AcDieu225
Co Vang amazon Tammy

Free Hit Counters
Web Site Hit Counters

Khách viếng thăm

Translate

Powered by Translate

cam-on-anh_TPB (2).jpg

Thử bàn chữ Thiền trong đạo Phật: Thiền Tịnh Tâm

 TG: Việt Hà‏

Thử Bàn Chữ Thiền Trong Đạo Phật: Thiền Tịnh Tâm

 pic

Khi nói tới Thiền không ít người liên tưởng ngay tới hình ảnh những vị đại sư râu tóc bạc phơ của chùa Thiếu Lâm hay phái Võ Đang… hai mắt nhắm nghiền, thân ngay như tượng đá, tọa trên những mỏm núi cao chót vót hay trong những hang cùng cốc tận… và để rồi hễ có biến, các vị đại sư ấy trong tư thế bất động vẫn có thể phát ra những chưởng lực vô kỳ biến… ở một góc độ nào đó trong phim ảnh, các vị chân sư đó đã khắc họa được một phần nào ý nghĩa vi diệu của việc tu Thiền. Nhưng ta hãy tạm rời thế giới phim ảnh để trở về thế giới hiện thực – Thiền trong cuộc sống của chính chúng ta. Trước khi đi vào cụ thể, tôi xin nêu 3 trường hợp điển hình như một phép đối chiếu và so sánh.

Trường hợp một :

Cách đây ít năm tôi có đến thăm gia đình một người quen, lại đến đúng vào lúc anh đang ngồi hành thiền. Thấy tôi tới, vợ anh nhanh nhảu bảo: Chú ngồi chơi, đợi ông ấy một lát. Rồi chị nói nhỏ - ông ấy đang Thiền nên không ra ngay được. Tôi ngồi trò chuyện cùng vợ người quen một hồi thì chồng chị trở ra. Nhìn sắc mặt của anh không giống người vừa bước ra từ trạng thái thiền định. Thấy lạ nên tôi đùa, hỏi: Nhìn bác không giống mấy đại sư Thiếu Lâm tí nào. Người quen của tôi cười nhăn nhó: được 1% của các vị đó là thì anh mãn nguyện rồi, đằng này ngày nào cũng tọa, nhiều lúc cố gắng tới cả một hai tiếng, thổi phi phao tới chóng hết cả mặt mà chẳng thấy thay đổi gì trong người. Lắm hôm còn sa sẩm hết cả mặt mày, chân tay hệt như bại liệt…

picChị vợ anh cũng than phiền: Chú xem, chẳng biết nghe ai khuyên, ông ấy lên tận chùa, tham gia học thiền cả mấy tháng trời, rồi vác thêm cả một đống sách về nhà tự luyện. Chị chẳng hiểu Thiền có giúp ích gì cho ông ấy không, chứ mỗi lần ông ấy ngồi Thiền trong phòng là vợ con đuổi hết ra ngòai, mọi sinh họat trong nhà bị ngưng trệ. Ho một tiếng cũng bị ông ấy quát. Nghe tiếng ruồi bay ông ấy cũng giục đóng kín cửa lại. Mình ông ý một cõi, ngồi phồng mang, trợn mép rồi hít vào thở ra phù phù như rắn hổ mang. Lắm lúc chị tò mò hỏi liền bị ông ấy trợn trừng mắt quát: Không hiểu gì về thiền thì đừng lắm chuyện. Nói rồi lại ngồi phập phù như kéo bễ. Nhìn thấy ông ý Thiền mà tôi cũng phát hãi. Người ta Thiền xong thì mặt mũi tươi tỉnh, sáng láng, tính khí cũng điềm đạm hẳn lên, đằng này ông ấy càng thiền lại càng bẳn như mắm tôm, đã vậy hôm nào thiền xong y như rằng hôm đó như vừa đi đánh trận về.

Bị vợ bóc mẽ nên bữa ấy người quen tôi chỉ ngồi cười trừ. Rồi anh dặng hắng, bảo vợ đi làm đồ nhậu để tiếp khách. Chờ vợ anh vào bếp tôi mới lựa lời hỏi chuyện tu thiền của anh. Anh kể khỏang gần chục năm đổ lại đây anh hay bị mất ngủ, đau đầu, chóng mặt, những chuyện quá khứ thường hay luẩn quẩn trong đầu… Nghe mấy người bạn thân khuyên nên học Thiền để điều tâm, vậy là anh cũng theo họ lọ mọ lên tận chùa, xin các thầy cho học thiền.

Tôi hỏi: Anh học bao lâu rồi?

