. Nhưng không, họ đã lầm ! vì với sự thiện chiến và tinh thần chiến đấu can trường của hai đơn vị Việt-Mỹ này, đã thừa sức bẻ gãy ý đồ của bọn chúng !

Có điều là người lính TCLC Hoa Kỳ và nhất là người lính BĐQ Việt Nam phải chịu 70 ngày đêm gian khổ, ăn ngủ đi lại đều ở dưới hầm sâu bằng các địa đạo chi chít thông thương với nhau, mà sự tử sanh chỉ nằm trong gang tấc. Lính TCLC Hoa Kỳ giàu có, đương nhiên là đỡ khổ hơn vì với phương tiện tiếp tế dồi dào của họ, chỉ tội cho người lính BĐQ Việt Nam nhà nghèo càng lâm vào hoàn cảnh bi đát nhiều hơn.

Phát xuất từ lòng yêu thương đó, Trung Tá Trần Văn Hai đã xin phép Bộ Tổng Tham Mưu Quân Lực VNCH để bay ra Vùng I Chiến Thuật ở Đà Nẵng, rồi tìm cách tháp tùng theo một chiếc phi cơ C.Chuẩn Tướng Trần Văn Hai tiếp tế của Hoa Kỳ đáp xuống Khe Sanh, mục đích là để thăm viếng, an ủi cũng như nâng cao tinh thần chiến đấu của những người lính Mũ Nâu dũng cảm thân yêu – tức Tiểu Đoàn 37 BĐQ (+) như đã nói trên

Đi theo ông vỏn vẹn chỉ có 2 Sĩ Quan Tham Mưu trong Bộ Chỉ Huy BĐQ, đó là Đại Uý Trần Đình Đàng đại diện cho Phòng 1, và Thiếu Tá Ngô Minh Hồng đại diện Phòng 3.

Hành trình khi đáp xuống Khe Sanh thật muôn vàn nguy hiểm, sự sống chết cũng ở trong lằn ranh chớp nhoáng. Bởi vì Việt Cộng đã vây chặt nơi đây, và hễ có bất cứ một loại phi cơ nào xuất hiện xa xa trên bầu trời, là “pháo bầy” của giặc Cộng được tăng cường nện xối xả vào căn cứ này, chưa nói là lúc phi cơ đáp xuống mặt phi đạo thì sự pháo kích càng ghê khiếp nhiều hơn.

Chiếc C123 chở 3 thầy trò Trần Văn Hai cũng không thoát khỏi thông lệ. Khi bánh xe của phi cơ vừa chạm mặt phi đạo, là mọi người bên trong đã ở vào tư thế sẵn sàng, và khi cửa sau phi cơ được mở ra, phải lập tức nhảy xuống rồi lăn mình trên mặt đất cho đến khi rơi vào các giao thông hào cặp theo hai bên phi đạo. Có làm như vậy một cách nhanh nhẹn thì mới tránh được mảnh đạn pháo và kể cả đạn bắn thẳng nữa.

Còn chiếc phi cơ cứ theo đà lăn bánh đến cuối phi đạo rồi quay đầu lại cất cánh, người thì cứ tiếp tục nhảy ra lăn xuống giao thông hào, đồ tiếp liệu cũng được đạp nhầu xuống hai bên thân phi cơ. Khi phi cơ quay đầu lại là lúc những kẻ bị thương nhẹ chạy ùa vào, họ phải mang theo những băng ca chứa người bị thương nặng tống đại vào bên trong cho kịp đà phi cơ cất cánh bay về.

Trong hai ngày đêm giữa cái ốc đảo đầy máu lửa đạn bay đó, ông đã đi thăm từng Trung Đội BĐQ của Tiểu Đoàn 37 và một Đại Đội của Tiểu Đoàn 21BĐQ, mà nếu muốn từ Trung Đội này sang Trung Đội kia, thì phải khom lưng cúi đầu chạy lúp xúp trong giao thông hào, dưới lằn hoả lực yểm trợ của các Trung Đội khác bắn ào ạt vào rừng để đánh lạc hướng địch quân. Bởi vì địa điểm đóng quân của Tiểu Đoàn 37 lại nằm nơi “tiền đồn tuyến đầu” của căn cứ Khe Sanh, nên sự đi lại giao thông giữa các Trung Đội mới gian truân dường ấy !

Ôi cao quý thay ! với tấm lòng yêu thương binh sĩ một cách thân thiết, đã thúc đẩy ông lăn thân vào vùng nguy hiểm nói trên, chứ ông không có môt trách nhiệm nào trong trận Khe Sanh này cả.

