AcDieu225
Co Vang amazon Tammy

Free Hit Counters
Web Site Hit Counters

Ac Dieu

ImageProxy.gif

MỆT, CHÍCH THUỐC BỔ,TRUYỀN NƯỚC BIỂN?

 

Bác sĩ Nguyễn Văn Đức

 

“Mấy tháng nay, tôi hay bị mệt, bác sĩ cho biết chích thuốc bổ, truyền nước biển có giúp gì không? Xin bác sĩ thử máu tổng quát cho tôi, xem tôi có bệnh gì chăng?”

 

Theo định nghĩa, mệt (fatigue) là cảm giác mau đuối sức trong lúc làm việc; hoặc không đủ năng lực để bắt đầu công việc; hoặc có người thấy mệt về tinh thần (mental fatigue), khó tập trung tư tưởng, khó ghi nhớ, dễ nóng giận. Chúng ta cần phân biệt mệt với buồn ngủ, khó thở, yếu sức bắp thịt (bắp thịt không đủ sức làm việc nặng).

 

Tùy thời gian mệt xảy ra bao lâu, mệt được phân loại thành:

 

- Mệt mới đây (recent fatigue): mệt chưa đầy 1 tháng

 

- Mệt kéo dài (prolonged fatigue): mệt hơn 1 tháng

 

- Mệt kinh nên (chronic fatigue): mệt trên 6 tháng.

 

Bạn mới mệt đây, không có thêm triệu chứng nào khác, ồ, chưa sao, chắc rồi đâu sẽ lại vào đó, ta cứ chờ thêm ít thời gian nữa xem sao. Mệt kéo dài và mệt kinh niên là những cái mệt ta cần tìm hiểu nguyên nhân.

 

Những nguyên nhân gây mệt

 

Rất nhiều nguyên nhân thể xác, tinh thần, do thuốc dùng có thể khiến ta mệt kéo dài hoặc mệt kinh niên:

 

- Bệnh thiếu máu: do thiếu chất sắt, chất folate, sinh tố B12, ...

 

- Bệnh nội tiết: như bệnh cường tuyến giáp trạng, suy tuyến giáp trạng, bệnh tiểu đường, mãn kinh, ...

 

- Bệnh nhiễm trùng: như bệnh lao, bệnh AIDS, ...

 

- Các bệnh ung thư.

 

- Bệnh đau nhức toàn thân (fibromyalgia, gây đau nhức khắp người, khó ngủ, mệt mỏi).

 

- Các bệnh thần kinh bắp thịt (neuromuscular disorders).

 

- Các bệnh của mô liên kết (connective tissue diseases).

 

- Bệnh tâm thần: như các bệnh căng thẳng tâm thần, sầu buồn, ...

 

- Các bệnh mất ngủ (sleep disorders).

 

- Hội chứng mệt mỏi kinh niên (chronic fatigue syndrome).

 

- Nghiện rượu hay các thuốc nha phiến.

 

- Các thuốc dùng: chẳng hạn như các thuốc chữa chảy mũi, nghẹt mũi, ...

 

Trong đa số những trường hợp mệt kéo dài và kinh niên, nguyên nhân gây mệt tìm thấy là một bệnh thể xác kinh niên, hoặc một bệnh tinh thần. Nhiều người mệt vì cả hai nguyên nhân thể xác lẫn tinh thần, thí dụ một người bị lao, lo nghĩ, buồn rầu đến mất ăn, mất ngủ. Cũng có người mệt hoài, chỉ vì... uống rượu, chích choác tối ngày, hoặc vô tình cứ dùng liên tục nhiều loại thuốc có thể gây mệt, chẳng hạn những thuốc chữa chảy mũi, nghẹt mũi, dị ứng như Dimetapp, Actifed, Benadryl, ...

 

Song đến một phần ba (1/3) những trường hợp mệt kéo dài và kinh niên không có nguyên nhân rõ rệt. Người mệt cứ than mệt, bác sĩ, sau bao những tìm hiểu, vẫn không biết rõ tại sao vị này cứ than mệt (idiopathic fatigue). 

