AcDieu225
Co Vang amazon Tammy

Free Hit Counters
Web Site Hit Counters

Khách viếng thăm

Translate

Powered by Translate

cam-on-anh_TPB (2).jpg

Trường xưa bạn cũ

Nguyễn Vĩnh Long Hồ

Cái số quân của người lính VNCH đã đi theo suốt cuộc đời chinh chiến của họ, lúc  lên voi cũng như lúc xuống chó.  Còn tôi, ngoài cái số quân ra, còn cõng trên lưng một con số nữa: “187!”  Đó là con số thứ tự trong danh sách thí sinh được trúng tuyển vào trường trung học công lập Phan Thanh Giản tại tỉnh Cần Thơ, niên khóa 1955 - 1956.  Năm đó, có trên 2.000 thí sinh tham dự cuộc thi tuyển, ban giám khảo chỉ chọn 200 người chính thức và 17 dự khuyết.

Đầu năm học, tôi được xếp vào lớp “Đệ thất F” cùng với 48 anh em khác.  Trong lớp chia ra ba nhóm: nhóm nhà lầu là những anh chàng “top 10” chí thú học hành, xuất sắc toàn diện như Đoàn văn Út, Trương Đăng Sỹ, Nguyễn văn Bé...  xóm nhà ngói:  Lương Quận, Châu Đắc Mãn, Lý văn Thế, Tạ văn Thu, Nguyễn Anh Tuấn...  và xóm nhà lá do tôi làm chủ “hộ khẩu” chủ yếu là ham vui, thích chơi hơn thích học.  Bàn của tôi luôn luôn là bàn cuối cùng, gồm có các bạn cùng chí hướng: Nguyễn văn Mười tự Mười Ghiền, Nguyễn văn Thiểu biệt danh Thiểu Lùn và Lý Thới Long.  Và một vài nhân vật có thói quen và nhân dáng đặc biệt rất khó mà quên như: anh chàng Lê công Sở, quần áo lúc nào cũng láng cón, đôi giày da mỏ vịt bóng láng, con ruồi đậu cũng trợt, hắn viết chữ đẹp như rồng bay, phượng múa.  Anh chàng Đặng Hữu Còn ốm nhom, ốm nhách, bề cao quá cỡ thợ mộc, chỉ có 1 mét 80 giống như một cây tre miễu, anh chàng nầy quậy thì phải biết.  Trần văn Bá thuộc loại kiến càng là lực sĩ đẹp, chẳng những của lớp mà là của trường.  Dân Bình Thủy xuống đi học thì có Trần văn Ninh, Nguyễn văn Nghiêm, Lê văn Bảy...  Dân Cái Vồn qua phà Cần Thơ mỗi ngày có anh Nguyễn văn Chín tự là Chín Cò.  Dân Cái Răng lên có Nguyễn văn Quới.

Năm đó, tôi chưa đầy 13 tuổi, mong cho mau lớn để đi quậy.  Tôi còn nhớ mãi một kỷ niệm.  Hôm đó, thầy Liêu là giáo sư Sử Địa, dáng của thầy hơi gầy, tóc húi cao và đi dạy học bằng chiếc xe đạp “đòn dong”, tuổi thầy đã gần 60.  Sau bài giảng về địa lý nước Việt Nam, thầy đi xuống bàn cuối cùng, nhìn ra ngoài trời đang mưa lâm râm, nói với chúng tôi:

- “Đời người như bóng câu qua cửa sổ! Biết bao giờ nước nhà thống nhất để thầy có dịp ra miền Bắc Việt Nam, thăm dân tộc thiểu số vùng cao, viếng thắng cảnh Bản Giốc, ngắm địa danh lịch sử Ải Nam Quan của nước Việt Nam chúng ta!”

Đợi thầy đi trở lên, tôi thúc cùi chỏ vào hông Thiểu ngồi bên cạnh, nói vừa đủ cho hắn nghe:

- “Tao mong cho mau lớn thêm vài tuổi nữa để kiếm bồ, thầy nói đời người như bóng câu qua cửa sổ.  Tao thiệt không tin!  Còn mầy thì sao?”

- “Tao cũng không tin!  Nhưng, tao trông cho mau tới tuổi đi lính!  Thời gian qua lâu thấy mẹ đi, bạn ơi!”

Tuổi học trò nhiều mơ lắm mộng.  Vào thời đó, bạn nào hết “đường binh” mới chọn vào binh nghiệp để kiếm đất dụng võ.  Đa số cậu nào cũng ôm mộng trở thành bác sỹ, kỹ sư, giáo sư...  điển hình là anh chàng Trương Đăng Sỹ: “Học ngày không đủ, tranh thủ học đêm”.  Cái tổ học đêm của hắn gồm toàn mấy cô thuộc diện đẹp của lớp thế mới bực chớ! Thú thiệt, tôi có mối ân oán giang hồ với tên nầy; có lẽ hắn thấy tui “bô trai” hơn hắn.  Vì vậy, tôi vừa mới làm quen được với cô nào, trước sau gì hắn cũng vớt vô cái tổ học đêm với phương châm: “Học thầy không tày học bạn”.  Có một lần tôi giận quá, muốn đục hắn phù mỏ cho bỏ ghét!  Hắn đưa cái bộ mặt hãm tài cười hề hề, thách thức:

 - “Mầy có ngon thì vô tổ học đêm của tao đi!”

Tôi ức lắm nhưng không làm gì được.  Tôi mà xung phong vô cái tổ học đêm là bể mày, bể mặt với hắn, chớ hổng phải chuyện chơi đâu!  Toán của tôi giỏi đến mức độ nào hỏi thầy Mạc Kính Trung thì biết.  Tôi học toán với thầy Trung từ năm đệ thất F cho đến hết năm đệ tam B1.  Và trong suốt 5 năm, thầy chỉ gọi tôi lên bảng có một lần, thầy chán quá, phán cho một câu: “Học toán 5 năm mà không biết cái gì hết!”  Vì vậy, năm sau tôi phải đổi sang ban A, gạo bài cho chắc ăn hơn.

 Lúc còn ngồi ở lớp đệ tam B1, Trần Tài là bạn mới thân nhất của tôi, con nhà giàu, đẹp trai, hào hoa phong nhã.  Tôi đặt cho hắn cái tên Tây là Alain Tài, một cây đánh bóng bàn mà một thời là thủ quân của trường, có cú đánh bóng xoáy và giật trái, giật phải, tấn công như vũ bão.  Thấy tôi đổi qua đệ nhị A, hắn cũng theo tôi qua ban A.

Trung úy Ngô văn Hiếu - bác sĩ quân y của Quân Y Viện Phan Thanh Giản - phụ trách dạy môn “Vạn vật”.  Một hôm, bác sĩ Hiếu gọi tôi lên bảng trả bài.  Sau đó, có lẽ vì méo mó nghề nghiệp.  Bác sĩ Hiếu hỏi tôi:

  - “Em cao lớn, khỏe mạnh, có đi “cắt bì” chưa?”

Lúc đó, tôi nào có biết “cắt bì” là cắt cái giống gì đâu, cũng ú ớ trả lời đại:

  - “Dạ chưa!”

Bác sĩ Hiếu nói:

  - “Hôm nào muốn đi “cắt bì”, tôi đưa giấy giới thiệu cho, miễn phí hoàn toàn đấy nhé!”

Tôi cám ơn rồi về chỗ ngồi, khoe với Tài:

 - “Thầy Hiếu giới thiệu cho tao đi cắt bì, miễn phí!”

Tài hỏi tôi:

 - “Cắt bì là cắt cái giống gì vậy, mậy?”

Tôi làm tài khôn, nói:

 - “Tóc tai của tao dài quá, thầy muốn tao đi “cầu gia đạo” cho gọn gàng vậy mà!”

 - “Hớt tóc miễn phí hả?  Tao cũng đi với mầy cho vui!”

Tôi cười, nói:

 - “Hớt tóc miễn phí, đỡ tốn 5 đồng!  Ngu sao không đi!”

*

Vài ngày sau, bác sĩ Hiếu đưa hai đứa tôi giấy giới thiệu vô Quân Y Viện Phan Thanh Giản cắt bì.  Tôi gặp một bà y tá đã đứng tuổi, bà ta cầm tờ giấy giới thiệu đọc lướt qua, rồi chỉ cái phòng bên cạnh, bảo tôi:

 - “Cậu vô cái phòng đó, cởi quần ra, chờ tôi vô!”

Tôi sợ quá, hỏi:

  - “Đi hớt tóc mà, biểu tui vô trong đó, cởi quần mần chi vậy, má?”

Bà sừng sộ với tôi:

  - “Đây là Quân Y Viện, chớ không phải tiệm hớt tóc đâu nghe, mấy cậu!”

Tài nhanh trí, hỏi:

  - “Vậy chớ, cắt bì là cắt cái giống gì vậy, dì?”

Bà ta nghe hỏi, ôm bụng cười ngất, nói:

 - “Cắt bì là...là cắt da qui đầu đó, không phải vô đây để “hớt tóc” đâu!  Hiểu chưa mấy con!  Sao, cậu nào xung phong cắt bì trước đây?”

Trần Tài nghe nói cắt da qui đầu, sợ xanh máu mặt, lẹ làng liền chỉ tôi, nói:

  - “Thôi, để nó cắt trước đi!”

Bà ta nhìn tôi, hỏi:

  - “Sao nà, có dám cắt bì không nào?”

Thấy tôi có vẻ chần chừ, bà cười chọc quê:

  - “Nam nhi chi chí gì mà dở ẹc!  Mới có cắt da qui đầu đã sợ run rồi, còn làm ăn cái giống gì nữa chớ!”

