AcDieu225
Co Vang amazon Tammy

Free Hit Counters
Web Site Hit Counters

Ac Dieu

ImageProxy.gif

Vui Cùng Kỷ Niệm – Khóa 4/69 Quang Trung Nguyễn Huệ

Người đăng:

thanphongkingwood

 

  HQPD_1381207108-(2).jpg

 

Người ta thường có khuynh hướng chung là tuổi trẻ thích sống cho hiện tại, lo công danh sự nghiệp để tiến về tương lai trong khi người già thường quay về với kỷ niệm vàng son và quá khứ lộng lẫy của mình. Nhưng người ta cũng nói kỷ niệm đẹp không đẹp như lúc nó xảy ra và quá khứ lộng lẫy thường lộng lẫy hơn nhiều lần so với quá khứ!

 

Mà giời ạ! Ai nói gì mặc họ. Dù sao những vàng son ấy, lộng lẫy kia cũng làm cho tuổi xế chiều bớt cô đơn, trầm cảm. làm cho con người xích lại gần nhau; cho người ta cái tâm hào phóng, và nụ cười nhăn nheo tuổi đời cũng bỗng tươi thắm hẳn lên để “thà một phút huy hoàng rồi chợt tắt” không cần “le lói suốt năm canh” buồn!

 

Thời trai trẻ của chúng tôi – thế hệ ‘40 & ‘50 – không có cái may mắn được sống trong một đất nước an bình, thịnh vượng như những quốc gia khác sau Thế Chiến Thứ II. Tham vọng của Hồ Chí Minh đã bị mộng bành trướng của chủ nghĩa Cộng Sản Nga Tàu lợi dụng tối đa để gieo rắc ác mộng kinh hoàng cho cho toàn cõi Việt Nam.

 

Hiệp Định Genève 1954 vạch rõ lằn ranh Quốc Cộng ở vĩ tuyến 17 tại cầu Hiền Lương đã cho Miền Nam yên bình xây dựng một nền tự do dân chủ nhân bản. Thế nhưng, tập đoàn Cộng Sản Hồ Chí Minh không chịu dừng ở đó, chúng được sự chỉ đạo của quan thầy Nga-Tàu tiếp tục lấn chiếm về nam, gây nên cảnh chiến tranh huynh đệ tương tàn, nồi da xáo thịt mà người dân Miền Nam nước Việt luôn luôn phải chống đỡ, tự vệ. Để rồi… những chàng trai trẻ áo quần còn tinh tương mùi mực, tóc tai còn vướng vất mùi học trò; những chàng sinh viên mặt non choẹt rời khỏi giảng đường… từ khắp nơi gom về Saigon thành từng đoàn tình nguyện gia nhập quân đội theo chương trình bành trướng của Không Quân. Một trong những đoàn nhóm này, có khóa Sĩ Quan Không Quân Hiện Dịch 4/69.

 

Khóa 4/69 có lẽ là một khóa khá đặc biệt vì số lượng khác thường đã hình thành 2 Đại Đội (43 & 44) với 380 ông trời con dưới sự quản trị nghiêm khắc của Thiếu Tá Tiểu Đoàn Trưởng Trần Văn Hiến thuộc tiểu đoàn “sống mạnh sống hùng” Quang Trung Nguyễn Huệ.

 

Thử tưởng tượng 380 nhân mạng, sàng sàng tuổi quậy, đến với nhau từ mọi miền đất nước, từ nhiều nguồn gốc gia đình khác nhau để ăn cùng nơi, học cùng chỗ, ngủ cùng lều… không khác gì bắt 380 con cá vừa lớn ở đại dương mênh mông đem nhốt chung trong một ao tù chật hẹp… nếu không có sự nghiêm khắc cần thiết và tài ba lỗi lạc của một người lãnh đạo chỉ huy như Thiếu Tá Trần Văn Hiến và ban tham mưu… ai biết vàng đá sẽ ra sao?!

