AcDieu225
Co Vang amazon Tammy

Free Hit Counters
Web Site Hit Counters

Ac Dieu

ImageProxy.gif

TƠ DUYÊN THIÊN ĐỊNH

Phạm Phong Dinh

 

Bà hương cả Tri cùng cô con gái Út Thể Phượng ngồi trên bộ ván trắc chăm chú cắt giấy màu thành hình bông hoa để trang trí những hộp bánh mứt ngày Tết. Chỉ còn không mấy ngày nữa, là đến ngày cúng giao thừa đón rước ông bà về cùng vui xuân với con cháu, nên trong nhà ông hương cả Tri bọn tôi tớ và thân quyến từ xa đến giúp việc ra vào tấp nập, tạo nên thành một quang cảnh rộn rịp rất đậm đà hương vị và sắc thái Tết. Thể Phượng là cô con gái cưng và độc nhất bên cạnh hai người con trai lớn của ông bà hương cả. Người con lớn là cậu Hai Trung lấy xong cái bằng đíp lôm trung học Pháp trên Sài Gòn, cậu không muốn đi du học nước ngoài, cũng không chịu cúi lòn làm ký lục cho người Pháp, mà chỉ thích trở về quê phụ giúp cha mẹ trông coi gia sản và công cuộc đồng áng. Cậu Ba Thân thì đã được cha mẹ gởi sang Pháp học hơn một năm. Cậu gởi một cái giây thép báo tin sẽ về đến Sài Gòn ngày hai mươi tám Tết, nên ông cả và cậu Hai Trung bảo anh Cần tài xế lái chiếc traction đen chở hai cha con lên thành đô đón cậu Ba từ sáng tinh sương ngày hai mươi sáu Tết. Bà cả đương nhiên chỉ huy công việc nhà. Năm nay có cậu Ba từ Pháp về, gia đình ông bà hương cả hãnh diện và thấy vinh dự lắm, ông bảo bà ráng tổ chức một cái Tết thật rình rang, cho tương xứng với cái danh giá sang cả của giòng họ trước con mắt của bàng dân thiên hạ.

Bà hương cả Tri mặc một chiếc áo dài gấm màu tím thẫm làm nổi bật chiếc kiềng vàng sáng lóe trên cái cổ cao ba ngấn, mà nước da hãy còn rất trắng trẻo của một người thiếu phụ sang cả trong độ tuổi chưa đến năm mươi. Mái tóc của bà hương cả Tri chắc là dài cũng phải đến thắt lưng, nên cái búi bà vấn nổi to lên như một trái cam sành, tròn trĩnh và bóng mướt trên vùng ót mọc nhiều những sợi tóc ngắn, mềm và mảnh như những sợi tơ tầm. Một cái lược bằng bạc có cẩn mấy hột cẩm thạch đã lên nước xanh biếc giắt lên cái búi tóc, càng làm tôn vinh cái vẻ đẹp quý phái và phúc hậu của bà.

Vừa cắt giấy, bà hương cả vừa chậm rãi nhai trầu, nước trầu đỏ thắm ứa ra bên khóe, càng làm cho đôi môi của bà thêm tươi. Thỉnh thoảng bà ngừng nhai, vói tay lấy cái ống nhổ bằng đồng thau trên một cái dĩa sứ, từ tốn phun vào từng ngụm trầu nhỏ, đôi mắt âu yếm liếc nhìn một bên khuôn mặt trắng hồng của cô con gái đang say mê công việc. Mái tóc óng ả mượt mà của Thể Phượng rủ xuống bên vai, mềm mại như hàng liễu lay động bên hiên nhà. Trong lòng bà hương cả trào dâng một nỗi yêu thương mênh mông, như những con sóng nước ấp ủ hàng dừa nước xanh mướt bên bờ. Bà mẹ thầm nhủ lòng, cái con Thể Phượng này nó đẹp tuyệt trần đâu có thua gì Cô Ba Sài Gòn có hình in trên hộp xà bông thơm của hãng Trương Văn Bền, phải bàn với ông cả tìm một nơi môn đăng hộ đối, chỗ sang giàu cho con gái được nương nhờ tấm thân, và cũng để cho xứng với cái sắc đẹp của nó.

Thật ra thì cũng có nhiều mối người ta đang gắm ghé đánh tiếng. Nghe danh cô Út Thể Phượng nhà ông hương cả bên đất Nha Mân ở Sa Đéc công dung ngôn hạnh cái gì cũng hơn người, nên nhiều chỗ danh giá như bên nhà ông bà hội đồng Cao ở đất Tam Bình Vĩnh Long, ông bà thông phán Bạch mãi tận thành phố Cần Thơ, rồi ông bà Hưng Lợi, đại diền chủ miệt Vĩnh Nhơn Bạc Liêu, tết nào cũng cho người tâm phúc hay con trai đem quà đến cầu thân. Trong số những ứng viên rất sáng giá này, bà hương cả ưng ý nhất chỗ Bạc Liêu, bởi danh tiếng giàu muôn vạn của ông bà Hưng Lợi đâu có thua gì ông Hội Đồng Trần Trinh Trạch. Giàu có tột bậc như vậy mà cậu Hai Hưng Đức con trưởng của ông bà Hưng Lợi là con người học hành trí thức, đâu có chơi bời hoang đàng phá gia chi tử như cậu Trần Trinh Huy con ông bà hội đồng Trạch, mà người đời xưng tụng là “Công Tử Bạc Liêu”. Bên nhà ông hội đồng Trạch cũng cho người bắn tiếng xin làm sui gia với những món gia sản hứa hẹn rất sộp , ông hương cả coi bộ mềm lòng, nhưng bà cả gạt phắt đi:

-Ông muốn giết con tui sao hả. Cái thằng đó nó năm thê bảy thiếp chưa vừa sao, cho con mình về đó làm vợ bé nó à, đâu có được. Ông muốn gả con Thể Phượng cho thằng Huy thì hãy bước qua… xác tui cái đã.

Ông hương cả cười hề hề vuốt lưng vợ giả lả:

-Không chịu thì thôi, bà làm gì dữ vậy, nói y như mấy gánh cải lương hát cúng đình.

Bà cả làm bộ ngún nguẩy:

-Con tui là cành vàng lá ngọc, không ế ẩm chi đó, để từ từ mình tìm chỗ giàu có danh vọng, cho con nó được sung sướng tấm thân.

Bất giác bà cả muốn giang tay ôm chặc Thể Phượng vào lòng để biểu lộ tình yêu thương nồng nàn của một người mẹ. Ở trong con tim của mỗi người mẹ Việt Nam, dù nghèo hèn hay cao sang nào, tình yêu thương ấy đều có thể sánh với cái bao la mênh mông của đại dương, nên người ta còn ví tấm lòng của những người mẹ là những tấm lòng của biển. Bà hương cả đưa tay lên tháo cái kiềng dịu dàng gọi con gái:

-Thể Phượng, quay qua đây má biểu chút coi!

Thể Phượng ngước lên nhìn mẹ, ánh mắt nửa ngạc nhiên nửa dò hỏi:

-Thưa má dạy con điều gì?

Bà mẹ vuốt suối tóc mềm thơm ngát của con gái:

-Con xích lại gần đây, má đeo cái kiềng lên cổ coi con gái má tới tuổi lấy chồng được chưa!

Đôi má thon mịn của cô gái ửng lên màu hồng như ráng trời chiều, nàng hỗ thẹn cúi đầu nói nhỏ:

-Má ghẹo con hoài, con còn nhỏ tuổi lắm mà, con chỉ muốn ở với tía má đến suốt đời thôi.

Bà hương cả cười khì, bà kéo con gái vào lòng:

-Thôi, cám ơn. Cô nào cũng nói vậy, chớ khi gặp người trượng phu ưng ý rồi thì… tía má gì cũng quên hết đó nghe con…

Thể Phượng cắn môi hờn dỗi:

-Con nói thật mà, má không tin lời con sao.

Bà hương cả ngồi theo lối một chân xếp, một chân chống, Thể Phượng nhẹ ngã đầu vào bên gối mẹ, má áp vào làn vải lảnh đen tuyền mát rượi. Gương mặt nàng vẫn hãy còn đỏ như gấc vì câu chuyện lấy chồng bà mẹ gợi ra thật lạ lùng và quá bất ngờ, như một tiếng sấm rền giữa thinh không. Bà cả đeo cái kiềng vàng quanh chiếc cổ thon trắng ngần của con gái, bà đẩy nhẹ Thể Phượng ra, hai bàn tay đặt lên đôi vai mảnh dẻ của nàng chăm chú nhìn, gật gù sung sướng:

-Con gái của má xinh đẹp quá, tía má kiếp trước chắc có tu hành nên kiếp này trời phật thưởng cho tía má viên ngọc quý như vầy...

Thể Phượng thẹn thùng dụi đầu vào ngực mẹ nói nhỏ:

-Má nói như vậy, chớ con chỉ là cô gái ở nơi quê mùa, đâu có sánh được với mấy cô ở trên thị thành.

Bà hương cả còn muốn nói những lời thương yêu với con gái, thì từ bên ngoài anh Tình, một người tráng đinh trung thành của gia đình bước vào khúm núm chấp tay xá:

-Dạ thưa bà cả!

Bà hương cả buông con gái ra, sửa lại cái vạt áo, kéo phủ lên gối cho tề chỉnh, bà ngồi thẳng lên nghiêm nghị hỏi:

-Có chuyện gì?

