AcDieu225
Co Vang amazon Tammy

Free Hit Counters
Web Site Hit Counters

Khách viếng thăm

Translate

Powered by Translate

cam-on-anh_TPB (2).jpg

CÁI HÔN LỘ THIÊN

*Khiêm Cung

Ông Phong nhớ lại lúc mới đến Úc chừng vài tháng, có dịp đi đám cưới con trai của một người bạn. Đó là tiệc cưới đầu tiên tại Úc mà ông bà Phong đi dự. Một người bạn khác rất thân, tuổi đáng em út của ông Phong, điện thoại hỏi :

          - Anh Phong đó phải không ? Tối nay anh có đi dự đám cưới con anh Phẩm không ?

- Có, chú có đi không ?

- Có. Như vậy khoảng 7 giờ rưỡi tối, tụi em ghé ngang qua nhà đón anh chị cùng đi cho vui.

Ông Phong ngạc nhiên hỏi :

- Thiệp mời 6 giờ rưỡi, sao mình đi trễ dữ vậy chú ?

- Đừng lo anh ơi ! Người mình qua đây xài giờ cao su lắm, bà con đến lai rai, 8 giờ rưỡi chưa chắc khai tiệc được. Đến quá sớm chờ dài cổ ra !

Thật vậy, ông bà Phong và vợ chồng người bạn đến nhà hàng lúc 7 giờ 45 tối. Nhiều bàn vẫn còn trống. Khách đến sớm ngồi uống nước ngọt, uống bia, nhăm nhi hết dĩa đậu phọng. Khách vẫn đến lai rai. Khách được mời chụp hình chung với cô dâu chú rể để làm kỷ niệm và ký tên lưu niệm trên một tấm nhiễu đỏ.

Nhìn vào trong thấy có hai bàn người Tây phương, có lẻ họ đã đến đông đủ ngay từ lúc 6 giờ rưỡi như đã ghi trong thiệp mời.

8 giờ tối, Ban nhạc bắt đầu hoạt động. Ca sĩ chưa đến  Chỉ nghe tiếng đàn, tiếng trống.Tiếng trống nghe bung bung, làm rung chuyển màn nhĩ. Người có tuổi tìm cách tránh xa mấy cái loa, tốp trẻ thích thú với âm thanh kích động.

 8 giờ 10 bà-con đến với nhịp độ dồn dập hơn. 9 giờ kém 10 phút tối, Ban nhạc tạm nghỉ tại chỗ, điều hợp viên bắt đầu nghi thức khai tiệc.

Nhân viên nhà hàng khẩn trương đặt những chậu bông giả đủ màu sắc dọc theo hai bên lối của cô dâu chú rể sẽ đi từ chỗ đứng chụp hình cho đến sân khấu.

Điều hợp viên kể dài dòng về tình yêu của đôi lứa và cho biềt hôn lễ của các cháu đã được cử hành thật trọng thể tại tư gia theo nghi thức cổ truyền Việt Nam, trước sự chứng kiến đông đủ bà-con hai họ.

Tiếp theo điều hợp viên mời gia đình đàng trai, rồi đến gia đình đàng gái lên sân khấu để giới thiệu với khách và thân hữu hai họ. Gia đình là gồm cả ông bà sui, anh chị em chú rể, anh chị em cô dâu, anh em rể, chị em dâu, cháu chắt, đứa dắt đứa bồng, và bà-con bên vợ, cậu mợ bên chồng . Đông thật là đông !

Sau cùng là đến cô dâu chú rể, hai nhân vật chánh trong bữa tiệc cưới đêm đó. Nhạc trổi lên . Tiếng pháo giựt nổ chát chát, tiếng vỗ tay dồn dập. Cô dâu chú rể đến đứng trước sân khấu, nơi khoảng trống mà gia đình hai họ đã dành sẵn. Tóc cô dâu chú rể dính đầy dây giấy màu tung ra từ ruột pháo giựt. Gia đình hai bên tiếp gỡ giùm cho họ.

