AcDieu225
Co Vang amazon Tammy

Free Hit Counters
Web Site Hit Counters

Khách viếng thăm

Translate

Powered by Translate

cam-on-anh_TPB (2).jpg

Bay với hoa tiêu Việt Nam

- David Freeman

Đôi dòng về tác giả:

David Freeman không phải một tên tuổi xa lạ với các “Hồng Điểu” 259H ở Căn Cứ 40 Chiến Thuật ngày ấy; và theo lời Hồng Điểu Jo Vĩnh (Adelaide, Australia), sau năm 1975, đôi bên đã có dịp tái ngộ ở Hoa Kỳ.

David Freeman nguyên là một hoa tiêu trực thăng Lục Quân Hoa Kỳ, phục vụ tại biệt đội cứu thương 57th Med Detachment trong 2 năm 1971, 1972 tại Việt Nam. Sau khi biệt đội được đưa về Fort Bragg, North Carolina, Hoa Kỳ, vào tháng 3 năm 1973, David Freeman trở thành huấn luyện viên trực thăng UH-1 của đơn vị.

Ngoài kinh nghiệm bay bổng, David Freeman còn có tài cầm bút. Trong số những cuốn sách của ông viết về chiến tranh Việt Nam, có cuốn Mekong Rescuerất ăn khách, xuất bản năm 2010, kể về cuộc giải cứu Steve Cooper, một phi công OV-10 Bronco của Hải Quân Hoa Kỳ bị Việt Cộng bắn hạ và bắt giữ trong rừng già U Minh.

David Freeman có một bút pháp rất mạnh mẽ nhưng cũng không kém phần dí dỏm, đôi lúc khôi hài. Độc giả có thể đọc những bài viết của ông trên website của 57th Med Detachment trên Internet.

image

David Freeman tại Bình Thủy (1972)

57th Med Detachment là biệt đội cứu thương đầu tiên của Lục Quân Hoa Kỳ (trong tổng số 6 biệt đội) phục vụ tại Việt Nam, tới Nha Trang ngày 26/4/1962. Tháng 1/1963, Biệt đội về đồn trú tại Căn cứ Sóc Trăng, yểm trợ cho các đơn vị Hoa Kỳ và QLVNCH tại Vùng 3 và Vùng 4 chiến thuật. Sau khi được trang bị loại trực thăng phản lực UH-1B, Biệt đội còn đưa 3 chiếc tới Pleiku để yểm trợ Vùng 2 chiến thuật.

57th Med Detachment có biệt hiệu “The Original Dustoff” vì họ là đơn vị trực thăng cứu thương đầu tiên sử dụng chữ “Dustoff” làm danh hiệu vô tuyến.

Nguồn gốc của chữ “Dustoff” là khẩu hiệu “Delicated Unhesistating Service To Our Fighting Forces” (Phục vụ tận tụy lực lượng chiến đấu của chúng ta) của ngành cứu thương phi hành (aeromedical evacuation) trong Quân Đội Hoa Kỳ, viết tắt là DUSTOFF

image

Phù hiệu 57th Med Detachment

Sau đây, chúng tôi xin giới thiệu cùng độc giả một bài viết ngắn của David Freeman có tựa đề “Flying with the VNAF”, kể về một chuyến bay chung với hoa tiêu trực thăng cứu thương của Không Quân VNCH ở Cần Thơ.

* * *

image

Ron Ihler, vị Sĩ Quan Hành Quân mới của đơn vị, cho gọi tôi vào văn phòng và nói:

- Freeman, anh là một trưởng phi cơ mới tới, thử đoán xem đêm nay tôi sẽ giao cho anh công việc gì?

Tên tôi đứng hạng ba trong danh sách trực bay. Thông thường, hạng ba chẳng phải làm gì cả, trừ những phi vụ không dính dáng gì tới chiến sự (ash & trash), nhưng cũng chẳng ai bay vào ban đêm.

- Không! Tôi sẽ phải làm gì vậy?

- Bay với “vi-nép” (VNAF)!

