AcDieu225
Co Vang amazon Tammy

Free Hit Counters
Web Site Hit Counters

Ac Dieu

ImageProxy.gif

HỒI KÝ CHIẾN TRANH

  CAO  MỴ  NHÂN.

 

Trước khi dẫn đến trận đánh quyết tử, được phong tặng trong lịch sử Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, là Mùa Hè Đỏ Lửa, mà mỗi lần quân và dân ta nhắc tới, là ai cũng nhớ đến một tên tuổi lẫy lừng trong lòng văn Quân Đội: nhà văn Phan Nhật Nam, bởi vì ông có tác phẩm mang tựa đề nêu trên, Mùa Hè Đỏ Lửa.  Song hôm nay, tôi xin đan cử câu chuyện của một nhà văn Quân Đội khác, ông ta đã từng viết lặng lẽ nơi các tạp chí văn nghệ ở Saigon trước năm 1975.

 

Khác với Phan Nhật Nam, đang hiện diện ở cõi đời này, ngay thủ đô tị nạn Bolsa, nhà văn Quân Đội Trần Doãn Dân, thường chỉ ký bút hiệu Doãn Dân, đã tử nạn ngay trên đường binh lửa, tại Đại Lộ Kinh Hoàng mùa hạ năm 1972, ông ta là sĩ quan đề lô, thuộc phòng 2 Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn I/Quân Khu 1, bây giờ mang cấp bậc đại úy.

 

Như mở bài trên, rằng kể từ mùa xuân 1972, vùng địa đầu giới tuyến sục sôi như lửa bỏng, quân gọi là giải phóng, đã thấp thoáng ở bên kia sông Thạch Hảo.

 

Đồng bào ta rất khổ, là không hoặc chưa đành lòng rời bỏ quê hương, đất cày lên toàn sỏi đá, từ các làng mạc ngoài xa Quảng Trị phía Bắc, ra tới Đông Hà, thậm chí cũng năm đó, 1972, người dân ở sát bờ nam sông Bến Hải, chạy được vào các trung tâm tị nạn Đà Nẵng, đã kể về màu cờ nửa xanh(dưới), nửa đỏ(trên) có ngôi sao vàng ở giữa phấp phới tung bay nơi tạm gọi là vùng Trái Độn.  Họ đã thấy một buổi nào "FiDel CasTro (nước Cu Ba Cộng Sản) đứng bên bờ bắc cầu Hiền Lương, có bộ râu hầm, vạch thành 2 cánh quạ đen, lồ lộ giữa đồng không trống trải, khô khốc, khổ sở của lằn ranh quốc cộng để họ phải nửa cười, nửa khóc, bỏ nhà cửa, chạy lấy thân ra đi, miễn sao qua được phía Tự Do.

 

Thì, đầu năm đỏ lửa ấy, từ các quân, binh chủng trung ương, Bộ Tổng Tham Mưu Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa đã điều động những sĩ quan ưu tú ra tăng phái Quân Khu 1, để chuẩn bị đánh lớn trước khi hòa đàm Paris kết thúc.

 

Tất nhiên, ngành nào việc nấy, thí dụ: phi, pháo (không quân, pháo binh) chuẩn bị đội ngũ theo phi, pháo, công binh, vận tải chuẩn bị theo chuyên môn tham chiến, yểm trợ v.vv.., ngay cả Chiến Tranh Chính Trị cũng tăng cường sinh hoạt, mà 2 phần hành khá bận rộn là Tâm Lý Chiến và Xã Hội chúng tôi.

 

Đang lúc sắp xếp quà cáp vô những bao tời 100kg, để sẽ đi tiền đồn tặng quân nhân các cấp như: thuốc là, trà, bánh khô, kẹo bạc hà v.v..Trung Tướng Ngô Quang Trưởng Tư Lệnh QĐI/QK1 còn nhắc chúng tôi mang thêm những tờ báo thời sự ra tặng quý vị chỉ huy như trung, tiểu đoàn trưởng v.v..

 

Bận quá, không còn nhìn thấy ai chung quanh, chỉ dồn vào công việc là công việc, bỗng tôi nghe một giọng nói rất êm dịu, Bắc Kỳ, có chút gì như thân thuộc lắm:

 

-Sắp đến chốt nào hở Cao Mỵ Nhân?