Ông sui trai đại diện họ đàng trai, ông sui gái đại diện họ đàng gái cảm ơn thân hữu hai họ. Điều hơp viên mời tất cả nâng ly rượu mừng. Rồi mời gia đình hai họ trở về chỗ ngồi, nhưng giữ cô dâu chú rể ở lại để nhảy bản nhạc đầu tiên, bản Tango, với tiếng hát của nữ ca sĩ Thanh Thao.

Cặp dâu phụ, rể phụ cùng lả lướt trên sàn nhảy với cô dâu chú rể chánh .

Các ca sĩ luân phiên trình diễn. Đến điệu nhạc disco và cha cha cha, các bạn trẻ tham gia  nhiệt liệt nhứt. Ông Phong cười một mình. Ông thấy những bản này có gì đâu mà khó nhảy. Hãy nhìn kìa, dưới ánh đèn màu chiếu loang loáng, những người nhảy disco đang nhảy dựng, nhảy dựng, giống như những người tân binh ở quân trường bị phạt thụt dầu, có cần phải đếm bước gì đâu. Rồi tới vũ điệu cha cha cha làm ông Phong nhớ lại dáng điệu uyển chuyển nhịp nhàng của cô lái đò từ bến chợ Châu Đốc chèo đưa khách qua bến Cồn Tiên, hai tay cầm tréo hai đầu hai cây chèo, bước một chân tới, hai tay ấn hai đầu chèo xuống, hai mái chèo quậy nước, đẩy chiếc đò tam bản rẽ nước chạy tới, rồi cô rút chân trở lại, kéo hai đầu chèo trở về phía người mình để chuẩn bị trở lại động tác thứ nhứt, bước một chân ra phía trước và hai tay ấn xuống hai đầu chèo ... Cứ thế mà bước tới bước lui nhịp nhàng như vũ điệu cha cha cha, có khác gì đâu. Nhảy cha cha cha có nhạc, có ánh đèn màu, còn chèo thuyền thì có tiếng sóng vỗ róc rách vào mạn thuyền, có ánh nắng mặt trời. Nhảy cha cha cha hòa nhịp với nhạc điệu, chèo thuyền hội nhập với thiên nhiên.

10 giờ 15 đến nghi thức cắt bánh cưới và uống rượu giao bôi. Điều hợp viên bắt đầu hoạt náo, nói thao thao bất tận, nói để mọi người thấy tài hùng biện của mình. Anh phỏng vấn cô dâu chú rể trường hợp nào hai đứa yêu nhau, hôn lần đầu lúc nào, ở đâu .

Anh hỏi cô dâu chú rể muốn tỏ cho mọi người trong tiệc cưới thấy tình yêu của mình thì phải làm gì ? Từ các bàn thực khách trẻ có tiếng muỗng khua vào ly nghe leng keng, leng keng.

Cô dâu chú rể tỏ ra ngượng ngùng. Tiếng điều hợp viên nhắc nhở, tiếng leng keng, leng keng thúc giục, cô dâu chú rể bắt đầu hôn môi. Điều hợp viên bắt đầu đếm :

- Một, hai, ba ...

- Không được, phải làm lại cho đến khi nào tôi đếm tới một trăm mới thôi . Nào, một, hai , ba...chín mươi chín, chín mươi chín một, chín mươi chín hai, chín mươi chín ba..., chín mươi chín chín, một trăm.

Có tiếng vỗ tay vang dội.

Ông Phong thấy tiệc cưới của người Việt ở  Úc có nhiều điểm lạ so với tiệc cưới ở quê nhà.

Cắt bánh cưới và uống rượu giao bôi làm ông Phong liên tưởng đến lễ Hợp cẩn Giao bôi ngày xưa, nhưng lễ này cử hành ở trong phòng riêng ở nhà, không phải ngay giữa nhà hàng.

Hồi đám cưới Phong còn phải theo tục lệ giở mâm trầu. Đàng trai phải đem qua đàng gái một mâm tròn trầu cau tươi, đậy nhiễu đỏ, có một cái chụp hình bông sen úp lên trên. Cái chụp hình trụ tròn, làm bằng giấy bồi, phết giấy màu đỏ điểm hoa, phần trên hình trụ là một bông sen lớn, cũng bằng giấy màu đỏ, kèm thêm chung quanh mấy búp sen và vài cành lá sen bằng giấy màu xanh.