Anh trả lời vẻ mĩ mãn: Cả hai năm trời rồi đấy.

Tôi lại hỏi: Thầy hướng dẫn anh khi ngồi thiền thế nào?

Người quen của tôi đáp ngay: Kiết già.

Tôi hỏi: Thế kiết già xong thì làm gì?

Người quen tôi đáp: Thở ra ba lần để quên (sả) hết mọi chuyện, kế đó là luyện thở.

Tôi tò mò bảo: Anh thở thử cho em xem có được không?

Người quen nhìn tôi hòai nghi: Chuyện gì? Chú cũng muốn học thiền à? Nói rồi anh co chân, ngồi kiết già, và hít vào, thở ra phù phù, hệt như vợ anh phàn nàn. Một hồi tôi thấy sắc mặt anh đỏ phừng, nên bảo anh ngưng thở để hỏi chuyện.

Tôi hỏi: Anh thấy trong người thế nào?

Người quen: Chẳng thấy mẹ gì cả. Người thì căng lên như dây đàn, tim đập lọan xạ, mặt mũi sa sẩm nhiều khi như bị trúng gió. Đấy là ngồi 10-15 phút, chứ nếu cố ngồi lâu khỏang 30-60 phút là mồ hôi vã như tắm, người ngợm hầm hập như lên cơn sốt. Lắm hôm hỏang quá, muốn bỏ giữa chừng buổi tập, nhưng vừa đứng lên là đổ ụych xuống nền nhà. Vợ con chạy vào hỏi làm sao, thì ra ngồi lâu, chân bị tê bại, lại chồm ngay dậy vậy là đổ cây chuối. Hay là mình tập ngược hả chú?

Tôi hỏi: Những người tập cùng với anh kết quả thế nào?

Người quen: Tụi nó bỏ hết rồi. Mới đầu cũng sắm sửa đủ bộ “nhạc cụ” để ngồi thiền, rồi cũng đuổi hết vợ chồng con cái đi nơi khác, tivi, đài đóm, nấu nướng cũng cấm tiệt cả. Khí thế lắm, nhưng tập được dăm bữa, nửa tháng, thằng nào cũng kêu chóng mặt nhức đầu, rồi đổ cho bị tàu hỏa nhập ma, chân tay như bị phù nề, tập xong ngồi nắn vuốt cả tiếng mới chịu hồi, nên tụi nó bỏ hết. Riêng anh vẫn cố luyện, khổ luyện thành tài mà, biết đâu có kỳ tích. Nhưng bây giờ anh thấy hơi hòai nghi. Có lẽ tập món này phải lên chùa, và có các thầy bên cạnh, hoặc vào sâu trong rừng mới tập được, chứ tập ở nhà, vợ con khi thì băm băm, chặt chặt, khi thì bát đũa xủng xỏeng, khi thì tụi nó mở nhạc anh anh, em em nghe nẫu hết cả ruột. Đã vậy xe cộ ngòai đường lại phóng vù vù, lắm lúc ngồi thiền mà tưởng như tụi nó đang khạc đạn vào đầu.

Tôi hỏi: Liệu anh tập có đúng phương pháp các thầy dạy không?

Người quen: Khổ quá, thầy dạy mọi người từng động tác một, ngay cả tư thế ngồi, rồi cách hít vào thở ra anh cũng làm hệt như thầy dạy, nhưng không hiểu sao mỗi lần ngồi thiền xong người ngợm tả ra như bún…

Trường hợp thứ 2 :