 

Rời Quang Trung sau 3 tháng trui rèn khó nhọc… chúng tôi lại được chia đi tứ tán. Hơn 310 Phi Hành học Anh Văn thi đủ điểm rồi đi Mỹ học bay đủ loại phi cơ. Khoảng gần 70 Không Phi Hành chuyển qua quân trường Thủ Đức học quân sự giai đoạn 2 để rồi 6 tháng sau ra trường về lại Không Quân học Anh Văn, một số đủ điểm đi Mỹ học nghề, số còn lại tham dự huấn luyện trong nước đủ loại ngành nghề của binh chủng, rồi lại tung ra khắp 4 Vùng Chiến Thuật để tham dự trong cuộc chiến tranh tự vệ. Cuộc chiến tương tàn này cũng đã cướp dần mòn những tinh hoa của đất nước. Con số 380 nhân mạng ban đầu ấy không ai biết chắc đến nay còn lại bao nhiêu người?!

 

Biến cố lịch sử 30 tháng 4, 1975 đã làm cho những cánh chim tự do non trẻ đó tan đàn gãy cánh. Một số bay dạt bốn phương, một số khác chịu tù đày, tủi hận…

 

Để rồi 45 năm sau…

 

“Tung cánh chim tìm về tổ ấm”. Tổ ấm ở đây là lần hội ngộ tuyệt vời, kỷ niệm 45 năm ngày rời bỏ học đường đi làm lính chiến. 45 năm! Con số có vẻ đơn giản nhưng chứa đựng biết bao nhiêu tình tự của một đời người. 45 năm cũng thoảng qua như sương khói vô tình đậu xuống những mái tóc xanh cho bạc trắng mái đầu! 45 năm gồm 5, 6 năm bám lưng mẹ cha, mười mấy năm mài ghế nhà trường, 6 năm làm lính chiến … số còn lại có nhiều năm tù tội, bao năm thăng trầm. Có người tới Mỹ tròn 39 năm, có người may mắn đến được bến bờ tự do từ vượt biên vượt biển, bằng chương trình HO, bằng phương tiện đoàn tụ gia đình. Tới Mỹ bằng cách nào cũng phải cong lưng, vùi đầu trong bon chen làm lại cuộc đời!

 

Làm lại cuộc đời để có cái ăn cái mặc, cái kiến thức như người ta trong thiên đàng của văn minh tiến bộ, của tự do dân chủ nhân bản tuyệt với; để lo cho đàn con Việt lớn lên trong môi trường mới, nối bước cha anh làm vẻ vang nòi giống. Làm lại cuộc đời vì cuộc đời trước không ai tính chuyện tương lai. Cuộc đời trước đã quyết xả thân bảo vệ đất nước. Cuộc đời trước từ những gã thư sinh tay trắng, rời ghế học đường bước vào quân ngũ để cùng hợp đoàn “vượt trên lưng gió quyết chiến thắng”. Cuộc đời trước sống thênh thang từng ngày với mộng ngang trời. Cuộc đời trước là hình ảnh của một phi công bên súng, bên dao, đem sanh tử treo trước mũi tàu bay lao vào chiến trận, sau khi ăn xong gói xôi đậu, hoặc khúc bánh mì vừa mua ở dọc đường trước giờ cất cánh. Cuộc đời trước không ai cố tìm ánh sáng cuối đường hầm, không ai sờn lòng, chùn bước trước những hiểm nguy, thử thách nghiệt ngã của chiến tranh, không ai phân vân sẽ có một ngày “đi không ai tìm xác rơi”.

 

6 năm làm lính! Nghĩ đi nghĩ lại “đâu có là bao” nhưng sao càng lúc thấy càng dài như chuỗi ngày lưu vong! Có quá nhiều chuyện tưởng kể hoài không hết nhưng thực ra chỉ là những hoài niệm khôn nguôi. Cũng như tôi đã ở Mỹ dài hơn hai phần ba cuộc đời mình mà sao cứ thương cứ nhớ đến ngậm ngùi mảnh đất khô cằn sỏi đá Miền Trung, nơi tôi chào đời và ở đó chỉ có trên dưới 10 năm?!

