AcDieu225
Co Vang amazon Tammy

Free Hit Counters
Web Site Hit Counters

cam-on-anh_TPB (2).jpg

 

Người Lính Trong Truyện Trần Hoài Thư

Tác giả: Nguyễn Vy Khanh

NGUOI LINH TRONG TRUYEN TRAN HOAI THU 1

Văn học Việt Nam từ nửa thế kỷ nay có thể nói là một văn học chủ yếu chiến tranh: chiến tranh chống thực dân 1945-54, chống cộng trong Nam và chống "Mỹ ngụy" ngoài Bắc 1954-1975, chống chủ nghĩa ngoại nhập, chống độc tài tranh đấu cho dân chủ, tự do từ ngày 30-4-1975, ở trong cũng như ngoài nước. Trong cuộc chiến 1954-1975, "văn học" chống "Mỹ ngụy" điều động bởi Hà-Nội từ các nhà văn bộ đội và các xưởng viết văn từ Bắc vào đến Trường Sơn, Cục "R", đã sản xuất nhiều hình ảnh lính bộ đội hoặc "giải phóng" hăng say với lý tưởng "đuổi Mỹ" và cứu người miền Nam đang bị "ngụy" và thực dân mới ... bóc lột, cơ cực (!). Những người lính có khi được gọi là "thanh niên xung phong" này đầu óc được thông tin Nhà Nước bơm đầy hận thù, chấp nhận sinh Bắc tử Nam, bắn giết, phá "địch", không tâm hồn tư riêng, quên gia đình và bản thân, vv. Vì nhu cầu tuyên truyền chính trị, người lính bộ đội và giải phóng thường được mô tả theo cùng một khuôn rập. Trong Văn Học Việt Nam Chống Mỹ Cứu Nước, Viện văn học của Hà nội đã ... tự hào tổng kết:

NGUOI LINH TRONG TRUYEN TRAN HOAI THU 1

"Văn học của chúng ta trong những năm chống Mỹ đã làm đúng những lời căn dặn đó của Đảng. (...) Chống Mỹ, cứu nước và xây dựng chủ nghĩa xã hội là hai mảng đề tài lớn nhất trong những năm này, mặc dù đề tài trên đã chiếm vị trí hàng đầu. (...) Chủ nghĩa anh hùng cách mạng đã trở thành một nội dung tư tưởng chủ yếu của văn học trong những năm chống Mỹ, và những anh hùng, chiến sĩ trên các lãnh vực đã trở thành những nhân vật chính mà các tác phẩm văn học đã miêu tả. (...) Trường đào tạo các nhà văn trẻ vẫn tiếp tục mở hết khóa này đến khóa khác. ..." (1)

Bên này vĩ tuyến 17, báo chí, xuất bản phẩm tràn ngập những hình ảnh chiến sĩ cộng hòa gan dạ, yêu nước, bảo quốc an dân. Họ là bảo hiểm cho người hậu phương, là an ninh nơi thôn làng, là giải cứu cho những vùng địch tạm chiếm. Người lính cộng hòa được các nhà văn thơ Nguyễn Đạt Thịnh, Nguyễn Mạnh Côn, Nhất Tuấn, Hà Huyền Chi, Tô Kiều Ngân, Hồ Minh Dũng, Văn Quang, vv tâm lý chiến hóa cũng như lãng mạn và thi vị hóa. Những anh hùng ca được nuôi dưỡng suốt cuộc chiến.

Nhưng cuộc chiến càng kéo dài, người lính càng trở nên cô đơn, bi quan và đăm chiêu dưới các ngòi bút của Thế Uyên, Dương Nghiễm Mậu, Thảo Trường, Ngô Thế Vinh, Phan Nhật Nam, Nguyên Vũ,... hoặc trằn trọc không lối thoát đến độ phải đối kháng hoặc phản chiến như Ngụy Ngữ, Trần Hữu Lục.

Đó là vì miền Nam Cộng hòa chế độ tự do dân chủ, do đó bên cạnh những hình ảnh chính thức, đã có những người lính bạt mạng như Nguyễn Bắc Sơn:

"... Kẻ thù ta ơi, những đứa xâm mình

Ăn muối đá và điên say chiến đấu

Ta vốn hiền khô, ta là lính cậu

Đi hành quân, rượu đế vẫn mang theo

Mang trong đầu những ý nghĩ trong veo

Xem chiến cuộc như tội trời ách nước

Ta bắn trúng ngươi, vì ngươi bạc phước

Chiến tranh này cũng chỉ một trò chơi

Vì căn phần ngươi xui khiến đó thôi

Suy nghĩ làm gì lao tâm khổ trí

Lũ chúng ta sống một đời vô vị

Nên chọn rừng sâu núi cả đánh nhau..."

(Chiến tranh Việt Nam Và Tôi)

Chiến tranh chấm dứt vào cuối tháng tư 1975 nhưng văn học chiến tranh vẫn tiếp diễn ở hai mặt trận trong và ngoài nước. Trong nước, vì nhu cầu chiến thắng và thống nhất, một nền "văn chương cách mạng" hậu giải phóng được chính thức phát động. Nào là biên khảo, nhận định, hồi ký, truyện ngắn dài, truyện trinh thám, vv cập nhật vai trò những người lính "cách mạng, giải phóng" và bôi đen những người lính phe đối nghịch bị lãnh đạo và đồng minh lừa dối bỏ rơi và nay đang tàn tạ trong các trại học tập. Người "chiến thắng" đặt nặng việc phá hủy văn hóa Việt Nam Cộng Hòa. ghi cả trong nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ IV (1976) nhiệm vụ phải "quét sạch ảnh hưởng của tư tưởng và văn hóa thực dân mới" ở miền Nam (2).

