AcDieu225
Co Vang amazon Tammy

Free Hit Counters
Web Site Hit Counters

Ac Dieu

ImageProxy.gif

Bệnh to nhiếp hộ tuyến

 

Bác sĩ Nguyễn Văn Đức

ATT00000.jpg

Nhiếp hộ tuyến là một tuyến đặc biệt của riêng nam giới, nằm dưới bọng đái, bao quanh phần ống tiểu nằm ngay phía dưới bọng đái.

 

Nhiếp hộ tuyến chỉ cân nặng có vài grams lúc người đàn ông tương lai mới cất tiếng khóc chào đời. Vào tuổi dậy thì, nhiếp hộ tuyến, dưới tác dụng của kích thích tố nam (testosterone), cùng với sự tăng trưởng của toàn cơ thể người nam, cũng lớn lên theo. Nó cân nặng khoảng 20 grams vào tuổi 20. Nhiếp hộ tuyến nằm yên, hài lòng với sức vóc của nó khoảng 25 năm. Sau đó, ở đa số đàn ông, nó lại tiếp tục lớn lên. Bệnh to nhiếp hộ tuyến thường chỉ xảy ra ở đàn ông trên 45 tuổi, và càng lớn tuổi, ta càng dễ bị bệnh.

 

Nói chung, trong cả đời người, cứ 10 người đàn ông chúng ta, thế nào cũng có 1 người phải giải phẫu vì bị to nhiếp hộ tuyến (protatic hyperplasia). Bệnh to nhiếp hộ tuyến không phải là ung thư nhiếp hộ tuyến, và cũng không đưa đến ung thư nhiếp hộ tuyến.

 

 

Triệu chứng

 

Người bệnh trước vẫn tiểu không sao, nay thấy đứng lâu hơn bình thường mới bắt đầu tiểu được. Đồng thời, dòng nước tiểu cũng nhỏ và yếu hơn trước, có khi ngập ngừng, không ra liên tục. Đi tiểu xong, mà vẫn có cảm giác như chưa tiểu hết. Rồi quái lạ, tiểu xong, đã cho vào, một lúc nước tiểu còn nhỉ ra lại.

 

Khi nhiếp hộ tuyến càng lúc càng to, bệnh tiến đến giai đoạn nặng hơn, nước tiểu thường ứ lại trong bọng đái. Người bệnh đi tiểu nhiều lần, có khi cứ 15 hay 30 phút lại phải viếng phòng tắm. Ban đêm, bệnh cũng chẳng cho yên, mắt nhắm mắt mở cũng phải dậy nhiều lần để đi tiểu.

 

(Nhưng, tiểu nhiều lần và tiểu đêm cũng có thể gây do uống nước nhiều, dùng nhiều cà-phê quá (hoặc những thức uống chứa chất cà-phê), bệnh tiểu đường, căng thẳng tinh thần (stress), ... Khó ngủ cũng khiến ta hay tiểu đêm. Vậy, đi khám bác sĩ, bạn nên chú ý những điểm này, kể với bác sĩ rằng bạn uống nước thường thôi, không dùng nhiều cà-phê đâu, không bị bệnh tiểu đường, tinh thần cũng chẳng có gì căng thẳng..., để giúp bác sĩ định bệnh nhanh chóng).

 

Có khi, người bệnh bất ngờ bí tiểu khi uống rượu, hoặc dùng một thuốc có tác dụng “anticholinergic” (như các thuốc chữa dị ứng mũi Dimetapp, Actifed, Cholor-Trimeton, ...., thuốc chữa bệnh sầu buồn tricyclic antidepressants, ...), hoặc do bị nhiễm trùng bọng đái.

 

Khi nước tiểu ứ đọng nhiều trong bọng đái vì tuyến nhiếp hộ bị to, bọng đái dễ nhiễm trùng. Người bệnh tiểu đã khó, nay càng khó hơn, và thêm tiểu rát, buốt, có khi còn ra máu. Tệ hơn nữa, còn không nín tiểu được, mót tiểu là phải đi ngay. Vùng bọng đái phía bụng dưới người bệnh cảm thấy đau, khó chịu.

