AcDieu225
Co Vang amazon Tammy

Free Hit Counters
Web Site Hit Counters

Ac Dieu

ImageProxy.gif

PHẦN ĐẤT HƯƠNG HOẢ 

Lê Quc

Ta về như lá rơi về cội...

Bếp lửa nhân quần ấm tối nay

Chút rượu hồng đây xin rưới xuống

Giải oan cho cuộc biển dâu nầy.;

     (Thơ Tô thùy Yên)

Sau những tháng năm lang bạt giang hồ vì chén cơm manh áo, rồi đến biến cố 75 đổi đời tan tác, ngọc nát vàng phai, ly hương biệt xứ, tôi có hai lần về  cố hương đáng nhớ trong đời.

Năm 1960...                                                                                             

Tôi trở về làng cũ. Quê tôi không có núi đồi hùng vĩ, chỉ có ruộng đồng bát ngát.. Mưa nắng hai mùa. Nắng chang chang. Mưa ào ạt. Vậy mà những đêm buồn một mình nơi gác trọ, nằm nghe tiếng gió giao mùa xào xạc trên mấy ngọn sao già, tôi nghe một niềm thương nhớ se sắt trong lòng! Cái làng gì mà nghèo xác, nghèo xơ! Nghèo đến người dân không có một tấc đất cắm dùi. Đất ruộng chỉ tập trung trong tay các điền chủ. Mùa mưa, khi đất trời giao hưởng khúc nhạc ''mưa dầm nước nổi'' thì cánh đồng trầm thủy sau nhà tôi lúc mặt trời vừa tắt nắng, tiếng ''nhắc nhen,nhắc nhen'' của đám nhái bầu đệm thêm tiếng ''uềnh oang'' của loài ểnh ương.. trổi lên điệu nhạc buồn thúi ruột, thúi gan. Tâm tư tôi còn vọng lại từ tiềm thức, tiếng con bìm bịp kêu nước lớn, rồi tiếng hát ầu ơ của bà mẹ ru con..                

''Tiếng hát  ầu  ơ hoa cỏ lịm..                                                                                                             

Nước mây buồn bã chợt quên trôi''.                          

Rồi còn có tiếng ai ca vọng cổ:

Đêm khuya mờ mịt bóng vạc về .. mà người thiếu phụ còn lặng ngồi bên nhịp cửa song ơ..ơ..'' - giọng ca nức nở vẳng lại lại từ vàm sông Long Hồ.               

Những tiếng hát quê mùa, những hình ảnh mộc mạc nầy đã đi theo tôi khắp bốn phương trời  và đã làm thành một phần đời của tôi. Đầu óc lan man nhớ ngày  ba tôi ra đi về bên kia thế giớI để lại cho má tôi một đàn con chín đứa . Chỉ có chị Hai tôi đã lập gia đình, người anh thứ Ba  biền biệt phương trời ,còn lại chúng tôi, ảy cái miệng chim non chỉ biết há mỏ chờ mẹ đút mồi. Má tôi trở thành góa phụ khi mái tóc còn xanh, nhưng suốt đời má chưa bao giờ nghĩ đến việc đi thêm bước nữa. Bà tần tảo ngược xuôi để nuôi một đàn con  nheo nhóc. Đời bà dường như chưa có một ngày thảnh thơi, an nhàn.                     