Anh Tình vẫn trong tư thế kính cẩn:

-Dạ thưa bà cả với cô Út, có một ông già với một người con trai muốn xin vào làm công ở mướn cho ông bà cả.

Bà hương cả nhổ một nhúm trầu vào cái ống thau:

-Tưởng chuyện gì lớn, mầy nói chú quản chớ nói với tao làm gì?

Tình gãi đầu bối rối:

-Dạ, chú quản nói dinh cơ của ông bà cả nhiều người ăn kẻ ở quá rồi, chú không chịu mướn nữa.

Bà cả hừ nhẹ:

-Vậy thì thôi, để người ta đi, mầy còn chạy vô đây làm chi?

Tình vẫn vò đầu:

-Dạ… dạ… con cũng biết vậy, mà ngặt ông già ổng trúng gió, ổng ngã ra sùi bọt mép ngoài sân, người con trai khóc lạy chú quản quá trời xin chú cứu mạng, nên chú quản sai con vào đây thưa với bà…

Bà Cả nhấn cục thuốc xỉa vào bên khóe môi thành một cái cục nổi vồng lên như trái mù u nhăn trán suy nghĩ. Thể Phượng nhỏ nhẹ nói với mẹ:

-Hay là để con ra ngoài sân coi làm sao được không má?

Bà hương cả gật đầu:

-Ừ, nếu cần thì con cho người ta năm mười đồng gì đó để họ đi cho rồi, ngày tư ngày Tết mình kỵ bệnh hoạn, xui xẻo lắm con.

Là một cô gái có lòng nhân từ, trông cái dáng hốt hoảng của anh Tình, Thể Phượng đoán ra ngay, rằng trong sự tình có lẽ còn nhiều uẩn khúc, cũng có thể bệnh tình ông già nào đó quá nặng, chú quản không nỡ đuổi đi, nàng muốn ra ngoài xem coi có thể giúp được gì cho những con người nghèo khổ đó chăng. Ánh mắt Tình sáng lên, trong lòng rộn rã một niềm hy vọng. Cô Út chịu nhúng tay vào, thì hai cha con anh thanh niên thế nào cũng được cứu. Tình cố dấu tia nhìn kính cẩn về phía cô Út. Trong con mắt chơn chất của anh tráng đinh, mà cũng có lẽ của tất cả người ăn kẻ ở trong cái dinh cơ đồ sộ này, thì cô Út Thể Phượng là một nàng tiên được thượng đế cho giáng trần để cứu giúp những người khốn cùng như bọn anh. Là một người con chí hiếu, tận tụy nuôi dưỡng, thờ phụng cha mẹ hết lòng, nên thấy anh thanh niên cõng cha vào lạy lục khóc lóc, anh Tình cũng mủi lòng thương mến, vì tình tương lân, anh liều mạng vào làm phiền bà cả, lòng cứ ngai ngái sợ rằng niềm hy vọng ấy sẽ mỏng manh như một sợi tơ mành. Thật may mắn làm sao, hôm nay có cô Út ngồi bên, mà một khi cô nghe có người hoạn nạn, thì cứ chắc chắn cô sẽ tìm được một cách nào đó để giúp cho người ta. Tình nép qua một bên quay người chầm chậm bước:

-Dạ mời cô Út theo tui.

Bước ra khỏi khung cửa lớn, Thể Phượng hướng mắt về phía cái sân rộng trước nhà, nàng trông thấy có mấy người tôi tớ đang vây quanh hai con người lạ mặt đang ngồi phệt trên mặt đất. Chú Sáu quản gia đứng đối diện với hai người khách phương xa, chú vung vẩy tay xua bọn người nhà tránh ra để xem xét bệnh tình của ông già cho rõ ràng:

-Tụi bây lùi ra cho ông già ổng thở cái coi. Đi làm việc đi, tết nhứt đến nơi, công chuyện bề bộn không lo…

Nhìn thấy cô Út đang bước đến, chú quản xoay người chấp tay cung kính:

-Dạ cô Út…

Thể Phượng nhỏ nhẹ hỏi ông già:

-Chuyện gì vậy chú Sáu?

Chú quản xô bọn tôi tớ sang một bên, chú đưa tay chỉ vào một người đàn ông gầy còm, mặt mũi đen đúa với những làn da xếp nếp, trông ra dáng một con người nghèo nàn khắc khổ.

-Dạ thưa cô Út, ông già này ổng bị trúng gió…

Ông già nằm thiêm thiếp trong vòng tay của một người thanh niên có làn da ngâm ngâm như màu đồng, hai bên khóe miệng còn ứa chút nước dãi, thoang thoảng một mùi tanh tưởi. Trời cuối đông sắp sửa sang xuân, gió bấc thổi về lạnh gay gay là thế, mà ông già chỉ mặc phong phanh có một chiếc áo mỏng vá víu, phơi cả làn da ngực xám xịt. Ông già nằm co quắp trong lòng người thanh niên, hai cánh tay khẳng khiu đặt chéo lên vồng ngực, dường như để ấp ủ chút nhiệt nóng, thỉnh thoảng ông cựa người run cầm cập như trong cơn động kinh. Chàng trai lại càng siết chặt ông già vào lòng gọi rối rít, nước mắt chảy ràn rụa trên đôi má:

-Cha cha đừng làm con sợ... cha tỉnh dậy đi…

Chàng thanh niên ngước mắt lên nhìn quanh tìm sự cứu giúp, chợt anh bắt gặp một đôi mắt dịu hiền đang cúi xuống cùng lúc với một giọng nói êm nhẹ, trong trẻo:

-Anh ơi, ông bác bị bịnh gì vậy?

Chàng trai ngỡ ngàng nhận ra khuôn mặt xinh đẹp của một cô thiếu nữ, từ đôi thủy tinh màu nâu ướt nước của nàng ánh lên một tia nhìn thương cảm. Lòng thầm nghĩ, từ thái độ cung kính của bọn gia nhân, chắc hẳn nàng phải là một nhân vật rất quan trọng trong cái ngôi nhà bề thế này, chàng thanh niên cúi đầu chấp tay chào:

-Dạ thưa cô, chúng tôi là những người nghèo đói từ miền Trung vào đây mãi võ cầu thực. Chẳng may cha tôi già yếu, dọc đường mắc phải chứng sốt rét nên làm kinh động đến cô Út, mong cô lượng tình tha thứ.

Thể Phượng không để ý đến những lời lẽ lễ độ quá đáng của chàng trai, nàng đưa tay lên miệng thảng thốt kêu khẽ:

-Trời ơi, bịnh sốt rét mà ông bác ăn mặc mỏng manh như thế. Chú Sáu ơi, chú với anh Tình phụ đem ông bác này vào nằm nghỉ trong cái nhà chòi bên kho lúa, rồi đem quần áo dầy với than sưởi ấm cho ông bác đi. Anh Tình nói chị Xiếu nấu cho bác chút cháo hành giải cảm.

Chàng thanh niên mọp người lên mặt đất chống hai tay xuống trong tư thế phủ phục, không ghìm được cơn xúc động, chàng khóc ròng:

-Đội ơn Cô Út cứu mạng cha, xin nhận mấy lạy này để tỏ lòng tri ân…

Thể Phượng tránh qua một bên xua tay rối rít:

-Ấy, đừng, anh làm như vậy tôi càng mang tội nặng hơn.

Cô gái quay sang nói với chú Sáu quản gia và anh Tình:

-Chú theo cháu vào nhà lấy chai thuốc ký ninh, chú đưa cho anh này… Cứ cho ông bác nằm trong nhà kho đến khi nào ông bác hết bịnh thì thôi… Nhờ anh Tình nói chị Xiếu cơm nước cho hai cha con ông bác đầy đủ, người ta ở miền Trung vào đây lạ đất lạ người, mình là chủ nhân ở đây thì mình nên tiếp đãi người ta cho chu đáo.

Tình cảm động chấp tay xá:

-Cô Út thật là người nhân đức…

Nằm trong căn chòi nhỏ được hai ngày, uống hơn chục viên ký ninh, được ăn cháo thịt bằm rắc hành tiêu của chị Xiếu nấu, ông già dần bình phục, ông đã có thể đứng dậy đi mấy vòng trong căn nhà kho chứa lúa rộng mênh mông. Cái chòi lá nằm bên nhà vựa vốn là chỗ trú ngụ của bác Lâm giữ kho, với nhiệm vụ đuổi chuột và phòng ngừa bọn trộm lúa. Bác Lâm xin phép ông bà hương cả được về quê ở Bãi Xàu Sóc Trăng vài tuần, sau Tết thì bác trở lên. Ông hương định bảo Tình xuống giữ kho, thì giờ đây, đã có hai cha con người mãi võ bán thuốc sơn đông. Thật lạ đời, đã là dân bán thuốc cho người ta, mà chính bản thân ông già vướng bệnh sốt rét gần chết, không có những viên thuốc tây của cô Út tặng cho, thì chắc mạng sống của ông phải đứt đoạn ở xứ người mất rồi. Ông già là người biết chuyện ân nghĩa lắm. Trầm trồ ngắm cái nhà vựa cao vút dễ gần mười thước, với những tấm tôn thiếc dài rộng làm mái che, lúa đổ vun đống như núi, ông chấp tay sau lưng đủng đỉnh đi vòng vòng quanh nhà kho xem xét mọi cửa nẻo rất cẩn thận, rồi nói với con:

-Quí à, mình thọ ân người ta thì mình phải báo ân, cha tuổi già ban đêm khó ngủ lắm, để cha thức canh lúa cho ông bà hương cả, cuối năm có lắm kẻ đói hay làm liều. Bây giờ cha đã mạnh khỏe rồi, nhà ông bà cả đang bận rộn sửa soạn đón Tết, con ra ngoài coi có giúp được chuyện gì thì giúp để tỏ lòng tri ân của cha con mình. Đôi ba ngày nữa cha thật lành bệnh rồi, thì…

Không dằn được niềm cảm khái rờn rợn trong lòng, người cha thở dài:

-Cha con mình lại tiếp tục lên đường. Ôi, trời đất rộng mênh mông như thế này, mà sao cha con ta chẳng tìm được một nơi nào để dung thân hết…

Quí dìu cha ngồi xuống chiếc chỏng tre an ủi:

-Cha đừng buồn, cứ tịnh dưỡng cho lại sức. Con mới pha bình trà nóng, cha dùng cho ấm.