Nếu có thương Tiểu Đoàn 37 BĐQ, và với tư thế của ông lúc bấy giờ, chỉ cần ở Phòng Hành Quân Bộ Chỉ Huy BĐQ Trung Ương Sàigòn mà theo dõi thì cũng được. Hoặc muốn chứng tỏ sự quan tâm của mình hơn, cứ bay ra Đà Nẵng rồi vào Trung Tâm Hành Quân của Quân Đoàn I mà theo dõi trận đánh cho xác thực rõ ràng, cũng đáng để cho đàn em trong Binh Chủng ca ngợi lắm rồi !

Đằng này ông lại đích thân lăn vào tử địa để nhìn mặt từng người lính, an ủi và khích động lòng can đảm của họ, cùng chịu chung với cái rét lạnh của sương mù giá buốt, chia mặn xẻ nồng với binh sĩ từng bữa cơm đạm bạc thiếu thốn, ăn bốc ăn hốt, ăn vội vàng bên cạnh chiến hào dưới từng cơn mưa pháo, quả thật là chưa có một vị chỉ huy “cao cấp” nào xứng đáng hơn được.

Nếu một Ngô Khởi đời Chiến Quốc, đã kê miệng hút mũ nơi bàn chân « sưng tấy » của một tên lính dưới quyền để biểu lộ lòng thương kẻ thuộc hạ, xét ra thì cũng chỉ để mua lòng người phục vụ dưới tay sống chết vì mình, chứ không mang một ý nghĩa đậm tình thương lính như con, mà người xưa thường hay răn dè các bậc Tướng Quân.

Ngay như mẹ của tên lính đó ở quê nhà nghe được, cũng đã biết cái dụng ý của Ngô Khởi một cách rõ ràng, bà khóc nói với người hàng xóm :

« Thôi rồi, từ đây tôi sẽ không bao giờ gặp lại đứa con thân yêu này được nữa !”. Và, với sự ngạc nhiên của người hàng xóm, bà kể lể tiếp : “Nó sẽ cảm cái ơn vì nó mà hút máu mũ nơi chân, ắt phải liều thân khuyển mã mà đáp đền ! ».

Quả thật, chỉ một thời gian sau, tên lính đó đã dũng cảm hy sinh đỡ mũi giáo cho Tướng Quân Ngô Khởi mà bỏ xác ở chiến trường !

Hay như Tào Tháo đời Tam Quốc đã chôn cất, cúng bái, tế tự Điển Vi – kẻ hộ vệ đã hy sinh vì ông ta mà tử trận – cũng là nhằm mua chuộc những tên hộ vệ khác hết lòng phục vụ cho mình mà thôi. Vẫn có ý đồ giả trá ở bên trong, và cũng chẳng che mắt được ai.

Còn hành động của Trung Tá Trần Văn Hai, lăn mình vào vạn lần nguy hiểm với Tiểu Đoàn 37 BĐQ thì lại khác. Bối cảnh chiến trường, địa vị từng cá nhân trong vai trò chỉ huy, mà nhất là ở mặt trận Khe Sanh này, đâu có giống thời đại xa xưa như đã kể, cho nên ý đồ giả trá của ông tuyệt nhiên là không có, mà chỉ thuần là một tấm lòng biết thương đồng đội, biết làm tròn câu “huynh đệ chi binh” một cách đáng khâm phục hơn người.

Sở dĩ đưa hình ảnh Ngô Khởi, Tào Tháo ra đây, để thấy cái “điếm lận” và cái “chân tình” của kẻ làm Tướng. Hẳn nhiên với những chức vị như Đại Nguyên Nhung của Ngô Khởi và chức vị Thừa Tướng lấn át quyền Thiên Tử như Tào Tháo, thì chức vị Chỉ Huy Trưởng một Binh Chủng nhỏ nhoi của Trần Văn Hai nào đâu sánh được. Nhưng tinh thần và lòng dạ thương kẻ thuộc quyền một cách chân thành và vô vị lợi ở ông, lại có phần trội hẳn hơn lên.

2 - Hai Trận Công Kích Tết Mậu Thân

Nhắc đến Tết Mậu Thân (1968), chắc hẳn người dân miền Nam Viêt Nam đã từng sống trong thời điểm đó, khi nghe qua không khỏi ngậm ngùi thương nhớ đến những người thân đã mất do Việt Cộng tàn sát. Hay chính họ đã từng mục kích những trận ác chiến kinh hồn, của quân dân miền Nam Viêt Nam đập tan mộng cuồng ngông của giặc Cộng hồi lúc bấy giờ.