Tết năm ấy,  không nằm co trên gác trọ để nghe nhớ thương gậm mòn lá phổi, tôi quyết định về thăm làng cũ. Chiến tranh những năm đó chừng như tạm lắng như những đợt sóng ngầm ,để chờ ngày bùng nổ dữ dội hơn. Con đường làng bằng đất nung chưa bao giờ được tráng nhựa,mừng rỡ đưa tôi qua những thôn xóm nghèo nàn nhưng chứa chan kỷ niệm thưở ấu thời . Bước chưn tung tăng trên con đường cũ về nhà, lòng rộn rã một niềm vui sướng. Mẹ tôi, người đàn bà nghèo chữ nghĩa nhưng giàu tình thương, chạy ra mừng rỡ nắm lấy tay tôi , nghẹn ngào..'' Sao lâu quá con không dìa thăm má ?''. Rồi bà bật khóc, nước mắt đầm đìa.  Ôi! những giọt nước mắt chứa chan hạnh phúc! Tôi chợt hiểu rằng trên đời nầy còn có một thứ nước mắt  làm cho người ta  hạnh phúc , những giọt nước mắt  mừng rỡ thương yêu của má tôi mà cho đến mãi sau nầy, âm dương cách biệt , hình ảnh đầm đìa nước mắt của mẹ tôi vẫn còn in  sâu mãi trong tâm hồn.                      

Rồi má tôi lăng xăng dọn dẹp, đốt nhang đèn, bày hoa quả ,cúng vái trước bàn thờ ông bà và ba tôi. Bà khấn vái ba tôi về chứng kiến sự trở về của một thằng con lang bạt. Má tôi ra chuồng gà bắt một con gà giò làm thịt trộn gỏi bắp chuối,rau răm .Má tôi biết tôi ưa thích món nầy. Tôi biết hôm ấy trong lòng má tôi vui lắm ! Còn tôi,  thì khỏi nói! Tôi nói với má : ''Mai má cho con ăn mắm sống, cà tím với cơm nguội nghe má. Con thèm mắm sống lắm! Má nhớ hồi tản cư mấy mẹ con mình trốn Tây trong rừng dừa nước.. ăn mắm sống với bông điên điển và rau mác. Ngon dễ sợ! Má tôi gật đầu  :'' Ừ ! Thằng nhớ dai dữ a''. Rồi má tôi lui cui ra hè hái rau thơm, chanh ớt, chuối khế, để ngày mai ăn mắm sống.

Nhìn thấy mẹ cười  nói huyên thuyên. Tôi nghe lòng trào dâng một niềm hạnh phúc! Rồi còn cái tình lân lý bà con láng giềng - sao mà đậm đà trong ánh mắt, trong sự mừng rỡ viếng thăm. Tôi nghe cõi lòng ấm áp ! Bây giờ tôi mới hiểu vì sao tôi thương nhớ quê hương!                                                                                                                                                                        

Năm 2003...                                                                               

Bốn mươi ba năm sau, từ vùng đất Trích mịt mù, tôi trở lại Sàigòn với  mái tóc bạc phơ, cõi lòng héo hắt. Ra đi mang theo hình ảnh Sàigòn diễm lệ, Vĩnh Long thân thương, Cần Thơ, Mỹ Tho trù phú.  Bây giờ trở lại Saigòn nhưng không tìm thấy Sàigòn đâu cả mà chỉ thấy một thành phố ngùn ngụt khói bụi, ào ào tiếng xe, nhung nhúc con người. Hằng triệu xe Honda dầy đặc như bèo trong ao, che kín mặt đường không có chỗ hở, động cơ nổ ào ào, khói bụi tung mù mịt. Tôi ngơ ngác đi giữa đường phố Sài gòn mà không thấy Sàigòn - giống như văn hào Lỗ Tấn - khi đứng trên mảnh đất quê hương mà không thấy quê hương mình đâu cả. Ông còn cảm thấy quanh ông là: ''Một bức tường cao vời vợi  ngăn cách tôi (Lỗ Tấn) với những người đồng hương .Và điều nầy làm tôi buồn bã''.                             