Ông già kéo vạt chiếc áo nỉ ấm sát vào tấm thân gầy trơ xương của ông, chiếc áo tình nghĩa của cô Út tặng cho.

-Ừ, cha nằm nghĩ chút rồi tối cha thức, thôi con ra ngoài đó làm việc với người ta đi.

-Dạ, thưa cha con đi…

Quí khoác vội chiếc áo bà ba nâu vải thô dầy cho ấm người, chàng bước ra nhìn quanh. Thật may mắn làm sao, Quí trông thấy anh Tình đang lom khom bửa củi bên hiên nhà kho. Trời mùa đông lạnh mà Tình cởi trần trùng trục để lộ hai cái vồng ngực nổi vun săn chắc của anh. Hàng đống những khúc củi đước nằm ngổn ngang bên vách kho trông như một trái núi nhỏ. Tình đặt một khúc gỗ đước tròn lên trên một cái gốc cây sao vàng cứng như đá được cưa cao hơn mặt đất chừng nửa thước, thật hết sức thích hợp trong tư thế đứng để làm việc. Hai tay anh Tình đưa cao chiếc búa thép sáng loáng giáng mạnh xuống. Một tiếng toác nhẹ vang lên, khúc củi vỡ ngọt ra làm hai mảnh hình bán nguyệt. Tình nhặt nửa mảnh gỗ lên bổ một nhát nữa, rồi đến một nữa mảnh kia. Từ một khối gỗ tròn, Tình đã bửa nó ra làm bốn phần đều đặn trông thật đẹp mắt, không khác mấy một chiếc bánh trung thu được cắt làm tư. Quí bước tới chấp tay:

-Chào anh!

Tình ngừng búa, anh đưa tay lên quẹt những giọt mồ hôi rịn trên trán cười tươi:

-À anh Quí, bác Trương sao rồi, khỏe không?

-Cám ơn anh, cũng nhờ anh với chị Xiếu hết lòng chăm sóc mà cha tôi đã hết bệnh rồi. Cha con tôi đội ơn anh nhiều lắm.

Tình xua tay:

-Ối, ơn nghĩa gì, mình đều là những người nghèo với nhau thôi mà.

Quí đón lấy chiếc búa trong tay Tình:

-Anh ngồi nghỉ uống nước, tôi thế một chút.

Tình lắc đầu gạt phắt:

-Ai để khách bửa củi bao giờ, tui sợ cô Út quở lắm.

Quí giằng lấy cây búa cười cười:

-Chừng nào cô Út quở hãy hay, anh có làm việc gì trên nhà thì đi làm đi, để đống củi này cho tôi.

Tình nhìn đối phương từ trên xuống dưới bằng ánh mắt nghi ngờ:

-Nói xin lỗi, coi cái bộ tướng học trò của anh, bửa chừng ba khúc là oải rồi, có biết bửa củi không đó?

Quí không thể không cười phì, vì anh chàng nhà quê này đánh giá chàng quá tệ:

-Anh cứ để đó cho tôi, tôi chấp mười nồi bánh tét, mười cái chõ tráng bánh đốt củi cũng không chạy theo kịp tôi đâu.

Tình vói lấy chiếc áo bà ba trắng ngà máng trên một cái nhánh cây thấp vắt lên vai vừa bước đi vừa nói:

-Ừ, nếu anh đã tình nguyện muốn khổ thì tui cho anh vừa lòng, nhưng có phồng tay thì đừng có than với thở nghe…

Bà hương cả ngồi trên bộ ván nhai trầu nhìn đăm đăm về phía cô con gái đang tựa người lên khung cửa sổ tì chiếc càm nhỏ lên lòng bàn tay. Nàng đang chăm chú theo dõi một điều gì đó trông có vẻ thích thú lắm, lúc nàng mĩm cười, hai cánh mũi thon thun lại trông thật duyên dáng và dễ thương. Bà hương cả hỏi vọng ra:

-Thể Phượng, có cái gì vui làm con cười hoài vậy?

Thể Phượng che miệng khúc khích:

-Ngộ nghĩnh lắm má à, cái anh chàng người nẫu đó đang bửa củi cho nhà mình kìa.

Bà hương cả hừ nhẹ:

-Bửa củi thì có gì lạ đâu, tưởng là làm ông hoành ông trắm gì chớ.

-Không phải vậy đâu má à. Cái anh chàng này siêng năng ghê, con theo dõi từ lâu lắm rồi mà chẳng thấy anh ta ngừng búa nghỉ bao giờ, coi bộ anh ta còn sung sức lắm.

-Hừ, nằm ưỡn bụng cơm ngày hai bữa dâng tận miệng, không sung sức cũng lạ.

Thể Phượng quay lại nhìn mẹ dịu dàng phân giải:

-Người ta bơ vơ xứ lạ tội nghiệp lắm má à. Họ chỉ nương náu nhà mình đôi ba ngày rồi họ đi. Con nghe chú Sáu nói đêm nào ông bác đó cũng thức tới sáng đi vòng vòng canh lúa cho nhà mình. Con nghĩ… những người này không phải là những con người tầm thường đâu. Hay là…

Thể Phượng ngại ngần muốn nói điều nàng nghĩ nhưng ngại mẹ không bằng lòng, nàng rụt rè:

-Hay là… má coi nhà mình có cần thêm người thì mướn họ, coi như má bố ân thí đức cho người nghèo vậy.

Bà cả xua tay:

-Thôi con ơi, người xứ lạ khó tin lắm, thời buổi giặc giã, mình chứa trong nhà chăm sóc cho hết bịnh là tử tế lắm rồi, má tính qua Tết cho họ ít chục đồng về quê quán là xong…

Bổ xong đống củi, sang ngày hôm sau, liệu chừng cha cũng đã mạnh hẳn rồi, Quí nói với anh Tình nhờ anh trình với bà cả và cô Út cho phép hai cha con anh được rời khỏi nơi này. Tình hộc tốc chạy đi tìm Thể Phượng báo tin, những muốn tìm lời nói khéo xin cho cha con Quí ở lại trong nhà, hay ít nhất ăn xong cái Tết lớn rồi sẽ đi. Hóa ra sự việc diễn tiến rất đơn giản, không nhiêu khê rối rắm như anh nghĩ. Thể Phượng bảo anh Tình:

-Hôm nay là ngày anh Ba tôi về, nhà có chuyện vui, vậy anh nói bác Trương với anh Quí hãy thư thả ở đây cùng chung vui với gia đình chúng tôi. Tôi thấy bác Trương cũng chưa được mạnh khỏe lắm đâu, hai cha con bác cứ ở đây đến bao lâu cũng được.

Anh Tình hớn hở chạy đi báo tin lành cho Quí. Ông già Trương lắc đầu thở dài thườn thượt:

-Cha con tôi chẳng có công cán gì, ở đây mãi thêm nặng lòng ông bà cả và cô Út.

Tình xua tay phản đối:

-Cô Út biểu bác ở thì bác cứ ở. Đống lúa trong kho, gà vịt trong chuồng, tôm cá dưới sông rạch, tui chấp bác với anh Quí ăn cho hết, rồi hãy đi…

Đêm ba mươi giao thừa, bọn tôi tớ trong gia đình ông bà cả hân hoan nhộn nhịp đón Tết đã đành, cả những người dân chòm xóm cũng kéo đến để xem đốt pháo. Ông cả và cậu Trung nhân lên Sài Gòn đón cậu Ba, đã vào Chợ Lớn mua hàng trăm bánh pháo Điện Quang loại tốt nhứt, nổ dòn dã không bị tắt tịt giữa chừng bao giờ, cùng mấy chục trái pháo đại, mà tiếng nổ của chúng long trời không thua gì tiếng mọt chê của súng cối Pháp. Năm nào bà con láng giềng dù không được mời, cũng kéo nhau đến ngồi trên cái khoảnh sân rộng nhà ông hương cả, làm thành cái vòng bán nguyệt trước sân nhà chờ thưởng thức màn đốt pháo rước ông bà về. Nhưng nôn nao nhứt phải là bọn trẻ con, đứa nào đứa nấy đều đem theo một cái lon thiếc hay hộp giấy không để lượm pháo lép. Những bánh pháo đỏ thắm được kết thành từng chùm dài treo từ ngọn cây nêu trước sân nhà đong đưa xuống tận mặt đất, cũng dễ đến gần chục thước. Trong lúc anh Tình cùng bọn gia nhân đang cột pháo vào cây nêu, ông cả xoa tay khoan khoái nói với vợ:

-Năm nay có thằng Thân hồi quy, gia đình mình vui quá, mình đốt pháo trước là đón ông bà cha mẹ về cùng hưởng xuân, sau nữa là mừng cho con học hành được thành tài, mã đáo thành công, vinh quy bái tổ, giòng họ được nở mày nở mặt với thiên hạ.

