AcDieu225
Co Vang amazon Tammy

Free Hit Counters
Web Site Hit Counters

Ac Dieu

ImageProxy.gif

 

Người  nam  di  cư  1954

 

          Chắc bạn mới nghe qua cái tựa bài nầy thì cho là nghịch nhĩ, nhưng xin hãy thông thả mà nghe tôi kể đây: tính ra gia phả tôi, kể từ ông cao, ông cố, ông nội và khoảng 2 phần 3 cuộc đời của cha tôi thì thuộc thành phần giàu có, nhất là đời ông nội tôi, tài sản ông có trên ba trăm mẫu ruộng đất với lại chức vị Chánh Tổng của ông thì khó ai bì kịp. Cha tôi lúc nhỏ được ông gởi lên CầnThơ và sau đó lại lên SàiGòn để học xong bằng Brevet chương trình Pháp tức là bằng Diplome của chương trình Việt (năm 1922). Đáng lý thì cha tôi sẽ học lên nữa nhưng hè năm đó thì bà nội bị bệnh nặng, cha tôi lại còn có 3 cô em gái còn nhỏ nữa cho nên ông nội muốn cha tôi nghỉ học, về nhà phụ ông coi sóc điền sản và gia đình. Chuyện đầu tiên là ông chọn một cô con gái gia đình danh giá và tính ra cũng môn đăng hộ đối so với gia đình ông mà cưới cho cha tôi. Dĩ nhiên cha mẹ tôi sống rất hạnh phúc, nhưng việc coi sóc ruộng nương và tài sản đã làm ông hơi nhàm chán vì là quá ư nhàn rỗi đối với một người năng hoạt động như ông, ông nội biết thế nên bảo ông ứng cử vào chức ông Xã trong ban hương chức hội tề ở làng gồm 12 vị, cho vui vậy. Cái chức ông Xã là cái chức nhỏ nhứt so với các vị như: Ô. Cả, Ô. Chủ, Hương Quản, Hương Hào, Hương Thân, Hương Sư, Hương Chánh v.v....nhưng ông Xã lại là quan trọng hơn cả, vì vị nầy phải là theo Tây học nghĩa là phải rành chữ quốc ngữ tức là chữ hiện chúng ta dùng và phải rành về toán pháp như: cộng trừ nhơn chia, chứ không có cái vụ dùng bàn toán của Tàu mà khẩy lạch cạch được, bởi công việc của ông Xã là phải thu thuế trong làng rồi trình lên Huyện, Phủ hay Tỉnh hoặc khi có những thứ giấy tờ quan trọng trong làng như bán đất, chuyển nhượng, thưa kiện v.v...cũng từ chữ ký và đóng con dấu của ông Xã, mới chuyển lên được. Và những lần phải ký tên và đóng dấu thì người đầu đơn phải trả một lệ phí nhiều hay ít tùy theo chuyện, vì thế ông Xã mới có tiền chi ra cho việc công trong làng, trong xã. Thời nầy tôi muốn nói là khoảng 1938 trở về trước, đất nước tạm gọi là thanh bình, im tiếng súng và đâu đã ra đó: miền Nam là đất thuộc địa, miền Bắc là xứ bảo hộ và miền Trung là xứ tự trị của triều đình Huế. Nhờ cái chức ông Xã làm cha tôi thấy vui lên vì đã làm được nhiều việc nghĩa để giúp đỡ thiết thực cho người dân trong làng như là: ông đã dùng tiền trong gia đình cất một dãy lớp học đôi ba gian để con em trong làng được học gần nhà, rồi đích thân ông và mướn thêm vài ông giáo nữa đứng ra dạy học, làm như vậy lũ trẻ không mất thời giờ quá nhiều khi phải đi đến chợ xã Mỹ Hương cách đó vài cây số bằng đường thủy, và ông cũng hiến cho làng dăm ba công đất thổ để làm sân banh là nơi chơi thể thao, giải trí cho đám thanh niên và cho chính ông, tránh cho họ quá nhàn rỗi sau vụ mùa. Vùng tôi làm ruộng mỗi năm có một mùa, nhưng thu hoạch rất cao vì là ruộng đất bùn nên sau khi mùa vụ thì:"tháng giêng là tháng ăn chơi, tháng hai cờ bạc, tháng ba rượu chè" thường gây phiền toái cho xóm riềng, thì sân banh nầy cũng giúp phần nào tránh được những chuyện đáng tiếc đó.

