AcDieu225
Co Vang amazon Tammy

Free Hit Counters
Web Site Hit Counters

Khách viếng thăm

Translate

Powered by Translate

cam-on-anh_TPB (2).jpg

Bật Mí những Bí mật Quốc Gia

                                            Des secrets d’état?

                                           Des tas de secrets.

                                          —–Fernandel, comédien

   Đào Viên

 1. Hương Cảng

Hôm ấy là ngày thứ Sáu 24 tháng Năm 2013, trong phòng một khách sạn hạng sang tại Cửu Long (Kowloon) Hương Cảng là một chàng thanh niên Hoa Kỳ 29 tuổi, đẹp trai, thông minh, ai không biết thì nghĩ anh này phải trẻ hơn thế nhiều.

Anh đến Hương Cảng không phải là để du lịch cho thoải mái sau nhiều năm tháng làm việc mỏi mệt. Ngược lại, anh đến đây với một tâm trạng rất lo âu, phiền muộn. Anh đã bỏ lại sau lưng một đời sống sung túc, một công việc thích thú, một người yêu rất thương anh, mà lao vào một cuộc phiêu lưu anh không nắm chắc, có khi sôi hỏng bỏng không, rất có thể nguy hiểm đến tính mạng.

bat-mi-nhung-bi-mat-quoc-gi

Một cái “thumb drive”

Anh đã từ Hoa Kỳ bay sang Hương Cảng bốn hôm trước, mang theo trong số hành lý, bốn cái máy vi tính lap-top, rất nhiều đĩa và nhiều “cục chứa bộ nhớ” – “thumb drives” – trong đó chứa cơ man nào những thông tin, những dữ kiện mà anh đã lấy cắp được từ chính phủ Hoa Kỳ, những thông tin mà anh nghĩ đã chứng tỏ chính phủ của anh đã làm những điều phạm pháp, không ai biết.

Tên anh là Edward Snowden.

Hôm ấy là ngày rất quan trọng: Anh có hẹn với hai phóng viên nhà báo – mà anh rất tin tưởng – để đưa lại những tài liệu bí nật quốc gia mới đánh cắp, anh không thể giữ được. Anh kéo màn kín các cửa sổ nhìn xuống đường, dùng gối chặn các khe hở dưới cửa, đề phòng người ngoài nghe lén. Trong đầu anh, nhiều câu hỏi dồn dập đưa đến:

 – Người phóng viên nhà báo có đến không? Bao giờ có điện thoại gọi đến?

-Công ty anh đang làm việc đã phát giác ra việc anh mất tích chưa?

– Cơ quan Tình Báo Trung Ương (CIA, Central Intelligence Agency), Cơ quan An Ninh Quốc Gia (NSA, National Security Agency) đã biết anh đã đánh cắp những tài liệu nào rồi?

– Nếu chuyện này không thành thì anh sẽ phải đi đâu để tránh khỏi bị dẫn độ về Hoa Kỳ?

-Liệu anh có thể bị ám sát hay thủ tiêu không?

 

2. Ba nhà báo

Tất cả mọi chuyện bật mí những bí mật quốc gia mới bắt đầu khoảng nửa năm trước. Người đầu tiên Edward Snowden liên lạc để tìm cách để đem ra công khai những bí mật của CIA và NSA là ông Glenn Greenwald, 47 tuổi, người Hoa kỳ, một luật sư, rồi trở thành một nhà báo. Tên tuổi ông Greenwald được nhiều người biết đến qua những bài viết trên nhật báo bên Anh, The Guardian, hay trên những trang mạng xã hội về những hành xử quá đáng của chính quyền muốn kiểm soát người dân.

bat-mi-nhung-bi-mat-quoc-gi

Ông Glenn Greenwald

Sáng ngày 1 tháng 12, 2012, Greenwald nhận được một điện thư (e-mail) rất kỳ lạ từ một người không quen biết. Người viết nói rằng anh ta có một số thông tin rất đáng chú ý cho ông Greenwald. Anh ta trước hết hỏi nhà báo đã có một cái “mật ước cá nhân” chưa, để hai người nói chuyện riêng, người ngoài không biết được. Mật ước cá nhân, tiếng Anh là :Pretty Good Privacy”, hay PGP key, là một nhu liệu dùng để mật hóa và giải mật những tài liệu riêng tư.

Glenn Greenwald, khi đó đang nghỉ mát tại Rio de Janeiro, xứ Á Căn Đình, thấy chuyện kỳ cục, bỏ qua không trả lời. Anh chàng kia không thối chí, gửi tiếp cho nhà báo một tài liệu, vừa chữ viết, vừa video, dạy cách mật hoá và giải mật các tài liệu. Greenwald đang nghỉ mát thấy rắc rối quá – anh chàng bí mật kia là ai? tài liệu gì mà có vẻ bí mật vậy? lại phải ngồi học một nhu liệu qua video ư? – bèn không nói chuyện nữa. Thế là anh chàng kia biến mất luôn.

Sang tháng Giêng đầu năm 2013, bà Laura Poitras, người Hoa kỳ, 50 tuổi, là một nhà làm phim ảnh cũng nhận được một điện thư tương tự. Bà Poitras đã là một nhà tranh đấu chống những chính sách kiểm soát người dân của chính quyền. Bà đã từng bị khám xét, bị câu lưu và có tên trên bảng phong thần “watch list” của chính phủ. Bà cũng đã được ông Glenn Greenwald bênh vực trong các bài viết đăng trên các trang mạng xã hội. Bởi vậy anh chàng bí mật kia mới biết tên bà mà gửi điện thư đến.

bat-mi-nhung-bi-mat-quoc-gi

Bà Laura Poitras

Laura Poitras đã có sẵn PGP. Tuy nhiên người bí mật muốn Poitras phải có thêm một tầng mật hoá/giải mật nữa cho chắc ăn. Anh ta viết: “Tôi là một nhân viên cao cấp trong ngành tình báo. Nói chuyện với tôi không phải là một chuyên vô ích làm mất thì giờ của bà đâu”.

Poitras không phải là người dễ tin, đã trả lời: “ Tôi không biết ông là ai, có thật đáng tin không, hay chỉ là một gã điên hay đang muốn giăng tôi vào bẫy”. Ngay lập tức bà nhận được câu trả lời: “Tôi sẽ không hỏi bà bất cứ điều gì, ngược lại bà sẽ biết rất nhiều điều bà muốn biết”.

