AcDieu225
Co Vang amazon Tammy

Free Hit Counters
Web Site Hit Counters

Khách viếng thăm

Translate

Powered by Translate

cam-on-anh_TPB (2).jpg

Tầu – Mỹ Lên Gân Trên Biển Đông

Vũ Linh

bien _dong

Biển Đông -

Với một tỷ rưỡi chú Ba thở vào gáy, Nhà Nước ta sẽ không còn lựa chọn nào khác hơn là đi theo hướng bắc...

Nếu Mỹ tiếp tục cản trợ thì việc phải đến sẽ đến, tức là sẽ xẩy ra chiến tranh giữa TC và Mỹ. Đó là cảnh cáo của The Global Times (Hoàn Cầu Thời Báo), cơ quan ngôn luận của đảng CSTQ. Trong một bài nhận định mới đây, tờ báo khẳng định việc xây căn cứ, phi đạo, bến cảng, cũng như bồi đắp đất trên vài hòn đảo trong vùng Hoàng Sa – Trường Sa là những việc làm “cần thiết để bảo toàn lãnh thổ Trung Cộng, trên đất liền cũng như trên tất cả các đảo trong vùng biển Nam Hải”. TC đã chính thức cảnh cáo Mỹ không được cho máy bay thám thính bay trên các đảo của TC để chụp hình, nếu tiếp tục, TC sẽ có biện pháp.

Một ngày sau, Mỹ cho phổ biến một loạt hình chụp cảnh sinh hoạt trên một trong những hòn đảo đó, với đầy đủ ghi chú đâu là đất mới bồi đắp, đâu là phi đạo, đâu là kho hàng, bến tàu,... Thậm chí còn có cả hình đại bác.

Theo dõi tình hình thời gian qua, ta thấy dường như đã có một sự leo thang trong màn “lên gân” của cả hai bên. Tình trạng càng ngày có vẻ càng căng thẳng đã đưa đến nhiều lời bàn trong truyền thông Mỹ cũng như Việt tỵ nạn.

Kẻ viết này cũng muốn bàn góp. Nhưng phải nói ngay, kẻ viết này không phải là chiến lược gia quân sự, không phải là chuyên gia về chính trị TC, cũng chẳng phải là thầy bói chuyên đoán vận mạng thế giới. Chỉ là một phó thường dân tỵ nạn, góp bài cho quý độc giả đọc cho có chuyện bàn thôi. Đúng sai là chuyện khác. Độc giả thắc mắc, có thể giữ bài này vài năm nữa đọc lại chơi.

Nhìn vào những vụ “lên gân” từ bấy lâu nay, nhiều người liên tưởng đến chuyện Đông Tà Tập Cận Bình và Tây Độc Ô Ba Ma đang vận nội công để chuẩn bị ác chiến. Từ đó họ lo ngại sẽ có màn gió tanh mưa máu giữa đôi bên. Nhưng vấn đề là cả hai bên đã vận nội công từ cả mấy năm nay rồi, cho đến nay, vẫn là vận nội công, chưa ai thấy bên nào ra chiêu cả, đâm ra sốt ruột.

Nói chơi vậy chứ thật ra chẳng ai sốt ruột muốn hai đại cường đó đánh nhau thật. Nhất là dân Việt ta, cho dù ta có cái “may mắn” ngồi ghế hạng nhất để xem trận đấu. Trâu bò húc nhau mà ta đứng sát quá thì khó tránh u đầu sứt tai.

Tình trạng hiện nay chưa có triệu chứng gì là sẽ có đại chiến giữa hai đại cao thủ này. Nhưng bàn ra tán vào thì vô số kể. Đủ loại khuynh hướng, từ chắc chắn có chiến tranh cho đến chắc chắn không có chiến tranh, mỗi người hai ba ý. Toàn là ý của các chuyên gia.