Cũng nhân một lần đến thăm gia đình người bạn, đúng vào lúc gia đình anh đang có khách. Đó là một cặp vợ chồng già, người Việt hàng xóm. Sau một hồi trò chuyện tôi được biết người vợ của ông khách già hàng xóm bị chứng đau đầu và mất ngủ kinh niên, điều này có thể nhận ra trên gương mặt tiều tụy của bà. Thấy vậy nên tôi lựa lời hỏi chuyện và có khuyên bà thử tìm hiểu về Thiền, nếu có cơ duyên biết đâu sẽ giúp bà cải thiện căn bệnh mất ngủ? Nghe tôi khuyên vậy, bà mỉm cười bảo: Chẳng giấu gì chú, vợ chồng tôi cũng luyện 5-6 năm nay rồi. Ngày nào làm lễ Phật xong là chúng tôi lại ngồi Thiền tối thiểu 45-60 phút. Mỗi lần luyện xong vợ chồng tôi lại hỏi nhau kết quả để trao đổi kinh nghiệm, nhưng quả thực tới nay, ngoài ông nhà tôi cảm thấy có chút ít tiến bộ, đỡ căng thẳng thần kinh hơn, còn tôi thì tập mãi cũng vẫn vậy, chẳng thấy tiến triển gì cả. Chứng đau đầu, mất ngủ thì vẫn hành hạ không dứt. Cứ đà này chắc tôi chẳng dám ngồi thiền nữa, vì mỗi lần thiền xong là tay chân đau ê ẩm. Đầu óc thì vẫn căng thẳng, mệt nhoài. Nghe vợ phàn nàn, người chồng nói đùa:Tại bà ngồi thiền nhưng đầu lại cứ lo chuyện đi siêu thị để mua gì, rồi bữa nay nấu gì, ăn gì, làm gì... Chứ bà nghe tôi, có lẽ không tới độ như vậy. – Phải, - bà hàng xóm thóang ngúyt chồng – nghe ông để ngồi thiền rồi có bữa gà gật, ngã lăn quay cả ra nhà. Tôi chả dại. Bà hàng xóm khẽ thở dài: Còn ông nữa. Tập tới cả 5-6 năm rồi mà kết quả cũng chẳng hơn tôi là bao. Đã vậy mỗi lần có khóa hướng dẫn tu thiền dù xa cách mấy ông cũng lặn lội tìm đến bằng được. Người ngợm ông khỏe khoắn lại một chút đã đành, đằng này càng tập lại càng thấy tệ hơn lúc chưa tập. Đà này ông phải hỏi kỹ lại các thầy xem chứ tôi cứ theo ông ngày nào cũng ngồi bán già, kiết già cả tiếng đồng hồ mà chả đi tới đâu cả…

Trường hợp thứ 3 :

pic

Nhân một kỳ nghỉ phép, tôi tới thăm người em họ. Anh em lâu ngày gặp nhau nên cậu em hàn huyên đủ chuyện. Cậu em họ tôi còn khoe có quen một cư sĩ và cả hai vợ chồng cậu em đều rất ngưỡng trọng nên đã bái ông làm thầy. Nhân lúc rảnh, cậu em rủ tôi đến thăm người cư sĩ nọ. Sau một hồi lâu trao đổi chuyện đời, chuyện Phật, vị cư sĩ nọ thấy tôi ngồi lắng nghe không sao nhãng anh liền cười bảo: Chú ngồi nghe chuyện Phật Pháp cả mấy tiếng mà không buồn ngủ à? Thấy tôi cười, người cư sĩ nọ rót trà, điềm đạm nói: Thời buổi bây giờ mà chịu ngồi nghe nhau nói vài ba tiếng Phật Pháp là chuyện hiếm lắm. Nhiều người cũng thường lui tới đây rồi nấn ná bảo tôi truyền dạy kinh Phật và cách thức tu hành. Nhưng ngồi nói chuyện được ít phút, tôi đã thấy họ gà gật thì ngáp vặt, thậm chí có người còn làm một giấc ngon lành. Tỉnh dậy, tôi hỏi đùa là có hiểu tôi vừa nói những gì không? Họ cười khì, bảo: Cũng câu được câu mất. Thực ra kinh Phật không phải ai cũng thích nghe, và ai cũng nghe được và lĩnh hội được cả. Tôi đến với cửa Phật cũng là một cơ duyên, rồi qua học hỏi, tìm tòi nay cũng biết được đường nào mình phải đi, đường nào mình nên tránh. Trong nhà cũng có mấy anh em, nhưng thật tiếc là chẳng ai quan tâm tới Phật Pháp cả. Nhiều lúc tôi cũng buồn, nhưng nghĩ lại Phật pháp tùy duyên, mà duyên cũng lại tùy người. Có người rất có lòng hướng Phật như tôi vừa kể, nhưng mỗi lần nghe tôi giảng kinh Phật lại đều ngủ gật.