Bà cả háy ông chồng một cái:

-Ông cũng lậm tuồng cải lương cúng đình dữ há!

Đến giờ cúng giao thừa, ông bà cả được mấy người con thỉnh ra ngồi trên hai chiếc ghế cẩm lai có tay vịn hình đầu rồng, bốn cái chân ghế chạm hình bốn cái đầu lân ngậm châu, thật không còn gì vinh hiển cho bằng. Người ta nói nam tả, nữ hữu, nên ông cả ngồi bên trái chiếc bàn dài lớn bày biện lư, đèn, hoa quả, bánh trái và vật thực ê hề, đủ thứ cao lương mỹ vị trên đời, trong lúc bà cả ngồi bên phải. Cậu Ba đứng chấp tay hầu phía sau ông cả, cô Út thì đứng tựa bên mẹ, trong lúc cậu Hai Trung là con trưởng có nhiệm vụ làm thủ tịch lễ cúng giao thừa. Khi chiếc đồng hồ quả lắc khoan thai dạo một điệu nhạc khởi đầu, tiếp theo là mười hai tiếng gõ ngân nga, cậu Hai Trung rước cha mẹ tiến đến trước chiếc lư đồng to lớn bóng loáng màu vàng tươi niệm hương. Ông bà cả trịnh trọng đón cây hương lớn tròn to chiếc đũa, dài hơn nửa thước châm đầu vào hai cây đèn cầy đỏ. Mùi hương trầm bốc lên ngào ngạt, tỏa rộng khắp không gian. Hai ông bà sì sụp lạy trước chiếc lư trầm, những làn khói trắng từ hai cây nhang ẻo lả quyện trong không khí, trông mơ hồ huyễn hoặc như vong linh người quá cố đang hiện về chứng nhận tấm lòng của người sống.

Khi cậu Hai, cậu Ba và cô Út cắm xong phần nhang của mỗi người, thì ông cả đưa tay ra hiệu cuộc đốt pháo bắt đầu, trong tiếng vỗ tay tán thưởng của thân quyến, bọn người giúp việc trong nhà và dân láng giềng, bọn trẻ con ôm nhau reo hò chuẩn bị cuộc tranh giành những chiếc pháo chết. Vinh dự châm ngòi chiếc pháo đầu tiên trong đêm giao thừa năm nay được trao cho cậu Ba, bởi dẫu sao cậu được coi như là một vị khách quí ở ngoại quốc về. Tiếng pháo nổ dòn dã, liên hồi, âm thanh vang lừng rộn rã trong một nhịp điệu phấn khích, mùi lưu hoàng khét lẹt, nồng nặc, khói pháo mù mịt phủ kín cái sân nhà. Đêm khuya, trong màn khói dầy đặc, chỉ thấy loáng thoáng những cái bóng người ẩn hiện giữa tiếng pháo ì đùng. Thỉnh thoảng một chiếc pháo đại nổ bùng lên, vang dội như tiếng đại bác, đinh tai điếc óc, bọn người lớn và trẻ con thích chí càng vỗ tay ầm ĩ. Trong lúc pháo nổ dòn, xác pháo bắn tung tóe, rơi vải tơi tả khắp khoảnh sân, thì bọn trẻ con đã ồ ạt lăn xả vào nhặt những chiếc pháo lép, huých đá lẫn nhau ngã lăn quay, đứa nào đứa ấy hể hả đưa cao lên cho cha mẹ đứng ngoài thấy những lon pháo đầy. Bên kia sông và mãi tận ở những phía chân trời xa, hừng lên ánh sáng hồng cùng tiếng nổ rộn ràng của pháo mừng phút giao mùa, cái khoảnh khắc giao tiếp thiêng liêng giữa mùa đông và mùa xuân, năm cũ đã đi qua, năm mới đang bước đến. Pháo nỗ ì ầm khắp cõi trần gian, chỉ tội bọn chó nhà sợ chết khiếp, chúng hãi hùng cong đuôi chạy rút vào những ngóc ngách kín nhất, dấu mặt vào hai chân rên ư ử. Ông cả đắc chí gật gù nói với cậu Hai Trung:

-Cúng xong con với thằng Thân và con Thể Phượng chia cho bà con hàng xóm mỗi nhà một ít quà bánh, thức ăn để gọi là chung vui với gia đình mình. À, nhớ tặng mỗi gia đình một phong pháo với mười đồng tiền lì xì, dù sao thì họ cũng là những người tá điền tận tụy của gia đình mình…

Giấy mười đồng in hình bộ lư thuở thập niên 1940 có một giá trị rất lớn, nếu so với trị giá năm cắc một giạ lúa. Cứ một đồng ăn mười cắc, như vậy mười đồng là một trăm cắc, mỗi nhà được ông hương cả lì xì đến hai mươi giạ lúa. Điều đó đã nói lên được cái gia sản khổng lồ của nhà ông cả. Bà con chòm xóm được cho quà vật, được lì xì tiền, đều hân hoan cảm động tri ân công đức của nhà ông cả lắm. Thật ra thì ông cả cũng chẳng mất mát gì, cho con tép đi thì ông lấy con tôm về. Mỗi mùa gặt, bọn tá điền nộp lúa cho gia đình ông mỗi nhà ít thì cũng năm, ba trăm giạ, nhiều thì mấy ngàn giạ. Miền Nam mưa thuận gió hòa, năm nào nông dân cũng được mùa, nên căn nhà vựa chứa lúa của ông cả càng được nối dài ra mãi.

Đêm cúng giao thừa đã vui vẻ náo nhiệt là thế, mà ngày Mùng Một Tết còn vui gấp mười lần hơn, bởi gia đình ông bà hương cả chuẩn bị tiếp khách quý từ xa đến. Năm nay, cũng vẫn bọn công tử con nhà giàu ở Cần Thơ, Vĩnh Long và  Bạc Liêu đến mừng tuổi chúc Tết ông bà hương cả, nhưng tình thật là để ngầm coi mắt cô Út Thể Phượng, xem đã đến lúc thuận tiện để ngỏ lời cầu hôn rước nàng về dinh chưa. Bọn tôi tớ, tráng đinh trong nhà sáng sớm vận bộ quần áo mới, xúng xính vào từng người một mừng tuổi chúc thọ chủ nhân, mỗi người đều được thưởng cho một cái bao thư lì xì, bên trong có tờ giấy bạc hai mươi đồng mới tinh thơm phưng phức. Bước ra ngoài sân, mọi người hể hả khoe nhau. Tình nhìn quanh không thấy hai cha con bác Trương, cảm thương người nghèo tha phương, anh sốt ruột muốn nhắc cô Út sự hiện diện của họ, nhưng Thể Phượng đang bận rộn hầu hạ bà cả, anh cứ xốn xang không biết làm sao. Vả lại, cũng rất khó nói, bởi cha con ông già đâu phải là người ở hay tráng đinh trong nhà, chẳng có một chút liên hệ gì đến gia đình cô Út hết. Tình có cái cảm giác gan ruột anh như bị lửa đốt cháy nóng, giống như con kiến cuống quít bò trên chiếc chảo bị hun. Bất giác, anh co giò chạy về phía cái nhà chòi lá nằm bên căn nhà kho, để ngẩn ngơ kịp trông thấy Quí đang gồng gánh hai cái thùng thuốc sơn đông, cùng bác Trương trong bộ quần áo chẽn tươm tất sửa soạn lên đường. Tình bước nhanh đến bùi ngùi hỏi:

-Bác với anh định đi thật sao?

Ông già Trương mĩm cười gật đầu:

-Chúng tôi phải đi anh Tình à. Ở đây quấy quá làm phiền nhà ông bà cả vậy là cũng đắc tội lắm rồi. Lẽ ra chúng tôi phải lên nhà trên mừng tuổi ông bà tỏ lời tri ân và xin phép kiếu từ, nhưng cha con tôi ngại làm ông bà và các cô cậu kém vui, nên đành phải âm thầm ra đi. Mong anh làm ơn thưa lại, rằng tuy ra đi, nhưng mối ân tình của gia đình ông bà cả và của cô Út chúng tôi xin ghi lòng đến trọn đời, xin hẹn kiếp sau được đền đáp.

Tình rưng rưng xúc động nắm lấy tay Quí:

-Anh với bác lên đường bình yên.