Một tờ báo Anh đăng bài của một giáo sư Anh, thuộc Đại Học Temple University bên Nhật, lo ngại TC hiểu lầm lớn, nghĩ Mỹ là cường quốc hết thời mà không ý thức được Mỹ bắt buộc phải có lằn ranh giới hạn nào đó. Từ đó, có nguy cơ TC coi thường Mỹ quá mức, bước qua lằn ranh ép Mỹ phải ra tay. Thế là có chiến tranh lớn.

Nhận định của ông giáo sư này chỉ đúng phần đầu, là phần Mỹ đang tuột dốc, mất thế đại cường, vì lãnh đạo không viễn kiến cũng chẳng có sách lược rõ ràng, lại yếu đuối, không phải loại cao bồi Texas.

Phần không đúng là chuyện lằn ranh. Tại Syria trước đây, TT Obama đã dọa tới hù lui cái mà ông gọi là “red line”, lằn ranh đỏ. Để rồi khi TT Assad đạp qua lằn ranh đó, thì TT Obama mau mắn núp sau lưng TT Putin xoá lằn ranh ngay. Bây giờ, TT Obama rút bài học, không vạch lằn ranh nữa. Có lằn ranh mà còn né được thì không có lằn ranh dĩ nhiên chẳng có cớ gì can thiệp nữa.

Một nhà báo phân tích những “tử huyệt” của TC và tiên đoán Mỹ đánh vào đó là TC chết tươi ngay. Một kịch bản may ra Kim Dung sẽ mượn để cập nhật truyện Võ Lâm Ngũ Bá.

Năm 2011, TC bắn rớt một máy bay gián điệp của Mỹ đang bay quá gần đảo Hải Nam. Phản ứng của TT Obama? Xin lỗi và ra lệnh máy bay Mỹ không được bay quá gần nữa. Bây giờ, nếu TC thực hiện lời đe dọa, bắn rớt máy bay gián điệp Mỹ thì ta có thể mường tượng tình trạng tương tự thôi.

Bản tính của ông tổng thống Nobel Hoà Bình là vậy. Làm khác đi sẽ phụ lòng mấy ông Hàn Lâm Na Uy. Thực tế mà nói, Mỹ cũng chẳng có lý do gì can thiệp. Đảo Guam cách Biển Đông cả mấy ngàn dặm. Hạ Uy Di lại còn cách Guam cả mấy ngàn dặm nữa. Đâu có gì đe dọa trực tiếp quyền lợi và an toàn lãnh thổ đâu?

Trong hai đối thủ, quan điểm của Mỹ quá rõ, không cần phải bàn thêm. Tuyệt đối không có lý do gì Mỹ đánh TC vì vài hòn đảo Biển Đông. Cùng lắm, nếu TC động thủ chiếm hết các đảo Hoàng Sa và Trường Sa của VN, Phi và các nước khác, thì Mỹ sẽ lên tiếng phản đối ồn ào, trừng phạt tượng trưng như đã làm với Nga khi Putin chiếm Crimea của Ukraine. Cấm bà ca sĩ vợ ông Tập qua hát bên Mỹ chẳng hạn. Hết.

Một nhà báo tỵ nạn nhận định thủ tướng NTDũng trong ngày 30-4 vừa qua, đã chửi Mỹ nặng quá, Mỹ giận, sẽ không thèm can thiệp để cứu CSVN. Chỉ là một nhận định ngây thơ. Võ miệng cho quần chúng nghe chưa bao giờ là căn bản cho các quyết định chính trị quốc tế. Mỹ sẽ không cứu CSVN, nhưng không phải vì ông Dũng chửi Mỹ.

Mới tuần qua, được hỏi về việc ISIS chiếm Ramadi, ông phát ngôn Tòa Bạch Ốc thẳng thừng trả lời “đó là chuyện của Iraq”. Con đẻ đang hấp hối mà vẫn ngó lơ, làm sao có chuyện nhẩy vào cứu cựu thù? Ngày trước lính Mỹ chết vì đánh VC, bây giờ chẳng lẽ lính Mỹ lại chết để cứu VC? Cho dù là trong chính trị, chuyện bạn hay thù chỉ là vấn đề thời điểm.

