AcDieu225
Co Vang amazon Tammy

Free Hit Counters
Web Site Hit Counters

Khách viếng thăm

Translate

Powered by Translate

cam-on-anh_TPB (2).jpg

Du Học Sinh Hồi Hương

câu chuyện Trung Hoa

Thứ năm, ngày 4 tháng 5, năm 1989… hơn 250,000 người xuống đường biểu tình ở thiên an môn, trong số những người xuống đường đó có rất nhiều sinh viên du học hồi hương. họ diễn hành ở thiên an môn để chào mừng 70 năm ngày kỷ niệm phong trào sinh viên.

Giới độc giả Hoa Kỳ, dù là bạn tôi, cũng không bao giờ nghĩ đến chuyện hỏi xin tôi những tác phẩm tôi viết, nhưng độc giả Trung Hoa lại khác hẳn. Họ coi những yêu cầu này chẳng khác gì lời thỉnh cầu của những kẻ mộ đạo cầu xin ân điển của các thánh thần. Chính vì vậy nên tôi bị buộc phải đáp ứng những danh dự mà tất cả những độc giả không quen của tôi ở khắp nơi trong Trung Hoa có ý dành cho tôi. Mỗi tháng tôi phải mua cả hàng chục quyển Xuân Nguyệt để tặng các độc giả Trung Hoa.

Chỉ có một lần tôi được biết thêm tin tức của những người đã nhận sách của tôi. Theo tập tục Trung Hoa thì cám ơn một cách trịnh trọng là không biết điệu vì những câu cám ơn ngắn ngủi, cộc lốc đó sẽ làm mất đi những mối hảo cảm giữa người nhận và người gửi. Ngay cả viết thư để tỏ lòng ngưỡng mộ cũng là không phải phép. Những câu tán dương của những người không tên không tuổi thường chỉ khiến người viết trở nên lố bịch và làm cả người viết lẫn người nhận cảm thấy khó chịu. Tuy tôi vẫn hiểu rõ là thế nhưng những ảnh hưởng văn hóa của Hoa Kỳ vẫn khiến tôi lắm khi phẫn nộ. Đã hơn một lần tôi mắng thầm: Quái đản không tưởng được. Vì lẽ gì họ lại chẳng thèm đoái hoài gì đến việc cám ơn? Chẳng nhẽ họ không hiểu được lẽ tự nhiên của phép xã giao?

Nhưng rồi cũng có lần ngoại lệ. Có lần tôi nhận được một lá thư dài của một du học sinh hồi hương ở Trung Hoa đã nhận sách của tôi. Lá thư thật là dài và kể lại cuộc đời của người du học sinh hồi hương hết sức sống động: Cuộc đời của tiến sĩ S_, một học giả 87 tuổi. Câu chuyện của người du học sinh hồi hương cũng lôi cuốn chẳng khác nào tình tiết của những câu chuyện trong các tác phẩm tiểu thuyết của tôi. Lá thư kết thúc bằng một câu tiếng Anh: “Chả thế mà sách của bà bán chạy như tôm tươi!”

Trong toàn thể bức thư, câu nào cũng phản ảnh ngòi bút trang nhã của người học giả, ngoại trừ câu kết luận. Nhưng chính câu kết luận không mấy văn hoa đó lại khiến tôi tò mò. Tôi định sẽ đến tìm gặp ông mà không hẹn trước. Tôi chẳng thể gọi điện thoại vào giờ chót vì những người dân thường chỉ được phép dùng điện thoại công cộng mà thôi. Tôi chẳng thể viết thư vì vấn đề viết còn khiến mọi việc trở thành phức tạp hơn nữa. Tiến Sĩ S_ sẽ phải giải thích rõ cho ủy ban khu vực rõ tại sao lại có người, chứ chưa nói đến người đàn bà, hoặc người ngoại quốc, hoặc vợ của một ông đại sứ và nhất là đại sứ của một nước điển hình của sự “phóng đãng tiểu tư sản”, lại muốn gặp một người già như ông, nhất là một người từ trước đến nay ông chưa hề khai rằng có quen biết hoặc có liên hệ ruột thịt, máu mủ gì… Đối với những người cộng sản thì những ý kiến bất ngờ của một nhà văn đã hẳn lúc nào cũng là những điều đáng ngờ nhất.

Chiếc xe Taxi thả tôi ở một ngõ cụt. Vừa xuống xe tôi đã thấy ngay những cặp mắt cú vọ của những người trong khu phố đang nhìn tôi chòng chọc. Để chứng minh là mình chẳng có gì đáng dấu diếm, tôi đưa tên và địa chỉ của Tiến Sĩ S_ cho một người đàn bà lùn, phốp pháp có nước da vàng ủng xem để hỏi đường. Xem xong, bà ta chẳng nói, chẳng rằng, đưa ngón tay sần sùi toàn những cục u, chỉ về phiá một tòa biệt thự đổ nát lớn trông như thể một toà bin đinh quốc gia cũ.

Tôi luôn miệng cảm ơn. Bà vẫn giả lơ như người điếc. Tôi định trở lại taxi để quay về nhưng lại đổi ý. Tôi sợ mọi người xung quanh sẽ nghi ngờ hơn nếu tôi ra đi bất ngờ. Suy nghĩ xong, tôi lẳng lặng băng qua sân tòa biệt thự rồi bước thẳng lên chỗ cầu thang.

Lúc trước, tòa biệt thự là nơi cư ngụ riêng của một gia đình quyền quý Âu Châu. Tòa biệt thự sang trọng đó giờ đây trở thành một khu chung cư cho cả hàng trăm gia đình. Tòa nhà trông thật cũ kỹ. Ngày trước, cứ mỗi khi xem những cuốn phim lúc đất nước Hoa Kỳ vẫn còn hoang dã, tôi vẫn thường bị ám ảnh vì những chuyến hành trình sang miền Tây của những gia đình Hoa Kỳ đi tìm cuộc sống ở những vùng đất mới. Đã nhiều lần tôi nhìn những cỗ xe ọp ẹp của họ và tự hỏi nếu gia đình tôi phải sống cảnh du mục như họ thì chẳng hiểu tôi sẽ phải xoay sở ra sao? Lúc này, khi chính mắt được chứng kiến cảnh cả ba thế hệ Trung Hoa phải chen chúc để cùng sống trong một căn buồng độc nhất, tôi lại tự hỏi phải chăng cuộc sống nơi đây còn đòi hỏi người ta phải can đảm hơn cả những cuộc sống tôi đã được mục kích trong những cuộn phim lần trước? Tuy thế, tôi vẫn thấy rõ một điều hết sức hiển nhiên: Chẳng có người Trung Hoa nào lại nghĩ đến việc tự nguyện bỏ nơi cư ngụ của mình ở thành phố để về các tỉnh lẻ tìm những nơi khác rộng rãi, lương cao hoặc nhiều cơ hội hơn.

Tôi gõ cửa. Người mở cửa là một người đàn bà trẻ mặt mày nhăn nheo như bà phù thủy, đang rán cá trên một chiếc bếp ga nhỏ. “Có cụ S_ ở nhà không cô?”

Mắt người đàn bà như xuyên thẳng qua tôi. Bà giơ tay chỉ tay về hướng một hành lang mờ mờ, nặng mùi.

Cánh cửa cuối chỉ khép hờ. Sợ rằng chuyến đến viếng bất ngờ của tôi có thể làm một người lớn tuổi như ông giật mình, tôi chuẩn bị bằng cách đứng ngoài cửa nói tiếng Anh vọng vào. “Thưa cụ S_ ??” Một lúc sau mới có tiếng trả lời cũng bằng tiếng Anh: “Mời vào.”

Tôi đẩy cửa bước vào. Một cụ già tuy hơi gù nhưng trông rất đẹp lão. Dáng dấp cụ trông có vẻ phù hợp với bộ áo gấm và chiếc mũ cánh chuồn khảm ngọc của một vị quan hơn là chiếc áo khoác màu xanh cụ mặc. Những sợi tóc bạc của ông thật đều, chải thẳng trông rõ từng sợi đâu vào đấy.

“Chào cụ, cháu là Bette Bao Lord.”

Mắt cụ già vẫn không lộ vẻ gì ngạc nhiên.

Tôi lập lại tên mình bằng tiếng Anh, rồi lập lại rõ hơn bằng tiếng Trung Hoa. Tôi nói thêm rằng tôi là vợ ông đại sứ Hoa Kỳ, ông cụ đã đọc tác phẩm của tôi và cụ cũng đã viết thư cho tôi.

Cụ già gật đầu. Qua hành động của cụ tôi cảm thấy có một sự ngần ngại và rồi hình như cụ cố trấn tĩnh để vượt qua sự ngần ngại đó.

Lập tức trong thâm tâm tôi cảm thấy ân hận. Tôi tự mắng thầm mình không biết phép xã giao.

Cụ già nhìn ra chỗ cửa hé. Tiếng xào nấu đã dừng lại từ bao giờ.

Tôi giận mình chẳng có phép tàng hình để có thể biến đi ngay trong phút đó.

