AcDieu225
Co Vang amazon Tammy

Free Hit Counters
Web Site Hit Counters

cam-on-anh_TPB (2).jpg

TranHoaiThuBachKhoa

Nguyễn Thị Hải Hà

Đọc tuyển tập 
Truyện Từ Bách Khoa
của Trần Hoài Thư

Chúng ta không thể tách rời người lính, nhà thơ và nhà văn trong Trần Hoài Thư. Toàn tập Truyện Từ Bách Khoa của Trần Hoài Thư miêu tả cái nhìn về chiến tranh Việt Nam của người lính miền Nam trước năm 1975. Người lính này thấy gì? Người già, em bé, thiếu nữ, thanh niên, học trò, thầy giáo, tất cả đều là nạn nhân của chiến tranh; đôi khi ngay cả con chó trong làng cũng không thoát khỏi số phận này. Qua những hoàn cảnh thê thảm trong chiến tranh; tình người, tình yêu lứa đôi, và tình đồng đội trong truyện của Trần Hoài Thư vẫn sáng rực.

Trần Hoài Thư viết văn bằng cảm xúc của nhà thơ. Truyện ngắn của ông thường có những đoạn văn rất thơ giàu hình ảnh và âm điệu.

“Phải, mùa thả diều. Cái mùa đến giữa lúc trời bắt đầu chớm hè và một thinh không đầy trong sáng. Cái mùa khi tiếng chim cúc cù, tiếng tu hú nỉ non, tiếng khóm tre cựa mình kẽo kẹt và tiếng gió lướt thướt trên các tàu lá chuối sau hè. Cái mùa mây như xanh lơ, nắng như vàng thắm, gió như làm tóc đứa bé bay xõa, cũng như làm con tim đứa bé cưa phải hồi hộp theo đường bay của cánh chim tinh nghịch trên không. Cái mùa mà lũ bé đã đợi sẵn tự lúc nào với những cánh diều xanh đỏ, những cuộn chỉ gai.” (Trích Cánh Diều Trên Đồng Cỏ, trang 20).

 

“Trong khi đó, buổi chiều đã buông xuống bằng một đôi cánh mỏng nhẹ. Dòng sông đã trở thành một tấm thảm màu vàng đục. Giữa khúc sông là màu nắng quái, long lanh như mặt thủy tinh. Và cuối bờ xa là những đọt cau gầy đìu hiu bất động. Có những đợt khói lam chiều bốc lên rồi tan loãng trong thinh không.” (Trích Bến Sông Người Về, trang 112)

Có lẽ vì viết văn với tâm hồn của một nhà thơ, truyện ngắn của Trần Hoài Thư thường không có cấu trúc rườm rà hay tình tiết phức tạp. Mỗi truyện ngắn là một lát cắt từ trong đời sống với những cảm xúc rất thật của một người lính luôn luôn quan sát và cảm nhận về đời sống và cái chết chung quanh ông. Đời sống của các nhân vật trong truyện của Trần Hoài Thư rất vất vả và luôn luôn đối diện với cái chết. Tình yêu trong tập truyện ngăn này là những mối tình không trọn vẹn. Cái chết thì chẳng chừa một ai; nó “tém” hết từ phe đối nghịch, đến đồng đội, và dân làng, nhưng thê thảm nhất là cái chết của trẻ em vô tội. Thoát chết chưa hẳn là một điều may mắn. Người lính trong truyện của Trần Hoài Thư thường mang mặc cảm tội lỗi của người sống sót và mặc cảm này ray rức nhất là khi họ phải chứng kiến nỗi đau khổ quá to lớn đã biến những người góa phụ trẻ trở thành điên dại. Nỗi đau to lớn của nạn nhân được tác giả lồng trong những tình huống rất buồn cười. Đây là một điểm khéo của tác giả vì ông nói lên được cái mỉa mai của cuộc đời. Nỗi đau lớn nhất của một người khi nhìn qua cặp mắt của người khác có thể biến thành chuyện rất khôi hài. Ai đã từng xem phim của Chaplin sẽ nhận thấy điều này.

