AcDieu225
Co Vang amazon Tammy

Free Hit Counters
Web Site Hit Counters

Ac Dieu

ImageProxy.gif

 

Nét văn hóa trong lễ cưới của NGƯỜI KHMER NAM BỘ

 

LÂM THANH QUANG

 

Mùa cưới truyền thống của người Khmer Nam bộ bắt đầu từ  tháng 1 đến tháng 3 âm lịch, khi mùa màng đã thu hoạch xong. Đây cũng là lúc họ chuẩn bị cho lễ mừng năm mới (Chol-Chnăm-Thmây ). Những tập tục trong lễ cưới mang tính đặc thù của dân tộc mặc dầu ngày nay nó đã được đơn giản hóa nhiều và mỗi địa phương có cách thể hiện khác nhau, nhưng cái hồn của chúng vẫn được gìn giữ và lưu truyền qua nhiều thế hệ.

 

Ngày xưa khi đường sá xa xôi cách trở, cô dâu và chú rể thường không biết mặt nhau mà chỉ thông qua người mai mối. Giờ đây, do có sự thúc đẩy phát triển, bảo tồn các phong tục, tập quán đẹp của các nền văn hóa dân tộc, họ có thể gặp mặt nhau trong các dịp lễ hội để làm quen và tìm hiểu nhau. Tình yêu có đất để thăng hoa đã mang lại cuộc sống lứa đôi hạnh phúc cho thế hệ trẻ ngày nay…

 

Khi chàng trai chọn được ý trung nhân của mình thì có thể nhờ người mai mối đến nhà gái để ngỏ lời và tìm hiểu về ngày, tháng, năm sinh của cô gái. Nếu nhà gái chấp thuận thì hai bên sẽ tiến hành lễ dạm ngỏ gọi là lễ Sđây-Đol-Đâng.

 

Lễ vật nhà trai mang đến trong ngày lễ dạm ngỏ bao gồm : bánh, trái cây, trà, rượu, trầu cau...Mỗi thứ đều là số chẳn được sắp gọn ghẻ bên trong đôi gánh. Trong ngày lễ dạm ngỏ này, hai bên cùng thống nhất với nhau ngày tiến hành lễ hỏi ( Long-ma-ha) thường được tổ chức vào những tháng đủ theo âm lịch.

 

Đến ngày lễ hỏi, hai nhà mới chính thức thông báo cho họ hàng và láng giềng biết họ đã kết tình thông gia. Lễ vật từ nhà trai mang sang nhà gái thường là : 4 nãi chuối, 4 chai rượu, 4 gói trà, hai đùi heo, hai con vịt... Đôi khi nhà trai còn mang sang nhà gái hai gánh củi để nhà gái nấu nướng và tiếp đãi họ hàng. Ngoài những lễ vật trên, nhà trai còn trao cho nhà gái một số tiền để cô dâu sắm sửa quần áo trước khi tiến hành lễ cưới. Trong lễ này, ngày tháng tổ chức lễ cưới cũng được hai họ thống nhất với nhau. Sau lễ hỏi này, chú rể mới được nhà gái công nhận và có thể đến nhà gái để phụ giúp các công việc trong nhà như tập tục “ở rể” của người Việt.

 

image001.jpg

Đưa chú rễ sang nhà gái

 

Do người Khmer theo chế độ mẫu hệ nên lễ cưới thường được tổ chức ở nhà gái và chỉ có lễ đưa chú rể từ nhà trai sang nhà gái chứ không có lễ rước dâu như người Việt. Lễ cưới            ( Pithi A-pe-pì-pe) trước đây được tiến hành trong 3 ngày, 2 đêm nhưng hiện nay tại nhiều địa phương đã rút gọn lại chỉ còn 2 ngày, 2 đêm. Những chi tiết rườm rà đã được bỏ đi mà chỉ giữ lại những nghi lễ chính như lễ đưa chú rể sang nhà gái, lễ cúng ông Tà, lễ cắt tóc, rắc bông cau, mời các nhà sư đến cầu nguyện, lễ xoay đèn, buộc chỉ tay, lạy ông bà, cha mẹ, nhập phòng.... Những nghi lễ này được thực hiện dưới sự điều khiển của ông chủ lễ là người hiểu biết những tập tục tại địa phương và có địa vị trong cộng đồng, dưới sự phụ họa của giàn nhạc dân tộc như trống Skô Chhay Dăm, cồng Kôông Môôn, đàn Trô Nguôk....