Tôi đi lang thang khắp các nẻo đường quen thuộc.. để mong tìm lại những hình ảnh cũ. Nhưng tôi thất vọng hoàn toàn. Cái gì đối với tôi cũng xa lạ - cảnh vật , con người - đường phố,chợ búa - tiếng nói ,cách xưng hô , sự đối xử...  Tôi thấy mình là một người  ngoại quốc ngay trên chính quê hương mình. Mất rồi ! Sàigòn không còn nữa. ''Sàigòn ơi ! Tôi đã mất người trong cuộc đời  ''! Câu hát buồn thắm thía trong những ngày đầu mất nước - bây giờ càng thắm thía hơn khi trở về. Sàigòn, buồn lúc ra đi!  Sài gòn, lại buồn hơn lúc trở về! Tôi cảm thấy ngao ngán trong lòng!                                                                                                                                   

Mấy hôm sau, tôi trở về  làng cũ. Trưa hè, nắng đổ lửa. Mấy cụm mây mỏng dính, héo queo không đủ che ánh nắng mặt trời đang hùng hổ hắt xuống mặt đường  cái nóng rát da. Nắng hừng hực, oi bức, táo bạo táp trên mặt, bò vào thân thể. Mồ hôi rịn chảy. Không khí ngột ngạt, khó thở...                             

Con đường lộ đá đỏ ngày xưa thời Tây thuộc,  xe quan chánh tham biện chạy qua, tung bụi mịt mù, bây giờ nhỏ hẹp lại thành một lối mòn nhỏ hẹp, cỏ mọc lấn chiếm , đất đá lởm chởm , lở lói nhiều nơi , ốm nhom như một con bệnh lâu ngày thiếu thuốc - mệt mỏi chạy dọc theo bờ sông Long Hồ ... đưa tôi trở về làng cũ. Lại một lần nữa,tôi chứng kiến một sự đổi thay đến ngậm ngùi !  Mấy chiếc cầu sắt Long Thanh, cầu Cái chuối, Cái nứa , Hoà Tịnh - đã bị phá hủy từ thời tiêu thổ kháng chiến, nay vẫn còn trơ lại mấy trụ sắt  hoen rỉ mỏi mòn.  Vài miếng ván gổ chênh vênh bắc ngang qua mấy trụ sắt . Xe Honda , người đi bộ phải vất vả lắm mới  đi qua được.

Hàng sao già xen lẫn với hàng cây mù u hai bên đường , đã bị đốn mất,  chỉ còn mấy gốc cây mục nát, cỏ mọc phủ đầy. Cánh đồng lúa xanh rì trải dài đến mút mắt ngày xưa đã biến mất sau những dãy nhà mọc lên san sát. Nhà ngói,nhà gạch, chừng như nhà của các quan cán bộ hay những nhà giàu mới, nhà có người thân ở ngoại quốc. Thỉnh thoảng xen vào vài căn nhà lá ủ rũ nằm bên cạnh những căn nhà nhỏ, tường gạch xây cất vụng về  như một cô gái quê mùa làm dáng bằng những nét phấn son trây trét..  Đầu làng, trên dốc cầu sắt một cái chợ con , bán buôn lèo tèo vài bó rau dền, mấy rổ khoai lang, khoai mì ,vài ba con cá cầu cửng (cá lóc con) nằm bất động. Mấy bà  nhà quê đen đúa, mặc đồ bộ bằng hàng bông xanh bông đỏ lòe loẹt( người ta nói là hàng nhập  lậu từ Trung quốc) ngồi lấy tay quạt quạt mấy con ruồi bu trên mấy rổ rau, cá. Cách chợ chừng vài trăm thước, ngày xưa là ngôi trường làng , nền đúc cao tới  ngực mang tấm biển đề chữ ''École élémentaire franco- indigène''. Mãi về sau khi lớn lên,tôi mới hiểu chữ indigène - một tỉnh từ của thực dân Pháp có ý miệt thị dân ta . Nơi đây tôi đã trải qua buổi học đầu đời với quyển vần ABC còn thơm mùi giấy mới . Còn ông thầy nữa,  ông vừa nghiêm nghị ,vừa dịu dàng.  Học trò vừa thương,vừa sợ. Ngày bãi trường ,từ giã thầy, chúng tôi khóc sướt mướt. Con nít dễ khóc , rồi dễ quên sau đó.Nhưng tình thương thầy vẫn nguyên vẹn trong lòng cho đến ngày tôi trở về đứng trước ngôi trường cũ , nay chỉ còn là một bãi cỏ hoang tàn, gió đưa hiu hắt.  Mấy  ông thầy giờ đây cũng đã ra người thiên cổ. Tôi bỗng nghe mấy giọt nước mắt rơi trong lòng!                       