Ron nói với một nụ cười thật khó hiểu. Trước khi tới Bình Thủy, tôi biết có một số trưởng phi cơ lão làng đã từng bay chung với các hoa tiêu trực thăng tải thương của “vi-nép”, nhưng gần đây không còn ai bay nữa. Tôi hỏi lại:

- Anh nói cái gì? Bay với vi-nép?

- Đúng như thế, anh sẽ ngồi ghế phi công phụ cho một trưởng phi cơ của họ. Đầu đuôi nó như thế này: chúng ta sẽ rút đi trong vòng vài tuần nữa, và Bộ chỉ huy Liên đoàn muốn chúng ta phải bảo đảm là các hoa tiêu tải thương của vi-nép đủ khả năng bay đêm một mình họ.

Tôi nói với Ron:

- Theo tôi, câu hỏi được đặt ra không phải là họ có đủ khả năng hay không, mà là họ có chịu bay hay không!

Thực vậy, mãi cho tới thời gian gần đây, trong khi đám cứu thương chúng tôi (Biệt đội 57) bay đêm này qua đêm khác, thì các tàu Dustoff của vi-nép cứ nằm “làm kiểng” ngoài bãi đậu! Mà có tới 99.9% hành khách (thương binh) của chúng tôi là người Việt. Tôi thực sự không hiểu được “chính sách” của cấp trên trong việc bao dàn bay đêm này. (1)

Ron nói để chấm dứt câu chuyện:

- Bản thân tôi cũng chẳng hơn gì anh, tôi cũng chẳng biết việc gì đang diễn ra, nhưng có một điều tôi biết chắc chắn: theo chỉ thị từ trên, đêm nay tôi phải cho một hoa tiêu chánh của Biệt Đội bay với một hoa tiêu chánh của vi-nép, và người đó là anh! Bởi tất cả những người khác đều đã bay rồi!

- OK! Vậy tôi sẽ gặp họ ở đâu, lúc mấy giờ?

- Anh sẽ gặp Trung úy Phước ở phía tây phi đạo lúc một ngàn chín trăm giờ.

Tôi biết Phước. Nghe nói anh ta có tới trên 8.000 giờ bay và là một hoa tiêu xuất sắc, chỉ phải tội hơi yếu (tiếng Anh) trong việc liên lạc vô tuyến và theo hướng dẫn không lưu. Nhưng không phải chỉ một mình Phước mà hầu như dân vi-nép nào cũng chỉ biết “We come, we go” khi liên lạc với đài kiểm soát không lưu; và chúng tôi thường đem việc này ra làm đề tài khôi hài.

“Một ngàn chín trăm giờ” quân đội có nghĩa là 7 giờ tối. Khi cái đồng hồ Seiko mới cáo chỉ của tôi cho biết đã tới giờ hẹn, tôi băng qua phi đạo chờ những người bạn vi-nép.

Phước tới trễ khoảng một tiếng đồng hồ. Khi anh ta đáp, tôi thấy người cơ phi ngồi ở ghế phi công phụ đang toét miệng cười, nhảy xuống giữ cửa cho tôi leo lên.

Phước không tắt máy. Đây là một chiếc Huey (UH-1) của KQVN. Tôi không biết họ bảo trì ra sao. Tôi cũng không biết trước đó Phước có hưởn kiểm soát tiền phi (prefight) hay không.

Chúng tôi cất cánh và bay về hướng bắc. Ngoại trừ câu “we go now” thông báo cho đài không lưu Paddy (Navy Bình Thủy), tất cả mọi liên lạc vô tuyến đều bằng tiếng Việt. Khỏi nói, quý độc giả cũng có thể đoán biết tâm trạng bất ổn của tôi khi mà vào khoảng một tiếng rưỡi đồng hồ sau đó, Phước cho phi cơ bay vòng vòng trên một vùng giao tranh ở phía đông Đồng Tâm. Căn cứ vào những vết đạn lửa bay qua bay lại ở dưới đất cũng như trao đổi vô tuyến dồn dập – dĩ nhiên toàn bằng tiếng Việt, tôi đoán chiến trận ở dưới đó đang sôi động! Nhưng tôi không thể đoán được Phước sẽ làm gì, và cũng không thể hỏi bởi anh quá bận rộn với công việc liên lạc trên tần số!