 

Hội Ngộ Kỷ Niệm 45 Năm, Khóa 4/69 Quang Trung Nguyễn Huệ ở Orange County, California giữa mùa Xuân năm 2014. Đây là lần tổ chức thứ 6 kể từ lần đầu tiên ở Houston, Texas năm 2007. Vâng, đúng vậy! Phải đợi tới 32 năm sau ngày đau thương đó, lũ chim tả tơi ngày nao mới hoàn hồn để nhớ đến nhau, tìm kiếm nhau. Trải qua bao năm dâu bể, nhất là khi nhìn bóng xế phủ xuống đời mình, anh chị em mới nhận ra cuộc đời là vô thường, chỉ có tình người, tình đồng đội là miên viễn…

 

Nghĩ lại lần Hội Ngộ đầu tiên, thương vợ chồng Khanh Trùm quá chừng. Hai vợ chồng Khanh Trùm tới Houston, là sĩ quan Không Phi Hành duy nhất. Dù vẫn được tiếp đón niềm nở nhưng anh chị vẫn còn ké né như cô gái mới về nhà chồng khi tiếp xúc với khoảng 35 anh em, “đa số phi hành bỗng dưng thấy lạ”, về từ nhiều thành phố Texas, và một ít từ các tiểu bang xa. Dù vậy, chàng lại có thừa can đảm mang Hội Ngộ lần hai về Orange County cùng với Phú Cối, Yên Ròm và các anh chị em khác trong mốc thời gian 40 năm kỷ niệm sau đó.

 

Hội Ngộ 40 Năm được tổ chức quy mô (hơn 30 bàn gồm có đại diện các khóa KQ khác và thân hữu), có rất đông anh em về tham dự với truyền thống 3 ngày vui chơi.

 

Rồi Hội Ngộ 42 Năm được phi công Khu trục Bé Lê và ngài chủ tịch Cộng đồng Việt Nam ở Minnesota Phạm Văn Yến tổ chức với sự quy tụ đông đảo anh em từ bốn phương trời. Có giải quần vợt, vẫn với 3 ngày ăn chơi ăn thiệt xả láng. 4/69ers Minnesota đã làm các hội đoàn quân nhân bạn và thân hữu tại địa phương nể trọng qua việc tổ chức Tiệc Hội Ngộ rất tưng bừng, rất thành công, rất vui vẻ.

 

Lần Hội Ngộ 44 Năm được hai quan Lê Mâu, Lê Hồng Anh tổ chức ở Orlando, Florida cũng tưng bừng không kém… Vẫn là truyền thống 3 ngày ăn chơi, chen vào giữa là chuyến hải du Bahamas 3 đêm 4 ngày, trên du thuyền Royal Carribean, Monarch of The Sea, khó quên.

Chiều Thứ Năm tiền hội ngộ ở nhà hàng Lạc Việt. Tiệc chào mừng cũng không thiếu phần văn nghệ, dạ vũ như thường lệ. Ăn chơi cho mãi tới khuya. Sáng Thứ Sáu, sau khi cà phê các cái, mọi người hú nhau lần lượt xuống tàu. Trong chuyến đi này, điều đáng ghi nhận là có “Nhơn up-side-down” đáp máy bay từ Minnesota xuống bị trễ chuyến đã làm mọi người lên ruột. Lúc chàng bước chân qua khỏi cầu tàu cũng là lúc tàu nhổ neo rời bến! Cộng thêm chàng Tôn Thất (tình) và nàng ca sĩ Arizona dễ thương không mang đủ giấy tờ nên phải ở lại du dương trên đất liền chờ đợi anh chị em trở lại!

 

Trong những ngày đêm trên du thuyền, ngoài việc đi thăm biển đảo, ăn uống mệt nghỉ, cả nhóm được cấp một phòng riêng biệt để sinh hoạt với nhau trong suốt hải trình. Chuyến đi như một chất keo sơn, gắn bó anh chị em càng lúc càng thân thiết. 56 nhân mạng với dàn ca sĩ hùng hậu không ngờ. Lại ca lại hát, lại nói lại cười… cuộc vui nào cũng kéo dài như vô tận. Một chuyến đi chơi tuyệt vời dù có vài ba con nhạn ở ngày cuối cùng không chịu nổi sự “lắc lư con tàu đi” khi biển động ngày về.

 

Sáng Thứ Hai tàu cập bến trở về đất liền. Anh em mỗi người tự lo cho đến 5 giờ chiều lại họp nhau lần cuối, dự tiệc tiễn đưa các Kinh Kha thời đại về cố quận, ở tư gia Lê Mâu. Dù tổ chức vội vàng sau chuyến đi chơi nhiều ngày, nhưng cũng linh đình không kém. Ai cũng phải công nhận tài năng và tấm lòng của vợ chồng Lê Mâu. Ôi tình nghĩa nghĩa tình kể sao cho hết!