Bước về nhà cũ. Căn nhà từ đường mấy đời thờ phụng tổ tiên còn đó vắng vẻ, quạnh hiu! Mái ngói rêu phong. Tường vôi xám xịt, lổ đổ những vệt nước mưa chảy dài trên vách. Vài cọng rong rêu phất phơ trước mái hiên nhà. Mấy khóm rau ''càng cua'' lơ thơ mọc dài theo đường rảnh mái ngói âm dương đã ngã màu sương gió. Lu nước uống,má tôi thường treo trên vách trước hàng ba, một cái gáo dừa có cán ,nay đã biến đâu mất... Bàn ông thiên trước sân nhà siêu vẹo,ngã nghiêng.. Màu thời gian đã phết lên ngôi nhà một lớp sơn meo mốc. Bước về đến sân ,  nhà vắng vẻ, im lìm: ''Khi tôi về, nghẹn ngào trong nắng. Tưởng gặp mẹ tôi rưng rưng đứng đón tôi về. Nào ngờ mẹ tôi ra đi bên kia cuộc đời..Không lời  biệt ly cuối cùng trước khi phân kỳ '' ( Hoàng thi Thơ - Đường xưa lối cũ) . Mẹ tôi còn đâu mà ra đón . Mẹ đã vĩnh biệt cõi đời  mười  mấy năm về trước. Không còn được nhìn thấy ánh mắt tràn ngập yêu thương của mẹ, không còn nhìn thấy những giọt nước mắt hạnh phúc ngày xưa.. Tôi đứng lặng hồi lâu, nhìn vào nhà  bàn thờ khói hương leo lét. Bất giác , tôi nghe đau thắt trong lòng.Không ngăn được dòng nước mắt. Mất mẹ là mất hết trên cõi đời nầy. Mấy anh chị tôi cũng đã lần lượt ra đi những năm sau đó. Giờ chỉ còn tôi và một thằng em trai còn sống sót.. Sắt đá cũng ngậm ngùi. Huống chi tôi, thằng con mà chữ hiếu không dài hơn sợi tóc. Thằng em không được thông báo trước ,ngơ ngác chạy ra. Bất ngờ -  có lẽ vì tôi  già  ốm yếu , mái tóc đã bạc trắng, thằng em  không nhận ra đứng nhìn tôi trân trối. Cả vợ nó - cũng ốm nhom , xanh mét  đứng lặng nhìn tôi, chưa biết nói câu gì.. Hai đứa con lớn đại -  đứa con gái đã trổ mã,  lấp ló sau cửa .. không biết tôi là ai.  Hồi lâu,  chừng như đã nhận ra tôi ,thằng em nói:

- Trời !  Anh Tám hả?  Sao không báo trước để tui đi đón .

- Anh muốn dành cho vợ chồng em một sự ngạc nhiên. Và cũng muốn đi bộ một mình trên đường làng để sống lại kỷ niệm cũ. Tôi nói .                                              

Hai đứa con len lén đưa mắt nhìn ông già lạ hoắc, không có vẽ gì sang trọng như những Việt kiều khác. Tôi đoán chừng chúng thất vọng lắm ! Còn một thằng lớn nữa, sao không thấy . Riêng thằng Sự -  em tôi  - mặt mủi tiều tụy, bơ phờ, đôi mắt thụt sâu như người mất ngủ lâu ngày. Tôi đoán chừng cuộc sống nó vất vả lắm! Anh em lâu ngày gặp nhau có biết bao nhiêu điều để nói.

