AcDieu225
Co Vang amazon Tammy

Free Hit Counters
Web Site Hit Counters

Khách viếng thăm

Translate

Powered by Translate

cam-on-anh_TPB (2).jpg

Quê hương trong trí nhớ

 que_huong_trong_tri_nho

“Quê hương là vàng hoa bí

Là hồng tím giậu mồng tơi

Là đỏ đôi bờ dâm bụt

Màu hoa sen trắng tinh khôi”

                                Đ.T.Quân.   

Sóc S'Bai Sóc Trăng - Hương Thủy

                                                                                                                            

Sóc Trăng, quê tôi nằm bên bờ hữu ngạn sông Hậu Giang. Bắc giáp 2 tỉnh Cần Thơ và Trà Vinh, Đông giáp biển Nam Hải, Nam giáp tỉnh Bạc Liêu và tây giáp tỉnh Vị Thanh.

Dân số toàn tỉnh có khoảng 300 ngàn dân (năm1972), gồm 3 sắc dân chính là: người Việt,người Hoa và người Miên. Gần như mỗi sắc dân chiếm một phần ba của tổng số dân sốnhưng họ sống với nhau một cách hài hòa đã trên 200 năm rồi chớ đâu ít ỏi gì. Bắt đầu nói vềngười Việt trước, tôi nhớ một học-giả người Pháp khi viết về dân tộc Việt Nam khẳng định rằng "mỗi người đàn ông VN luôn có ông quan nhỏ trong lòng", điều nầy tôi thấy đúng, dùcòn 2 sắc dân bên cạnh nhưng người Việt chọn cách sinh sống là làm việc trong chánh quyềntừ tỉnh lỵ, quận, xã đến nông thôn hoặc đi lính, làm nhiều loại thợ, phu xe cuối cùng là làmnông. Bây giờ nói tới sắc dân Hoa, người Hoa đến VN nhiều nhất có lẽ vào thời chúa Nguyễn Phúc Tần. Nhóm theo Trần Thượng Xuyên được phép khai thác, mở mang cù lao Phố-Biên Hòa, còn nhóm theo Vương Ngạn Địch khai thác vùng Mỹ Tho và sau cùng là nhóm Mạc Cữu thì mở mang vùng Hà Tiên và lần lần thì người Hoa tách rời khỏi các nhóm đó mà di cư đến nơi nào xét ra làm ăn thuận lợi. Sở dĩ tôi viết được một cách trơn tru về người Hoa là tôi nhờ ơn thằng bạn người Hoa của tôi tên là Ngọc, nói là bạn thực thì nó lớn hơn tôi 3 hoặc 4 tuổi nhưng nó học chung lớp với tôi kể từ năm đệ thất, tôi thì sau khi đủ điểm trong các kỳ thi lục cá nguyệt nên được miễn thi bằng Tiểu Học, đây cũng là năm đầu tiên Bộ QG/GD cho đặc ân nầy rồi sau đó tôi vào đệ thất, còn nó thì đã xong trung học đệ nhất cấp của trường Dục Anh trong tỉnh cũng vào đệ thất trường Việt giống như tôi, xin nói thêm học sinh trường người Hoa khi bắt đầu vào trung học, họ phải học sinh ngữ Việt, cho đến khi họ xong cấp I trung học, nghĩa là họ có 4 năm học Việt ngữ coi như tương đương bằng tiểu học của trường Việt, nó và tôi tiếp tục học chung 4 năm đệ nhất cấp. Bây giờ xin trở lại bài viết chính, có năm bang phái người Hoa đến VN là: Phúc Kiến, Quảng Đông, Triều Châu, Hẹ và Hải Nàm.

 Năm bang phái nầy có ngôn ngữ riêng biệt cho mỗi bang, có nghĩa là họ không thể nói và hiểu được nhau gì cả, ngoại trừ Quảng Đông và Hải Nàm, họ chung thứ tiếng Quảng Đông nên hy vọng họ hiểu nhau được. Sở dĩ tôi nói “hy vọng”là vì tiếng nói còn chịu ảnh hưởng của  phong thổ, thí dụ như người miền Tây rất khó hiểu tiếng nói của người Quảng Bình hay Quảng Trị. Riêng tỉnh tôi dường như thấy có 3 bang mà thôi. Bang Phúc Kiến có thể nói là bang trí thức và sang cả nhất của người Hoa, họ thường được đề cử giử chức vụ làm ông Bang tức là người đại diện của toàn thể người Hoa trong tỉnh, họ sống với nghề mở tiệm thuốc bắc, phòng làm răng và các dịch vụ thương mãi khác, kế đến là bang Quảng Đông, phải nói là tôi cảm tình nhiều với bang nầy có lẽ tôi "hẩu xực"(ăn ngon) các món ăn của họ, cũng giống người Phúc Kiến, người Quảng Đông thích sống ở thành phố hơn thôn quê, kinh doanh chính là mở nhà hàng, khách sạn và vài ngành nghề khác nữa và đặc biệt là quán nước. Quán nước có nghĩa là nhà hàng bán cà phê vớ (bí tất) với thức ăn sáng như: bánh bao, xiếu mại, há cảo, dò cháo quẩy, bánh tiêu v.v....đã thế bên ngoài còn có thêm xe mì, hủ tiếu phía trên xe có vẽ tranh trên kiến soi gương nhiều điển tích như Lã Bố đại chiến với tam anh hùng Lưu, Quan, Trương; hoặc cảnh Tiết Nhơn Quí chinh đông, chinh tây v.v...