Chính bọn độc tài Đảng trị miền Bắc đã xua hàng trăm ngàn những con thiêu thân, gồm toàn những thiếu niên mặt còn non choẹt vào bỏ xác tại miền Nam VN. Tội ác của bọn chúng với mồ chôn tập thể tại Huế, với sự đổ nát hoang tàn máu loang thây ngã của bao nhiêu những dân lành vô tội, cùng những thành phố phải chìm ngập trong cái mịt mù khói lửa đạn bay giữa ngày Tết thiêng liêng của dân tộc, đã khiến cho Thế Giới Tự Do hết lòng căm phẫn và lên án.

Ở đây, chúng tôi muốn nhắc đến hai trận Tổng Công Kích Tết Mậu Thân của giặc Cộng vào Sàigòn-Chợ Lớn, một mặt trận gay go và máu lửa nhất, mà trong đó có công lao không nhỏ của một số các Tiểu Đoàn BĐQ và Đại Tá Trần Văn Hai, đã góp phần làm nên chiến thắng vẻ vang cho Binh Chủng Mũ Nâu.

Muốn nói gì thì nói, nhưng hiển nhiên là trong cái hỗn loạn quân tình của miền Nam VN lúc đó, với hơn phân nửa quân số của toàn Quân Lực đang nghỉ phép Tết, mà trận đánh lại diễn ra bên cạnh Bộ Chỉ Huy đầu não của BĐQ, thì hình ảnh của Đại Tá Trần Văn Hai gan dạ xông xáo, vẫn là cái “xương sống” cho các đơn vị BĐQ noi theo trong nhiệm vụ giành lại từng góc đường khu phố, và từng căn nhà do Việt Cộng chiếm giữ.

Ông đã có mặt từ Tiểu Đoàn BĐQ này đến Tiểu Đoàn BĐQ khác trong tư thế một mất một còn với giặc Cộng, để thị sát mặt trận và chỉ thị cho thuộc cấp những mệnh lệnh kịp thời, cũng như nâng cao tinh thần chiến đấu của họ.

Các đơn vị BĐQ này, lúc đó đặt dưới quyền hành quân của các cấp chỉ huy khác trong tư thế tăng phái, nhưng dù cho đặt dưới quyền chỉ huy của bất cứ một tướng lãnh tài ba nào đi nữa, mà nếu không có đích thân vị “anh cả” trong Binh Chủng đốc thúc ngay tại mặt trận trực chiến, thì xác xuất chiến thắng tuy có thành công, nhưng không nhanh chóng và lừng lẫy cho bằng.

Tâm lý các chiến sĩ ngoài chiến trường là thế, trước mặt đơn vị trưởng tối cao của Binh Chủng mình, thì sự chiến đấu gan dạ chắc chắn sẽ được khích động nhiều, hơn là trước mặt một đơn vị trưởng tối cao khác mà mình tăng phái tới. Bởi vì nếu mình có hoàn thành nhiệm vụ xuất sắc đi chăng nữa, thì sự đề bạt của “cha ghẻ” vẫn có phần hạn hẹp hơn “cha ruột” của mình !

Đó là một trong những lý do chính yếu, mà các đơn vị BĐQ trong hai trận Tổng Công Kích Tết Mậu Thân của giặc Cộng, đã giành được nhiều chiến thắng lẫy lừng – bởi chính Đại Tá Trần Văn Hai, vị anh cả thân thương của họ thường xuyên có mặt ngay bên cạnh.

Riêng trong trận Mậu Thân đợt II, có một sự việc đau lòng xảy ra, tưởng cũng xin sơ lược một vài nét ra đây, để quý độc giả hiểu thêm một chút của vấn đề.

Chúng tôi không nhớ rõ chi tiết về ngày tháng, nhưng biết chắc vào thời điểm Mậu Thân II. Có một chiếc trực thăng võ trang của Quân đội Hoa Kỳ bay từ hướng chợ Kim Biên phía nhà máy Xà Bông Cô Ba bắn Rocket lầm vào mục tiêu là trường Tiểu học Phước Đức ở Quận 5 Chợ Lớn, trong đó có Bộ Chỉ Huy Phản Công của phe ta đang họp để hoạch định phương cách tìm và tiêu diệt bọn cán binh Cộng Sản, vì chúng đang còn lẩn khuất trong các khu phố tại vùng này.

