AcDieu225
Co Vang amazon Tammy

Free Hit Counters
Web Site Hit Counters

Khách viếng thăm

Translate

Powered by Translate

cam-on-anh_TPB (2).jpg

image

Chúng ta học để được điều gì ?

(Tiểu phẩm hài)

Hôm Noel, nhận được món quà từ anh bạn LĐH, đó là bài viết sau (phần in nghiêng), với tựa đề “Không biết nói gì hơn”.

 

Toán học: Đây là môn học duy nhất không có sự bổ ích. Các bạn sẽ được học 1 + 1 = 2, điều mà một vài năm sau người ta lại nói là 1 + 1 = 10, và giải thích cho bạn biết hệ nhị phân là gì. Người ta cũng dạy bạn vi phân, tích phân và nhiều thứ quan trọng khác nhưng nói chung, bạn vẫn phải dùng đến máy tính bỏ túi khi đi chợ.

Vật lý: Môn học nghiên cứu sự rụng của táo và các loại quả khác. Bạn cũng có được học cách tính giờ tàu chạy và khi nào hai con tàu gặp nhau nếu chạy trên cùng một… đường ray. Người học vật lý xong thường ít đi trồng táo hoặc đi tàu hoả.

Hóa học: Môn học phải ghi nhớ những câu trả lời đúng và những bài thí nghiệm. Đổ một lọ này vào lọ kia, lắc hoặc khuấy, nhiều lúc phải đun lên, rồi cuối cùng đổ tất cả ra vườn, đó là thí nghiệm.

Sinh học: Môn học nghiên cứu ruồi giấm và một số vật nuôi trong nhà khác. Tuy nhiên nếu ta hỏi một người lớn rằng: “làm sao để có em bé?” thể nào ta cũng được câu trả lời “có con cò mang em bé đến và đặt lên cửa sổ cho các bà mẹ”.

Địa lý: Môn này dạy bạn cách xem bản đồ và bạn phải chỉ ra châu Mỹ trên bản đồ thế giới. Đây có lẽ là môn mới mẻ nhất vì trước khi Christopher Columbus chưa tìm ra châu Mỹ, chắc chưa ai phải học môn này cả.

Lịch sử: Các thầy giáo sẽ bắt bạn nhớ xem ai đã lật đổ một ông vua nào đó. Nhiều khi bạn phải nhớ ngày sinh của một ông hoàng bà chúa nào đó mặc dù ông ta không làm sinh nhật, mà bạn cũng chẳng cần phải nhớ để tặng quà.

Văn học: Bạn sẽ phải đọc một quyển sách dày đến nỗi bạn chỉ kịp liếc qua cái tên của nó trước khi vào phòng thi. Sau khi học xong môn này, bạn sẽ có thể biết Huy Gô và Huy Cận không phải là hai anh em; hay Xuân Diệu không phải là nhà buôn bút mặc dù ông ta sống bằng ngòi bút.

Triết học: Triết học là một hiện tượng luận về hiện tượng mà đôi khi chúng ta luận về hiện tượng đó thì đúng là hiện tượng luận cho nên người ta mới gọi hiện tượng luận là luận về hiện tượng đó nhưng hiện tượng đó đôi khi không là hiện tượng luận nên luận về hiện tượng đó là hiện tượng luận!

Nói chung các môn học có thể gói gọn lại thành 2.000 tiết. Học trong 4 hoặc 5 năm. Trong đó chỉ có 2 tiết thật sự là hữu ích (ví dụ, chỉ bật được quạt khi có điện) còn 1998 tiết còn lại hoàn toàn vô nghĩa (ví dụ điện đã làm cho quạt quay như thế nào?…). Tất cả những việc bạn phải làm là chép những lời thầy giảng, nhớ chúng, chép chúng vào bài thi, rồi sau đó quên đi.

Những ai chẳng may không thể quên được thì trở thành giáo viên và suốt đời không ra khỏi trường đại học.

Đọc xong, đùng đùng nổi giận.

Giận ai? Giận vì điều gì? Lại không tự trả lời được. Nghĩ mãi, bèn tìm được cái cớ để giận. “Chẳng lẽ mười mấy năm đèn sách là vô bổ chăng?”.

Nghĩ vậy nên ráng tìm cho được những điều lợi ích của sự học.

Để làm gì à? Để chứng mình, kẻ có học hơn hẳn những người bị ta chửi là “đồ vô học”.

Trước hết hãy nói về môn toán.

Kẻ vô học chửi “Tao băm vằm cái mặt mày ra…!”. Nhưng người có học môn toán sẽ chửi: “Tôi vi phân cái mặt của anh ra…”. Bởi vì phép vi phân là chia nhỏ mọi vật để biến nó thành cái thứ mà ta dễ biết, dễ tính. Vậy thì, lúc bị chia nhỏ đến ép sy lon, cái mặt tan nát còn hơn thịt băm.