Xe mì thường bán suốt ngày từ mở cửa cho đến lúc đống cửa còn các loại ăn sáng như bánh bao, xiếu mại, há cảo thì được thay thế bằng bánh ngọt sau buổi sáng, các loại bánh ngọt như bánh: quai chèo, bánh gan, mè láu, bánh in, bánh pía v.v...tất cả đều bày ra bàn như thức ăn buổi sáng, thực khách thích ăn thứ nào tùy tiện, nhớ ăn xong ra cửa trả tiền là được. Còn một cái tôi thích ở người Quảng Đông nữa là cái âm của tiếng Quảng Đông cũng giống như cái âm của Hán Văn. Đây cũng là môn học mới mà bộ QG/GD buộc chúng tôi phải học coi như là sinh ngữ II sau sinh ngữ chính là Pháp Văn ở vài năm đầu cấp trung học.

 Xin thí dụ:

               Tiếng Việt               Chữ Hán               Tiếng Quảng Đông

                Lớn                          Đại                        Tài

                Nhỏ                         Tiểu                       Xiểu

                Ăn                           Thực                      Xực

                Uống                       Ẩm                        Nhẩm

                Cơm                        Phạn                      Phàn

Tiếng Việt đếm số: một, hai, ba, bốn, năm, sáu, bẩy, tám, chín, mười.

Chữ Hán                 : nhất, nhì, tam, tứ, ngũ, lục, thất, bát, cửu , thập.

Tiếng Quảng Đông: Dách, Zì, Xám, Xây, Ựng, Lục, xất, Bát, cẩu, Xập.

               Xin hỏi quí vị có đồng ý với tôi cái âm của Hán Văn rất giống cái âm của tiếng Quảng Đông phải không? Theo tôi nghĩ thì tiền nhân của chúng ta khi học chữ thánh hiền, thay vì dùng hẳn lối phát âm của Quảng Đông nhưng vì tự ái dân tộc mà tạo lối phát âm mới trài trại ra mà thôi. Bây giờ coi như tạm xong chú ba Quảng Đông, tới lượt nói về chú ba Triều Châu. So với 2 đại ca trên thì người Triều Châu thua kém hơn nhưng tính cần cù, chăm chỉ, siêng năng làm ăn của người Triều Châu đáng khâm phục vậy. Một nửa dân Triều Châu cũng ở tại phố cũng có nhà buôn, nhà máy xây lúa v.v...còn một nửa thích ở vùng ngoại ô, sống nghề làm rẫy, trồng trọt các thứ như: rau cải, trà tươi, bầu bí, ngô khoai v.v...

              Đến đây xin nói qua về tôn giáo của người Hoa một chút, hầu hết người Hoa theo đạo Phật. Dù vậy tại tỉnh lỵ chỉ có 2 chùa người Hoa mà thôi: một của người Triều Châu vị trí là ở nhị tỳ (nghĩa địa) Triều Châu, cái thứ nhì là của người Quảng Đông cũng trong khu nghĩa địa của người Quảng Đông. Cũng tại tỉnh lỵ có thêm 2 ngôi chùa nữa, một chùa thờ ông Bổn và một chùa thờ năm ông. Tôi nghĩ 2 cái nầy gọi là miếu thì đúng hơn vì là thờ Thần, chứ đâu thờ Phật, nhưng người dân địa phương quen gọi như vậy thì phải chịu, chứ biết nói sao? Ông Bổn là ai? Xin thưa đó là danh tướng Nhạc Phi thời nhà Tống. Theo tổ sư viết truyện Chưởng là Kim Dung, ông là học trò của Châu Đồng chân nhân nghĩa là ông nầy là sư đệ của Đông Tà Hoàng Dược Sư (ông bố của Hoàng Dung và là nhạc phụ của Quách Tỉnh) ông lãnh ấn vua đi đánh nước Kim nhưng ông bị gian thần Tần Cối hãm hại, đến khi ông bị bức tử thì hiển Thánh nên người Hoa thờ ông là vậy. Còn gian thần Tần Cối thì bị người Hoa rất oán ghét nên họ làm bánh dò cháo quảy mà tưởng chừng như hình hài của vợ chồng Tần Cối rồi bỏ vào chảo dầu sôi mà chiên lên. Sự thật ra sao, theo tôi nghĩ chiếc bánh dò cháo quảy họ thường chiên một cặp là để thể tích chiếc bánh lớn hơn, không bị cong lại khi chiên, trông mất đẹp thế thôi. Còn 5 ông tức là: Lưu Bị, Khổng Minh, Quan Vân Trường, Trương Phi và Triệu Tử Long, đây là những nhân vật của nước Thục thời Tam Quốc luôn luôn trọng nghĩa, hào khí sáng ngời nên người Hoa rất hâm mộ.