Ở hải ngoại, một nền văn học lưu vong được hình thành. Đây sẽ là một văn học Miền Nam nối dài với những đặc điểm của hoàn cảnh mới của dân tộc. Chiến tranh 1954-75 tàn cuộc vì cờ gian bạc lận. Miền Nam bị các thế lực ngoại bang cấu kết bức tử, bị lương tâm nhân loại mù quáng vì tuyên truyền, bỏ rơi. Người lính cộng hòa bị bức tử nhưng chưa chết, được người bỏ xứ phục hồi dưới nhiều hình thức. Một dòng văn chương hoài niệm được bắt đầu và kéo dài tới cả hôm nay, dài về thời gian hơn cả những hoài niệm của cuộc di cư 1954. Các truyện thơ về người lính, của người lính, lần lượt xuất hiện ngay từ những năm đầu lưu vong và đều đặn hơn từ những đợt vượt biển, đoàn tụ gia đình (ODP) và gần nhất là HO cựu tù cải tạo. Nhưng phải đợi đến đầu thập niên 1980, các nhà văn thơ từng khoác quân phục Cộng hòa góp mặt càng đông đảo và đáng kể như Cao Xuân Huy (Tháng Ba Gãy Súng), Nguyễn Ý Thuần, Luân Hoán, Thái Tú Hạp, Khánh Trường, Nguyên Vũ, Hoàng Khởi Phong (Ngày N+), Phạm Huấn, Hà Huyền Chi, Nguyễn Tấn Hưng, vv.

Hình thức thứ hai là các hồi ký lao tù từ những năm đầu thập niên 1980 : Đại Học Máu của Hà Thúc Sinh, Đáy Địa Ngục của Tạ Tỵ, Cùm Đỏ của Phạm Quốc Bảo, vv. Người lính thua trận. Những đấu trí vô vọng, những đầu óc một chiều ngoan cố dù đã thắng trận cờ. Những cảnh đời khốn cùng, những con người hèn hạ ! Phần lớn các hồi ký cải tạo nói chung không đi xa hơn những ký sự, chuyện đời.

Bên cạnh những hoạt động văn chương, còn có những bài báo, các truyện kể, những đính chính tranh luận về những trận đánh và một số biến cố lịch sử, càng xa cuộc chiến càng mãnh liệt, trên các báo chí hội đoàn và thương mãi. Nói chung, người ta nói và viết nhiều đến những sĩ quan cao cấp, về những cử chỉ anh hùng hoặc thối nát, tầm thường của họ mà ít nhắc nhở đến những người lính thấp nhỏ hơn; họ có chết hoặc bỏ chạy cũng ít ai nói tới.

Hình ảnh người lính đã theo chừng ấy giai đoạn trôi nổi với cuộc chiến, lúc nào cũng hào hùng vĩ đại, nhưng cũng có những người lính rất tầm thường, đáng thương vì là nạn nhân của những thư hùng bạo lực, của những mưu đồ tranh chấp. Những người lính tầm thường hơn nhưng tâm tư phức tạp: có người vì lý tưởng, nhưng một cách thực tế họ đã chiến đấu vì tình đồng đội, vì nghĩa "thầy trò", vì màu cờ sắc áo của binh chủng.

2.

Những người lính của Trần Hoài Thư đặc biệt có tất cả các đặc tính vừa kể. Anh đã viết về những người lính có thật, những cái sống thực thường nhật, những cái anh đã sống; đã lăn lộn với bom đạn, anh đã sống cái tang thương của bom đạn, và anh đã đưa kinh nghiệm đó vào văn chương. Trong bài này chúng tôi giới hạn ở các truyện ngắn (anh còn là một nhà thơ) anh đã viết ở hải ngoại từ 1980 tức từ khi anh vượt biển đến Hoa Kỳ, đã được xuất bản trong tập Ra Biển Gọi Thầm (3) hoặc đã xuất hiện trên các tạp chí văn học và cộng đồng ở Bắc Mỹ. Tác phẩm của anh xuất hiện đều đặn trên nhiều báo chí ở khắp Bác Mỹ kể cả mạng lưới thông tin internet.

Ra Biển Gọi Thầm gồm 20 truyện ngắn, ngoại trừ bốn truyện đã đăng báo trước 1975 và được viết lại, phần lớn được viết vào những năm gần đây, có bốn truyện duy nhất có ghi chú ngày viết thì đều là 1995. Các tác phẩm Trần Hoài Thư viết về người lính nhìn chung, như một tiếng nói của lương tâm, một nhức nhối của tiềm thức, một hoài niệm về một quá khứ gần đó mà đã xa, về chính tuổi trẻ bị đánh mất, về những bạn bè, những mối tình đổ vỡ, đau khổ và những cảnh đời trái ngang.

Điểm trội bật trong các truyện là cái nhìn của anh như một người lính về cuộc chiến, một cái nhìn không lạc quan về một chiến trường bi thảm, ngoài lề tiếng nói của chính quyền, ...

Trước 1975, anh đã nghĩ:

" Tôi đang viết về một thảm kịch, cho con cháu chúng ta trong tương lai, để sau này khi lớn lên chúng sẽ hiểu về cuộc chiến này. Đêm qua, cả làng bên sông, nơi mà bọn tôi đã đến và gìn giữ, sau đó bàn giao lại cho nghĩa quân và xây dựng nông thôn, đã bị pháo dập. Địch kéo về cả đại đội chọc thẳng vào làng. Từ lâu những người bên kia đã coi cái làng như một cái gai cần phải nhổ bằng bất cứ giá nào. Những người ngồi ở Sài Gòn hay Hoa thịnh Đốn thì muốn coi ngôi làng như một thành công trong chính sách bình định phát triển. Nhưng đó chỉ là lý thuyết. Họ đã ngu xuẩn để hiểu về kế hoạch bảo vệ dân làng về lâu về dài. Một trung đội nghĩa quân làm sao đủ sức che chở cả ngôi làng. (...) Tôi đã đến cùng với bãi hoang tàn để hiểu rõ hơn về sự thật của cuộc chiến. Cuối cùng cũng vẫn là dân vô tội. Rõ ràng chúng ta đã bị thua. Chúng ta đã đến với họ, mang lại niềm tin cho họ, nhưng chúng ta không thể bảo vệ họ... " ( Nhật Ký Hành Quân, tr. 129).