Lịch sử cận đại chứng minh Mỹ rất sợ TC, cho dù là Cộng Hòa hay Dân Chủ. Ngày trước, TT Johnson vừa đánh VC vừa dòm chừng TC nên mới thua. Chứ nếu không sợ TC, đổ bộ vài sư đoàn vào Hải Phòng thì cuộc chiến đã có một kết cuộc khác rồi.

Ngoài cái “sợ” đó ra thì Mỹ cũng không có khả năng hay ý chí mở thêm mặt trận tại Á Châu chống lại một đại cường như TC. Đánh ba anh khủng bố rởm ISIS chưa xong, làm sao đánh nhau với TC?

Một ông tướng Mỹ đã tuyên bố Mỹ có thể phá tan toàn bộ không quân và hệ thống phòng không của TC và chiếm Bắc Kinh trong vòng vài tuần. Thuần túy trên phương diện khả năng quân sự, có thể là đúng, nhưng chưa chắc. Phải đợi đến khi xẩy ra mới biết chắc. Mấy ông tướng Mỹ mắc bệnh nổ là bình thường. Mà cho dù đúng thì cũng như tình trạng Iraq thôi. Chiếm Baghdad và đuổi Saddam đi trong vòng vài tuần thật. Nhưng rồi cuộc chiến cho đến 12 năm sau vẫn nóng bỏng. TC lớn bằng gần 40 lần Iraq, có nghiã là chiếm Bắc Kinh xong thì vẫn phải đánh nhau với TC hơn nửa thế kỷ là ít. Đố tổng thống Mỹ nào dám làm?

Nhìn về phiá TC, tình hình rắc rối, khó đoán hơn vì không ai biết nhiều về ông Tập Cận Bình. Cho đến nay thì thấy ông này tham vọng hơn người, muốn leo lên đỉnh Hoa Sơn uống trà với bác Mao và đánh cờ với bác Đặng, chứ không chịu ngồi hàng dưới cùng với những Hồ Cẩm Đào hay ngay cả Giang Trạch Dân.

Có hai cách leo lên đỉnh Hoa Sơn. Một là theo sách vở của Mao, dẫm lên xác các đồng chí. Đó là việc họ Tập đang làm với nhóm Bạc Hy Lai và Chu Vĩnh Khang, lấy cớ là bài trừ tham nhũng. Hai là theo mô thức họ Đặng, nhét tiền vào miệng thiên hạ theo chủ trương “làm giàu vinh quang” thay vì “lao động vinh quang”. Họ Tập cũng theo chủ trương này luôn. Có nghiã là con đường hoan lộ của ông có cả cương lẫn nhu.

Đối với Biển Đông, họ Tập có chính sách hung hăng hơn các tiền nhiệm nhiều. Tạo một địch thủ ở ngoài để củng cố địa vị nội bộ là sách lược đã có từ Tần Thủy Hoàng. Hơn nữa, đại lãnh tụ cả nước Tầu cũng phải có tư thế đại ca trong Biển Đông chứ. Dù vậy, TC cũng sẽ không ra tay đáng thẳng vào Mỹ, Guam hay Hạ Uy Di, vì chẳng có lý do gì. Mà cũng chẳng dại gì đánh thẳng vào các nước đang tranh dành các quần đảo như Phi Luật Tân, Nam Dương, Mã Lai và Việt Nam…

Thời buổi này không còn là thời buổi của Hitler hay Tojo nữa. Không còn chuyện mang quân đi chiếm đất nữa, không kể những nhóm khủng bố như ISIS. Ngay cả trong vụ Crimea tại Ukraine, Putin chỉ đốc xúi đám dân gốc Nga nổi dậy, rồi sát nhập vào Nga qua một cuộc trưng cầu dân ý mà kết quả chắc chắn là phe thân Nga sẽ thắng, không cần phải gian lận phiếu vì 80% dân vùng đó là dân gốc Nga.