Vào nhà, tôi đốt mấy cây nhang cắm vào chiếc lư hương trên bàn thờ. Tôi hỏi ngay về má tôi. Thằng em  chảy nước mắt, nói :

- Mấy năm đầu ''giải phóng'', má bị liệt nằm một chỗ,không đi đứng được. Vợ chồng tui phải thuốc thang, cơm nước, ẳm bồng má.. Cực khổ trăm bề! Tiền bạc cạn queo. Ăn  không đủ, thuốc không có. Mới đổi tiền nữa. Tiền bạc dành dụm bỗng nhiên bị mất trụm . Thiên hạ kêu trời. Má chỉ uống toàn xuyên tâm liên,lá muồng,lá nhàu. Khi đau nhức quá thì đắp lá nha đam chịu đựng. Kéo dài đến 3 năm, tối hôm đó - má như một ngọn đèn leo lét cạn dầu, rồi  tắt ngủm..                   

Thằng em nói trong nước mắt.. Cổ họng tôi tắt nghẹn.. Má tôi khi còn sống, bà thương con lắm!  Bà là người quê mùa,dốt  nát. Năm đó, tôi được cấp học bổng toàn phần, bà phải học viết tên mình mấy đêm liền để ký tên  cho tôi lãnh tiền  Tội nghiệp ! Má tôi đâu biết có thể lăn tay để thay chữ ký .Tình thương của bà cũng biểu lộ một cách quê mùa. Nói năng hành xử cũng quê mùa. Má tôi hay khóc. Cái gì bà cũng có thể khóc. Một người quen trong làng mất,  bà rươm rướm nước mắt. Tôi lên cơn suyển , bà ngồi thức thâu đêm  nhìn tôi thở không được, bà cuống cuồng lo sợ như chính bà nghẹt thở, bà lại khóc. Người chị thứ sáu tôi bị mẹ chồng hành hạ , ngược đãi, bà cũng khóc. Bán con heo, bà buồn mấy ngày. Cắt cổ con gà làm thịt ,  bà cũng buồn rồi lầm thầm khấn vái cho nó sớm đi dầu thai. Có lần - nhà vắng người - bà bị bắt buộc chặt đầu con ếch để làm món ếch xào lăn. Con ếch bị chặt đầu ,hai chưn trước chập lại, đưa lên đưa xuống y như lạy bà . Bà hoảng hồn bỏ dao, rơi nước mắt  khóc rồi mở nắp giỏ thả mấy con ếch còn lại. Má tôi hành xử như vậy cả đời . Đức Phật nói: Nước mắt chúng sinh chứa đầy bốn bể.  Nước mắt má tôi đã chiếm hết một phần rồi!                                                                        

Ngó lên bàn thờ khói hương nghi ngút, tôi bước  đến lạy má tôi b?n lạy như để tạ tội với bà  về thằng con  đã không tròn chữ hiếu.  Thằng em chừng như hận tôi lắm . Chờ mấy ngày sau cho tình cảm anh em lâu ngày gặp gỡ lắng xuống, nó bắt đầu hằn học với tôi:

- Việt Kiều ngưòi ta giàu lắm, họ gửi tiền về cất nhà,cất cửa cho cha mẹ. Thằng bảy Quẹo đó - nó chăn trâu cho cả Chín ở ngoài đồng bị đám người vượt biên - vì sợ bị bể - bắt nó đi luôn. Bây giờ qua Mỹ đem tiền về cất nhà gạch cho tía má nó, mặt vác hất,thấy ghét ! Tui mang tiếng có thằng anh vượt biên mà má bệnh không tiền uống thuốc. Thiệt mắc cỡ hết sức .

 - Anh cũng có gửi  tiền về lo cho má mà!

-  Ối ! Thấm tháp gì .Đợi tiền anh thì má đã đi rồi! Tôi làm thinh.                                 

Vài  ngày sau... mấy chai nước suối mang theo đã cạn. Tôi không dám uống nước sông lóng phèn. Nó cũng đay nghiến:

- Vậy chớ hồi đó anh đi lính,uống nước vũng trâu nằm, có chết thằng Tây nào đâu. Bây giờ mấy ông Việt Kiều về đây, bầy đặt chê khen.