Một lúc lâu sau, cụ đứng dậy chào tôi và ra hiệu cho tôi ngồi vào chiếc ghế độc nhất còn lại trong phòng. Chiếc ghế gỗ gụ đó trông giống hệt như chiếc ghế cụ đang ngồi. Xung quanh căn phòng những vật di sản của gia đình cụ nằm rải rác, những mảnh giấy báo sặc sỡ loang lổ trên căn gác ám khói, những tấm màn che bằng khăn trải giường ảm đạm không thể che hết những chiếc bình sứ trắng như ngọc, những bức màn gió đã rách, chiếc bàn mong manh, chiếc kệ sách đổ ngược, những chiếc bình cổ quý giá cũ kỹ loáng thoáng ở khắp đó đây khiến cho bầu không khí mang vẻ cô độc. Tôi tự hỏi phải chăng mình đang ngồi vào chiếc ghế dành cho cụ bà.

Dường như hiểu thấu tâm trạng tôi, cụ nói: “Phiá dưới kia là chỗ các cháu tôi ở. Đây là chỗ dành riêng cho tôi. Ở giữa là hàng ranh giới bất khả xâm phạm.”

Tôi bật cười. Mọi cảm giác lo lắng lúc trước bỗng nhiên biến mất. Tôi nói tiếp lý do vì sao tôi muốn gặp cụ: Tôi muốn được nói chuyện trực tiếp với một du học sinh hồi hương đã từng theo học ở cả ba đại học đường Stanford, Cornell và Harvard để tìm hiểu tâm trạng của hơn 15.000 du học sinh hồi hương ngày trước. Những sinh viên du học đó được học bổng nhờ sự tài trợ của Hoa Kỳ khi Trung Hoa bị buộc phải bồi thường chiến tranh cho 11 quốc gia khác sau biến cố Loạn Quyền Phỉ.

Cụ đề nghị chúng tôi nói chuyện với nhau bằng tiếng Trung Hoa cho tiện.

Tiện cho ai? Dĩ nhiên là không phải cho cụ. Chắc hẳn là tiện cho mụ hàng xóm trông chẳng khác nào mụ phù thủy trẻ tôi đã gặp lúc nãy.

Tôi cố nghĩ ra một câu chuyện bông đùa gì đó để mở đầu câu chuyện nhưng chẳng nhớ được gì. Sự tĩnh mịch ngoài hàng hiên như ùa vào phủ lấp căn phòng.

Bất thần cụ mở ngăn kéo và rút ra một xấp ảnh. Cử chỉ gọn gàng của cụ lúc rút xấp ảnh trông như thể thói quen đó đối với cụ đã trở thành một động tác tự nhiên. Cụ trịnh trọng chuyển cho tôi từng bức để xem. Hình ảnh của cụ lúc thiếu thời là hình ảnh của một thanh niên tràn đầy hy vọng, hình chụp cụ trước tòa Bạch Ốc, hình chụp cụ cạnh tượng Nữ Thần Tự Do, hình chụp cụ ở Tháp Chuông Tự Do, hình chụp cụ cạnh đền Lincoln và Jefferson. Hình chụp các con gái, con trai cụ. Có nhiều bức chụp hình cụ bà, một thiếu phụ thật đẹp và gần như chẳng có bức nào của cụ bà chụp lúc về già. Bức cuối cùng là một bức ảnh chụp lại bức họa nội tổ của cụ. Bức họa trong ảnh là bức chân dung của một người đàn ông đang ngồi, mắt nhìn thẳng về phía trước, vẻ mặt hoàn toàn bình lặng. Dáng dấp ông gầy gò, mình mặc áo cẩm bào thêu, mũ cánh chuồn có khảm ngọc trông như một vị quan. Trong bức di ảnh đó có hai làn gạch chéo hình chữ X màu đỏ ăn sâu gần như chẳng thể nào rửa đi được nữa.

Tôi nhận ra ngay rằng dấu đỏ hình chữ X là tác phẩm của Vệ Binh Đỏ, nhưng cụ vẫn làm ngơ trước vẻ thắc mắc của tôi. Chẳng còn bức ảnh nào để chúng tôi có thể xem tiếp hoặc chuyển đề tài, chỉ có sự yên lặng vụng về kéo dài cùng với tiếng đũa chén của người hàng xóm đang ăn cơm.

“Thưa, cụ đã dùng cơm chưa?”

Cụ cười như thể đấy là một câu hỏi bông đùa và đưa tay chỉ vào bức tranh cuối cùng: “Nội tổ của tôi đấy. Cụ là Thống Đốc của tỉnh Giang Tô hồi đầu triều Thanh. Nếu Tôn Dật Tiên không đột ngột từ trần thì có lẽ chính tôi cũng đã ra làm việc với chính phủ. Ông Tôn Dật Tiên chắc chắn sẽ cử tôi làm những việc phù hợp với những kiến thức tôi đã thu thập được ở Tây Phương. Ông hoàn toàn khác hẳn với những người lãnh đạo trước và sau ông. Ông không nhìn thế giới bằng nhãn quan của một con người thiển cận, hẹp hòi hoặc bằng nhãn quan của một con người phẫn hận vì uất ức. Chính ông cũng đã từng đi đến rất nhiều nơi trên thế giới.”

“Ừ, kể ra nếu tôi cứ cố ngậm miệng thì có lẽ chính phủ Tưởng Giới Thạch cũng đã tìm được một chỗ cho tôi. Nhưng sau năm 1927, khi ông Tưởng mở màn phong trào Khủng Bố Trắng(1), thì làm sao tôi có thể nhắm mắt làm lơ với lương tâm…” Giọng ông nhỏ dần như thể đang bàn luận với chính mình.

Tôi ngồi lặng chờ đợi, sợ rằng những câu hỏi của tôi vào lúc này sẽ cắt đứt luồng tư tưởng của ông.

“Thật sự thì việc ấy cũng xưa quá rồi. Sau đó thì Quốc Dân Đảng chẳng còn tin tôi. Rồi thì cả Cộng Sản cũng không tin tôi—” Cụ cắt lời, rõ ràng là tuổi tác đã làm cụ mệt nhiều vì suy nghĩ. Rồi nhìn thẳng vào tôi,cụ hỏi: “Những người đã xuất ngoại như chúng ta gần như không bao giờ được tin tưởng. Tôi nghĩ…, Không, thực ra tôi biết rõ là vậy. Có đúng không?”

Tôi gật đầu.

Cụ lắc đầu. “Nếu không có chiến tranh Á Phiện, không có giao ước nhượng địa 99 năm, không có cuộc hỏa thiêu Hạ Cung, không có vụ Chính Sách Pháo Hạm hoặc không bị các nước ngoại quốc phong tỏa thì có lẽ Trung Hoa đã có thể vượt qua mọi khó khăn để học hỏi Tây Phương như nước Nhật. Nếu không…”

Tôi cố ý làm như không thấy cả giọng cụ lẫn tay cụ đều đã quá run rẩy.

“Nếu Trung Hoa… Có thể một ngày nào đó người Trung Hoa có thể đối xử khoan dung với những đứa con du học khác hẳn những người cùi hủi như trong thế kỷ đã qua, có thể mở đường cho những đứa con đã có dịp đi xa để mở rộng tầm kiến thức, đã tình nguyện trở về vì yêu quê hương, xứ sở nghèo nàn.”

Tôi nói rằng ngày đó chắc chẳng còn xa nữa. Trong thời gian hiện tại, tuy đảng vẫn còn nghi ngờ những sinh viên du học thì nhiều người Trung Hoa khác đã thấy rõ giá trị của các du học sinh hồi hương và bắt đầu khát khao muốn được đi du học.

Cụ cười mỉm. Nụ cười thật cay đắng. “Đúng, nhưng lý do họ muốn đi lại hoàn toàn khác. Những hôm đẹp trời, lúc tôi đến công viên, những lũ thiếu niên mặc quần đùi, áo may ô vẫn thường bu đến hỏi tôi về Hoa Kỳ. Chúng biết tôi đã từng ở đó. Chúng còn trẻ quá. Chúng nghĩ mọi sự ở Hoa Kỳ đều là thiên đàng…” Cụ ngước mặt nhìn thẳng lên trời như thể đang cố giữ cho nước mắt đừng rơi.

Rồi vì chẳng còn gì để nói, tôi hứa sẽ gửi sách cho cụ đều đặn.

Cụ gật đầu. “Được thế thì quý biết bao. Ôi, cô không thể nào hiểu được cuộc sống của tôi đâu. Được cấp phát ba bằng danh dự tối cao từ ba đại học đường danh tiếng mà chẳng bao giờ được giao cho trách nhiệm nào thiết thực! Ôi thất vọng biết bao! Ôi tẻ nhạt biết là chừng nào! Cô không hiểu được tôi đâu!”

Tôi muốn hỏi cụ: Sau sáu năm ở ngoại quốc, ngoài những cái giá phải trả vừa kể cụ có còn phải trả giá gì thêm nữa? Sự trả giá đó có đáng không? Vào lúc này đảng có đối đãi khoan dung với 80,000 học sinh đang du học ở ngoại quốc không? Cuộc cách mạng cộng sản ở Trung Hoa không phải là một cuộc cách mạng của các giai cấp công nhân như cuộc cách mạng Marx đã mô tả. Cuộc cách mạng Trung Hoa đã khởi đầu từ các thôn, xã ở miền quê. Cuộc cách mạng đó đã thành công trong việc thiết lập một chánh phủ của nông dân, do nông dân và vì nông dân. Nhưng giới lãnh đạo nông dân có bao giờ rộng lượng đến mức cho phép những người trí thức dù là trí thức trong hay ngoài nước thay họ nắm quyền hay không?