VN hay bất cứ xứ Đông Nam Á nào khác đều không có Crimea. TC không thể áp dụng kế sách của Putin tại những xứ này. Càng không thể mang quân ồ ạt tràn qua Lào Cai, Lạng Sơn để chiếm Việt Nam, cho dù CSVN đã xây xa lộ thẳng tới Hà Nội. Xe tăng Tàu có thể tới Hà Nội khi Bộ Chính Trị chưa kịp chào hỏi nhau xong. Ông Tập Cận Bình không dại gì nuốt miếng thịt quá lớn như vậy, sẽ mắc nghẹn mà chết. 90 triệu người chứ ít sao?

Thế giới bây giờ là thế giới của quyền lợi kinh tế. Một Việt Nam như bây giờ, trên thực tế hoàn toàn trong vòng “ảnh hưởng và quyền lợi kinh tế” của TC, có lợi cho TC hơn nhiều. Muốn bauxite có bauxite, muốn gỗ rừng có gỗ rừng, muốn hải cảng có hải cảng. Thậm chí mấy chú Ba muốn vợ Việt cũng có vợ Việt. Không tốn một viên đạn, đánh làm gì nữa?

Thế thì tình trạng Biển Đông sẽ đi đến đâu?

Trước mắt, những chuyện đang xẩy ra sẽ tiếp tục. Các phe tiếp tục đấu đá nhau bằng võ miệng, thỉnh thoảng bắn qua bắn lại vài phát, đồng thời kêu gọi giải quyết tranh chấp trong hoà bình, thương thảo. Quốc Dân Đảng Đài Loan đã kêu gọi các quốc gia trong vùng tranh chấp ngồi lại cùng nhau vẽ kế hoạch khai thác Biển Đông vì quyền lợi chung, chia sẻ lợi nhuận với nhau.

Nhưng TC sẽ lẳng lặng tiến hành kế hoạch gặm nhấm. Một mặt cũng cố các đảo đã chiếm, lập bãi đáp, xây bến tàu, đóng quân, kể cả làm những chuyện ruồi bu như lặn xuống đáy biển cắm cờ TC để xác nhận chủ quyền của mình từ dưới thềm biển. Mặt khác, tiếp tục kéo lê dàn khoan tìm dầu, chỗ nào không có dầu thì bỏ, chỗ nào có dầu thì chiếm, rồi cắm cờ, xây sân bay, v.v...

Kế hoạch gặm nhấm sẽ lan từ những hoang đảo chưa có ai cắm cờ trước, rồi sẽ đến những đảo đã có cờ rồi, của bất cứ xứ nào khác.

Khi có đụng độ thì tùy cơ ứng biến, “mềm nắn, rắn buông”.

Xung đột nhẹ vì quyền lợi còn nhỏ, một hòn đảo nhỏ hay một mỏ dầu nhỏ, thì dùng sức mạnh khống chế, gọi là “nắn”, đánh chìm vài cái tầu hải quân đối nghịch, hay bắt vài cái thuyền đánh cá dân sự. Trong cả Đông Nam Á, chẳng có ai là đối thủ của TC hết. Kể cả Việt Nam. Nhà Nước ta có mua thêm vài cái tầu ngầm năm-bẩy “ký lô” của Nga hay Ấn Độ, hay nhận được giấy phép mua súng ống của Mỹ, hay mời được Mỹ đến huấn luyện vài anh thợ lặn tại Cam Ranh, thì cũng chỉ là chuyện đăng báo cho vui, chứng tỏ các lãnh đạo của ta và Mỹ cũng biết binh nhiều đường. Ít ra thì cũng có thể đối phó với những xung đột nhỏ, cục bộ. Để có tiếng là đã chống lại hải quân “lạ” (sương mù quá không nhìn rõ cờ!).

Dĩ nhiên, TC đã và sẽ ký cả mớ hiệp ước. Nhưng hiệp ước đối với TC cũng chỉ giá trị như Hiệp Định Ba Lê với CSBV mà thôi.

