AcDieu225
Co Vang amazon Tammy

Free Hit Counters
Web Site Hit Counters

Ac Dieu

ImageProxy.gif

Cà rỡn với phương ngữ tình yêu Nam bộ!

* Cao Thoại Châu

            Tình thì ở đâu không có, kể gì vùng miền, có chui vào hang nó cũng réo mình ra để…vui buồn sướng khổ vì nó. Đã có những cặp lạ huơ lạ hoắc ngẫu nhiên gặp nhau trong…nhà tù là cái chỗ tận cùng bằng số rồi, ấy vậy mà không biết làm sao lại cặp được với nhau, khi mãn hạn nhà đá thì kết thành bồ bịch, vợ chồng. Là thế, nhưng người Nam bộ - vùng đất thường an bình như cái “sân sau” bong mát của Sài Gòn- có những tiếng phương ngữ dùng trong tình yêu khác với miền khác. Người Sài Gòn hôm nay nói “yêu” nhưng người Nam bộ nguyên bản lại nói “thương” nghe cũng ngồ ngộ và trong nhiều trường hợp nghe đỡ…ngượng hơn. Gọi cho xôm tụ là có một “phương ngữ tình yêu” ở Nam bộ, chuyên dùng trong cái sự yêu thương trai gái.

            Trước hết, do bản tính xuê xoa chân chất mà người Nam bộ không có thói quen trang trọng khách khí khi nói chuyện yêu. Con mèo và con chuột, một con được nuôi tử tế, con kia chui nhủi bị xua đuổi, quan hệ giữa hai con là quan hệ hủy diệt ấy vậy mà chuyện con trai và con gái lại được cho một cái tên…chuyện mèo chuột dù ở đây hai “con” này chỉ vờn nhau đặng đến với nhau chứ không để “ăn thịt” nhau! Trong cặp đôi này, con gái ắt hẳn là mèo chả thế mà trai đi chinh phục gọi là đi o mèo chứ không nói chim gái như tiếng miền ngoài!

            Trời sinh ra mà, xa xôi ngàn dặm, người dưng khác họ gặp nhau mà ưng nhau thế nào cũng Mèn ơi, rồi trải qua cơn“mê li tang tịch”, mê li đã đủ rồi sao còn nói thêm tang tịch chi nữa, nhưng đó là… người Nam bộ, có tính từ nào chịu ngắn bao giờ! Khen người ta ngộ (xinh đẹp) cũng phải…úy trời, tàn canh bí đao luôn!. Ưng , tìm cách cua mà muốn cua thì đừng có đớt đát, phải đàng hoàng chân thật.

            Và đây là một tình huống tỏ tình đàng hoàng và cũng đau... đàng hoàng: "Ông yêu em, mà ông biết trọng em, thiệt em cảm tình lắm. Phải người có học thức cao mới có thái độ cao như vậy. Em không dám lấy thái độ thấp mà đối với ông, nghĩa là em không dám phỉnh phờ gạt gẫm ông. Đã vậy mà em lại là gái tân thời, hễ nghĩ thế nào thì cứ nói ngay ra, chớ không ưa nói quanh quẹo. Ông hỏi như vậy, em xin trả lời rằng: “Em cảm tình ông lắm, nhưng em không thể làm vợ ông được ”. Buồn ơi, chào mi, thưa ông! Bị chối từ đau như trời giáng mà còn được bài học về sự chân thật trong sự rung động của «con tim chân chính không bao giờ biết nói dối»!

            Một cảnh khác với ngôn ngữ khác khá là bặm trợn như cài sẵn trong bộ nhớ người Nam bộ: "Vậy mà dám xưng là trượng phu, xưng là quân tử. Vậy mà dám nói rằng hễ vắng mặt tui thì buồn rầu chắc phải chết.Thầy thúi lắm. Làm trai như vậy nên lắt cái mặt mà quăng đi. Tôi biết rồi, thầy gạt tôi, xin đổi đặng trốn tôi chớ gì. Tôi nói cho thầy biết, thầy gạt tôi không dễ gì đâu ». Cô nói dứt lời liền quày quả đi vô buồng giở rương lấy cái khăn với phong thơ của thầy đưa hôm nọ mà liệng trúng ngay mặt thầy và mắng rằng: « Đồ khốn nạn! Trả khăn với thơ cho mầy đó. Đi đâu thì đi cho mau. Đừng ngồi đó nữa. Thứ vầy mà cũng xưng là thầy thông! Thông gì! Thông khoan ». Nghe thấy mùi me, khế, rắn chắc cho đã nư! Ngôn ngữ và...công nghệ diễn tả tình yêu rất ư thẳng thắn, huỵch toẹt «có nhiêu nói hết».

            Còn bây giờ là một cảnh tình tứ sau cơn giông bão ghen tương: "Qua xin em tha lỗi cho qua. Vì qua thương em quá nên nổi ghen, rồi nghi bậy làm phạm đến danh giá trong sạch tiết tháo cao thượng của em. Từ rày qua sẽ thương em bội phần, thương dư như vậy đặng đền bồi cái lợt lạt của qua mấy tuần nay. Em sẵn lòng tha thứ cho qua hay không? » (Hồ Biểu Chánh, Ái Tình Miếu,1941).