Có tiếng bát chén dọn cơm khua lên ở ngoài hành lang. Trời đã xế trưa, tôi chào cụ để ra về. Cụ không phản đối, chỉ nói rằng tôi ở chơi ít quá. Cụ có ý giữ tôi ở lâu thêm. Cụ vẫn giữ trọn những phép xã giao thông thường của Trung Hoa đối với một người khách, dù là một người khách gia chủ không hề mời.

Nếu không gặp bà ngoại tôi thì có lẽ ông ngoại cũng là một học sinh du học.

Ông ngoại tôi sinh năm 1895, nhằm vào năm Mùi, và là trưởng nam của một đại gia tộc. Chính vì thế nên trong nhà họ Phương ở quận Đồng Thanh trong xã An Huy bên bờ sông Dương Tử, ông là một vị thiếu gia được cưng chiều rất mực. Theo bà cụ thân tôi kể chuyện thì gia đình tôi một gia đình có tiếng hay chữ và là nơi xuất thân của rất nhiều học giả và thi gia. Tôi chưa bao giờ tin lời bà cụ thân tôi. Bà cụ thân tôi cũng giống như tôi, lúc nào cũng thêm mắm, thêm muối vào câu chuyện cho thêm phần ly kỳ. Mãi cho đến khi có dịp trở lại Trung Hoa tôi mới biết rõ rằng bà cụ thân tôi thật ra còn chưa nói đủ về họ ngoại. Ngay cả những người hướng dẫn trẻ tuổi đi cùng tôi lúc đó, tuy không mấy học thức và đã được dạy phải khinh thường tất cả những giới học thức địa chủ mà vẫn tỏ vẻ thán phục khi tôi hỏi về nhà họ Phương. Họ cũng nói như bà cụ tôi kể rằng theo tương truyền thì gia đình họ Phương đã sáng lập ra một trường phái viết gọi là trường phái Đồng Thanh, được mọi người ngưỡng mộ và đã được dùng trong khắp Trung Hoa vào triều đại nhà Thanh.

Ngay từ ngày còn bé, ông ngoại tôi đã tỏ ra thông minh vượt bực và được chính ông thân sinh của cụ đích thân dạy dỗ. Hai bố con cụ thường ngồi đối diện trên bộ ghế gụ để luận chuyện các thức giả thời cổ và chuyện nhân sinh. Cứ hết năm này, tháng nọ khung cảnh dạy dỗ đặc biệt đó tiếp diễn, chỉ trừ những ngày đông giá là hai bố con mới thêm nhịp chân xoay những con quay bằng gỗ để giữ cho chân khỏi lạnh.

Chính vì thế nên vào năm 1912, một năm sau khi cách mạng lật đổ nhà Thanh, ông ngoại đã trúng tuyển học bổng du học trong một cuộc dự thi toàn quốc. Khi ông ngoại đến Thiên Tân thì có một biến cố khác thường khác khiến ông bỏ hẳn chuyện du học. Lúc tàu đỗ bến Thiên Tân, ông ngoại sửa soạn vào Bắc Kinh để thăm Trùng Khánh, thủ đô của đất nước kể từ đời Nguyên. Trên đường đi ông ghé vào một chỗ bàn luận văn chương. Người chủ tọa buổi nói chuyện đó là một nữ thi gia và là một trong những người nhiệt tình với các cuộc cách mạng. Nữ thi gia này đã làm ông ngoại say đắm đến độ ông đã vượt hẳn lề luật cổ truyền và ngỏ lời kết hôn với cô. Cô nhận lời. Họ cưới nhau ngay trong tuần lễ đó. Ông ngoại tôi lúc đó 17 tuổi, bà ngoại lớn hơn ông một tuổi.

Thế là ông ngoại tôi ở lại bỏ luôn chuyến xuất dương.

Theo lời kể của tất cả những người trong họ, kể cả những người không ưa cụ, thì bà ngoại tôi là một tiểu thư chẳng những đã xinh đẹp mà còn giỏi văn chương hơn cả ông ngoại. Thủ bút của cụ bà trông vừa cương nghị, vừa uyển chuyển chẳng khác nào nét thanh tao của những ngọn trúc. Cụ bà cũng là trưởng nữ và là một người rất mực cứng rắn. Tuy rằng cụ cũng buộc chân, nhưng cụ bất chấp tiếng tăm và đau đớn, vẫn đi bơi ngoài biển và cưỡi ngựa. Đây là những thú tiêu khiển chưa từng nghe ai nói đến là dành cho đàn bà thời đó, chứ đừng nói đến một người thiếu nữ danh gia vọng tộc như cụ. Chuyện bà ngoại tôi tự động lập gia đình khiến cho cụ cố ông giận đến nỗi cụ lại lấy thêm một người hầu thiếp nữa để hạ nhục cụ cố bà. Khi ông bà ngoại tôi cùng nhau trở về thì cả nhà họ Phương đều kinh ngạc. Nhưng dầu sao thì tất cả cũng là chuyện đã rồi. Gia đình họ Phương bị buộc phải chấp nhận người dâu mới nhưng kể từ đó lúc nào trong họ cũng xì xào lời ra tiếng vào về người đàn bà quỷ quái đã cám dỗ khiến cho ông ngoại vượt khỏi cả lễ giáo cổ truyền. Nhưng vì quá yêu thương nhau, vợ chồng ông ngoại tôi hoàn toàn gạt bỏ ngoài tai những lời đồn đãi. Tuy thế, ông ngoại tôi vẫn chẳng thể nhắm mắt gạt bỏ hết mọi luật lệ cổ truyền, nguyên là yếu tố chính của xã hội Trung Hoa.

Sau khi hạ sinh bà cụ thân tôi và dì A Di, bà ngoại tôi hết sức cầu mong một mụn con trai, nhưng trời lại chẳng chiều lòng người. Vì lý do nào đó vấn đề “thất bại” này khiến tôi cho rằng bà ngoại qua đời rất sớm. Có lẽ ngày còn bé tôi cũng biết là có vấn đề khúc mắc gì đó. Có thể là tôi sợ quá nên không dám hỏi và rồi tự cho rằng bà tôi đã qua đời sớm trong lúc sinh nở và đứa con cũng không sống được. Có thể là tôi đã hỏi nhưng rồi tự trả lời vì bà cụ thân tôi chẳng bao giờ đã động gì đến chuyện bà ngoại — Họa chăng chỉ có lúc đọc một bài thơ hoặc kể chuyện bà ngoại đi bơi, cỡi ngựa. Cuối cùng tôi kết luận một cách đơn giản rằng bà ngoại qua đời quá sớm, khi bà cụ thân tôi còn trẻ và chẳng nhớ được gì nhiều.

Khi trở về Trung Hoa lần thứ ba, tôi hỏi dì A Di có bức ảnh nào của bà ngoại không? Dì buồn bã lắc đầu, kể rằng dì đã ném tất cả những bức ảnh chót của gia đình vào một nồi súp đang sôi khi dì nghe tiếng giày của vệ binh đỏ lên lầu.

Nghe dì nói tôi không cầm được nước mắt. Tôi nói với dì: “Thế là chẳng bao giờ con được biết mặt mũi bà ngoại ra sao, dì phải tả lại cho con rõ.”

Để dỗ dành tôi, dì tả về hai tấm ảnh của bà ngoại mà dì thích nhất. Một bức chụp ngay sau ngày bà ngoại vừa lập gia đình và tấm còn lại chụp vào lúc bà ngoại 70 tuổi.”

“Dì bảo rằng bà ngoại hãy còn sống?”

“Không, bà mất rồi con à.”

“Bà mất lúc nào?”

“Bà mất vào năm 1964, hai tuần sau khi cụ cố ngoại tức là bà cụ thân sinh ra bà ngoại mất.”

“Sao lạ vậy? Con tưởng bà ngoại mất từ lúc mẹ con còn bé.” “Sao con lại nghĩ lạ vậy?”

“Con không biết. Con chỉ tự cho là vậy…. Mẹ chẳng bao giờ nói chuyện gì về bà ngoại cả.”

“Có thể là mẹ con xấu hổ đấy.”

“Sao lại phải xấu hổ hả dì?”

“Con cứ hỏi lại mẹ con thì rõ.”

“Không, con không hỏi đâu, ai lại để sau suốt bao nhiêu năm cho đến giờ mới hỏi? Dì ơi, dì nói cho con rõ đi.”

Thế là cho đến mãi giờ phút đó, năm tôi 41 tuổi, tôi mới có dịp được nghe chuyện bà ngoại dám can đảm chống lại những cổ tục truyền đời của Trung Hoa.

Khi bà ngoại không có con trai, thì ngay cả một người “xem nhẹ gia phong” như ông ngoại tôi cũng chẳng thể chịu đựng nổi áp lực gia tộc. Ông tuyên bố sẽ lấy thêm một người vợ lẽ. Thế là bà ngoại chẳng nói chẳng rằng, lẳng lặng cuốn gói vĩnh viễn rời khỏi gia đình nhà họ Phương.”

Nghe thế, tôi hoan hô bà ngoại hết mình. Nếu đặt trường hợp là tôi, tôi cũng hành động như thế. Dì tôi vừa lắc đầu tỏ ý phản đối sự suy nghĩ dại dột của tôi vừa nói: “Đừng xét đoán vội quá con à! Con tưởng bà ngoại suốt đời không bao giờ hối hận à?”