Pointras hỏi ngược lại có phải người viết đã được xem hồ sơ của chính phủ về bà không? “Không. tôi không biết có hồ sơ ấy”. Con người bí mật nói là anh ta liên lạc với bà Poitras vì biết rằng bà đang bị chính quyền theo rõi, một chính quyền đang làm những việc phạm pháp, phải nói cho mọi người biết. Anh ta viết: “Tôi nghĩ rằng bà không ưa hệ thống chính quyền này. Những chuyện tôi có trong tay, chỉ mình bà mới có thể nói lên được thôi

Poitras thấy chuyện này có thể tin được, nhưng thấy có nhiều khía cạnh chưa ổn. Bà cần lời khuyên của bạn hữu về pháp lý, có hiểu biết hơn về vấn đề an ninh quốc gia. Đầu tháng Hai, 2013 Poitras liên lạc với nhà báo Barton Gellman, một nhà báo hay viết về vấn đề An ninh Quốc gia cho tờ The Washington Post, và đã từng được giải thưởng Pulitzer, ngành báo chí.

Hai người liên lạc với nhau bằng điện thư đã được mật hóa, để giữ bí mật. Họ hẹn gặp nhau ở một quán cà phê phía Tây thành phố Nữu Ước. Từ quán cà phê này, họ lại đi bộ đến một quán cà phê khác để tránh tai mắt mọi người. Sau cuộc thảo luận phân tách mọi khía cạnh, hai người đồng ý đây là một chuyện có thật.

Poitras tìm cách gặp người bạn thâm niên, cùng chí hướng là Glenn Greenwald – khi đó đang về Nữu Ước dự một phiên họp – tại một khách sạn. Poitras nhắc Greenwald là đến khách sạn để gặp nhau, thì không được mang theo trên người máy điện thoại cầm tay (cell phone) vì bà biết rằng NSA có thể nghe lén cuộc nói chuyện của hai người bằng cách biến cái điện thoại cầm tay thành một cái máy thu âm (microphone), dù rằng điện thoại chưa mở lên.

bat-mi-nhung-bi-mat-quoc-gi

Ông Barton Gellman

Sang tháng Ba 2013, Barton Gellman cũng bắt đầu liên lạc bằng mật mã với con người bí mật, có bí danh là “Verax” (tiếng La Tinh là người nói thật). Verax cho biết anh ta có một số tài liệu bí mật của chính phủ muốn truyền cho nhà báo. Quả nhiên vài tuần sau, Gellman nhận được một bản tin viết bằng PowerPoint trình bầy cặn kẽ một chương trình có tên là “Prism”, là một nhu liệu của NSA dùng để lấy cắp những dữ kiện của các công ty kỹ thuật số như Google, Microsoft, Facebook…

Barton Gellman thấy ngay đó là một thùng thuốc nổ, bèn đến The Washington Post trình bầy mọi chuyên với ban giám đốc, các biên tập viên để mọi người nhập cuộc. Verax muốn là tờ Washington Post đăng ngay chương trình “Prism”trong vòng 72 tiếng (3 ngày), nhưng Gellman không chịu hứa làm theo, mà cho rằng tòa soạn cần thêm thì giờ để kiểm chứng Prism là đồ thật.

Trong khi đó Verax vẫn giữ liên lạc với Poitras, và theo đó là Glenn Greenwald.

3. Đi Hương Cảng.

Cuối tháng Năm, 2013, con người bí mật yêu cầu mọi người bay sang Hương cảng để gặp mặt và nói chuyện. Anh ta không thể mang trong người những bí mật quốc gia mà ở lại Hoa Kỳ được; anh phải xuất ngoại, nơi đến là Hương Cảng, là nơi anh hy vọng khỏi bị trục xuất, dẫn độ về Hoa Kỳ.

Đến đây mọi chuyện trở nên rất phức tạp.

Vì Glenn Greenwald làm việc cho báo The Guardian, cho nên bay sang Hương Cảng là một chương trình nội bộ của The GuardianThe Guardian phải chấp thuận chuyến đi và đài thọ mọi phí tổn thì mới đi được. Ông Glenn Greenwald mới làm việc cho The Guardian bên Anh Cát Lợi không lâu, lại sang Brasil nghỉ trong một thời gian khá dài. Cho nên tại tòa báo đại diện The Guardian ở Nữu Ước, Hoa Kỳ, không mấy ai biết ông ta là ai, nhất là chuyện sang Hương Cảng về một chuyện bí mật quốc gia này quá quan trọng, mấy ai tin được Glenn Greenwald?

bat-mi-nhung-bi-mat-quoc-gi

Bà Janine Gibson

Ngày 31 tháng Năm, 2013, Glenn Greenwald và Laura Poitras đến trụ sở của văn phòng đại diện The Guardiantại Manhattan, để gặp bà Janine Gibson, trưởng phòng đại diện. Bà này cho biết đã đồng ý cho mọi người sang Hương Cảng nhưng bà sẽ cử một người giám sát đi theo. Người này là ông Ewen MacAskill, 61 tuổi, là một biên tập viên của The Guardian tại Hoa Kỳ.

Biết vậy, mọi người xúm lại nghe/xem chương trình “Prism” do Greenwald trình bầy. Ngay từ đầu, không khí buổi họp đã không suôi sẻ lắm. Poitras không được mời vào họp, bởi vì bà không phải là nhân viên của The Guardian. Không những thế, phái đoàn đi Hương Cảng lại thêm một người thứ ba mà người bí mật không chờ đợi. MacAskill, là một người Scott (Bắc Anh) nói rất khó nghe. Ông ta lại tỏ ra không hào hứng lắm với chương trình này. Trong buổi họp, MacAskill tuyên bố: “Tôi không biết gì nhiều về NSA. Tôi cũng không thấy được ý nghĩa chuyện chúng ta tìm kiếm là gì”.

Bà Poitras tỏ ra rất bực mình với Greenwald, cho rằng mọi việc có thể bị hư hỏng vì Verax đâu muốn có một người thứ ba xen vào. Greenwald phải giải thích, không có MacAskill thì không đi Hương Cảng được.

Sáng hôm sau mọi người đến Hương Cảng, mới thấy con người bí mật này là một chàng thanh niên mặt non choẹt – Edward Joseph Snowden – không ai nghĩ ra được.

Edward J. Snowden

3. Vài hàng tiểu sử Edward Snowden.

Edward, sinh ngày 21 tháng 6, 1983, tại thành phố Elizabeth City, North Carolina là người con thứ hai của ông bà Lonnie và Elizabeth Snowden. Từ ngày Edward trở nên nổi tiếng, hai ông bà không muốn nói nhiều với báo chí về cậu con trai. Ông bố chỉ nói Edward là người hiền lành tử tế và là một đứa trẻ hết sức thông minh.