 

     Bây giờ tôi xin kể gia đình tôi trong giai đoạn 1939 đến 1945, phần nầy tôi viết hơi có tính cách chánh trị một chút và đây không phải là quan điểm của tôi mà tôi chỉ nhớ lại những gì tôi đã đọc từ bài viết của Luật sư: P.K.Vinh hay Tiến-sĩ: N. Lý Tưởng v.v.., còn chuyện gia đình tôi thì được nghe mẹ và các anh lớn tôi thuật lại vì tôi lúc đó còn là hạt cát trong móng chân của cha tôi. Giai đoạn nầy là thế giới sửa soạn chiến tranh và đã xảy ra đệ nhị thế chiến. Miền Bắc vì là xứ bảo hộ nên Pháp không đóng quân nhiều nơi đây nên miền Bắc coi như cái nôi của cách mạng, bao nhiêu đảng phái chánh trị hay lực lượng võ trang tự vệ của Công Giáo vùng Bùi Chu và Phát Diệm cũng phát xuất từ nơi nầy. Hai đảng phái chánh trị lớn phải kể là: đảng Việt Minh Cộng Sản (VM-CS) và đảng của người Quốc Gia (QG) bao gồm VN Quốc Dân Đảng, Đại Việt Quốc Dân Đảng và lực lượng võ trang tự vệ của Tôn Giáo: Công Giáo, Cao Đài và Hòa Hảo. Lối làm chánh trị của Cộng Sản thì thật gian manh, họ dùng những tên vô loại thất học kiểu Chí Phèo để làm cán bộ hạ tầng mục đích là đào sâu, chia rẽ hận thù giai cấp trong xã hội, họ tạo bao nhiêu là cuộc đấu tố mục đích là tận diệt 3 giai cấp: địa, trí, hào ( địa chủ, trí thức và phú hào tức là giới trung nông). Biết bao người bị giết oan nhưng họ hưởng lợi là kết nạp bọn bày tôi thật trung thành. Còn người Quốc Gia làm chánh trị theo lối tài tử, nhân đạo quá đáng, đảng viên thì chọn lựa phải là thành phần có học mới được vì thế mà người Quốc Gia đã bỏ lỡ nhiều cơ hội giành thế thượng phong. Như là ngày 9 tháng 3 năm 1945, Nhật đảo chánh Pháp, Nhật luôn có cảm tình với người QG vì người QG du học tại Nhật rất nhiều như các con cụ Kỳ Ngoại Hầu Cường Để là 2 ông: Tráng Liệt và Tráng Cử chẳng hạn và còn nhiều nữa. Thế mà cuối cùng vẫn bị VM-CS cướp chính quyền ngày 19 tháng 8 năm 1945. Lần khác nữa, khi Nhật thua trận, Đồng Minh chỉ định cho quân đội Tưởng Giới Thạch giải giới binh Nhật, đó là dịp tốt cho người QG, mà rồi VM-CS lại dùng vàng bạc tóm thu từ dân, chúng đem đút lót cho 2 tướng Lư Hán và Tiêu Văn để có được mớ vũ khí đó, thế là người QG lại đánh mất cơ hội nữa. Đảng VM-CS biết người QG hận mình lắm nên mới đề nghị nên lập một chánh phủ liên hiệp để chống Pháp, đây cũng là cái tròng mới mà VM-CS bày ra, kết quả một nửa số người QG gia nhập chính phủ nầy còn một nửa số người cực đoan thì quyết liệt chống đối.

 

     Chỉ sau 21 ngày VM-CS cướp chánh quyền thì quân Pháp đã vào SàiGòn thay thế quân Anh thì đây là lúc người dân Nam Bộ bày tỏ lòng yêu nước: nào là thành phần Thanh Niên yêu nước, trong đó có cha tôi, một phần của đảng Đại Việt và lực lượng võ trang 2 tôn giáo lớn là Cao Đài và Hòa Hảo quyết một lòng đánh đuổi quân xâm lược ra khỏi bờ cỏi nhưng than ơi với vũ khí thô sơ làm sao chống lại súng ống tối tân của quân Pháp thời bấy giờ, máu của người Nam Bộ đã đổ nhiều, một thi sĩ đã khóc:

 

 “Đây phương Nam, đây quê hương thống khổ

 Đây sa trường, đây nấm mộ trời Nam "

 đau đớn hơn thế nữa:

 " Vì Cách Mạng nên bao người đã chết.