Nghe dì nói xong tôi giật thót người, nhưng tôi cố lấy lại bình tĩnh, nhún vai tỏ vẻ thản nhiên nói rằng: “Con mà vậy con chẳng hối hận đâu!”

“Đừng có dại, con là một người Mỹ, lập gia đình với một người Mỹ. Con sống trong một xã hội mà vợ thay chồng đổi chẳng khác nào ngọn gió đổi chiều. Nhưng bà ngoại thì đâu có vậy được? Cụ là một người Trung Hoa, sống trong một xã hội cổ truyền. Lập gia đình thời cụ nào có phải hoàn toàn dựa vào chuyện yêu đương? Lập gia đình thời cụ thực ra là một vấn đề của đời sống. Nếu không có gia đình, không có chồng con, không có địa vị thì một người như cụ sẽ sống ra sao? Nếu mất tất cả những thứ quý giá đó thì cuộc sống của cụ chẳng qua chỉ là một chuỗi ngày tàn vô nghĩa.”

“Nhưng mà bà ngoại ra đi là quá phải rồi. Làm sao bà ngoại có thể ngẩng mặt lên được nếu ở lại khi ông ngoại lấy vợ lẽ?”

“Con hỏi sai rồi con à! Đáng nhẽ con phải hỏi làm sao bà ngoại có thể ngẩng mặt lên được nếu bà ngoại ra đi mới đúng.”

Lần này thì câu nói của dì khiến tôi suy nghĩ. Tôi tự hỏi sau đó bà ngoại có bao giờ vui trở lại được nữa hay không? Về lúc sau này, thời gian có khiến cho bà ngoại chịu đựng được những cổ tục mà những người đàn bà Trung Hoa khác đã chịu qua suốt mấy ngàn năm rồi chăng? Khi bà ngoại bước qua các luật lệ cổ truyền để lập gia đình với ông ngoại, phải chăng định mệnh đã an bài cuộc sống của cụ phải đắng cay là thế? Hoặc giả đấy chỉ là một câu hỏi hoàn toàn không dính dấp gì với vấn đề lập gia đình và vấn đề lập gia đình phải chăng từ trước đến nay bất kể là trong xã hội nào vẫn chỉ là một vấn đề của định mệnh?

“Dì à, sau này bà ngoại có bao giờ vui lại như trước nữa không?”

Dì tôi thở dài: “Có… Cụ vui trong các cơn say á phiện…”

Tôi chợt nhớ trước thời cách mạng cộng sản thành công đã có những người đàn bà thời mới đã biết đọc, biết viết, tuy chưa biết rõ về Lenin, về Engle, chưa hiểu rõ chủ nghĩa Mao, chủ nghĩa Marx vẫn thường đi guốc cao gót đến các đồn cộng sản ở Diên An để cổ võ phong trào giải phóng phụ nữ khỏi các cổ tục lập gia thất. Tuy thế lỗ hổng giữa lý thuyết và thực hành vẫn còn quá tầm với của họ. Rất nhiều các nhà lãnh đạo cộng sản, kể cả Mao Trạch Đông, Lưu Thiếu Kỳ và cả Đặng Tiểu Bình đều đã lập gia đình đến hai ba lần; nếu có gì khác biệt thì điều khác biệt đó chính là họ không còn cấp dưỡng đầy đủ cho vợ con họ sau ngày ly dị. Còn những người đàn bà ở Diên An thì vẫn chung thủy tận cùng với chồng chẳng khác gì lúc trước.

Giờ đây những bài thơ bà ngoại tặng cho ông ngoại ngày hai người còn chung sống &mdash Những bài thơ mà ông ngoại đã giữ suốt đời cho đến đêm vệ binh đỏ đem đốt lại tăng thêm ý nghĩa. Buồn thay những sự hy sinh nhân danh cuộc cách mạng. Buồn thay những sự hy sinh trước bàn thờ của các hủ tục cổ truyền.

Ông thân tôi cũng là một sinh viên du học. Ông sinh vào năm 1911 nhằm năm Hợi ở tỉnh Thiên Tân, khoảng một tháng sau khi triều đại cuối của nhà Thanh sụp đổ. Lúc đó hoàn cảnh thương mại thật khốn khó bội phần cho ông nội.

Năm 11 tuổi ông nội đã bắt đầu làm thuê ở một khách sạn. Từ năm 15 tuổi, khi bắt đầu có được ít tiền, ông đã dành dụm hết mình cho đến khi có đủ vốn để lập một cửa hiệu kim hoàn nhỏ. Ông nội không phải là người có mộng lớn. Ông chẳng bao giờ thắc mắc rằng cuộc sống của mình có đầy đủ hay không. Ông chỉ biết rằng ông cần phải dành dụm. Khi ông nội lập gia đình, ông cũng bắt vợ phải cần kiệm như mình.

Ông thân tôi là con thứ ba trong nhà. Vì sinh thiếu tháng, nên khi còn bé ông thân tôi rất yếu đuối. Ngày ông thân tôi chào đời, ông nội vừa nhìn đã bảo ngay rằng có lẽ nên kiếm nhà nào khá giả đem cho đứa bé đi cho xong, chứ yếu đuối thế sợ lo không xuể. Tuy bà nội là một người chiều chồng rất mực nhưng khi nghe xong bà một mực khăng khăng đòi giữ lấy con. Bà nội cương quyết đến độ ông nội phải sửng sốt rồi cuối cùng thuận theo ý bà. Tuy ông nội đã đồng ý mà bà nội vẫn chưa tin hẳn. Bà làm lấy một chiếc võng con rồi cứ thế đeo luôn ông thân tôi ngang ngực suốt cả ngày.

Có lẽ cũng chính vì bà nội tôi quá chú ý đến đứa con yếu đuối nên ông nội đâm ra ghét cả ông thân tôi. Kể từ ngày còn bé ông thân tôi đã sợ ông nội gấp cả chục lần hơn những đứa bé khác cùng lứa tuổi sợ bố. Nói cho cùng thì trong đời sống Trung Hoa từ trước đến nay, hình ảnh của người cha lúc nào cũng là một hình ảnh nghiêm khắc và kỷ luật. Nếu người mẹ là hình ảnh của tình thương thì người cha lúc nào cũng là hình ảnh của quyền uy. Một người cha gương mẫu là một người cha nghiêm khắc, roi vọt chỉ bảo con cái đến nơi đến chốn. Ngược lại, nuông chiều con cái là làm gương xấu và quên hết trách nhiệm làm bố. Gia đình ông thân tôi cũng không thoát khỏi thông lệ đó. Bởi vậy ông thân tôi chẳng bao giờ dám quấy rầy ông nội. Hễ cứ thoáng thấy bóng ông nội trước cửa là ông thân tôi lại lẩn ngay ra đằng sau.

Vậy mà ông thân tôi vẫn nói rằng ông chưa phải là một người con gương mẫu. Trong gia đình Trung Hoa, một người con gương mẫu là một người con lúc nào cũng chăm chỉ, vâng lời cha mẹ và luôn luôn im lặng. Ông thân tôi thì lại khác hẳn. Ông thường kể lại những chuyện đụng độ với ông nội một cách thích thú. Một trong những câu chuyện đụng độ giữa ông nội và ông thân mà tôi còn nhớ là câu chuyện làm thay đổi cuộc đời ông thân và do đó đã làm thay đổi luôn cả cuộc đời của chính tôi. Câu chuyện đó chẳng qua chỉ là câu chuyện của một ổ khoá năm hào.

Ngày còn bé, ông thân tôi phải đi học khá xa nhà. Mỗi lần mùa đông giá là mỗi lần ông phải khổ sở đi bộ đến trường, nhất là khi còn phải mang theo rất nhiều sách vở. Những học trò khác thường không phải mang nặng như ông thân tôi. Thông thường họ chỉ mang theo những sách vở nào cần thiết để làm bài tập ở nhà. Những sách vở khác họ bỏ vào những tủ khóa mà nhà trường dành riêng cho học sinh. Riêng ông thân tôi thì vì không có khóa nên lần nào cũng phải mang tất cả sách vở đi về. Một hôm ông thân tôi cố thu hết can đảm để xin tiền mua khoá. Ông nội gạt phắt đi bảo rằng: “Nếu bố có thể đi bộ để dành tiền để trả tiền học cho con thì con phải biết cố gắng mang sách vở để bố đỡ tiền mua khóa chứ.”

Một hôm nhằm một ngày mùa đông thời tiết cực kỳ lạnh lẽo, ông thân tôi đánh liều bỏ lại tất cả những sách vở không cần thiết trong một hộc tủ không khóa ở trường. Hôm sau, khi ông quay lại thì đống sách đã không cánh mà bay. Vì không dám trình bày sự thật với ông nội, ông thân tôi chỉ còn biết cố gắng học không cần sách.

Thực ra, ông thân tôi cũng chẳng phải là một học sinh chuyên cần đều đặn. Ông rất ghét việc ông nội bắt ông cứ hết giờ này sang giờ khác mài mực và tập viết chữ cho đẹp. Ông thường bỏ bê những môn học ông không thích. Ông thích bông đùa và làm trò cho mọi người cười. Ông rất mê chơi. Vì tính ham chơi cộng thêm vấn đề mất sách, khi trường gửi học bạ cuối tháng của ông thân tôi về thì kết quả thật là be bét.