Bây giờ đến môn vật lý.

Nếu đố một kẻ vô học “làm thế nào để bẩy quả đất lên?”. Chắc chắn hắn tịt và không thể trả lời được là tại sao. Nhưng người có học vật lý trả lời được, anh ta đáp: “Tôi chắc chắn không bẩy quả đất lên, bởi vì không biết sống ở trên trái đất hay dưới trái đất, nơi nào tốt hơn. Tôi thiếu thông tin về điều này”.

Tiếp đến là môn hóa học.

Kẻ vô học chắc chắn không thể biết hóa học là gì. Riêng người có học thì biết môn này là học cách biến hóa.

Sinh vật ư?

Kẻ vô học cóc biết môn này là gì, đối tượng của nó là thứ mô tê chi. Nhưng người có học sẽ mạnh dạn trả lời: “Đa số, những động vật bậc cao, muốn sinh thì phải vật”.

Địa lý.

Người viết bài trên kia ghi: “Môn này dạy bạn cách xem bản đồ và bạn phải chỉ ra châu Mỹ trên bản đồ thế giới”, kể ra thì có chút học vấn, nhưng thiếu thực tế quá. Môn địa lý trước là giúp người có học biết nên mua đất ở đâu giá rẻ và khi bán lại thì có lời nhiều. Kế đến, biết chọn con đường cần đi ít bị ngập nước nhất.

Lịch sử à?

Kẻ vô học có thể biết Âu Cơ gặp Lạc Long Quân ở đâu trên cái đất Sài Gòn này, nhưng dù có gõ bể đầu cũng cóc biết làm thế nào mà bà Âu Cơ ấp nở đủ một trăm trứng.

Các nhà sử học cũng không biết luôn, nhưng nhờ họ có học nên mạnh dạn nói: “Tôi cũng không biết”.

Lại nói về môn văn mà kẻ này học rất dốt, và từng đúp lớp 5 chỉ vì nó.

Văn có một thể chế tù mù vô cùng. Có ba từ: “tôi”, “cơm” và “ăn”, kẻ vô học sắp xếp tùy tiện mà vẫn hiểu, nhưng người có học môn văn thì luôn nói và viết là “tôi ăn cơm”, và thế mới là “người có học”.

Ôi giời triết học!

Nói triết học với kẻ vô học thì khác nào nước đổ đầu vịt. Bởi vì dù là người có học cũng chẳng mấy ai hiểu, lại càng ít người giải thích được cụm từ “triết học”. Nhưng lợi ích của nó thì vô cùng to lớn, vì có triết học mới có các chủ nghĩa.

Tóm lại:

Đồng ý là ai học rồi thì cũng quên, bởi vậy mới có lý luận sau: “học nhiều quên nhiều, học ít quên ít, không học không quên”.

Kẻ vô học, sau khi uống rượu vào mà bị xỉn thì chẳng giải thích được là vì sao? Và bạn có biết tại sao không? Bởi vì kẻ đó vô học, và bởi vì gã đã xỉn.

Người có học môn toán sẽ nói: “nồng độ và lượng rượu uống vào tỷ lệ thuận với mức độ say”.

Người có học môn lý sẽ nói: “Nồng độ rượu và lượng rượu làm cho nhiệt lượng trong người tăng, làm cho tim đập mạnh hơn, đưa máu lên não nhiều hơn, tạo cảm giác say”.

Người có học môn hóa sẽ giải thích được: “có một phản ứng hóa học đang xảy ra trong cơ thể làm cho thần kinh rối loạn, tạo cảm giác say”

và người có học sinh vật sẽ giải thích: “Đang có một cuộc chiến ghê gớm giữa hệ thần kinh của ta với kẻ ngoại xâm nồng độ cao”.

Người có học môn sử giải thích: “Trong cuộc chiến giữa người và rượu, con người đã bị kém thế, đang rút về thế phòng ngự”.

Người có học môn địa lý sẽ giải thích: “Say và mức độ say còn phụ thuộc vào cơ địa của mỗi người”.

Người có học môn văn thì nói: “Rượu là nguồn cảm hứng sáng tác tuyệt vời, có phần lấn át cả tình yêu”.

Người có học môn triết thì lạnh lùng trả lời: “Đáng kiếp! Ai bảo nốc cho lắm vào. Đã biết rượu là thứ hại người mà còn tham ăn hốc uống”.

Thế thì học có lợi nhiều chứ! Bởi vì ta có thể giải thích mọi chuyện như “một kẻ có học”, dù có thể sai bét.

AQ

(Đông Triều - Sưu tầm)

up

AcDieu
Google Search:       
RFI
Nguoi_Viet
RFA
Quan_Su_VNCH
Quân Sử VNCH
Voa_tieng_Viet
msn
BBc_Tieng_Viet
Dan_lam_bao
Radio_VNHN

TIME