Tôi im lặng, vì biết rằng mình không lo gì được cho mẹ. Chỉ có một mình nó cực khổ trăm bề  cho đến ngày mẹ trút hơi thở cuối cùng.Tôi tìm lời lẽ ôn tồn an ủi nó. Dường như nó đang có vấn đề gì lo lắng lắm! Nó hay thở dài. Vợ chồng nó mấy ngày nay thì thầm to nhỏ điêù gì đó. Có hôm nó bỏ nhà đi cả ngày, đến tối mịt mới mò về. Thỉnh thoảng nó dò hỏi tôi chừng nào trở về  Canada. Chắc chắn, nó có chuyện gì giấu tôi..                                                                                

 Sáng hôm ấy - đang đứng thơ thẩn trước nhà , nhìn lên cây vú sửa già, cành lá lơ thơ và ngôi nhà tàn tạ  cột kèo rã mục  Tôi chạnh lòng buồn bã!                      

 Đang nghĩ miên man - bỗng có một người đàn bà xăm xăm đi tới. Nhìn tôi từ đâu đến chưn , bà ta phun ra một tràng như súng liên thanh:

- Việt Kiều đây hả? Sao ăn mặc lôi thôi lếch thếch vầy nè? Bộ không khá hả?  Sao ốm nhom, ốm nhách vậy?  Bịnh hả?  Việt Kiều người ta trắng trẻo, mập mạp - còn ông sao giống như bị sốt rét vậy? Dìa chơi, chừng nào trở qua?                                                                        

Tôi đứng chết trân, không biết trả lời ra sao. Người đàn bà ngó dáo dác vào nhà, rồi quay sang tôi, hỏi trỏng :

- Thằng Sự có ở nhà không? Tôi chưa kịp trả lời, bà ta tru tréo lên:

- Sự ơi! Mày ra đây tao hỏi cái nầy. Mày trốn đâu mất biệt mấy ngày nay.             

Vợ chồng thằng em nghe tiếng ồn ào, chạy ra phân trần :

- Dì Sáu , chuyện đâu còn có đó. Tui bận khách, chớ có trốn đi đâu. Trước sau gì tui cũng tính với dì mà! 

- Tao không chờ được nữa. Quá hạn rồi! Tao kỳ hẹn cho mầy 3 ngày. Nếu mầy làm thinh - tao kêu thằng công an chấp pháp  giải quyết đó.

Bà Sáu ngoe nguẩy ra về, bỏ vợ chồng thằng em  đứng lặng nhìn nhau, mặt mày thiểu não . Tôi gặn hỏi mãi nó không chịu nói . Tôi buồn quá muốn bỏ về Sàigòn . Ngần ngừ mãi, nó nói :

- Tui tính bán miếng đất nầy.

Tôi thảng thốt kêu lên:

- Trời ơi ! Em nói thiệt hả? Đất hương hỏa, bán đi sao đành! Mồ mả ông bà, xương cốt của má còn chưa tan sao nở bán đi?                                                             

- Nghèo quá, phải bán .                                                                                                       

- Nghèo thì làm lụng xoay sở để sống, sao lại làm chuyện có lỗi với ông cha?              