 

 

 

Không chữa trị, các chú vi trùng không bị tiêu diệt, thừa thắng xông lên, bò ngược lên các ống dẫn tiểu (ureters), đổ bộ lên thận. “Phe ta” lúc đó có thêm các triệu chứng của bệnh nhiễm trùng thận (pyelonephritis). Nguy hiểm hơn, vi trùng từ thận có thể vào máu gây nhiễm trùng máu, và theo máu đến tấn công các cơ quan khác. Khi vi trùng đã tấn công lên đến thận, người bệnh đột nhiên bị nóng sốt (có thể cao đến 103 độ F), lạnh run, nhức mỏi khắp người, buồn nôn, ói mửa và tiêu chảy. Người bệnh bị đau một hay bên lưng dưới, vùng thận. Triệu chứng xảy ra nhanh chóng trong vòng vài giờ hay một ngày. Trong giai đoạn này, với triệu chứng nóng sốt và lạnh run, có người tưởng mình bị sốt rét. Có người lại tưởng mình ăn trúng độc vì bị buồn nôn, ói mửa, tiêu chảy.

 

Tuyến nhiếp hộ nằm ngay trước trực tràng (rectum: phần cuối của bộ tiêu hóa, phía trên hậu môn). Thỉnh thoảng, cũng có người bị to tuyến nhiếp hộ bị bón, vì tuyến nhiếp hộ lớn phình ra phía sau, làm hẹp trực tràng. Cũng có những người bệnh khác không hề có triệu chứng, hoặc triệu chứng rất nhẹ, nhưng đường tiểu phía dưới bị tuyến nhiếp hộ to làm nghẹt, nên phía trên, các ống dẫn tiểu và thận bị phình to. Ấy, đừng tưởng thận phình to hơn bình thường là thận khỏe. Ngược lại, thận có thể bị suy dần. Thận mà càng lúc càng suy thì người bệnh nguy to, có cơ phải lọc hay thay thận.

 

Định bệnh

 

Nếu bạn có những triệu chứng kể trên, làm thế nào bác sĩ có thể xác định được là: “Ồ, nhiếp hộ tuyến bạn bị to rồi đây”?.

 

Giản dị nhất là thăm khám trực tràng (rectal examination). Xin nhắc lại, nhiếp hộ tuyến nằm phía dưới bọng đái, bao quanh một phần ống tiểu, và ở ngay phía trước trực tràng. Thò ngón tay trỏ qua hậu môn bạn, vào tận trực tràng, bác sĩ có thể thăm được mặt sau của nhiếp hộ tuyến. Bác sĩ có thể sờ thấy nhiếp hộ tuyến to hơn bình thường, nhưng vẫn cân xứng, sờ giống như sờ vào đầu mũi. (Nếu bạn tò mò muốn biết nhiếp hộ tuyến của mình cứng mềm thế nào, bạn có thể tự sờ đầu mũi của mình). Một nhiếp hộ tuyến bị ung thư thường cứng hơn nhiều, lại có thể bên to bên bé, hoặc có những chỗ phồng lên, cứng hơn những chỗ khác (hard nodules). Khám phá ung thư nhiếp hộ tuyến bằng cách hàng năm, kể từ tuổi 50, đi khám nhiếp hộ tuyến và thử máu tìm một chất đặc biệt gọi là PSA (prostatic specific antigen). Xin hẹn bạn vào một dịp khác, mình sẽ nói chuyện nhiều về bệnh ung thư nhiếp hộ tuyến.

 

Tuy nhiên, vóc dáng của nhiếp hộ tuyến sờ thấy qua sự thăm khám trực tràng không đi đôi với sự nặng nhẹ của triệu chứng. Có những nhiếp hộ tuyến sờ thấy bình thường, nhưng gây triệu chứng, vì nó to đặc bên trong làm hẹp ống tiểu. Ngược lại, có những nhiếp hộ tuyến sờ thấy to lắm, nhưng lại không gây triệu chứng.

 

Sau khi thăm khám, bác sĩ sẽ thử nước tiểu và đo lượng “creatinine” trong máu bạn để xem thận bạn còn tốt hay không (lượng creatine trong máu phản ánh chức năng thận, càng lên cao, chứng tỏ thận càng suy). Nếu bạn trên 50, bác sĩ thử luôn cả lượng PSA trong máu, để truy tìm ung thư nhiếp hộ tuyến.

 

Nếu mọi thứ đều bình thường, và xem ra các triệu chứng không làm phiền bạn bao nhiêu (điều này mang nhiều tính chủ quan: với các triệu chứng do to nhiếp hộ tuyến gây ra, có người chẳng lấy gì làm phiền, có người rất lấy làm khó chịu), chúng ta ngừng ở đây, không cần tìm hiểu thêm, bạn cũng chưa cần chữa trị. Bạn có thể yên tâm, chỉ cần thỉnh thoảng ghé thăm bác sĩ, cho biết tình hình.