Đối diện với cái chết, nhà văn Trần Hoài Thư bên trong người lính vẫn quan sát và ghi nhận ráo riết. Trong Trưa Địa Ngục, nhân vật bị thương, nằm trong con suối cạn, thoát chết nhưng không thể cứu giúp những người dưới quyền mình. Anh lặng lẽ quan sát và chất vấn nội tâm anh, một người lính bình dị với tất cả những sợ hãi, bất lực, và yếu hèn.  “Thú thật, tôi chẳng biết mừng hay đau đớn. Trạng thái đó quá cực độ bây giờ hạ thấy xuống đến ớn lạnh. Tôi vui mừng quá sao? Tôi còn sống sao? Hai chân tôi còn bước đi, tôi còn nói còn cười còn trở lại kiếp lưu đày khốn khổ này hay sao?” Người lính nằm chờ chết nhưng nhà văn vẫn ghi nhận cảm giác của cơ thể. “Buổi trưa địa ngục và tôi đang nằm trong địa ngục. Buổi trưa khô cả họng, nếm lưỡi nghe mùi tanh máu của mình. Buổi trưa gai cào xé da thịt, nắng rát nhức vết thương.” Người lính thoát chết và chịu đựng cơn đau của vết thương trong thể xác trong lúc nhà văn trong anh dằn vật với nỗi đau trong tâm hồn. “Nhắm mắt lại, không dám nhớ mà vẫn cứ nhớ rõ ràng bãi cỏ, những bụi gai, những bụi dứa. Hường nằm ở đó, tay chân bị bắn trúng rên la kêu tên tôi. Đêm nay không biết nó có thoát khỏi vòng vây hay nằm kẹt trên thung lũng để chịu những nhát dao, mã tấu của kẻ thù.” Cũng như nhiều nhà văn cùng thế hệ với ông, thí dụ như Lê văn Thiện, họ chán ghét chiến tranh, ngấm ngầm phẫn nộ khi đồng ngũ chết trận mà họ được gắn huy chương. “Được bao nhiêu chiến thương mới thành anh hùng, hở mày?”

 