Bị chạm tự ái, tôi trả lời liền:

 - “Chỉ cắt da qui đầu mà nhằm nhò gì chớ!  Cầu cắt toàn bộ chưa chắc cháu đã sợ à nghen, dì Hai!”

Nói xong, tôi mạnh dạn bước vào cái phòng đó, lặng lẽ thoát y.

Đang ngồi trên giường chờ đợi, bỗng nghe bà ta gọi cô y tá trợ thủ:

 - “Hương à, em chuẩn bị đồ nghề!  Cắt bì cho cậu em nầy dùm chị coi!”

 - “Cắt bì hả?  Đồ nghề đã sẵn sàng,” giọng cô nói, nghe ngọt ngào dễ sợ.  “Dao phay, thớt gỗ đầy đủ cả rồi!  Em mang đồ nghề vô liền!”

Nghe cô ta liệt kê đồ nghề là tôi đã toát mồ hôi lạnh, định xách quần chạy ra ngoài.  Nhưng, vừa mới chạy tới cửa, cô y tá tên Hương đẩy cái xe đồ nghề tới trước tôi một bước, chận cửa lại.  Cô ta nhoẻn miệng cười, nói:

 - “Muốn bỏ chạy hả, cậu em!  Nói chơi thôi mà, cắt cổ gà đâu cần tới dao phay!”

 Tôi liếc cái mâm đồ nghề trên cái xe đẩy, chỉ thấy có vài cây kéo, dao mổ, thuốc đỏ, vải băng...nên tôi cũng an tâm.  Cô y tá Hương rất trẻ và đẹp nữa là đằng khác: nước da trắng hồng, đôi mắt bồ câu đen như hai hột nhãn, mũi dọc dừa, cười lại có duyên hết biết.  Cô ra lệnh:

 - “Em lại ngồi trên giường, chờ tôi!”

Tôi riu ríu ngồi trên giường, hồi hộp chờ đợi.  Cô ta mang cặp găng tay xong, kéo cái ghế ngồi trước mặt tôi.  Mặt tôi đỏ bừng lên vì phần dưới rún trở xuống không một miếng vải che chỗ đáng che.

Cô ta nhẹ nhàng nâng “đối tượng” lên quan sát, bất ngờ hỏi:

 - “Sao, em muốn cắt da qui đầu theo kiểu gì: kiểu “vành nón” hay “răng cưa” đây?” rồi không đợi tôi trả lời, cô ta đề nghị luôn.  “Cắt hình “răng cưa”, lúc phùng xòe trông giống như cái mồng gà trống.  Sau nầy có vợ, bà xã sẽ cưng em nhiều hơn!  Lúc đó, đừng quên cô y tá nầy, nghen cậu!”

 - “Cô muốn cắt kiểu gì cũng được,” tôi hỏi.  “Cắt da qui đầu có đau lắm không cô?”

Cô ta nói:

 - “Dĩ nhiên là đau rồi!  Lấy dao kéo cắt thịt, không đau sao được chớ!”

Nói xong, cô ta lấy một miếng bông gòn nhúng vào chai cồn 90 độ, rồi nâng “đối tượng” lên.  Trời đất quỉ thần ơi!  Bàn tay của cô mềm mại và ấm làm sao ấy!  Còn tay kia cầm miếng bông gòn, nhẹ nhàng lau lớp da dư thừa để sát trùng.  “Sự cố” nầy làm tôi tê tái cả người, bủn rủn cả tứ chi.  Khi cô ta xoay người lại, lấy đồ nghề thì “đối tượng” đột xuất mất “tỷ lệ ổn định”, hùng hổ đội nón cối, giương lê xốc tới...

 - “Chà, mới động tới một tí đã sừng sộ rồi!  Muốn hù dọa cô Hương nầy hả?  Không dễ như vậy đâu nghen!” cô ta cười nhẹ rất ư là tự nhiên, rồi vỗ vai tôi, nói.

 - “Da qui đầu của em khỏi cần phải cắt!

Thôi, mặc quần vô rồi về nhà đi!”

Tôi mừng quá mặc quần vô, chạy ra khỏi phòng liền vì sợ cô y tá đổi ý!...    

* * *

Tôi và Trần Tài có máu mê ciné hết thuốc chữa.  Thần tượng của hai đứa tôi lúc bấy giờ là Alain Delon.  Rạp nào mà chiếu phim của Alain Delon đóng là nhất định “cúp cua” đi xem cho bằng được.  Tôi còn mê giọng ca của Elvis Presley và Pat Boone nữa.  Tôi không biết, tôi nổi máu văn nghệ từ lúc nào, nhè lúc mọi người chuẩn bị học thi tú tài I thì tôi lo luyện giọng ca vàng để chuẩn bị dự thi tuyển lựa ca sĩ, tổ chức hằng năm tại cầu tàu bến Ninh Kiều.  Tôi đã bỏ ra một tháng trời để dợt bản ruột “It’s now or never”.  Nhất định lần nầy sẽ là đoạt giải nhất nam ca sĩ cho thằng Sĩ và cái tổ học đêm “overtime” của hắn lé mắt chơi.  

Nội cách chào khán giả, tôi phải dợt đi, dợt lại gần một tuần theo phong cách của “Les trois mousquetaires”, trông Tây hết biết!  Chưa hết đâu nghen, tôi còn để mái tóc dài thượt, bồng bềnh như nghệ sĩ Trần văn Trạch.  Tài thấy tôi trở chứng, hắn can tôi gần khô nước miếng: 

 - “Đợi thi tú tài I rồi mới tính đi, thằng mắc dịch!”

Nhưng tôi đâu có thèm nghe lời khuyên của hắn đâu.  Con đường nghệ thuật đang rộng mở thênh thang trước mặt, dại gì mà bỏ lỡ cơ hội ngàn vàng này: “Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh” mà bà con!

Theo truyền thuyết, khi vua Lý Thái Tổ thiên đô, thấy rồng vàng xuất hiện nên đặt tên kinh đô là thành Thăng Long.  Còn tôi, sắp sửa trở thành một siêu sao trên vòm trời nghệ thuật, cũng có một điềm lạ xuất hiện.  Chuyện là như vầy: A Hía, thuộc diện học xuất sắc bên phía nữ.  Tiệm chạp phô của gia đình chị ấy ở trên dãy nhà sàn bên bờ rạch Cái Khế, ngay đầu đường Phan Thanh Giản.  Cô ta nói với chị Chói 

 - bạn học cùng lớp với A Hía - là người cùng xóm với tôi trong ngõ hẻm 18 căn: “Nghe nói “thằng chả” ghi danh dự thi tuyển lựa ca sĩ, hột vịt trong tiệm chạp phô của ngộ bán ra không kịp...”

 Thế rồi, cái khúc quanh lịch sử của đời tôi đã đến.  Hôm đó là chiều thứ bảy, ngày 8 tháng 4 năm 1961, tôi chơi nguyên một bộ đồ tây màu trắng, cái quần ống túm, còn cái áo rộng thùng thình, tay xách cây đờn tây ban cầm, háo hức chuẩn bị bước lên đài danh vọng.  Đến phiên trình diễn, tôi đứng trước máy vi âm, cúi đầu chào khán giả.  Chợt thấy anh chàng Trương Đăng Sỹ, đứng lấp ló dưới sân khấu là tôi phát run, không biết hắn định giở trò gì đây?

Nhưng, tôi rất tự tin.  Ôm cây đàn “tây ban cầm” nhún nhảy bước lên sân khấu.  Hai cánh tay gồng lên, mấy ngón tay vàng bắt đầu chuyển động, lướt uyển chuyển trên mấy sợi dây đờn, phát ra những âm thanh chát chúa trong năm phút dạo “sô lô” để hớp hồn khán thính giả.  Tiếng đàn tôi như bão nổi lên rồi, át cả tiếng sóng sông Cần Thơ vỗ ầm ầm vào bờ đá.  Vào bản hát, tôi gào thét như điên dại, gương mặt tôi nhăn nhó diễn tả sự tột cùng của nỗi đau khổ như khỉ bị cho ăn ớt; thình lình, tôi “é” lên một tiếng thật lớn như bị điện giật, làm khán giả thót tim.  Nếu thầy dạy nhạc Lương Vinh Sanh có mặt lúc đó, chắc cũng phải chào thua thiên tài âm nhạc của tôi!

Khi ca khúc bắt đầu cho đến khi kết thúc, tôi không còn biết tôi là ai; hình như, tôi đã hội nhập với “đồng bóng” hay “ông lên bà xuống”.  Thú thật, chính tôi còn không biết tôi ca tiếng Anh hay là tiếng...  Marốc nữa.  Và khi ca hết bản nhạc mà tay chân của tôi còn giựt giựt như người bị bịnh động kinh.  Khán thính giả ngây người, im phăng phắc, không một tiếng vỗ tay tán thưởng, thế mới là kỳ chớ! À, thì ra là tại tôi quên chào khán giả thân thương.  Tôi bèn đưa bàn tay phải lên trán, đánh nửa vòng cung xuống bụng, rồi gập người xuống đúng 45 độ, chào khán giả, điệu nghệ hết chỗ nói.