Có lẽ chẳng còn việc nào khiến ông nội có thể phẫn nộ hơn khi ông nhìn thấy kết quả học tập của ông thân tôi. (Tuy là cháu, tôi cũng có thể thông cảm được nỗi khổ tâm của ông nội. Trong một thời đại khó khăn như thế mà ông nội đã cố dành dụm đủ tiền chẳng những chỉ để cho ba đứa con trai ông mà cho cả hai đứa con gái học xong đại học.) Cho tới ngày nay, mấy người trong gia đình ông thân tôi vẫn còn nhớ trận đòn ông nội đánh ông thân tôi ngày đó. Trận đòn dữ dằn nhất, nếu bà nội không dọa bỏ nhà ra đi thì có lẽ ông nội đã đánh bố tôi đến thành thương tật.

Sau trận đòn lần đó, khi ông thân tôi đã đi lại được, ông bắt đầu trách oán ông nội về vấn đề mất vở vì không có ổ khóa.

Quả tình bà nội cũng có thể tìm cách lén lút cho ông thân tôi tiền mua ổ khóa nhưng vì ông nội kiểm soát tiền bạc quá kỹ nên dù bà nội có dành dụm cách mấy đi chăng nữa cũng chẳng thể có đủ tiền mua khóa cho con. Mấy chục năm sau, khi ông thân tôi đã thành đạt, ông thường gửi tiền về phụng dưỡng ông bà nội. Mỗi lần nhận được tiền ông thân tôi gửi, Cô Má lại chia đôi số tiền đó cho ông bà nội, nếu còn hào nào lẻ cô lại cất đi, chờ cho tới khi lần gửi tiền tới khi số tiền hào trở thành số chẵn đủ để chia hai.

Ông thân tôi gửi tiền về được ít lâu thì bà nội bắt đầu hiểu được cách ông nội đánh lừa bà suốt bao năm trời chung sống. Vì biết rằng bà nội không biết xem lịch, ông nội cứ cố tình mỗi tháng đưa tiền chậm đi vài ngày. Và như thế là cuối năm, thay vì được đưa tiền 12 tháng, bà chỉ được đưa có 11 tháng mà thôi.

Thế là tất cả những nỗi cay đắng, thất vọng bà đã chịu đựng tất cả cuộc đời kể từ ngày theo chồng bỗng nhiên bùng nổ. Trong suốt năm mươi năm chung sống, chỉ trừ hai lần phản đối, lần nào bà cũng chiều theo ý chồng. Một lần vì quá giận, bà đã cố trút bớt cơn giận bằng cách lén cắt đôi con búp bê đội nón giống hình ông nội rồi đem quăng vào xó. Giờ đây bà nội tìm cách trả thù. Bà nội trả thù ông nội chẳng khác gì cách trả thù của một đứa bé. Bà quyết không nói với ông một lời nào nữa. Tuy rằng bà vẫn hầu hạ ông chẳng khác gì trước đây bà nhất định không nói chuyện với ông nội. Bà nội đã giữ trọn lời thề cho tới ngày ông nội qua đời. Trong cuộc đụng độ giữa ông bà nội có lẽ chẳng ai dám oán trách bà nội. Nhưng riêng tôi lại thấy thương hại Cô Má nhất. Vì ngoài những bổn phận khác ra, trận đụng độ giữa ông bà nội lại khiến Cô Má phải đứng giữa làm sứ giả cầu hòa cho ông bà nội.”

Sau vụ mất sách, mất khóa và ăn đòn chí tử, ông thân tôi quyết định bỏ học luôn. Thay vì mỗi sáng cắp sách đến trường, ông thân tôi lang thang ở công viên gần tòa lãnh sự Hoa Kỳ, nơi các đội Thủy Quân Lục Chiến Hoa Kỳ đóng binh, để làm quen với các binh lính ở đó. Chẳng bao lâu sau những người lính trẻ Hoa Kỳ thấy ngay rằng họ có thể nhờ ông thân tôi dẫn đi đó, đi đây và làm bớt tẻ nhạt không khí của đời lính. Thế là đôi bên cùng gặp nhau để tìm vui. Nhờ thế, ông thân tôi lại học thêm được tiếng Anh và chẳng bao lâu sau nói tiếng Anh hoàn toàn không có giọng ngoại quốc tuy ngữ vựng của ông chỉ giới hạn và mỗi khi nói ông vẫn thích dùng những chữ ngắn.

Dĩ nhiên, ông nội rồi cũng biết rõ sự thể. Sau khi dần cho ông thân tôi một trận đòn, ông nội tôi cho rằng phải đổi tên cho ông thân tôi thì mới mong cải số mệnh đi được. Thế là ông thân tôi nguyên tên là Minh bị đổi thành Tân để cho hợp với cuộc sống mới mà ông nội đã dự định. Sau đó, ông nội quyết định gửi ông thân tôi lúc đó 12 tuổi vào học ở một trường Tin Lành ở phiá nam của bến tàu tỉnh Ninh Ba, xa Thiên Tân khoảng 400 cây số. Ninh Ba là nguyên quán của nhà họ Bao. Ở Ninh Ba, ông nội tôi nhúng người ông thân tôi ba lần xuống nước bùn lạnh cóng để chứng minh với Đất Trời rằng từ nay ông thân tôi sẽ là một con người mới. Thế là ông thân tôi ở Ninh Ba suốt năm năm cho tới ngày vào đại học.

Ông thân tôi hoàn toàn hợp với Ninh Ba. Ông học hành rất mực tấn tới. Khi tốt nghiệp kỹ sư điện ở Đại Học Giao Thông, một đại học kỹ thuật danh tiếng của Trung Hoa, ông thân tôi có đủ thứ bằng ban khen. Ông là đội trưởng đội bóng rổ và đội lặn của trường. Ông đã thắng giải hùng biện hạng nhất Trung Hoa và chính vì thế mà ông được ưu đãi có thể nói chuyện thẳng với Tưởng Giới Thạch bất kỳ lúc nào về các vấn đề quốc gia. Ông cũng đã thắng giải hùng biện Anh Ngữ trong một cuộc thi mà trong đó hai người tranh giải đứng ở hai đầu sân bóng đá, và nói vọng sang đầu bên kia để tranh luận cùng đối thủ của mình. Ông được tuyển sang tiếp tục học tại Đại Học Đường Luân Đôn.

Tất cả mọi người trong gia đình ông thân tôi đều hãnh diện, ngay cả ông nội cũng hãnh diện đến độ dù có cố làm lơ đến mấy, lần này cũng phải ráng tìm cách tặng quà cho con trai mình. Vấn đề là làm thế nào để cho quà mà không phải tốn mất đồng nào cả. Ngày ông nội tặng quà cho ông thân tôi, tất cả mọi người trong họ đều cố dụi mắt để trông cho rõ. Họ không ngờ ông nội lại có thể cho ông thân tôi một chiếc đồng hồ Thụy Sĩ? Trong tất cả những người họ hàng hiện diện hôm đó, chỉ có ông nội và sau này thêm ông thân tôi nữa là hai người biết rõ được uẩn khúc của câu chuyện: Ông nội đã cho ông thân tôi cái đồng hồ hỏng trong tiệm đồng hồ của ông nội.

Chính vì đã đắm chìm trong một nền văn hóa đặt nặng nguyên tắc dạy dỗ bằng cách gần như tuyệt đối chiều chuộng con trẻ của Hoa Kỳ nên tôi thấy cách đối xử và thương yêu của ông thân tôi đối với ông nội quả là một phép lạ nhiệm mầu. Trong suốt thời gian tôi gần gũi ông thân chỉ có một lần tôi thấy ông khóc thầm. Lần đó ông được tin ông nội qua đời. Tuy thế, tôi thật lòng cảm tạ trời phật khi thấy ông thân tôi bỏ hẳn truyền thống giáo dục cổ truyền của gia đình họ Bao. Có thể cách đối xử của ông nội đối với ông thân tôi đã khiến ông thân tôi thay đổi quan niệm đối với con cái. Có thể là ông thân tôi vốn tính chiều con hoặc giả có thể vì ông thân tôi bị ảnh hưởng của nền giáo dục Âu Mỹ, tôi không hiểu rõ yếu tố nào là yếu tố chính khiến ông thân tôi không chọn cách đối xử với con cái như ông nội, nhưng kể từ ngày tôi biết suy nghĩ cho đến giờ, tôi chỉ bị đòn có một lần ở Trùng Khánh. Năm đó tôi năm tuổi và Trung Hoa đang giữa lúc chiến tranh. Ông thân đã đánh đòn tôi chỉ vì tôi quá mê chơi và không chịu vào hố trú ẩn ngay lúc nghe tiếng kẻng báo động có máy bay Nhật bỏ bom. Còn thì trong suốt cuộc đời, lúc nào ông thân cũng chiều chuộng tôi hết mực.

Trước khi lên đường du học ông thân tôi gặp bà thân tôi. Và theo mọi người lúc đó thì bà thân tôi là một trong những người đẹp nhất của gia đình họ Phương. (Khổ thay — Tôi lại giống bố!) Sau khi giả vờ thúc dục ông thân tôi lập gia đình với những người con gái khác lúc đó đang để ý đến ông thân tôi, mẹ tôi đồng ý đợi ngày ông thân tôi trở về. Và khác hẳn với ông ngoại, ông thân tôi không hề bỏ lỡ chuyến tàu xuất dương. Ông ở ngoại quốc suốt ba năm mới đầu ở Luân Đôn để tiếp tục theo học cao học và sau đó ông làm việc ở Đức với hãng Siemens.