Năm 1992, khi ấy Edward được 9 tuổi, hai ông bà dọn về Crofton, Maryland, phía Tây thành phố Annapolis. Edward học trung học ở trường Arundel năm 1997. Tuy nhiên sang năm sau anh bị đau ốm liên tục, đành phải bỏ học dài dài. Anh không bao giờ trỏ lại trường nữa.

Đối với nhiều người, thời kỳ này có thể là một bất hạnh, nhưng đối với Edward Snowden đó lại là một thời kỳ anh đã tự học, tìm tòi, hiểu biết rất nhiều về máy vi tính, về khả năng vô tận của Internet. Anh theo học mấy lớp cao cấp về tin học tại Đại học Cộng đồng để rồi được cấp bằng Kỹ sư Tin học, System Engineer.

Năm 2002, ông bà Snowden ly dị, bà me đem con đến thành phố Ellicott. Cậu con trai suốt ngày miệt mài với cái máy vi tính. Bà hàng xóm Joyce Kinsey tả cảnh Edward mải mê với cái lap-top: “Lúc nào tôi cũng thấy cậu ta sáng, trưa, chiêu tối, cho đến cả nửa đêm, xem cái máy vi tính. Sáng hôm sau, đi sang, lại thấy Edward xem máy vi tính”. Snowden cũng nhớ những ngày ở Ellicott: “Tôi rất để ý đến những hệ thống nhu liệu, cương liệu trong cái máy vi tính hoạt động với nhau thế nào. Tôi tìm cách gỡ ra từng phần, rồi ráp lại với nhau để xem chúng rắc rối đến mức nào. Bất kể ngày, đêm tôi học được rất nhiều điều, chúng sẽ giúp tôi rất nhiều sau này”.

Nhìn bên ngoài, Edward là một chàng trai trẻ nhút nhát, ít nói, nhưng khi vào môi trường tin học, xem những bài viết đăng thên các trang mạng, Edward là một người khác hẳn. Anh hay viết trên mạng lưới Arts Technica. Lúc đầu, dưới cái tên “username” TheTrueHooHa anh tỏ ra nhũn nhặn, nhưng sau đó anh tỏ ra rất hiểu biết, khoe khoang, nói tới Newton, Goethe, thảo luận về ý nghĩa của Tự Do. Cuộc đời của anh, một chàng trai 20 tuổi, lúc đó đang lên hương, anh tự giới thiệu trên Arts Technica : “Tôi không có một bằng cấp nào, không có việc làm, hiện đang sống tại Maryland. Một kẻ vô công rồi nghề”

Biến cố 9/11 năm 2001 đã thay đổi đời sống của anh. Năm 2004 anh nhập ngũ, trong lòng nghĩ tới bổn phận phải giúp đỡ những kẻ yếu kém. Anh đến Trung tâm huấn luyện Fort Benning, tiểu bang Georgia, học quân sự  cơ bản để thành một binh sĩ cho Lực Lượng Đặc Biệt (Special Forces). Chẳng bao lâu anh rất thất vọng khi thấy ở đây người ta nghĩ đến giết người yếu kém nhiều hơn là giúp đỡ họ. Trong một buổi tập dượt anh bị gãy chân, thế là tháng 9 năm ấy anh trở về Maryland. Tại đây anh kiếm được một việc làm với Trung tâm Huấn luyện Cao cấp về Ngôn Ngữ thuộc Đại Học Maryland. Việc của anh là một bảo vệ viên (security guard) của trường.

Mười tám tháng sau, một chuyện rất bất ngờ xẩy đến làm thay đổi hẳn cuộc đời của Edward Snowden. Anh được Cơ Quan Tình Báo Trung Ương (CIA) mướn vào làm như một kỹ sư tin học. Số là trong những năm 2000, Hoa kỳ cảm thấy quốc gia hơi kém về tin học, đó là một mối nguy tiềm tàng trong thế giới ảo. CIA được lệnh phải cải tiến tình thế, cần có một đạo quân tinh nhuệ về kỹ thuật tin học. Chính Snowden cũng không ngờ mình có việc làm với CIA. Anh viết trên trang mạng Arts Technica: “Tôi không có một bằng cấp nào, thực ra tôi cũng chưa học song Trung học. Bây giờ tôi có lương $70K (70,000 một năm). Tôi không nhận việc làm trả lương $83K. Các bạn đồng sự của tôi là những dân có BS, MS, kinh nghiệm đầy mình. Thế mà các công ty tranh nhau mướn tôi, một anh chàng 22 tuổi”

CIA

Đại bản doanh CIA

Snowden được CIA tuyển dụng vào làm không phải với tư cách là một điệp viên CIA, mà là một chuyên viên phụ trách an ninh cho các hệ thống máy vi tính của CIA. Để có thể làm việc này, anh cần có một giấy chứng nhận an ninh cao cấp (top security clearance). Sau biến cố 9/11, giấy chứng nhận an ninh được cấp phát ra bừa bãi. Người ta ước tính đến nay khoảng 5 triệu người Hoa Kỳ có chứng từ an ninh, trong số này, gần 1 triệu rưởi có chứng từ an ninh cao cấp. Phần lớn công việc này lại được chính phủ giao cho các công ty thầu khoán tư nhân làm. Những công ty này không muốn mất nhiều thì giờ: chỉ cần xem xét quá khứ mỗi ứng viên, không có gì khả nghi thi cho được chứng từ an ninh.

Được hỏi về trường hợp Edward Snowden, một nhận viên CIA giải thích rằng: “Edward khi đó còn quá trẻ. Hồ sơ cá nhân trắng bong, không có một tỳ vết nào”.

Năm 2007, Snowden được CIA thuyên chuyển sang Geneva (Thụy Sỹ) với vỏ bọc bên ngoài là một nhân viên trong phái đoàn Hoa Kỳ tại Liên Hiệp Quốc (LHQ). Mục tiêu chính của anh là phái đoàn các nước tại LHQ, trong đó có WTO (World Trade Organization). Tại Geneva, công việc của anh rất nhàn nhã, ở nhà 4 phòng ngủ, trông ra hồ Geneva, mua xe BMW mới, đi chơi nhiều nước Âu châu. Nhưng cũng ở tại đây, anh bắt đầu bị vỡ mộng.