 

Truy tìm nguyên nhân gây mệt

 

Rất tiếc, thưa bạn, không có thử máu nào có thể giúp ta khám phá tất cả các tật bệnh của cõi nhân gian này. Chẳng hạn, thử máu không thể cho biết ta có bị ung thư da, bướu óc, ung thư phổi, bao tử, ruột già và nhiều loại ung thư khác. Thử máu cũng không thể giúp ta tìm nhiều bệnh nhiễm trùng nguy hiểm, như bệnh lao. Rồi, bệnh đau nhức toàn thân (fibromyalgia, gây đau nhức đủ mọi chỗ trong người, mệt mỏi, khó ngủ), cũng như tất cả các bệnh tâm thần đều không thể định ra bằng thử máu. Rất nhiều bệnh không thể tìm thấy bằng thử máu.

 

Nên, bạn ơi, không có một thử máu nào có thể được gọi là “thử máu tổng quát” cả. Ta nên thử những gì, hoàn toàn tùy vào sự suy luận của bác sĩ, sau khi đã hỏi bệnh bạn tỉ mỉ, thăm khám bạn kỹ lưỡng. Bác sĩ nghĩ đến những bệnh gì có thể đang gây triệu chứng cho bạn, sẽ cho thử máu, thử nước tiểu, hoặc chụp phim để đi tìm những bệnh ấy.

 

Vậy, hỏi bệnh tỉ mỉ, thăm khám kỹ lưỡng bao giờ cũng quan trọng hơn thử máu. Có nhiều khi, sau khi hỏi bệnh và thăm khám, bác sĩ đã có thể đoán ngay bạn đang bị vấn đề gì. Nào, bây giờ trở lại với vấn đề mệt mỏi của bạn, ta khoan hãy bàn đến chuyện thử máu, bạn nhé. Xin bạn kể cho nghe đầu đuôi câu chuyện trước đã, bệnh sử (history) bạn kể là phần quan trọng nhất.

 

Bạn mệt đã hơn một tháng? Cái mệt của bạn xảy ra vào lúc nào trong ngày, trong trường hợp nào, nó ra sao, có làm giảm năng suất làm việc của bạn không? À, mà bạn làm việc bao nhiêu tiếng một ngày, tuần mấy ngày? (làm hai “jobs”, mười mấy tiếng mỗi ngày, 7 ngày một tuần, chưa kể lái xe đến sở 1 tiếng đi, 1 tiếng về?) Bạn ngủ đêm mấy tiếng, có ngon không? (Xin nhớ, giấc ngủ rất quan trọng.) Bạn ăn uống thế nào, ngày đủ ba bữa không?

 

Ngoài chuyện mệt mỏi, bạn có triệu chứng gì khác: lên hoặc xuống cân, ho hắng, tiêu tiểu bất thường, nhức đau các khớp, nổi mẩn trên da, v.v.?

 

Và, tinh thần bạn thế nào, có gì lo âu, buồn bực? Chuyện gia đình, chuyện trong sở, có ấm êm, xuôi chảy, hay xào xáo, lung tung? Từ trước, có bác sĩ nào từng bảo rằng bạn bị xáo trộn tâm thần (psychiatric disorders)? Bạn biết, ba bệnh tâm thần hay gây mệt nhất là sầu buồn (depression), căng thẳng tâm thần (anxiety), và bệnh chính là tâm thần song lại cảm thấy đau, mệt thể xác (somatoform disorder).

 

Nếu bạn là phụ nữ, kinh nguyệt bạn còn đều không, hay bạn sắp hoặc vừa mãn kinh, và đâm khó ngủ, buồn rầu, âu lo, mệt mỏi vì những xáo trộn gây do mãn kinh?

 

Sau cùng, bạn có đang dùng bất cứ loại thuốc nào không, kể cả các thuốc mua không cần toa bác sĩ? Bạn có uống rượu, và xin lỗi bạn, nếu không phải, xin bạn bỏ qua, bạn có... xài xì-ke ma túy?

