AcDieu225
Co Vang amazon Tammy

Free Hit Counters
Web Site Hit Counters

Ac Dieu

ImageProxy.gif

Dù Chỉ Một Lần Thôi, Thầy Ơi!

Lê Huy

 

”Kính tặng Thầy Ng. Kh. N., Trường Tiểu Học Nguyễn Huệ - Qui Nhơn (từ 1655 đến 1960).

Xin xem bài này như là một lời nhắn tìm Thầy cũ”.

 

Niên khóa 55-56, tôi còn nhỏ xíu học lớp Năm (lớp Một bây giờ), trường Tiểu Học Nguyễn Huệ - Qui Nhơn. Tôi là một trong những học trò được Thầy cưng, có lẽ nhờ tên tôi giống tên Thầy và cũng có lẽ nhờ tôi là nhóc con duy nhất trong lớp còn mặc quần dây treo, trông dễ ghét lắm!

 

Một hôm, thấy lớp học ồ xào quá, Thầy bắt cả lớp phải “thử” giữ im lặng một chút xem sao. Chúng tôi… ráng vâng theo lời Thầy. Lớp học im phăng phắc, nghe được tiếng ruồi bay vo vo. Được một lát, có lẽ “ngứa tay” và vì cũng muốn được khen là học trò giữ vở sạch và đẹp nhất lớp nên tôi sẽ lén mở cặp lấy giấy kiếng ra; vừa bao vở mắt tôi vừa lắm la lắm lét nhìn chừng Thầy. Tôi cố gắng giữ sao không cho tiếng giấy kêu rọt rẹt. Nhưng giấy kiếng thì quý bạn biết rồi, làm sao bắt nó im lặng cho được, cho dù một tiếng nho nhỏ thôi. Tôi lại ngồi bàn đầu nên tiếng giấy kêu đã lọt vào tai Thầy. Thế là Thấy nhìn thẳng vào mặt tôi, giọng nghiêm lại:

 

- Trò N., đứng dậy!

 

Tôi điếng hồn, chết rồi, mình lỡ dại để Thầy “chiếu tướng”. Nhét vội tờ giấy kiếng vô gầm bàn, tôi riu ríu đứng lên. Như chưa nguôi giận, và cũng để cho cả lớp biết là “Pháp bất vị… cưng”, Thầy kêu tôi lên bảng cầm theo tờ giấy kiếng, bảo tôi khoanh tay lại úp mặt vô tường. Khi ấy, với tôi đó là một hình phạt nặng nhất. Liếc nhìn, thấy Thầy cầm tờ giấy kiếng trên tay, tôi sợ Thầy sẽ vò nát rồi quăng vô sọt rác; nhưng không, Thầy xếp vuông vắn lại rồi nhẹ nhàng đặt xuống bàn. Tuy đang bị phạt nhưng thấy vậy tôi mừng lắm.

 

* * *

 

Mùa Hè Đỏ Lửa năm 72, sau khi tái chiếm Bắc Bình Định, đơn vị tôi được về hậu cứ nghỉ dưỡng quân. Nhân dịp này tôi xin phép về thăm nhà. Một buổi sáng nọ, tôi đến thăm Ng. B., bạn tôi, tại Tiểu Khu Bình Định. Xin có đôi hàng về ông bạn vàng này của tôi. Hồi học Đệ Thất Cường Để, Bốn được Giáo Sư Anh ngữ Ng. V. S. ưu ái đặt cho cái tên rất Ăng-Lê là… Mr. F. Thật đúng quá đi chứ! Chẳng sai tí nào! À, anh chàng trông to con lớn xác bặm trợn vậy, mà cái bụng lành lắm, “thàng” nhất lớp. Có lần vì lỡ lời, do chuyện gì mà bây giờ tôi không thể nhớ lại được, tôi đã làm cho anh chàng buồn giận ra mặt. Tôi hối hận và xấu hổ lắm, nên đã hết lời xin lỗi hắn ta. Song, nhờ cái tính “nhớ làm chi cho… nhiệt”, hắn đã xí xóa cho tôi, hai đứa vui vẻ lại với nhau, xem như không có gì xảy ra. Lớn lên, trong thời gian lính tráng, cứ mỗi lần về phép, Tr. V. S. (năm chín-tư làm sponsor cho gia đình tôi qua Mỹ), Ng. B. và tôi thường đi chơi với nhau, lang thang khắp phố, ghé thăm bạn bè, hoặc tụm năm tụm ba để cà phê cà pháo, lai rai ba sợi -- tiền lính… tính liền! Được cái là ba đứa tôi chẳng dám… “phá phách con nhà ai” cả. Hiện giờ S. và tôi cùng ở Gardena, Tiểu Bang California; B. và vợ con thì ở Wichita, Tiểu Bang Kansas. Thỉnh thoảng chúng tôi điện thoại thăm hỏi, mày mày tao tao với nhau – cũng đỡ buồn!