 

image002.jpg

Lễ cúng ông Tà.

 

Nếu hai nhà ở cách xa nhau thì bên nhà trai có thể mượn nhà của bà con gần nhà gái để làm nơi rước chú rể sang nhà gái. Ngay từ sáng sớm, nhà trai dưới sự hướng dẫn của ông chủ lễ ( Acha Pêlea) và hai phụ lễ ( Maha ) mang lễ vật sang nhà gái để xin phép đưa chú rể sang. Ngoài những lễ vật thông thường như cốm dẹp, trái cây, chuối...nhà trai còn mang theo nữ trang và khăn quàng để tặng cô dâu trong ngày cưới và đặc biệt nhất là buồng bông cau ( bông cau còn nguyên trong bẹ ) được cắt theo hình cánh cung do chị, em gái của chú rể đích thân bưng. Tất cả được đặt bên trong một mâm mạ vàng hoặc bạc. Sau khi nhập gia và trình sính lễ xong, nhà trai xin phép nhà gái được đưa chú rể sang. Ông chủ lễ và trưởng họ nhà gái mang mâm trầu cau và mâm buồng cau sang nhà chú rể để làm lễ đón chú rể sang nhà gái.

 

H03 Cô dau ra don chu re.jpg

Cô dâu ra đón chú rể.

 

Lễ vật chú rể mang sang nhà gái là đôi gióng : một bên là đầu heo còn một bên là thức ăn để cúng ông Tà. Trên đường đi, giàn nhạc dân tộc sẽ trình tấu những bản nhạc vui tươi để báo cho mọi người biết là lễ cưới đang tiến hành. Trước khi đến nhà gái, đám rước sẽ ghé qua miếu ông Tà nơi cây đa đầu làng để trình diện và dâng lễ.

 

H04_Cung_bung_mam_buong_bong_cau.jpg

Cùng bưng mâm bông buồng cau.

 

Khi đàng trai sắp đến, nhà gái rào cổng lại bằng nhánh gai tượng trưng trưng cho sự trong trắng của cô dâu chưa tiếp xúc với thanh niên khác. Khi đến cổng rào nhà gái, ông Maha cầm thanh gươm gỗ múa 3 vòng để báo chú rể đã đến. Bên nhà gái sẽ đánh cồng báo hiệu cho nhà trai vào. Cô dâu cùng hai phù dâu trong trang phục dân tộc lộng lẫy cầm vòng hoa ra tiếp đón chú rể. Hai bên trao vòng hoa cưới và cùng bưng mâm buồng cau bước vào nhà. Giàn nhạc trỗi lên và mọi người cùng hát chúc mừng cô dâu, chú rể.

 

Sau khi làm các thủ tục như làm lễ ra mắt ông bà, cha mẹ, trao nữ trang và khăn quàng cho cô dâu, lạy bàn thờ..., mọi người nghỉ ngơi để chuẩn bị cho lễ cắt tóc vào đầu giờ chiều. Một phụ lễ múa hát theo điệu nhạc đi vòng chung quanh cô dâu, chú rể ; thỉnh thoảng đưa chiếc kéo lên cắt tượng trưng vài sợi tóc trên đầu của hai người. Ý nghĩa của việc cắt tóc nhằm xóa bỏ những điều xấu xa ra khỏi cuộc đời của đôi trai gái này.

 

Tối đến, nhà gái sẽ mời các nhà sư tại các chùa trong địa phương và họ hàng thân tộc đến nhà để cầu kinh và chúc phúc cho cô dâu, chú rể. Đây là một nét đặc thù của người Khmer so với người Việt bởi vì các nhà sư người Việt chỉ đến với gia chủ khi có tang sự chứ ngày cưới hỏi thì không bao giờ họ đến dù đó là người thân trong gia đình. Cô dâu chú rể ngồi đối diện với các nhà sư còn bà con họ hàng thì quây quần ở chung quanh. Tất cả cùng chắp tay cầu nguyện với lòng thành kính. Khi lễ cầu kinh, các khách mời sẽ rắc những bông cau lấy từ buồng bông cau sính lễ  lên đầu cô dâu chú rể để chúc phúc cho hai người sẽ sinh con cháu đầy đàn. Ông chủ lễ sẽ hướng dẫn cô dâu, chú rể cách cư xữ giữa vợ chồng với nhau và gia đình hai bên. Cô dâu chú rể sẽ cùng nhau lạy tạ trời đất ở bàn thờ được đặt nơi trước sân.