               Kết luận sắc dân Hoa là thông minh, giỏi trong việc mua bán, có tài luồn lách đu dây trong chánh quyền vì thế không phải ở mỗi tỉnh tôi mà gần như ở đâu cũng thế: kinh tế thì luôn bị người Hoa nắm bắt và mặc tình thao túng thị trường. Xin kể thêm: năm 1971 tôi có dịp đến Hồng Kông với dạng Chiến sĩ xuất sắc của đơn vị được tưởng thưởng một tuần du ngoạn Đài Loan, và tại một rạp chiếu bóng nhỏ ở Hồng Kông có chiếu phim "Hà Nội một ngày" đây là phim tuyên truyền của Cộng Sản bắc Việt, với tính hiếu kỳ, tôi lấy vé vào xem: phim trắng đen, kỷ thuật thu hình rất dở nói về sinh hoạt dân chúng trong ngày, nào là nhân công làm việc trong nhà máy, mỗi khi nghe còi hụ báo động có tàu bay Mỹ đến bắn phá, tất cả đều xuống hầm trú ẩn hoặc công sự chiến đấu và chĩa mũi súng Aka thẳng lên trời để bắn máy bay Con Ma (Phantom) của Mỹ (chuyện nầy cấm cười đấy nhé). Chuyện chánh tôi muốn nói ở đây là: mặc dù CS Hà Nội rất gian manh, sảo trá ai cũng biết, thế mà ở phố HàNội, tôi không biết là phố hàng nào nhưng có rất nhiều khu buôn bán lớn của người Hoa, ngay bảng hiệu, họ viết hoàn toàn bằng chữ người Hoa, chả thèm viết chữ Việt chi cho mệt. Đúng là hết thuốc chữa rồi đó qúi vị.

                Sắc dân kế tiếp tôi sắp kể là người Miên, Người Khmer đến vùng đất Thủy Chân Lạp sớm nhất đã làm nhiều người viết sử có thể hiểu lầm vùng đất Chân Lạp là của người Miên chăng? Nếu chịu suy luận một chút thì không thể được, lý do dân số Miên quá ít ỏi khoảng một phần tám dân số của nước VNCH ngày xưa mà thừa hưởng một diện tích đất đai còn lớn hơn miền Nam nữa, ngay cả cái chuyện ngày xưa khi vùng cố đô là Angkor Thom và Angkor Wat gọi chung là Đế Thiên-Đế Thích thường bị giặc giả triền miên nên họ phải dời đô bằng cách lần mò theo hạ lưu sông Cửu Long tiến về miền nam cho đến khi họ gặp ngã tư con song (2 nhánh Tiền Giang, Hậu Giang và một nhánh nữa chảy ngược vào Tonle Sap tức Biển Hồ) thì họ dừng lại, tái lập kinh đô và triều nghi tức là Nam Vang ( Phnom Penh) ngày nay.

Rồi họ quên hẳn vùng Angkor Wat và mãi đến cuối thập niên 1940 một nhà thám hiểm người Pháp mới tìm lại được, điều nầy chứng tỏ cả vùng đất quan trọng mà họ còn quên lãng huống hồ gì vùng Chân Lạp . Công tâm mà nói: Angkor Wat thì rất đồ sộ, vĩ đại đến độ Unesco công nhận đây là di sản văn hóa chung của nhân loại. Sở dĩ người Miên có mặt ở vùng Chân Lạp, theo tôi nghĩ họ là những nhóm đầu tiên khi rời Angkor Wat, thay vì họ dừng chân tại Nam Vang, họ tiếp tục men theo 2 nhánh Tiền Giang và Hậu Giang nên có mặt vùng đất nam phần của chúng ta.

               Cũng trong việc dựng nước và mở mang bờ cõi, trong lịch sử cận đại có hiện diện 2 bậc nữ lưu quần thoa có công rất lớn đối với đất nước: một là Huyền Trân Công Chúa chịu gả cho Chế Mân để đánh đổi 2 châu Ô và Lý. Hai là Ngọc Vạn Công Chúa  (con chúa Nguyễn phúc Nguyên) gả vua Miên để dân Việt được tự do sinh sống trên đất Miên và chưa kể mỗi lần bên Miên có loạn lạc thì các vị chúa đàng trong đem quân qua cứu giúp, sau đó được đền ơn rất hậu, đó là vua Miên cắt đất dâng hiến và cũng cái chính sách tầm ăn dâu nầy mà đất miền nam VN mỗi ngày rộng lớn thêm. Mãi đến khi bọn thực dân Pháp chiếm toàn cõi Đông Dương, Pháp vẽ lại đường ranh biên giới 3 nước Việt, Miên, Lào chừng đó chúng ta phải chịu mất một số đất vùng biên giới 2 nước Việt, Miên.