Sau khi làm lễ gia tiên là đến nghi thức giở mâm trầu. Mâm trầu đặt phía trước bàn thờ gia tiên, hai cái dĩa lớn để trước mặt cô dâu, chú rể đang quỳ đối diện hai bên mâm trầu. Theo thông lệ, khi mâm trầu được giở ra, cô dâu lấy trầu cau để vào cái dĩa trước mặt, chú rể cũng làm như vậy. Các cụ ngày xưa tin rằng cô dâu hay chú rể, người nào lấy được nhiều trầu cau hơn thì sẽ cầm quyền người kia.

Để đả phá sự mê tín này, Phong đã nói riêng với cô dâu, người này lấy trầu cau để vào dĩa của người kia trước sự ngạc nhiên của các cụ.

Đến giờ làm lễ Hợp Cẩn Giao Bôi chú rể cô dâu vào phòng riêng để làm lễ với nhang đèn, một ít trầu cau đã lấy từ mâm trầu, một it bánh ngọt và hai chung rượu, không có chè bún và muối gừng như tục lệ xưa. Không có lễ chánh thức cúng Ông Tơ Bà Nguyệt, nhưng theo lời chỉ dạy của người lớn, cô dâu chú rể  ngồi đồi diện nhau, chắp tay khấn vái Ông Tơ Bà Nguyệt phò hộ cho hai người sống hạnh phúc đến ngày răng long tóc bạc. Cúng xong thì chú rể hòa hai chung rượu vào nhau, rồi chia đôi cho cô dâu chú rể cùng uống. Vợ chồng Phong không theo lệ “phu thê giao bái”, tức là lễ nhau, như người xưa thường làm. Có những nhà không có phòng riêng, cha mẹ hoặc nhờ những người còn đủ đôi đủ bạn lấy màn che thành một căn phòng, gọi là “ xây phòng “ để vợ chồng mới vào làm lễ Hợp cẩn. Để tránh xui xẻo, người ngoài không được lén nhìn vào phòng này.

Những cổ tục trong đám cưới có vẻ mê tín, nhưng cũng giúp cho sự tác hợp vợ chồng đượm màu sắc thiêng liêng.

 Còn về cái hôn cũng vậy. Người mình xưa kia có thói quen hôn trên má, nhưng ngày nay cách hôn môi của người Tây phương thì đâu còn xa lạ gì với người mình nữa. Mà dầu là hôn trên môi hay hôn trên má, vẫn là cái hôn có che chắn, không phải là cái hôn lộ thiên cho bàng quan thiên hạ chiêm ngưỡng. Tình yêu theo phong hóa nước nhà luôn được thể hiện nơi phòng the, kín đáo.

Ông Phong nhớ qua phim ảnh, trong đám cưới của người Tây phương, cô dâu chú rể hôn nhau là chuyện thường, nhưng tự động hôn, không đợi ai ra lệnh, không đợi ai đếm và cũng không kéo dài.

Rút kinh nghiệm đó, ông  tự nhủ, đến đám cưới của các con ông, ông sẽ dạy chúng nếu phải nhập giang tùy khúc, nhập gia tùy tục, sống ở xứ người cần theo phong tục của người thì cứ theo, nhưng  phải theo cho đúng và nên giảm chế những gì quá lố lăng, ông sẽ khuyên chúng nó theo châm ngôn của người lính như ông :

Phải tự động xung phong và đánh nhanh rút gọn .