Nhưng mà, tôi không nghe ai vỗ tay tán thưởng mà chỉ tiếng la ó nổi dậy rần rần.  Rồi khi, tui vừa ngước mặt nhìn khán giả thân thương của tui, thì nội mẹ ơi...một trận mưa hột vịt từ dưới sân khấu nhắm vào người tôi tua tủa bay lên như đạn B 40 của VC.  Tôi không tài nào đỡ kịp, bèn quăng đàn, nhảy đại xuống sông Cần Thơ cho được việc nhà nước.  Tôi vừa lớp ngớp trồi lên mặt nước, gặp một chiếc ghe tam bản chèo riết tới.  Một người nắm cái cổ áo của tôi kéo tôi lên ghe.  Tưởng ai thì ra là anh bạn Trần Tài thân mến.  Hắn mướn chiếc ghe đò nầy từ hồi chiều, chờ vớt tui lên.  Tài đưa quần áo khô cho tui thay, rồi nói:

 - “Tao biết có một thằng muốn chơi mầy!  Nhưng tao để nó chơi, cho mầy tỉnh giấc mơ hoa.  Xướng ca đâu phải là nghề của chàng!”

Tôi nghĩ ngay đến anh chàng Trương Đăng Sỹ chớ còn ai trồng khoai đất nầy nữa.  Chỉ có hắn mới dám chơi tui te tua như vầy thôi.  Cho mãi đến mấy tháng sau, mỗi lần lên mâm cơm, thấy mấy cái hột vịt kho thịt là tôi còn rùng mình, đêm ngủ nằm mơ thấy toàn ác mộng...  

* * *

Trung tuần tháng 2 năm 1962.  Xóm nhà lá của chúng tôi chuyển toàn bộ “hộ khẩu” vô trường Bộ Binh Thủ Đức.  Ngoài đám sáu quậy, còn có Lê công Sở, Âu ngọc Huy, Nguyễn thành Nhơn, Trần văn Ninh, Tạ văn Thu...  Còn Alain Tài đã chuyển về Sài Gòn tiếp tục học lớp đệ nhất trường Trần Hưng Đạo từ hồi năm ngoái.

Đêm cuối cùng từ giã đời học sinh, xếp bút nghiên theo nghiệp binh đao, tôi ở qua đêm trong căn nhà trọ của hắn trên đường Phát Diệm.  Tài vét hết tiền túi chỉ còn vỏn vẹn 80 đồng.  Hắn đèo tôi trên chiếc vélo solex, chạy vô Chợ Cũ mua lòng heo phá lấu, vài ổ bánh mì và mấy chai bia 33.  Suốt đêm đó, trên căn gác trọ chật hẹp, tôi, Tài và người bạn của hắn nhậu cho tới sáng bét, rồi hắn đèo tôi trên chiếc vélo solex chở vô trại Ngô Tùng Châu ở Gia Định, lập thủ tục trình diện theo học khóa 13 Thủ Đức.

Tại Liên trường Võ khoa Thủ Đức, chúng tôi gặp lại các thầy Mạc Kính Trung, thầy Đàn dạy Việt văn, thầy Cửu dạy lý hóa.  Một hôm, trung đội 28 của tôi đang xếp hàng trước phòng ăn SVSQ chờ đến phiên vô ăn trưa, trung đội của thầy Trung vừa đến, bị phạt chạy chung quanh nhà ăn mấy vòng.

Nhờ cùng ăn một ca, tôi có dịp đến chào thầy Trung, vì ngoài tình thầy trò, thầy Trung còn là bạn học với anh tôi.  Tôi cúi đầu chào thầy:

  - “Dạ, chào thầy! Thầy khỏe không?”

Thấy tôi, thầy Trung có vẻ mừng rỡ, nói:

  - “Bây giờ mà còn thầy bà cái gì nữa chớ!  Mới bị phạt quân kỷ, chạy hết mấy vòng.  Khỏe gì nổi!”

Khoảng hai tháng sau đó, thầy Trung đi binh chủng Pháo Binh.  Và tôi không còn gặp lại thầy Trung nữa cho đến bây giờ.

Đối với tôi, con số “13” quả là con số định mệnh, tốt nghiệp khóa “13” Thủ Đức.  Ngày 30 tháng 4 năm 1975 chấm dứt đời lính, sau 13 năm phục vụ trong quân ngũ.  Ba hôm sau, ngày 3/ 5/ 1975, tôi bị đưa vào Liên trại II, trại tập trung tù cải tạo, trước đây là Quân Lao của QL/VNCH, bên cạnh Nghĩa Trang Quân Đội ở Cần Thơ.  Trại cải tạo chia làm 4 khu, tôi thuộc khu 1.

Thế rồi một tháng sau.  Tôi xuống khu 3, thăm mấy anh bạn cùng đơn vị, khi đi qua cái giếng nước bên cạnh dàn mướp, gặp một người bạn cùng lớp từ đệ thất F đến cuối năm đệ tam B1, đang ngồi chồm hổm giặt quần áo.  Tôi chưng hửng khi nhìn thấy hắn; ngược lại, hắn cũng ngạc nhiên khi nhìn thấy tôi.  Từ khi rời mái trường Trung học Phan Thanh Giản vào năm 1962 và cho mãi đến bây giờ tôi mới có dịp gặp lại hắn.  Trông cái bản mặt của hắn còn lém hơn hồi đi học chung lớp.

Hắn là Trương Đăng Sỹ đó các bạn!  Cả hai nhìn nhau cười ngất.  Tôi hỏi móc lò:

- “Học giỏi như mầy, tao cứ tưởng mầy đã trở thành bác sĩ hoặc kỹ sư rồi!  Không dè, tụi mình lại gặp nhau ở đây!”

Hắn cười, đáp:

  - “Tổ quốc hưng vong, thất phu hữu trách! Vì vậy tao bỏ học, tình nguyện vào trường Võ Bị Đà Lạt khóa 21, ra trường tao đi binh chủng nhảy dù!”

Tôi phục hắn sát đất:

- “Mầy có chí khí thiệt đó nghe, Sỹ!”

* * *

Mùa hè năm sau, chúng tôi chuyển trại ra miền Bắc XHCN.  Và trong suốt 8 năm tù cải tạo, chúng tôi lần lượt chuyển qua 5 trại tù khác nhau.  Tôi chuyển đi trại nào là Sỹ theo tôi đến trại đó, bám sát như bóng với hình.

Trại tù cuối cùng là “đại hộc máu” Thanh Cẩm, một trong những trại tù cải tạo sắt máu nhất miền Bắc XHCN.  Những người tù nổi tiếng từ trại nầy đi ra như: Linh mục Nguyễn Hữu Lễ, Linh mục Nguyễn văn Lý...  những người đấu tranh không mệt mỏi cho “Tự Do Tôn Giáo và Nhân Quyền” cho Việt Nam.

 Cuối mùa đông 1982, Sỹ rời khỏi trại tù cải tạo trở về quê nhà ở Cần Thơ.  Mùa xuân năm 1983, đến phiên tôi được thả ra nhà tù lớn.  Tôi không còn nhà để mà về, vì căn nhà của tôi đã có chủ mới.

Tôi sống vất vơ, vất vưởng ở Sài Gòn, khi thì ở nhà bà con, khi thì ở nhà bạn bè để tìm đường vượt biên gần 2 năm trời vất vả.

* * *

Thói đời “giàu đổi bạn, sang đổi vợ”.  Nhưng, tình bạn giữa tôi và Trần Tài từ thuở hàn vi, cho đến lúc lên voi rồi xuống chó, trước sau như một không thay đổi!  Trong lúc cuộc đời tôi xuống tận cùng phần số; ngược lại, Tài gặp nhiều may mắn hơn, khi trở lại ngành y và đời cứ thế mà phất lên như diều gặp gió.

Ba tháng sau, khi hay tin tôi được trả tự do.  Tài bỏ hết công việc làm lên Sài Gòn đi tìm tôi gần cả tháng trời và chúng tôi đã gặp lại.  Nhờ sự giúp đỡ của bạn thân, tôi vượt qua khó khăn và Tài sắp xếp cho tôi trở về quê nhà vào đầu năm 1985.

 

Sống nhờ bạn bè hoài cũng ngại, tôi muốn tìm công việc làm.  Một hôm, ngồi uống cà phê trên lề đường cạnh bờ sông Cần Thơ; tình cờ, tôi gặp một ngưới bạn học cùng lớp, đang dắt chiếc xe đạp từ dưới bến đò đi lên.  Tôi mừng quá, chạy bay xuống bến đò gọi hắn:

  - “Ê, Còn Tarzan!”

Nghe có người gọi đúng hỗn danh của hắn hồi còn học ở lớp “đệ ngũ F”.  Hắn nhìn quanh, thấy tôi, nhưng hắn nhìn không ra.  Tôi phải tự giới thiệu:

  - “Tao là Elvis Chà đây nhớ chưa?”

 - “Cái thằng Elvis Chà, mắc dịch!”

Còn mừng quá, hắn thả chiếc xe đạp ngã xuống đất, nghe một cái rầm, chạy tới ôm tôi cứng ngắc, nói.

 - “Mầy bây giờ đen thui như cục than, làm sao tao nhìn cho ra, nghe bạn bè đồn mầy chết ở trong tù cải tạo rồi!  Thật không dè, tao còn gặp lại mầy!”

Hai anh em kéo vô quán cà phê hàn huyên, tâm sự.  Tôi hỏi:

  - “Mầy được mấy cháu rồi, Còn?”

 - “Một thằng con trai làm vốn được rồi, làm nghề tháo bóng đèn đường, có con nhiều làm sao sống nổi.” Còn nhìn tôi, hỏi.  “Còn mầy làm nghề gì để sống?”

 - “Biết nghề gì đâu mà làm?”

 - “Tao có hai nghề có thể chỉ mầy, kiếm cơm sống qua ngày được.”

