AcDieu225
Co Vang amazon Tammy

Free Hit Counters
Web Site Hit Counters

Khách viếng thăm

Translate

Powered by Translate

cam-on-anh_TPB (2).jpg

Đào Như - VIỆT NAM MƯỜI NĂM SAU LỜI KÊU GỌI “ĐẠI ĐOÀN KẾT DÂN TỘC” CỦA CỐ THỦ TƯỚNG VÕ VĂN KIỆT

Thứ Tư, ngày 26 tháng 8 năm 2015

pic
Cách đây đúng 10 năm, ngày 29 tháng 8-2005, ông Võ Văn Kiệt, cố Thủ Tướng Chính Phủ Việt Nam (1991-1997) đã lên tiếng kêu gọi đoàn kết dân tộc. Theo ông đòan kết dân tộc là đoàn kết từ già đến trẻ, từ trên đến dưới, từ Bắc chí Nam, từ Quốc gia đến Cộng sản, và từ trong nước đến hải ngoại. Những lời kêu gọi của  ông có hàm ý đánh giá lại lịch sử của một thời đại. Thời đại 30 năm sau khi thống nhất đất nước. Những lời kêu gọi của ông vào lúc ấy đều được báo chí trong nước và quốc tế đăng tải và phân tích. Phần nhiều những nhà tường thuật và phân tích đều dành cho ông chân tình và thiện cảm, ngay cả những báo chí ở trong nước như tờ Tuổi Trẻ và nhật báo Nhân Dân, mặc dầu những điều phát biểu của ông đều nhằm mục đích chống lại hàng ngũ tả khuynh trong đảng Cộng sản Việt Nam hiện tại.

Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, trong quá trình kêu gọi Đoàn kết dân tộc, đã viết: “Đại đoàn kết dân tộc, cội nguồn của sức mạnh chúng ta…Đất nước Việt Nam, giang sơn Việt Nam không phải là của riêng ai, của một giai cấp hay đảng phái nào, mà là tài sản chung của mọi người Việt Nam, của cả dân tộc Việt Nam…Tư tưởng‘thành phần chủ nghĩa’ đã dẫn tới hai kết quả: làm mất đi nhiều tài năng của một bộ phận đáng kể trong dân tộc, đồng thời đưa một cách gượng ép những nhân tố tuy có bản chất về chính trị nhưng lại không đủ chất lượng trong quản lý và xây dựng... Rất tiếc là ý thức đoàn kết dân tộc lại một lần nữa bị phần nào xao nhãng bởi bịnh chủ quan và say sưa vì chiến thắng, bởi những cái nhìn hẹp hòi, biệt phái bởi chuyện phân biệt thắng thua, bởi kỳ thị ta-ngụy… Hầu hết, sĩ quan, quân đội, viên chức trong chính quyền cũ cũng đều mong muốn được sống trong hòa bình, hòa hợp…Một đội ngũ đông đảo công thương gia và trí thức miền nam có những khả năng kinh nghiệm trên nhiều lãnh vực khác nhau, là một vốn quí, có thể đóng góp vào việc xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, giàu mạnh. Nhưng vì kinh tế khó khăn đời sống bế tắc, cộng với phương thức quản lý xã hội quá cứng nhắc và tình trạng kỳ thị thành phần đã làm cho một số người yêu nước, muốn đóng góp cho đất nứơc cũng đành dứt áo ra đi!... Trong thế giới ngày nay nguồn lực hàng đầu là trí thức. Nói như vậy không có nghĩa là đề cao những con người trí thức cụ thể, mà nói đến một điều kiện không thể thiếu cho sự phát triển. Trong cuộc đua tranh phát triển, không thể chỉ dựa vào nhiệt tình và ý chí mà còn phải dựa vào kiến thức học vấn sự nhận thức về các qui luật của thiên nhiên và của xã hội…”

Những lời kêu gọi của ông có sức mạnh khơi dậy lòng yêu nước của mọi thế hệ, của mọi tầng lớp nhân dân, Cộng sản và Quốc gia. Nhất là các thế hệ trẻ ở trong nước cũng như ở hải ngoại:

 - Tiến sĩ Sử học Hãn Nguyên Nguyễn Nhã, phát biểu trên tờ báo Tuổi Trẻ ngày 30/8/05: “Đọc lại bài viết của Nguyên Thủ Tướng Võ Văn Kiệt tôi mong ước con cháu của những người Cộng sản cũng như con cháu của những người chống cộng sản mãi mãi không còn coi nhau là kẻ thù nữa. Mọi người Việt Nam có chung một kẻ thù: đó là sự nghèo nàn, lạc hậu của đất nước!”.