Cuộc chiến đã khiến con người đánh mất phẩm giá, trở thành biện minh dẽ dãi cho mọi hành động : "Chiến tranh, tôi phải cảm ơn nó, để tôi có thể dẹp bỏ hết những sự ghê tởm , khinh bỉ cái quá khứ rục mửa của tôi. Chiến tranh đã giúp cho tôi thấy rõ rằng mọi sự là vô nghĩa, là hư vô. Đừng bận tâm và thắc mắc. Đừng tự ái và ghê tởm. (...) Xã hội này thối nát này phải cảm ơn chiến tranh..." (Cuộc Sống Tôi, Những Vì Sao Vĩnh Biệt, tr. 105).

20 năm sau, trong Thư Về Người Đồng Đội Cũ Sau 25 Năm Thất Lạc, Trần Hoài Thư có dịp nhìn lại cuộc chiến:

"Tôi viết đến đây, bằng tất cả sự bình an của chính mình , sau hơn hai mươi năm, về một cuộc chiến kỳ lạ, vô ích, phi nghĩa phi nhân. Lúc này, chúng ta có quyền thẩm định về giá trị của chiến tranh và lịch sử. Nhưng tôi không thể bình an khi cái cuồng điên kia đã trở thành thú tính. Họ rõ ràng hơn chúng ta. Bởi vì họ có cả một khối thép thành trì bên ngoài và khối thép căm thù bên trong đầu óc, và con tim họ. Còn chúng ta thì cô đơn. (...) Chúng ta đã chiến đấu trong nỗi cô đơn và quả cảm. Và chết cũng quả cảm và cô đơn. Như bao nhiêu đứa con của một đại đội bộ binh. Như bao nhiêu người trẻ tuổi không may sinh vào một nơi đầy bao nhiêu tai ương lớn lao nhất của quả địa cầu" (tr 74).

Người lính Trần Hoài Thư đáng tội, chỉ vì anh có suy nghĩ, biết nhìn thấy những bất nhân và bất công, những tâm địa và tư cách của những kẻ cùng chiến tuyến:

"Tôi đã vùng vẫy. Tôi đã thét gào. Tôi mang kính cận dày, cột dây thung sau gáy để nhảy trực thăng, nhảy diều hâu trong khi con cái những kẻ quyền lực trốn lính hay ở hậu cứ. Xin các ngài đừng lên mặt dạy đời trong khi các ngài chưa biết thế nào là máu thấm vào áo trận. Cũng xin các người bên kia đừng chửi tôi là lính đánh thuê, đánh giặc mướn trong khi tôi mời các người từng điếu Pall Mall. Tôi là tôi. Tôi làm chủ lấy tôi. Tôi quyết định lấy đời tôi" (Nha Trang, tr. 174-175).

Phẫn nộ, cô đơn, sau một trận đánh hình như tất cả đội ngũ đều chết, người lính đó quyết định bỏ ngũ. Anh lý luận : "Kẻ đào ngũ trái lại phải là một tay lính chiến đấu cô độc nhất, bởi vì nó chẳng có đội ngũ. Cứ xem tôi là kẻ hèn, nhưng có biết bao kẻ hèn hơn tôi. Mượn áo lính để tiến thân. Chưa bao giờ ra mặt trận một ngày mà hùng hổ la gào. Nghe tiếng súng nổ thì són đái. Thách có tay nào mang kính 8 độ đi thám báo...." (Thư Về Người Đồng Đội..., tr. 77). Trong Kẻ Đào Ngũ (4), Trần Hoài Thư đã tả hoàn cảnh và tâm trạng của người bỏ ngũ. Sống sót sau một trận giao chiến địch tràn ngập, anh thiếu úy trung đội trưởng thám kích bộ binh bị thương nặng ở vai và ngực, xuất viện ra, chán chường phẫn uất, đã lựa chọn sống nhờ sống chui không ra trình diện lại đơn vị. Áp lực người cha, người con không muốn mang tiếng bất hiếu năm tháng sau phải ra trình diện, bị giáng cấp và ra đơn vị tuyến đầu khác.

Một cuộc chiến huynh đệ tương tàn, trớ trêu, khó hiểu. Hai người yêu nhau cùng lớn lên ở cùng một địa phương mà rồi mỗi người phải một chiến tuyến, người yêu theo cộng sản như Hồng cô gái quán cà phê mê thơ văn chàng trong Vết Thương Không Rời, như Quỳnh người nữ quyết tử viên sau trở thành cô giáo quận lỵ Tuy Phước trong Tháng Bảy Mưa Ngâu, vv. Hoặc như hai cha con theo cường điệu của cuộc chiến, ngày kia phải đối đầu nhau trên cùng bãi chiến, trong Người Anh Hàng Xóm. Một chiến tranh tàn bạo, bắn lầm là chuyện thường tình giữa hai lằn đạn, nhưng tại sao nạn nhân lại là một đứa trẻ 12 tuổi (tr. 128), vv. Người lính có suy nghĩ, có con tim nhiều khi đã phải thả thanh niên trốn quân dịch đang trốn về nhà làm ruộng, nhưng biết đâu lại là VC nằm vùng, sẽ đi đắp đê, gài mìn, ...!

Vết Thương Không Rời kể chuyện trung đội thám kích xuống đồi đột kích một đêm mưa gió như đến "từ bốn cõi âm binh", mà lại là vùng quê ngoại của thiếu úy Tân. Toán quân anh đi giải cứu quê cũ của anh nhưng địch không lẽ lại là cả ngôi làng. Khi mục tiêu đã đạt, địch đã bị giết thì hóa ra là những cán bộ gái thường ngày ở quận lỵ vẫn liếc mắt đưa tình với mọi sĩ quan. Càng đi sâu vào cuộc chiến, người lính đó biết lịch sử có những bước đi khắc nghiệt, có những khoảng cách của định mệnh xa mà gần, gần rồi xa như nhịp cầu Ô Thước mà anh đã phải chấp nhận. Tháng Bảy Mưa Ngâu đưa hai người yêu nhau đến gần nhưng rồi mãi mãi xa, vì giây oan nghiệt ý thức hệ đối nghịch và nay người quê nhà người lưu xứ xa xôi !