Tôi quan sát thấy Phước kiểm soát các đồng hồ phi cụ và như chuẩn bị đáp. Cuối cùng, anh cũng tạm ngưng nói chuyện trên tần số để quay sang nhìn tôi. Tôi thề rằng qua ánh sáng màu đỏ mờ mờ của phòng lái, tôi thấy Phước đang toét miệng cười tới tận hai mang tai!

Và tôi tự nhủ nhất quyết không để anh ta biết trong lòng tôi đang lo âu tới mức nào. Tôi lên tiếng hỏi Phước:

- Chuyện gì đang xảy ra vậy?

- Người anh em họ của tôi (my cousin) đang ở dưới đó. Hắn năn nỉ tôi đáp xuống.

Tới đây thì tôi hiểu. Mấy năm trước tôi cũng đã xuống cứu một người “anh em họ” là một xạ thủ trực thăng võ trang; đã là “anh em họ” thì nếu đương sự bị nạn mà mình quanh quẩn gần đó, phải xuống cứu, không cần biết ở dưới đất có giao tranh hay không.

Tôi cố lấy giọng bình tĩnh để Phước không biết rằng tôi đang run:

- Vậy thì mình đáp xuống cứu hắn.

Trong lòng tôi cố tự thuyết phục mình rằng đáp xuống một vùng giao tranh với mục đích tốt đẹp là việc đáng làm. Chúng tôi phải đáp xuống để cứu một người mà một thành viên trong phi hành đoàn của chúng tôi quan tâm.

Bỗng Phước cười lớn và la lên:

- No, no, no, no, no. That's not the deal. Người anh em họ của tôi dưới đó là Việt Cộng. Hắn muốn chúng ta xuống để xơi tái bằng B-40!

B-40 là một loại hỏa tiễn. Trực thăng mà bị lãnh B-40 thì coi như tiêu!

Tôi đã có nhiều cơ hội gần gũi các hoa tiêu trực thăng tải thương Việt Nam, nhiều tới mức tôi nhận ra rằng tôi... không bao giờ có thể hiểu được họ. Có khi họ từ chối đáp tải thương (người còn sống) vì gặp hỏa lực địch, có khi họ lại liều chết đáp xuống chỉ để chở xác một binh sĩ tử trận!

Giờ đây, tôi không thể đoán Phước sẽ nhập cuộc hay thối lui, nhưng ra vẻ anh ta đang cao hứng, quá cao hứng so với tâm trạng của tôi.

Tôi hỏi:

- Chúng ta làm gì bây giờ?

- Đừng lo, tôi bảo nó (VC) cứ đợi ở dưới đó - chúng tôi sẽ xuống thăm anh trong vòng vài phút nữa. Nhưng tôi không cho nó biết Cobra (trực thăng tấn công AH-1 Cobra) đang tới. Chúng ta sẽ cho nó tan xác trước khi nó kịp cho chúng ta nổ tung!

Rõ ràng Phước đang khoái chí, và tôi bắt đầu cảm thấy an tâm hơn, vì tin rằng anh đang có một kế hoạch hay ho tốt đẹp nào đó.

Nhưng tôi thắc mắc làm sao Phước có thể gọi Cobra vào ban đêm? Chính tôi chưa hề làm được việc đó. Hay là vi-nép họ có Cobra; tôi chưa bao giờ nghe nói tới...

Tình thế khiến tôi liên tưởng tới trò chơi chiến tranh của trẻ con. Có khác chăng là ở đây người ta đánh nhau bằng vũ khí thật và không có chuyện đôi co tranh cãi, chẳng hạn “Ê, mày đâu được bắn xuyên qua bụi cây”, “Tao bắn trúng mày rồi”, “Không, mày bắn hụt”, v.v...