 - Hoài Lan, Bắc Ninh, điện thư cho BBC London:“Trong thời Ông Kiệt làm Thủ Tướng, nền kinh tế chuyển đổi mạnh, từ tập trung bao cấp sang cơ chế thị trường. Nhân dân được hưởng tự do làm ăn hơn. Kinh tế vì thế được cải thiện phần nào. Ông cũng là người đẩy mạnh quan hệ đối ngoại theo hướng đa dạng hóa, đa phương hóa, làm cho Việt Nam thêm bạn bớt thù. Hiện nay trong đảng cộng sản cũng có nhiều người cùng quan điểm với ông. Tôi hy vọng ông không chỉ ‘Nói hay’ mà phải ‘Làm hay’ nữa, như ông đã từng làm khi còn đương nhiệm. Xin ông một lần nữa chiến đấu vì tương lai của dân tộc. Để một ngày nào đó khi ra nước ngoài, chúng ta có thể ngẩng cao đầu, không phải xấu hổ cuối gầm mặt xuống và nói “I come from Viet Nam”.

- Thành Hoàn, từ Kansas City, thư điện cho BBC London: “Tư Tưởng của Ngài Cựu Thủ tướng cũng chưa muộn. Vậy Ngài hãy thực hiện ngay bây giờ, làm cách mạng một lần nữa tôi tin chắc nhân dân Việt Nam sẽ nhớ ơn Ngài mãi mãi”.

Quả thật, không ai có thể nghi ngờ được cái chất trong sáng và tính tích cực của lời kêu gọi của ông. Xuyên suốt những phần lý luận của ông, ông nêu ra những lỗi lầm của chính quyền cộng sản trong việc say mê chiến thắng, kỳ thị, đấu tranh giai cấp, phân chia thắng bại, ta-ngụy, xem thường trí thức chuyên môn và kỹ thuật v.v…Thật sự ông nói thật nhiều, nhưng chung qui cái sai lầm của trong vòng 30 năm qua, ông đã rõ biết và nắm chắc nó, nhưng ông không dám gọi đích danh nó, tố cáo nó. Ông khiếp sợ nó mặc dầu nó chỉ là một cụm từ: “Chuyên Chính Vô Sản”. Vâng, Chuyên Chính Vô Sản -CCVS- đáng khiếp sợ thật!

CCVS đã giết hại bao nhiêu triệu con người ưu tú của nhân loại. Nó là cốt tủy cột sống của chủ nghĩa Cộng sản. CCVS được đẻ ra từ họng súng, từ Đấu Tranh Giai Cấp. Staline và Mao sử dụng nó để thủ tiêu, truy diệt những ai dám chống lại đường lối lãnh đạo chuyên chính của họ. Nó đã đóng góp lớn lao trong việc xây dựng thiết lập chủ nghĩa và chính quyền cộng sản trên khắp thế giới. Và cũng chính nó cũng đã hủy diệt chế độ cộng sản. Vì thống trị đất nước bằng chuyên chính vô sản, nền kinh tế các quốc gia Xã Hội Chủ Nghĩa sa sút, và tụt hậu; kỹ thuật sản xuất nghèo nàn, trí thức bị khinh thường, phân phối lao động không hợp lý, đưa đến nghèo đói thảm hại và những tệ nạn khác của xã hội: mãi dâm, tham nhũng… Sống trong Xã hội Xã Hội Chủ Nghĩa, người dân lúc nào cũng bị vây hãm bởi bạo lực Đấu Tranh Giai Cấp, thiếu thốn mọi thứ, Tự Do, Dân Chủ bị cưỡng đoạt, một xã hội khép kín, làm cho người ta run sợ lẩn tránh. Cuối cùng, thành trì kiên cố nhất của vô sản, Mạc Tư Khoa, hoàn toàn sụp đổ năm 1990.