 

Nắm vững tất cả những điều bạn vừa kể, bác sĩ bắt đầu thăm khám cho bạn. Việc thăm khám sẽ tỉ mỉ, từ đầu đến chân, chú trọng vào việc tìm dấu chứng của những bệnh có thể khiến bạn mệt mỏi.

 

Sau khi thăm khám tỉ mỉ như vậy, thường trong đầu, bác sĩ đã nghĩ đến một vài vấn đề có thể là nguyên nhân gây cái mệt của bạn. Bác sĩ sẽ thử máu, hoặc chụp phim tùy theo những định bệnh sơ khởi mới vẽ ra trong đầu. Chẳng hạn, bạn mệt mỏi hơn tháng nay, lại ho hắng, thỉnh thoảng khạc ra chút máu sau khi đi Việt Nam thăm cụ ông đang đau nặng vì lao, thì bước đầu trong việc tìm hiểu chứng mệt mỏi của bạn, bạn cũng hiểu, tất phải là một “phim ngực” (chest X-ray, ta hay quen miệng gọi nhầm “phim phổi”) xem bạn có lao phổi, do cụ ông lây cho bạn, hơn là những thử máu lăng nhăng, xa vời.

 

Trường hợp chứng mệt kéo dài (đã hơn 1 tháng) hoặc kinh niên (đã hơn 6 tháng) của bạn bí hiểm hơn thế, sau khi chăm chú nghe bạn kể bệnh, và thăm khám kỹ lưỡng cho bạn, bác sĩ vẫn chưa có ngay một định bệnh sơ khởi rõ rệt trong đầu, để tiếp tục tìm hiểu nguyên nhân gây chứng mệt mỏi của bạn, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Tật bệnh (Centers for Disease Control and Prevention) đề nghị ta làm những thử máu tối thiểu sau:

 

- Complete blood count with differential: đếm máu toàn diện, tìm xem bạn có thiếu máu, ung thư máu chăng.

 

- Glucose: thử đường máu, xem bạn có bị tiểu đường.

 

- Alanine aminotransferase, Alkaline phosphatase: xem bạn có bị bệnh gan (viêm gan, ung thư gan, ...).

 

- BUN, Creatinine, Electrolytes: xem bạn có thiếu nước trong cơ thể, suy thận, xáo trộn những chất điện giải, hoặc có các bệnh viêm bắp thịt.

 

- Erythrocyte sedimentation rate: do tốc độ lắng đọng của hồng cầu, tìm xem bạn có bị các bệnh nhiễm trùng, bệnh của mô liên kết (connective tissue diseases), ...

 

- Thyroid-stimulating hormone: xem tuyến giáp trạng bạn có bị cường (hyperthyroidism) hoặc suy (hypothyroidism).

 

- Creatine kinase: trường hợp bạn đau và yếu các bắp thịt.

 

Những thử máu lăng nhăng, xa vời khác thường không cần thiết (chỉ thêm tốn tiền, dù tiền của MediCal, MediCare), trừ phi trong lúc thăm khám, bác sĩ tìm thấy những dấu chứng đặc biệt của một bệnh nào đó, nghĩ cần làm thêm thử nghiệm để xác định đúng là bệnh này, hoặc khi những thử nghiệm kể trên cho kết quả bất thường, bác sĩ nghĩ cần tiến hành làm thêm những thử nghiệm khác nữa để đi đến một định bệnh chính xác. (Ngoài thuốc dùng biên toa cho bừa bãi, cho thử máu, chụp phim, làm siêu âm, Cat scan, v.v., lung tung cũng là những lạm dụng tinh vi khác trong y khoa chúng ta cần để ý. Đất nước Mỹ thân yêu của chúng ta đang nghèo đi, một phần vì những lạm dụng.)

 

Chữa trị

Chữa mệt là cố tìm và chữa nguyên nhân gây ra chứng mệt của bạn. Thuốc “bổ”, không thể giúp bạn bớt mệt. À, còn truyền nước biển? Nếu thử máu cho thấy bạn không hề thiếu nước trong cơ thể, nước biển truyền vào, bạn lại tiểu ra, phỏng ích gì, tỉ như một cái bình đã đầy nước sẵn, nào có vơi, đổ thêm nước vào, nó tràn ra, đâu ích chi.