 - “Được, nghề gì vậy?”

 - “Nghề thứ nhất là làm “lãnh tụ”, chịu học không?”

 - “Nói chuyện nghiêm chỉnh đi cha nội!”

 - “Thì tao nói chuyện nghiêm chỉnh đó chớ! Tại mầy chậm tiêu nên không hiểu,” Còn mỉm cười, giải thích.

 - “Nghề làm lãnh tụ là nghề “thiến heo”, tiếng lóng nhân dân đó cha!”

 - “Ừ, còn nghề thứ hai?”

 - “Là nghề đi “chích dạo” như tao, dễ kiếm cơm hơn!”

 - “Bây giờ mầy đang hành nghề y tá đó hả, Còn?”

 - “Ừ, làm y tá cho gia súc như: heo, trâu, bò...  Tao mới vừa đi chủng ngừa gia súc cho bà con ở bên Xóm Chài về, kiếm được trên trăm bạc.” 

Còn móc xấp bạc bèo nhèo từ trong túi quần ra, rồi ngắt ra làm đôi, giúi vào túi áo của tôi phân nửa, nói.  “Giữ uống cà phê!”  Còn hẹn ngày mai gặp tôi lại tại quán cà phê nầy.

Thấy tướng đi của hắn hơi kỳ kỳ, tôi gọi giật hắn lại, hỏi cho ra lẽ:

 - “Ê, Còn!  Tao nhớ tướng đi của mầy hồi còn đi học, đâu có đi hai hàng như bây giờ, phải không Còn?”

 - “Mầy nhớ dai thiệt!” Còn cười hô hố, nói.

 - “Hổng giấu gì mầy nghen!  Con ngựa già của chú Năm đánh xe ngựa ở Trà Nóc có vấn đề.  Chú nhắn tao lên xem bịnh cho nó.  Tao vừa phóng ống chích vô mông, chưa kịp bôm thuốc là bị nó đá giò lái vô háng, may là tao có vài miếng võ Bình Định, không thì dập bi rồi!”

Kể từ hôm đó, tôi theo bạn Còn đi học nghề “chủng ngừa gia súc”.

Khoảng 2 tuần lễ, Tài mua cho tôi một chiếc xe đạp mới cáo cạnh, đồ nghề và thuốc men đủ loại cho tôi đi hành nghề.  Bà xã của Tài còn cẩn thận hơn nữa, coi ngày lành tháng tốt cho tôi đi hành nghề gặp nhiều may mắn.

Ngày đầu tiên, đạp xe lên Bình Thủy.  Trên đường vô rạch Cái Chanh, tôi tạt vô nhà của Trần văn Ninh, bạn học mà cũng là bạn cùng khóa 13 Thủ Đức với tôi.  Hắn đang nuôi dê vắt sữa, bỏ mối cho các tiệm cà phê ở Cần Thơ.  Cái nghề nầy kể ra cũng khá nhàn hạ, mỗi sáng chỉ có việc đi hái lá cây so đũa mang về tẩm bổ cho một dê cụ và một bầy dê cái ăn.  Ông bạn nầy suốt đời thờ chủ nghĩa độc thân.  Tôi biết hắn mang nặng tự ti mặc cảm với “sư phụ” nên khuyên hắn hoài đó chớ:

 - “Thôi, lớn tuổi rồi!  Lo kiếm vợ lập gia đình đi, cha nội!  Sức người có hạn, làm sao bì được với “sư phụ” chớ!  Tại bạn chưa biết thôi, tuổi của bạn trên 4 bó rồi, một bà cũng đủ làm cho bạn đứt bóng rồi đó, bạn ơi!”

Sau khi ăn xong mấy cái bánh lá dừa, uống cạn một ly sữa dê.  Tôi dắt xe đạp ra ngoài cổng, tròng vào cổ hai tấm bảng giới thiệu nghề nghiệp.  Tấm bảng trước ngực viết bằng chữ hoa: “Thú Y Sĩ ”.  Còn bảng phía sau lưng đề: “Chuyên trị và chủng ngừa đủ loại gia súc trừ...ngựa!”

 Trời mùa hè, nắng chang chang, nắng đổ lửa.  Đạp xe ròng rã gần một tiếng đồng hồ trên con đường làng trải đá, lồi lõm ổ gà, cõng chiếc xe đạp trên vai đi qua 3 cây cầu ván gập gềnh và một cây cầu tre lắt lẻo, mà chưa gặp ai kêu mở hàng cả.  Tôi bèn xuống xe, dựng chiếc xe đạp bên gốc cây gòn, tháo cái bảng quảng cáo máng trên cái đòn dong, rồi ngồi bẹp xuống đất, dựa lưng vào thân cây gòn, phì phà điếu thuốc rê nghỉ xả hơi.  Tôi bỗng thấy một chị đàn bà đã gần nửa đời hương phấn, tay dắt một con heo nọc vừa mới đi khách ở đâu về.  Nhìn thấy hai “hòn bi” xệ lòng thòng gần chạm mặt đường, đong đưa giữa hai chân sau, mệt nhọc kéo lê từng bước khập khễnh.  Tôi cũng đoán được, nó đã hết “xí quách” còn bắt đi khách.

Tôi mừng quá, gọi bắt mối làm ăn:

 - “Chị Hai ơi!  Sức khỏe của con nọc có vấn đề đó nghen!”

Chị ta đổ quạu, nói:

 - “Nó oải vì hốc nắng, chớ không phải nó hết xí quách đâu nghen, cha!  Mà sao anh biết sức khỏe của nó có vấn đề chớ?”

Tôi bèn chỉ tấm bảng máng trên cái đòn dong xe đạp, rồi tự giới thiệu:

 - “Tôi là thú y sĩ có trên 10 năm kinh nghiệm trong nghề.  Nhìn thấy bộ gió của con nọc cũng đủ biết rồi, cần gì phải hỏi.”

Bấy giờ, chị ta mới dắt con nọc đến chỗ tôi ngồi, than vắn, thở dài:

 - “Nói thiệt với ông anh nghe!  Hồi sáng này, tui dẫn nó đi nhảy nọc đằng nhà đồng chí chủ tịch UBND Xã.  Nó chồm lên mình con nái, chòi chòi được mấy cái rồi ngã lăn cù trên mặt đất, thở hồng hộc, làm tôi quê cho một cục!”

Tôi lấy tay chỉ hai hòn bi của nó, rồi lắc đầu, nói:

 - “Con nọc của chị cho về hưu đi là vừa rồi!”

 - “Cuộc đời của tôi bây giờ thê thảm lắm, ông anh ơi!” chị nói mà nước mắt lưng tròng.  “Nó còn nhảy nọc được là tui còn có cơm ăn.  Như bữa nay, tui đói là cái chắc!  Anh có thuốc gì giúp cho nó hồi xuân, được không anh?”

 - “Nhà chị gần đây không?” tôi hỏi.

 - “Nhà tui ở bên kia đường,” chị nói.

 - “Mời anh vô nhà kiểm tra sức khỏe của nó dùm tui.”

Tôi gật đầu, đứng dậy, dắt chiếc xe đạp, băng qua con lộ đá theo chị vô nhà.  Chung quanh nhà, cỏ dại mọc cao tới gối.  Cái nhà lá của chị, nhà không ra nhà, chòi không ra chòi, cột nhà xiêu vẹo, mái lá tả tơi.  Chị dắt con nọc ra chuồng.  Tôi để đồ nghề trên cái chõng tre, rồi nhìn quanh một lượt.  Căn nhà trống trơn, chỉ có cái bàn thờ bằng gỗ tạp lấy từ các thùng đạn ghép lại.  Trên bàn thờ có hai tấm ảnh bán thân: một già, một trẻ, trông hao hao giống nhau.  Tôi đoán chừng họ là hai cha con, có liên quan đến chủ nhà nầy.  Chị ở ngoài cái chái hè, nói vọng vô:

- “Anh ngồi trên cái chõng tre, chờ tui nấu nước pha ấm trà nghe!”

- “Thôi, khỏi đi chị!  Tôi chích cho con nọc một mũi thuốc bổ, rồi tôi đi ngay!”

Tôi nói xong, xách túi đồ nghề ra ngoài chuồng heo, cưa mấy ống thuốc bổ hỗn hợp, rút được phân nửa ống tiêm khoảng 20 cc.  Tôi phóng mũi kim vào mông con heo nọc, bôm thuốc nhật nhanh.  Con nọc kêu một tiếng “éc” thật lớn, cả thân mình giật giật mấy cái rồi nằm xụi lơ...  Tôi hoảng quá, định xách túi đồ nghề bỏ chạy vì sợ chị ta nổi tam bành lục tặc, chém cho một dao là rồi đời.  Nhưng may quá, tôi thấy cái đuôi của nó phe phẩy, ngóc đầu lên ngó dáo dác, có lẽ nó đòi ăn.  Tôi thở phào nhẹ hẫng, xách túi đồ nghề, ngồi trên chõng tre, chờ lấy tiền công.

Vài phút sau, chị bưng ly nước trà nóng, mời tôi uống.  Chị hỏi:

 - “Anh tính mũi thuốc nầy bao nhiêu vậy?”

 - “Dạ, chị cho 10 đồng được rồi!”

 - “Anh làm ơn cho tui thiếu đi,” chị cười vả lả, nói.  “Nói thiệt với anh nghen, tui không còn một ten dính túi, nhà chỉ có vài lít cám bồi dưỡng cho con nọc, còn gạo hết hai ngày rồi.  Chiều nay, tôi ăn khoai lang trừ cơm.  Anh thông cảm nghen!”