Ôi sử Việt viết hằng câu oanh liệt.

 Mà giấy xương, mực huyết viết nên dòng ".

 

     Và sau cái ngày toàn quốc kháng chiến 19 tháng12 năm 1946, Võ Nguyên Giáp ra lệnh rút vào chiến khu để bảo toàn lực lượng. Bấy giờ Cha tôi đã chính thức rời nhà và vào bưng kháng chiến. Nhà cha mẹ tôi là nhà lầu 2 tầng rộng lớn, xây bằng gạch, suông đuột không có balcon, đó cũng là mẫu nhà của các ông điền chủ thuở xưa, đặc biệt cái nữa: ở phía dưới có cửa gì thì tầng trên cũng có cửa giống vậy, mục đích là dùng tầng trên để cố thủ, chống lại giặc cướp, người ở tầng trên liệng gạch, đá, vỏ chai xuống cộng thêm cây súng hỏa mai (tiền thân của súng shot gun thời nay) mà chỉ các ông điền chủ mới có giấy phép mua được, và với lối cố thủ như vậy bọn giặc cướp khoảng từ 15 đến 20 người không tài nào vào nhà được. Nhưng cũng vì quá kiên cố nên VM đã quy tụ gần 200 nông dân đến đập phá căn nhà nầy, lý do là sợ Tây lấy đóng bót (đồn). Rồi kế đến VM bảo cha mẹ tôi hãy giao tất cả các khế ước giao kèo giữa điền chủ và tá điền về điều khoảng vay mướn ruộng, để mùa tới VM trực tiếp thu hoạch huê lợi từ tá điền, gọi là góp phần nuôi quân. Cha mẹ tôi có khoảng trên 200 mẫu ruộng gồm :120 mẫu do ông nội chia cho, sở dĩ ông được nhiều hơn các cô tôi vì ông là con trai  phải lo phần phụng dưỡng cha mẹ và thờ phượng tổ tiên, và cộng thêm gần 100 mẫu là của hồi môn của mẹ tôi, mẹ tôi quê ở Trà Lây thuộc xã Bố Thảo. VM còn đòi hỏi đóng góp thêm vàng bạc nữa để giúp quân đội mua thêm vũ khí, mẹ tôi cũng phải đưa ra một ít mới yên được với họ. Nói nào ngay sau đó họ có trả lại cha mẹ tôi khoảng gần 10 mẫu ruộng nếu canh tác thì cũng tạm đủ số gạo cho gia đình ăn trong một năm.

 

     Lúc có lệnh vào chiến khu có rất nhiều thanh niên trí thức và lao động kéo theo vào, họ là những ông đốc học, giáo sư dạy trung học, giáo viên, các vị làm việc ở tòa bố chính, tòa án v.v... Giới lao động là thợ thuyền, nông dân v.v...Rất có thể họ biết VM là CS nhưng họ không quan tâm vấn đề nầy, cái họ muốn là bày tỏ lòng yêu nước, gia nhập một đảng phái nào đó cũng được, tưởng chừng như bám được cái phao để vững vàng đánh đuổi bọn xâm lược Pháp ra khỏi đất nước, đó mới thật sự là lý tưởng và nguyện vọng của họ. VM thì cũng không vừa gì, lúc muốn bành trướng thế lực vào Nam bộ thì Cục Bộ chánh trị của họ điều nghiên rất kỷ về vùng đất phương Nam như: con người, tánh tình và đức tin v.v....họ kết luận: người dân Nam bộ hiền lành, chất phác, cả tin nhưng nếu lừa phỉnh họ một lần, thì không làm được lần thứ hai đâu đó. Lại nữa họ tuy ít học vì nghèo nàn nhưng họ rất tâm phục người có học, họ nghĩ chỉ có những người nầy mới dẫn dắt họ có cuộc sống tốt hơn. Vì thế khi VM vào Nam bộ, nếu muốn tranh giành ảnh hưởng được với lực lượng võ trang 2 tôn giáo lớn thì trước hết để lại ở Bắc bộ cái bọn đầu gấu, răng đen, mã tấu vắt trên lưng. Cán bộ vào Nam phải thuộc loại răng trắng nếu được thì bịt luôn vài chiếc răng vàng càng tốt, không vắt lưng mã tấu, ngay cả dao gâm cũng bộc trong vải nhung dấu phía trong áo, không có màn đấu tố để tiêu diệt 3 thành phần: Địa, trí, hào. Chính nhờ thế, giới trí thức mới theo họ như nói ở trên.