Tôi không biết là ở dưới đó có thương binh thật hay là Phước đang chơi trò chơi chiến tranh với người “anh em họ” vi-xi. Nhưng dù thế nào chăng nữa, tôi cũng đành chịu. Phước là trưởng phi cơ, còn tôi là “phi công phụ không được cầm cần lái”, cho dù trên giấy tờ, nhiệm vụ của tôi là hướng dẫn Phước những kỹ thuật tìm một bãi đáp an toàn vào ban đêm (2)

* * *

Chúng tôi bay khỏi ra vùng giao tranh một khoảng cách và chờ Cobra. Phước nói tôi bật đèn quay (rotating beacon) của phi cơ – công việc đầu tiên tôi được “đảm trách” trong đêm hôm đó – với mục đích để các chiếc Cobra biết vị trí của chúng tôi. Chẳng bao lâu sau, mấy chiếc Cobra tới nơi và chào hỏi chúng tôi trên tần số. Qua danh hiệu truyền tin, tôi nhận ra đó là những chiếc “Outlaw” của Mỹ, đã từng yểm trợ tôi trong một số phi vụ ban ngày, nhưng họ không thích bay đêm, và thường nói thẳng ra điều đó.

[OUTLAW là danh hiệu truyền tin của những chiếc Cobra thuộc Đại Đội Trực Thăng Tấn Công 175 (175th Assault Helicopter Company) của Lục Quân Hoa Kỳ, lúc đó đặt căn cứ tại Vĩnh Long]

- Dustoff, Outlaw 22 đây, hãy chỉ điểm mục tiêu để cuộc trình diễn được mở màn!

Phước liền sử dụng vốn liếng tiếng Anh không lấy gì làm văn hoa cho lắm vào cuộc hợp tác này. Anh chỉ cho Outlaw vị trí quân bạn và quân địch qua những làn đạn lửa đôi bên đang trao đổi dưới đất. Viên phi công chỉ huy hợp đoàn Outlaw nói với Phước rằng khoảng cách giữa quân bạn và quân địch quá sát nhau, rất khó lòng tác xạ chính xác, bởi các Outlaw không được phép xuống thấp quá một ngàn bộ (khoảng 300m) vào ban đêm.

Một ngàn bộ?! Tôi bỗng mất cảm tình với mấy tay Cobra này. Bởi tôi thường bay 8 tới 10 tiếng hàng đêm, mà có mấy khi bay cao hơn một ngàn bộ đâu!

Dưới sự hướng dẫn của Phước, các chiếc Cobra sẽ bay vào và lần lượt tấn công, rồi Phước bay vào, đáp xuống làm nhiệm vụ “bốc hàng” trong lúc Cobra bay ở phía trên để nếu thấy hỏa lực địch bắn vào chiếc Huey, sẽ ra tay can thiệp.

Tôi mường tượng người “anh em họ” của Phước vẫn còn núp ở đâu đó với khẩu B-40, và khi ấy các chiếc Cobra có muốn can thiệp cũng đã quá muộn. Tôi ngồi thu mình vào ghế và xiết lại cái áo giáp phi hành (chicken plate), như thể nó có khả năng bảo vệ tôi chống lại B-40!

Phước hạ thấp cao độ và giảm tốc độ, tôi dán mắt vào màn đêm để quan sát những làn đạn có thể bắn vào con tàu. Hai bàn tay tôi đặt gần bộ phận điều khiển, để có thể phản ứng ngay khi hữu sự. Đạn súng nhỏ bắn từ mặt đất vẫn còn nhưng chỉ lác đác. Một ngọn lửa nhỏ được đốt lên để làm dấu bãi đáp.

Tôi muốn được điều khiển con tàu, tôi muốn được làm chủ sinh mạng của mình, nhưng đây là tàu của Phước và anh ta không nhờ tới tôi. Rõ ràng Phước là một hoa tiêu giỏi hơn tôi, kinh nghiệm hơn tôi, nhưng nếu tôi chết, việc được tuyên dương “hy sinh trong lúc ngồi ghế phi công phụ” cho một người Việt Nam sẽ chẳng vinh dự gì!