Kết quả là Đại Tá Đào Bá Phước Liên Đoàn Trưởng Liên Đoàn 5 BĐQ, Trung Tá Lê Ngọc Trụ Trưởng Ty Cảnh Sát Quận 5, ông Phó Quốc Chụ thuộc Nha Thương Cảng Đô Thành vv … đều bị tử thương, mà Đại Tá Trần Văn Hai đang trên đường đi đến nơi để họp.

Nếu Đại Tá Hai tới sớm hơn vài ba phút, thì chính ông cũng đã phải làm mồi cho Rocket của Mỹ tại ngôi trường có tên là Phước Đức, mà lại kém phước đức kia rồi.

Được biết trên đường di chuyển từ Bộ Chỉ Huy BĐQ Trung Ương ở Sàigòn vào trường Phước Đức để hội họp, xe Jeep của Đại Tá Hai đã nhiều lần bị trở ngại vì dân chúng chạy hỗn loạn từ Chợ Lớn ra Sàigòn lánh nạn làm gián đoạn giao thông. Thật “Phước Đức” chỉ có riêng mình ông hưởng mà thôi !

Theo tin điều tra sơ khởi thì đây là một vụ bắn lầm của trực thăng võ trang của Hoa Kỳ, vì chiến đấu trong thành phố tầm đạn đạo khó lòng điều khiển một cách chính xác được, nhất là khi bắn : trực thăng phải chúi đầu bấm nút nhả đạn.

Đồng thời cũng có tin đồn, đây là một vụ thanh toán lẫn nhau giữa các phe phái trong hàng tướng lãnh cao cấp lúc bấy giờ (?). Việc này hiện nay vẫn còn chưa có tài liệu công bố rõ ràng, nên chúng tôi xin dừng sự việc ở đây, để nhường lại cho hồi ký của những nguời trong cuộc kể lại về sau, chỉ nhấn mạnh ở lý do vì sao Đại Tá Trần Văn Hai thoát chết mà thôi.

Phải chăng xe của ông bị cản trở một cách bất khả kháng trên đường đến trường Phước Đức – khiến ông không bỏ xác dưới đạn Rocket – là Thượng Đế muốn dành cho ông một cái chết anh hùng hơn, tỏ rõ chí khí hơn ở 7 năm sau này ? Và các chữ “SINH VI TƯỚNG TỬ VI THẦN”, nếu có dành cho ông cũng như các vị Tướng Nguyễn Khoa Nam, Phạm Văn Phú, Lê Văn Hưng, Lê Nguyên Vỹ … mới đúng cái nghĩa khí của nó hơn, và cũng được lòng người kính cẩn nghiêng mình tưởng nhớ nhiều hơn !

Hoặc phải chăng lịch sử còn muốn dành cho ông, về sau này nói lên tiếng nói trung thực và đáng để đời khi ông làm Tổng Giám Đốc Cảnh Sát Quốc Gia, trong một buổi tuyên bố trên Đài Truyền Hình Sàigòn một cách thẳng thừng rằng : “Trịnh Công Sơn, nhạc sĩ phản chiến đang được nhiều người ái mộ kia, chính là Cộng Sản nằm vùng, là kẻ đâm sau lưng chiến sĩ”, mà đáng tiếc thay thời đó người ta chưa nhận diện ra được, cho mãi đến sau ngày 30/04/1975, người dân miền Nam mới thấy lộ rõ nguyên hình.

Hay phải chăng … trong lúc thanh sát các Tiểu Đoàn BĐQ tại tuyến đối đầu trong các trận Tổng Công Kích Tết Mậu Thân của giặc Cộng, ông đã ra nghiêm lệnh cấm triệt để quân nhân các cấp trong Binh Chủng không được “thừa nước đục thả câu” như : hà hiếp dân lành đang chạy loạn, hoặc lợi dụng hoàn cảnh chiến đấu giành lại từng khu phố từng căn nhà cho dân mà “hôi của”, lén lấy vàng bạc tư trang bỏ túi riêng, hoặc làm nhiều điều khuất tất vô kỷ luật khác.

Điển hình nhất là sau mỗi lần diệt xong các “chốt” của địch quân, ông đều bắt lục soát tại chỗ từ trong người cho đến ba lô của Sĩ quan, Hạ sĩ quan và Binh sĩ tham dự ngay lúc đó để bảo toàn tối đa tài sản của người dân … đã làm cảm động lòng người cho đến quỉ thần chăng ? mà có được cái “phước đức” tràn đầy cứu mạng cho mình cũng chưa biết chừng ! ?

Người xưa thường nói, nếu lòng người thẳng ngay chính trực thì trời đất luôn phò trì cứu đỡ, thần quỉ cũng phải nễ vì, có lẽ đem áp dụng vào trận thoát chết này của ông cũng không phải là không có nguyên do.