 

     Vì có rất nhiều người theo, nên VM phải cải tổ lại cơ cấu, thành phần trí thức cũng được trưng dụng vào những chức vụ về hành chánh, xã hội, y tế, giáo dục, kinh tế v.v...những chức vụ quan trọng vẫn là người của VM như: Thành ủy, tỉnh ủy hay huyện ủy. Chữ "ủy" tức là bí thư, ủy viên chánh trị (tức là cố vấn chỉ đạo) chỉ dành cho những người trong đảng hoặc có tuổi đảng cao, còn những chức như: Chủ tịch tỉnh, chủ tịch huyện, nghe thì cũng kêu lắm nhưng thực chất chỉ là cấp thừa hành mà thôi, ngay cha tôi cũng được chỉ định làm chủ tịch phó huyện Mỹ Tú tức là quận Thuận Hòa tỉnh Sóctrăng sau nầy.

 

    Gia đình tôi, ý tôi muốn nói anh em của tôi giờ phải chia hai, xẻ ba nhóm. Cha mẹ tôi sanh tất cả 7 người con gồm 5 trai và 2 gái và tôi là nhỏ nhất. Anh Hai và chị Ba giờ đã lập gia đình (Anh Hai trong nam tức là anh Cả ngoài bắc, người trong nam úy kỵ chữ "cả" vì trong làng có ông Cả tức là ông tiên chỉ ngoài bắc). Anh Tư, anh Năm tản cư ra thành ở với các cô tôi, học nghề kiếm sống, anh nầy học nghề may, anh kia học nghề y tá. Anh thứ sáu thì theo cha tôi để học lớp trung học ở chiến khu vì anh mới 13 hoặc 14 tuổi thôi. Còn lại mẹ tôi, chị thứ bảy, chị nuôi tên Lựu và tôi, bà dời nhà gần vùng cha tôi làm việc vì vùng nầy ở xa tầm pháo súng cà-nông của Pháp. Việc cất một căn nhà lá ở nơi mênh mông rừng chàm, bạt ngàn dừa nước thì rất dễ và cũng tránh tiếng ăn không ngồi rồi, cũng là cái tối kỵ người dân ở vùng VM kiểm soát nên mẹ tôi buôn bán nhỏ những thứ nhu yếu phẩm mà người miệt vườn cần đến là: đường, muối và thuốc rẫy v.v...Bây giờ là lúc tôi nói về tôi mà không sợ ai ghét cả vì lúc đó tôi mới 5,6 tuổi thôi, tha hồ tự tung tự tác bởi không có bạn bè nào cùng lứa tuổi ở gần đó, tôi lủi thủi chơi một mình, ngày ngày lặn hụp dưới ao, dưới mương, da đen cùi cụi mốc cời, thân thể đóng đầy rong rêu mãi đến chiều mới được chị Lựu tắm cho. Và cái khổ nhất của đứa trẻ ở vùng quê là thiếu thốn quà bánh mà tôi là đứa khoái ăn ngọt, tôi nhớ có lần tôi lén mẹ tôi cắn miếng thuốc đánh răng, sao thấy ngon quá như cắn thỏi chocolat, xin nhắc quí bạn nhớ vào thời đó, thuốc đánh răng chưa được vô tube như Perlon hay Hynos sau nầy mà lúc đó thuốc đánh răng được làm thành thỏi cứng tròn và dẹp như bánh cookie, muốn dùng là phải nhỏ vài giọt nước cho mềm ra rồi dùng bàn chải quết lấy thuốc. Mẹ tôi biết tôi lén ăn thuốc đánh răng, bà không hề rày la mà bà chỉ dạy là không được ăn như vậy nữa, có thể bị tiêu chảy mà chết đấy, muốn ăn ngọt thì mẹ làm bánh cho ăn. Bánh thì ăn 4,5 ngày cũng hết đến lúc thèm ngọt nữa thì sao, lần nầy tôi thấy mẹ tôi thường phơi thuốc tể ngoài sân vì sợ để lâu trong nhà bị ẩm mốc, quí vị cũng biết thuốc tể của Tàu, nguyên liệu chánh là cơm nguội quết nhuyễn, trộn với mật ong và một vài loại rễ hay lá cây gì đó. Không biết là trị được bệnh gì không nhưng tôi thấy mẹ tôi sau khi nhai nuốt một viên rồi uống liền một tách trà nóng thì bữa cơm trưa bà ăn ít đi một chén, như vậy là chắc trị được bệnh đói, còn tôi lén chôm một viên bỏ vào mồm thì tạm thời  dứt được chứng thèm ngọt, dần dần thời mẹ tôi cũng biết chuyện nầy, bà dấu kỷ đi và đền bù tôi một thùng bánh khác cũng chính bà và 2 chị làm cho tôi. Cách nhà tôi chừng 3,4 công đất là nhà anh Quýt, anh nầy lớn hơn tôi chừng 5,7 tuổi, nhà anh có một cây ổi lộn kiếp (tức là ổi hoang, cây do chim phóng uế hạt ổi mà mọc lên....Sở dĩ tôi thường đóng mở ngoặc đơn để giải thích vì tôi người miền Hậu Giang, mà bạn tôi lại có vài anh người miền Bắc, vì sợ các anh nầy không hiểu tôi nói cái gì, nên tôi phải giải thích là như vậy) Trái ổi không lớn lắm, độ bằng trái banh golf và tròn lẵn như trái chanh khi ổi chín, da chuyển màu trắng ngà, bên trong ruột đỏ lòm trông thật hấp dẫn, anh thường hái cho tôi vài trái, ngược lại tôi cũng chôm một nắm thuốc rẫy của mẹ tôi trao cho anh vì anh nầy biết hút thuốc rồi, chuyện nầy thì mẹ tôi chưa biết. Anh Quýt còn cho tôi cưỡi trâu với anh chắc anh biết tôi rất khoái cái vụ nầy.