Như vậy là duyên chưa tới. Nhưng bù lại tôi có mấy cậu em như vợ chồng Nghĩa đây, tuy còn ít tuổi, nhưng lòng hướng Phật và ngộ tính rất cao. Đó là một đại phước cho gia đình. Vị cư sĩ nọ dừng lời, rót thêm trà ra chén mời tôi rồi hỏi: Nghe chú Nghĩa nói chú có thắc mắc hay muốn tìm hiểu gì về chuyện tu Thiền phải không? – Vâng, tôi đáp – nhân buổi này em muốn được thầy chỉ giáo đôi điều. Người cư sĩ nhìn tôi cười: Đừng gọi tôi là thầy, xưng anh em thôi cho thân mật, bởi tôi cũng chỉ là cư sĩ thôi chứ đâu có được tu học gì đâu. – Mấy đứa này – người cư sĩ quay sang cậu em tôi, trách – đã bảo đừng gọi như vậy, nhiều người không hiểu lại ngỡ mình hám danh, tự tu, tự tán. Thực ra chuyện tu Thiền cũng không có gì là khó học, nhưng nó hơi trìu tượng, kết hợp thêm sự huyễn hoặc của người đời, thành thử môn thiền học càng trở nên rối rắm hơn. Thiền, hiểu đơn giản nhất nó là một phương pháp điều tâm, điều tánh. Mình có hỉ-nộ-ái-ố-tham-sân-si hay không đều do tâm mình sanh khởi cả, bởi tâm là vọng niệm như huyễn, nghĩa là nó hư giả. Còn tánh người vốn dĩ thanh tịnh, nhưng vì tâm sinh vọng niệm nên làm cho tự tánh thanh tịnh của mình cũng chạy theo. Vậy nên nhiều người học thiền nhưng lại vừa chấp tâm vừa chấp tịnh nên có ngồi hết ngày này qua năm khác cũng không giải quyết được chuyện gì. Tôi thì không ham ngồi thiền cho lắm, mặc dù nhiều người khuyến dụ môn đệ của mình phải tham thiền. Dĩ nhiên tham thiền là tốt và đáng quí, nhưng phải hiểu rõ ngọn nguồn và phải vận dụng đúng phương cách, bằng không sẽ bị tác dụng ngược, rất nguy hiểm. Với tôi lĩnh hội được một câu kinh và nhất tâm tụng niệm được câu kinh ấy mọi nơi, mọi lúc là đã có thể đưa mình vào trạng thái thiền định rồi…

Qua 3 trường hợp điển hình nêu trên, chúng ta thấy rõ hai trường hợp 1 và 2 đã gặp những lo âu, trở ngại rất lớn trong suốt quá trình hành thiền. Nguyên nhân có lẽ xuất phát từ việc chưa thấu suốt: Thiền là gì? Hay nói khác đi: Thế nào là Tọa Thiền và Thiền Định? Trong Phẩm thứ 5, Tọa Thiền trong Pháp Bảo Đàn Kinh của Lục tổ đại sư Huệ Năng, Ngài đã dạy các đệ tử của mình như sau:

„Phương pháp thiền này vốn không chấp nơi tâm, cũng không chấp nơi tịnh, cũng chẳng phải chẳng động“.

Sao gọi là không chấp nơi tâm? Lục Tổ giải thích: Bởi tâm (tâm mình) vốn là vọng, như huyễn, là hư giả, vì nó hư giả nên nó không thật, nó luôn dấy khởi nghĩ chuyện sai-đúng, hơn-thiệt, yêu-ghét, tà-chính, nên nếu ta chấp cái tâm ấy là tự chấp chính mình.

Sao gọi không chấp nơi tịnh? Lục Tổ giải thích: Bởi tánh người vốn là tịnh. Như tánh nghe, tánh thấy. Tại sao biết nó tịnh? bởi nó không có hình tướng, vì không tướng nên nó thanh tịnh. Và Lục Tổ đã nói: Nó đã tự thanh tịnh rồi vậy còn tìm thanh tịnh làm chi? Tìm tịnh thành ra tìm cái tịnh thứ hai nữa.

Sao gọi chẳng phải chẳng động? Lục Tổ dạy: Này Thiện tri thức, nếu người tu hạnh bất động, chỉ khi thấy tất cả người, không thấy việc phải quấy, tốt xấu của người khác tức là tự tánh bất động.

Giờ ta chỉ cần đối chiếu trường hợp một (người quen của tôi) và trường hợp hai (vợ chồng bà cụ hàng xóm) ta sẽ thấy rõ tại sao họ đã tu thiền lâu năm nhưng vẫn không đạt được cảnh giới của Thiền? Để sáng tỏ chuyện này tôi xin nêu tiếp hai định nghĩa tối quan trọng về Thiền của Lục Tổ Huệ Năng, đó là Tọa Thiền và Thiền Định.

"Này thiện trí thức sao gọi là Tọa Thiền? Trong pháp môn này không chướng không ngại, ngoài đối với tất cả cảnh giới thiện ác, tâm chẳng khởi gọi là Tọa, trong thấy tự tánh chẳng động ấy gọi là Thiền“.