Người lính Trần Hoài Thư không lý thuyết cao siêu, không siêu tưởng. Trong cái tương đối của đời lính, anh chỉ đi tìm hạnh phúc cho cuộc đời, đi tìm và khi tưởng có được, anh dựng xây một tình yêu, muốn dừng lại, "sẽ không còn phóng đãng, bụi đời" . Sau những ngày chạm trán với kẻ thù, với tử thần, bị dồn nén, dĩ nhiên người lính có những phóng đãng, hoang đàng. Trong Sỏi Đá Ngậm Ngùi sáng tác mới nhất (24-9-96) (5), ứng chiến ở một vùng đồi Bình Định nơi đó có tháp Chàm, nơi đó chàng "tơi tả trong những khu rừng khổ sai", người sĩ quan độc thân đưa người người yêu đi thăm căn cứ. Sau đó mỗi lần đi phục kích, chàng "không quên giả vờ vào nhà em, xin gáo nước lạnh" bên kia sông Tuy Phước. Mẹ cô gái đã từ gọi "thiếu úy" đến "cậu" rồi "cháu", ba chàng đánh điện tín hứa sẽ vào đi hỏi, tưởng hạnh phúc sắp đến gần, nhưng định mệnh cả dân tộc ập đến với sự sụp đổ tức tưởi của miền Nam Cộng Hòa, nói chi đến chuyện cá nhân. Hãy nghe tiếng buồn của người lính cộng hòa :

"Em, người sắp làm vợ của anh cũng mất. Anh bị bắt làm tù binh, để sau đó bị giải từ trại tù này qua trại tù khác, để không có thì giờ mà nhớ lại một người thân yêu cũ, đến buổi cuối cùng, thấy bóng em nhỏ nhoi côi cút ở bên kia sông. Tạm biệt hay là vĩnh biệt. Không bao giờ anh dám nghĩ đến dưới đôi giày trận, những hạt cát vô tình lọt vào trong giày, mà đau nhức suốt đời. Sỏi cát ngậm ngùi. Tiếng hát cất lên từ một người cô phụ hay tiếng u uất thống thiết từ những người yêu nhau muốn gần nhau mà phải vĩnh biệt chia xa."

Một cuộc chiến buồn thảm, đó có thể là lý do tại sao các chuyện tình của người lính Trần Hoài Thư không bao giờ có đoạn cuối vui và ... bình thường. Không chết giữa hai lằn đạn thì cũng chết vì hải tặc, lấy chồng Mỹ, bặt tin, vv. Trước những giây phút đẹp của những cặp tình nhân dù họ là kẻ thù, người lính phải trực diện với kẻ thù đó vẫn hơn một lần chứng tỏ còn có tình người, có tâm hồn. Trong Viễn Thám, trung đội thám kích đang săn tin về một đơn vị Bắc quân mới xâm nhập vùng Trường sơn, đã không ngờ gặp một cặp bộ đội đang hát bên bờ suối. Quân thù đó nhưng người lính đã không bắn. "Tôi không thể chơi cái trò dã man như vậy. Tôi muốn người thanh niên kia, ít ra, có một giờ phút vĩnh cửu (...) Tiếng hát như nói lên những điều câm nín từ những con tim của tuổi trẻ Việt Nam.... Tiếng hát như dậy khỏi mồ, bạt cả gió, khiến rừng như thể im phăng phắc lá như thể thôi lay động trên cành. Và ít ra, tôi vẫn còn hiểu rằng, mỗi người đều có trái tim. Và trái tim thì lúc nào cũng sống vĩnh cửu" (6).

Trong các truyện của Trần Hoài Thư, người đọc thường gặp lại một số hình ảnh, địa danh và nhân vật quen thuộc vì thường là chuyện đời lính của chính tác giả. Những Quy Nhơn, Huế, Tuy Phước, Đà Nẵng và Cần Thơ (ít hơn). Những đồng đội Nha, Minh, Năm Râu, những người lính Thượng Lương Văn Tướng, Y Đao, Nay Lat, vv. Còn nhân vật xưng tôi thường là Ba Cận Thị hoặc thiếu úy Tân. Những người đồng đội "huynh đệ chi binh" như anh tà lọt: "Ông thầy, ở đây có lá giang, ông thầy nghỉ để em nấu canh lá giang với thịt hộp cho ông thầy ăn" (6). Ngoài những người đồng đội, Trần Hoài Thư còn viết về những cấp chỉ huy. Dĩ nhiên anh có nhắc đến những "Mặt Trời" thường chỉ tới thị sát khi mặt trận đã xong, gắn huy chương, vỗ về, cả những nhắn nhủ, đòi hỏi trước mỗi chiến dịch, công tác. Anh cũng viết về những nhũng lạm của các cấp chỉ huy, những hại việc nước và chính nghĩa chung ! Nhưng đặc biệt khi viết về hai tướng Lê Văn Hưng, Nguyễn Khoa Nam (Khi về Nữu Ước) và "đại bàng" Hạnh (Nha Trang), ngòi bút của anh trở nên thiết tha, cảm động, đầy tình người ! Hãy nghe những lời của tướng Hưng - trong truyện là hồn ma quanh quất ở công viên Nữu Ước:

"Ta rất thương đứa con gái đầu lòng của ta. Vì ta mà nó khổ. Bây giờ nó cận thị nặng hơn cả chú em nữa. Nhà nó bây giờ chỉ có mỗi bề 4 mét, mưa thì nước ngập quá đầu gối, không có cả nhà vệ sinh. Nhưng căn nhà lại nằm trong kế hoạch giải tỏa. Tương lai nó không biết ở đâu nữa". (...) "... nhờ chú em nhắn lại những người còn mến ta. Cái nấm đất chôn ta đã bị san bằng rồi. Cả cây trụ đèn dùng để làm dấu mộ ta cũng bị đào nhổ rồi. Ta lạnh lắm. Từ lâu ta không có hương lửa..." (tr. 99-100)