 

     Mùa xuân năm 1952, tôi cũng được 7 tuổi và trong một chuyến về thăm gia đình, Cha tôi đã nói chuyện với mẹ tôi là cuộc chiến sẽ chấm dứt không bao lâu nữa, thằng Út thì cũng quá tuổi vào trường vậy mình ("mình" là tiếng vợ chồng gọi nhau khi các con đã lớn, chứ không xưng gọi là anh em như lúc các con còn nhỏ) đem các con ra thành đi, còn tôi sẽ ra sau, đoàn tụ lại gia đình. Thế là mẹ tôi dẫn cả gia đình luôn cả anh Sáu nữa ra nhà các cô tôi tá túc, riêng chị Lựu thì trở lại quê làm những việc mẹ tôi căn dặn. Nếu viết về chị Lựu thì phải viết rất dài, tạm thời các bạn hiểu đây là con nuôi của cha mẹ tôi, chị không đẹp lắm hơi lớn người, da không đen nhưng cũng không trắng, môi hơi dầy và răng trắng và to, mũi hơi hếch, tóc của chị rất nhiều, chị búi lên to bằng trái bưỡi Thanh Trà. Nhưng có một điều không nhắc là thật thiếu xót khi viết về chị là tánh nết chị rất dễ thương, hiền hậu, hiếu với cha mẹ và hết lòng tận tụy với tất cả anh chị em, nhất là chị Bảy và tôi. Chính tôi lớn lên trong vòng tay thương yêu của chị, lúc nhỏ thì được ẩm bồng, thay tả, mớm cơm, tắm rửa và giặt giũ, nói chung là tôi còn nợ chị nhiều lắm. Việc chị về quê là lo thu bán gà vịt, đường, muối, thuốc rẫy v.v...và mua về thành nào: khô cá lóc, cá sặc và gạo để gia đình "tử thủ" trong giai đoạn khó khăn khi mới dọn về thành (SócTrăng). Chuyện đầu tiên là mẹ tôi bán sạch mọi tư trang mà bà có để mua căn nhà lá nhỏ trong hẻm cho gia đình có chỗ tá túc, bước kế tiếp là bà sang một cái lều ở tại chợ bà bán thuốc lá, thuốc rê, thuốc Gò Vấp, cau khô, trầu xấy khô v.v...để nuôi sống gia đình. Còn tôi thì được mẹ làm khai sinh mới, nhỏ đi 1 tuổi để được vào trường nhà nước học lớp năm. Hai anh Tư và Năm đã được các cô tôi cưới vợ cho mấy năm trước rồi, hôm lễ cưới mẹ tôi có đến, còn cha tôi thì không thể có mặt chắc các bạn đã hiểu. Anh Sáu thì phụ mẹ tôi buôn bán và tìm cách học bán thời gian để một vài năm nữa thi lấy bằng Trung Học Đệ nhất cấp. Chị Bảy ở nhà lo cơm nước lúc chị Lựu đi vắng. Chị Lựu nhờ có khuôn mặt nữa chợ nữa quê nên chuyện về quê thăm cha thì không khó khăn gì với chị cả.