Nhưng điều mà mọi quân nhân trong Bộ Chỉ Huy BĐQ Trung ương phải công nhận, là do tấm lòng trong sạch cùng sự mẫn cán của ông trong lúc thi hành nhiệm vụ, đã được Phó Tổng Thống Trần Văn Hương chú ý.

Cho nên sau khi dẹp yên giặc Cộng trong Tết Mậu Thân đợt II, ông được bổ nhiệm cấp tốc sang làm Tổng Giám Đốc Cảnh Sát Quốc Gia, mà chính ông và cả Bộ Chỉ Huy BĐQ Trung ương cũng không ai có thể ngờ tới được. Bởi vì Tổng Giám Đốc Cảnh Sát Quốc Gia luôn là một chức vị vô cùng quan trọng trong chế độ, và phải là người tuyệt đối được tin tưởng mới cất nhắc vào chức vụ này.

Nhiều người thấy ông họ “Trần Văn” lại sinh trưởng ở miền Tây Nam Việt và Phó Tổng Thống Trần Văn Hương cũng thế, cho nên ngộ nhận Trần Văn Hai là con cháu hoặc có dây mơ rễ má trong hàng bà con với Trần Văn Hương, mà được đưa vào chức vụ béo bổ này !

Sự thật thì không phải, giữa ông và Phó Tổng Thống không hề có một sợi dây hệ tộc nào, chỉ là sự trùng họ không hơn không kém. Chính ông cũng đã xác nhận nhiều lần với những người thuộc quyền thân cận như vậy.

Nói đến Phó Tổng Thống Trần Văn Hương thì không ai có thể phủ nhận được ông ta là một người trong sạch, và quốc dân đồng bào cũng đã tán đồng với Chính phủ khi chọn mặt gởi vàng, phó thác trách vụ thủ lĩnh thành trì diệt tham nhũng trong thời Đệ II Cộng Hoà vào tay “ông già gân” này nắm giữ.

Việc Phó Tổng Thống cất nhắc bổ nhiệm Đại Tá Trần Văn Hai vào chức vị Tổng Giám Đốc như đã nói trên, có lẽ có dụng ý qua hai điều hợp lý sau đây :

- Một là Lực Lượng Công An Cảnh Sát Quốc Gia – công cụ chính của chế độ trong việc kiểm soát, duy trì an ninh trật tự cho dân chúng – phải cần người có đức liêm chính, có tài chỉ huy và nhất là sự cương quyết bênh vực công lý và lẽ phải, thì mới giúp cho chế độ thu phục được lòng dân.

- Hai là tình hình sau các trận Tết Mậu Thân, sự tang hoang của nhiều thành phố cần phải được xây dựng lại, và sự cảm nhận về Chánh Thể Cộng Hoà trong lòng người dân rất cần được củng cố tối đa. Nếu một hành động hà hiếp nhũng lạm nào của bất cứ ai, bất kỳ ở nơi đâu nhất là của những nhân viên Công An Cảnh Sát Quốc Gia xảy ra, cũng đều gây bất lợi không nhỏ cho chế độ va làm bia cho sự tuyên truyền của đối phương.

Bởi thế việc bổ dụng Đại Tá Trần Văn Hai vào chức vụ này, trong thời điểm này, có thể yên lòng rất nhiều cho Chính Phủ, cũng như nâng cao thêm ý chí chiến đấu dũng cảm, và tinh thần hy sinh cao độ của người chiến sĩ Công An Cảnh Sát Quốc Gia – một lực lượng bán quân sự trọng yếu đang cần.

Cụ Phan Bội Châu, một học giả mà cũng là một nhà ái quốc đáng kính của nước ta đã từng nói : “Nếu cuộc đời bằng phẳng thì anh hùng hào kiệt có ra chi !”. Quả thật là như vậy, vì kẻ viết bài này đã có nhiều thời gian biết về cuộc đời của Chuẩn Tướng Trần Văn Hai – cũng như một số lớn các bậc đàn anh khác trong Binh Chủng BĐQ biết nhiều về ông – đều cùng công nhận đường binh nghiệp của ông không mấy gặp điều bằng phẳng.

Và … có lẽ mỗi bước thăng trầm đưa đến đã khiến ông nhận rõ về chân giá trị của cuộc đời hơn, nhất là cuộc đời của một võ quan trong thời đại hỗn loạn về binh quyền xảy ra thường xuyên ở miền Nam trước đây, mà chính đó đã un đúc nên một Trần Văn Hai hào kiệt về sau này !