Nếu có mâu thuẫn nặng hơn, tranh dành một hòn đảo lớn hơn, nằm trong vị trí chiến lược quan trọng, hay có mỏ dầu lớn hơn, thì với chiều hướng “văn minh hiếu hòa hiện đại”, có nhiều triển vọng ông Tập sẽ khôn khéo hơn, tức là sẽ “buông”, điều đình với đối phương, đề nghị một phương thức hợp tác “hữu nghị”. TC với nguồn tài nguyên và khả năng kỹ thuật dồi dào hơn, sẽ đóng vai đại huynh rộng lượng, nhận trách nhiệm khai thác nguồn lợi chung, rồi chia sẻ với các đối tác tiểu đệ nguồn lợi kinh tế. Hợp tác song phương, trên nguyên tắc thì lưỡng lợi, nhưng trên thực tế, TC sẽ lãnh phần lớn trách nhiệm cũng như phần lớn lợi lộc. Đàn em cũng được ké phần mà không bị mất mặt hay mang tiếng mất chủ quyền, bán nước, hay khiếp nhược.

Tuy không phải 50/50 nhưng cũng được chia 80/20, có khi may mắn được 70/30, với TC chiếm phần lớn hơn. Tuy những anh VN, Phi lỗ nặng, nhưng cũng còn đỡ hơn bị mất cả chì lẫn chài trong một cuộc chiến quân sự với TC.

Nói chung, cả hai bên Mỹ - TC sẽ không động thủ vì cả hai đều là... cọp giấy. Trống rỗng kêu to. Mỹ thì phân hoá nội bộ, quả tạ Iraq, Afghanistan và khủng bố vẫn còn, kinh tế èo uột, nợ ngập mũi. TC thì chính trị đang có xào xáo gia cang, kinh tế đang đu giây giữa bất quân bình điạ chính, và bất quân bình lợi tức ngày càng trầm trọng.

Chưa kể chuyện con số vài ngàn tỷ công khố phiếu Mỹ mà TC đang nắm là sợi dây thừng cột chặt Mỹ và TC vào với nhau. Bất cứ hành động phiêu lưu nào của bất cứ bên nào, làm mất giá công khố phiếu thì cả hai bên đều bị bầm dập.

Thế giới, kể cả Nhật là xứ rất lệ thuộc vào tự do đi lại trên Biển Đông, cũng chẳng có lý do gì can thiệp. Vì cho dù TC chiếm hết cả Trường Sa và Hoàng Sa thì mọi việc vẫn không có gì thay đổi trong vùng Biển Đông. Tàu bè, máy bay quốc tế vẫn qua lại như bình thường thôi. Cùng lắm, TC sẽ vẽ lại vài hành lang giao thông, “mời” các tàu biển và máy bay đi xa khỏi mấy yếu điểm chiến lược thêm vài chục dặm. TC sẽ không dại gì gây khó dễ cho thế giới một cách vô bổ.

Bài toán đố này còn một ẩn số nữa là Nga!

Tham vọng tái lập đế quốc Nga của Putin quá rõ, chưa kể đến việc thời gian qua, Nga và CSVN đã có những quan hệ rất tốp đẹp. Khó cho Nga ngồi yên nhìn em VN lọt vào vòng tay bác Tập. Nhưng khó hơn nữa là nghĩ ra giải pháp kéo ra khỏi vòng tay đó vì Nga ở quá xa lại còn quá yếu chưa có khả năng lên đỉnh Hoa Sơn luận kiếm.

Nga đang bị kìm hãm bởi các biện pháp trừng phạt của Mỹ và Tây Âu sau khi chiếm Crimea. Ở đây, ta phải nhìn rõ, những biện pháp này không phải là nhắm trừng phạt chuyện Crimea, mà thật ra Crimea đã tạo cơ hội cho Mỹ và Tây Âu áp dụng những biện pháp lâu dài chặn đứng con đường phục hưng của đế quốc Nga. Crimea là diện, đế quốc Nga mới là điểm.