     Từ tháng 3 năm 1954, người ta mới thật sự biết đâu là điểm và đâu là diện chiến trường của VM. Mặt trận Điện Biên Phủ kéo dài gần 2 tháng, phía Pháp có 20 ngàn quân nhưng thiệt hại hơn 3 phần 4, bắt buộc viên Tư lệnh De Castrie của Pháp  phải đầu hàng kéo theo Hiệp Định Genève 20 tháng 7 chia đôi đất nước. Người dân 2 miền có 3 tháng chọn lựa nơi cư trú mới. Tập kết ra Bắc thì chỉ có người trong đảng, bộ đội chính qui của VM; ngược lại vào Nam thì ngoài thành phần người QG, quân đội và hơn một triệu người dân di cư và lối một vạn người rời bỏ khu kháng chiến để về thành trong đó có cha tôi mà tôi gọi đùa là "Người Nam di cư năm 1954". Chuyện ông ra thành tương đối cũng cực vì cở chức vụ ông thì tên tuổi đã có trong "sổ bìa đen" của Deuxième Bureau của Pháp ( Cơ quan phòng nhì của Pháp, nói tới cơ quan nầy làm nhiều người phải sởn da gà ). Và cũng may khi ông quyết định trở về thành, thì chị Lựu lại xuất hiện theo chu kỳ đi thăm và tiếp tế lương thực cho cha, ông liền viết cho mẹ tôi một lá thơ dặn dò những chuyện mẹ phải làm là báo phòng nhì Pháp, ngày giờ đó và địa điểm đó ông ra đầu thú nhờ Công An đến đón ông.  Mẹ tôi mừng quá làm đúng lời ông chỉ bảo thì ngày đó: Công An gồm 3 người trang bị đến tận răng chở mẹ tôi và tôi đi đón ông trên chiếc Jeep trần, hạ luôn kiến phía trước xuống và khi đến điểm hẹn thì thấy cha tôi đang phất cờ trắng đầu hàng (thật ra là nhánh cây và treo chiếc khăn bàn trắng). Công An hỏi có phải chồng của bà không? Mẹ tôi xác nhận đúng. Họ mời cha tôi lên xe và khóa cổ tay ông lại, cho xe chạy nhanh về tỉnh để điều tra tiếp…..

 