               Câu chuyện tại sao người Miên có mặt tại tỉnh của tôi, thấy cũng tạm đủ rồi bây giờ kể tiếp phần lối sống và sinh hoạt của dân tộc dễ thương nầy. Lượng người Miên ở tại thành phố rất ít, trừ những gia đình phục vụ trong quân đội, và một số ít làm nghề buôn bán, kỳ dư họ sống ở ngoại ô, trong cái sóc riêng biệt của họ, trong những căn nhà ọp ẹp bên cạnh ngôi chùa mái cong, nền đúc rất cao có trên trăm năm tuổi thật là nguy nga và tráng lệ.

Toàn tỉnh có chừng khoảng 150 ngôi chùa như thế có nghĩa có chừng 150 sóc tương đương, sóc lớn có hơn ngàn người, thí dụ như sóc Đại Tâm ( Sài ca nã ) cuối sân bay SócTrăng mà hầu hết quí bạn đều biết và có những sóc nhỏ khoảng chừng 4,5 trăm người (phần nầy, tôi viết được là nhớ lại những gì người bạn tôi: người Miên tên Lâm Pặc, ở Sóc Vồ cách thị xã ST chừng 3 cây số kể lại).Người Miên ở  trong sóc thường làm nghề nông, họ chỉ mướn một ít đất đủ để làm thôi ngoài ra họ trồng thêm hoa màu phụ như bắp, khoai, rau củ v.v...và hàng năm vào khoảng tháng chín hoặc mười thì họ bắt đầu trồng thêm dưa hấu để bán Tết. Dưa hấu người Miên rất ngon, thường họ chọn giống ruột vàng và họ tỉa bỏ bớt trái, một dây dưa còn chừng 2 hoặc 3 trái vì thế trái sau nầy rất lớn nên người ta mua loại nầy để chưng theo mâm hoa quả trên bàn thờ vào ngày Tết.

               Hầu hết người Miên theo đạo Phật phái Tiểu Thừa khác với người Việt và Hoa theo phái Đại Thừa. Đại Thừa hay Tiểu Thừa nếu được hiểu như phái cực đoan và phái cấp tiến thì cũng gần như là không sai lắm. Còn một điều cần nói thêm nữa là tôi chưa thấy có dân tộc nào trên thế giới mà cúng dường lợi tức của mình vào tôn giáo mà mình tin nhiều bằng người Miên. Họ có thể cúng khoảng trên 40% hay hơn nữa vào ngôi chùa gần nơi họ cư ngụ.

Ngôi chùa đối với họ thật là quan trọng vì là nơi hội họp khi có chuyện cần, phổ biến tin tức cho người dân trong sóc, là nơi giải trí: họ được xem Dù Kê (giống như cải lương của người Việt) ở nơi đây sau khi xong mùa vụ, là trường học dạy chữ Miên và đạo lý cho con em của họ và sau cùng đây là nơi họ gởi xương cốt sau khi hỏa thiêu. Cũng chính vì thế mà vai trò của vị Sãi Cả (Hòa Thượng trụ trì) rất là quyền huy và hệ trọng. Cũng xin nói sơ về hỏa thiêu của người Miên, người Miên sau khi chết thì được tắm rửa sạch sẽ và có ban chuyên môn về hỏa táng đến cắt gân ở lưng, khủy tay và đầu gối xong rồi đươc tẩn liệm vào chiếc quan tài bằng gỗ tạp rẻ tiền (vì sau đó sẽ đem đốt) bên ngoài chiếc hòm thì được lấp ráp vào những mãnh ván gỗ quí chạm trổ hoa văn sơn phết đủ màu sắc trông thật lộng lẫy (mượn ở chùa), quàn ở nhà không bao lâu thì đem thiêu. Hỏa táng thường thực hiện ở một đám đất  nào đó, trước hết họ đào cái hố lài lài chất đúng một thước củi ( củi cây đước) phía dưới và gát vài thanh sắt ấp chiến lược bên trên để chịu đựng chiếc quan tài, kế đến dùng đúng một thùng thiếc dầu hỏa (kerosense) khoảng 20 lít rưới lên củi, bật lửa lên đốt và cho đến khi cháy hết củi thì thân xác chỉ còn lại mớ xương vụn, họ nhặt lên, rửa sạch bằng rượu, cho vào thố mang về chùa đặt vào tháp chứa xương cốt,  đến đây thì công việc hỏa táng mới thật sự hoàn tất.

