AcDieu225
Co Vang amazon Tammy

Free Hit Counters
Web Site Hit Counters

Ac Dieu

ImageProxy.gif

NÓI‏

 

 talk.png

Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau!

Nói thì ai cũng nói được, ngay những đứa trẻ mới 2, 3 tuổi có đứa đã nói sõi và nói rất dễ thương vì thế mà ta mới bảo là: “Thỏ thẻ như trẻ lên ba”. Không nói được chỉ là những người: Hoặc câm, hoặc là tàn tật, bệnh hoạn... Tuy vậy, gọi là nói được, cũng có nhiều cách: Chỉ phát ra thành tiếng cho người khác hiểu là nghĩa của chữ “nói” thông thường, còn nếu “nói” theo với nghĩa rộng của nó cho đúng với câu: “Học ăn, học nói, học gói, học mở” thì lại đòi hỏi phải mất nhiều công phu.

 

Định nghĩa giản dị của nói:

 

Nóí là một hành động phối hợp giữa miệng, lưỡi và thanh quản để phát ra một chuỗi âm thanh có âm sắc, âm lượng… Tuy súc vật cũng phát ra từ miệng những chuỗi âm thanh có âm sắc, âm lượng như thế, nhưng chữ “nói” chỉ dùng cho người, còn súc vật thì: Chó sủa, heo kêu, mèo gào, hổ gầm, bò rống, chim hót, vượn hú v.v…

 

Người ta thướng đặt chữ “ăn” trước chữ “nói” mặc dù chỉ để diễn tả một sự “nói” mà thôi. Thí dụ để chỉ một người ăn nói hồ đồ, xấc láo, người ta bảo tên đó “ăn càn nói bậy”. Nói hay thì khen là “ăn nói văn vẻ lưu loát”, nói dở thì chê là “ăn nói cọc cằn, khó nghe” hoặc là “nhạt phèo như nước ốc”. Cũng là diễn tả cùng một ý, nhưng người này nói ít mà người nghe hiểu ngay, còn người kia nói nhiều, nói lòng vòng mà người nghe vẫn không hiểu gì cả. Không phải hễ cứ học cao, bằng cấp nhiều là nói hay đâu, chưa hẳn như thế. Nói hay, nói lưu loát một là do thiên phú, hai là do khổ công tập luyện. Ở đây chúng tôi không có ý nói tới những chuyện quá cao xa như là Hùng biện hay Thuyết trình gì gì, mà chỉ dám nói đến một “Sự nói” bình thường như chuyện thường ngày ở huyện thôi.

 

Người Pháp thì khuyên: “Uốn lưỡi 7 lần trước khi nói” (tourner la langue 7 fois avant de parler). Chú Ba Tầu thì bảo “một lời nói ra 4 ngựa đuổi không kịp” (nhất ngôn ký xuất, tứ mã nan truy). Còn Việt Nam ta lại rất nhẹ nhàng: “Lời nói chẳng mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”!

 

Tuy vậy mà mặc dù nói hoạt bát, lưu loát nhưng vẫn cứ bị chia ra làm nhiều loại, xin đơn cử một vài thứ như sau:

 

Nói không đúng sự thật là nói điêu, nói dối, hoặc có một mà nói lên thành hai, thành ba là nói phét, nói khoác, tiếng người ta thường dùng bây giờ là “nổ”. “Nổ” mà nếu nổ vừa vừa thôi có khi cũng đánh lừa được người khác. Thí dụ như ông sang Mỹ làm nghề rửa chén bát, nồi niêu, xoong chảo cho một cái restaurant nào đó, khi áo gấm về làng, chả lẽ lại khoe là sang Mỹ làm nghề rửa chén thì “ẹ” quá bèn cứ nói “mờ mờ ảo ảo” là ở Mỹ ông làm restaurant. Nói thế thì được, người nghe có hiểu lầm thì cũng chỉ hiểu lầm ông là chủ restaurant thôi chứ ông không nói dối, rửa chén bát cũng là làm trong restaurant vậy. Chứ còn nếu ông lại “nổ” như là làm trong Trung Tâm Không Gian Nasa nghiên cứu về khâu dĩa bay thì… xin lỗi chắc là chả ai tin!