Năm 1937, sau khi trở về ông trở thành một thành viên của Ủy Ban Tài Nguyên Quốc Gia Trung Hoa. Ông bắt đầu ngỏ lời thẳng với ông ngoại xin lập gia đình với mẹ tôi. Đã hẳn đây không phải là một chuyện cưới hỏi dễ dàng. Gia đình họ Phương là một giòng họ danh gia thế phiệt của tỉnh An Huy và chưa bao giờ nghe gì về gia đình họ Bao ở tỉnh Ninh Ba cả. Và ngay cả khi họ đã biết rõ về gia đình họ Bao, họ cũng chẳng lấy gì làm hài lòng. Tất cả những người mai mối đều cho rằng hai bên không môn đăng hộ đối. Nhưng nếu ông ngoại là người hiểu rõ số mệnh như lời đồn thì có lẽ ông đã biết rằng ông tơ bà nguyệt đã buộc chỉ hồng cho ông bà thân tôi. Chính tôi là nhân chứng của cuộc hôn nhân đẹp đẽ đó. Có lẽ chỉ có một vài gia đình thực sự có được một mái ấm hoàn toàn hạnh phúc như gia đình ông bà thân tôi.

Đám cưới ông bà thân tôi cử hành ở toà cao ốc cao nhất Thượng Hải vào ngày đầu tiên năm 1938 và tiếng nhạc sống được đệm thêm bằng tiếng dội bom của Nhật vào ngay góc phố nơi đa số người Trung Hoa cư ngụ. Chẳng bao lâu sau, ông bà thân tôi lại phải chia tay. Ông thân tôi được tạm phong hàm cấp tá trong quân đột Trung Hoa quốc dân để có thể xử dụng quyền lực trong lúc làm việc và rồi bị thuyên chuyển về đóng ở núi Hồ Nam. Ông được giao trách nhiệm thiết lập nhà máy điện, một mục tiêu oanh kích hàng đầu của Nhật còn nguy hiểm hơn cả Thượng Hải, nơi ông yêu cầu mẹ tôi ở lại.

Khi tôi chào đời, ông thân tôi không hề ở cạnh mẹ tôi mà bị kẹt lại trong núi dưới hàng lớp mưa bom liên tục của Nhật. Có lần khi chờ tiếp tế, ông thân tôi đã phải ăn chuột nướng. Một lần khác khi phải cấp cứu những người khác ông đã phải duỗi thẳng những xác chết đã bị thiêu co quắp không còn hình dạng để xe vận tải có thể có đủ chỗ mà chất. Khi đi qua những mỏm núi cheo leo, hiểm trở, ông vẫn cố hát để giữ vững tinh thần.

Mỗi lần trốn về Thượng Hải, ông thân tôi lại phải giả dạng thành dân phu thuê lao động. Tuy chưa có chuyện gì đáng ngại nhưng sự nguy hiểm lúc nào cũng chập chồng và hiến binh Nhật khét tiếng tàn ác lúc đó đang ở khắp mọi nơi ngoài đường phố. Mẹ tôi quyết định không để tình trạng chia cắt vợ chồng lâu thêm.

Ký ức xa vời nhất của tôi là về những trận oanh tạc. Mẹ tôi đang bế tôi đi dạo. Hôm đó trời nắng và mẹ tôi đang mang dù. Có lẽ là mùa xuân hay mùa hạ. Bỗng nhiên có tiếng còi rúc lên từng hồi và rồi mọi người thi nhau chạy ùa vào các chỗ ẩn náu. Mẹ tôi đứng chết trân vì quá kinh hãi. Mọi người vẫn chạy vút qua và vì quá sợ, quên không để ý gì đến chúng tôi. Mẹ tôi cứ đứng nguyên ngay giữa đường, không nhích chân lên được. Cuối cùng bà dúi tôi vào tay một người lạ, nhờ mang tôi theo trốn cùng. Tất cả mọi người đều tìm nơi ẩn trốn, trừ mẹ tôi. Bà cứ đứng nguyên như thế giữa lúc máy bay oanh tạc cho đến khi cuộc oanh tạc chấm dứt bà mới nhấc chân lên được và đến chỗ trú ẩn để tìm lại tôi.

Sau biến cố này, ông thân tôi đồng ý tìm cách thu xếp để mang gia đình tôi cùng về Hồ Nam. Mẹ tôi cũng chẳng thèm đoái hoài gì đến tất cả những thứ còn bỏ lại, nhưng khăng khăng nài nỉ rằng ông thân tôi phải tìm cách mang theo cho được một cái bô đi cầu lưu động. Ông thân tôi tuy biết rằng chẳng thể nào không chiều ý vợ cho được, nhưng lại chẳng biết tìm đâu để có được thứ cầu tiêu lưu động kỳ quặc như vậy? Thế là ông thân tôi lại phải hì hục gọt đẽo để chế ra một chiếc bô lưu động cho vợ. Trong đường làng Hồ Nam ngày hôm đó có lẽ chẳng mấy ai không thể không để ý đến khung cảnh kỳ quặc của một thiếu phụ trẻ đẹp mặc áo lụa đi cạnh một chàng mặc quần đùi suốt từ làng này sang làng khác vác theo một cái ngai to chẳng khác nào một cái lu.

Sau khi máy bay Nhật đã dội bom ngay đúng vào nhà máy điện Hồ Nam, gia đình tôi bắt đầu rút vào trong núi sâu hơn. Một trong những địa điểm này là Quế Lâm, nơi sanh em tôi. Gia đình tôi sống ngay trên một tòa khách sạn nhỏ. Ở đây tôi được gặp người Hoa Kỳ lần đầu tiên. Những người tôi gặp là những phi công chuyển đồ tiếp vận đến cho quân đội của Tưởng Giới Thạch khi quân Nhật đã chẹn hết các nẻo đường bộ. Họ lập trại ngay trên mặt sàn, ngủ ngay ở những đống rơm rải rác xung quanh trong chỗ tiếp khách. Lúc đó tôi bốn tuổi. Sở dĩ tôi còn sống được cho đến ngày năm tuổi cũng là nhờ trời đất dun dủi cho con người biết đặt lý trí lên trên phản ứng của bản năng. Đấy là tôi đang nói về những phi công Hoa Kỳ chứ không phải nói về tôi. Sau những phi vụ tiếp tế, vì quá mệt mỏi, các phi công Hoa Kỳ thường nằm vật ra ngủ rải rác ở khắp mọi nơi. Cứ mỗi lần họ vừa say giấc tôi lại chạy sồng sộc từ trên nhà xuống tay cầm cái chuông đã mượn được ở quầy tính tiền đi hết từ người nọ đến người kia mà lắc. May thay, tất cả những người phi công đều nằm yên, chẳng thèm đếm xỉa gì đến tôi. Chẳng ai thèm nhếch mép, hò hét, quát tháo hoặc có phản ứng gì khó chịu cả. Có lẽ tôi bắt đầu thích người Hoa Kỳ kể từ ngày đó.

Khi học lớp 5 ở trường tiểu học Brooklyn ở Nữu Ước, mỗi ngày hai buổi tôi phải theo học một khóa Anh Ngữ cấp tốc; may thay bốn tháng sau, nhờ là còn trẻ, chứ không phải nhờ thông minh, tôi đã bập bẹ được vài chữ của một ngôn ngữ kỳ lạ mà trước đây tôi nghe thật chẳng khác nào âm thanh của một người đang xúc miệng. Tôi chưa thuộc được đủ 50 chữ thổ âm của vùng Brooklyn thì cô giáo đã hỏi tôi suy nghĩ ra sao về những vấn đề to lớn đến độ mới vừa nghe xong câu hỏi tôi đã sởn tóc gáy. Lúc đó, chẳng những đã khốn khổ vì phải nghe những mẩu câu chưa quen, tôi lại còn kinh ngạc hơn khi một người lớn, mà nào có phải một người lớn thường? Một người lớn đáng kính trọng như bà cô Rappaport của tôi lại có thể hỏi tôi ý kiến về những điều chưa ai nghĩ đến nên hỏi một đứa trẻ tám tuổi mới vừa sang Hoa Kỳ như tôi lúc bấy giờ.

Tôi thật hết sức muốn ngợi khen lòng tin của cô giáo tôi vào tôi, nhưng kỳ thực thì trong tất cả những ý kiến tôi đưa ra lúc đó chẳng có ý kiến nào đáng hấp dẫn bằng những loại bánh dâu, bánh ngọt trong trường mà tôi vẫn thường vứt bỏ không ăn. Chỉ ít lâu sau tôi nhận ngay ra rằng những câu hỏi đặt ra cho chúng tôi nào phải là để tìm trị giá của những ý kiến do chúng tôi đưa ra? Điểm quan trọng chính là khuyến khích chúng tôi đưa ra ý kiến của mình. Và cho đến ngày nay tôi mới thấy rõ được trị giá khác thường của vấn đề được quyền đưa ra ý kiến. Đây là một trong những điều đáng quý nhất của đời sống tự do mà người Hoa Kỳ vẫn thường tự hào. Tôi cho rằng dù những ý kiến của đám đông có vô thưởng vô phạt đến mấy đi chăng nữa, những ý kiến đó cũng vẫn đáng quý hơn những tiếng chuông vàng của một đại đế nào đó cho dù là của một vị đại đế vĩ đại nhất đi chăng nữa.