Ở đây tôi xin chia sẻ cùng các bạn đôi chút về hai chữ Tọa Thiền và Thiền Định, bởi thực tế nhiều người hiểu đơn giản: Tọa=ngồi (bán già, kiết già) và Thiền=Tịnh (ngồi yên, không cho cử động, không cho nghe ngóng, không cho biết bất cứ chuyện gì xảy ra xung quanh...). Thực tế không phải vậy, muốn biết tại sao ta cùng đi vào cụ thể vấn đề.

Tọa Thiền như đã nói: Tọa là đối với tất cả cảnh giới thiện ác tâm chẳng khởi. Vậy cảnh giới thiện ác ở đây là gì? Nói cách khác: thế nào được gọi là cảnh giới thiện-ác? Tôi xin nêu một ví dụ: Bà A nhìn thấy đàn gà nhà hàng xóm đang bới vườn rau nhà mình. Thay vì bà A phải kiểm tra hàng rào nhà mình có kín đáo hay không, và kế đó là việc thông báo cho nhà hàng xóm biết để nhà hàng xóm sang đuổi đàn gà về, thì bà A đã nổi giận lôi đình rồi vác gậy, vác đá vừa ném đàn gà, vừa chõ miệng sang nhà hàng xóm để chửi với những lời lẽ cay độc và thô tục nhất. Khi bị chửi, nhà hàng xóm đương nhiên phải ló mặt, nhưng không hề thấy đàn gà của mình đang bới vườn như bà A đang chửi (lúc này đàn gà đã bị bà A xua đuổi tứ tung rồi), vậy là không kìm được giận, nhà hàng xóm kia cũng sắn áo rồi chửi bới tay đôi với bà A và nếu như đôi bên không biết kìm chế có thể sẽ dẫn tới một cuộc xô xát gây thương tích... Điểm cần chốt lại ở đây: Chuyện gà bới – là một chuyện rất nhỏ, nếu biết cách giải quyết bà A chỉ cần rào kín hàng rào nhà mình lại, và nếu nhỡ có xảy ra bà A chỉ cần nhắc nhở hàng xóm của mình một cách thiện tình, chắc chắn tình hàng xóm không bị sứt mẻ lại tránh được sự sô sát không cần thiết. Như vậy thiện-ác là hai cảnh giới tuy xa nhưng gần trong gang tấc, và chúng ta chỉ cần ý thức được sự việc một cách thấu đáo chắc chắn nó trở thành việc thiện, ngược lại cùng sự việc đó đã trở thành việc ác tức thì. Đây cũng gọi là: đối cảnh mà tâm không khởi thiện-ác là vì vậy. Không khởi thiện không phải ta sẽ không làm việc thiện nữa, mà việc thiện ta vẫn cứ làm nhưng làm xong rồi thì đừng nhắc lại nữa. Một việc thiện nhưng nếu được nhắc đi nhắc lại nhiều lần tự nó đã trở thành một việc không thiện. Tại sao? Xin lấy ví dụ từ Bà A. Nếu bà A dùng thiện tình của mình góp ý với hàng xóm, mặt khác tự rào kín hàng rào nhà mình lại, mọi chuyện sẽ êm đẹp. Nhưng bà A không dừng ở đấy, mà đi đâu, ở chỗ nào, gặp ai bà A cũng kể lể rằng vì tôi tử tế, tôi nhân đạo nên đàn gà nhà ấy mới còn cửa mà trở về bằng không tôi đã cho một liều bả, hoặc chí ít ném cho què cẳng; hay: nhờ tôi lành hiền, nhân đức nên mới không chửi cho nhà đó một trận, chứ vào tay người khác thì…v.v. Như thế lẽ ra bà A đã làm được một việc thiện, nhưng vì lòng cao ngạo (chấp nhất việc làm của chính mình) bà đã biến việc thiện của mình thành một việc không thiện. Như vậy câu: đối với cảnh giới thiện-ác tâm không khởi có hàm ý như vậy, và đó mới chính là Tọa, chứ không phải ngồi bán già, kiết già rồi hai mắt lim dim, hay nhắm nghiền lại là Tọa.