 

Tất cả các chị em trong phòng Xã Hội QĐI/QK1 đều hết sức ngạc nhiên, bởi người nói đã đứng ngay cửa Phòng Xã Hội là một sĩ quan bộ binh lạ hoắc nét mặt khắc khổ, phong trần, nhưng thái độ rất từ tốn:

 

-Tôi là Doãn Dân, vừa thuyên chuyển đến phòng 2 QĐI làm sĩ quan đề lô, nghe Cao Mỵ Nhân làm việc ở đây, nên tới thăm, mai bận công tác rồi.

 

Tôi ngừng ngay chuyện đếm quà, vui vẻ giới thiệu tiếp về...Doãn Dân với bạn đồng nghiệp.

 

-Giới thiệu với các bạn, đây là nhà văn danh tiếng Doãn Dân, cũng tới hôm nay, tôi mới hạnh ngộ ông, dù nghe danh lâu rồi.

 

Nhà văn Doãn Dân cười nụ:

 

-Danh tiếng gì đâu, viết chơi thôi mà, cô Mỵ à, mai tôi sẽ đi sát mặt trận đấy, và nhất định sẽ viết một tập hồi ký về chiến tranh.

 

Nói đoạn Doãn Dân cúi xuống móc trong túi ngang đùi quần trận (treilli) một tập giấy trắng đã đóng sẵn gáy, trang đầu viết mấy hàng chữ lớn, cùng tên tác giả như sau:

 

HỒI KÝ CHIẾN TRANH

1972

DOÃN DÂN

 

Ngay lúc đó, tôi đã nghĩ tới điều gì, nên không tránh được cái nhìn buồn bã của nhà văn.  Tại sao trước lúc đăng tình trận mạc, các sĩ quan Quân Lực VNCH thường có nụ cười chua chát , hay thầm lặng, suy tư, chẳng hạn tôi mới thấy thiếu tá Trần Văn Nghênh một tiểu đoàn Trưởng thuộc Liên Đoàn 1 Biệt Động Quân, tay cầm ly rượu sóng sánh cười vẫn tươi, nhưng vẫn thấm buồn, giục mấy vị khác uống rượu trước lúc lên đường chinh chiến ngoài xa:

 

-Uống đi chứ, quân ta mạnh lắm, yên tâm chiến thắng bạn ơi.

 

Thiếu tá Bùi Sĩ Khanh, cũng một Tiểu Đoàn trường, sau này cũng đổi về Phòng 2 Quân Đoàn I, luôn luôn mang cặp kính đen, vị này thường trầm ngâm, lặng lẽ điểm tiếng thở dài, vâng, chỉ là thói quen ở hậu cứ, chứ ra trận là quên hết sầu tư.  Thủa phục vụ ở Bộ Tư Lệnh QĐI/QK1, tôi vốn sợ ông này, nhưng vẫn thân tình, vì tôi quý trọng huynh đệ chi binh lắm, nên lúc nào cũng vui vẻ khi gặp gỡ.

 

Và chỉ mấy tiếng đồng hồ sau buổi rượu tiễn quý vị vừa nêu ở căn cứ Hòa Khánh, chúng tôi đã bàng hoàng nghe tin điện về:

 

-Thiếu tá Trần Văn Nghênh đã anh dũng hy sinh trong trận chiến X.

 

Chắc tôi đã đi hơi xa câu chuyện nhà văn, sĩ quan đề lô Doãn Dân rồi.  Không, cũng vậy thôi, ông nhà văn hiền lành mơ mộng này, đã rất hăng hái trong nhiệm vụ, vẫn bám sát tọa độ ngặt nghèo, khởi từ ngã 3 Hải Lăng Quảng Trị về tới cây số 17 Huế, gọi là Đại Lộ Kinh Hoàng và vừa chấm dứt câu báo cáo tại chỗ giữa ta và địch, thì một quả pháo to như nửa cột nhà, tôi cường điệu thế, bởi quá tức tên Việt Cộng pháo thủ, bắn quả đạn loại 122 ly mà mảnh đạn còn ghi rõ 3 chữ Việt, Trung, Xô tức là Việt Cộng, Trung Cộng và Liên Xô thủa ấy, đã rớt ngay đoạn đường Doãn Dân đang lâm chiến, bên cạnh ông là người lính trẻ tên Hoàng Huy, trong đội tiếp tế lương thực, thuộc Sư Đoàn 3 Bộ Binh!