Đúng là cảnh đò nát gặp nhau.  Tôi động lòng trắc ẩn, móc trong túi còn khoảng 40 đồng.  Tôi biếu chị phân nửa, mua gạo ăn cầm hơi cũng được vài ngày.

Chị cầm 20 đồng trên tay, cảm động, hỏi:

 - “Bộ anh là lính chế độ cũ hả?”

 - “Sao chị biết, tôi là lính chế độ cũ?”

 - “Chỉ có người lính Cộng Hòa mới có tấm lòng nhân ái như anh mà thôi!”

 - “Hồi nãy, tôi nói đùa với chị.  Thiệt ra, tôi là tù cải tạo mới được thả ra khỏi trại,” tôi cười buồn, nhìn hai tấm ảnh bán thân trên bàn thờ, tò mò, hỏi.  “Ai đó chị Hai?”

 - “Ông xã và con trai tôi đó!” chị nói luôn một hơi.  “Ảnh là học sinh của trường Phan Thanh Giản, theo tên Khải (anh nầy học trước tôi một lớp) vô bưng biền chống Mỹ cứu nước.  Năm Mậu Thân 1968, tôi vừa sanh thằng con nầy thì hay tin ảnh bỏ mạng tại mặt trận Sầm Giang .  Mười tám năm sau, Đảng và Nhà nước mang thằng con tôi cùng với con cái của những người trong MTGPMNVN trước đây, đem đi nướng ở chiến trường Campuchia để diệt trừ hậu hoạn!”

Tôi hỏi đùa:

 - “Chị muốn nói Đảng và Nhà nước ta “vắt chanh bỏ vỏ” phải không?”

 - “Còn gì nữa mà hỏi!  Trên 50.000 cán binh phơi xác trên chiến trường Campuchia rồi.  Bây giờ, lãnh đạo ta ăn ngon, ngủ yên tha hồ tham nhũng, làm giàu trên xương máu của nhân dân!” chị nổi nóng, lên lớp tôi.  “Bọn Cộng sản tuyên truyền giỏi quá, nên những người nông dân chất phát, nhẹ dạ đi theo bọn MTGPMNVN làm tay sai, nối giáo cho giặc.  Anh thấy không, “cách mạng” là cái con mẹ gì chớ?  Sau khi cưỡng chiếm miền Nam, chỉ có giai cấp thống trị thay đổi, còn giai cấp công nông có thay đổi chút nào đâu?  Tưởng gì, giải phóng xong, ba mẫu đất do chánh phủ VNCH cấp do “Luật người có ruộng”, teo lại bằng cái lá đa!  Đời sống của họ càng ngày càng te tua, chỉ có bà con dòng họ của tập đoàn lãnh đạo và đảng viên Cộng sản từ ngoài Bắc vào là giàu nứt trứng, nhờ ăn cướp tài sản, nhà đất của đồng bào Miền Nam mình.”

 - “ Như vậy, chị vừa là vợ liệt sĩ vừa là mẹ chiến sĩ, ngon rồi!”

Tôi đứng dậy, đi lại bàn thờ, định thắp một vài nén hương trước khi ra về cho phải phép.  Tôi ngạc nhiên, thấy trên lư hương cắm toàn “tăm xỉa răng” nên hỏi.

 - “Chị cho tôi xin cây nhang để cắm lên lư hương cho ảnh!  Dù sao, chồng của chị cũng là bạn đồng môn với tôi!”

 - “Ở nhà nầy không lệ có đốt nhang, chỉ cắm “tăm xỉa răng” lên lư hương là được rồi,” sợ tôi hiểu lầm, chị tiếp.  “Không phải tui vô thần đâu à nghen, cha nội!”

 - “Chị theo đạo gì vậy, chị Hai?” tôi hỏi đùa.

 - “Đạo thờ cúng ông bà,” chị cười buồn, nói.

 - “Tôi cắm tăm xỉa răng trên lư hương để cho “thằng chả” chống con mắt lên, nhìn thiên đường XHCN!  Bọn “Bắc Bộ Phủ” chỉ là một lũ ma cô, lừa bịp, ăn hại đái nát.  Bác Hồ và Đảng CSVN đã đem xác chết của trên 4 triệu người Việt Nam nằm xuống trong 3 cuộc kháng chiến thần thánh chống Pháp, Nhật, Mỹ để xây dựng nên chế độ XHCN ngoại lai vong bản, bán nước buôn dân.  Mỗi người nằm xuống đã cống hiến bao nhiêu lít máu để tô thắm lá cờ máu màu đỏ sao vàng và bao nhiêu cái xương sườn, xương ống quyển...  để Bác và Đảng dựng lên cái hàng rào xương người, bảo vệ chế độ độc tài đảng trị, rồi máng trên đó cái bảng họ tự vẽ lấy: “Yêu nước là phải yêu XHCN”!  Anh cứ xuống bến Ninh Kiều vào buổi tối, thấy cái thiên đường XHCN ngay, có gì đáng yêu?  Chỉ đáng bị nhân dân phỉ nhổ và nguyền rủa: “Bác Hồ đứng bến Ninh Kiều/ Dưới chân tượng Bác đĩ nhiều hơn dân!” Anh biết không, con nít mới 11, 12 tuổi đầu, phải bán trôn nuôi miệng rồi.  Khổ thì thôi, anh ơi!”

Chị nói đến đây, òa lên khóc một cách tức tưởi.  Tôi ngập ngừng đứng bên cạnh chị, rồi không biết một động lực nào đó và phát nguồn từ đâu; có lẽ, từ trong trái tim tôi.  Tôi quàng đôi cánh tay, ôm bờ vai gầy guộc của người đàn bà đáng tội nghiệp nầy vào lòng.  Chị gục đầu vào vai tôi, khóc như mưa, nước mắt ướt đẵm vai áo của tôi.

Tôi thì thầm bên tai chị:

 - “Can đảm lên chị!  Khó khăn nào cũng vượt qua mà!  Tôi sẽ cố gắng giúp chị!” 

Chị ngước mặt lên nhìn tôi, nước mắt còn quanh mi.  Chị nói:

 - “Anh là tù cải tạo, còn đời tôi xuống tận đáy vực thẳm.  Cảnh đò chiều gặp nhau, còn mong giúp nhau được gì chớ?”

 - “Chị tên là gì?”

 - “Tôi tên Diệu, còn anh?”

 - “Cứ gọi tôi là Elvis Chà là được rồi!”

 - “Bộ anh quốc tịch Ấn Độ hả?” không đợi tôi trả lời, Diệu hỏi tiếp.  “Anh bao nhiêu tuổi?”

 - “Già rồi, vừa đủ 4 bó!”

 - “Như vậy là anh lớn hơn em bốn tuổi.”

Tôi kể lại hoàn cảnh của tôi sau khi ra tù, cuộc đời của tôi còn te tua hơn cả Diệu bây giờ nhiều.

 - Nhờ Tài, người bạn tốt giúp anh vượt qua mọi khó khăn.  Bây giờ, đứng vững rồi, anh giúp lại em, gọi là trả ơn đời vậy mà!

 Kể từ hôm đó tôi tự nguyện làm thêm một cái nghề bất đắc dĩ nữa: chạy “xe đạp ôm” để kiếm thêm mớ tiền giúp Diệu lợp lại cái nhà cho tươm tất.  Cuộc đời của tôi lại tiếp tục lăn theo vòng quay của hai cái bánh xe đạp từ bến phà Cần Thơ, qua con đường Nguyễn Trãi.  Buồn làm sao, mỗi lần chở khách chạy trên con đường Hòa Bình, ngang qua Bộ Tư Lệnh QĐIV/QK4 cũ : đơn vị cuối cùng của tôi ...

 Đời vất vả thiệt, ấy thế mà vui!  Diệu cảm động thấy tôi giúp nàng cuốc đất, làm cỏ, lên líp trồng rau muống, làm giàn mướp, giàn bầu như một người nông dân chính cống.  Một tháng sau, công đất cỏ mọc hoang đã đi vào sản xuất, Diệu có thể chở rau muống ra chợ Bình Thủy bán lai rai, đủ tiền mua gạo.  Cuộc sống của nàng đã hồi sinh...

Một buổi chiều.  Diệu ngồi bên cạnh tôi bên bờ rạch Long Tuyền ngắm hoàng hôn xuống.  Nàng nắm tay tôi, ngập ngừng, hỏi:

 - “Anh thương em không?”

Tôi nhìn thẳng vào đôi mắt của Diệu, thẳng thắn trả lời:

 - “Có, nhưng anh chỉ thương Diệu bằng tình người chớ không phải vì tình yêu.  Anh bây giờ đang chờ đợi một chuyến tàu vượt biển.  Ra hải ngoại, anh sẽ tiếp tục sự nghiệp chống Cộng đến cùng!”

Trong buổi hoàng hôn nhạt nắng, tôi thấy Diệu rưng rức khóc.  Nàng như ngây dại, buông thả những giọt nước mắt trôi theo dòng đời...  Nghèo quá, không có tiền mua nổi một chiếc khăn tay, tôi phải vén vạt áo bà ba lau nước mắt cho nàng, rồi buâng khuâng ngồi trên bờ rạch Long Tuyền, nhìn những ngọn gió đuổi nhau xôn xao trên những rặng dừa nước, những ngọn phi lau mọc hoang bên bờ rạch bị thổi dạt về một phiá, rụng bông trắng xóa, trôi dật dờ trên mặt nước.  Trên bầu trời, nhìn những con diều màu nâu no gió, đang rộng đôi cánh như cố hứng những tia nắng cuối cùng trong ngày.