Đối với tổ quốc ta, CCVS đã gây ra biết bao nhiêu tội ác. Nhất là trong 40 năm trở lại đây. Sau ngày Thống Nhất Đất Nước, vì những yếu tố tả khuynh cực đoan trong tư tưởng của người Cộng sản Việt Nam trong hàng ngũ Cách mạng, khiến họ mù quáng quên đi tình nghĩa dân tộc, gây thêm hận thù, chồng chất thêm uất hận. Họ không cần tập hợp những lực lượng xã hội rộng lớn khác. Họ xem thường giới trí thức. Họ đề cao giai cấp đấu tranh, thủ tiêu và giết hại những người yêu nước cả Bắc lẫn Nam, nhất là tại miền Nam. Nhà tù và trại tập trung được mọc lên khắp nơi trong nước, từ trên núi cao đến đồng bằng, từ thôn quê đến thành phố. Họ là Mao, là Stalin, là Pol Pot, xem thường và nếu cần  họ thẳng tay triệt hạ những người trí thức tiến bộ, yêu nước, không phục tùng CCVS. Người Cộng sản Việt Nam tả khuynh cực đoan đã sai lầm khi họ đặt sức mạnh của đội ngũ trí tuệ dưới sức mạnh của đội ngũ cơ bắp. Họ mù quáng, không nhận  biết, chính những tiến bộ về kỹ thuật mới thay đổi bộ mặt của xã hội chứ không phải đấu tranh giai cấp.

Sự thất bại trong 40 năm qua, chủ yếu không phải chỉ nằm ở chỗ Cách mạng vấp phải những sai trải nghiệm trong trong lúc tiếp cận với nguồn năng lực kinh tế dồi dào, với khối trí thức rộng lớn và khối chuyên gia giàu kinh nghiệm của miền Nam, mà còn một nguyên nhân khác nữa dẫn đến sự thất bại đó là sự hy sinh cuộc sống của dân  tộc cả nước, hy sinh lợi ích vật chất và tinh thần của con người, của đời sống gia đình và cá nhân, tất cả nhân danh tập thể, bất chấp lợi ích từng người. Trong khi đó nhiều vị lãnh đạo, trong hàng ngũ lãnh đạo ĐCSVN vơ vét tài sản miền Nam, tham nhũng hàng triệu triệu đô la Mỹ. Đã thế họ còn tố cáo lẫn nhau, công khai giành giật. Tất cả chỉ vì đói, nghèo nàn và lạc hậu, họ đâm ra bảo thủ, ích kỷ, phản bội lại lịch sử, bám chặt lấy Chuyên Chính Vô Sản.

Trong thời chiến chính quyền cộng sản tại miền Bắc nắm lấy cái thắt lưng của người lính mà sống. Sang thời bình họ xoay lưng lại, phản bội lại người lính ra mặt. Điểu tận cung tàn, sau chiến tranh người lính bị ném vào bóng tối của lịch sử một cách thô bạo: chế độ nghèo nàn, sức khỏe không được chăm bón, tận tình điều trị. Phần nhiều là họ bi sốt rét rừng, bị lao, bị nghiện rượu và thuốc lá và trầm cảm nặng. Không nơi nương tựa, những anh em phục viên bộ đội, ăn đường ngủ bụi, từ miền Bắc đi vào Nam, đi vào Sàigòn, xin du khách, ngoại kiều, ăn mày từng đồng, từng xu, gửi về nuôi vợ nuôi con.  Những người cựu chiến binh này suy nghĩ như thế nào, khi họ hồi tưởng lại có một thời họ đã đi “B” vì Tổ quốc, vì Thống nhất đất nước! Hôm nay họ cũng đi “B” để thực hiện một cuộc sống của ăn mày! Một Trung tá quân đội nhân dân, sau 75, giải thể, trở thành một ‘đầu nậu’ bán số đề để kiếm sống giữa Thủ Đô Hà nội. Máu và nước mắt đã rỏ xuống đầu ngọn bút của các nhà văn nhà thơ yêu nước: Phùng Khắc Bắc với bài thơ Ngày Hòa Bình Đầu Tiên, Lê Lựu trong Thời Xa Vắng, Bảo Ninh trongNỗi Buồn Chiến Tranh, Chu Lai trong Vòng Tròn Bội Bạc, Ăn Mày Dĩ Vãng, Hồ Tĩnh Tâm trong Ông Tám Đờn Cò... và các nhà văn khác nữa, khi họ miêu tả mặc cảm đớn đau của người lính, sau 75, bị Nhà Nước Chuyên Chính Vô Sản phản bội.

Đó là chưa kể, sau 75, hàng triệu chiến sĩ của Quân Đội Việt Nam Cộng Hòa và công nhân viên chức miền Nam bị tù đày, bị hành hạ và vùi dập trong các nhà tù, trong các trại học tập cải tạo.