Sự kiện ông về nhận nhiệm vụ Chỉ Huy Trưởng Yếu Khu Dục Mỹ kiêm Chỉ Huy Trưởng Trung Tâm Huấn Luyện Lam Sơn, là một ví dụ về bước đi xuống của ông, mà cái chân giá trị của cuộc đời … đã khiến ông có tư tưởng quay về với nẻo Chân Như của Phật pháp đậm nét khá nhiều. Thời gian này ông thường tịnh khẩu và hướng về Thiền Định, bữa ăn trưa của ông rất đơn giản đạm bạc phần lớn là rau trái nhiều hơn.

Có lần tôi (tác giả), vào năm 1974, nhân dẫn Tiểu Đoàn 95 BĐQ (Căn Cứ Benhet) về Trung Tâm Huấn Luyện BĐQ Dục Mỹ để tái trang bị và huấn luyện, với tình nghĩa thầy trò cũ, đã đến Trung Tâm Huấn Luyện Lam Sơn cùng trong Yếu Khu để thăm ông. Hôm đó có sự hiện diện của Đại Tá Nguyễn Văn Đương, Chỉ Huy Phó của ông và cũng là một Sĩ quan BĐQ trước đây.

Trong lần thăm viếng ngắn ngủi này, ngờ đâu đó là lần sau chót tôi được diện kiến với ông, được nghe một vài lời khuyên bảo chân tình và về sau này nghiệm lại, tôi mới bàng hoàng nhận ra là lời trăn trối của ông :

“Bây giờ “toa” cũng là Tá, cũng là Tiểu Đoàn Trưởng rồi, và “moa” bây giờ cũng mang “sao”. Nhưng mình hãy xét mình và làm sao cho xứng đáng với cái “lon” của mình. “Moa” đã già rồi, tóc cũng đã bạc nhiều, rồi mai kia cũng phải ra đi. “Toa” hãy còn trẻ, tre tàn măng mọc mà “toa”, thời gian là như vậy. “Moa” mong “toa” sống cho đáng sống, đừng để binh sĩ dưới tay mình khổ sở vì sự kém tài bất đức của mình. Cũng như “moa” đây, bây giờ được về đây dưỡng già, nhưng nhà binh mà “toa”, lúc lên voi xuống chó là chuyện thường tình, chỉ cần ta sống không thẹn với mình là đủ … ”

Sau khi tái huấn luyện tại Trung Tâm Huấn Luyện BĐQ Dục Mỹ xong, cuộc chiến đã ném tôi trở về trận địa vùng cao, còn ông thì lại “lên voi” một lần nữa, được bổ nhiệm làm Tư Lệnh Sư Đoàn 7 Bộ Binh ở Mỹ Tho. Ôi ! có ngờ đâu với chức vị này, ông đã cùng với Thiếu Tướng Nguyễn Khoa Nam Tư Lệnh Quân Đoàn 4 kiêm Vùng IV Chiến Thuật đi vào vĩnh cửu, mà hào khí còn để lại nghìn thu !

Tưởng cũng xin được thắp một nén hương lòng mà ngưỡng phục ông, và viết ra đây một vài chi tiết trong giờ phút sau cùng của cuộc đời ông, do người thân kể lại.

… Ngày 30/04/1975, sau khi có lệnh đầu hàng của Tướng Dương Văn Minh, Vùng IV Chiến Thuật tuy chưa bị áp lực nặng nề của Việt Cộng, nhưng lòng quân và dân đã hoang mang cực độ.

Còn tại Đô thành Sàigòn-Chợ Lớn, giặc Cộng tuy mới có một vài nhóm lẻ tẻ vào chiếm thành phố, nhưng đám Cách Mạng 30 thì đổ ùa ra thừa nước đục thả câu, càng lúc càng gây nên những cảnh hỗn loạn đáng nguyền rủa khôn cùng.

Chỉ cần một “miếng vải đỏ” cột nơi cánh tay, vai đeo khẩu súng mà người ta vất bỏ bên lề đường cũng như một dây túi vải đạn cột ngang hông, thì có thể xưng mình là “Giải phóng quân” đi nghinh ngang trên đường phố như một kẻ … anh hùng ! !

Thế rồi một đám thanh thiếu niên xúm lại, bu quanh những vị anh hùng “nứt ngang” kia mà trầm trồ tâng bốc. Nơi này một đám, nơi kia một đám rải rác khắp các đường phố mà dân chúng gọi là bọn “Cách mạng 30”, chứ bộ đội chính quy của Bắc Việt thì không có là bao !