Anh kể một chuyện cho đăng trên báo The Guardian: anh thấy một số điệp viên CIA dụ một ông chủ ngân hàng Thụy Sỹ uống rượu say mà lại khuyến khích ông lái xe hơi. Ông chủ nhà băng sau bị bắt. Các điệp viên CIA nói họ có thể gỡ rối cho ông chủ nhà băng nhưng với điều kiện ông này phải làm việc bí mật cho CIA. Anh cho rằng anh đã thấy nhiều chuyện tương tự xẩy ra khiến anh cảm thấy“thất vọng với chính phủ của tôi, vì những công việc chính phủ tôi đã làm ảnh hưởng đến các nước khác”

Snowden nói là vào năm 2008, anh đã nghĩ chuyện đến đánh cắp một số tin tức bí mật của chính phủ để tung ra cho mọi người biết là chính phủ của anh đã làm những chuyện tồi tệ. Nhưng rồi anh lại thôi vì anh nghĩ rằng đến tháng 11, ông Barack Obama sẽ đắc cử Tổng thống Hoa Kỳ, mọi việc sẽ khá hơn.

Tháng 8, 2008 Snowden xin nghỉ việc. Lý do anh xin thôi không làm việc với CIA nữa rất mù mờ. Hai nhân viên cao cấp trong chính phủ Hoa kỳ nói với tờ New York Times là họ thấy trong hồ sơ cá nhân của Snowden có những điểm không tốt. Người ta nghi là Snowden đã tìm cách xâm nhập một số máy vi tính của CIA, mà không được phép. Vì vậy CIA phải cho anh về vườn. Điều đáng chú ý là ngay sau khi New York Times đăng tin này thì CIA cải chính không phải vậy. Snowden đã phản bác tin trên nói là vì có mâu thuẫn trong hệ thống chỉ huy nơi anh làm việc. Anh cho xếp trực tiếp anh biết là cái nhu liệu dùng trong ngành Tài nguyên Nhân sự (Human Ressources) của CIA có vấn đề, cần sửa lại. Xếp trực tiếp của anh đồng ý cho anh sửa lại phần nhu liệu đó. Điều đó lại khiến xếp lớn anh nổi giận. Anh nghĩ ở lại làm việc với CIA ở Geneva không có ích gì mà có khi lại mang họa vào thân. Môt nhân viên khác của CIA, nay đã hồi hưu, lại nghĩ khác. Ông cho rằng, căn bản là Edward Snowden là một tay quá thông minh, quá giỏi mà lại phải làm công việc đang làm. Hắn ta muốn có một công việc xứng đáng hơn mà thôi.

Dầu sao đi nữa, trở về Hoa Kỳ, Snowden tỏ ra rất bực bội. Viết trên trang mạng Arts Technica, anh đả kích lung tung từ Barack Obama đến Ben Bernenke, từ chương trình An Ninh Xã Hội (Social Security) đến việc Cấm đoán dùng súng tấn công.

dell

Trụ sở công ty DELL

Tháng giêng 2009, anh nhận làm cho công ty Dell bên Tokyo, Nhật Bản. Công ty Dell không chỉ sản xuất các máy vi tính đủ loại mà còn nhận trông nom, bảo trí hệ thống máy vi tính cho hàng trăm công ty khác nhau. Snowden làm việc cho công ty Dell tại phi trường quân sự Yokota, ngoại ô thành phố Tokyo. Việc của anh là huấn luyện các cấp chỉ huy dân sự lẫn quân sự làm sao gìn giữ các máy vi tính khỏi bị bọn tin tặc Trung Hoa xâm nhập.

Trong khi làm việc bên Nhật, Snowden đã bày ra được một phương cách nhu liệu rất tối tân để lưu trữ những nhu liệu có thể bị đánh cắp. Nhu liệu này thiết lập một thứ lá chắn (shield) cho tất cả các trung tâm máy tính của NSA trên toàn thế giới. Từ bất cứ trung tâm nào, nhân viên NSA đều có thể vào xem các hồ sơ lưu trữ, kể cả những hồ sơ trong một trung tâm đã bị phá hủy hoàn toàn vì chiến tranh hay vì một tai họa nào khác.

4. Làm việc cho NSA

Trung tâm đầu não NSA tọa lạc tại Fort Meade, tiểu bang Maryland, một tòa nhà 11 tầng với nhiều cao ốc phu thuộc và một sân đậu xe cho 18,000 chiếc xe, dành riêng cho 35,000 nhân viên làm việc. NSA được thành lập năm 1952 có mục đích giải mã những mật hiệu của Đức Quốc Xã và Nhật bản Thiên Hoàng. Có thể nói CIA và NSA là hai anh em song sinh. Một bên, CIA, chuyên theo rõi, dò tìm (intelligence) con người (humans) – gọi tắt là HUMINT – bên kia, NSA chỉ chuyên về tín hiệu (signals), gọi tắt là SIGINT. Trong thế chiến thứ hai, cả hai cơ quan có rất nhiều việc phải làm, nhưng khi chiến tranh chấm dứt, NSA không còn đối tượng là quân đội Đức Quốc Xã và Quân đội Thiên Hoàng Nhật Bản nữa. Sau biến cố 9/11. NSA phải quay về những dối tượng trong nước và hải ngoại.

NSA

Đại bản doanh NSA

Sau biến cố 9/11. để đối phó với những đe dọa có thể xẩy ra cho nền an ninh quốc gia, NSA đưa ra những chương trình như ThinThread, TrailBlazer, Prism, Turbulence, Muscular và nhiều chương trình khác có tên tương tự. Căn bản, những chương trình đó là một cái nam châm điên tử khổng lồ dùng để hút tất cả những tin tức, từ e-mails, điện đàm trên cell phone, trên đường dây điện thoại, đến những hồ sơ cất giữ trên máy vi tính, tóm lại tất cả những gì là riêng tư. Trên danh nghĩa “chống khủng bố”, nhiều người trong chính phủ, bắt đầu từ Tổng Thống Geoges W. Bush, nghĩ rằng người công dân không có quyền giữ riêng cho mình những tin tức chính quyền cần đến.

Lập luận cho chính sách này là: “Một khi chúng ta muốn sẽ không một sự khủng bố nào xẩy ra nữa, thì chúng ta phải biết trước tất cả những sự khủng bố chưa xẩy ra hoặc có-thể xẩy ra”.

Kỹ thuật tin học phát triển rất nhanh tại Hoa Kỳ. Thí dụ cái PGP nói trên (Pretty Good Privacy, Mật Ước Cá Nhân) đã được một người tên là Phil Zimmermann cho ra đời từ năm 1991 và được nhiều người dùng để giữ riêng thư từ trao đổi trên mạng. NSA thấy cần phải hạn chế dùng hoặc phá vỡ PGP. Trong NSA có ý kiến bất đồng.