 

Có lẽ vì ai cũng đã tóc râu sương khói, trong khi ngày tháng cứ vô tình vụt vù trôi qua… sợ không còn đủ giờ để chơi cho bù những ngày tháng oằn lưng cơm áo. Cho nên, thay vì cứ hai năm tổ chức họp mặt một lần thì anh chị em lại đồng lòng tổ chức mỗi năm một lần, được lúc nào hay lúc đó. Hơn nữa, cái mốc thời gian 45 năm cũng rất đáng để có cuộc họp mặt điểm danh, để biết ai còn ai mất! 45 năm trôi qua… quả thật như cơn mộng dữ qua đêm đông dài! Và… anh chị em Orange County lại thêm một lần nữa tình nguyện đứng ra tổ chức.

 

Đi cruise về vài tháng sau thì tin tức tổ chức “Hội Ngộ 45 Năm” đã dồn dập. Nào là lo cập nhật danh sách những tay thợ lặn chuyên nghiệp, rồi nào email, nào gọi điện thoại, nào hát bài ca “con cá sống vì nước” cũ mèm để mong các quan đừng bỏ lỡ dịp vui… Sau vài lần thảo luận, anh chị em đồng ý tổ chức vào đầu tháng Tư 2014. Dĩ nhiên không có ngày tháng nào có thể hài hòa cho tất cả mọi người. Vì thế cứ phải lấy theo số đông. Bảng ghi danh được thiết lập, anh chị em nô nức ghi danh, rủ nhau cùng về…

 

Mỗi ngày nhìn lên bảng ghi tên tham dự của anh em, lòng nôn nao, rạo rực một niềm vui. Có những thợ lặn chuyên nghiệp cũng đã chịu xuất đầu lộ diện; có những bạn biệt tích đủ 45 năm, có những anh thợ rèn lần này chịu ngưng việc. Nhìn những cái tên quen thuộc, mường tượng ra từng khuôn mặt ngày ấy. Có những kẻ một thời dễ thương, và cũng có những người một thời đáng ghét… Giờ đây những thương ghét quân trường đã chín muồi kỷ niệm, nên chỉ mong gặp lại nhau để “xem dung nhan ấy bây giờ ra sao”, để mừng mừng tủi tủi còn nhìn thấy nhau trong đời với tấm lòng cởi mở, quý mến. Sau bao nhiêu lần cập nhật, người nhớ bạn này, người biết bạn khác, tính đến nay gom được 197 người còn sống sót (*), rải rác khắp phương trời (Hoa Kỳ nhiều nhất, trải nhiều tiểu bang nhưng quy tụ ở Orange County, San Jose, California và Houston, Texas (*) là đông hơn cả.)

 

Mặc dù Ban Tổ Chức đã rao giảng bao nhiêu lần “hạn chót”, danh sách tham dự vẫn tiếp tục thay đổi cho tới phút cuối. Có những hứa hẹn chắc như bắp cũng lỡ đò vì lý do này hay lý do khác vượt ngoài tất cả dự tính; có những người đã nói chắc chắn không đi, giờ chót lại ghi danh… Hầu hết đi có cặp, một số ít được vợ thả cho đi một mình như thằng tôi…

 

Đặc biệt lần hội ngộ này có được những con nhạn ở thật xa bay về tụ hội, như Thảo Music từ xứ Kanguru tới, Hoàng Cười từ ga Lyon đèn vàng Paris qua hợp đoàn cùng anh chị em ở nhiều tiểu bang xa xăm trong nước Mỹ.

 

Lần này, Ban Tổ Chức và toàn thể anh em quyết định chỉ dành riêng cho khóa 4/69 và gia đình. Cộng thêm, trừ bớt còn lại đủ 13 bàn, có nghĩa là 130 nhân mạng cả nam lẫn nữ, trong đó có hơn một bàn là quan khách đặc biệt. Thành viên của khóa 4/69 Quang Trung Nguyễn Huệ sống mạnh sống hùng chỉ gom được khoảng 70/197 còn sống; so với con số 380 ở ngày nhập ngũ quả thật khiêm nhường nhưng vẫn là đông nhất so với 5 kỳ hội ngộ trước đây. Phú Cối đóng dấu với chữ “final” to tướng ở tuần lễ cuối cùng trước ngày tổ chức.

 

Ngày N cuối cùng đã tới!