Người tráng đinh có trái tim nhân hậu ấn vào lòng bàn tay Quí chiếc bao thơ đỏ:

-Anh với bác Trương nhận chút này làm lộ phí lên đường…

Quí giật nẩy người, thảng thốt đẩy bàn tay Tình ra:

-Ấy… chớ… chúng tôi không dám nhận đâu, tấm lòng của anh chúng tôi xin tâm lãnh là đủ rồi, tôi sẽ không bao giờ quên được tình bạn của anh…

Tình buâng khuâng đứng nhìn theo hai cái bóng người khuất sau rặng tre ở khúc quành con đường đất, nhận biết đôi mắt mình đã cay cay, lòng băn khoăn tự hỏi, rằng còn có dịp nào gặp lại nhau nữa không…

Mùng Một Tết năm nay, bọn công tử nhà giàu phương xa tiền hô hậu ủng rầm rộ đi trên con đường đất nện đá dăm xuyên qua làng tiến vào nhà ông cả. Lẽ ra những chiếc xe hơi mắc tiền bóng lộn của cậu Hai Đức, cậu Huy công tử Bạc Liêu, cậu Tư Tiễn công tử Cần Thơ phải lũ lượt chạy vào đậu trước sân nhà ông hương cả Tri, nhưng thật không may, một đoạn đường bị sụt lở từ trận mưa cuối mùa tháng mười một vừa rồi chưa kịp sửa chữa đã làm thành cái hào nước chận đứng cả một đoàn xe dài. Cậu Huy Bạc Liêu trong bộ quần áo veste mắc tiền bằng loại vải hảo hạng đặt mua bên Pháp, gởi xe nhà lên Sài Gòn chở thợ khéo tay xuống cắt may cho công tử, bước xuống chống hai tay lên hông nhíu mày nhìn khoảnh đất sụt. Cậu vẫy tay gọi anh Chín tùy viên đến nghiêm giọng bảo:

-Anh làm sao thì làm, giá nào tôi không cần biết, mướn bao nhiêu người tùy anh, tốn bao nhiêu tiền cũng được, anh chỉ huy đóng cừ đổ đá, hẹn đến trưa đoạn đường này phải xong, để xe hơi chạy vô nhà ông cả. Anh làm được không?

Anh Chín tùy viên khúm núm:

-Dạ… dạ, cậu dạy thì tui xin làm ngay, nhưng mà ở đây không có đá với cừ, hay là mình đổ đất tạm được không cậu?

Cậu Huy trợn mắt:

-Anh lấy xe đi ngay ra Vàm Cống mướn xe chở cừ với đá vô đây cho tôi, đừng có nói với tôi là ngày mùng Một Tết người ta không chịu bán cừ đá và đi làm công nghe.

Biết tánh công tử Bạc Liêu muốn làm cái gì là phải làm ngay cho bằng được, như một ông trời con, anh Chín không dám phân biện, nói nhiều chỉ e cậu nổi dóa cách chức tùy viên cho anh về vườn, thì gia đình đói cả lũ. Ở miền lục tỉnh này ai còn không nghe danh công tử Bạc Liêu. Chỉ một cái huyền thoại về chuyện cậu mua một chiếc máy bay đi thăm đồng ruộng ở Bạc Liêu cho “bọn Tây chúng nó lé mắt và hết dám khinh miệt người Việt Nam mình”, hay chuyện cậu lên Sài Gòn đốt giấy bộ lư tìm đồng cắc lẻ cho bọn gái nhảy, thì cũng đủ biết cậu là con người phi thường đến như thế nào. Vả lại, mỗi lần cậu Huy sai bảo cái gì, thì anh Chín cũng đều có ngắt xén bỏ túi được ít nhiều trong đó. Công tử Bạc Liêu chỉ biểu diễn một màn dạo đầu hào phóng trong ngày đầu năm như thế, đã đủ làm cho mấy cậu công tử Cần Thơ với Vĩnh Long phải lé mắt giật mình. Cậu Huy nổi nóng như thế cũng có lý do, bởi trong chiếc xe cam nhông lớn có một cây mai lão già đến năm mươi năm cậu mua lại của người ta hết năm trăm đồng, mướn người đào sâu xuống bứng cả cái cây lên, lấy bao bố tời chỉ xanh bó cả đất lẫn rễ khiêng lên xe chở sang Nha Mân tặng ông nhạc tương lai làm quà ra mắt, mà cậu quyết rằng giá nào cậu cũng phải mua cô Út cho bằng được. Không hẳn cậu Huy yêu cô Út thành thật và muốn nên duyên vợ chồng với nàng, nhưng bản tánh cậu háo thắng, chỉ muốn tranh hơn với bọn công tử khác. Lỡ mang danh Công Tử Bạc Liêu, cậu Huy không thể cho phép mình thua cuộc, thì cậu không còn mặt mũi nào nhìn thiên hạ nữa.

Bọn công tử cùng đoàn tùy tùng đang dìu nhau qua đoạn đường sụt, thì bỗng nhiên có một đoàn ghe thương hồ mấy chiếc cặp vào bên bờ sông, bọn người đứng trên con đường đất ngơ ngác dừng chân nhìn xuống. Một bọn người mặc áo chẽn tay cầm mã tấu sáng lóa nhảy lên hùng hổ vây quanh bọn công tử, xem chừng không phải là chuyện lành. Một tên cận vệ của cậu Hai Đức rút súng ra hét lớn:

-Tụi bây ăn cướp hả, tao có súng, tụi bây muốn chết không?

Một lưỡi dao mỏng từ dưới khoang ghe vun vút bay lên cắm ngập vào mu bàn tay của người cận vệ khiến gã phải buông rơi khẩu súng xuống cùng với tiếng kêu đau đớn. Một người đàn bà tuổi cũng phải ngoài ba mươi nhưng nhan sắc còn mặn mà nhảy lên nhặt lấy khẩu súng, đôi mắt sáng như sao của nàng nhìn xoáy vào từng người một như muốn áp đảo tinh thần, đôi môi mỏng mĩm một nụ cười lạnh lùng:

-Đúng, chúng ta là cướp đây. Các người có nghe danh Phi Đao công chúa ở miền Thất Sơn Châu Đốc chưa?

Chín tái mặt bước tới đứng che cho cậu chủ, anh nghiêng đầu nói nhỏ với cậu Huy:

-Thôi chết rồi, bà Phi Đao là phu nhân của tướng cướp Đơn Hùng Tín, mình gặp phải thứ dữ rồi cậu ơi.

Công tử Bạc Liêu hích người tùy viên trung thành qua một bên tiến lên đối diện với người đàn bà:

-Nghe danh ông bà đã lâu, hôm nay công tử Bạc Liêu tôi hân hạnh được diện kiến. Dám hỏi ông bà chận đường chúng tôi với dụng ý gì?

Phi Đao công chúa nhìn cậu Huy từ đầu xuống chân gật gù:

-Cậu là Trần Trinh Huy công tử Bạc Liêu, tiếng đồn đúng lắm, thật là con người có khí phách. Cậu đã biết chúng tôi là ai rồi thì còn chờ đợi gì mà không giao nộp tài vật hết cho chúng tôi, đừng để đức phu quân tôi lên bờ thì khó cho các cậu đó.

Không cần chờ nghe ý kiến của cậu Huy, người nữ tướng hất đầu ra hiệu. Bọn lâu la cầm mã tấu nhảy xổ vào mở toang những cánh cửa và thùng xe reo hò khiêng ra hết những món lễ vật của đoàn người, lể mể đem hết xuống ghe. Bọn cướp còn táo tợn lục soát từng người một, tịch thu tất cả tiền bạc và vật dụng quý giá. Cậu Hai Đức cố dấu tiếng thở dài, cúi mặt nói nhỏ với gã cận vệ đang nhăn nhó ôm bàn tay:

-Thật xui xẻo làm sao, còn gì để ra mắt ông bà cả nữa đây.

Mất mát chừng ấy tiền bạc đối với những cậu công tử khét tiếng ăn chơi, chỉ như thua một canh bạc ở sòng bài Đại Thế Giới, nhưng điều phiền toái là không còn lý do gì để tiếp tục đến nhà ông hương cả nữa, chuyện xem mắt cô Út Thể Phượng đành phải chờ đến năm sau. Có điều cả bọn công tử không thể tưởng tượng được rằng, bọn cướp Đơn Hùng Tín giữa ban ngày dám lộng hành cướp đoạt tài vật của mọi người, chẳng xem kỷ cương của nhà nước Pháp ra gì cả. Phi Đao công chúa vung vẩy xấp tiền dầy cộm của cậu Huy trong tay cười nhạt:

-Mấy cậu đừng buồn, chúng tôi lấy của nhà giàu giúp cho nhà nghèo, coi như là mấy cậu đã giúp cho người ta rồi, cũng có phần công đức trong đó.

Cậu Huy buồn rầu nói:

-Mất bao nhiêu đó chúng tôi không tiếc, nhưng tiếc là chúng tôi không còn lễ vật để đi hỏi vợ nữa.

Bà nữ tướng xua tay:

-Không cần, từ nay không ai có quyền được cầu hôn cô Út Thể Phượng nữa!

Công tử Bạc Liêu ngơ ngác hỏi:

- Tôi không hiểu bà muốn nói gì?

Phi Đao công chúa không trả lời, nàng đưa hai bàn tay lên vỗ mấy tiếng. Từ dưới ghe, một thanh niên ăn vận sang trọng chẳng kém mấy những cậu công tử nhanh nhẹn bước lên. Phi Đao trìu mến vỗ vai người thanh niên:

-Đây là Tiết Ứng Luông, người em trai của vợ chồng tôi, nó chính là người sẽ đi hỏi cô Út làm vợ.

Cậu Hai Đức lắp bắp nói:

-Nhưng bà đừng nói rằng anh… anh… Tiết Luông này hỏi vợ bằng cái cách bà đã làm với chúng tôi nghe.

Người đàn bà quắc mắt nhìn cậu Hai Đức:

-Chúng tôi có toàn quyền sử dụng mọi phương cách để cưới cô Út cho em Luông. Bây giờ chúng tôi muốn tất cả mọi người xuống ghe theo chúng tôi đến nhà ông hương cả để chứng kiến hôn lễ của em chúng tôi.