Người lính trong truyện của Trần Hoài Thư không phải là những anh hùng, mà là những anh hiền. Họ đánh trận vì bị lôi cuốn vào guồng máy chiến tranh, chứ không phải là những người có tham vọng quân sự hay chính trị. Điều làm tôi chú ý, có phần ngạc nhiên, là hầu như tuyệt đại đa số các truyện ngắn do Thư Ấn Quán sưu tập và in lại, bao gồm bốn tập với tổng số gần một ngàn truyện ngắn tôi đã đọc qua ít nhất là một lần mỗi truyện, đều không biểu lộ lòng căm thù với phía đối nghịch. Hằn học lắm cũng là đổ lỗi cho “tụi nó”. Theo tôi đây là điều bất bình thường. Đã chỉa súng vào nhau, biết bên này và bên kia giết lẫn nhau, trước cái chết của đồng đội làm sao tránh khỏi giọng điệu hận thù? Tôi tự hỏi, sự vắng bóng lòng thù hận này là do sự chọn lựa của các nhà chủ biên văn học trước năm 75, hay là tâm lý chung của người miền Nam thời bấy giờ, hay đây chỉ là là sự gạn lọc của ông chủ nhà xuất bản Thư Ấn Quán khi đăng lại những truyện ngắn đã trên Bách Khoa và Văn? Sự thiếu vắng tâm lý thù hằn này cũng được rất nhiều nhà biên khảo ngoại quốc nhắc đến khi viết về chiến tranh Việt Nam. Christian Appy trong quyển Patriots (Chiến Tranh Nhìn Từ Nhiều Phía) cũng nhận xét (qua hồi ức của những người ông phỏng vấn) là lính miền Nam thường thả kẻ địch chứ không tha thiết giết người lập chiến công như quân đội Mỹ. Trong Những Kẻ Trốn Chạy, Trần Hoài Thư viết về một anh thiếu úy dẫn lính đi tuần vào một làng quê. Đây là một làng quê trong vùng xôi đậu. Buổi tối thuộc quyền quản lý của bên kia. Trong những làng quê tương tự, ban ngày người ta thường ít nhìn thấy đàn ông. Họ phải lên núi hay phải đi trốn vì nếu bị bắt gặp họ sẽ bị bắt buộc gia nhập quân đội miền Nam. Nói tóm lại họ đều bị cuốn vào guồng máy chiến tranh, mà bản thân họ thì chẳng muốn theo bên nào. Anh Thiếu úy bắt được một người đàn ông đáng nghi ngờ. Biết thả hắn ra là tiếp tay cho kẻ địch; có lúc hắn sẽ bắn vào mình. Anh nhà văn trong người lính Trần Hoài Thư đặt mình vào cương vị người khác: “Tôi bâng khuâng trong giây phút. Tôi nghĩ đến gia đình khi kẻ rường cột ra đi. Tội nghiệp! Nhưng nếu không bắt, bên kia sẽ bắt hắn lên núi. Hắn là một con bù nhìn đáng thương, đang sửa soạn lao vào giòng cuồng lưu tàn bạo.” Cuối cùng thì: “Tiếng khóc của người đàn bà ai oán hơn cùng với tiếng kể lể của mụ già càng lúc càng thảm sầu. Tôi nghĩ đến hình ảnh ông trưởng ấp già, mang khẩu carbine chạy trốn, những người trốn chui trốn nhủi trong bờ bụi như hắn. Những con người vô tội ở nông thôn, bị giành giựt xâu xé. Gió mai đùa trên khóm lau nghe xào xạc. Tôi trả lại thẻ cho hắn, nói: ‘Mày về đi.’”

Ba truyện tình trong tập truyện ngắn, Điếu Thuốc Cho Tình Si, Đôi Mắt Mùa Xuân Xa, và Quán Biên Thùy, đều có kết thúc không hạnh phúc. Cả ba truyện đều rất đẹp và cảm động; cách tả vẻ đẹp người phụ nữ của ông mang tính chất ước lệ và nhân vật của ông chinh phục phụ nữ một cách vụng về nhưng cũng có nét đáng yêu. Có thể nói Trần Hoài Thư không thuộc vào nhóm văn chương tán gái. Điếu Thuốc Cho Tình Si có đôi nét táo bạo về tình dục (cỡ PG13), còn Đôi Mắt Mùa Xuân Xa và Quán Biên Thùy chứa nhiều hình ảnh bạo động của chiến tranh. Quán Biên Thùy là truyện tình đặc sắc nhất của tập truyện, mang cái mỉa mai của chiến tranh khi thần chết không chộp cổ những người đánh trận mà lại bắt đi người em nhỏ xuân thì. Tuy là chuyện tình nhưng nhà văn Trần Hoài Thư cũng cho người đọc nhìn thấy một phần xã hội miền Nam nhiễu nhương đầy tệ nạn lúc bấy giờ và tâm lý bất mãn của người lính khi thấy mình phải vùi thây ngoài chiến trường mà hậu phương  thì xa hoa trụy lạc.