 

Tôi đáp phi cơ đi Orange County tìm về kỷ niệm một mình. Nhà tôi và các con cùng với các chị em của nàng kéo nhau đi cruise sau lễ cưới của đứa con gái rượu. Nàng nói rằng tôi mê bạn hơn gia đình! Tôi cố cãi chày cãi cối “rằng-thì-là” chỉ có một lần Hội Ngộ 45 năm mà thôi, anh không đi lần này nhỡ không gặp “thằng A, thằng B” lần tới thì đó là một nỗi ân hận! (Quảng Ngãi mà cãi thì Bắc Kỳ nào chịu cho nổi nên giấy phép được nàng đóng dấu đỏ thông qua.)

 

10 giờ sáng Thứ Sáu đã về tới California. Đáng lẽ có độ Tennis với khu trục Nguyễn Thành Bá ở Ohio về. Đã năm lần bảy lượt hẹn gặp nhau tại sân Square Mile Park giữa lòng Thủ đô Tỵ Nạn… nhưng bị bạn bè bên giới cầm bút bắt cóc ngay tại phi trường John Wayne, Santa Ana. Cho tới gần 5g chiều, các anh em mới trả tôi xuống trước nhà Khanh Trùm để kịp dự buổi “tiền phi”…

 

Bước vào nhà Khanh Trùm chưa tới giờ hẹn. Dù vậy, cũng đã gặp những khuôn mặt quen thuộc của anh chị em từ những lần Hội Ngộ trước, đang tiếp tay bày biện đồ ăn thức uống từ nhà trên, tới nhà dưới, cả nhà bếp, ra luôn trại ngoài sân rộng phía sau nhà… Không phải chờ đợi lâu, anh chị em cũng đã lục tục kéo tới.

 

Biết là chiều này chỉ toàn gia đình 4/69ers… nhưng khi gặp những khuôn mặt là lạ, ngờ ngợ… cố gắng để so sánh với cái trí nhớ lụi tàn… vẫn không thể nào nhớ nổi “hắn là ai”. Đợi đến khi đương sự xưng tên, nhất là những cái “tên cúng cơm khó chịu một thời” do bạn bè đặt (chẳng hạn như: Thuận Nẫu, Chửn Gà, Anh Chuột, Phú Cối, Chị Lịch, Quang Đau Khổ, Nhơn Up-Side-Down…) mới quấn quýt ôm chằm lấy nhau, tay bắt mặt mừng!

 

Dường như có bao nhiêu người là bấy nhiêu máy chụp hình. Máy đủ loại, đủ cỡ… từ máy chuyên nghiệp như của F5 Phạm Đức, còn số nhiều là máy Canon bỏ túi và thông dụng nhất vẫn là cell phone. Ôi thôi mặc sức phe húi cua tạo hình, phe kẹp tóc làm dáng, cầm tay, nắm chân đủ cách, đủ kiểu… Chụp từ nắng trên cao mấy cây sào tới đèn đã lên, đêm đã xuống, sân khấu rộn rịp lời ca tiếng nhạc… Mọi người ăn uống hơi nhiều nên bắt đầu nhảy đầm nhảy đìa, thể dục dưỡng sinh cho tiêu bớt mỡ. Ca sĩ thì cũng chẳng thua ai… ca hay như Bích Vân, vừa vừa như Phú Cối, ầm ầm như khu trục Bá… đều có cơ hội hò hét thoải mái cho đến quá 0 giờ vẫn chưa chịu tan!

 