Công tử Bạc Liêu không kềm chế được lửa giận đang bầng bầng dậy lên trong tim cậu:

-Hôn nhân không thể ép buộc bằng bạo lực. Bà xưng là Phi Đao thì bà biết chuyện tướng cướp Đào Hoa Thôn trong truyện Thủy Hử chết thảm như thế nào, nước Nam có luật pháp rõ ràng, không thể muốn bắt ai thì bắt, cái thời lục lâm thảo khấu đã qua rồi.

Từ dưới thuyền một tràng cười sảng khoái vang lên, mọi người cùng quay đầu nhìn xuống. Một người đàn ông cao to, râu hùm hàm én, phong thái uy vũ trông chẳng khác nào Từ Hải được thi hào Nguyễn Du mô tả trong truyện Kiều, đủng đỉnh bước lên bờ, hai bàn tay chấp sau lưng bước đến gật đầu nói với cậu Huy:

-Khen cho cậu có cái can đảm dám chống chọi với Đơn Hùng Tín. Luật lệ của bọn thực dân Pháp chẳng đáng một đồng xu ten đối với chúng tôi.

Cậu Huy cứng cỏi là thế, nhưng cũng phải rùng mình tái mặt khi đối diện với huyền thoại Đơn Hùng Tín. Công tử Bạc Liêu là người hào sảng, giao thiệp rộng, quen biết nhiều, nên cậu đã được nghe người ta trầm trồ kể về Đơn Hùng Tín như thế nào. Không ai biết tên thật của tướng cướp Đơn Hùng Tín là gì, chỉ biết hắn tự nhận là Đơn Hùng Tín, một nhân vật quân tử hiệp nghĩa trong truyện Tàu Thuyết Đường, thường cứu giúp người cùng khốn. Bắt chước cung cách ấy, tướng Đơn Hùng Tín thường dẫn thủ hạ đánh cướp của cải những nhà bá hộ, điền chủ giàu bất nhân đem về phân phát cho những người nghèo, nên dẫu biết căn cứ địa của hắn ở Thất Sơn, nhưng mỗi lần người Pháp phái quân truy diệt, thì dân chúng quanh đó đã nhanh chóng báo động cho quân cướp trốn lánh hết. Đánh mãi không nên công cán gì, người Pháp nản lòng bỏ mặc Đơn Hùng Tín muốn làm gì thì làm. Vả lại, bọn cướp chỉ là một nhóm lục lâm ô hợp chẳng có tham vọng kháng chiến phục quốc, không phải là mối lo của quân Pháp, trái lại, thực dân có kế hoạch sẽ mua chuộc bọn cướp làm vây cánh, điều mà chúng đã thực hiện với tướng Bảy Viễn. Vì nhân vật Đơn Hùng Tín có mối thù với tướng nhà Đường là La Thành, nên vợ của tướng cướp Thất Sơn lấy biệt hiệu là Phi Đao công chúa, người hôn thê bị tướng Đường La Thông, con của La Thành, giết chết trong đêm tân hôn. Em trai của Phi Đao có tên Luông, nên vợ chồng nàng đặt cho hắn biệt hiệu là Tiết Ứng Luông, người con nuôi của nữ tướng Phàn Lê Huê trong truyện Tiết Đinh San Chinh Tây. Xem chừng cả nhà Đơn Hùng Tín rất mê truyện Tàu thì phải.

Đoàn người của bọn công tử Cần Thơ, Vĩnh Long, Bạc Liêu bị bọn lâu la Thất Sơn áp giải, líu ríu kéo nhau bước xuống hai chiếc ghe bầu lớn. Một gã đàn em chấp tay thưa với Đơn Hùng Tín:

-Thưa đại ca, còn hai cái tên gánh thùng gỗ ngồi dưới rặng mù u đằng kia mình có bắt đi theo luôn không?

Đơn Hùng Tín quay lại hờ hững nhìn hai người khách lạ đang ngồi trên một khúc gỗ mục bên cạnh hai cái thùng gỗ, chẳng biết buôn bán những gì, gục gặt đầu:

-Bắt đem theo luôn để phòng ngừa chúng nó chạy đi báo quân Pháp!

Hai cha con ông già Trương đã chứng kiến từ đầu tấn kịch đạo tặc, nên khi tên lâu la cầm chiếc mã tấu hăm hở bước đến, Quí định đứng dậy nghênh chiến, thì bác Trương đã kéo chàng ngồi xuống:

-Đừng, hãy còn quá sớm con à, tụi nó còn muốn đánh cướp nhà ông cả và bắt cô Út đi nữa. Cứ đi theo tụi nó, đến đó cha con mình cố gắng sức cứu cô Út để trả cái ân của nhà cô. Cái con Phi Đao đáo để lắm, tay chân nó rất nhanh nhẹn, con quan sát nó với thằng Tiết Ứng Luông, để cha đối phó Đơn Hùng Tín với tụi lâu la…

Thời gian trôi thật nhanh, như con nước sông Tiền êm ái xuôi giòng triền miên cuốn ra biển cả. Năm năm không phải là dài, nhưng cũng đủ để cho những tang thương trong trời đất làm nên thành cuộc bể dâu. Một buổi sáng ngày Tết đầu năm, những giọt sương còn đọng trên những cọng cỏ non xanh non, những chùm hoa mai vàng ối trên cây lão mai trước sân nhà ông hương cả Tri lay động nhè nhẹ trong làn gió xuân dìu dặt, tỏa hương thơm ngát khắp cả một vùng không gian. Một chiếc xe hơi nhỏ đổ xịch lại trước hàng dâm bụt đang nở hoa đỏ ối, chập chờn những cánh bướm sặc sỡ màu sắc đòi hút nhụy trinh nguyên, một người khách trẻ mặc bộ quần áo veste vải trắng, đầu đội nón nỉ xám chậm rãi bước xuống đưa mắt nhìn quanh, chàng bảo người tài xế:

-Anh ngồi đây chờ tôi.

Người khách lạ đứng bên hàng dâm bụt cảm khái nhìn vào phía bên trong sân nhà, bỗng chàng ôm ngực thảng thốt kêu khẽ:

-Trời ơi, căn nhà của gia đình cô Út…

Chàng đã trông thấy chỗ mà năm năm trước, một ngôi nhà ngói đỏ bề thế uy nghi với những hàng cột lớn to bằng vòng tay một đứa trẻ ngạo nghễ vươn mình lên khoảng trời trong xanh, người ăn kẻ ở ra vào rộn rịp, giờ đây chỉ còn trơ vơ một cái nền cao đến ngang ngực người. Một vài mảnh tường vôi thấp cháy đen nham nhở, lũ bìm dậu leo mọc đầy, còn cố đứng gục đầu than van cùng thời gian. Chàng thanh niên không tin vào những gì chàng đang trông thấy nữa, bâng khuâng bước vào đứng giữa sân, ngơ ngác nhìn gốc mai già, bồi hồi nhớ lại một mảnh quá khứ cũ, mà chàng ngỡ cứ như là chỉ mới xảy ra ngày hôm qua. Mấy câu thơ của Thôi Hiệu đời Đường như con nước xoáy cuốn sâu trong tận đáy trái tim của chàng. Khứ niên kim nhật thử môn trung, Nhân diện đào hoa tương ánh hồng, Nhân diện bất tri hà xứ khứ, Đào hoa y cựu tiếu đông phong (Tạm dịch: Ngày này năm trước đến bên sân, Đối mặt cùng ai dưới ánh hồng, Người xưa giờ đã về phương lạ, Hoa hãy còn cười với gió đông) . Có tiếng bước chân nhè nhẹ của một con người nào kéo chàng trai lạ trở về với thực tại. Một người đàn ông trong bộ áo bà ba nâu bạc màu xuất hiện từ phía sau cái nền nhà hãy còn ngổn ngang đống gạch đá hoang phế. Hai người đàn ông nhìn nhau, ánh mắt lạ lùng lẫn sửng sốt. Người mặc áo bà ba chợt reo lên mừng rỡ:

-Trời… có phải là… anh Quí?

Quí cũng hân hoan kêu to:

-Anh Tình… anh Tình… tôi là Quí đây.

Tình chạy đến ôm chầm người bạn cũ, không nén được cơn xúc động, anh khóc ròng:

-Trời ơi, có phải là anh Quí không?

Tình lùi lại ngỡ ngàng nhìn Quí bằng một ánh mắt thương mến pha lẫn với rụt rè:

-Anh… thầy… Quí… trông thầy lạ và sang quá, tui nhìn không ra…

Quí cười xòa ôm lấy người bạn trung thành:

-Thầy chú gì anh ơi, cứ gọi nhau là anh em như ngày xưa.

Quí rưng rưng nhìn đăm đăm vào khuôn mặt đen sạm với những đường nhăn cắt sâu trên vầng trán hẹp của Tình. Chỉ xa cách có mấy năm mà trông Quí già sọm đi như một ông già gần bốn mươi tuổi. Quí hỏi bạn:

-Chuyện gì đã xảy ra cho gia đình ông bà hương cả, còn… còn… cô Út giờ ở nơi nào?