 

images.jpgCó ông trước 30/4/1975 chỉ mới là Thiếu Uý, sau khi sang Mỹ tưởng không người nào biết mình là ai, ông tự thăng cấp cho mình lên Trung Uý, ít năm sau ông khoe là Đại Uý, rồi ít năm sau nữa ông lại khoe trước kia ông là Thiếu Tá, thì cứ mấy năm lên một cấp là phải rồi chứ gì nữa? Thế rồi từ đấy ông cứ yên trí ông là Thiếu Tá thật đến nỗi ông coi mấy ông Đại Uý chính hiệu con nai vàng nhỏ cấp hơn ông, rồi ông hiu hiu tự đắc ba hoa phét lác. Có người biết rõ ông trước kia là ai nhưng chẳng lẽ lại nói toẹt ra: Anh là thằng bố láo, thằng hỗn, bộ anh tưởng không ai biết anh là thằng nào ả? Chẳng phải vì “lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau” nên người ta im lặng, mà chỉ vì không ai muốn gây thù chuốc oán với ông thôi.

 

“Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”! Nhiều khi chỉ một lời nói vừa lòng người nghe mà muốn gì cũng được. Đọc trong truyện Kiều, ta thấy Từ Hải đến Thanh Lâu kiếm nàng Kiều, ban đầu, nghĩ chắc cũng chỉ “qua đường, vui trong chốc lát” không ngờ lúc gặp nhau, hai bên nói qua nói lại, khi nghe nàng Kiều nói:

 

Thưa rằng:Lượng cả bao dong,

Tấn Dương được thấy mây rồng có phen,

Rộng thương cỏ nội hoa hèn,

Chút thân bèo bọt , dám phiền mai sau.

 

Từ Hải nghe vừa ý đẹp lòng, thế là trong phút chốc nàng Kiều đang từ là một cô gái làng chơi nhẩy lên làm bà, cao sang tột đỉnh:

 

Nghe lời vừa ý gật đầu,

Cười rằng tri kỷ trước sau mấy người,

Khen cho con mắt tinh đời,

Anh hùng đoán giữa trần ai mới già.

Một lời đã biết đến ta,

Muôn chung nghìn tứ cũng là có nhau!

 

Và khi đã "lên bà" rồi, bây giờ mới là lúc lúc báo ân báo oán:

 

Từ rằng ân oán hai bên

Mặc nàng xử quyết báo đền cho minh.

 

Thế là có kẻ cười, người khóc. Cười thì có: Thúc Sinh, Sư Trưởng. Còn khóc thì Hoạn Thư, Bạc Hạnh, Bạc Bà, Ưng, Khuyển, Sở Khanh, Tú Bà, Mã giám Sinh. Lẽ ra tất cả đều “đi đứt” hết. Thế mà riêng Hoạn Thư thì lại được tha, cũng chỉ nhờ “lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau” Ta hãy nghe Kiều và Hoạn thư đối đáp với nhau,

 

Kiều:

 

“Tiểu thư cũng có bây giờ đến đây!

Đàn bà dễ có mấy tay

Đời xưa mấy mặt đời này mấy gan,

Dẽ dàng là thói hồng nhan,

Càng cay nghiệt lắm càng oan trái nhiều.”

 

Hoạn Thư:

 

Rằng: “Tôi chút phận đàn bà

Ghen tuông thì cũng người ta thường tình.

Nghĩ cho khi gác viết kinh,

Với khi khỏi cửa dứt tình chẳng theo.

Lòng riêng riêng những kính yêu,

Chồng chung chưa dễ ai chiều cho ai.

Trót lòng gây việc chông gai,

Còn nhờ lượng bể thương bài nào chăng.

 

Kiều nghe bùi tai, thế là:

 

Khen cho: “thật đã nên rằng,

Khôn ngoan đến mực nói năng phải lời.

Tha ra thì cũng may đời,

Làm ra thì cũng ra người nhỏ nhen.

Đã lòng tri quá thì nên”

Truyền quân lệnh xuống trướng tiền tha ngay.

 

Thế là Hoạn Thư thong thả ra về, còn những người kia thì “đi đứt”!