5 giờ chiều Thứ Bảy, 5/4/2014, nhà hàng China Feast đã vang lừng tiếng cười, giọng nói. Một số anh chị em tối qua không đến được đã đến sớm để tìm kiếm nhau. Ôi người của muôn năm cũ hồn ở đây bây giờ. Có anh bạn trông quen mặt nhưng nhất thời không nhớ tên, hắn chăm chăm nhìn tôi rồi hỏi, “bạn có biết Thuận Nẫu đứng chỗ nào không?” Tôi buồn cười ngó bạn, “you are looking at him”! Hắn tròn mắt, “Sao ngực áo của mầy tên Tuấn, lại trông trẻ quá vậy?” “Thưa ngài em vừa nhuộm tóc, mặc áo mượn của thằng Tuấn 199”! À thì ra, thằng quỷ! Nghe chữ quỷ là nhận ra thằng nhạc sĩ họ Tống ở miền “Sa-Đéc Xanh-đi-á-gô”. Tôi quay qua ngó anh chị vừa bước vào “mời anh chị chụp hình kỷ niệm”. Sau khi chụp hình, hắn hỏi “xin lỗi bồ là ai?” “Dạ em là Thuận Nẫu, đại đội 43, Quang Trung Nguyễn Huệ, sống mạnh sống hùng”. “À à… Tôi là Phan Kim Nhựt, 44”. Chúng tôi siết tay nhau rất chặt. 45 năm tôi mới gặp lại con người đặc biệt này. Đặc biệt vì khi xong 3 tháng quân sự, hầu hết chúng tôi còn lông bông chưa biết đi đâu, về đâu thì hắn đã khăn gói quả mướp lên đường Mỹ du vì tiếng Anh quá giỏi, không cần phải qua trường sinh ngữ như hầu hết mọi người khác. Kể từ đó đến nay không nghe tiếng, cũng hiếm người biết hắn đã phục vụ ở đơn vị nào!

 

Tôi vẫn tự hào còn nhớ mặt nhiều người nhất trong anh em, nhưng cũng rất nhiều trường hợp không còn nhớ một chút vết tích nào. 380 thư sinh ùa đến với nhau trong một khoảng thời gian rất ngắn rồi mỗi người một phương trời, rồi chiến tranh tràn lan, bao nhiêu kẻ mất người còn… Nếu “ngày xưa ấy” không có dấu ấn gì đặc biệt thì rất khó để nhớ đến nhau. Ví dụ như “Phòng Lồi 44”, “Trần Minh Khố Chuối 43” được nhớ tới vì 2 chàng này có biệt tài ăn cơm vun nón sắt. (Chỉ cần cơm và nước trà là xong một bữa ăn và ăn dài dài suốt khóa học); như những kỳ tích của các chàng “Út Bã đậu”, “Long Thủ Kỳ”, “Sáu Gà”, “Đạt Thi sĩ”… nhiều lắm, kể sao cho xiếc!

 

Dù đã đóng dấu 13 bàn FINAL; dù mỗi bàn đều có tên thực khách rõ ràng nhưng khi nhập tiệc lại thiếu dăm ba chỗ ngồi… vì có những con nhạn là đà ở phút cuối cùng mới biết là mình có mặt ở đây! Thôi thì gặp nhau vui là chính, ăn uống, ngồi đứng chẳng thành vấn đề.

 

Đúng 7g, lễ chào cờ và truy điệu bắt đầu. Quốc ca Việt Nam Cộng Hòa được toàn thể mọi người hát vang làm nhớ lại những sáng Thứ Hai năm xưa đứng dưới sân cờ Không Đoàn. Bản Không Quân Hành Khúc trỗi lên đầy trầm hùng lẫn bi tráng. Phút Mặc Niệm để tưởng nhớ những cánh chim đã lìa đàn bay vào miên viễn. 65 anh hồn tử sĩ của khóa được xướng danh qua giọng đọc oai nghiêm nhưng đầy xúc động của Nguyễn Mạnh Khang và bài văn tế thật bi tráng của Phong Lùn đã làm toàn thể anh chị em ngậm ngùi, thương tiếc. Hơn năm phút lắng lòng nghe rõ nhịp đập thổn thức của từng con tim, thời gian như ngừng lại, không gian thật trầm lắng…

 

Tiếp theo là phần tặng quà cho ba quả phụ phu nhân (Nguyễn Phan Vạn, Tôn Thất Trí, Dương Đình Long) hiện diện trong buổi tiệc. Quà là một khăn quàng xanh da trời có thêu huy hiệu Không Quân và chị Long đã thay mặt cho cả ba nói lời cám ơn đầy xúc cảm.

 

Tôi lên sân khấu để nhận lãnh trách nhiệm tổ chức hội ngộ năm sau tại Houston. Dù vậy tôi cũng đưa đề nghị 3 nơi có thể tổ chức và lấy ý kiến đa số. Thứ nhất là thành phố sương mù Seattle, có đảo Hoa Hồng Victoria Island, gần Vancouver có thể lái xe qua chơi cho biết; hoặc ở Washington DC thăm Hoa Đào nở, xong đi New York thăm Nữ Thần Tự Do, rồi đi thác Niagra Falls cho biết… Thảo luận rôm rả nhưng cuối cùng số đông muốn nhìn ngắm các nàng cowgirl xinh đẹp của xứ Cao bồi Texas vào dịp cuối tháng 3/2015.