           Từ sau cụ Hồ Biểu Chánh là một loạt các nhà văn thổ công dùng phương ngữ Nam bộ trong tình yêu, nhưng đáng thích nhất có lẽ là Lê Xuyên được biết đến nhiều vào trước 1975.

- Anh bàn tính cái gì với tía em hồi trưa mà ổng dìa trỏng ổng la om sòm lên…

- Bộ chú bảy quở em hả?

Con Thắm lắc đầu:

- Hông. Em cũng tưởng ổng día la cho một trận về cái… chuyện hai đứa mình hồi trưa đó , nhưng mà không…

Tư Cầu cười nói:

- Như vậy khỏe cho em rồi…

Con Thắm ngắt ngang:

- Cha khỏe dữ! Tía em nói…anh chịu rồi

- Ừ thì chịu, còn em ổng có hỏi gì em hông? Em trả lời sao?

Con Thắm bực mình đáp sẵng:

- Trả lời chịu chớ trả lời làm sao nữa giờ?

 (Lê Xuyên, Chú Tư Cầu, tiểu thuyết)

            Đối đáp sẵng xớm như vậy, nhưng ai đã đọc truyện này sẽ thấy cô gái quê (dữ dội ngầm) yêu chàng chăn vịt mướn (khờ trân) nóng bỏng hơn Đầm yêu Tây như thế nào. Nhân vật nữ của Lê Xuyên tuồng như đều thế cả, cái vỏ ngoài không nói được gì với cái ruột bên trong. Đọc Lê Xuyên thú vị là ở chỗ đó.

            Tiếp nối Lê Xuyên về mặt thời gian có Nguyễn Ngọc Tư. Văn của Nguyễn Ngọc Tư dùng phương ngữ Nam bộ tối đa. Mấy cha con (sống trên ghe) ghé nhà một phụ nữ đóng cho chị ta cái tủ, đơn giản kiểu làm công lấy tiền. Tủ gần xong, một tối hai đứa con ở lại dưới ghe còn người cha làm “lính thủy đánh bộ” lên nhà chị chủ:“Và ngó lại cái khạp da bò nứt, trong rổ úp vài cái chén sành, một thùng giấy chứa quần áo cũ…thấy mình lấy cớ giữ đồ hơi vô căn cớ. Nhưng chị chủ nhà không để ý, chị đang ưng bụng, ngây ngất tràn trề trong mắt. Và cha tôi lên đó, một mình”. Hôm sau “Cha nhìn chị, cười nhẹ, rồi hỏi khẽ khàng:“Cô đi với cha con tôi nghen?”.Anh “lính thủy đánh bộ” không phải kẻ sống đò ghé bến rồi đi, con đò anh mang đi một người cho vẹn tình vẹn nghĩa!Tình một đêm là tình trăm năm!


            Trên đây là của các văn sĩ viết ra, thế còn người bình dân? Tôi đọc rồi mà lâu quá nên quên cách tỏ tình khá thú vị này:“Hai ơi, tui thương thiệt mà”, “Thôi đi, xạo hoài, hổng có tin nổi đâu, nói chi nói hoài dzậy”. “À há, láo xe ăn đó”, “Độc dữ ha, mà thương rồi thì sao chớ?”. Rồi, tối đó có thể cùng nhau vào một căn nhà, nhà hát cải lương chứ không phải các nhà khác đâu đó. Ngày nay tất nhiên ngôn ngữ có khác nhiều nhưng tấm tình chân thật và cách bộc lộ thì vẫn thẳng như vậy thôi. Đấy là tính chân thật, mộc mạc không kiểu cách. Nay đầu hai thứ tóc rồi mà nghe cũng muốn có một “Hai” nào đó để làm như cái anh chàng Nam bộ nguyên bản kia quá chừng chừng!

            Còn nữa, lời tỏ tình“Anh hóa sao, hóa đặng con kiến vàng/Chun tay áo nàng, ờ sống được trăm năm”, được đáp rằng “Em hóa sao hóa đặng con kiến hôi/ Trèo lên, đái xuống cho trôi kiến vàng”, nghịch ngợm đanh đá một tí thôi, đã xưng “em” là cá cắn câu rồi đó, kiến vàng bị trôi sẽ “khóc cho coi”!

            Tôi kể như người Nam bộ, nói tiếng, dùng chữ Nam bộ nhưng ngặt nỗi lại vô duyên với đất này khi không bén với một cô gái ở đây. Vậy mà mang chuyện phương ngữ tình yêu ra nói, kể cũng có một tí gan dàn trời!

 Cao Thoại Châu

 

 

AcDieu

Tin vui

Tin Buồn

Bài Củ

06-2014

05-2014

04-2014

03-2014

02-2014

01-2014

RFI
Nguoi_Viet
RFA
Quan_Su_VNCH
Quân Sử VNCH
Voa_tieng_Viet
BBc_Tieng_Viet

TIME