- Chuyện đến đến nước nầy - tui không giấu anh nữa. Số là mấy năm gần đây, nhà nước mở cửa , thấy có nhiều người buôn bán hàng lậu trở nên khá giả - tui đem miếng đất nầy cầm cố cho bà sáu Điểm lấy tiền đi buôn hàng lậu thuế ngoài bờ biển Ba Động. Mấy chuyến đầu trót lọt, kiếm ăn khá lắm. Tui hừng chí tom góp tiền bạc định làm một chuyến chót rồi nghỉ. Nhưng đường dây bị bể vì có kẻ phản bội đi tố cáo công an. Hàng hoá bị tịch thu. Vốn liếng mất sạch. Tui chạy trối chết.. Thoát được, nhưng sạt nghiệp trắng tay. Thằng Cừ - thằng con trai lớn đang làm thủ quỷ ngân hàng huyện, thấy cảnh nhà khổ sở, túng ngặt nên nó làm liều nhảy vô vòng chiến. Nó tổ chức bao đề  theo kiểu sổ xố đuôi. Dân bây giờ cờ bạc dữ lắm! Ban đầu thấy kiếm ăn được, tui nhào vô phụ với nó.. Nhưng về sau - thua mấy vố nặng quá - sợ tay em làm dữ..nó lấy tiền Ngân hàng ra chung. Nội vụ đổ bể, thằng con đang bị điều tra. Còn tui thì sạch bách rồi! Miếng đất  hương hoả và ngôi nhà nầy chắc cũng phải ra đi..

Tôi choáng váng mặt mày , lùng bùng lổ tai. Hồi lâu, lấy lại bình tỉnh, quay sang hỏi :

 - Bây giờ em tính sao? 

 - Còn tính gì nữa. Hết cách rồi! Bỏ trốn, nhưng trốn đi đâu cho khỏi. Chỉ tội cho thằng Cừ. Tuổi còn quá trẻ mà phải mắc vòng lao lý.

Thấy cảnh ngộ của thằng em, lòng tôi như bị ai xát muối. Sau mấy đêm trằn trọc, tôi bàn với thằng em đi thương lượng với bà sáu Điểm - nhân vật có thế lực trong làng - để chuộc lại mấy công vườn  hương hỏa và ngôi nhà thờ phụng ông bà Thằng em không chịu. Nó nói nên giúp cho thằng con. Thà mất đất hơn là để thằng con phải vào tù. Tôi thuyết phục nó:

- Cháu tuổi còn trẻ - nhà nước sợ nuôi cơm nên sẽ thả nó ra sớm,  nó đi làm lụng để hoàn lại lần hồi số nợ. Anh đọc báo thấy có nhiều trường hợp như vậy.          

Vợ chồng thằng em cuối cùng nhìn tôi sụt sùi:

- Thôi , làm theo ý  anh đi!               

Mọi việc giải quyết ổn thỏa với bà sáu Điểm. Phần đất hương hỏa của dòng họ mấy đời đã bị chiếm hết.. Chỉ còn một chút đất, vài nấm mộ và ngôi nhà thờ phụng ông bà và ba má tôi. Không biết  còn giữ được đến bao giờ!                                                 

Tôi từ giã vợ chồng thằng em, thằng Cừ và hai đưa em nó, đón đò máy xuôi dòng sông Long Hồ ra chợ Vãng, đón xe về Sàigòn. Buổi  chiều tắt nắng, chiếc đò máy đưa tôi đi ra chợ  nổ máy rú lên, chậm chậm rời bến, rồi vút đi bỏ lại hàng cây lờ mờ phía sau Tôi đứng nhìn bóng thằng em và ngôi nhà hương hỏa khuất dần rồi mất hút trong bóng hoàng hôn. Không biết rồi đây tôi còn trở về thăm cố hương lần nữa hay không. Hay là cũng như ngôi nhà hương hỏa, tôi cũng héo hon, tàn lụi theo năm tháng của cuộc  đổi đời.                                                                     

Ta về một bóng trên đường lớn                                                                                                

Thơ chẳng ai đề ,vạt áo phai                                                                                                     

Sao bỗng nghe đau mềm phế phủ                                                                                             

Mười năm  - đá cũng ngậm ngùi thay .                                                                                   

                              (Tô thùy Yên)    

 

 

 

 

AcDieu

Tin vui

Tin Buồn

Bài Củ

06-2014

05-2014

04-2014

03-2014

02-2014

01-2014

RFI
Nguoi_Viet
RFA
Quan_Su_VNCH
Quân Sử VNCH
Voa_tieng_Viet
BBc_Tieng_Viet

TIME