 

"Mảnh đạn ghim ngay giữa bụng, nhà văn Doãn Dân quỵ xuống.  Cả 2 người Doãn Dân và Hoàng Huy binh nhất, cùng nhiến xuống mớ ruột của Doãn Dân đổ ra trước mặt, máu chảy xối xả..Doãn Dân đã kịp rút tập Hồi Ký Chiến Tranh ấp ủ của ông, đưa Hoàng Huy với lời nhắn gọi:

 

-"Em, Hoàng Huy, cố đưa về cho vợ tôi".

 

Còn thì lạ quá, Hoàng Huy lại thoát chết.

 

Nhiều thành viên thân quen trong trận chiến Mùa Hè Đỏ Lửa quá, nên chúng tôi cứ tạm theo dõi tình hình tổng quát, cũng quên bẵng nhà văn trong công tác đề lô.  Tôi cũng như tất cả bạn văn trong nhiệm vụ mình, đang phục vụ ở Bộ Tư Lệnh QĐI/QK1: Thái Tú Hạp, Nguyễn Phi Hường, Cuồng Vũ v.v.. hằng ngày tối mặt, tối mày viết lách, để mau chóng hình thành đặc san Hỏa Tuyến, do khối Chiến Tranh Chính Trị thực hiện mỗi chiến dịch lừng danh như Lam Sơn 719, Mùa Hè Đỏ Lửa, tái chiếm cổ thành Quảng Trị v.v.., chúng tôi cần viết thực, viết hết, ít nhất trên 2 phương diện thiết yếu là binh vận và dân vận để nâng cao tiềm năng chiến đấu ngoài tiền tuyến..Cho nên chúng tôi chẳng ai nghĩ đến cái điều mong được nổi tiếng, bởi vì kể như hằng ngày dựa lưng trên nỗi chết, tất cả sẽ là chi, huống chi Thái Tú Hạp, Cuồng Vũ và tôi, đã mang danh...thi sĩ mơ mộng từ lâu rồi!

 

Vài ngay sau, có bà khách từ Saigon ra, mặc bộ đồ đen buồn bã, bước vào phòng Xã hội QĐI/QK1, bà khóc nức nở:

 

-Tôi là Vũ Thúy Mão, vợ của đại úy nhà văn, tử sĩ Trần Doãn Dân.

 

Ngay tức khắc, chúng tôi òa lên khóc, và thế là đã rõ ràng: nhà văn Doãn Dân đã tử trận.

 

Theo yêu cầu của chị, tôi đã cùng chị đi Hòa Cầm để thi hành công tác xã hội của tôi, là xin gặp thiếu tướng Nguyễn Duy Hinh, Tư Lệnh Sư Đoàn 3 Bộ Binh, và nhà văn Duy Lam tức Trung tá Nguyễn Kim Tuấn, trong tình văn hữu, giúp đỡ chị các thứ phương tiện để đi tìm xác chồng ở Hải Lăng.

 

Bấy giờ trung tá Nguyễn Kim Tuấn vốn là trưởng nam của bà Nguyễn Thị Thế trong dòng họ Nguyễn Tường, và trung tướng Ngô Quang Trưởng là rể của nhà văn quá cố Thạch Lam, nên cả 2 vị đã không muốn mang tiếng anh em họ hàng nhà văn Duy Lam.  Nguyễn Kim Tuấn nguyên Chánh Văn Phòng Tư Lệnh nhiều năm các giới chức Tư lệnh cũ, đã muốn rời chức vụ ra Sư Đoàn tác chiến, ông đáo nhận Sư Đoàn 3, cũng thuộc QĐI/QK1.

 

Thiếu tướng Hinh Tự Lệnh Sư Đoàn 3 Bộ Binh lúc nào cũng tôn trọng văn nghệ sĩ, cùng nhà văn Duy Lam tức trung tá Tuấn ôn tồn, nhưng nghiêm trang, đầy xúc động nói:

-Chỉ thị phòng 4 Sư Đoàn cấp 1 xe jeep, cho bình nhất Hoàng Huy, hướng dẫn bà Doãn Dân ra ngã 3 Hải Lăng, nơi đồng cát, tìm dấu vết cũ, để kiếm mộ Doãn Dân nếu vô tình ai thiết lập, thỏa mãn yêu cầu một gia đình tử sĩ.