 

Xong phần hành chánh thì nhà hàng đã dọn thức ăn lên. Nhạc trỗi lên dìu dặt với phần một văn nghệ giúp vui mở màn. Những bài thơ của phe ta do phe mình phổ nhạc và trình diễn. Nhiều ca sĩ gọi là “cây nhà lá vườn” nhưng phần trình bày của các anh chị em chuyên nghiệp không kém. Hoan hô những dàn máy karaoke đã góp công rất lớn trong việc đào tạo những ca sĩ cây nhà lá vườn đầy thiên phú này.

 

Xong phần một khi những món ăn đã được chiếu cố không mấy tận tình. Phần hai với chương trình văn nghệ dồi dào, sống động. Ca sĩ cây nhà 4/69 và lá vườn thân hữu đã giữ sân khấu và sàn nhảy vui nhộn suốt một đêm đầy ắp niềm vui.

 

Dầu nhà hàng có những giới hạn chỗ đậu xe, thức ăn không có gì xuất sắc nhưng khung cảnh rất ấm cúng, và tình cảm của anh chị em, đồng đội, thì rạt rào… Đã hơn 11g khuya nhưng ca sĩ vẫn còn thừa sức và những đôi chân vui vẫn miệt mài trên sàn nhảy. Dù vậy, cuộc vui cũng tới lúc tàn khi nhà hàng đã có dấu hiệu… cài then! Ban Tổ Chức mãi lu bu bây giờ mới thấy bụng đói vì chưa ăn uống gì, kéo nhau tới một quán phở khuya để dằn bụng trước khi về hẹn lại ngày mai.

 

Giờ hẹn tiệc tiễn đưa là 10g sáng tại tọa độ Tip Top Kitchen trên đường Brookhurst… nhưng mới 9g anh em đã gọi nhau ơi ới kéo nhau ra ngồi thiền sau khi một số lớn đã đại náo Café Factory nổi tiếng! Một số khác đã bay về tổ ấm xa xăm nhưng số còn lại cũng làm đầy một nhà hàng khang trang, rộng rãi. Tiếng cười, tiếng nói vẫn rộn rã, vui tươi cùng với những cái bắt tay siết chặt hẹn gặp lại khi tiệc đã tàn. Một số anh chị em ở xa nhưng chưa về vội cùng với anh chị em địa phương lại kéo nhau tới nhà Phú Cối để tiếp tục cuộc vui.

 

Ở nhà Phú Cối chơi một lúc thì Thảo Music phải về lại khách sạn để bay qua thăm New York; tôi phải lên đường trở lại Houston cho kịp chuyến bay để ngày hôm sau lại đón Hoàng Cười hạ cố Houston để gặp lại những bạn bè không có dịp dự Đại Hội lần này. Một số anh chị em khá đông rủ nhau đi chơi Las Vegas và thăm viếng Grand Canyon trong những ngày tới.

 

Thêm một lần Hội Ngộ rất vui quên cả nhọc nhằn. Xin ghi lại đây để một ngày nào đó có dịp ngồi đọc lại để nhớ về bạn bè và chiến hữu. Cám ơn tấm chân tình bằng hữu của anh em. Cám ơn đời còn cho tôi gặp lại những con người của “những ngày xưa thân ái…”

 

 

45 Năm… hơn nửa đời người

Gặp nhau nói nói cười cười thỏa thê

Năm sau hội ngộ nhớ về

Bóng chiều cũng đã cận kề tử sinh

45 Năm… còn lại chút tình

Quay nhìn kỷ niệm chúng mình còn nhau

Cùng đau chung một nỗi đau

Lưng trời gãy cánh, giọt sầu tha hương

Nhìn nhau tóc đã pha sương

Còn đây nỗi nhớ niềm thương một thời

 

Viết từ Rừng Vua

This article was originally published in forum thread: Đi tìm quá khứ started by thanphongkingwood View original post

 

 

 

 

 

AcDieu

Tin vui

Tin Buồn

Bài Củ

06-2014

05-2014

04-2014

03-2014

02-2014

01-2014

RFI
Nguoi_Viet
RFA
Quan_Su_VNCH
Quân Sử VNCH
Voa_tieng_Viet
BBc_Tieng_Viet

TIME