Đám bộ đội chính quy này cũng rất buồn cười, vì hầu hết toàn là những thiếu niên miền Bắc ngơ ngơ ngác ngác, tay ôm chặt khẩu AK.47 nhìn dân chúng và xe cộ tấp nập xuôi ngược trên đường phố, với đủ màu sắc văn minh tân tiến của miền Nam Việt Nam thời bấy giờ, làm “các cu cậu lính già Hồ” choáng ngộp như rơi vào một thế giới xa lạ không ngờ.

Một số các “cu cậu” khác đang ngẩng đầu nhìn lên ngây ngất vào các ban-công của những toà buynh-đinh, mà trên đó có một vài bóng hồng mặc “mini jupe” đang nhìn xuống mặt đường. Tội nghiệp, vì mãi ngẩng đầu làm rơi cái “nón cối” đánh bộp xuống nền xi-măng trên hè phố … mà cũng chẳng buồn nhặt lên …

Nhưng hùng hổ xông xáo nhất vẫn là “đám 30”, vì bọn chúng chính là những tên du thủ du thực của thành phố, hoặc những tên chuyên nghiệp trốn quân dịch trước đây. Bọn này có thành tích vĩ đại là chuyên chui vào “lu nước”, đội lên đầu những tờ giấy bạc loại “một ngàn đồng” khi có Cảnh sát vào trong xóm bố ráp để bắt lính. Nay lợi dụng tình hình ùa ra xưng mình là có thành tích “chống chế độ cũ”, hoặc xưng mình có chú bác mà mười mấy năm về trước đang lúc chăn trâu, chăn vịt ngoài đồng, được “cách mạng” móc nối và giác ngộ bỏ vào “bưng” chiến đấu nay đang trở về bàn giao thành phố Sàigòn … vv … và rồi bọn họ chiếm dụng những chiếc xe Jeep của quân đội vất bỏ bên lề đường, đẩy xe đến cây xăng gần đó đổ “chùa” đầy bình. Thế là dăm bảy tên leo ngồi lên xe chạy dọc chạy ngang ngông nghênh trên đường phố một cách loạn xạ.

Tình trạng của thành phố Mỹ Tho cũng có những cảnh tương tự như thế, đầy dẫy những cái bát nháo của một thị trấn bỏ ngỏ không kỷ cương …

Tại Bộ Tư Lệnh Sư Đoàn 7 Bộ Binh của Tướng Hai, ảnh hưởng bởi lệnh đầu hàng trên Đài Phát Thanh Sàigòn đã làm cho binh sĩ nản lòng không ít. Có một số đã bỏ súng bỏ ngũ trà trộn làm dân trở về nhà với vợ con. Số còn lại quyết định phòng thủ bản doanh Bộ Tư Lệnh cho đến hơi thở sau cùng.

Tướng Hai biết rằng tình thế đã đến lúc không còn làm gì hơn được nữa, ông đã khuyên các sĩ quan, hạ sĩ quan và binh sĩ nên tìm về với vợ con là tốt. Nhưng một số đông thấy ông không bỏ chạy, họ cương quyết tử thủ.

Khoảng xế trưa, có một tốp lính Cộng Sản Bắc Việt đến Bộ Tư Lệnh yêu cầu Tướng Hai bàn giao. Ông ra điều kiện là phải có cấp chỉ huy ngang hang với ông đến … thì mới chịu bàn giao.

Với lời lẽ cương quyết, với thái độ bình tĩnh nghiêm nghị đã khiến bọn Việt Cộng kiêng dè nễ sợ. Chúng không còn làm gì khác hơn là đành phải nhượng bộ bằng lòng với yêu cầu.

Sau một thời gian khá lâu, chúng đưa đến một tên Việt Cộng có vẻ là cấp chỉ huy, và nói với Tướng Hai là “Sư Trưởng” (tức Sư Đoàn Trưởng) của bọn chúng đến nhận bàn giao.

Sau một thời gian khá lâu, chúng đưa đến một tên Việt Cộng có vẻ là cấp chỉ huy, và nói với Tướng Hai là “Sư Trưởng” (tức Sư Đoàn Trưởng) của bọn chúng đến nhận bàn giao.

Tướng Hai cho mời hắn ta vào văn phòng để nhận bàn giao, và khi hắn bước vào, bất thần ông rút súng lục bắn y trước mặt mọi người …

Hắn bị thương, vội cùng một vài tên tuỳ tùng tháo chạy ra ngoài mà không dám chống trả vì quá hãi sợ. Từ đó hai bên bắt đầu ghìm nhau, và một trận xung chiến sắp sửa xảy ra …

Tướng Hai ung dung bước vào bên trong văn phòng … rồi tự kết liễu đời mình bằng độc dược để giữ tròn khí tiết !