Tôi chợt liên tưởng đến những mùa biển động, những gì đang chờ đợi, thách thức những thuyền nhân trên mặt đại dương bao la: bọn công an biên phòng?  Hải tặc?  Nhưng, đáng sợ nhứt vẫn là những cơn thịnh nộ của biển cả, nó đã nhận xuống lòng biển bao nhiêu con tàu vượt biển mong manh cùng với hàng vạn thuyền nhân đã trốn chạy thiên đường cộng sản.  Họ chấp nhận đi vào cõi chết để tìm cái sống.  Họ không có quyền lựa chọn nào khác hơn: Một là con nuôi cá/ Hai là con nuôi má / Ba là má nuôi con.  

 

Thế rồi, dịp may đã mỉm cười trên số phận của tôi.  Một buổi chiều tháng 5, tôi chở một người khách xuống bến Ninh Kiều, tiện đường tôi ghé thăm người bạn học cùng trường Phan Thanh Giản và cũng là SVSQ khóa 13 Thủ Đức đang ngồi bán vé số trên vỉa hè đường Ngô Quyền.  Vừa thấy cái bản mặt tôi, hắn xài xể cho một hơi:

 - “Gần cả tháng nay, mầy trốn biệt đi đâu vậy, cha nội?  Tụi tao tổ chức ngày hợp bạn truyền thống của cựu học sinh trường Phan Thanh Giản và Đoàn thị Điểm, kiếm mầy không ra!”  Rồi hắn đoán già, đoán non:

 - “Bộ có bà khác rồi hả?”

Tôi chỉ cười không trả lời, thấy trên quày còn hai xấp vé số cặp của tỉnh Hậu Giang, mỗi cặp 10 tờ, tôi mua hết.  Thật may mắn không ngờ, một cặp trúng được 5 con số.  Tuy chưa trúng độc đắc, nhưng cũng đổi ra được gần 2 cây vàng.  

Có một ít tiền trong tay, tôi bàn chuyện làm ăn với Diệu.  Sau cùng, chúng tôi quyết định theo bạn Ninh học nghề: “nuôi dê vắt sữa”.  Không biết có phải vì bàn tay tôi chỉ quen cầm súng, bóp cò hay vì tù lâu mà hôm nào anh chàng Ninh dạy vắt sữa dê bằng tay, lúc đó tôi nhìn Diệu mà lòng chỉ nghĩ tới con...  heo nọc thế mới kỳ chớ!”

Thế rồi, một ngày trung tuần tháng 9 năm đó.  Vào khoảng 3 giờ chiều, tôi ngồi trên băng đá bến Ninh Kiều uống nước mía giải lao, bất ngờ tôi gặp một người em họ.

Cô ấy hỏi tôi:

 - “Anh có muốn vượt biên không?”

 - “Muốn chớ sao không!” tôi hỏi tiếp.  “Mà bao giờ đi?”

 - “Chiều nay đi!” cô ta nói.  “Em còn chờ đón một vài người nữa để đưa họ qua bên Xóm Chài.  Anh muốn đi, em sẽ gởi anh đi cùng chuyến với họ.”

Thôi thì, một liều ba bảy cũng liều.  Đời người ai cũng một lần chết sợ gì!  Tôi gật đầu, nói:

 - “Anh đồng ý!  Cho anh đi chừng 30 phút rồi anh sẽ trở lại, được không?”

 - “Được, nhưng đi lẹ lên nghe!” Cô ấy nói.

 Tôi liền tạt vào chợ Cần Thơ, vét hết tiền túi mua một cái giỏ lát đựng đầy củ sắn, mì ăn liền và vài món đồ vệ sinh cá nhân, rồi vội vã trở lại chỗ cũ.  Người khách cuối cùng cũng vừa đến.  Chúng tôi xuống đò ngang, sang sông Cần Thơ rồi lội bộ theo dọc bờ sông Hậu.  Cách vàm rạch Cái Đôi khoảng vài trăm thước, tôi thấy một chiếc ghe tam bản không mui, neo bên cạnh gốc cây bần đang chờ rước khách.

Sau khi trao đổi vài câu mật mã với người lái đò, cô em họ cho mọi người xuống đò.  Chiếc ghe thả trôi lững lờ trên dòng Hậu Giang khoảng một tiếng đồng hồ; bất ngờ, cơn mưa chiều tầm tả trút xuống thành phố như thác đổ, không kịp vuốt mặt để thở.  Người lái đò vừa chèo ghe, vừa chăm chú nhìn trên dòng sông, rồi bất ngờ nói: “Taxi xuống rước khách rồi đó bà con!”

Cơn mưa chiều làm bóng tối xuống nhanh.  Qua màn nước mưa dầy đặc, tôi thấy lờ mờ ánh đèn của con tàu nào đó, từ dưới đầu cồn Ổi ngang vàm sông Cần Thơ, chạy hướng ra biển.  Người lái đò vội vàng chèo ghe băng qua sông Hậu mênh mông, lướt trên những đợt sóng lưỡi búa, chiếc ghe bị sóng nhồi lắc lư suýt chìm.  Thật may mắn, chiếc ghe vừa vượt qua hai phần ba sông thì chiếc taxi cũng vừa trờ tới.  Người tài công hối mọi người lên tàu, bên trong khoang tối đen như mực, chật cứng người.  Tàu chạy ra hướng biển khoảng 2 tiếng đồng hồ.  Cuối cùng, chiếc taxi cập vào tàu lớn đang neo trên khúc sông gần miệt Trà Ôn.  Đó là chiếc tàu đưa thuyền nhân vượt biển tìm tự do.

 Tàu vượt ra khỏi cửa biển không biết vào lúc nào, cho đến khi anh Mười và Bé thợ máy cho mở tất cả cửa sổ, ánh sáng tràn ngập trong khoang.  Tôi nhìn người đàn ông ngồi bên cạnh.  Tưởng ai, thì ra là người anh bạn học cũ tên Lý văn Thế.  Chúng tôi học cùng lớp với nhau từ lớp đệ thất đến cuối năm đệ nhị thì chia tay.  Tôi vào trường Bộ Binh Thủ Đức.  Thế vào trường Võ Bị Đà Lạt.

Sau một tháng ở đảo Kuku làm thủ tục.  Tất cả chúng tôi được tàu của Cao Ủy LHQ đưa sang trại tỵ nạn Galang - ngưỡng cửa của tự do - sau một ngày một đêm lênh đênh trên mặt biển, tôi bị say sóng muốn ngất ngư.  Ngồi trong nhà chờ đợi, tôi dựa đầu vô cột, ngủ gà ngủ gật thì Ban đại diện Trại Tị Nạn Galang cử người ra đón nhận những người mới đến, để đưa vào trong trại Galang I.

Bỗng Lý văn Thế đánh thức tôi dậy, nói:

 - “Ê, ai trông giống thằng Sỹ quá mậy!”

Tôi còn đang nhắm mắt, mơ màng, hỏi:

 - “Thằng Sỹ nào vậy?”

Thế đáp:

 - “Thì thằng Trương Đăng Sỹ học cùng lớp với mình, chớ còn ai vô đây nữa!”

Nghe nói đến Trương Đăng Sỹ là tôi giật bắn người, ngồi bật dậy như cái lò xo, ngó dáo dác, hỏi:

 - “Hắn đâu?  Hắn đâu?  Có phải Trương Đăng Sỹ thiệt không đó!  Thôi, chết mẹ rồi!  Đúng là hắn!”

Đi trong ban đại diện trại tỵ nạn còn có một bạn cùng lớp nữa là Châu Đắc Mãn và 16 anh em cùng trại tù cải tạo Thanh Cẩm như Nguyễn Tiến Đạt, Lê Đình Ngọc, Nguyễn Trung Hiếu, Nguyễn văn Vững, Nguyễn Ngọc Lương...  Đúng là tha phương ngộ cố nhân, Trương Đăng Sỹ nhìn tôi cười ha hả, nói:

 - “Tao đã vọt qua tới đây rồi mà cũng không thoát được mầy!”

Còn tôi vừa bắt tay hắn, vừa nghĩ thầm trong bụng: “Đúng là oan gia gặp đường hẹp!” Rốt cuộc, tôi bị hắn chơi thêm một vố nữa, cũng đau không kém lúc tôi dự cuộc thi tuyển lựa ca sĩ ở bến tàu Cần Thơ mấy mươi năm về trước đâu nghen! 

 Chuyện là như vầy.  Lúc ở trại tị nạn Pulau Galang, Trương Đăng Sỹ là chủ tịch “Hội Cựu Quân Nhân QLVNCH”.  Theo truyền thống của hội, chuyến tàu nào có cựu quân nhân mới đến là ngài Chủ tịch phải triệu tập một phiên họp để giới thiệu người mới đến.  Trong hội trường, Sỹ ngồi trên bàn chủ tịch, hắn đọc danh sách giới thiệu từng người mới.  Khi hắn đọc đến tên tôi, tôi đứng dậy đưa tay chào các chiến hữu thân thương, vừa định ngồi xuống ghế thì hắn trở chứng, quát:

 - “Anh đứng đó!  Không được ngồi xuống!”

Hắn quát to quá làm tôi giật mình đâm lo, không biết hắn định giở trò gì nữa đây.

Hắn chỉ thẳng vào mặt tôi, hài tội:

 - “Tên nầy cùng chung trại tù Thanh Cẩm với tôi.  Chính anh nầy đã giết người bạn tù là cựu đại úy Lê Duyên Ngẩu!”