      Hơn 2 tháng cha tôi cứ ra vào cơ quan phòng nhì của Pháp, trung bình mỗi tuần dăm ba lần, có khi sáng đi chiều về, có lần bị giữ qua đêm và cái khổ nhất là bị bà con, bạn bè xa lánh, họ cứ coi như ông là người cùi hủi đáng sợ nên tránh xa. Cha tôi hiểu điều đó chứ: sự thật là họ không ghét bỏ gì ông, cái họ sợ là tiếp xúc ông thì rất có thể gặp rắc rối với tụi Phòng nhì thôi…. Thế rồi mọi chuyện cũng qua, tình thế buộc ông sống theo kiểu cơm nhà quà chợ, ông cũng muốn phụ mẹ tôi buôn bán lắm chứ, để có đồng vô đồng ra nuôi sống gia đình, mẹ tôi thì cũng như bao nhiêu người đàn bà khác không bao giờ để chồng mình làm chuyện không đáng như vậy đâu. Có lần ông nhìn thấy mớ thuốc vụn (thuốc lá bị đứt, bị rụng ra khỏi bánh thuốc, bà thường vét lấy ra, để hộc chứa thuốc trông bắt mắt hơn), ông hỏi bà làm gì với thuốc vụn nầy. Bà trả lời: chỉ bỏ thôi. Ông nghĩ cách trộn từ thuốc rê vụn (thuốc nầy vị lạt) với thuốc Gò Vấp vụn ( vị rất gắt ) rồi vấn thành điếu mà bán, ông cũng sáng chế ra lá cờ bằng giấy dầu để vấn thuốc cho khéo giống như điếu thuốc được vấn ở factory. Cũng 20 điếu, ông ràng bằng cọng dây thung và trưng bày ở tủ kiến chứa thuốc thơm. Ông bày cho bà cách quảng cáo bằng cách tặng sample cho giới lao động ít tiền thường mua loại Bastos đỏ hay Bastos xanh, bó thuốc nầy chỉ bán nữa giá so với gói thuốc Bastos đỏ. Kết quả lúc đầu bà bán được vài bó mỗi ngày lần lần bà bán lên 10 bó, thuốc vụn thì đâu có nhiều như vậy, cuối cùng bà phải xổ thuốc tốt từ trong bánh ra để vấn bán. Nếu cứ bán trên 10 bó mỗi ngày thì cha tôi làm không kịp nữa thì những người trong gia đình nếu rãnh thì phụ ông vấn thuốc, lúc đầu mọi người làm không khéo bằng ông nhưng rồi dần dần ai cũng làm được. Cái vụ vấn thuốc bán nầy rất lời chưa kể làm đầu óc giảm stress nên ông cảm thấy yêu đời trở lại, từ đó bữa cơm chiều là lúc gia đình có bên nhau cũng được cải thiện tốt, thịt cá nhiều hơn.

 

     Gia đình có chiều hướng tốt lên, năm 1956 chị Bảy“bà Chằn” xỏ mũi được ông Tàu lai ở khu phố buôn bán, được anh cưới xin đàng hoàn, cũng năm nầy anh Sáu thi đậu bằng Trung học Đệ Nhất Cấp, cha mẹ tôi mừng lắm. Rồi đầu năm 1957, từ Bộ Nông Nghiệp của nền Đệ I Cộng Hòa gởi cho cha tôi một bức thư mời ông làm Trưởng Ty Cải Cách Điền Địa tại tỉnh BạcLiêu, ông có vẻ hãnh diện lắm nhưng không thể nhận lời. Với họ ông viết một thư phúc đáp: đại ý ông nói rất cám ơn Bộ Nông Nghiệp đã nhã ý mời ông làm Trưởng Ty nhưng ông không dám nhận, trước nhất đã lớn tuổi rồi (trên năm mươi) thứ hai ông mang chứng bệnh sốt rét kinh niên nên không đủ sức khỏe để đảm đương chức vụ đó. Với gia đình thì ông tỏ thật: ông yêu gia đình, ông không muốn sống rời gia đình lần nữa trong tuổi xế chiều của ông. Và thêm một việc tốt nữa trong năm nầy là Chánh Phủ đã đền bù cho gia đình tôi một khoảng tiền khi lệnh truất hửu được ban hành ( mỗi điền chủ chỉ giữ tối đa là 100 mẫu, còn hơn nữa thì chánh phủ truất hữu, đem phân phát cho nông dân) . Như vậy gia đình tôi mất toi 120 mẫu ruộng, chỉ nhận một ít tiền đủ nâng cấp căn nhà lá, vách lá, nền đất trở thành căn nhà: lộp tole, 1 vách gạch 3 vách ván, nền lót gạch tàu viền kẻ bằng ciment. Căn nhà nầy mẹ tôi vẫn giữ vậy cho đến ngày bà mất năm 1987. Mặc dù trong lần truất hữu kỳ hai năm 1970 của nền Đệ II Cộng Hòa ( Luật người cày có ruộng ), số tiền đền bù khá xứng đáng lên đến vài chục triệu sẽ trả trong 7 năm, các con của bà muốn bà đập phá căn nhà nầy xây lại căn nhà 2 tầng như lúc xưa cha mẹ đã sống, nhưng bà khăng khăng chối từ, bà bảo bà muốn giữ lại dấu vết kỷ niệm của cha chúng tôi trong căn nhà nầy. Thế là các con đành bó tay với bà.