Chỉ còn hy vọng Nga và TC đang có chính sách thân thiện, cùng nhau chống Mỹ, nên Putin sẽ bỏ nhỏ vài tiếng với họ Tập nên nể mặt nhau, nhẹ tay với cô em VN thôi.

Nhìn chung, cả ba đại cường Mỹ, TC và Nga đều đang bất ổn, do đó trong tương lai gần, tình trạng Biển Đông sẽ ổn định trong cái bất ổn đó. Vài đụng độ lai rai, nhưng không thể có đại chiến.

Rồi còn VN ta thì sao?

Một số không nhỏ dân tỵ nạn thầm mong Mỹ đánh TC thật để giúp VN, mặc dù là VNCS đi nữa, để VN vẫn có thể giữ chủ quyền trên Hoàng Sa và Trường Sa. Biết đâu sẵn trớn Mỹ thắng, TC thua, sẽ kéo theo luôn sự xụp đổ của chế độ CSVN và dân tỵ nạn ta sẽ có dịp về lại quê hương.

Rất đáng tiếc đó chỉ là hy vọng không thực tế.

Mỹ sẽ không đánh TC vì VN. Vạn bất đắc dĩ, chỉ can thiệp nếu có chiến tranh giữa TC và Phi vì Phi có hiệp ước liên minh quân sự với Mỹ. Dù vậy, thì vẫn có nhiều triển vọng Mỹ sẽ không đi xa hơn việc gia tăng viện trợ súng đạn, hay cố vấn quân sự, trừ phi đại chiến TC và Phi xẩy ra.

Trong kịch bản TC-Phi-Mỹ đại chiến rất ít xác xuất xẩy ra này, cái kết quả hiển hiện là VN sẽ bị họa lây. Chính quyền CSVN, nếu không ra lệnh tổng động viên, thì cũng lấy lý do an ninh, ban bố tình trạng khẩn trương toàn quốc, siết chặt bộ máy công an hơn, chỉ làm khổ dân thêm thôi. Đó là trường hợp lạc quan nhất, khi cuộc chiến chỉ xẩy ra ngoài khơi, xa tít mù.

Trường hợp bi quan hơn, khi TC hay Mỹ bắt ép VN phải dứt khoát đứng về một phe, bắt phải cho mượn phi trường, hải cảng chẳng hạn, thì Nhà Nước ta sẽ kẹt trong thế trên đe dưới búa, có dịp ca bài Tiến Thoái Lưỡng Nan của ông nhạc sĩ họ Trịnh. Theo Tầu thì còn Đảng mà có thể mất nước, theo Mỹ thì Đảng mất mà chưa chắc nước còn.

Vì bản năng sinh tồn, với một tỷ rưỡi chú Ba thở vào gáy, Nhà Nước ta sẽ không còn lựa chọn nào khác hơn là đi theo hướng bắc. Trông cậy vào Mỹ sẽ có ngày biến thành dân... tỵ nạn đợt hai. Tin tưởng vào ASEAN thì đi bán muối nhanh hơn nữa. Chỉ có cách là hân hoan làm “đối tác thiểu số” với bác Tập để vẫn có dịp khẳng định quyết tâm bảo toàn chủ quyền trên các quần đảo, nhưng trong tinh thần toàn cầu hoá thời thượng hiện nay, mở cửa đón đối tác để cùng nhau khai thác nguồn tài nguyên thiên nhiên trong hoà bình. (31-05-15)

Vũ Linh

Nguồn: http://vietbao.com/p112a238399/tau-my-len-gan-tren-bien-dong

up

AcDieu
Google Search:       
RFI
Nguoi_Viet
RFA
Quan_Su_VNCH
Quân Sử VNCH
Voa_tieng_Viet
msn
BBc_Tieng_Viet
Dan_lam_bao
Radio_VNHN

TIME