Hai người bạn ngồi trên chiếc băng gỗ còn may mắn tồn tại sau cuộc tang thương, Tình sụt sùi kể chuyện bể dâu …

Khi hai chiếc ghe bầu tấp vào bến sông, bọn lâu la cùng chúa tướng tràn lên bờ vây lấy cả nhà ông bà hương cả Tri. Tưởng là được đón đoàn khách quí, rồi sẽ mở tiệc xuân cùng nhau nâng ly rượu mừng, nào ngờ đâu tai họa bỗng chốc giáng xuống. Đoàn người bị bọn cướp bắt giữa đường bị áp giải tiến vào cho ngồi phệch xuống đất vào một bên. Cha con Quí cũng được xếp ngồi lẫn lộn trong đám đông. Cô Út Thể Phượng đang tái mặt nép vào sau bà cả, lấm lét nhìn sang. Đột nhiên, nàng trông thấy hai khuôn mặt rất quen thuộc, Thể Phượng muốn kêu lên, nhưng đã kịp đưa tay lên ngăn chuỗi âm thanh thảng thốt. Đơn Hùng Tín cũng là một người có nghĩa khí, hắn mời ông bà hương cả đang ôm nhau sợ chết khiếp ngồi lên chiếc tràng kỷ ở giữa căn phòng khách rộng:

-Ông bà cả an tâm, chúng tôi tuy là kẻ cướp nhưng cũng biết chuyện nghĩa nhơn. Ai mà không biết gia đình ông bà giàu lòng nhân từ hay cứu giúp mọi người quanh đây, nên tôi nói thẳng cho ông bà cả được biết, hôm nay chúng tôi đến đây không phải để đánh cướp, mà là xin ông bà ban cho chúng tôi một ân huệ…

Từ nạn nhân bỗng nhiên trở thành người ban ơn, ông bà cả nhìn nhau ngơ ngác, không tin những gì họ được nghe nữa. Nhưng khi nghe Đơn Hùng Tín nhũn nhặn nói:

-Chúng tôi đem lễ vật đến để xin ông bà cho chúng tôi được cầu hôn cô Út cho đứa em trai của chúng tôi…

Thì ông bà hương cả suýt nữa đã ngã ra chết ngất. Đơn HùngTín khoát tay ra dấu. Bọn thảo khấu lũ lượt, lể mể khiêng lễ vật vào. Cậu Huy Bạc Liêu cười nhạt một tiếng rõ lớn. Có gì đâu, đống lễ vật bày la liệt trên chiếc bàn rộng toàn là của, trời đất, bọn công tử đem đến cầu thân với gia đình cô Út. Phi Đao công chúa nắm tay cậu em trai Tiết Ứng Luông tiến đến trước ông bà cả:

-Đây là chú rể nhà chúng tôi. Em Luông lạy nhạc phụ, nhạc mẫu đi…

Tình là người trung thực, nóng nảy, anh bước ra vung tay trợn mắt:

-Chưa có ý kiến ông bà cả các người làm chuyện ngang ngược vậy?

Tiết Ứng Luông nắm lấy cổ áo Tình gằn giọng:

-Mày không ăn đòn thì không sợ công tử Tiết Ứng Luông này hả?

Đơn Hùng Tín ngồi trên chiếc ghế chạm đầu rồng vỗ tay cười ha hả:

-Được lắm, nếu thằng em mày đánh thắng Tiết Ứng Luông thì ta sẽ rút lui bỏ chuyện cầu hôn.

Tình xăn ống tay áo lên:

-Ông là đại vương, nói thì phải giữ lời đó.

-Quân tử nhất ngôn. Chẳng những thế mà ta còn trả lại hết lễ vật cho bọn công tử bột con nhà giàu này nữa.

Tình có biết đánh đấm gì đâu, nhưng trông cái dáng vẻ nho nhã của cậu Luông, anh chắc sẽ đánh hắn hộc máu mồm máu mũi ra, cho bỏ cái thói ngang ngạnh. Tiết Ứng Luông cười khẩy, cứ để nguyên bộ quần áo tây phục bước ra giữa sân vẩy tay gọi Tình:

-Nào ra đây chú em!

Ông già Trương nghiêng đầu nói nhỏ với Quí:

-Cha coi thế nào thằng Tình cũng ăn đòn, vậy con chớ có để thằng Luông đánh nó sanh bệnh, con phải nhảy ra đấu với thằng Luông.

Ông già Trương vừa nói xong, thì bọn cướp đã vỗ tay cười ầm lên, bởi Tình vừa khệnh khạng nhào vào  đưa nắm đấm định nện xuống đầu cậu Luông, thì bị hắn khoèo chân một cái ngã đưa bốn vó lên trời. Tình lồm cồm ngồi dậy xông tới nữa, lại bị những cú đấm ngàn cân của cậu Luông nện thình thịch vào ngực, bụng và mặt như người ta giã gạo. Cảm nhận một giòng chất lỏng chảy tràn xuống môi, Tình đưa tay lên chùi, để kinh khiếp nhận ra màu máu đỏ tươi. Quên hết chuyện chết sống, Tình gầm lên húc đầu vào ngực đối phương, nhưng anh có cái cảm giác va vào một khối gì mềm nhũn, ấm áp, dường như là hai bàn tay của một con người. Đưa mắt nhìn lên, Tình há hốc mồm, ngạc nhiên lẫn hân hoan:

-Trời, anh Quí… anh đã trở lại à?

Quí gật đầu dìu bạn vào:

-Anh ngồi nghỉ đi, để tôi giải quyết chuyện này cho.

Quí bước đến vòng tay xá ông bà cả:

-Kính chào ông bà, xin ông bà an lòng, cha con chúng tôi sẽ giải cái nạn này cho gia đình. Không ai có thêå ép hôn cô Út được hết.

Quí xoay qua chấp tay chào cậu Luông:

-Chào huynh, tôi thay mặt gia đình ông hương cả nhận lời thách đấu với huynh. Huynh muốn đánh quyền hay vũ khí, tôi đều sẵn sàng tiếp nhận.

Tiết Ứng Luông khuỳnh khuỳnh đôi tay ra vẻ đắc chí:

-Với chú em mày thì một quyền của ta cũng đã đủ, ta cho chú em mày đánh trước ba quyền đó.

Quí cúi đầu nhã nhặn:

-Nếu vậy tôi xin được vô phép, có điều gì thất thố xin huynh đừng phiền lòng…

Vừa dứt lời, chàng đánh dứ một đòn vào mặt đối phương, tiếng gió dậy ào ào. Cậu Luông kinh sợ nghiêng đầu qua một bên tránh, vừa định móc ngược một cú đấm vào càm địch thủ, thì bỗng nhiên cậu thấy đất trời đảo lộn, thân thể nhẹ tênh, rồi cậu nhận ra rằng cậu đang đưa bốn vó lên trời. Đến lượt bọn công tử và người nhà ông hương cả vỗ tay cười vang. Luông ngồi dậy dùng thế hổ quyền nhanh như chớp tung vào mặt và ngực Quí, nhưng Quí đã nắm được lấy cổ tay Luông kéo một  vòng, làm cậu ngã lăn quay trên nền đất một lần nữa. Giận quá mất khôn, cậu Luông nhảy đến giật trong tay một tên đàn em cây côn ba khúc vụt một cái ngang đầu Quí, xem chừng chiếc đầu của chàng sẽ vỡ ra tới nơi. Một cây côn lướt gió bay đến cùng tiếng gọi của bác Trương:

-Quí con, tiếp roi…

Quí chộp lấy đầu roi, tức cây gậy tròn chàng gánh hai thùng thuốc, phang mạnh vào ngọn cây tam thiết côn của cậu Luông, làm cho khúc côn quật ngược trở về bên trán chủ nhân của nó. Cậu Luông buộc phải quăng cây côn xuống đất nếu không muốn bị bể óc, để kinh hoàng trông thấy đầu roi của Quí đã điểm đúng vào yết hầu trên cổ của hắn. Luông đành nhắm mắt chờ chết. Đơn Hùng Tín nhảy phắt dậy định xông vào cứu, nhưng tự biết đã quá muộn, hắn đứng chết lặng như Từ Hải trúngï tên giữa chiến trường. Cậu Luông nhắm mắt mãi vẫn không thấy tử thần rước đi, cảm nhận một bàn tay nắm lấy cánh tay hắn vỗ về:

-Thật có lỗi, mong huynh tha thứ cho…

Cậu Luông mở mắt ra nhìn chàng trai lạ, trong lòng dậy lên một nỗi mừng vui không lời lẽ nào còn thể diễn tả được, bởi cậu tưởng đã đặt chân vào ngưỡng cửa địa ngục vì cú roi điểm kinh khủng của Quí. Phi Đao giận dữ giằng lấy cậu em kéo về:

-Đến lượt chị tiếp chú em mầy mấy đường gươm.

Đơn Hùng Tín bước vào giữa đưa tay ra ngăn lại:

-Thôi, như vậy đã đủ rồi. Ta hứa là ta giữ lời, em Luông đã thua thì ta rút.

Phi Đao dùng dằng không phục:

-Võ nghệ chàng siêu quần, sao không đánh chết thằng vô danh này đi.

Đơn Hùng Tín thật đáng mặt người hảo hớn, hắn cười dòn:

-Mình là người lớn, không hơn thua với bọn trẻ làm gì.

Quí buông cây đòn gánh xuống chấp tay cung kính:

-Nghe danh đại vương là người chính nhân hiệp nghĩa, đến nay chúng tôi mới được tỏ tường…

Khi hai cha con chàng từ giã gia đình ông bà hương cả tiếp tục dong ruỗi trên đường thiên lý, Thể Phượng xin phép cha mẹ cho nàng được theo tiễn đưa một đỗi đường, nàng rưng rưng nước mắt cúi đầu nói nhỏ:

-Anh nỡ để em ở lại trong cô quạnh đến suốt đời sao. Cuộc đời của em đã thuộc về anh rồi, sao anh còn đành ra đi.