Đó là cái bẽ bàng u uất của những kẻ đầu đàn có lương tri, họ đã thành nhân dù đã không thành công. Và còn nhiều cái bẽ bàng khác với người lính của Trần Hoài Thư. Bẽ bàng của những ngày cuối của chiến tranh. Trong hai truyện khác mới viết gần đây, Thị Trấn Lửa (7), Ngày Cuối Tại Một Thị Trấn (8), anh tả tình cảnh bi đát của hồi kết thúc cuộc chiến, những người lính bị rơi vào bẫy, bị bỏ rơi với định mệnh của cả dân tộc. Trong Thị Trấn Lửa, đám tàn quân cản đường tiến của Bắc quân trong khi cấp chỉ huy bỏ chạy. "Tội này ai gây nên. Lịch sử này ai gánh chịu. Những người lính của tôi, họ ít học, người gốc nông dân, người gốc Thượng, gốc Nùng, người bị bắt đi quân dịch, họ đâu có tội gì để gánh cái khối đá tảng của lịch sử. Những người có trách nhiệm bây giờ ở đâu, sao máy thì bặt tăm không một lời thăm hỏi. Hay họ đã chạy trốn rồi (Mà quả vậy, sau này tôi được biết ông trung đoàn trưởng và toàn ban tham mưu của ông đã đào tẩu hồi nửa đêm)". Tiếp viện chờ không thấy, đám tàn quân bất ngờ bị pháo kích, họ trở thành " những con mồi tội nghiệp. Làm sao chúng tôi biết là thị xã TĐ đã mất từ lâu, và tên sĩ quan trong trung tâm hành quân mà chúng tôi liên lạc để báo cáo, để hy vọng, để đặt hết bao nhiêu nương cậy, chính là tên địch nằm vùng đã ra lệnh pháo dập xuống đầu chúng tôi".

Ban Mê Thuột, Ngày Đầu Ngày Cuối (9) là anh hùng ca về một đại đội trinh sát. Từ ngày 10 đến 17 tháng 3-1975, diễn ra trận đánh anh dũng nhưng cô đơn, một trận đánh cuối cùng của đại đội trinh sát tăng phái cho trung đoàn 53 bộ binh. Những người lính dũng cảm làm tròn nhiệm vụ bảo vệ phi trường Phụng Dực và bản doanh trung đoàn khi tình hình chiến sự đang nghiêng về thua hơn là thắng. Đại đội cầm cự được bảy ngày đối đầu với quân cộng sản Bắc Việt chính quy đông gấp nhiều lần về số quân và tiếp vận. Trong khi họ chiến đấu cô đơn thì ban tham mưu và trung đoàn trưởng bỏ chạy, cũng như những sĩ quan khác quân xa đã nhắm hướng phi trường. Nhưng tất cả đã muộn màng...! Sự dũng cảm của 70 người lính không cứu được Ban Mê Thuột đã bị tràn ngập. Phần còn lại cho những người lính là con đường rút, tưởng may có thể trú thân ở chi khu Lạc Thiện nhưng bị "địch giả bạn để cài đơn vị vào cái bẫy oan nghiệt", đành rút vô rừng và lạc vào mật khu Khuê Ngọc Điền! Đã vậy những người lính cô đơn sống sót còn bị đồng bào vùng tạm chiếm nhìn như ... tội phạm chiến tranh !

Tàn cuộc chiến, bị bỏ rơi, người lính không lâu sau còn bị kẻ chiến thắng gian trá bắt tù đày, biệt xứ và bị trả thù. Đi lính là để trả nợ non sông, nhưng tháng tư 1975, người lính còn phải trả nợ cho những sai lầm của lãnh đạo, chỉ huy. Người Và Quỉ là cảnh thiên đường học tập, người thì điên, người chịu đựng, người căm phẫn. Trong tuyệt vọng, lương tâm người lính có dịp được thử thách.

Học tập ra, người lính thua cuộc sống lây lất ngay trong quê hương đất nước anh đã bị thương đổ máu, mất cả tuổi trẻ để bảo vệ. Anh lính cộng hòa trở thành Người Bán Cà Rem Dạo vẫn giữ được cái kiêu hãnh của con người trước xảo trá : anh từ chối vào Hội nhà văn thành phố, dù sẽ được chế độ mới cho một số quyền lợi. Anh lính sẽ trốn đi, chấp nhận xa quê hương.

Đời sống lưu đày nơi xứ người khó khăn, cô đơn. Tuổi trung niên, người lính di dân phải làm lại cuộc đời, học tiếng nói, học nghề. Để cho con cháu, cho mai sau! Người lính bị ép bỏ cuộc chơi, "tủi như người không có quê hương", có lúc phải chạm trán với những người bản xứ thiên tả, kỳ thị. Rồi những người thân quen, bạn bè và đồng đội cũ sẽ tái hồi với người lính. Những mất mát và hạnh phúc còn lại. Nỗi đời cô đơn xa xứ ấy được Trần Hoài Thư ghi lại qua các truyện Thư Về Người Đồng Đội Cũ Sau 25 Năm Thất Lạc, Người Về Trăm Năm, Ở Một Nơi Nào Rất Xa, Cho Con Mùa Tựu Trường, Bên Này Dòng Hudson, Đất Khách (10), Người Bị Thua Cuộc (11), vv. Người lính phải xa xứ nhưng vẫn có cái nhìn rộng lượng như đối với một nữ sinh viên VN du học con cán bộ cao cấp, trong Một Nơi Nào Rất Xa. Có lẽ anh mong một ngày kia khi bụi mờ quá khứ lắng bớt, sự thật về sinh mạng dân tộc, về một giai đoạn lịch sử sẽ được những thế hệ đi sau không phải nhìn với những lăng kính, sẽ hiểu rõ hơn.

3.

Trần Hoài Thư có những tác phẩm về người lính rất thành công và cảm động như Bãi Chiến, Khi Về Nữu Ước, Tháng Bảy Mưa Ngâu, .... Trong toàn bộ, truyện về người lính của anh là những hoài niệm, ưu tư, khắc khoải, những cay đắng hoài nghi, nhưng cũng là những chân dung những người lính thật, có lửa có lòng, có tốt có xấu, nhưng vượt trên tất cả là thân phận của những con người bị đày đọa, hy sinh, lừa dối. Khác với những hồi ký của các lãnh tụ, tướng lãnh, tác phẩm của Trần Hoài Thư là những đau khổ anh hùng của những người lính vô danh, những tâm tư của một thế hệ trẻ bị nướng vào chiến tranh.