Những truyện cảm động nhất, đã làm tôi rơi nước mắt, là truyện ngắn đầu tay Nước Mắt Tuổi Thơ, Cánh Diều Trên Đồng Cỏ, và Người Trở Về. Còn gì đau đớn hơn trẻ em bị mồ côi vì chiến tranh, nhìn thấy xác mẹ trên đường? Còn gì thê thảm hơn học sinh chết vì bom đạn “chẳng có ai để ý đến những cuốn vở, lọ mực, những chiếc dép đang nằm trên sân, trên lớp. Có một chiếc cặp bị sức nổ làm bay cả nắp, để lộ trái xoài non, một cuốn truyện trẻ thơ vẽ bằng tranh.” Những em bé này chết rồi nên những cánh diều không còn bay trên bầu trời xanh ở phía dưới là cánh đồng vàng. Còn gì xót xa hơn cảnh lá vàng khóc lá xanh. Ông bố mang tặng anh con trai áo giáp. Anh chê nặng không mặc. Ngày mai, ông bố Định xuống Cần Thơ vào buổi trưa. Gặp thằng 24 ở nhà xác, ông vẫn bắt tay bình tĩnh. Thằng 24 dẫn ông vào phòng lạnh. Người phụ trách lại mở ngăn kéo số 19. Thằng 24 nhìn ông già khóc òa. Nhưng người cha bất hạnh ấy vẫn đứng lặng, nhìn mấy vết hương tí ti, bầm tím trên ngực con, rồi ngậm ngùi nói: ‘Sao con lại không chịu mang áo giáp ba đem cho con?”

Người lính, nhà văn, nhà thơ cũng chỉ là người. Giữa lằn tên mũi đạn thì con người ai cũng sợ chết. Tuy nhiên, họ sợ bị khinh hơn cả sợ chết. Tim O’Brien trong The Things They Carried cũng nêu ra điểm này ở những quân nhân Mỹ. Người lính trong truyện của Trần Hoài Thư không say máu. Trái lại anh rất sợ mùi máu. Hơn cả sợ mùi máu là sợ phải gặp những người đàn bà chồng tử trận. Cảnh tượng có phần khôi hài nhưng không kém phần bi thảm. “Mới đến cửa văn phòng, ba bốn người đàn bà đã chạy tới ôm chầm chân tôi, khóc lóc thảm thê: “Thiếu úy ơi. . . “ Tôi nghe chừng cả một khối âm thanh cào xé, khóc lóc, than van. . . Tôi đứng ngẩn người. “Thiếu úy ơi, Thiếu úy ơi, chồng em ảnh bỏ ảnh đi. . . “ Tôi hoảng hốt. Mấy cánh tay có dịp vồ chụp lấy tôi như muốn bắt đền. Tôi la lớn: “Tôi biết mấy chị đau khổ lắm! Nhưng đánh nhau thì thế nào cũng có kẻ ở người đi.”

Tiếng khóc bấy giờ vụt bùng lên, dữ dội hơn. “Chồng tôi chết rồi, bỏ một vợ bốn con và một mẹ già. Người ta bỏ chồng tôi nằm đó. . . Người ta về cúng gà cúng vịt ăn mừng. . .” 

Tôi còn muốn say sưa nói về tập truyện này, nhưng tôi phải chừa chỗ để bạn đọc. Tóm lại, mười chín truyện ngắn mà trong đó có ít nhất là bốn hay năm truyện gây xúc động mạnh trong lòng người đọc. Trần Hoài Thư nói lên được cái mỉa mai của chiến tranh khi cô bé mồ côi từ chối đi nước ngoài, khi người ở chiến trường không chết mà cô ca sĩ xinh đẹp lại bỏ mình, hay khi tre già khóc măng. Người lính trong Trần Hoài Thư biết cái chết lúc nào cũng chờ mình và nhà văn Trần Hoài Thư luôn luôn muốn được nói lời sau cùng: “Vậy mà anh lại viết. Viết để mà lỡ có nhắm mắt thì lòng mình cũng được thanh thản bình an.”

Nguyễn thị Hải Hà

                          Nguồn: gio-o.com

up

AcDieu
Google Search:       

Tin vui

Tin Buồn

 

RFI
Nguoi_Viet
RFA
Quan_Su_VNCH
Quân Sử VNCH
Voa_tieng_Viet
msn
BBc_Tieng_Viet
Dan_lam_bao
Radio_VNHN

TIME