 

Nhưng đồng cát Hải Lăng trắng xóa đến lóa mắt ngày đêm, Hoàng Huy chỉ cho bà Vũ Thúy Mão chỗ mà thân xác đại úy Trần Doãn Dân đã gục xuống.

 

Tất cả chỉ còn 1 chiếc giầy vải rách toang dính vết máu khô, đồng cát đã tự xóa đi những chứng tích điêu tàn.

 

Chị Thúy Mão và Binh nhất Hoàng Huy đã trở về trong ngày.  Tôi đưa phu nhân nhà văn Doãn Dân về nhà để thay giặt và ăn uống.  Đêm ấy, chị Vũ Thúy Mão nguyên là giáo sư dạy ở Trường Marie Curie, vừa khóc vừa kể cho tôi nghe hành trình cuộc đời của nhà văn Doãn Dân, người đã có với chị 5 cô con gái xinh đẹp.

 

Khi phu nhân nhà văn trở về SaiGon, ban Biên Tập Báo Bách Khoa cùng vị chủ báo là quý ông Lê Ngộ Châu đã thăm hỏi chị có tìm được xác nhà văn Doãn Dân không, chị lắc đầu nghẹn ngào trao cho ông bao thư nhỏ, trong có 2 bài thơ của Cao Mỵ Nhân tôi, viết về một loài hoa bão bùng sắc lửa tôi gọi là Hoa Chiến Tranh, có đoạn đề cập tới cái đại lộ Kinh Hoàng khiếp đảm:

 

…..Nghe tin nhà văn Doãn Dân chết không toàn thây

Trận mưa bom, bão đạn kéo dài 50 cây số

Nơi đại lộ Kinh Hoàng mùa hè năm 1972 đó…

 

Lâu quá, chính tôi cũng quên bẵng thơ mình rồi, chỉ còn tình thân giữa phu nhân nhà văn Doãn Dân và tôi là duy trì mãi, mấy chục năm qua, tôi vẫn còn nhớ phong cách đôn hậu của vị đại úy Phòng 2 QĐI Quân Khu 1.

 

Riêng điều cần thắc mắc, là tập HỒI KÝ CHIẾN TRANH ở đâu rồi, ông ta đã viết được phần nào, hay vẫn chỉ mơ ước vì mải miết chuyện hành quân.

 

Xin thưa, nó, HỒI KÝ CHIẾN TRANH 1972, của Doãn Dân, đã thất lạc ngay từ khi còn trong trứng nước.  Bởi ai trên đời cũng hiểu câu có tài thì có tật, đôi khi không có tài cũng có tật, huống hồ có tài mà lại nhã nhặn, văn hoa, bay bướm, thì hỡi ôi, HOÀNG HUY đến căn gác hẹp ở đường Phan Chu Trnh, Đà Nẵng để trao tập bản thảo cho “vợ nhà văn”, anh ta căn cứ vào một mảnh giấy nào đó, ghi ở cuốn hồi ký, đã đưa tận tay một giai nhân, không phải phu nhân Vũ Thúy Mão, giai nhân hay tin nhà văn thất lộc, bèn khăn gói về Quy Nhơn...để hoài niệm cuộc tỉnh lỡ dở.

 

Nhân mùa Tháng Tư Đen, tên đặt cho tháng 4 hỗn loạn năm 1975 của nhà văn Duy Lam sáng chế cho tựa đề một bài thơ, nay đã trở thành tiếng nói chung.  Tôi xin thắp một nén hương thành kính tưởng niệm về nhà văn Doãn Dân nơi đồng cát chan hòa ánh sáng Hải Lăng, cát trắng như thủy tinh tan vỡ đã phủ lấp hình hài người bạn văn, người chiến hữu QĐI/QK1 chưa kịp hoàn tất tập HỒI KÝ CHIẾN TRANH như dự định

 

 

AcDieu

Tin vui

Tin Buồn

Bài Củ

06-2014

05-2014

04-2014

03-2014

02-2014

01-2014

RFI
Nguoi_Viet
RFA
Quan_Su_VNCH
Quân Sử VNCH
Voa_tieng_Viet
BBc_Tieng_Viet

TIME