 

Lưỡi không xương nhiều đường lắt léo, hay cũng cái lưỡi mà dở cũng cái lưỡi. Truyện kể có ông phú hộ kia sai đầy tớ ra chơ mua thịt heo, ông bảo chọn trong con lợn chỗ nào ngon nhất thì mua! Lần ấy người đầy tớ mua về cái lưỡi. Lần khác ông lại sai đầy tớ đi chợ mua thịt heo nữa, bảo: Lần này thì chọn miếng nào dở nhất mà mua! Lần này người đầy tớ cũng chỉ mua về có cái lưỡi. Ông chủ gắt: “Lần trước bảo miếng nào ngon nhất thì mua, đã mua về cái lưỡi, lần này bảo mua miếng dở nhất, lại cũng mang về cái lưỡi là làm sao?” Đầy tớ thưa: “Bẩm ông, lưỡi không xương nhiều đường lắt léo, yêu nên tốt ghét nên xấu, vo tròn bóp méo cũng là nó!”

 

Việt Nam ta có câu nói: “Xẩy chân đỡ lại xẩy miệng chẳng đỡ được nào”.

 

Nói mà không nghĩ dễ sinh vạ miệng, nhiều khi chỉ vì một câu nói lỡ miệng mà sinh ra tan cửa nát nhà. Người ta kể chuyện có anh kia đi làm về thấy cô vợ ngồi quay lưng ra ngoài đọc báo, anh xà tới ôm hôn. Cô vợ dật mình quay lại, anh chồng buột miệng: “Ô mình, thế mà anh cứ tưởng là dì Ba!” Dì Ba là cô em vợ, anh chàng này vừa vô tâm lại vừa… ngu, chuyện dấu đi còn chưa xong, thế mà lại lỡ miệng.

 

Chả cần phải làm lớn hay làm chính trị mới cần nói hay, cứ phó thường dân thôi mà nói hay, hay biết “lựa lời mà nói” chắc chắn cũng sẽ đạt kết quả tốt rồi. Theo ông Oliver Smith thì “nói hay” không có nghĩa là ba hoa chích choè mà phải nói đơn giản, dễ hiểu và chính xác, nếu không thì chỉ còn là những huyênh hoang sáo rỗng, không có tác dụng gì cả.

Anh đi tán gái mà ba hoa chích choè, phét lác, một tấc lên đến trời, có khi cũng đạt được kết quả ngay trước mắt, nhưng lâu dài thì lại là một tai hoạ. Cái gương mấy ông Việt Kiều về Việt Nam lấy vợ, nhờ “nổ” lớn mà có ông cũng dinh về Mỹ được nàng vợ trẻ đẹp, mặt hoa da phấn. Thế rồi mặc dù đã chiều như chiều vong, mà vẫn cứ phải sồng trong hồi hộp vì chẳng biết lúc nào “con sáo sổ lồng con sáo bay đi”.

 

“Nói hay” nhưng nếu “hay quá” có khi lại trở thành vọng ngôn. Còn như: Nói dối, nói sạo, nói khoác, nói láo, nói càn, nói dóc, nói ngoa, nói xỏ, nói xiên, nói bóng, nói gió… tất nhiên là vọng ngôn rồi. Nhà Phật có một giới phải kỵ đó là vọng ngôn. Người tu hành, ngoài chay tịnh còn phải “tịnh khẩu” nghĩa là “cấm nói”. Nhiều khi bị cấm nói còn khổ hơn phải ăn chay nữa. “Ăn chay” thì chỉ không được ăn thịt ăn cá, nói chung là không được ăn những thứ do sinh vật tạo ra thôi, nhưng được ăn no. Trái lại nghe những lời nói ngang, nói càn, nói phét, nói lác, nói xỏ, nói xiên… muốn chửi vào mặt cho một trận nhưng phải “tịnh khẩu” sao nó tức anh ách, tức muốn bể bụng luôn.

 

Hưng Yên

__._,_.___

 

AcDieu

Tin vui

Tin Buồn

Bài Củ

06-2014

05-2014

04-2014

03-2014

02-2014

01-2014

RFI
Nguoi_Viet
RFA
Quan_Su_VNCH
Quân Sử VNCH
Voa_tieng_Viet
BBc_Tieng_Viet
Dan_lam_bao

TIME