Một người trong NSA đã đứng ra tố cáo chuyện này là ông William Binney, 32 tuổi được coi là một chuyên viên về mật mã giỏi nhất từ xưa đến nay. Binney cũng chính là tác giả chương trình ThinThread, một chương trình nhu liệu nghe lén. Binney rất tức giận khi biết chính quyền Georges Bush từ toà Bạch Ốc đã ra lệnh cho NSA, gỡ bỏ phần sàng lọc (filters) trong ThinThread, tránh không nghe lén được những công dân Hoa Kỳ trong nước. Mọi người đều biết rằng luật pháp liên bang Hoa kỳ cấm không ai được theo rõi, giám sát, nghe lén mọi công dân Hoa kỳ trong nước mà không có án lệnh của toà. Nhiều người đã than phiền quyết định của tòa Bạch Ốc với Quốc Hội Hoa Kỳ, mà chẳng đi đến đâu. William Binney nhất định đứng ra tố cáo chuyện này.

Thế là một hôm, trong khi William Binney đang tắm tại nhà, nhân viên của FBI đầy đủ súng ống đã xông vào, lôi cổ anh ra trước mặt vợ con anh, mà nói rằng họ bắt một người đả rò rỉ tin tức bí mật của chính phủ cho nhật báo New York Times. Lại một ông nhân viên cao cấp của NSA khác, Thomas Drake, sau khi thấy những lãng phí, bắt nạt, trong cơ quan, đã rò rỉ tin này cho báo Sun ở Baltimore. Kết cục Drake bị đưa ra tòa, mất việc, mất chứng từ an ninh.

Edward Snowden không làm việc trực tiếp cho NSA, mà làm cho một nhà thầu của NSA, cho Dell rồi cho Booz Allen Hamilton. NSA có nhiều nhà thầu như IBM, Boeing, Raytheon,, mỗi năm lãnh tiền bạc tỷ của NSA để cung cấp đủ các thứ dịch vụ cho Cơ Quan, từ nhân viên vảo vệ, quản trị, bảo trì các máy vi tính tối tân. Chính sách đưa ra ngoài đấu thầu cho tư nhân những công việc quản trị hệ thống máy vi tính của NSA, nhiều người cho là thiếu khôn ngoan.

Về phần Edward Snowden, anh là một người sống đúng nguyên tắc, không bao giờ lợi dụng những sơ hở trong hệ thống để lấy lợi cho riêng cá nhân. Từ ngày anh làm cho Dell bên Nhật anh đã nhìn thấy yếu kém, những việc làm sai quấy của hệ thống trong chính quyền. Sau này, khi được tòa báo The Guardian hỏi tư duy của anh đã biến đổi thế nào để anh trở thành một tay rò rỉ bí mật của chính phủ, Snowden cho biết: “Một khi anh ở một vị thế cao, nhiều quyền hạn, anh nhìn thấy có nhiều sai quấy trong chính quyền. Những sai quấy đó tích tụ mỗi ngày một nhiều trong tư duy của anh”.

Tháng 5, 2010, một sự kiện đã xẩy ra, ảnh hưởng mạnh vào tư duy của Snowden. Một binh nhì trong quân đội Hoa Kỳ đang tham chiến tại Iraq, tên là Bradley Manning đã bị bắt, vì tội danh đã tiết lộ những tin tức bí mật của chính phủ cho nhóm WikiLeaks của ông Julian Assange biết. Tài liệu bí mật này bao gồm 250,000 điện tín đánh về Bộ Quốc Phòng, nừa triệu trang giấy bá cáo, cùng nhiều tin video về những cuộc hành quân của quân đội Hoa Kỳ trên chiến trường Afghanistan và Iraq, gây tử thương cho nhiều thường dân và nhà báo. Manning đã bị kết án 35 năm tù giam về tội làm gián điệp cho địch..

Vào giữa năm 2010, Dell giao cho Edward một công việc khác, chức vụ cao hơn, mà thân chủ không phải là NSA. Về trụ sở ở Maryland, Snowden là lãnh tụ một nhóm chuyên viên về tin học, khai triển những phương pháp mới gọi là “Cloud Computing”, dùng những máy vi tính tối tân để giải mã tất cả mọi mật khẩu.

bat-mi-nhung-bi-mat-quoc-gi

Công ty Booz Allen Hamilton

Năm 2011 Snowden không làm cho Dell nữa mà sang làm việc với công ty Booz Allen Hamilton, cũng là một nhà thầu cho NSA như Dell. Làm việc cho Booz Allen anh được trả lương cao hơn, $122,000 một năm và những phụ cấp khác, với tư cách là một nhà nghiên cứu chống phá tin tặc. Làm cho Booz Allen, tức là gián tiếp làm cho NSA, Edward đã có dịp vào đào mỏ vàng những tin mật của NSA.

Snowden vào làm cho môt cơ quan của NSA có tên la Kunia Regional Security Operations Center, còn được gọi là “Cái Hầm, the Tunnel” vì được xây dưới lòng đất. Công việc của những nghiên cứu gia làm việc trong “Cái Hầm” là theo rõi bằng điện tử những gì xẩy ra bên Trung hoa và Bắc Hàn. Đối với Snowden, anh có hai trách nhiệm chính. Một là sửa chữa tất cả các máy vi tính trong Hầm và trả lời tất cả những câu hòi của nhân viên trong Hầm dùng máy vi tính. Hai là với tư cách là một quản trị viên của hệ thống (system administrator) anh phải trông coi tất cả mọi việc trong Hầm. Từ đó, Snowden đả đưọc phép vào xem/đọc hầu hết các máy vi tính của NSA.

NSA có thêm một trung tâm chứa những máy vi tính “servers” ở đảo Hawai, cốt đề phòng trường hợp mất điện tại Hoa kỳ hay bị tin tặc tấn công, khiến máy vi tính trung ương không dùng được. Snowden đã được phép sao chép cả triệu hồ sơ trong hệ thống máy vi tính trung ương để rồi chép lại vào các “servers” ở Hawai. Nhiều người cho rằng đó là một hình thức rất tốt để đánh cắp tất cả những tài liệu bí mật quốc gia trong NSA.

Tháng Tư, 2013 Snowden đã tìm thấy một án lệnh của tòa cho phép NSA được quyền vào xem những thông tin trong Verizon, là một đại công ty cung cấp dịch vụ điện thoại trên toàn nước Mỹ. Tài liệu này chứng tỏ chính quyền đã tự cho phép lấy cắp những cuộc điện đàm cá nhân của người dân. Điều này có thể làm căn bản để kiện chính phủ, từ trước không ai làm được.