 

Bạn làm việc nhiều quá chăng, hay bạn bớt đi chút, sức khỏe mới là vàng, tiền của là... bạc, vẫn sau sức khỏe. Bạn ăn uống thất thường quá, bữa ăn bữa không, thế thì nên tập thói quen ăn uống đúng giờ giấc, ngày đủ ba bữa. Nhớ vận động thường xuyên để ngủ cho ngon (vận động cũng cho ta cảm giác khỏe mạnh, yêu đời). Còn trên đường tìm hiểu những nguyên nhân gây mệt của bạn, không may ta tìm thấy những bệnh quan trọng, chắc chắn rồi, ta phải tận lực chữa trị những bệnh này. Hoặc bạn đang dùng một thuốc nghi có thể là thủ phạm gây mệt, ta thử bỏ nó đi, hay đổi qua một thuốc khác xem sao.

 

Cùng lúc với sự chữa trị những nguyên nhân gây mệt ta tìm thấy, nếu cần, ta dùng thêm một vài thứ thuốc để chữa những triệu chứng đang khiến bạn mất vui. Nếu bạn nhức đầu, đau các bắp thịt, ta có thể dùng các thuốc Aspirin, Tylenol, thuốc “chống viêm không có chất steroid” như Advil, Motrin, Aleve, v.v., giúp bạn dễ chịu. Bạn khó ngủ và hơi buồn buồn ư, ta dùng các thuốc thuộc nhóm chống sầu buồn (antidepressants), chẳng hạn như Elavil, Pamelor, Imipramine, v.v., để giúp giấc ngủ của bạn được đầy hơn, bạn cũng bớt buồn.

 

Những trường hợp hội chứng mệt mỏi kinh niên (chronic fatigue syndrome) hoặc mệt không rõ nguyên nhân (idiopathic fatigue) khó chữa hơn, có khi phải cần đến tâm lý trị liệu (cognitive behavioral therapy) và phương pháp hướng dẫn tập thể dục tăng dần lên (graded exercise therapy). Một điểm quan trọng trong việc chữa mệt là mối thâm tình giữa bác sĩ và bệnh nhân. Bác sĩ thông cảm triệu chứng của người bệnh, tìm cách nâng đỡ tinh thần, khuyến khích họ cố chu toàn những thứ cần thiết thường ngày, trở lại với việc làm, duy trì giao thiệp với người chung quanh, tiếp tục thể dục tùy sức mình, và ngược lại, người bệnh tin tưởng bác sĩ. Cũng may, một số trường hợp mệt kinh niên, một thời gian sau, sẽ bớt dần.

 

Những thói quen xấu (ăn uống thất thường, thức khuya nên thiếu ngủ, rượu chè chích choác, v.v.), lo lắng buồn phiền, hoặc tật bệnh khiến ta mệt. Cái mệt, ta cố tìm nguyên nhân để chữa. Chích thuốc “bổ” (thuốc gì, phân lượng bao nhiêu, bạn nên hỏi rõ), truyền nước biển vớ va vớ vẩn chỉ tổ tốn tiền, chẳng ăn thua gì đâu (có khi còn nguy hiểm: nhiễm trùng; trường hợp suy tim, tim không chịu nổi cả lít nước truyền nhanh trong vòng vài tiếng; …). Chẳng có sách vở y khoa nào ủng hộ chuyện truyền nước biển trong phòng mạch để chữa mệt, và vì là chuyện vớ vẩn, nên MediCal, Medicare đời nào chịu trả cho truyền nước biển trong phòng mạch.

 

up

AcDieu

Tin vui

Tin Buồn

Bài Củ

07-2014

06-2014

05-2014

04-2014

03-2014

02-2014

01-2014

RFI
Nguoi_Viet
RFA
Quan_Su_VNCH
Quân Sử VNCH
Voa_tieng_Viet
BBc_Tieng_Viet
Dan_lam_bao

TIME