Vậy tự tánh là gì? Làm thế nào để thấy được tự tánh, để biết nó động hay không động? Tự tánh chính là bản thể chơn như của mỗi chúng ta và nó ở thể thanh tịnh. Vì nó tịnh nên chúng ta không thể cảm, nhìn, không thể sờ mó được và quan trọng hơn nữa nó không có sắc tướng (vô tướng). Đây là điều rất dễ dẫn tới lầm lẫn khi chúng ta mới hành thiền. Trường hợp 1 (người quen của tôi) sở dĩ anh bị thiền hành là do anh phạm ba sai lầm một lúc. Đó là anh vừa chấp tâm, vừa chấp tịnh và chấp động. Đơn cử khi anh ngồi hành thiền, anh nghe thấy tiếng vợ anh sào nấu ngòai bếp lập tức tâm anh đã khởi vọng niệm, hoặc là anh nổi giận vì mùi đồ ăn sộc vào mũi mình khiến anh không thể tiếp tục điều khí; hoặc anh để tâm dấy khởi và chạy theo mùi đồ ăn đó bằng cách hình dung món ăn đó ngon-không ngon, mặn-nhạt, chua-cay, nónglạnh… đương nhiên khi tâm đã dấy khởi tất tự tánh đã không còn thanh tịnh, và lúc này anh sẽ ở hai trạng thái: hoặc nổi giận, nhưng tiếp tục ngồi điều khí, nhưng với áp lực nhanh hơn (để cố quên mùi đồ ăn), hoặc anh lãng quên việc điều khí và để tâm chạy theo hương thơm của đồ ăn ngòai bếp… đương nhiên khi tâm sinh vọng niệm sẽ kéo theo tự tánh sẽ bất tịnh và cuối cùng là anh sẽ chạy theo lọan động đó. Ngược lại, anh chỉ cần ý thức được rằng: mùi đồ ăn chính là vọng niệm, hư giả (vì có thể cảm được) mà đã hư giả tất nó chỉ nhất thời, vậy thì ta hãy đón nhận cái hư giả ấy vào tự tánh của mình rồi để nó tự lắng xuống, chứ không khuấy đảo nó lên (tâm sinh khởi) hoặc tìm mọi cách đè nén nén nó xuống (thở thật nhanh để cố quên cái mùi đồ ăn). Ở đây chỉ cần suy diễn logic một chút ta có thể thấy: chấp Tâm-chấp Tánh-chấp Động tuy là 3 nhưng lại chỉ là một. Lý do: nếu Tâm không khởi (sinh vọng niệm mà vọng=chấp) tất tự Tánh sẽ không động. Không động ở đây được hiểu là: Vẫn có động hiện hữu xảy ra xung quanh, nhưng đừng có để Tâm chạy theo những loạn động ấy. Ở đây ta phải chú ý một chút: Thầy khuyên ta đừng chấp tâm, đừng chấp tịnh, nhưng chẳng phải chẳng động. Chẳng phải chẳng động ở đây không phải là vừa ngồi thiền vừa lắc lư, rung đùi hay nghe nhạc... mà chẳng động được hiểu: mọi loạn động xung quanh là hiện hữu nhưng đừng chấp những loạn động đó, rồi chạy theo và bị những loạn động đó hành hạ. Nói thì giản đơn là vậy nhưng không phải ai cũng làm được rốt ráo (thậm chí có người còn lăn xả nhưng lọan động ấy để vẫy vùng cho thỏa thích)

"Này Thiện tri thức sao gọi là Thiền định? Ngoài lìa tướng là Thiền, trong chẳng loạn là Định".