Bây giờ có bạn thắc mắc hỏi tại sao trước khi tẩn liệm lại cắt gân làm chi? Xin thưa vì nếu không cắt thì khi đốt cơ thể thường co quặp lại, đứng ở xa nhìn vào cũng giống như người chết ngồi dậy, trông rất dễ sợ. Họ đã chứng kiến nhiều lần như vậy nên họ nghĩ ra cách là nên cắt gân.

Để đúc kết phần nói về người Miên, tôi xin kể chuyện bên lề một chút nhưng vẫn có dính dáng với vị Sãi Cả. Chuyện là như vầy gia đình tôi theo đạo Phật, bên ngoại tôi tu hành tinh tấn lắm, Cậu lớn của tôi là cố Hòa Thượng trụ trì ở chùa Long Hưng, ngài cũng là người sáng lập tư thục Bồ Đề ở ST. Mẹ tôi sau ngày nghỉ buôn bán thường tìm vui bằng cách đi thăm viếng chùa chiền trong tỉnh, kể ra thì bà cúng bái rất nhiều chùa nhất là sau khi bà biết thằng con Út của bà phục vụ trong quân chủng kiêu hùng nhưng không kém phần nguy hiểm và cũng do một cái cơ duyên nào đó bà đã được vị Sãi Cả chùa Miên ở Trà Quýt (một xã nhỏ nằm trên quốc lộ 4, bây giờ chính quyền mới đặt tên là quốc lộ 1, thị xã nầy tọa lạc nửa đường Sóctrăng-Phụng Hiệp) đưa cho bà một lá bùa ( gọi là Cà Tha chăng?) nhờ bà trao lại cho thằng nhỏ (là tôi) và nói với nó luôn giử trong người thì sẽ được tai qua nạn khỏi.

 Thật tình mà nói tôi cũng chưa thấy lá bùa đó ra làm sao cả bởi vì nó đã được mẹ tôi bỏ vào miếng vải đỏ khâu kỷ lại lớn độ  bằng driver license card rồi trao cho tôi. Thú thật thì tôi không tin lắm mà nghĩ thực tế hơn: trước là cố gắng sống cho có nhơn đức (chữ Tâm kia...mới bằng ba chữ tài, đức năng thắng số mà lị), kế đến ráng trao dồi nghề nghiệp, trao đổi những kinh nghiệm với bạn bè thì đó mới là cách vượt được mọi nguy hiểm.

Tuy nói vậy, chứ các bạn cũng biết tôi không được sống gần cha nhiều, nên tôi yêu quí mẹ mình lắm, luôn nghe lời bà là đặt lá bùa đó trong túi áo bay bên trái mỗi lần đi bay và nghĩ rằng nếu một may tôi "phi bào thay chiếu, con về đất" thì hình hài nầy vẫn còn lưu giử kỷ vật của mẹ trao. Và tôi để ý thấy rằng từ ngày nghe lời mẹ thì những lần ra trận, tàu bay thì cũng bị trúng đạn như thường lệ, nhưng tôi có phần bình tỉnh hơn, quyết định sáng suốt hơn ở trận mạc. Lá bùa linh thiêng?

Hay trong tôi luôn có hình ảnh mẹ với đôi tay rộng mở ôm lấy con và che chở con những lúc hiểm nghèo?

  Rất có thể phần viết phía trên, có vài bạn nhìn với một góc cạnh khác cho là tôi viết có ý kỳ thị sắc tộc, nếu bạn nào nghĩ vậy thì tôi xin lỗi chứ thật tình tôi viết gần như dạng khảo cứu mà thôi. Mà kỳ thị cái gì chứ, khi tất cả mọi người sống ở nước Cộng Hòa VN đều là công dân VN cả mà. Tôi nhớ ở thời Đệ Nhất Cộng Hòa, sau khi dẹp xong mọi lực lượng phe phái và tôn giáo, đất nước trở nên yên bình, thì một đạo luật về người ngoại quốc ra đời, tôi không nhớ rõ mọi chi tiết trong đó nhưng đại khái là nếu là người ngoại quốc lưu ngụ tại VN sẽ bị cấm hành một số nghề nào đó, hạn chế đi lại v.v...và phải đóng một khoảng thuế rất lớn,

vô hình chung thì người Hoa hay người Miên vô phương giử được quốc tịch cũ và nếu là công dân VN thì được hưởng mọi quyền lợi, được bầu phiếu cũng như được ứng cử vào những chức vụ dân cử v.v....nhưng cũng phải có bổn phận là thi hành nghĩa vụ quân dịch nếu trong tuổi thanh niên. Chính vì thế chúng ta thấy trong đơn vị lác đác có vài hoa tiêu người gốc Hoa.