Sang đến ngày 15 tháng Năm 2013, Snowden đã có trong tay hầu hết những tài liệu cần thiết. Cho đến nay, những điều tra viên không biết chắc anh đã đánh cắp bao nhiêu tài liệu. Họ cho rằng Snowden đã vào xem được 1 triêu 7 trăm ngàn tài liệu, và đã đưa cho hai nhà báo Greenwald và Poitras từ 50,000 đến 200,000 tài liệu.

Ngày 17 tháng 5, Snowden nói với thượng cấp trong Booz Allen Hamilton là anh cần nghỉ bệnh ít ngày vì anh mắc chứng động kinh. Anh không quên sao chép “download” lần cuối một tài liệu của NSA vào cái bộ nhớ bé bằng ngón tay –thumb drive – anh mang theo.

Ngày hôm sau anh ra phi trường quốc tế Honolulu, một mình và không bao giờ trở lại.

5. Gặp nhau tại Hương Cảng.

bat-mi-nhung-bi-mat-quoc-gi

Khách sạm MIRA, Kowloon

Xuống phi trường Hongkong Chek Lap Kok anh lấy taxi về thẳng khách sạn Mira bên Cửu Long mà anh đã giữ một phòng trước. Tại quầy tiếp tân, anh đưa thẻ tín dụng cá nhân của anh ra. Anh nói anh muốn dùng thẻ tín dụng cá nhân để chứng tỏ với mọi người là anh là một người độc lập, có tiền riêng, không phải nhờ vả vào ai, nghĩa là anh không làm việc cho bất cứ ai, anh là một công dân Hoa Kỳ, không phải là một điệp viên cho một ngoại bang nào.

Anh cũng biết trước rằng một khi thẻ tín dụng cá nhân của anh được đưa ra cho khách sạn Mira, chẳng chóng thì chầy người ta sẽ tìm được tung tích của anh. Mọi việc trở nên gấp rút.

Hai nhà báo Greenwald và Poitras với ông giám sát MacAskill của The Guardiantrong khi ấy đã lấy phi cơ sang Hương Cảng để gặp Snowden. Sáng thứ Hai ngày 3 tháng 6, Snowden cho biết địa điểm chỗ hẹn và anh sẽ cầm trên tay một cái Rubik Cube. Đến nơi, hai người hết sức ngạc nhiên khi thấy con người bí mật này là một anh chàng thanh niên quá trẻ. Greenwald nghĩ người làm được công việc như Verax, có tầm hiểu biết như Verax thi phải là một người trung niên nhiều năm lăn lộn trong nghề.

Hai người theo anh về khách sạn Mira, lấy thang mắy đến tầng thứ 10. Snowden mở cửa phòng số 1014, mời mọi người vào. Vào trong phòng Poitras bắt đầu quay phim, chụp ảnh rồi mọi người thảo luận với Snowden về đủ mọi chuyện: quá khứ của Snowden, công việc của anh, tại sao anh muốn làm việc này, tài liệu anh đánh cắp được muốn đưa cho nhà báo là những gì..Cho mãi đến chiều hai nhà báo mới trở về khách sạn cũa mình là khách sạn W., tại đó, MacAskill đang chờ. Greenwald kể chuyện gặp Snowden cho MacAskill nghe rồi kết luận: “ Snowden còn ít tuổi thật đấy, nhưng chúng ta có thể tin hắn được.”

Sáng hôm sau, Greenwald đưa MacAskill đến khách sạn Mira để gặp Snowden, Poitras cũng dọn đến Mira cho gần với Snowden. Trước khi ngồi nói chuyện, MacAskill muốn xin phép được ghi âm cuộc nói chuyện trong cái iPhone. Snowden không chịu nói rằng NSA có thể nghe đưọc hết mọi chuyện trong iPhone và từ đó tìm được nơi trú ẩn của anh. Poitras đề nghị cất cái iPhone vào trong tủ lạnh trong phòng của mình, như vậy chắc chắn không ai nghe lén được.

bat-mi-nhung-bi-mat-quoc-gi

Ông Ewan MacAskill

Trong khi Snowden kể lại tiểu sử, quá trình học vấn, công việc với NSA, Dell, Booz Allen Hamilton, bên Nhật, bên Hawai cho mọi người nghe, MacAskill ngồi quan sát người thanh niên. Lúc đầu, ông không tin những điều hắn nói. Dần dà, nghe chuyện anh vào quân đội, muốn trở thành một binh sĩ trong Lực Lượng Đặc Biệt, sang Nhật làm cho Dell, huấn luyện nhân viên tình báo cuả CIA, NSA, sang Hawai, trông nom cả một hệ thống máy vi tính tối tân của NSA ở tuổi 23, chưa học hết Trung học chưa nói đến Đại học, ông MacAskill rất phục chàng trai trẻ.

Đến cuối ngày, Greenwald và Macaskill đã soạn thảo song bản nháp một bài viết về ý đồ của chính quyền muốn xâm nhập công ty điện thoại Verizon để biết tất cả những cuộc đàm thoại của các công dân Hoa Kỳ. Họ dự định sẽ dăng bài viết lên báo The Guardian ngày hôm sau.

6. Báo chí Hoa Kỳ đăng tin mật

Bên Nữu Ước, bà Gibson chuẩn bị công viện sẽ phải làm:

          hỏi luật sư

          liên lạc với toà Bạch Ốc

         liên lạc với Hương Cảng để lấy bài viết

Ngày thứ Tư 5 tháng 6, sau khi nhận được bản nháp từ Hương Cảng, bà Gibson giao cho nhà báo phóng viên Spencer Ackerman đi phỏng vấn lấy lời bình luận của những người liên quan. Ackerman gọi điện thoại cho Verizon. Verizon muốn biết án lệnh tòa nào, ngày nào. đã cho phép NSA vào đọc các hồ sơ trong Verizon?

Đến trưa, việc liên lạc với toà Bạch Ốc chưa đi đến đâu. Ackerman gặp được cô Caitlin Hayden, phát ngôn viên của National Security Council. Hayden nghe tinThe Guardian sẽ đăng một bài về chính quyền vào xem những điện đàm trong Verizon, cô biết ngay đây là một sự rò rỉ tin mật của chính phủ. Cô Hayden liền tổ chức ngay một buổi họp lúc 5giờ 15 chiều giữa National Security Council vớiThe Guardian. Bên chính quyền khuyên The Guardian đừng tung tin này lên. Nhà báo cho rằng chính quyền không chứng minh được đây là một chuyện gây nguy hiểm cho quốc gia, nên nói sẽ cứ đăng.