Các truyện của Trần Hoài Thư về người lính cũng là truyện của chính anh, từ những mối tình, đời lính - anh là trung đội trưỡng thám kích bộ binh vùng hai (đại đội 405 Thám kích sư đoàn 22 BB), những lần bị thương, rồi đào ngũ trốn ở Nha Trang và Phan Rang viết hàng loạt truyện và thơ đăng trên Bách Khoa, Văn, Văn Học, ... đến chuyện phải tái trình diện, bị giáng lon chuyển sang sư đoàn 23 ở Ban Mê Thuột rồi thuyên chuyển về quân đoàn 4 làm phóng viên chiến trường.

Chân dung người lính của anh sẽ góp phần giúp các thế hệ trẻ hơn hiểu hơn về một cuộc chiến, về một thế hệ, những nạn nhân. Người đọc có cảm tưởng anh còn muốn những người hôm qua là địch đối đầu ở trận chiến có cái nhìn trung thực hơn về người lính cộng hòa. Anh đã tự hứa viết giùm những người không thể viết, không thể nói, những người mang áo lính cộng hòa bị bỏ quên. Dù anh thú nhận không thể viết hết những gì chiến tranh đã gây nên nhưng chúng ta hy vọng anh đã lay động được lương tâm con người; biết đâu những tên đồ tể của chiến tranh sẽ cải tà quy chính (!), về với con người, lòng người, xây dựng những cuộc sống an bình và hạnh phúc ! Hơi thừa nếu cho rằng nhà văn Trần Hoài Thư có cái can đảm của người lính thám kích. Thật vậy, anh đã dám nói lên những sự thật đau lòng của chiến tranh, của những người cùng chiến tuyến, dám nói khác những tiếng nói chính thức mà nhiều người đã nhàm nghe ! Như anh đã thổ lộ đâu đó anh tự hào là người đã nghe trái phá nổ, do đó anh hiểu mãnh lực của trái phá như thế nào!

Người lính trong TRUYỆN TỪ VĂN* của Trần Hoài Thư

Trần Thị Nguyệt Mai

pic

Trong bài giới thiệu về tác giả Trần Hoài Thư của nhà văn Mai Thảo đăng trên tạp chí Văn ngày 1-3- 1972, ông đã viết:

“…Người đọc có thể chê trách người lính bệnh của Trần Hoài Thư trong Bệnh Xá Cuối Năm đã đề cập tới những chủ đề lớn như chấm dứt chiến tranh, thống nhất đất nước, đoàn viên và thương yêu hai miền, bằng một tâm hồn quá đơn giản, thơ ngây. Người lính của chúng ta hiền quá. Hiền thật. Làm thế nào được. Dân tộc ta hiền, mãi mãi hiền, mặc dầu đã hai mươi năm lâm trận. Cái tính hiền đó được biểu hiện cùng khắp trong những truyện ngắn về tiền đồn, về mặt trận, của Trần Hoài Thư, mà Bệnh Xá Cuối Năm là một.”

Thật vậy, trong các truyện ngắn của anh trong tập “Truyện từ Văn” (*) mà tôi hân hạnh được đọc, nổi bật lên hình ảnh người lính VNCH thật hiền, dù là khi nằm trong bệnh viện hay khi đang lâm trận, hoặc ở bên người em, người tình. Họ chỉ có một mơ ước duy nhất, là ngày hòa bình mau trở lại để trở về với làng quê, xóm cũ, bên cha mẹ già, lấy vợ sinh con. Thôi không còn những ngày nằm mương nằm mả truy lùng địch. Không còn hỏa châu, trái sáng, tiếng đạn bom trên quê hương đã quá nhọc nhằn.Rồi tôi và lũ bạn ở trong trại bịnh sẽ dắt dìu nhau, kẻ chống nạng, người băng bó đầy mình, kẻ tóc râu như con dã thú, kẻ xanh xao, ốm yếu như một tên nghiện thuốc phiện… Chúng tôi sẽ mở cánh cửa sắt của bệnh xá này, trải con tim thật nhạy cảm cùng nhân loại, để làm một cuộc duyệt binh thật vĩ đại cùng những người đang lâm chiến. Họ ở Trường Sơn xuống. Hạ Lào qua. Cao Miên lại. Họ từ muôn nơi tụ hội lại, cùng bắt tay nhau, cùng chúc mừng nhau, cùng nghẹn ngào chào nhau. (Bệnh xá cuối năm – trang 12)

Họ mang một trái tim nhân hậu, không phân biệt đối xử ngay cả với tù binh. Các tù thương phế binh miền Bắc được săn sóc như những người lính miền Nam. Chứ không phải như ngày hòa bình mới lập lại, kẻ chiến thắng đã đuổi tất cả các thương bệnh binh VNCH đang nằm dưỡng thương ra khỏi quân y viện… Anh Trần Hoài Thư đã nhìn, đã tả người lính phía bên kia bằng con mắt anh em, rất người, rất bao dung:

Người thông ngôn hỏi hai người thương binh Bắc Việt về ý muốn của họ về quê hương hay không. Và mục đích của phái đoàn quốc tế này là tìm cách giúp đỡ. Tôi thấy hai người lắc đầu.

Tôi đang tự hỏi, phân tích, suy luận về trường hợp hai người tù thương binh trong bệnh xá miền cao này. Tôi cố gắng tìm trên gương mặt ấy một cái gì biểu lộ một mối thù địch, ác ôn. Nhưng tôi chỉ thấy một đôi mắt thật buồn bã, trên gương mặt thật chất phác bị may vá chằng chịt. Đôi mắt ấy, tôi đã nhận thấy từ bên trong ô lưới sắt. Ánh nắng le lói của hoàng hôn chiếu vào khung lưới. Nắng đọng thành từng mảng nhỏ trên gương mặt của hắn. Hắn nhìn lại tôi. Tự nhiên tôi muốn mời hắn một điếu thuốc. Tôi muốn bày tỏ sự thân thích vô hình giữa tôi và hắn. Giữa những người trẻ tuổi bất hạnh như nhau. Giữa những tên thanh niên trót sinh ra trong một thế kỷ đen tối. (Bệnh xá cuối năm – trang 13)

Người lính miền Nam đã xem cuộc đấu tranh này như một cuộc đấu tranh về ý thức hệ, nên không coi kẻ phía bên kia là thù địch:

Kẻ thù ta ơi những đứa xăm mình
Ăn muối đá mà điên say chiến đấu
Ta vốn hiền khô ta là lính cậu
Đi hành quân rượu đế vẫn mang theo
Mang trong đầu những ý nghĩ trong veo
Xem cuộc chiến như tai trời ách nước
Ta bắn trúng ngươi vì ngươi bạc phước
Vì căn phần ngươi xui khiến đó thôi

(Nguyễn Bắc Sơn – Chiến tranh Việt Nam và tôi)

Trong khi đó, phía cán binh CS, họ đã bị nhồi nhét tuyên truyền rằng những người ở phía đối diện họ đều là Mỹ Ngụy, là kẻ thù, phải tiêu diệt không khoan nhượng, phải “nhằm thẳng quân thù mà bắn”. Như trong bài thơ “Những ngày xưa thân ái” của nhà văn / nhà thơ Phạm Hổ (anh trai của nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ – tác giả bài nhạc “Những ngày xưa thân ái” tại miền Nam), người đã tham gia sáng lập Hội Nhà Văn miền Bắc (1957) và cũng là một trong những người đầu tiên hình thành Nhà xuất bản Kim Đồng, nơi chuyên xuất bản văn hóa phẩm dành cho trẻ em (**):

Tôi bắn hắn rồi
Những ngày xưa thân ái
Không ngăn nổi tay tôi
Những ngày xưa thân ái
Chắc hắn quên rồi
Riêng tôi, tôi nhớ:
Đồng làng mênh mông biển lúa
Sương mai đáp trắng cỏ đường
Hai đứa tôi,
Sách vở cặp chung
Áo quần nhàu giấc ngủ
Song song bước nhỏ chân trần
Gói cơm mo mẹ vắt xách tùng tơn
Nón rộng hỏng quai
Trong túi hộp diêm nhốt dế
Những ngày xưa êm đẹp thế
Không đem chung hai đứa một ngày mai
Hắn bỏ làng theo giặc mấy năm nay
Tôi buồn tôi giận,
Đêm nay gặp hắn,
Tôi bắn hắn rồi
Những ngày xưa thân ái
Không ngăn nổi tay tôi
Xác hắn nằm bờ ruộng
Không phải hắn thuở xưa
Tôi cúi nhìn mặt hắn
Tiếc hắn thời ấu thơ.

(Phạm Hổ – Những ngày xưa thân ái)

Thú thật, tôi đọc mà nổi da gà. Bạn thân thuở ấu thơ, ở khác chiến tuyến, gặp lại nhau chẳng mừng thì chớ, lại giết không gớm tay. Chả bù cho người lính miền Nam, nhà thơ Phan Xuân Sinh, đã bày cuộc “Uống rượu với người lính Bắc phương”:

Hãy rót cho ta thêm cốc nữa đi
Ngồi với bạn hôm nay làm ta hứng chí
Chuyện ngày mai có chi đáng kể
Dẹp nó đi cho khỏi bận tâm
Thằng lính nào mà không rét lúc ra quân
Khi xung trận mà không té đái
Ta cũng có người yêu nhỏ dại
Mỏi mắt trông chờ song cửa quê nhà …
Chuyện sống chết căn bệnh trầm kha
Đâu dễ gì thoát vòng sinh mệnh
Những thằng lính thời nay không mang thù hận
Bạn hay thù chẳng một lằn ranh
Thôi hãy uống. Mọi chuyện bỏ lại sau
Nếu có thể ta gầy thêm cuộc nhậu
Bày làm chi trò chơi xương máu
Để đôi bên nuôi mầm mống hận thù
Ta chán lắm rồi ba chuyện ruồi bu
Chỉ có bạn, có ta là thua cuộc
Người yêu của bạn ở ngoài phương Bắc
Giờ này đang hối hả tránh bom
Hay thẫn thờ dõi mắt vào Nam
Để chờ người yêu mình trở thành liệt sĩ
Rồi cũng sẽ quên, như bao điều suy nghĩ
Tình yêu như một thứ điểm trang?
Che đi chút dối lòng
Uống với bạn đêm nay ta phải uống thật say
Để không phải còn nhìn nhau hận thù ngun ngút

(Phan Xuân Sinh – Uống rượu với người lính Bắc phương)

Bởi vậy, người thương binh VNCH trong truyện “Về Thành”, khi trở lại quê nhà, muốn đi thăm mộ chị Hai của anh, một người “nhảy núi”, ông nội anh đã khuyên:

Ông già lắc đầu:

– Đừng nên cháu.

– Sao vậy nội?

– Từ đây đến đó, có bao nhiêu con mắt nhìn con. Ai ở làng đều biết con qua bên sông.

Người cháu ràn rụa:

– Nhưng con bây giờ đã trở thành một kẻ cụt tay. Con không còn cầm súng. Con không còn ra mặt trận. Chính một cánh tay họ đã cướp mất của con, trên chiến trường rồi.

– Làm sao họ hiểu được. Làng xóm đã ly khai con từ khi con trở về thành. Chị Hai con đã không nhìn nhận con là đứa em ruột…

– Không, chị Hai con không bao giờ nghĩ điều đó. Chị là một người con gái hiền lành và dễ thương nhất, mà con đã gặp, đã biết. Chị đã từng tha lỗi cho con, khi con chọc giận chị. Chị không bao giờ… con biết rõ. Cả chú Ba, cả những người trong làng trong xóm, không ai xô đuổi con. Cho con đi, thưa nội.

– Nội van con, hãy nghe lời nội. Con nên nhớ không ai nghĩ những điều như con đã nghĩ.

(Về thành – trg 150)

Ngoài những lý do mà anh đã nêu trong truyện, tôi tự hỏi có phải vì chế độ tự do ở miền Nam quá nhân bản, nên hai người tù binh đã xin ở lại chăng? Nếu bạn đã đọc “Cõi Đá Vàng” của nhà văn Nguyễn thị Thanh Sâm thì bạn đã biết chuyện một cô gái lấy chồng Tây về quê thăm nhà bị nghi là Việt gian và bị mang ra xử bắn (thử) bằng 3 mũi tên tẩm thuốc độc. Những cán bộ có tư tưởng tiến bộ, tỏ thái độ chống đối với những điều bất nhân, phi lý như Huỳnh, như Trần… thì bị bỏ tù và mượn tay người khác để giết chết. Vấn đề này cũng được anh đề cập đến trong truyện Cõi sa mạc – trg 279: CS đã mượn tay dân vệ giết cô giáo sinh Sư Phạm khi buộc cô này kéo cờ giải phóng và hô khẩu hiệu.