 

* * *

 

Giờ xin trở lại câu chuyện ở Tiểu Khu Bình Định. Trên lối đi dọc theo hành lang trong doanh trại, có một người lính khá trọng tuổi đi ngược chiều với tôi. Không hiểu sao tôi lại chăm chú nhìn ông ta; tôi thấy trên gương mặt ông ta có những gì nét rất là quen thuộc. Khi qua mặt nhau vài bước, tôi quay lại, rảo bước theo và ngập ngừng nói với người lính:

 

- Thưa… cho… hỏi thăm… !

 

Nghe hỏi, người lính quay lại nhìn tôi, giọng nhỏ nhẹ nhưng rõ ràng:

 

- Thưa… Thiếu Úy cần gì"

 

Tự nhiên tôi thấy cả người mình rần rần lên. Tôi đột ngột hỏi:

 

- Thưa… thưa… có phải… là… Thầy Ng. Kh. N. không"”

 

Câu hỏi quá đột ngột khiến người lính bị bất ngờ, giọng ngập ngừng:

 

- Dạ… dạ… phải!

 

Toàn thân run lên, tôi ôm chầm lấy Thầy và nói nhanh trong nỗi xúc động, nước mắt lưng tròng:

 

- Thưa Thầy, em là N. đây, Ph. Đ. N., học trò cũ của Thầy đây, Thầy còn nhớ em không!"

 

Thầy cũng ôm tôi rất chặt. Tôi nhìn thật lâu vào mắt Thầy. Thầy cũng rươm rướm nước mắt. Không sao diễn tả hết được nỗi xúc động vô cùng của Thầy Trò tôi lúc ấy!

 

Sau khi xin được phép vị sĩ quan Trưởng Phòng của Thầy, tôi mời Thầy đến câu lạc bô gần đấy dùng nước để được hầu chuyện với Thầy nhiều hơn. Tôi chọn chiếc bàn nhỏ trong góc vắng để có được một nơi chốn riêng tư cho Thầy Trò tôi. Tôi nhẹ nhàng kéo ghế, lễ phép mời Thầy ngồi. Nhưng Thầy vẫn đứng đó, im lặng chăm chăm nhìn tôi, như đang tìm lại trong ký ức mình xem có người học trò nào như thế này không. Đôi mắt Thầy trông xa vắng quá, nơi đuôi mắt đã thoáng dấu chân chim. Như vừa chợt nhớ ra, Thầy khẽ khàng hỏi:

 

- N. đó sao"

 

- Dạ, thưa Thầy, đúng em, N. đây!

 

Tôi nhẹ nhàng nắm hai tay Thầy, dìu Thầy ngồi xuống. Thấy tôi vẫn còn đứng, Thầy khẽ nói:

 

- N. ngồi xuống đi!

 

- Dạ, cám ơn Thầy!

 

Tôi ngồi xuống đối diện với Thầy. Lúc này tôi mới nhìn thấy tên của Thầy được thêu rõ nét may phía trên túi áo bên mặt “KH. N.”. Tôi hỏi thăm sức khỏe, gia đình và việc làm của Thầy. Rồi tôi nhắc lại những mẫu chuyện cũ hồi tôi học lớp Thầy. Tôi nói nhiều lắm trong niềm vui rộn ràng tở mở. Thầy thích thú chăm chú nghe. Gương mặt Thầy tươi hẳn lên và đôi mắt Thầy cũng sáng lên. Dường như Thầy đang trở về với đám học trò bé nhỏ của mình thuở mười-sáu năm về trước …

 

- Thưa Thầy, hồi học lớp Thầy, có một lỗi khiến em nhớ đời, nhớ mãi đến giờ.

 

Thầy cười hiền hòa:

 

- Lâu quá rồi, làm sao mình nhớ được!

 

Chao ôi, Thầy xưng “mình” với tôi! Tiếng “mình” nghe sao thân tình và gần gũi quá vì không có một khoảng cách Thầy Trò nào ở đây cả. Tôi thầm cám ơn Thầy đã cho phép tôi được gần gũi thân tình với Thầy hôm nay. Tôi nhắc lại cái lỗi bao vở bằng giấy kiếng mà tôi đã kể trên đây. Thầy bật cười thành tiếng, giọng vỡ òa ra, sôi nổi:

 

- Vậy hả! Vậy hả! Còn gì nữa không" N. kể tiếp đi!

 

- Dạ không, em chỉ lỡ dại chút đó thôi. Và em cũng nhớ mãi là Thầy đã không nỡ vò nát tờ giấy kiếng của em. Vài năm học kế tiếp sau, em mới hiểu là Thầy thương học trò lắm, xem chúng em như là em ruột của Thầy vậy, nên Thầy dễ dàng tha thứ những lỗi lầm của chúng em”.

 

Xoay xoay ly trà đá mát rượi trong tay, giọng Thầy chậm rải ôn tồn như một lời nhắn nhủ:

 

- Có gì đâu N.! Vì mình nghĩ ai cũng có lúc lầm lỗi. Đến già vẫn còn lầm lỗi mà!