Hôm sau báo The Guardian đến Hương Cảng, MacAskill thấy Snowden rất bồi hồi xúc động. Hỏi Snowden, anh trả lời anh nghĩ NSA sẽ đến bắt anh đến nơi rồi.

Bài báo trên The Guadian làm rúng động NSA. Ai cũng biết có người rò rỉ tin này ra. Một nhân viên của NSA chăng?, của Quốc hội hay của Verizon? Chưa hết, ngày hôm sau Gellman liên lạc với toà Bạch Ốc để yêu cầu bình luận  về một chuyện bí mật khác: chương trình “Prism” của NSA, sẽ được báo WashingtonPost đăng lên nay mai.

Thứ Năm 6 tháng 6, cả hai tờ báo The Guardian và Washington Post đều đăng tin về chương trình “Prism”

Trong khi đó NSA đã tìm ra thủ phạm là Edward Snowden. Snowden muốn tự mình nói ra chuyện của anh. Ngày thứ Năm, The Guardian với Greenwald là phóng viên và Poitras là người quay phim đã thực hiện song một cuộc phỏng vấn trên video ngưòi rò rỉ tin mật của NSA là Edward Snowden. Cuộc phỏng vấn sẽ được  đăng lên báo The Guardian vào cuối tuần.

Thấy mọi việc đã song suôi,  MacAskill hỏi Edward anh định làm gì? đi đâu?. Anh không trả lời rõ rệt.

Sáng thứ hai, MacAskill quay lại khách sạn Mira để từ biệt Snowden trước khi về Hoa Kỳ, ông không thấy Snowden đâu. Edward Snowden đã biến mất.

7. Snowden không còn ở Hương Cảng

Cả tuần lễ sau, phóng viên nhà báo, giới truyền thông đổ về Hương Cảng để săn tin Snowden. Mọi người đưa ra nhiều giả thuyết. Anh không còn ở Hương Cảng. Anh đang xin tỵ nạn chính trị với một quốc gia cởi mở, sẵn sàng chứa chấp người đi tìm tự do. Quốc gia này phài là Iceland có thủ đô là Reykjavik. Nhưng tại thủ đô Iceland, chính quyền cho biết không thấy Snowden xin tỵ nạn, mặc dầu nhiều dân Iceland đã lên tiếng ủng hộ anh.

bat-mi-nhung-bi-mat-quoc-gi

Julian Assange

Thực ra người đã gỡ rối cho Snowden là cô Sarah Harrison, trong tổ chức WikiLeaks của ông Julian Assange, người cũng đang bị truy tố về chuyện rò rỉ tin mật của chính phủ Hoa Kỳ. Để trốn tránh, Julian Assange đã xin tỵ nạn chính trị với nước Ecuador

Tháng 6, Harrison đã tới Hương Cảng gặp Snowden trong khi ấy Assange tìm cách đưa Snowden đi tỵ nạn chính trị đến một nơi an toàn hơn: nước Ecuador cũng là một quốc gia đã cho Assange đến tỵ nạn chính trị.

Người trong chính quyền Hương Cảng bắn tin cho Snowden biết là họ không thấy chi trở ngại nếu anh muốn muốn ở lại Hương Cảng. Nhưng nếu chính phủ Hoa Kỳ yêu cầu Hương Cảng tống anh ra khỏi nước, thì họ không đảm bảo giữ anh được vì quyền này không thuộc bên Hành pháp mà thuộc bên Tối Cao Pháp Viện. Snowden thấy vậy, bèn theo chương trình của Assange.

Tối ngày thứ Bẩy 22 tháng 5 Edward và Harrison lấy máy bay Aeroflot của Nga tới Mạc Tư Khoa, định để rồi từ đó bay sang Havana, Cuba, rồi sẽ tới Quito, thủ đô Ecuador, trong hai ngày. Snowden ra phi trường Hương Cảng với một tâm sự lo âu. Anh không biết là ngày hôm trước chính phủ Hoa Kỳ đã truy tố anh với tội làm gián điệp và đã yêu cầu chính quyền Hương Cảng tạm giữ anh lại. Đến phi trường anh đưa ra cái hộ chiếu công dân Hoa kỳ mà anh không biết là hộ chiếu này đã bị vô hiệu hoá bởi bởi chính phủ Hoa Kỳ rồi.

Tuy nhiên anh vả Sarah Harrison vẫn được lên phi cơ Aeroflot, chuyến bay SU213, không chút trở ngại. Anh vẫn mang theo 4 cái máy vi tính lap-top. Anh nói anh không mang một tài liệu nào sang Nga hết. Hai người đến phi trường Mạc Tư Khoa trưa hôm sau.

Bên Hoa Kỳ, tòa Bạch Ốc và bộ Ngoại giao nói họ có cho Hương Cảng biết là cái hộ chiếu trong tay Snowden không còn giá trị. Ông tòa Hương Cảng cho rằng chuyện này có chút trục trặc. Hoa Kỳ yêu cầu giữ lại một người tên là Edward James Snowden, mà ở đây chúng tôi chỉ biết một ngưòi tên là Edward Joseph Snowden. Hương Cảng đã liên lạc với Washington để hỏi lại mà không thấy trả lời.

Mọi người đều hiểu là Hương Cảng muốn Snowden đi khỏi, chứ giữ anh lại đâu có ích lợi gì.

Khi Edward Snowden và Sarah Harrison đến phi trường quốc tế Sheremtyvo Mạc Tư Khoa, anh đã thấy nhiếu phóng viên nhà báo đến săn tin. Anh tự hỏi tại sao họ biết anh đến đây, rất ít người biết anh đã rời khỏi Hương Cảng. Chắc là Greenwald? . Nhưng thực ra người tung tin này ra là một nhà báo tên là Lana Lâm, viết cho báo South China Morning Post ở Hương Cảng. Cô này cho biết nguồn tin cô lấy được là từ chính quyền Hương Cảng.

Hộ chiếu Hoa Kỳ không còn hiệu lực, Edward Snowden không đi đâu được mà phải ở lại nước Nga. Chính phủ Nga của ông Vladimir Putin không muốn và cũng không cần chiều lòng Hoa Kỳ, dẫn độ anh về nước. Snowden được chính phủ Nga cho phép tỵ nạn tại Nga trong vòng một năm, có thể được tái gia hạn. Kể từ ngày ấy, hai người đã không ở một địa chỉ nào nhất định, tại một địa chỉ ít người biết ở ngoại ô thành phố Mạc Tư Khoa.

bat-mi-nhung-bi-mat-quoc-gi

Snowden và cô Harrison

Ngày 9 tháng 10, 2013 báo Nga đăng một bức hình Edward Snowden đứng cùng với Sarah Harrison trên một chiéc thuyền ở đâu đó trên nước Nga. Ít lâu sau có tin ông bà Lou Snowden đã đến Mạc Tư Khoa và đã được đưa đến gặp cậu con trai tại một nơi bí mật. Ông bà ở lại Nga sáu ngày rồi mới trở về Hoa Kỳ.