Đối với giới lãnh đạo Trung Hoa kể từ Hoàng Đế cho tới những Bí Thư của đảng, cũng chỉ hoan nghênh ý kiến của những người phát biểu nếu những ý kiến đó trùng đúng ý họ. Và kể từ ngày Trung Hoa bị thảm bại trong chiến tranh Nha Phiến thì giới lãnh đạo lúc nào cũng muốn học hỏi để hấp thụ được những kiến thức quý báu của thế giới Âu Tây. Họ vừa ao ước làm chủ được mọi vật như những người Âu Tây lại vừa sợ những ý tưởng Tây Âu. Có lẽ vấn đề khiến họ sợ nhất là để cho dân chúng có quyền tự do phát biểu ý kiến. Nỗi ám ảnh của họ đã trở thành phản xạ. Chính vì thế nên triều đình vào cuối đời Thanh thường trừng phạt những kẻ chống đối bằng cách buộc những người này cắt tóc ngắn, mặc quần áo cụt. Nhưng cuối cùng mâu thuẫn thay, chính những sinh viên họ gửi đi du học ở nước ngoài lại tự cắt ngắn tóc và mặc quần áo ngắn chẳng khác nào những phạm nhân họ đã trừng phạt.

Những người cộng sản cũng vẫn tiếp tục bị vấn đề này ám ảnh. Tháng giêng 1987, các nhân viên của đài phát thanh không còn mặc âu phục như thường lệ nữa. Họ mặc những bộ áo chẽn kiểu Mao chủ tịch để lên án phong trào chống đối của sinh viên và tuyên bố khai trừ Hồ Diệu Bang khỏi ghế lãnh tụ. Nhiều người theo dõi tin tức đã nghe tin đồn đãi về vấn đề Hồ Diệu Bang sẽ bị khai trừ nên khi tin tức được chánh thức công khai loan báo, họ không mấy ngạc nhiên. Điều khiến họ ngạc nhiên là vấn đề thay đổi y phục của những người phát tin.

Vì vậy, tôi hết sức ngạc nhiên khi thấy hai người bạn cũ bỗng lại ghé thăm tôi vào lúc này. Đây là lúc cơn lốc chính trị Trung Hoa đang còn xoay chiều chuyển hướng. Sự tiếp xúc với những phần tử Âu Tây hoặc với những ý kiến Âu Tây sẽ khiến người tiếp xúc có thể gặp rất nhiều khó khăn. Lạ lùng hơn nữa hai người này lại là hai người từ trước đến nay vẫn nổi tiếng thận trọng. Cả hai vừa mới từ Hoa Kỳ trở về. Họ đến để cảm ơn tôi đã cố gắng giúp đỡ để có dịp thăm Hoa Kỳ. Chuyến đi đó đã khiến họ có dịp xem rõ những gì họ vẫn thường nghĩ là người ngoại quốc không có quyền mục kích trong bất kỳ quốc gia nào. Họ đến để kể cho tôi nghe về chuyến đi của họ. Ngay ở trạm xe lửa, tôi thấy có một gã vô gia cư tay cầm một chiếc ly nhựa còn dính cà phê, đang say mê hát. Khi đến gần tôi mới thấy người hắn toát ra vẻ nghệ sĩ thì ít mà mùi hôi thì nhiều. Tôi còn ngạc nhiên hơn khi thấy khách bộ hành có vẻ chú ý đến giọng hát buồn bã của hắn. Vài người còn thọc tay vào túi kiếm tiền để cho. Khi đám đông đã đi khỏi sau màn trình diễn, tôi xin phép hỏi gã nghệ sĩ vài câu. Hắn đồng ý ngay, không chút lưỡng lự.

“Ông làm nghề này từ trước đến nay à?”

“Đâu có! Tôi thường quấy bột làm bánh và làm lương $12 một giờ.”

“Vì sao ông không tiếp tục?”

“Tôi tự nghỉ. Tôi ghét bị đời sống gò bó. Bây giờ chẳng còn ai ra lệnh cho tôi gì nữa cả. Lúc nào thích hát, tôi hát.”

“Nhưng làm nghề ăn mày thế nhục chết?”

“Có thể ông thấy vậy nhưng tôi thấy khác. Tôi cũng là nghệ sĩ nào có khác gì các đại nghệ sĩ khác như Michael Jackson, nhưng tôi không lấy tiền người nghe thôi. Ai thích thì trả tiền, nếu không cứ tiếp tục lên đường.”

Vài ngày sau tôi lại thấy gã nghệ sĩ ăn mày đó. Lần này tôi thấy gã đọc báo chăm chú chẳng khác nào ông ta là chủ bút của tờ báo vậy. Tôi thắc mắc chẳng hiểu vì sao gã lại chăm chú đến thế và hỏi gã chắc phải có một công việc nào đó mà gã để ý.

“Đã bảo không mà, tôi chỉ thích tự do thôi.”

“Vậy ông làm gì…?”

“Tôi chạy bộ.”

“Ông có phải người gốc Trung Đông không?”

“Không”

“Thế thì tại sao?”

“Tôi phải xem coi thằng cha Reagan múa may ra sao?”

“Tổng Thống Reagan? Ông ta có dính líu gì với ông?”

“Mẹ kiếp, ông ta đang tiêu tiền của tôi chứ còn của ai nữa. Phải không?”

Ở một trại cai nghiện tôi thấy có giòng chữ này bên trong cánh cửa.

Bạn có quyền mua 1$ thuốc lá

Bạn có quyền bỏ ra 5$ hít thuốc phiện

Bạn có quyền bỏ ra 10$ chích á phiện

Bạn có quyền bỏ bê gia đình

Bạn có quyền hủy bỏ sức khỏe

Bạn có toàn quyền chôn vùi tuổi trẻ

Tất cả đều là quyền tự do của bạn

Đối với tôi bảng hiệu đó nói rõ tất cả những sự khác biệt của hai xã hội Trung Hoa và Hoa Kỳ.

Trong một quán ăn, tôi ngồi cùng bàn với một người đàn bà sùng đạo. Bà kể cho tôi nghe con gái bà bị hiếp rồi hạ sinh một đứa bé. Kể từ ngày sinh đứa bé đó đã triền miên bệnh tật và lúc nào cũng cần thuốc thang. Tiền thuốc thang bà nợ lên đến 35,000$, nhưng gia đình bà vẫn cho rằng “đứa bé hoàn toàn vô tội,”

Lúc mới nghe bà ta kể chuyện xong tôi không thể tưởng tượng được làm sao người ta lại có thể nợ một món nợ lớn đến như thế. Nhưng điều còn vượt mức tưởng tượng của tôi là việc bà ta vẫn vui vẻ, yêu đời và còn nhất định đòi trả tiền cơm cho tôi nữa.

Sau đó, khi bà ta mời tôi đến nhà chơi, tôi hỏi vì sao bà không khóa cửa.

“Mọi sự đều do ý Thượng Đế. Nếu có thằng ăn trộm nào đó đến đây, tôi biết là ý định bề trên đã có lý do riêng và quyết định thế rồi.”

“Thế bà không sợ à?”

“Có chứ, tôi cũng chỉ là người thường như bao nhiêu người khác thôi. Năm ngoái, đã có một đứa bé bỏ nhà cứ quanh quẩn ở đây. Tôi mời nó uống trà và rồi rủ nó ở lại đây chung sống với chúng tôi. Chúng tôi nói hết chuyện này sang chuyện nọ. Cuối tuần đó nó quyết định quay lại với gia đình. Nó đã nghe lời tôi khuyên.”

Tôi xin phép được gặp cảnh sát ở nhiều khu vực khác biệt.

Ở một tỉnh nhỏ, một người bán hàng đã yêu cầu cảnh sát bắt một đám thanh niên. Ông ta bảo rằng chính đám thanh niên đó đã làm vỡ xập bày hàng của ông.

“Ông có thấy rõ chúng nó đập hay không?”

“Tôi không cần thấy, tôi biết rõ là chính chúng nó rồi.”

“Nếu ông không thấy thì tôi chẳng thể bắt người ta được.”

“Nếu ông nhất định không làm gì chúng nó thì tôi phải đập cho chúng nó một trận mới được.”

“Nếu vậy tôi phải bắt ông.”

Ở Nữu Ước, có một viên cảnh sát ngầm mặc quần Jean và áo khoác. Đã nhiều lần các cô gái ăn mặc hở hang chẳng khác nào gái điếm rủ viên cảnh sát trẻ về nhà chơi.

Tôi hỏi sao ông ta không bắt hết những người đó.

“Tôi không có quyền bắt người ta chỉ vì người ta ăn mặc khác thường và mời người lạ về nhà. Tôi cũng chẳng thể bắt người ta nếu người ta hứa hẹn chuyện đàn ông, đàn bà với tôi. Tôi chỉ có thể bắt cô ta khi cô ta đòi tôi trả tiền.”

“Chắc chắn là gái điếm nào chẳng biết rõ điều đó, làm sao một cảnh sát như ông lại có thể làm lơ cho nhiều thành phần bất hảo như thế?”

“Thà là tha hết còn hơn bắt lầm một người vô tội.”

Sau đó chính người cảnh sát ngầm đó đứng cạnh một đám đông ăn mặc bẩn thỉu đang đốt lửa xoè tay hơ trên một thùng rác.