Mười sáu anh bạn tù của tôi cũng nhao nhao đứng lên làm chứng nhân.  Liền sau đó, có tiếng hét từ dưới hội trường vọng lên, nghe rợn người:

 - “Thằng nầy làm “ăng ten” hả?  Đập chết mẹ nó đi anh em!”

 - “Đem quăng nó xuống biển cho cá mập sơi tái đi!”

Vừa nghe tiếng bàn ghế xê dịch, tôi định vọt ra cửa chạy thì Sỹ và mấy anh em bạn tù xông tới ôm tôi chặt cứng, không cho tôi chạy.

 - “Mà anh em có biết, tên nầy giết đại úy Lê Duyên Ngẩu bằng cách nào không?”  Sỹ thấy tôi sợ đến tái mặt, khoái chí cười ha hả, nói tiếp.

 - “Anh nầy thuộc dạng sáu quậy của trại tù Thanh Cẩm, hắn chuyên kể chuyện “tiếu lâm” chọc cười anh em, làm anh Lê Duyên Ngẩu cười nôn ruột, cười không kịp thở nên bị máu nhồi cơ tim...tắt thở!”

Một cựu quân nhân đứng dậy, nói:

 - “Tôi có một đề nghị: trong suốt thời gian sống tại trại tỵ nạn Galang, cấm anh nầy ...  kể chuyện tiếu lâm!”

 - “Đề nghị như vậy mà cũng xin phát biểu ý kiến!” một anh bạn khác cười, vui vẻ nói.

 Một năm sau đó, Trương Đăng Sỹ, Lý văn Thế và Châu Đắc Mãn đều qua Úc định cư chỉ có tôi là vọt qua Mỹ.   Mười năm sau, Trần Tài và gia đình cũng rời Việt Nam qua Úc định cư theo diện đoàn tụ gia đình.   Còn Diệu bây giờ ra sao?  Mới đây tôi vừa mới nhận được thơ của nàng do một người bạn cùng đơn vị ở Cali về Việt Nam thăm gia đình, chuyển sang cho tôi.   Xin trích một đoạn ngắn:

 Cần Thơ, ngày 2 tháng 3 năm 2002

Anh thân mến,

“...  Nhớ năm xưa, cảnh anh em mình tình cờ gặp nhau, giống như một con đò nát gặp con đò chiều ế khách.   Em có cuộc sống được như ngày hôm nay là nhờ anh.   Em không có cách gì trả ơn anh.   Thôi thì, em làm theo cách của anh: trả ơn đời!  Em phải có bổn phận trả ơn những người đã đổ máu, hy sinh một phần thân thể để bảo vệ nền dộc lập, tự do, dân chủ thực sự của MNVN nói riêng và sự toàn vẹn lãnh thổ của đất nước nói chung.  Sau khi anh đi rồi, mấy năm sau, em tình cờ gặp anh Huy, nguyên là thủy thủ của Hộ Tống Hạm Nhật Tảo HQ 10 của Hải Quân QLVNCH.  Anh đã để lại đại dương cả đôi chân trong cuộc hải chiến Hoàng Sa tháng giêng năm 1974 với Hải quân Trung Quốc để bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.

     Anh Huy sống bằng nghề hát rong, giúp vui cho các quán cà phê vỉa hè trên bến Ninh Kiều.   Trong một cơn say cho quên đời, anh lết ra bến tàu, lăn mình xuống sông Cần Thơ tự trầm.  Nhưng người ta không cho anh chết.  Thế rồi, anh được vớt lên bỏ nằm lăn lóc, sống dở, chết dở trên bến tàu vì đói và lạnh.  Em đã gặp anh ấy trong hoàn cảnh bi đát như thế.  Em đưa anh về nhà săn sóc và giúp ảnh làm lại cuộc đời.  Chúng em yêu nhau và đã có một cháu trai đầu lòng đã được 10 tuổi rồi...”

* * *

Mùa đông thứ 20 của tôi tại tiểu bang Virginia sắp sửa đi qua, những đọt lá non màu xanh mơn mởn bắt đầu chuyển mình, nhú ra khỏi cành cây khẳng khiu, đong đưa đón cơn gió xuân.  Mái tóc tôi bạc dần theo mỗi mùa tuyết tan.  Mới đó mà đã trên 6 bó rồi!

 Tôi lại nhớ lời thầy Liêu nói xưa kia: “Đời người như bóng câu qua cửa sổ!”  Nhưng, thầy ơi!  Chúng con là những người lính, giá trị của người lính không tính bằng tuổi thọ, không tính bằng cấp bậc, không tính bằng màu áo quân binh chủng.  Giá trị của người lính tính bằng từng dòng máu chan hòa mồ hôi lẫn nước mắt của họ đã đổ ra và từng phần thân thể của họ đã để lại chiến trường sau mỗi trận đánh với quân Cộng thù và giá trị cao quý nhất của người lính là sẵn sàng hy sinh mạng sống của mình để dâng hiến cho Tổ Quốc.  Như Nguyễn văn Thiểu, cuối năm đệ tứ, vừa thi đổ mảnh bằng Trung học Đệ Nhất Cấp, cũng vừa đúng tuổi gia nhập QLVNCH.  Thiểu từ giã mái trường trung học Phan Thanh Giản để trở thành SVSQ Khóa 10 Trường Bộ Binh Thủ Đức.

 Năm chúng con lên đệ nhị, Nguyễn văn Thiểu trong bộ quân phục BĐQ về thăm lại trường xưa bạn cũ, trước khi trình diện Tiểu Đoàn 42 BĐQ “Cọp Ba Đầu Rằn” nhận nhiệm vụ.  Chuẩn úy Nguyễn văn Thiểu là một trong những Trung đội trưởng trẻ nhất của Đại Đội 1 cùng với Tiểu Đoàn 42 BĐQ đang mở cuộc hành quân tại vùng Gò Quao thuộc lãnh thổ quận Kiên Hưng để giải tỏa áp lực địch chung quanh tỉnh Chương Thiện vừa mới được thành lập cách đó không lâu.  Đó là trận đánh đầu đời của chuẩn úy Nguyễn văn Thiểu và cũng là trận đánh cuối cùng của anh.  Khi Đại Đội 1 vượt qua sông Cái Lớn, bị một ổ thượng liên và đại bác không giật của VC cầm chân bên bờ ruộng lúa gần một tiếng đồng hồ.  Chuẩn úy Nguyễn văn Thiểu sốt ruột, nhờ đồng đội bắn yểm trợ, anh ôm bọc phá, mìn, lựu đạn... trườn mình qua ruộng lúa, rồi bất ngờ nhảy bổ vào ụ súng nặng của địch.  Một tiếng nổ long trời làm rung chuyển mặt đất, từng cụm khói lửa bốc lên ngùn ngụt.  Chuẩn úy Thiểu đã quyết tử để san bằng chướng ngại vật cho đồng đội tiến lên chiến đấu và chiến thắng.  Anh tan biến đi như một huyền thoại, không để lại gì trên cõi đời nầy, ngoại trừ cái nón sắt méo mó mà đồng đội của anh nhặt được nó bên bờ lau sậy.

Cố Thiếu úy Nguyễn văn Thiểu hy sinh vào lúc tuổi đời chưa quá đôi mươi.  Anh hiện diện trên thế gian nầy thật ngắn ngủi, như một vì sao băng rực rỡ bay ngang qua bầu trời, rồi lặng lẽ chìm trong bóng đêm.  Bây giờ, mỗi lần anh em có dịp ngồi lại với nhau, thường nhắc đến bạn và ước ao được như bạn:

 “Thà đánh một trận vươn vai thành Phù Đổng

Còn hơn suốt đời le lói đến trăm năm.”

Thầy Liêu ơi!  Cõi trần ai “vật đổi sao dời”, ngôi trường trung học Phan Thanh Giản thân yêu của chúng ta, nơi đã góp phần đào tạo nhiều thế hệ nhân tài cho đất nước.  Vậy mà, sau khi cưỡng chiếm miền Nam, bọn CSBV vội vàng thay tên trường mang tên Phan Thanh Giản bằng cái tên Châu văn Liêm, một tên Việt Cộng lưu manh đểu cáng nào đó, vì Đảng và nhà nước CSVN buộc tội cụ Phan Thanh Giản bán nước, vì đã ký Hiệp Ước năm 1867 dâng 3 tỉnh Miền Tây Nam Phần cho thực dân Pháp.

Cụ Phan vì vâng lệnh vua Tự Đức mà ký Hiệp Ước năm 1867.  Nhưng khi cụ Phan bị nhân dân gán cho cái tội bán nước cho thực dân Pháp: “Phan, Lâm mãi quốc” (Phan Thanh Giản và Lâm Duy Hiệp bán nước).  Cụ Phan Thanh Giản đã mượn chén độc dược quyên sinh, tự kết liễu đời mình để chứng tỏ lòng trung thành tuyệt đối của mình đối với Tổ Quốc và Dân Tộc trong sáng như đôi vầng nhật nguyệt.

Trước khi trở về với cội nguồn, lời trối của cụ Phan dặn dò con cháu: “Tuyệt đối không nhận bất kỳ một đặc ân, bổng lộc nào của bọn thực dân Pháp cướp nước ban cho”.  Cái chết của cụ Phan Thanh Giản đã làm cho thực dân Pháp vô cùng kính phục cái tiết tháo đáng nể của giai cấp sĩ phu miền Nam.