 Điều hợp viên nói nghi thức cắt bánh cưới tượng trưng cho sự chia ngọt xẻ bùi giữa cô dâu, chú rể. Ông Phong đồng ý, tất cả đều là biểu tượng, từ việc chọn người đủ đôi đủ bạn để làm đại diện, cúng Ông Tơ Bà Nguyệt, những lời chúc tụng trăm năm hạnh phúc, cắt bánh cưới và uống rượu giao bôi ... cho đến tấm nhiễu đỏ để khách ký tên đều là biểu tượng lời chúc lành cho cô dâu chú rể. Thực tế có hạnh phúc hay không phần lớn là do hai vợ chồng . Người ta gọi vợ chồng là “ bạn đời ” hoặc là nói hai người “ ăn đời ở kiếp với nhau”. Suốt một thời gian dài đăng đẳng sống chung với nhau, không thể nào tránh khỏi những va chạm, “ chén úp trong sóng còn khua “. Lúc mới yêu nhau, đối với nhau bằng tình, khi thành vợ chồng sống với nhau bằng nghĩa nhiều hơn, có khi va chạm nhau nhiều quá tình nghĩa cũng dứt luôn. Vì vậy mà người ta thường nói khôi hài, chia tình yêu ra nhiều giai đoạn :

- Giai đoạn thứ nhất : Nhìn nhau mà chẳng nói

- Giai đoạn thứ nhì : Một người nói một người nghe

- Giai đoạn thứ ba : Hai người nói hai người nghe

- Giai đoạn thứ tư : Hai người nói chẳng ai nghe, chỉ có hàng xóm nghe.

Rồi một hôm, Phong có dịp đi trên đường từ Cầu Bông qua Lăng Ông Bà Chiểu, phát hiện thêm giai đoạn thứ năm của tình yêu, vợ chồng người bán cà phê lề đường, bà vợ liệng ghế đẩu vào ông chồng, ông chồng nhanh tay chụp và để ghế xuông đất, hết cái nọ đến cái kia.

Chưa hết ! Mỗi lần Phong đến thăm người Chú thì thấy hoặc bà cạo gió cho ông, hoặc ông cạo gió cho bà . Phong tự nghĩ không biết có phải đây là giai đoạn thứ sáu của tình yêu ?

Tình yêu đã trải qua nhiều giai đoạn quá, nhiều đến nỗi khó phân biệt đó là giai đoạn thứ mấy. Nhưng chắc chắn một điều là ông chú, bà thím của Phong đã đi đến giai đoạn cuối cùng của tình yêu, yêu nhau trọn đời, yêu nhau đến ngày răng long tóc bạc, khi ông miệng móm méo xệch, nước mắt tuôn trào, tiễn đưa bà đến nơi an nghỉ cuối cùng.

Trong đám cưới chỉ thấy toàn là những lời chúc tốt lành, không ai dám nói cho cô dâu chú rể biết những khó khăn không tránh khỏi trong cuộc sống lứa đôi để chúng nó khỏi bất ngờ, khỏi thất vọng có thể đi đến tan rã khi va chạm thực tế.

Vợ chồng là chuyện trăm năm, có nói đến trăm năm cũng chưa hết . Ông Phong nhớ hết chuyện nọ đến chuyện kia.

Bổng tiếng của điều hợp viên lanh lảnh cắt đi dòng suy nghĩ miên man của ông. Y đang ra lệnh cho cô dâu chú rể chơi trò bỏ cái trứng gà vào quần của chú rể để cô dâu luồn cái trứng từ ống quần này sang ống quần khác mà cái trứng không bị rớt bể.  Có tiếng các bạn trẻ rộ lên từng chập, từng chập và sau cùng là những tràng pháo tay vang dội tán thán cô dâu đã xuất sắc hoàn thành trò  chơi thám hiểm. Sau trò chơi đó, chú rể phải bồng cô dâu về chỗ ngồi.

 Thật là tội nghiệp cho chú rể, mệt mỏi rã rời ! Trận chiến chưa thật sự bắt đầu, mà người chiến sĩ đêm nay đã bại trận !

Khiêm Cung

Nguồn:http://thatsonchaudoc.com/banviet2/DuongVanChung_KC/TruyenNgan/caihonlothien.htm

up

AcDieu
Google Search:       
RFI
Nguoi_Viet
RFA
Quan_Su_VNCH
Quân Sử VNCH
Voa_tieng_Viet
msn
BBc_Tieng_Viet
Dan_lam_bao
Radio_VNHN

TIME