“Ở Hoa Kỳ cho phép đốt lửa ngoài đường sao ông?”

“Không.”

“Sao ông không bắt họ?”

“Họ có làm gì ai đâu? Họ chỉ hơ tay cho ấm thôi mà.”

“Nếu vậy sao ông còn ở đây nhắm chừng họ làm gì?”

“Để coi chừng nhỡ lửa có thể loang lớn ra.”

Tôi vào một tòa án để nghe một vụ kiện có liên quan đến một đứa bé 10 tuổi con của một đôi vợ chồng đã ly dị. Đứa con cứ ở với bố một tuần rồi lại ở với mẹ một tuần. Người mẹ ruột của cô bé nhất định không cho cô đeo kiếng của người mẹ kế làm cho cô. Bà mẹ kế nguyên là một bác sĩ chữa bệnh mắt. Bà mẹ ruột lý luận: “Mắt con tôi hoàn toàn tốt, có gì đâu mà phải mang kiếng?”

Ông bố thì lại nhất quyết xin bà mẹ đừng bắt con phải gỡ kính mỗi khi về sống với mẹ ruột. “Con tôi, mắt yếu không có kiếng làm sao thấy đường?”

Quan tòa kiên nhẫn nghe hai bên trình bày rồi quyết định rằng chính bác sĩ mắt của ông sẽ khám mắt cho cô bé. “Không cần biết cô bé sống với ai, nếu bác sĩ mắt của tôi nhận định rằng cô bé cần đeo kiếng thì cô phải đeo kiếng. Nếu ông ta bảo không thì cô không cần đeo!”

Sau đó tôi đến văn phòng quan toà để nói chuyện thêm về hệ thống pháp luật của Hoa Kỳ. Quan tòa làm tôi sửng sốt vì sự thật thà của ông.

“Tuần vừa rồi có một người đến đây để đòi ly dị. Ông ta bảo rằng vợ ông chỉ để chịu chăn chiếu với ông mỗi tháng có một lần. Ông thử đoán xem tôi nghĩ gì lúc đó?” Tôi chịu, không thể đoán được. “Tôi nghĩ rằng, thế là may mắn lắm rồi còn than nỗi gì, nhà tôi thì cứ phải hai tháng mới cho tôi được một lần chăn chiếu như thế!”

Tôi đến thăm một nhà tù và nói với người cai tù rằng tôi rất ngạc nhiên khi thấy những tù nhân vẫn còn có máy hát, radio, ti vi và cả thảm ở trong chỗ tù của họ. Người cai tù bảo rằng những thứ đó là tài sản riêng của tù nhân. Nhưng khi tôi hỏi còn hồ bơi thì sao? Người cai tù giảng đi giảng lại rằng hồ bơi đó chính là do các tù nhân xây cất bằng tiền riêng của họ cho đến cả từng viên gạch xây, ống nước nhất nhất đều là tiền túi và công sức của họ. Tôi thầm nghĩ rằng ông ta giải thích tận tình như thế chắc là phải có một động cơ nào đó ngoài vấn đề hãnh diện thuần tuý.

“Thuế!”

Tôi ngạc nhiên hơn bao giờ hết.

Thấy tôi ngạc nhiên, người cai tù bảo tôi: “Ông cứ thử nghĩ xem các công dân khác suy nghĩ thế nào nếu chỉ cần một đồng thuế của họ được đem xây cất hồ bơi cho những phạm nhân cướp của giết người?”

Trong một trường trung học, tôi hỏi ý kiến một hiệu trưởng về một vấn đề đang sôi bỏng ở Trung Hoa: — Yêu đương của tuổi học trò mới lớn. Ông ta không trả lời thẳng câu hỏi của tôi. Ông bảo rằng nhiệm vụ chính của ông là tìm cách cho học sinh có được một căn bản giáo dục vững chắc và ông chỉ hết sức chú tâm về mặt này mà thôi. Rồi ông dẫn tôi đến chỗ phòng y tế của trường.

Tôi hỏi: “Trong trường sao lại có trẻ sơ sinh vậy?”

“Mẹ của những trẻ em này là học sinh của trường. Nếu học sinh không thể đến lớp đều đặn thì làm sao có thể có được một căn bản vững chắc về giáo dục? Chính vì thế nên tôi phải tìm đủ mọi cách để học sinh có thể đến lớp đều đặn. Lý do chính của chỗ phòng giữ trẻ này là vậy.”

Sau đó tôi tham dự rất nhiều lớp học. Tôi thấy thày giáo ngồi một cách thảnh thơi ở bàn, một thày giáo khác đang đem mình ra làm đề tài bông đùa, một thày giáo khác nữa quàng vai học trò đầy vẻ thân thiện. Chưa bao giờ trong đời sống học sinh tôi lại có dịp chứng kiến những vụ ly kỳ như thế cả.

Cuối cùng, tôi nói chuyện với một người Việt Nam khác mới đến Hoa Kỳ đã đoạt giải đánh vần hạng nhất Hoa Kỳ.

“Thế em định dùng tiền thưởng làm gì?”

“Em định dùng tiền thưởng để đi Nữu Ước.”

Câu trả lời làm tôi sửng sốt: “Thế em không định để ra một ít biếu bố mẹ hay sao?”

“Tại sao phải để tiền biếu bố mẹ? Bố mẹ có tiền riêng rồi và cũng có rất nhiều cơ hội để tự mình lãnh giải kia mà?”

Tôi đến thăm một tỉnh ở biên giới Hoa Kỳ và Mễ Tây Cơ. Một đằng thì tôi thấy các viên chức hết sức ngăn chận người Mễ, đằng khác tôi lại thấy các viên chức hết sức tìm chỗ tạm trú cho những người Mễ đã trốn thoáng sang Hoa Kỳ. Hoa Kỳ thật là ngoài sức tưởng tượng của tôi.

Có lần tôi mua một cái vé du lịch 13$ để đi thăm Nữu Ước bằng đường xe điện ngầm. Tôi ngạc nhiên quá đỗi khi chẳng thấy có điều gì lạ xảy ra cả. Chẳng có vụ giật bóp nào. Chẳng có toa nào không có máy sưởi. Chẳng có toa nào hư. Gần như toa nào cũng có giấy trang hoàng từ đầu toa đến cuối toa. Vài toa còn mới toanh. Những toa này vừa mới ra khỏi xưởng và được sơn bằng một thứ hóa chất đặc biệt mà ngay cả những người họa sĩ sơn xịt cũng không tài nào xịt sơn cho ăn vào được.

Lạ lùng thay, lúc đó tôi lại nghĩ rằng có lẽ trước khi bộ giao thông thay hết các toa thành toa mới có lẽ một bảo tàng viện nào đó nên mua lại những toa xe điện ngầm đã được sơn để các thế hệ mai sau và khách du lịch có dịp chứng kiến những nét vẽ của các họa sĩ vô danh đã vẽ thành những lớp muôn màu muôn vẻ trong các toa xe điện ngầm ở Nữu Ước. Có lần tôi đến thăm một người bạn sống ở Chicago. Nhà ông chứa đầy những thứ kỳ quặc ông đã sưu tầm được sau những chuyến du lịch khắp nơi trong đại lục Trung Hoa. Đến ngay cả đôi mắt của những người không hiểu nghệ thuật như tôi cũng có thể kết luận ngay rằng tất cả những món đồ ông sưu tập đều trông chẳng khác gì những thứ rác rưởi không đáng giữ. Vậy mà ông vẫn bất cần. Tôi trách ông đã trả quá nhiều tiền cho những thứ vặt vãnh như thế. Ông chẳng hề chú ý. Ông hân hoan dẫn tôi sang một phòng khác và chỉ vào một chiếc rương. “Đây là tài sản quý báu nhất của tôi.”

Khi mở chiếc rương ra, tôi thấy có cả hàng trăm chiếc nút áo kiểu Mao mà hiện giờ ở Trung Hoa chẳng ai còn giữ nữa. Tôi rùng mình khi nghĩ lại cảnh tượng trong những ngày cách mạng văn hóa, những đội Vệ Binh Đỏ đã đeo những nút vẽ hình Mao này khắp nơi trên ngực.

Vì sao ở Hoa Kỳ pháo bị cấm mà súng lại được phép bán ở tất cả mọi nơi?

(1) Khủng Bố Trắng (4–1927)

Vào tháng 4, năm 1927, Tưởng Giới Thạch phát động một cuộc đại tảo thanh nhằm tiêu diệt tất cả các thành phần cộng sản ở Thượng Hải. Cuộc tảo thanh được tổ chức chặt chẽ và có hệ thống với những cuộc bố ráp vô cùng gắt gao và những phương pháp tiêu diệt hết sức tàn bạo. Chẳng bao lâu sau, chiến dịch tảo thanh ở Thượng Hải lan tràn ra khắp nơi trên toàn cõi Trung Hoa và được mệnh danh là cuộc Khủng Bố Trắng. (chú thích của dịch giả).

Nguốn: sưu tầm http://ebooks.neofob.org/MOSAIC/mos06.html

up

AcDieu
Google Search:       
RFI
Nguoi_Viet
RFA
Quan_Su_VNCH
Quân Sử VNCH
Voa_tieng_Viet
msn
BBc_Tieng_Viet
Dan_lam_bao
Radio_VNHN

TIME