Bây giờ coi như tạm xong phần kể về 3 sắc dân: Việt, Miên, Hoa sống trong tỉnh, tiếp theo tôi sẽ kể về đặc sản của quê hương. Đầu tiên phải nói là Sóc Trăng cũng như các tỉnh miền hậu giang khác sản xuất chính là lúa gạo, trước là nuôi sống cả nước và nếu dư thừa nữa thì xuất cảng ra nhiều quốc gia trên thế giới, đó là do đất điền, còn đất thổ thì sao?

Đất thổ là đất để làm vườn trồng cây ăn trái, ở ST số đất thổ không nhiều lắm và vùng đất tốt nhất phải kể là vùng Kế Sách có lẽ gần cửa Bassac hay vùng nầy xưa kia là nằm trên cửa sông ấy không chừng nên được phù sa, trầm tích bồi đấp mà phì nhiêu như vậy?

Trong những nhà vườn ở đây nổi cộm nhất là gia đình đại điền chủ: ông Hội đồng Trần Ngàn (ông là cha bà Trần Thị Tạo tức là bà Tướng Cao V. Viên), ông có câu nói để đời là " nếu vị nào đến đây, cứ mỗi cây quýt đường, quí vị hái một trái chỉ cần ăn một múi của trái đó thôi, nhớ chứa trong bụng không được nhả ra và ăn đủ số cây quýt trồng ở đây, tôi sẽ hiến tặng hết sở vườn nầy".

Như vậy các bạn đã tưởng tượng sở vườn của ông là bao lớn. Ngoài quýt ra, có cả cam, bưởi, sầu riêng, mít, ổi v.v... Vì đất quá tốt nên loại nào cũng lớn trái và rất ngon, duy có ổi thì không ngon bằng giống xá lị ở bến phà Mỹ Thuận xưa kia được, vì ổi xá lị ở đấy dòn mà mềm và xốp nữa, cắn là ngập cả mướu răng, thật là đã. Nói chung thì trái cây ở khu miệt vườn KếSách chỉ sản xuất đủ cho nhu cầu trong tỉnh chứ không nhiều để xuất ra khỏi tỉnh.

Kế tiếp đây, xin nói về ngư sản cá tôm. Cũng vì địa thế đặc biệt của tỉnh nào là nằm trong vùng châu thổ, phía bắc là sông hậu giang chảy ra biển, phía đông là bờ biển nên Sóc Trăng có 3 loại cá: Cá đồng, cá nước ngọt (sông cái), cuối cùng là cá biển. Bây giờ hãy nói về cá đồng trước, cá đồng có 5 loại chánh: cá lóc, cá trê (gồm trê vàng, trê trắng, trê dừa), cá rô, cá sặc (Sặc rằn to bằng bàn tay và sặc bướm nhỏ cở 3 ngón khép lại) và sau cùng là cá thác lác ngoài ra còn vài giống cá nhỏ nhiều xương nên ít người chịu ăn như: cá linh, cá rói, cá chốt, cá chạch, cá nốc mít v.v... nếu bắt được nhiều người ta bâm nhỏ cho vịt ăn hay chỉ làm phân trồng trọt, ngoài lượng cá vô biên còn tôm tép trên đồng nhiều vô số kể, ngoài ra còn có lương, rắn, rùa, làm món nhậu cũng hấp dẫn lắm. Người đánh bắt cá đồng thì không thể gọi là ngư dân hay ngư phủ được vì nghề chánh của họ là làm nông, việc đánh bắt cá là việc phụ thôi, họ thường đánh bắt vào ban đêm như giăng câu, bủa lưới, đóng đáy, đặt vó, đặt nò v.v...cá đồng rất mạnh và sống dai nếu bắt được nhiều họ sẽ bán cho nhà vựa, vựa sẽ chở ra tỉnh, hoặc chở về Saigòn. Chuyện nầy chỉ là chuyện làm quanh năm suốt tháng nên không bắt được nhiều cá lắm đâu, muốn bắt được nhiều là phải kể những vụ chụp đìa hay tát đìa vào khoảng tháng 2 hoặc 3 âm lịch mỗi năm. Tại sao phải rơi vào thời điểm nầy? Xin thưa đây là lúc các loại cá phải mưu sinh thoát hiểm tìm xuống ao, đìa vì nước trên đồng đều khô cạn sau 5 tháng không mưa. Số lượng cá bắt đợt nầy là quá nhiều, người nông dân phải nghĩ cách làm mắm, phơi khô và sẽ bán những sản phẩm nầy về sau, cũng nhớ chừa lại một ít để ăn trong lúc mùa vụ tới bắt đầu vào khoảng cuối tháng ba, khi cơn mưa đầu mùa trút nước thì cũng là lúc bức tranh thủy mặc đồng quê rất sống động nhộn nhịp bắt đầu " Rủ nhau đi cấy, đi cày. Bây giờ khó nhọc có ngày phong lưu. Trên đồng cạn, dưới đồng sâu. Chồng cày, vợ cấy, con trâu đi bừa". Đây cũng là hình ảnh "Quê hương trong trí nhớ" của mọi người Việt ở hải ngoại trong những đêm trằn trọc, khoắc khoải khó ngủ.