 

Còn bạn cho rằng bạn không còn chịu đựng được nữa, cái tuyến nhiếp hộ nó làm phiền bạn quá lắm? A, trong trường hợp này, bác sĩ có thể sẽ đo sức tiểu của bạn (urinary flow rate), xem trong 1 giây, bạn tiểu được bao nhiêu nước tiểu. Nếu trong 1 giây, bạn chỉ tiểu ra không đến 10 ml nước tiểu: vấn đề của bạn nặng đấy. Nếu trong 1 giây, bạn tiểu được những trên 15 ml nước tiểu, vấn đề còn nhẹ thôi, bạn bực bội với cái nhiếp hộ tuyến bạn, bạn hơi khó tính một chút. Bạn còn nghi ngờ, chưa hài lòng, kêu rằng bạn vẫn khổ sở vì những triệu chứng nhất định là do cái nhiếp hộ tuyến gây ra? Thế thì ta làm thêm trắc nghiệm đo lượng nước tiểu còn sót lại trong bọng đái sau khi đi tiểu (measurement of the residual urine volume after voiding): nếu trắc nghiệm này cũng bình thường nốt, không có mấy nước tiểu sót lại trong bọng đái lúc bạn đã tiểu xong, bệnh của bạn còn nhẹ lắm.

 

Tổng hợp tất cả những dữ kiện kể trên, chúng ta sẽ cùng lượng định vấn đề của bạn nặng hay nhẹ, cần chữa trị ra sao.

 

Chữa trị

Trước kia, khi to nhiếp hộ tuyến đã gây triệu chứng khá khá, đường lối giải quyết vấn đề là giải phẫu cắt bỏ tuyến. Gần đây, với những thuốc uống được cho dùng vào mục đích chữa to nhiếp hộ tuyến, nhiều trường hợp bệnh tránh được giải phẫu.

 

Giải phẫu có những nguy hiểm của giải phẫu, nhất là cho những vị trên 80 tuổi. Chẳng hạn, chảy máu, nhiễm trùng sau giải phẫu. Có người bị bất lực (impotence) sau khi mổ cắt tuyến nhiếp hộ.

 

Nhiều tuyến nhiếp hộ to, nhưng rất dễ thương, chẳng bao giờ gây vấn đề cho chủ nó cả. Biết nó to chỉ vì khi đi khám nhiếp hộ tuyến hàng năm (từ tuổi 50 trở đi) để tìm ung thư, tình cờ bác sĩ thấy nó to. Đối với những nhiếp hộ tuyến to nhưng dễ thương như vậy, cứ để yên nó đấy, mỗi năm chỉ cần thăm nó lại một lần là đủ.

 

Còn với những tuyến nhiếp hộ đã nổi loạn, cứ làm chảy máu đường tiểu, gây nhiễm trùng đường tiểu nhiều lần, tạo sạn bọng đái, gây bí tiểu cấp tính, hoặc khiến thận đã phình to và đang kêu cứu, ta còn tiếc nó làm gì nhỉ. Cứ giao cái tuyến nhiếp hộ cho con dao của bác sĩ giải phẫu tiết niệu (urologist). Giải phẫu cắt bỏ nhiếp hộ tuyến qua ống soi (transurethral resection of the prostate) sẽ giải quyết tận gốc vấn đề. Trong những trường hợp tuyến nhiếp hộ lớn quá, bác sĩ tiết niệu phải cắt bỏ tuyến qua đường mổ bụng. Phương pháp giải phẫu này nay ít được dùng hơn phương pháp giải phẫu qua ống soi, vì gây nhiều biến chứng hơn, và người bệnh phải nằm nhà thương lâu hơn. Các phương pháp khác dùng giải quyết vấn đề như nông rộng bằng một bóng nhỏ (balloon dilatation), đặt một dụng cụ vào tuyến nhiếp hộ để nới rộng ống tiểu (placement of prostatic stents), đốt bằng nhiệt (hyperthermia, thermotherapy), đốt bằng laser (laser ablation), tuy ít gây nguy hiểm hơn giải phẫu, nhưng ít thành công hơn, và thường chỉ cho kết quả tạm thời.