Quí bồi hồi nắm lấy bàn tay mềm mại của Thể Phượng thở dài:

-Chúng tôi có một tâm sự không thể bày tỏ được với cô Út, một ngày nào đó cô Út sẽ rõ…

Thể Phượng buồn rầu đứng nhìn theo hai bóng người đi xa dần trên con đường đất nhỏ, lòng ấp ủ một nỗi ước mong thầm kín và có lẽ rất điên rồ, mà một cô gái nết na khó thể tỏ bày. Đi đâu cho thiếp theo cùng, đói no thiếp chịu lạnh lùng thiếp cam…

Tình rưng rưng kể tiếp:

-Khi thầy… à, anh… à cậu với bác Trương đi rồi…

Người tráng đinh ngượng ngịu nhìn thấy một nụ cười mĩm trên môi người bạn cũ. Từ vai vế một người bạn, Tình đã tôn xưng Quí lên ngang hàng với cô Út nhà anh, để Quí mặc nhiên trở thành cậu chủ.

Chiến tranh tràn qua vùng đất hiền lành ấy, ngôi nhà của gia đình ông hương cả Tri bị đốt phá tan tành vì cái tội làm chức dịch cho nhà nước Pháp, hàng ngàn mẫu ruộng bị tịch thu sung công cho cái gọi là chính phủ kháng chiến của Việt Minh. Ông bà hương cả chỉ còn giữ lại được cái mẫu đất bên trên có cái nền nhà cũ. Gia tư ông bà không còn gì, bọn gia nhân và tráng đinh tản lạc hết cả, không phải họ nhẫn tâm lìa bỏ cái nơi đã dung chứa, ban cho họ một cuộc sống sung túc, mà bởi bao nhiêu hoa lợi vun trồng được trên những thửa ruộng được chính phủ kháng chiến chia cho, đều nộp vào những khoản thuế nặng nề, khi làm xong phần gọi là nghĩa vụ, thì  trong bồ lúa cũng không còn được bao nhiêu hột. Đành phải dắt díu nhau bỏ đi về những nơi nào còn được gọi là phần đất tự do. Ruộng nương tiêu điều như thế, đã góp phần vào nạn đói làm chết hai triệu người ngoài miền Bắc, vì miền Nam đâu còn nhiều lúa như ngày xưa nữa.

Gia đình ông hương cả chạy lánh nạn chiến tranh về vùng Núi Sập Long Xuyên, góp nhóp tư trang của bà cả và cô Út còn dấu được dưới nền đất mua được chừng mươi mẫu ruộng giao cho cậu Hai Trung chăm sóc. Cùng với vài người gia nhân trung thành cứ nhứt định theo ông cả đến cùng, cậu Hai Trung chí thú canh tác, cũng tích trữ được một ít lúa đủ ăn cho gia đình. Không muốn mất mảnh đất của tổ tiên, ông cả cần một người ở lại giữ cái nền nhà, với một niềm hy vọng, rằng rồi cũng sẽ có một ngày ông trở về gầy dựng lại từ đầu dưới một chính thể nhân nghĩa hơn. Tình nhận lấy trách nhiệm này, anh xin được ở lại cất một căn chòi lá nhỏ giữ phần đất hương hỏa cho nhà ông bà cả. Thượng đế từ ái không nỡ để những con người trung hậu như anh Tình chịu phần thiệt thòi, nên chị Xiếu cũng xin ở lại cùng anh, để hai người kết nghĩa vợ chồng, dù dưới mái lá đơn sơ nhưng mà hạnh phúc nồng nàn. Bọn công tử nhà giàu vẫn không chịu bỏ cuộc cầu hôn, họ tiếp tục đem sính lễ đến xin dạm hỏi cô Út, với những món điền sản rất lớn làm quà cưới.

Quí bồi hồi xúc động hỏi:

-Cậu công tử nào có được cái diễm phúc làm chồng cô Út, cô Út có được hạnh phúc không và đã được mấy cháu rồi?

Tình ngước mắt nhìn Quí, đôi mày nhíu lại ra vẻ không vui:

-Cậu vô tình quá đi… Cô Út tui đâu có chịu lập gia đình từ dạo cậu bỏ đi. Cậu đã biết là cô Út tui thương cậu mà, cô Út tui vẫn còn ở vậy, vì lẽ gì thì cậu biết rồi!

Quí run rẩy đặt hai bàn tay lên vai bạn siết mạnh:

-Cô Út vẫn còn chờ tôi về sao? Trời ơi…

-Bây giờ cậu kể chuyện đời cậu cho tui nghe đi.

Một người đàn bà dáng vẻ trông rất quen thuộc tay dắt một con bé gái chừng bốn, năm tuổi, tay bồng một thằng bé trong lòng lạ lùng bước ra nhìn. Quí đứng dậy hân hoan vẫy tay:

-Chị Xiếu, chị Xiếu, đến đây…

Một ngày mùa hè nắng đẹp, công tử Bạc Liêu nằm trên chiếc võng mắc giữa hai gốc cây nhãn thơm mùi trái chín rung đùi đọc báo Tây, đôi mắt cậu lướt qua hàng tít lớn ở trang đầu: “Nhà nước đã bắt được hai phần tử phản loạn nguy hiểm”, bên dưới có in hình hai con người được gọi là phản loạn. Đột nhiên, cậu Huy ngồi bật dậy kêu lên:

-Trời đất, bác Trương với anh Quí đây mà.

Cậu Huy hối hả bước vào nhà trong tìm ông hội đồng Trạch. Thật may làm sao, ông hội đồng đang ngồi uống trà trên chiếc tràng kỷ. Cậu Huy ngồi xuống đưa tờ báo cho cha xem:

-Ba à, cha con anh Quí bị Pháp bắt rồi!

Ông hội đồng giật mình hối hả đọc, ông vỗ đùi chặc lưỡi:

-Thôi chết, theo nghĩa quân Quang Phục Hội của hoàng thân Cường Để để kháng chiến đây mà. Không xong rồi, chí nguy, nhẹ thì lưu đày biệt xứ, nặng thì tử hình đó con ơi.

Cậu Huy lo lắng hỏi:

-Ba quen biết nhiều, thế lực mạnh, liệu cứu cha con họ được không ba?

Ông hội đồng Trạch lắc đầu:

-Vô phương, nếu là tội hình sự thì ba nói một tiếng cũng xong, nhưng cái này là làm chuyện quốc sự. Không khéo người ta vu cho cha con mình tội đồng lõa, cha con mình cũng xách gói ra Côn Đảo đó con, ba chịu thua…

Công tử Bạc Liêu không chịu bỏ cuộc quá sớm như cha, cậu lén cha hành động một mình. Ngày xưa, cậu còn dám đem hàng khối giấy một trăm đồng làm lửa nấu cù lao (lẩu) đãi quan khách, thì ngày nay, với giá nào cậu cũng sẵn lòng chi đẹp. Nhờ sự lo lót ngầm của cậu Huy, ngày phán quyết tội trạng hai cha con bác Trương, quan tòa tuyên án:

-Tòa phạt hai đương sự mỗi người mười lăm năm khổ sai biệt xứ, đày ra Côn Đảo.

Bác Trương, một người bạn chiến đấu lẫm liệt của hoàng thân Cường Để, cười nhạt:

-Chỉ e rằng chúng tôi chưa ở hết hạn tù thì người Pháp đã rút ra khỏi đất nước của chúng tôi rồi.

Đầu năm 1948, người Pháp miễn cưỡng trả lại độc lập cho người Việt Nam, vua Bảo Đại làm Quốc Trưởng. Một trong những công việc quan trọng đầu tiên ngài làm là ký lệnh ân xá cho những nghĩa quân ngoài Côn Đảo. Cha con bác Trương được Quốc Trưởng bổ nhiệm vào những chức vụ quan trọng. Nhờ biết được ba thứ tiếng Nhựt, Hoa và Pháp, Quí được cử về làm phụ tá giao tế trong tòa bộ trưởng ngoại giao. Khi công việc đã không còn mấy bận bịu nữa, Quí xin phép ông bộ trưởng cho chàng nghỉ một tuần về Sa Đéc tìm lại hình ảnh của một mảnh quá khứ cũ mà ngày xưa chàng đã dứt áo từ bỏ, trong lòng xốn xang ấp ủ một niềm hy vọng mơ hồ…

Tình nghẹn ngào nắm tay Quí:

-Bây giờ cậu tính sao, cậu còn thương cô Út tui nữa không?

Quí cười cười:

-Không thương mà tôi trở lại chốn này sao? Thôi, anh đừng có cứ động chút là thút thít như một đứa trẻ nữa. Anh chị và mấy cháu theo tôi đi qua Núi Sập thăm ông bà cả.

Chị Xiếu chen vào nhắc nhở:

-Và cô Út Thể Phượng nữa!

Quí gật đầu nhè nhẹ không nói năng gì, chàng cảm khái nhìn hai con chim sẻ đang quấn quít tựa đầu vào nhau ríu rít bản tình ca trên cành hoa mai vàng ngát hương, dưới ánh nắng đầu xuân rực rỡ.

 

 

 

AcDieu

Tin vui

Tin Buồn

Bài Củ

07-2014

06-2014

05-2014

04-2014

03-2014

02-2014

01-2014

RFI
Nguoi_Viet
RFA
Quan_Su_VNCH
Quân Sử VNCH
Voa_tieng_Viet
BBc_Tieng_Viet
Dan_lam_bao

TIME