 

Ôi, Thầy bao dung quá, rộng lượng quá! Đến giờ tôi vẫn chưa học được đức tính này của Thầy. Không gian như lắng đọng lại, và tôi cũng đã hiểu thêm tấm lòng của Thầy.

 

Chiêu một ngụm nước như để sắp xếp lại những lời mình sắp thưa với Thầy. Giọng chùng xuống, tôi nói một thôi dài như thể sợ không còn đủ thì giờ ngồi với Thầy nữa:

 

- Thưa Thầy, nhân đây em xin cám ơn Thầy nhiều lắm, vì Thầy đã tận tình dạy dỗ chúng em những bước đầu nơi ghế nhà trường. Thầy đã dạy chúng em viết và đọc vần xuôi vần ngược. Thầy đã dạy chúng em đặt những câu quốc ngữ từ ngắn tới dài, từ dễ tới khó. Thầy đã dạy chúng em biết lễ phép chào kính, biết đi thưa về trình, biết kính trên nhường dưới. Thầy đã gieo những hột giống tốt vào những mảnh vườn bé nhỏ hãy còn thơm mùi ấu thơ thuở ấy, và Thầy đã…

 

Thầy khoát nhẹ tay:

 

- Thôi N.. Cám ơn N. đã nhắc đến. Đó chỉ là bổn phận của mình thôi mà!

 

Nhịp nhịp mấy ngón tay gầy khô xuống bàn, Thầy hỏi tôi:

 

- À, N. học Mẫu Giáo với Thầy nào vậy"

 

- Thưa Thầy, em học lớp Thầy L. K. Th. -- Thầy Th. là bạn thân của Ba em đó!

 

- À… à…! Mình nhớ ra rồi. Thầy Th. dáng người dong dỏng cao, nước da hồng hào, khi đi thì ngực ưỡn ra trước và có giọng nói to sang sảng, phải không"

 

- Thưa Thầy, đúng vậy! Em vẫn còn nhớ là Thầy Th. đã dạy chúng em tập đọc tập viết hai-mươi-ba chữ cái. Rồi tập đồ tập viết bằng ngòi viết lá tre, đá lên sổ xuống sao cho có nét đậm nét lợt, sao cho có eo có bụng. Thầy còn dạy vẽ nữa… Thầy tôi tiếp lời:

 

- Đó… đó… ! Đó mới chính là Vị Thầy đầu đời mẫu mực của các thế hệ học trò trên trái đất này.

 

Tôi chợt hiểu ý Thầy…

 

- À, N. này, cám ơn về sự có mặt của N. khiến mình nhớ lại câu chuyện Đại Tá Cartno xưa kia đã lặn lội về thăm lại ngôi trường xưa và Thầy cũ của mình ở tận một ngôi làng nhỏ bé xa xôi hẻo lánh nào đó bên nước Pháp.

 

Tôi lại hiểu thêm ý của Thầy. Thầy tế nhị và sâu sắc quá! Tôi lặng người, giọng lí nhí trong miệng:

 

- Thưa Thầy, em không dám!

 

Thầy liếc nhìn đồng hồ:

 

- Thôi, mình về, N.!

 

Theo chân Thầy, tôi trở về phòng làm việc của Thầy. Tôi cám ơn vị sĩ quan đã cho phép tôi hầu chuyện với Thầy. Tôi cũng giới thiệu với ông ta rằng, Người là Vị Thầy đầu đời của tôi. Vị sĩ quan trên tôi một cấp vụt đứng thẳng dậy, kính cẩn nhìn Thầy tôi, cung kính nói:

 

- Dạ, kính chào Thầy!

 

Cử chỉ cung kính này đã làm tôi cảm động vô cùng. Tôi siết chặt tay, nói lời cám ơn lần nữa rồi chia tay ông ta.

 

Thầy tiễn tôi ra về. Tôi xin phép chào và chia tay Thầy trong niềm luyến tiếc, quyến luyến vô cùng. Tôi hứa với Thầy là khi có dịp tôi sẽ đến thăm Thầy. Thế nhưng tình hình chiến sự ngày càng sôi động và khốc liệt hơn đã cuốn hút tôi biền biệt vào cuộc chiến, nên tôi không có dịp về thăm lại Thầy tôi -- một Vị Thầy Khả Kính và cũng là một Chiến Sĩ Bình Dị!

 

- Thưa Thầy, sau biến cố ba-mươi-tháng-tư-bảy-lăm-đen-tối ấy Thầy ra sao, hiện giờ Thầy ở đâu" Với em, ở vào lứa tuổi xấp xỉ sáu-mươi này, em vẫn ước ao được gặp lại Thầy, dù chỉ một lần thôi, Thầy ơi!

 

AcDieu

Tin vui

Tin Buồn

Bài Củ

06-2014

05-2014

04-2014

03-2014

02-2014

01-2014

RFI
Nguoi_Viet
RFA
Quan_Su_VNCH
Quân Sử VNCH
Voa_tieng_Viet
BBc_Tieng_Viet

TIME