 

Ở giữa hai thành phần nhiếp hộ tuyến to nhưng dễ thương không gây triệu chứng nên ta cứ để nó đấy, và nhiếp hộ tuyến to đã từng gây biến chứng nên cần mổ, cũng có những thành phần nhiếp hộ tuyến to thuộc loại lừng chừng, gây nhiều triệu chứng từ nhẹ tới nặng.

 

Với những tuyến nhiếp hộ lừng chừng gây triệu chừng nhẹ (mild symptoms), ta không cần chữa, chỉ cần theo dõi hàng năm. Nhiều nhiếp hộ tuyến to, chỉ gây triệu chứng nhẹ, sau nhiều năm vẫn không nặng thêm, hoặc ngay cả bớt dần, dù không thuốc men gì cả. Đa số người có triệu chứng nhẹ chọn giải pháp này: không dùng thuốc hoặc giải phẫu, và đến xem bác sĩ nếu bệnh tiến triển hơn, hoặc chỉ cần trở lại hàng năm thăm bác sĩ nếu bệnh vẫn ổn định và không nặng hơn. Phương pháp chữa trị này được đặt tên “watchful waiting” (chờ xem).

 

Trong những trường hợp nặng hơn chút nữa (moderate symptoms: nặng vừa), người bệnh có hai lựa chọn: hoặc giải phẫu, hoặc dùng thuốc. Lại nặng hơn nữa, là những trường hợp người bệnh thực sự đau khổ vì cái tuyến nhiếp hộ không biết điều của mình (severe symptoms), trong trường hợp này chúng ta nên chọn phương cách giải phẫu để dứt khoát giải quyết vấn đề.

 

Ở Mỹ, có hai loại thuốc được Cơ quan Kiểm soát Thực và Dược phẩm (FDA: Food and Drug Administration) cho dùng để chữa bệnh to nhiếp hộ tuyến:

 

1. Alpha-adrenergic blockers:

Gồm các thuốc terazosin, doxazosin, tamsulosin, và alfuzosin. Thuốc cũ minipress thỉnh thoảng cũng được dùng, nhưng không được chuộng bằng 4 thuốc mới trên.

 

Các thuốc khiến các bắp thịt ở cổ bọng đái, và các bắp thịt ở phần ống tiểu bị tuyến nhiếp hộ bao quanh bớt thắt chặt, do đó giúp nước tiểu đi qua chỗ hẹp dễ dàng hơn. Sau 2-3 tuần dùng thuốc, triệu chứng của bạn sẽ thuyên giảm nhiều.

 

Hai thuốc terazosin và doxazosincòn cũng có công dụng chữa bệnh cao áp huyết. Người vừa cao áp huyết, vừa to nhiếp hộ tuyến, dùng hai thuốc này rất tiện lợi.

 

2. 5 alpha-reductase inhibitor:

Gồm hai thuốc finasteride và dutasteride. Chúng làm nhiếp hộ tuyến từ từ nhỏ lại, khiến triệu chứng thuyên giảm dần. Công hiệu của chúng chậm, khoảng 6 tháng đến 1 năm. Cả hai thuốc có thể làm giảm dục tính.

 

Dùng các thuốc Alpha-adrenergic blockers (terazosin, doxazosin, tamsulosin, alfuzosin), nếu triệu chứng không thuyên giảm nhiều, chúng ta thêm thuốc loại 5 alpha-reductase inhibitor. Các thuốc 5 alpha-reductase inhibitor làm nhiếp hộ tuyến nhỏ lại, giúp nhiều người tránh được giải phẫu.

 

Khi chúng ta có tuổi, bệnh to nhiếp hộ rất hay xảy ra, gây triệu chứng ít nhiều. Bệnh không đưa đến ung thư nhiếp hộ tuyến. Những trường hợp nhẹ không cần chữa, những trường hợp vừa hoặc nặng, chúng ta chữa bằng thuốc uống, quá lắm sẽ giải phẫu. Với những phương cách chữa trị mới bây giờ, nhiều vị không còn phải chịu đựng, đau khổ vì căn bệnh như trước.

 

AcDieu

Tin vui

Tin Buồn

Bài Củ

06-2014

05-2014

04-2014

03-2014

02-2014

01-2014

RFI
Nguoi_Viet
RFA
Quan_Su_VNCH
Quân Sử VNCH
Voa_tieng_Viet
BBc_Tieng_Viet

TIME