Hình ảnh người lính VNCH đã rất coi trọng mạng sống đồng bào, làm tôi chảy nước mắt khi nghĩ đến những thước phim của ngày cũ: Tết Mậu Thân ở Huế, vụ pháo kích vào trường tiểu học Cộng đồng Cai Lậy vào tháng 3 năm 1974… Hay như bây giờ, công an trong nước đánh chết người dân là “chuyện thường ngày ở huyện”:

Đằng sau nhà, có tiếng hét của người lính: Lên không. Đầu hàng đi. Tao ném lựu đạn xuống bây giờ. Tôi đứng dậy, tiến về tiếng hét. Thằng Trung cầm trái M.26, sắp bỏ vào miệng rút chốt. Tôi gọi giựt: Khoan đã. Muốn chết hả? Trung nói: Thiếu úy, em nghe tiếng động trong hầm, bọn nó núp trong hầm, thiếu úy. Tôi nạt: Mày tưởng bắt bọn nó dễ dàng như vậy sao? Trung cầm trái lựu đạn, phân bua: Thì ở đây là bọn nó rồi còn gì. Tôi nói: Lỡ dưới hầm toàn dân không thì sao? Tôi chỉ tay vào trái lựu đạn cay, sao mày không dùng thứ này? Ai dạy mày, hả. (Mắt đêm – trg 251)

Trong tập truyện này, tôi như đã được tham dự cùng anh và đồng đội ở trận Kỳ Sơn quá khốc liệt và kinh hoàng mà anh đã diễn tả trong bài thơ “Kỳ Sơn”:

Kỳ Sơn đồi trọc chim không đậu
Đại đội đi, một nửa không về
Lớp lớp người nhào lên, ngã gục
Đạn sủi bờ sủi đá, u mê

(Trần Hoài Thư – Kỳ Sơn)

Hình như có lần anh đã nói đúng là một phép lạ mà anh thoát chết trong trận này:

Ngày hôm đó, ngày 9-5 thì phải. Mặt trời thì gay gắt. Chỉ có mặt trời mới thấy bọn tôi. Tôi nằm trong bụi, mặt dầm dề máu và mảnh lựu đạn, đít mông cũng vậy. Tôi, lần đầu tiên, niệm: Nam mô Quan thế âm Bồ tát, cứu nạn cứu khổ… hàng trăm lần. Nhìn mặt trời. Cho con sống. Sống. Sống. Tôi vùng dậy chạy. Đạn bắn dưới chân. Tôi lộn nhào. Chạy. Chạy. Đạn rít trên đầu, tôi nhào xuống bờ suối. Đạn đuổi theo. Nó canh kỹ. Ló đầu ra. Tắc, bùm. Thụt đầu vào. Chạy, lăn. Tội nghiệp thân thể mày chưa, ốm yếu thế kia. Cha mẹ nâng niu thế kia, bây giờ vùng vẫy, bò, chui từng đám bụi, bò hai chân, hai tay. Bò ngửa. Bò sấp. Ngọn cây vừa xê xịch. Tắc bùm. Đ.M. Chó đẻ. Mày giết tao. Mày hả dạ lắm sao. Tao còn viên đạn cuối cùng đây. Tự tử. (Nhật ký hành quân II, trg 53)

Bởi vậy, đừng trách người lính khi lòng chàng thì yêu rất nhiều nhưng đã ngại không dám cưới vợ vì sợ người yêu mình sẽ sớm trở thành “góa phụ ngây thơ”:

Tôi đi vẩn vơ. Những hạt sỏi dưới đôi giày lính, kêu lên rào rào nhè nhẹ. Ở trên bầu trời đen thăm thẳm, một vì sao vụt bay ngang rồi chết lịm. Có một chút bâng khuâng trong hồn tôi. Tôi nghĩ đến thân phận của mình. Còn bốn năm nữa, sẽ từ bỏ bộ áo quần xanh này để về, yên ổn với tấm thân mà cha mẹ nưng niu bế. Hay suốt đời không về, mà nằm trong một mồ hoang thâm u lạnh lẽo. Quỳnh ơi, anh không thể kéo dài mối tình thầm kín này nữa, nhưng anh cũng không thể nhìn em phải khóc như những người vợ trẻ son sắt. Anh biết làm gì bây giờ?(Cõi sa mạc – trg 273).

Tôi xin luôn luôn được mang ơn anh, những người lính VNCH, đã giữ cho miền Nam 20 năm yên ấm. Nhờ đó, chúng ta mới có được một gia tài văn hóa nhân bản, quý giá và đồ sộ mà di tích còn lại của nó là những bộ Văn Miền Nam, Thơ Miền Nam cũng như những tác phẩm văn học mà Thư Ấn Quán đã và đang sưu tầm hoặc tái bản.

Với riêng anh Trần Hoài Thư, em muốn được nói lời biết ơn anh đã giữ gìn cho chúng em, những thế hệ tiếp nối, được biết đến một nền văn học miền Nam lẫy lừng mà “những người muôn năm cũ” đều ngậm ngùi khi nhớ đến.

Trần Thị Nguyệt Mai

11-7-2012

(Thư Quán Bản Thảo số 53 tháng 8 năm 2012)

(*) Thư Ấn Quán xuất bản mùa hè 2012, ấn bản đặc biệt của tạp chí TQBT chủ đề tạp chí Văn.
Muốn có sách, xin bạn liên lạc với nhà văn Trần Hoài Thư ở địa chỉ email: tranhoaithu@verizon.net

(**) Nguồn: Wikipedia

Ngồn: http://tuongtri.com

 

up

AcDieu
Google Search:       

Tin vui

Tin Buồn

 

RFI
Nguoi_Viet
RFA
Quan_Su_VNCH
Quân Sử VNCH
Voa_tieng_Viet
msn
BBc_Tieng_Viet
Dan_lam_bao
Radio_VNHN

TIME