Điểm mặt từng tên trong tập đoàn lãnh đạo Đảng Cộng Sản Việt Nam từ tên lãnh tụ bán nước Hồ Chí Minh, Trường Chinh, Lê Duẩn, Phạm văn Đồng cho đến Lê Đức Anh, Võ văn Kiệt, Đỗ Mười, Lê Khả Phiêu, Nông Đức Mạnh, Trần Đức Lương, Phan văn Khải, Nguyễn Minh Triết, Nguyễn Tấn Dũng hiện nay... chưa có một tên lãnh đạo cộng sản nào đủ tư cách buộc tội cụ Phan Thanh Giản bán nước cả.

Cái nhục của cụ Phan Thanh Giản vâng lệnh vua Tự Đức ký Hiệp Ước năm 1867 dâng 3 tỉnh Miền Tây Nam Phần cho thực dân Pháp, đâu bằng cái nhục của Hồ Chí Minh và tập đoàn lãnh đạo Bắc Bộ Phủ, tự nguyện dâng hiến đất đai của tổ tiên cho Trung Cộng, họ đã chà đạp lên truyền thống dựng nước và giữ nước của tiền nhân.  Bao nhiêu thế hệ anh hùng dân tộc từ triều đại Ngô - Đinh - Lê - Lý - Trần - Nguyễn đã đổ biết bao nhiêu xương trắng máu đào từ đời nầy sang đời khác, chống kẻ thù truyền kiếp của dân tộc từ phương Bắc, bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ của nước ta, trải dài từ ải Nam Quan đến mũi Cà Mau.  Chúng ta có thể tự hào rằng: trên từng thước cao của núi, từng cây số dài của đất, từng hải lý của biển cả đều có thấm máu của tổ tiên ta.

 Vậy mà, ngày 4 tháng 9 năm 1958, khi Trung Cộng ngang ngược tuyên bố lãnh hải “Lưỡi Rồng” chạy dọc theo bờ biển Việt Nam xuống Nam Dương rồi vòng lên phía đông, chạy dọc theo bờ biển Phi Luật Tân và tất cả các đảo trên biển Đông thuộc về Trung Cộng.  Dĩ nhiên là kể cả Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền của Trung Cộng.  Mười ngày sau đó, Hồ Chí Minh đã muối mặt và trước khi chỉ thị cho Thủ tướng Phạm văn Đồng, nhân danh chính phủ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa đặt bút ký công hàm đề ngày 14 tháng 9 năm 1958 gởi Thủ tướng Trung Cộng là Chu Ân Lai ghi nhận và tán thành bản tuyên bố của Chính phủ nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa, quyết định về hải phận của Trung cộng.   Hồ Chí Minh thường rêu rao: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước, bác cháu ta phải cùng nhau giữ nước”.  Một tên lãnh tụ vô liêm sĩ như Hồ mà giữ nước ư?  Hồ mãi mãi là một tên bán nước vong bản, một tên đầy tớ trung thành của bọn Đệ tam Quốc tế Cộng Sản mà lời trối trước khi chết, còn muốn đi gặp tổ Marx - Lenine, chớ còn mặt mũi nào dám gặp và nhìn mặt vua Hùng, hai bà Trưng, Triệu, các vua Ngô, vua Đinh, vua Lê, vua Lý, vua Trần, vua Nguyễn ở nơi chín suối.

Lời dụ của vua Lê Thánh Tông (1441 – 1497) còn ghi lại rành rành trong những trang sử vẻ vang và oanh liệt của dân tộc ta, chống lại kẻ thù truyền kiếp từ phương Bắc để bảo vệ nền độc lập - tự chủ và sự toàn vẹn lãnh thổ: “Nếu người nào dám đem một thước, một tấc đất đai của Thái Tổ để lại làm mồi cho giặc, người ấy sẽ bị trừng trị nặng.”.

Nếu chiếu theo điều 73 Lê Triều Hình Luật thì cái tội phản quốc bằng cách cấu kết với ngoại bang, xâm phạm chủ quyền quốc gia, xâm phạm sự toàn vẹn của Tổ Quốc, Hồ Chí Minh phải bị bêu đầu làm gương.  ĐIỀU 73 LÊ TRIỀU HÌNH LUẬT: “Ai bán ruộng đất nơi biên cương cho người nước ngoài thì bị tội chém.” (Chư mại biên cương điền thổ dữ ngoại quốc nhơn trảm).  

Những vết nhơ trong các trang sử bán nước bỉ ổi và ghê tởm của Mạc Đăng Dung và Hồ Chí Minh lại tái diễn bởi tập đoàn lãnh đạo Bắc Bộ Phủ đã khiếp nhược, lén lút ký Hiệp Định về biên giới trên đất liền vào ngày 30 tháng 12 năm 1999, dâng cho Trung cộng, ước tính có thể lên đến 15.000 km2 lãnh thổ dọc theo biên giới, gồm những đỉnh cao chiến lược về quốc phòng mà tổ tiên dùng để chống giữ nước.

 Và Hiệp Định về lãnh hải ngày 25 tháng 12 năm 2000, nhượng cho Trung Quốc thêm từ 10% đến 16%, ước tính khoảng 12.000 đến 20.000 km2 lãnh hải thuộc vịnh Bắc Bộ, đều là những khu vực giàu tài nguyên thiên nhiên như: dầu mỏ, khí đốt và hải sản.  Đó là cái giá mà Đảng CSVN phải trả để được Trung Cộng bảo hộ.  Nếu như, tập đoàn lãnh đạo Bắc Bộ Phủ còn một chút liêm sỉ, nên tự xử, hãy chia nhau uống chén thuốc độc như cụ Phan Thanh Giản mới công bằng.

Ngày nay, ba tỉnh miền Tây Nam Phần vẫn còn đó.  Nhưng, còn đâu quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa?  Còn đâu Ải Nam Quan, thác Bản Giốc?  Còn đâu vùng đèo Pha Lũy?  Ngọn đèo nầy là tiền đồn chiến lược mà Tổ tiên ta dùng để canh giữ quê hương, ngăn chận các cuộc xâm lăng của các triều đình phong kiến Trung Hoa.  Uất hận lên đến cực điểm, lòng dân sôi sục căm thù khi bọn lãnh đạo Hà Nội: Mạnh, Triết, Dũng dâng nốt Cao nguyên Trung Phần cho bọn giặc Tàu qua dự án khai thác “bauxite” hay “uranium”? 

 Từ thuở Vua Hùng Vương dựng nước đến nay, đã trải qua bao nhiêu ngàn năm, hình ảnh người lính trấn thủ ngày xưa đi chân đất, tay cầm gươm, giáo theo tiền nhân đi dựng nước giữ nước, chống lại kẻ thù truyền kiếp từ phương Bắc từ thế hệ nầy tiếp nối thế hệ khác.  Tuy có khác với chúng ta ngày hôm nay:  Đầu đội mũ sắt, vai mang súng đạn, lưng vác ba lô, giầy saut, áo trận.  Nhưng, thiên chức của người lính chiến thời nào cũng thế, gồng gánh trên vai trọng trách là đem xương máu để bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ của Tổ Quốc, trừ gian dẹp loạn, bảo quốc an dân, nối nghiệp tiền nhân, đêm ngày tận tụy canh giữ quê hương.  Mỗi chế độ chính trị cần có một quân đội riêng của nó.  Người lính, tự nó vẽ nên chân dung của chế độ.  Quân đội nhân dân vốn thường tự hào và hãnh diện với danh xưng “Thành đồng bảo vệ tổ quốc”.  Có thể nào, quân đội nhân dân có truyền thống tốt đẹp như thế lại trở thành một thứ công cụ riêng của đảng cộng sản Việt Nam dùng để đàn áp nhân dân? 

 Đã đến lúc người lính quân đội nhân dân phải thức tỉnh, dứt khoát thái độ với chế độ xã hội chủ nghĩa ngoại lai vong bản, rằng: “Quân đội nhân dân là thành đồng bảo vệ tổ quốc, chớ không phải bảo vệ tập đoàn lãnh đạo cộng sản Hà Nội buôn dân bán nước, một lũ đầy tớ bưng bô cho bọn cộng sản Bắc Kinh!”. 

 Nếu một ngày nào đó, quân đội nhân dân phản tỉnh, giác ngộ trở về cộng đồng Dân Tộc, quyết tâm bảo vệ Tổ Quốc thì những người lính già của QUÂN ĐỘI Việt Nam Cộng Hòa thuộc thế hệ sắp sửa đi qua, sẵn sàng trở lại quê hương.  Trước khi về cội, chúng tôi sẽ sát cánh cùng các bạn, đánh một trận cuối đời cho dù da ngựa bọc thây để trả nợ núi sông, trả lại những cột móc biên giới về vị trí cũ của nó.  Đòi lại chủ quyền của ta trên Quần Đảo Hoàng Sa và Trường Sa mà Hồ chí Minh đã cống dâng cho Trung Cộng.  Dựng lại lá cờ MÀU VÀNG BA SỌC ĐỎ, lá cờ truyền thống Dân Tộc Việt Nam ngạo nghễ tung bay trên Ải Nam Quan, khí thế hùng tráng như ngày lịch sử 16 tháng 9 năm 1972 là ngày Thủy Quân Lục Chiến Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa dựng cờ trên Cổ Thành Quảng Trị vừa chiếm lại đêm qua bằng máu.

 Nguyễn Vĩnh Long Hồ

 

up

AcDieu
Google Search:       
RFI
Nguoi_Viet
RFA
Quan_Su_VNCH
Quân Sử VNCH
Voa_tieng_Viet
msn
BBc_Tieng_Viet
Dan_lam_bao
Radio_VNHN

TIME