 

Bước sang ngày hôm sau mới là lễ chính thức của ngày cuới. Trong ngày này những nghi lễ quan trọng mới được tiến hành như lễ xoay đèn, lễ cột chỉ tay, lễ nhập phòng.....

 

H05_Le_chay_den.jpg

Lễ chạy đèn.

 

Lễ xoay đèn ( Bơt-veng-nunl) là niềm hãnh diện cho gia đình hai họ bởi vì nó tượng trưng cho sự trong trắng của cô dâu, chú rễ. Nếu hai người lở “ăn cơm trước kẻng” hoặc chấp nối thì sẽ không tiến hành lễ này. Những cặp có gia đình êm ấm, con cháu đông đúc sẽ được mời vào ngồi chung quanh cô dâu, chú rể, chuyền tay nhau cặp đèn cầy đang cháy trong lúc ông chủ lễ đọc kinh. Khi đèn cầy đã cháy hơn phân nữa thì buổi lễ mới chấm dứt. Đa phần, đồng bào Khmer Nam Bộ rất tin tưởng vào sự thiêng liêng của nghi thức này. Nếu lễ diễn ra suông sẻ thì đôi trai gái mới hạnh phúc đến “răng long đầu bạc”. Sau khi nghi thức xong, mọi người mới thở phào nhẹ nhỏm và chuyển sang lễ cột chỉ tay.

 

H06_Le_cot_chi_hong_cho_co_dau_chu_re.jpg

Lễ cột chỉ hồng cho cô dâu, chú rể.

 

Trong lễ cột chỉ tay này, cô dâu chú rể cùng quì trên đôi chiếu hoa, cha mẹ hai bên sẽ dùng sợi chỉ hồng  cột hai ngón tay của cô dâu chú rể vào nhau dưới âm điệu du dương, tiết tấu vui nhộn của bài hát “ lễ Cột chỉ tay”. Kể từ đây hai người mới chính thức trở thành vợ chồng và cùng nhau “chia ngọt, xẻ bùi”. Bà con hai họ sẽ rắc nước hoa và trao quà chúc mừng cho cô dâu chú rể.

Làm lễ xong, cô dâu đi trước còn chú rể nắm vạt áo theo sau bước vào phòng hoa chúc. Tập tục này lưu truyền dựa vào tích xưa trong đám cưới của Hoàng tử “ Thóng” nơi trần thế với Công chúa “Niét” nơi thủy cung , hoàng tử phải nắm vạt áo của công chúa để rẻ nước xuống thủy cung.

 

H07_Bua_com_hop_mat_dau_tien.jpg

Bữa cơm họp mặt gia đình đầu tiên.

 

Trước khi giả từ nhà trai về, hai gia đình sẽ cùng nhau dùng một buổi cơm thân mật. Trong buổi cơm này, cô dâu chú rể sẽ dâng cơm cho cha mẹ hai bên để tỏ lòng hiếu thảo. Không khí thân mật trong buổi cơm gia đình đầu tiên này sẽ là một kỷ niệm khó quên và là sự khích lệ cho hai người khi bắt đầu xây dựng một gia đình mới.

 

H08_Mua_Lam_Thon.jpg 

Điệu múa Lâm Thon do cô dâu, chú rể cùng các thanh niên trong làng biểu diễn.

 

Điệu múa Lâm Thon quen thuộc do các thanh niên nam nữ trong làng biểu diễn trên nền nhạc đệm dân tộc sẽ kết thúc cuộc vui ngày cưới. Điệu múa có sức hút kỳ lạ nên khi được mời ai cũng vui vẻ tham gia. Nhìn những bàn tay uốn cong nhịp nhàng, những nụ cười rạng rở trên khuôn mặt của những chàng trai, cô gái mới lớn, người già chợt nghĩ :  “Biết đâu trong thời gian tới ta có dịp tham dự một đám cưới nữa mà cô dâu chú rể chính là những đôi nam nữ đang quây quần bên nhau trong điệu múa này”… Đó cũng chính là dịp để những nét văn hóa truyền thống trong lễ cưới của người Khmer Nam bộ sẽ tiếp tục tỏa sáng, lưu truyền cho thế hệ mai sau....

 

LÂM THANH QUANG

AcDieu

Tin vui

Tin Buồn

Bài Củ

06-2014

05-2014

04-2014

03-2014

02-2014

01-2014

RFI
Nguoi_Viet
RFA
Quan_Su_VNCH
Quân Sử VNCH
Voa_tieng_Viet
BBc_Tieng_Viet

TIME