pic

Vậy thế nào gọi là lìa tướng? Như phần Tọa Thiền tôi đã chia sẻ, lìa tướng là đừng có chấp nhất lớn-nhỏ, cao-thấp, hay-dở, đẹp-xấu, dài-ngắn, thơm-thối, ngọt-bùi, chua-cay, mặn-nhạt, sang-hèn, trí thức-nông dân, nông thôn-thành thị, miền xuôi, miền ngược, trên chùa-tại gia, Nam-Bắc… bởi nếu chúng bị những sắc tướng này lôi cuốn, tất tâm sẽ nảy sinh tham-sân-hận, từ đó nảy sinh vọng niệm rồi chấp tướng. Ví thử ta đang đi ngoài đường, vô tình nhìn thấy một người cao lênh khênh, hay một người dị thường đi ngược lại, nếu biết quán chiếu tâm-tánh, ta chỉ cần nhận biết: ồ, người đó cao thật, hay dị thường thật, rồi ta bỏ qua, tiếp tục đi lo công việc của mình, tất sẽ không sinh vọng niệm. Ngược lại, ta dừng bước, rồi đứng ngắm nghía hai người nói trên đang bước qua trước mặt mình với vẻ vui thú, kế đó về nhà lại đem chuyện của họ kể cho người này, người kia nghe, rồi phụ họa thêm dăm ba tình tiết cho câu chuyện của mình thêm li kỳ… như vậy chính ta đã để cho tâm mình nảy sinh vọng niệm=chấp tướng của người khác rồi sinh lời thị phi… Một ví dụ khác: một người bạn của tôi về phép Việtnam, người nhà dẫn chị ra chợ vừa dạo chơi, vừa mua đồ ăn. Thấy chị cùng người nhà tươi tắn bước vào cổng chợ, một đám trẻ ăn xin đã ùa ra xin tiền. Chị bạn tôi không nề hà, bèn rút ví cho mỗi đứa trẻ 10000đ. Thấy vậy người nhà bèn huých vào tay chị rồi mắng gắt: Dở hơi à? Thừa tiền thì đưa cho tụi tao tiêu, thóc đâu đi đãi gà rừng? Chị bạn tôi bảo: Nhìn tụi nó tội nghiệp quá, cho tụi nó mấy ngàn mua bánh mì, đáng là gì. Người nhà chị bạn vẫn cấm cảu nói mát: Phải rồi, cô ở tư bản về nên hào phóng. Có giỏi ngày nào cô cũng ra đây mà làm từ thiện. Chỉ sợ tụi nó kéo đàn kéo lũ đến, cô chạy mất dép thôi. Ăn xin cũng có dăm bảy loại, lớ ngớ làm phước rồi phải tội… Câu chuyện cũng chẳng có gì đáng nói, nhưng dọc đường chị bạn tôi đã bị người nhà chì chiết, rồi về tới nhà chị cũng bị lôi ra để “kiểm thảo” khiến chị cảm thấy vừa bực, vừa phiền lòng, rồi nghi ngờ lòng tốt của chính mình và đã tự dằn vặt bản thân trong suốt mấy tuần bên gia đình, thậm chí cho tới những ngày sau này, khi đã trả phép… Những tình tiết câu chuyện sẽ trở nên đơn giản nếu như phía người nhà của chị bạn có những lời lẽ khuyên bảo chừng mực, chắc chắn chị bạn tôi đã không cảm thấy bị thương tổn bởi hành động nghĩa đạo của mình. Nhưng điều đáng nói ở đây là chị cũng đã chấp nhất những lời chê bai, khích bác của người nhà, từ đó đã dẫn tới phiền muộn trong cả kỳ nghỉ phép. Trong cuộc sống của chúng ta những sự việc tương tự luôn hiện hữu và xảy ra mọi nơi, mọi chốn, nhưng nếu chúng ta đừng chấp nhất, và biết xem nhẹ mọi chuyện, tất tâm của chúng ta sẽ không bị lôi cuốn vào những loạn động của đời thường. Được như vậy đương nhiên bản tánh thanh tịnh của chúng ta cũng sẽ không bị loạn. Loạn là khi ta vừa đối cảnh đã vội vã chạy theo cảnh rồi bị cảnh cuốn đi mất, nhưng nếu đối cảnh mà không suy diễn, không vọng tưởng (không chấp nhất) thì chắc chắn tâm sẽ chẳng loạn. Hẳn chúng ta đã một lần nghe qua câu chuyện hai nhà tu hành đang cãi vã nhau về chuyện lá cờ đang bay trong gió. Một người thì lớn tiếng nói: Lá cờ động trong gió, người kia cũng lớn tiếng nói: Gió thổi động lá cờ. Cứ vậy hai nhà tu cãi qua cãi lại và ai cũng cho mình có lý. Thực tế cả hai đều không sai. Bởi nhờ có gió nên lá cờ mới động, và nhờ lá cờ động mới hay có gió. Thế nhưng cuộc cãi vã sẽ không phân thắng bại nếu như không có một hành giả đi qua, thấy vậy bèn dừng lại nói: Cờ không động, gió không động mà tâm các ông động. Các bạn nghĩ sao? Nhưng thực tế hành giả nọ đã hòan tòan có lý: tánh người vốn thanh tịnh, nhưng vì tham-sân-hận vì thất tình, lục dục che mờ nên mọi người đã quên mất cái thanh tịnh của chính mình, vì vậy cứ mê mải tự mình khuấy đảo thân tâm khiến cho mọi sự trở nên náo lọan không ngừng. Trong Kinh Kim Cang đức Phật cũng đã giải thích rất cụ thể:

“Phàm sở hữu tướng giai thị hư vọng, nhược kiến chư tướng phi tướng tức kiến như lai”

Nghĩa là: Phàm những gì có tướng đều là hư vọng. Nếu thấy các tướng chẳng phải tướng tức thấy Như

Lai.

Như lai không phải là Phật A Di Đà, cũng chẳng phải Phật Thích Ca hay một vị Phật nào khác, mà ngụ ý chỉ ra rằng: khi chúng ta giác ngộ được các tướng là hư giả, không thật, tất sẽ không chấp tướng rồi sanh khởi cao-thấp, hơn-kém, xấu-đẹp, thị phi… được vậy tâm chúng ta sẽ thanh tịnh và Phật tánh trong tâm mình sẽ hiện tiền.