 

     ĐOẠN KẾT: Thông thường người đời hay nói "mẹ hát, con vổ tay" ý nói mèo khen mèo dài đuôi thì chuyện tôi viết đoản văn nầy để tỏ lòng hâm mộ của tôi đến với người cha thì có chi là quá đáng. Có lẽ ông hấp thụ  quá kỷ cái đạo lý của dân tộc Việt hay còn gọi là Việt Đạo, đạo lý đó được thể hiện bằng tiếng ru hời của mẹ từ lúc còn nằm nôi, hay những câu ca dao, tục ngữ được thầy cô uốn nắn dòng chữ viết bằng que tre dát mỏng, chấm mực tàu rồi viết lên giấy màu được cắt nhỏ bề ngang và rộng chiều dài, xong bảo học trò dán lên vách lớp học của những lớp vở lòng. Điều nầy chứng tỏ chúng ta đã được học đạo lý trước khi học chữ đúng câu "Tiên học Lễ, Hậu học Văn". Thí dụ khi nói về tình yêu giống nòi, dân tộc ta có những câu" Nhiễu điều phủ lấy giá rương, người chung một nước phải thương nhau cùng" hay "Bầu ơi thương lấy bí cùng, tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn". Hoặc khi nói tới tình yêu quê hương, tổ quốc, hoặc nói đến chuyện nhớ ơn các tiền nhân bỏ công mở nước và dựng nước, thì có những câu "Ăn trái nhớ kẽ trồng cây, uống nước nhớ người đào giếng" hay "Ăn cây nào thì rào cây đó". Bây giờ lướt nhanh qua cuộc đời cha tôi, đầu thập niên 1920 với học vị ông có, nếu ông chịu làm việc cho Tây thì chức vụ đầu tiên cũng là thầy thông, ông phán: vinh thân phì da, tối champagne sáng sữa bò rồi từ từ thăng tiến hơn thế nữa nhưng ông không làm, lại lui về quê sống hòa mình cùng người thôn xóm. Đến lúc ông ba mươi tuổi, đã có vài đứa con thì ông nội tôi lại chia gia tài cho ông, tuổi còn trẻ mà có tài sản lớn như vậy thì nhiều người thường hay vướng vào con đường ăn chơi sa đọa, còn ông thì không, vẫn giử chế độ một vợ, một chồng nuôi nấng và dạy dỗ con cái. Tháng 9 năm 1945, Pháp trở lại Đông Dương, đây cái xốc lớn cho ông và những bạn bè của ông thì câu tục ngữ "ăn cây nào thì rào cây đó" đúng là phương châm hành động. Cái cây mà nói đây chính là cây lúa, cho chúng ta những hạt gạo trắng ngần để thổi thành cơm nuôi sống dân Việt, thế là ông và những người cùng thế hệ quyết làm cái rào để ngăn cản bọn đế quốc thực dân chiếm đoạt và ông đã vào chiến khu 9 năm kháng chiến (1945-1954). Tháng 7 năm 1954, Pháp thua trận và cuộc chiến chấm dứt, ông trở về thành để làm công dân của một nước Việt Nam Tự Do, Dân Chủ.

 

     Tôi là con trai ông, trong máu tôi có cái gene của ông, tôi cũng ở trong quân ngũ 9 năm (1966-1975) cũng đã cùng các bạn tôi rào chắn thửa ruộng lúa của mình không để bọn giặc đỏ phương bắc còn được hổ trợ bởi khối Liên Sô và Trung Cộng xâm phạm. Cuộc chiến nầy còn có tên gọi hết sức mỹ miều là "chiến tranh ý thức hệ", nếu điều đó cho là đúng đi, thì người bạn cùng ý thức hệ với chúng ta là đồng minh của chúng ta, mà lại đi đêm với Trung Cộng để được tiếng "rút lui trong danh dự" bỏ mặc chúng ta giữa lúc cường độ giao tranh gay go, ác liệt thì than ôi, thử hỏi chuyện gì sẽ xảy ra sau đó?

 

                                                                                                                              Nguyên Quân.

 

AcDieu

Tin vui

Tin Buồn

Bài Củ

06-2014

05-2014

04-2014

03-2014

02-2014

01-2014

RFI
Nguoi_Viet
RFA
Quan_Su_VNCH
Quân Sử VNCH
Voa_tieng_Viet
BBc_Tieng_Viet

TIME