Rồi chúng tôi cũng đáp được xuống mặt mặt đất chứ không bị nổ tung trên trời, mặc dù khi đáp, tôi đã phải bật đèn đáp (landing light), chẳng khác nào “lạy ông tôi ở bụi này”.

Khi chiếc Huey vừa chạm đất, tôi thấy một chiếc Cobra, rồi một chiếc nữa vụt nhào xuống rồi bay lên. Rõ ràng là họ đã xuống thấp dưới 1000 bộ. Rồi hai chiếc Cobra quay trở lại nhào xuống lần thứ hai. Tôi hỏi Phước:

- Chuyện gì vậy?

- Tôi nghĩ là họ đã dớt được thằng “anh em họ” của tôi rồi!

Tôi nghe thấy các phi công Cobra chúc mừng nhau trên tần số về thành tích của họ, rồi Outlaw 22 nói với chúng tôi:

- Dustoff, tôi không nghĩ rằng bạn còn gặp rắc rối với B-40. Chúng tôi sẽ đợi tới khi bạn ra khỏi cái lỗ ấy rồi mới ra về.

Phước đáp:

- Roger, roger (Nhận rõ, nhận rõ). Cám ơn nhiều.

- Không có chi! Outlaw 22 nói.

Trong lúc Phước đối đáp với Outlaw 22, tôi chợt nhận ra có những hoạt động gấp rút ở phía sau lưng. Ngoái cổ nhìn lại, tôi thấy người y tá phi hành và người cơ phi đang cố “nhét” các thương binh VNCH vào khoang tàu, trong lúc chiến sự vẫn tiếp diễn.

Bỗng Phước quay sang phía tôi, nói với giọng cao-bồi Texas thứ thiệt:

- Anh lái đi!

Tôi chụp ngay lấy cần điều khiển, trong lòng vô cùng ngạc nhiên, và thích thú, vì cuối cùng mình cũng được lái! Tôi đáp “OK, tôi lái” rồi mắt dán vào màn đêm, tay kéo cần ga.

Những chiếc Cobra đợi cho chúng tôi lên khỏi 1000 bộ mới từ giã đi về Vĩnh Long, còn chúng tôi bay về Cần Thơ với 7 thương binh trên tàu. May ra khi về tới bệnh viện sẽ có một người còn sống!

David Freeman

CHÚ THÍCH:

(1) “Chính sách” mà David Freeman nhắc tới ở đây là việc các giới chức quân sự Mỹ đã tận tình với QLVNCH trước khi quân đội anh hùng này bị Hoa Kỳ bỏ rơi. Trong những ngày tháng chờ đợi rút quân, họ đã cố gắng “bao dàn” càng nhiều càng tốt, với mục đích để QLVNCH bị “sứt mẻ” càng ít càng tốt, để chuẩn bị “một thân một mình” bước vào tương lai vô định. Những ai có cơ hội làm việc, tiếp xúc với các cố vấn quân sự Mỹ trong khoảng thời gian này, hẳn cũng thấy được sự ái ngại, bất mãn, thậm chí tức giận của họ trước việc chính phủ Mỹ bỏ rơi miền nam Việt Nam. Theo nhận xét của cá nhân chúng tôi, các cố vấn quân sự Mỹ đôi khi có thể lên mặt kẻ cả, hống hách, nhưng họ tận tụy với trách nhiệm được trao phó và chống cộng hết mình, khác với phần lớn đám chính khách dân sự.

(2) “Phi công phụ không được cầm cần lái”, nguyên văn là tiếng lóng “Peter Pilot” để chỉ những phi công chưa có một chút kinh nghiệm, thường chỉ được giao phó việc theo dõi các đồng hồ phi cụ và coi bản đồ.

 

Nguyễn Hữu Thiện

(Nguồn: Đặc san Lý Tưởng – Úc Châu, 2015)

 

up

AcDieu
Google Search:       
RFI
Nguoi_Viet
RFA
Quan_Su_VNCH
Quân Sử VNCH
Voa_tieng_Viet
msn
BBc_Tieng_Viet
Dan_lam_bao
Radio_VNHN

TIME