Phật ở trong lòng hàm nghĩa cũng là vậy.

Lời Kết

Thực ra Tọa Thiền và Thiền Định tuy nói hai nhưng ý nghĩa cơ bản cũng chỉ là một. Bởi tất cả các cảnh giới thiện-ác đều là sắc tướng, là hư giả, khi ta biết nó là hư giả rồi thì đừng chấp nhất, để tâm mình chạy theo những hư giả đó rồi sanh khởi vọng niệm thiện-ác. Làm được như vậy (trong mỗi niệm, hằng phút hằng giây) là ta đã thấy được tự tánh thanh tịnh của chính mình và đó cũng chính là tự tu, tự hành, tự thành Phật đạo. Như vậy xem ra học Thiền cũng vừa dễ vừa khó. Dễ khi ta thực tâm giác ngộ và tinh tấn thực hiện, và khó khi ta tìm đến thiền như một sự giải thoát, như một liều thuốc an thần mỗi khi ta cảm thấy thất vọng trước cuộc sống sô bồ vật chất và nội tâm... Tới đây hẳn sẽ có người hỏi: Làm thế nào để tịnh tâm khi hành thiền? Câu trả lời cũng chính là câu hỏi: Tại sao phải hành thiền? Khi chúng ta giác ngộ được ý nghĩa và tầm quan trọng của Thiền trong cuộc sống (đời và đạo) ta sẽ không còn điều gì khúc mắc trong lòng và có thể tự tin để bước vào cuộc sống thiền định. Tọa Thiền hay Thiền Định không nhất thiết cứ phải ngồi xuống, hay ngồi bán già, kiết già mới là Thiền (đi-đứng-nằm-ngồi chỉ là hình thức, và cho dù có ngồi kiết già trước mặt Phật tổ, hay tại chùa, thiền viện… nhưng tâm vẫn mải mê theo đuổi những cảnh giới thiện ác, lòng vẫn đầy thị phi, chấp nhất… thì dẫu có tọa cả năm vẫn bằng thừa), mà khi chúng ta đã thấm nhuần được ý nghĩa của nó, chúng ta có thể áp dụng Thiền ở mọi nơi, mọi chốn, và trong mọi hoàn cảnh. Nói vậy hình như hơi hoang tưởng? bởi giữa chốn phố phường, thị thành đầy ồn ào, nhức nhối, bon chen, thị phi và sô bồ vật chất ấy thì làm sao có thể Thiền Định nổi? Cũng chính vì lý do này mà trong các khóa hành thiền các thầy thường khuyên các đệ tử nên ngồi xuống (bán già, kiết già) là nhằm giúp các đệ tử tạm thời dứt bỏ bớt những loạn động điên đảo, vọng tưởng trong tâm, rồi từ từ giúp cho tâm lắng xuống để thấy lại tự tánh của chính mình. Đó cũng chính là Thiền Tự Tánh.

Quí vị kính mến, hôm nay tôi đã dùng đôi chút kiến thức sơ mọn của mình để giải trình một vấn đề hết sức lớn lao, có liên quan tới hành trình dẫn tới Phật môn và môn thiền học nói chung. Với lòng mong mỏi gửi tới các bạn một thông điệp: nhân bất thập tòan và cũng muốn phá tan những băn khoăn của không ít người khi nghĩ rằng: cứ phải ngồi xuống, phải lên chùa hay vào những nơi cùng cốc, hẻo lánh, xa cách hẳn thế giới giới lòai người mới có thể tu thiền. Thực tế đã chỉ ra rằng: người nào càng cố tìm cho mình một nơi thật thanh tịnh để ẩn náu, là người đó đang tự lừa dối, huyễn hoặc, chối bỏ sự tồn tại hiện hữu của chính mình giữa đồng loại, chi bằng ta dũng cảm đối diện với thực tế hiện tồn đó.

Trong Pháp Bảo Đàn Kinh lục Tổ Huệ Năng dạy:

Tà đến thì chánh độ, mê đến thì ngộ độ, ngu đến thì trí độ, ác đến thì thiện độ, độ như thế gọi là chân độ.

Chúc quí vị có thể giác ngộ để có thể tự độ chính mình.

Việt Hà

up

AcDieu
Google Search:       
RFI
Nguoi_Viet
RFA
Quan_Su_VNCH
Quân Sử VNCH
Voa_tieng_Viet
msn
BBc_Tieng_Viet
Dan_lam_bao
Radio_VNHN

TIME