Phần cá đồng coi như tạm đủ, tôi xin kể tiếp theo là cá nước ngọt (cá sông cái). Cá sông cái phần lớn là loại cá da trơn như cá tra (basa), bông lau, cá dứa v.v.. cá nầy sinh sản rất mạnh nên vùng Châu Đốc hay Long Xuyên người ta vớt cá con bán lại các nông trại để tiếp tục nuôi thêm 9,10 tháng nữa thì cá đủ sức lớn rồi bán sẽ có được nhiều tiền. Nhiều nông trại nuôi rất dơ, mất vệ sinh lắm, chuyện nầy ai cũng biết nên miễn bàn. Cá basa nếu đánh bắt được từ sông cái, đem nấu canh chua trong lẩu để được nóng luôn luôn ăn với bún thì tuyệt lắm đó. Ngoài loại cá da trơn, có nhiều loại cá có vẩy lớn rất ngon thịt như cá chép, cá chẻm, cá he v.v...Đặc biệt cái nữa là khoảng sông từ Trà Ôn đến Đại Ngãi, khúc sông nầy lại có một loại cá lạ tên là cá Cháy, cá nầy vẩy màu bạc, mình cá có nhiều xuơng nhỏ, nên người ta sau khi làm sạch thì cắt đôi, nấu canh mẵn ( mằn mặn ) mà thôi, thì vô tình người ta khám phá ra rằng cái nước canh nầy có vị ngon ngọt lạ kỳ nên người ta nghĩ cách chan nước canh vào tô bún, có rau ghém, có xoài tượng xắt sợi thì ăn rất ngon và sau đó món cá cháy nầy được nổi danh sau khi một bản nhạc nào đó vào đầu thập niên 1960 có lời như sau" Về SócTrăng ăn cá cháy...".Và cũng trên khúc sông nầy ngư dân thường đánh bắt được nhiều tôm càng xanh rất to, khoảng 2 hoặc 3 con thì cân nặng 1 ký. Tôm càng xanh phải nói là làm món gì cũng ngon hết, bởi vậy người đời ai cũng chuộng nên có câu là "bán lẹ như bán tôm tươi".

Tôi thử kể vài món dễ làm mà ăn thật ngon nghen.

 Thứ nhất: đem hấp chín, chẻ đôi ăn với mayonnaise;

Thứ hai: ăn theo cách nhà quê nướng trên bếp than, lấy xuống lột vỏ chấm muối tiêu chanh;

Thứ ba: cũng nướng, sau đó trộn gỏi ngó sen;

thứ tư: các bà thường nướng, cắt khoanh để lên tô bún có rau ghém, đậu phụng rang (lạc rang) giả nhỏ, thêm một ít dưa chua, xong chan nước mắm pha ngọt;

 thứ năm: đem kho tàu, nước đỏ âu ăn với cơm nóng đôm ra dĩa;

thứ sáu: giả nhuyển làm chạo thì hết chê và còn làm được nhiều món nữa, bạn nào biết xin góp ý.

   Loại cá nói sau cùng là cá biển. Cũng vì địa thế đặc biệt của tỉnh tôi, nông nghiệp

phát triển mạnh nên ngư nghiệp phải kém đi đúng theo luật bù trừ, mặc dù bờ biển cũng dài lắm đó. Tại xã Trung Bình, đội ghe thuyền đi đánh cá không nhiều lắm và là loại tàu nhỏ nên khi ra khơi, không ra xa được vì vậy thu thập thường là cá nhỏ như: cá nục, mòi, bạc má, ngừ, thu, chim (trắng, đen), lưỡi trâu, mực v.v...thỉnh thoảng họ cũng bắt được cá lớn như cá gộc, cá đường cân nặng vài chục kílô, họ phải chở thẳng ra ST vì chỉ ở tỉnh mới tiêu thụ nổi lượng cá nầy.

Người Hoa rất thích thịt cá nầy, họ xào với rau cần tàu, cà chua hoặc vả nấu cháo, còn tôi không thích cá nầy lắm vì thịt rất lạt như thịt ức gà tây vậy. Ngoài cá ra còn có nhiều cua biển, nói cua biển, hồi nhỏ tôi cũng tưởng là cua nầy ở dưới biển, thật ra ở biển làm gì có loại cua to như ở Cà Mau, Bạc Liêu và Sóc Trăng, mà cua sống nhiều ở các con rạch chảy ra biển và cách biển một vài kilomét, đó là môi trường thích hợp nhất cho cua ở dưới nước và ba khía đeo trên thân cây.