Cho đến nay, không ai, có lẽ ngay cả Snowden, biết chắc anh đã lấy cắp bao nhiệu tài liệu mật. Snowden cho rằng con số chính quyền đưa ra 1 triệu 7 trăm ngàn tài liệu là con số quá đáng. Anh nói: “Tôi biét chắc số tài liệu tôi có ngay bây giờ là Zero”. Bà Janine Gibson của tờ The Guardian ờ New York nói chỉ Greenwald và Poitras là có đủ những tài liệu Snowden đã đưa lại khi còn ở Hương Cảng.

Khi tở Washington Post đăng tin chương trình “Prism” của NSA người ta mới biết là chính quyền liên bang có một quỹ mật lên tới $52.6 tỷ đô la dùng vào việc tìm biết hàng trăm triệu địa chỉ mọi người trên toàn thế giới. Ít lâu sau tờWashington Post lại cho đăng chương trình “Muscular” của NSA, Snowden đã cho Gellman, một chương trình dữ dội hơn chương trình “Prism”, chính phủ xía vào chuyện riêng tư của cả triệu người trên thế giới. Hoa Kỳ cũng đã nghe lén những chuyện riêng tư nói trên điện thoại cầm tay của các vị nguyên thủ quốc gia như bà Angela Merkel (Đức quớc), bà Dilma Rousseff (Brasil).

8. Vậy thì Snowden là ai?

Edward Snowden đánh cắp tài liệu mật của NSA rồi đưa cho các nhà báo cánh tả đã là một đề tài gây nhiều tranh cãi.

Ông Glenn Greenwald nói thẳng thừng: “Quan điểm của tôi rất rõ rệt. Ông Tổng Thống một khi đã ra lệnh bất hợp pháp cho (NSA) nghe lén mọi chuyện của ngươi dân, ông Tổng Thống đã phạm tội, do đó ông phải chịu trách nhiệm về chuyện này. Khi anh phạm pháp, anh phải trả cái giá. Đơn giản như vậy thôi”.

Nhiều người khác cho rằng Edward Snowden được nhà nước tin tưởng, cho anh chứng từ anh ninh tối mật, cho anh biết những bí mật quốc gia, mà anh lại tiết lộ những bí mật đó ra, thì rõ ràng anh là một tên phản quốc.

Edward Snoden không nghĩ như vậy. Anh vẫn tự coi mình là một người ái quốc trong một cuộc phỏng vấn với phóng viên của đài truyền hình NBC, Brian Williams.

Để làm sáng tỏ việc này, đài vô tuyến truyền hình NBC, trong nhiều tháng, đã thương lượng những người môi giới của Snowden để có một cuộc phỏng vấn ở Mạc Tư Khoa.

Ngày thứ Tư 28 tháng Năm 2014, ông Brian Williams đến khách sạn Kempinski ở Mạc Tư Khoa. Vài giờ sau, Edward Snowden đến. Cuộc phỏng vấn kéo dài hơn 4 tiếng đồng hồ.

Trong cuộc phỏng vấn, Snowden nói ngay anh vẫn tự coi mình là một công dân ái quốc Hoa Kỳ, mặc dầu anh đã rò rỉ nhiều tin tức mật của chính phủ. Anh đến nước Nga và bị kẹt ở đây là chuyện bất đắc dĩ. Anh than phiền: Chính phủ Nga không lưu tâm đến quyền tự do của dân Nga, trong khi anh lại là người muốn bênh vực quyền tự do của người Hoa Kỳ. Anh nói anh chưa bao giờ gặp ông Putin, Tổng thống Nga. Anh nói rõ: “Tôi không có một chút quan hệ nào với chính phủ Nga. Chính phủ Nga không giúp đỡ tôi.” Anh nói thêm: “Tôi không phải là điệp viên làm việc cho Kremlin, điểm chính là như vậy”.

Nhà báo Williams gặng hỏi Snowden khá lâu anh có giúp gì cho chính phủ Nga không. Anh cho biết anh không mang sang Nga một tài liệu mật nào. Cơ quan tình báo Nga không ép anh hay cho tiền anh để có tin tức mật của chính phủ Hoa Kỳ. Tình báo Nga cũng không cần đến cái tài chuyên môn của anh, vì họ cũng rất giỏi về tin học. Ông Williams còn hỏi anh có thể từ Nga vào xem những tài liệu mật đó không thì anh trả lời anh không làm được.

Nhà báo còn hỏi Edward Snowden anh có hối hận đã làm việc này không, ở Nga gần một năm trời có thấy thiếu thốn gì không, thì anh trả lời một cách rành rọt, từ tốn, không chút ăn năn hối hận rằng anh là người phục vụ cho dân chúng và cả cho chính phủ Hoa Kỳ nữa, mặc dầu chính quyền Obama không thấy như vậy. Còn về thiếu thốn, anh nói: “Tôi nhớ gia đình tôi, nhớ căn nhà của tôi, tôi nhớ các bạn đồng sư, nhớ việc làm

Dưới đây là một bản tin của NBC trong dó có ít đoạn cuộc phỏng vấn Edward Snowden  tại Mạc Tư Khoa.

 

Toàn bộ cuộc phỏng vấn được ghi lại trong website dưới đây của đài truyền hình NBC:

http://www.nbcnews.com/feature/edward-snowden-interview/watch-primetime-special-inside-mind-edward-snowden-n117126

Cuộc phỏng vấn đã khơi lại câu hỏi – sau gần một năm im lắng – Edward Snowden là người thế nào: một nhà ái quốc, một người dân đứng ra tố cáo những sai trái của chính quyền, hay là một tên phản quốc?

Đọc thêm: Người bị Truy Lùng khắp Hành Tinh

Nguồn: https://daovien.wordpress.com/2014/06/28/bat-mi-nhung-bi-mat-quoc-gia/

 

up

AcDieu
Google Search:       
RFI
Nguoi_Viet
RFA
Quan_Su_VNCH
Quân Sử VNCH
Voa_tieng_Viet
msn
BBc_Tieng_Viet
Dan_lam_bao
Radio_VNHN

TIME