Thế là cuộc diện đã xoay chiều, bản doanh của ông cũng từ đây đổi chủ … !

Bọn Việt Cộng tàn nhẫn không cho gia đình mang xác Tướng Hai về chôn, như có ý muốn trả thù về hành động trước khi tuẫn tiết của ông. Nhưng rồi gia đình cũng đã bằng mọi cách đưa được thi hài ông về chôn cất ở Gò Vấp.

Thật xúc động lòng người khi nghe đến sự quyên sinh tuẫn tiết của ông, và nhất là hành động “mạng đổi mạng” như vừa nêu !

Dẫu biết rằng tên Việt Cộng đó được may mắn thoát chết trong đường tơ kẽ tóc, và cũng chưa chắc hắn ta thật sự là cấp ngang hàng với ông, nhưng trong tình thế đó ông hành động như vậy là đích đáng.

Bởi lẽ, bọn Việt Cộng ma mãnh không bao giờ mang cấp bậc khi xuất trận, cũng như cách xưng hô giữa bọn chúng với nhau chỉ gọi bằng đồng chí, hoặc anh hai, anh ba để … nguỵ trang. Hơn nữa bọn sĩ quan Việt Cộng mà ta thừa hiểu, là chúng có xuất thân ở một trường Quân sự chính quy nào đâu ? Ngay như Đại tướng Võ Nguyên Giáp đầu sỏ của bọn chúng kia, cũng chỉ là hạng xuất thân ở “trường bụi rậm” mà thôi.

Do đó, một tên nào ở hạng người nào bất kể, nếu bọn chúng đưa đến nói rằng ngang cấp “Sư Đoàn Trưởng” để bàn giao, thì Tướng Hai bắn nó, cũng là hành động bắn kẻ ngang hàng với mình vậy.

Trước khi chết ông vẫn hạ được kẻ thù ngang chức vị, có lẽ ông cũng được phần nào ngậm cười nơi chin suối ! !

* * * * *

Sự việc Tướng Hai tự kết liễu đời mình ngay tại bản doanh là có thật, người viết bài này chỉ nghe một vài người thân kể lại mà thôi. Chắc rằng tình tiết diễn biến trong thời gian ngắn trước khi ông chết và sau đó, còn nhiều những nét đặc biệt khác nữa. Mong rằng quý vị Tuỳ viên, Chánh văn phòng, hoặc Tham mưu hay Cận vệ có chứng kiến được những giây phút sau cùng này, xin vui lòng công bố để có thêm sử liệu chính xác hơn.

Điều mà chúng tôi xin kết luận là suốt cuộc đời của ông, chỉ biết chính trực với lòng mình cũng như với tất cả mọi người ; thương lính như anh em, thanh liêm trong sạch, quyết một lòng vì nước quên mình.

Ông chết trong nỗi tiếc thương của đồng đội, dù không có lá Quốc Kỳ phủ trên nắp áo quan, dù không có lễ nghi quân cách đưa tiễn trong giờ phút sau cùng, nhưng từ đó đến nay qua mấy chục năm đằng đẳng, lòng của các chiến sĩ Sư Đoàn 7, các chiến sĩ Cảnh Sát Quốc Gia và toàn thể Binh chủng Biệt Động Quân nói riêng đều ngưỡng phục, cũng như toàn dân miền Nam Việt Nam nói chung đều thương tiếc vô cùng.

Đó chính là Lá Quốc Kỳ vĩnh cửu, tiếng Quân nhạc muôn đời đưa tiễn và tiếc thương cho con người bất khuất của ông.

Anh linh còn đó, non nước còn kia, chắc chắn một ngày mai rạng rỡ sẽ trở về với dân tộc Rồng Tiên, và trong Quân Sử oai hùng của nòi giống, sẽ không quên khắc ghi : « Chuẩn Tướng Trần Văn Hai Vị Quốc Vong Thân » vậy.

 

Nhật Hồng Nguyễn Thanh Vân 2010/04/19

 

http://hcsvvdhdalat.com/index.php?option=com_content&view=article&id=200:cvvvtranvanhai18&catid=45:vevangcvc&Itemid=76

 

up

AcDieu
Google Search:       

Tin vui

Tin Buồn

 

RFI
Nguoi_Viet
RFA
Quan_Su_VNCH
Quân Sử VNCH
Voa_tieng_Viet
msn
BBc_Tieng_Viet
Dan_lam_bao
Radio_VNHN

TIME