Đặc sản sau cùng tôi muốn nói là những thức ăn, bánh trái đã tạo dấu ấn trong đầu mọi người khi nói về ST. Đầu tiên phải kể là lạp xưởng. Lạp xưởng hiệu Quảng Trân của ST trước 75 đã được tiếng ngon được bán khắp nước, ngày nay nhản hiệu nầy lại xuất cảng ra ngoại quốc, nơi nào có nhiều người Việt sinh sống. Nhưng nói nhỏ các bạn nghe: người dân chánh gốc ST, họ không mê hiệu nầy lắm đâu mà họ chỉ ưa chuộng loại lạp xưởng không tên, được làm tại Vũng Thơm (Phú Tâm) phải nói là ngon gắp bội. Ví dụ một buổi sáng, mưa gió bất thường, bà nội trợ (có thể là mẹ, chị, vợ hay người giúp việc) không thể đi chợ được thì bửa cơm trưa mọi người tạm được một quả trứng chiên ốp la và một thanh lạp xưởng Vũng Thơm rán chảo đặt lên đĩa cơm nóng, đạm bạc quá phải không quí bạn, nhưng rất ngon đó.

Cũng tại cái xứ Vũng Thơm nầy lại sản xuất 2 loại bánh rất ngon là bánh Pía và mè láu (2 tên bánh nầy gọi theo tiếng Quảng Đông). Bánh pía có thể gọi là bánh đậu nướng, chúng ta thấy nhiều vào dịp Trung Thu, bánh pía Vũng Thơm nhờ bảo quản tốt, có thể để lâu chừng khoảng 30 ngày nên bánh được bán khắp miền đất nước và xuất cảng ra ngoại quốc vào dịp tết Trung Thu. Mè láu là loại mì to sợi đem chiên, ngào với đường nén chặt lại, cắt thành thỏi vuông ăn rất ngon nhưng không thể giử được lâu (bị mốc), nên chỉ tiêu thụ trong tỉnh mà thôi.

Món ăn cuối cùng của ST rất nổi tiếng, ngay cả những nhà hàng thuộc loại bình dân bán nhiều món như ở CA hay TX đều có bán là bún nước lèo ST. Nguyên liệu chính để nấu bún nước lèo là cá lóc loại to (người miền Bắc gọi là cá quả?), mỗi con phải trên 1 kilogram, và cần vài con như vậy, làm sạch bằng cách thái bỏ vẩy, như vậy thái được luôn lớp da đen bao phía ngoài thịt, xong bỏ vào nồi nhôm lớn mà luộc, khi cá chín, vớt cá ra, rỉa lấy thịt nhớ rỉa miếng lớn mới thấy ngon, xong cho trở lại nồi nước, rồi thêm vào đấy nào là ngãi bún (có hình dạng giống như củ riềng nhưng củ nhỏ và dài như cọng bún nên gọi là ngãi bún) và sả nấu tiếp tục cho ra nước thơm xong vớt ngải bún và sả ra bỏ đi, nêm vào chút mắm sặc, nước mắm ,chút muối, chút đường phèn sao cho vừa miệng, như vậy là xong nồi nước lèo. Cách ăn thường được bà nội trợ bày biện như sau: cũng giống như món bún cari nghĩa là rau ghém bỏ dưới đáy tô, bắt bún để lên trên, cho cá trên mặt bún chan nước lèo đang sôi vào cho ngập mặt cá và cho thêm một thìa tương ớt (ớt, tỏi bâm nhuyễn ngâm dấm ), thế là quí bạn có một tô bún nước lèo ăn sáng rất ngon.

   Như tôi kể trên, bún nước lèo nguyên liệu chính là cá lóc nên giá bán của tô bún rẻ tiền hơn nhiều so với tô phở, tô mì hay tô hủ tiếu và cũng vì ngon, rẻ nên được mọi người đều ưa thích. Cũng vì biết thế, nhiều người dân ST mang chuông đi đánh xứ người đem món quê hương về SaiGon mở quán. Nói tới SG mà không nói tới khẩu vị của người SG thì là thiếu sót, khẩu vị của dân SG kỳ lắm các bạn ạ, dường như ảnh hưởng nặng của chú ba trong ChoLon sao đó, thích ăn béo nhiều dầu mỡ. Món bún nước lèo quê tôi khi về SG thì bị dân nơi đây đòi hỏi phải có vài miếng thịt heo quay nữa, đặt trên mặt với cá và phải là miếng thịt quay ở cạnh sườn mới được, nghĩa là có đủ: thịt, da, mỡ, xương. Sự đòi hỏi phi lý của người thành đô đã làm mất đi hương vị khởi nguyên của tô bún nước lèo và sự đau lòng người dân Sóc Trăng không ít.

                                                                                                                                                                                         

NGUYỄN  QUÂN.

up

AcDieu
Google Search:       
RFI
Nguoi_Viet
RFA
Quan_Su_VNCH
Quân Sử VNCH
Voa_tieng_Viet
msn
BBc_Tieng_Viet
Dan_lam_bao
Radio_VNHN

TIME