Khi viết tới đây, tôi nhớ Đặng Tiểu Bình, năm 1951, trên máy bay từ Trùng Khánh về Bắc Kinh để nhậm chức Quân Ủy Trung Ương, trăn trở lớn nhất của họ Đặng là “90 vạn, 60 triệu và 600 ngàn”. Đó là nhiệm vụ trả lại cuộc sống làm ăn lương thiện cho 90 vạn quân của Tưởng bỏ lại, 90 vạn đồng bào anh em, mới hôm qua ở hai chiến hào, hôm nay cùng chung một chiến trận cố tâm đánh thắng ‘nhất cùng nhì bạch’. Đó cũng là xây dựng lại cuộc sống cộng hòa nhân dân cho 60 triệu người. Và đó cũng là nhiệm vụ làm sao biến đổi quân chiến đấư 600 ngàn người lính thành một đội quân công tác vận động quần chúng...”(Lý Kiện/Đặng Tiểu Bình 3 Lần Vào Ra Trung Nam Hải). Thú thật, là người Việt yêu nước không ai ưa gì họ Đặng, một tên Tàu cộng gian ác đã từng xách nhiễu và đánh phá biên giới tổ quốc ta vào tháng 2/79. Nhưng trên quan điểm nhận thức về đạo lý làm người với tình dân tộc, thì họ Đặng quả là con người mà tất cả chúng ta phải học hỏi và noi theo! Song, chúng ta thử tự hỏi: tại sao Trung quốc có được một Đặng Tiểu Bình mà Việt Nam ta lại không? Có nhiều câu hỏi chúng ta phải nói rằng chúng ta lấy làm hổ thẹn khi không tìm ra được câu trả lời hợp lý!

Lúc sinh thời, khi nói về Chủ tịch Hồ Chí Minh, Tổng Thống Ngô Đình Diệm gọi là “Cụ Hồ”.

Khi Tổng Thống Ngô Đình Diệm bị sát hại trong cuộc đảo chánh 1963, một nhóm phóng viên quốc tế hỏi Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Ông nghĩ gì kẻ thù của Ông đã bị giết chết ?”. Cụ Hồ trả lời: “Ông Ngô Đình Diệm là một người yêu nước. Nhưng, ông ta yêu nước theo cách của ông ta...”. Tại sao, sau 75, Cách mạng không suy nghĩ như “Cụ Hồ”, “Cụ Ngô” suy nghĩ ? Cách mạng đánh mất cơ hội. Cách mạng không theo chân lịch sử.

Hôm nay sau 10 năm, chúng ta đọc lại bài: “ĐẠI ĐOÀN KẾT DÂN TỘC- CỘI NGUỒN CỦA SỨC MẠNH CHÚNG TA”, của cựu Thủ Tướng Võ văn Kiệt, chúng ta vô cùng xúc động trước những lời tự thú cao cả, can đảm, thẳng thắng và anh dũng!  Được biết cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã qua đời hôm 11 tháng 6-2008 tại bịnh viện ở Singapore, Người đã để lại cho chúng ta một di sản rất quí báu nhắn nhủ chúng ta: Đại đoàn Kết Dân Tộc - Cội Nguồn của Sức Mạnh Của Chúng Ta…

Trong hiện tại, tất cả mọi người dân Việt đều suy nghĩ về 40 năm qua. Không ai bằng lòng với khoảng thời gian đã mất. Ai cũng hối tiếc vì thời gian quá nhanh, chúng ta chưa làm được những gì có thể gọi là những bước đột phá trong xây dựng đất nước và con người. Nhưng chúng ta cũng có rất nhiều hy vọng: tuổi trẻ hôm nay đã và đang lên đường, cùng góp sức với cha ông. Khối lượng khổng lồ trí thức trẻ trong nước và khối chuyên gia rộng lớn trên mọi ngành nghề đang sống lưu vong ở hải ngoại, đang lớn lên từng ngày, từng giờ, đang chờ đợi chánh phủ trong nước hãy biến những lời tự thú thành thực tế, có những hành động quả cảm hơn để hóa giải với những sai trái trong quá khứ, từ bỏ Chuyên Chính Vô Sản và nhìn nhận quyền tư hữu của con người.  Hãy tạo cơ hội đồng đều cho mọi công dân của tổ quốc, trong nước hay lưu vong tại hải ngoại, để họ có thể cống hiến năng suất trí tuệ cũng như lao động để dựng xây một Việt Nam tiến bộ, văn minh, tự do, dân chủ, công bình và bác ái.


Chúng ta muốn nói, trước thềm Đại Hội XII của ĐCSVN vào quí 1/2016, không ai có quyền chần chừ, 90 triệu đồng bào ta phải lên tiếng và hành động, trước khi 40 năm nữa sẽ qua rất nhanh!./. 


Oak Park, Illinois, USA

25/8/2015

Đào Như

Nguồn: http://www.diendantheky.net/2015/08/ao-nhu-viet-nam-muoi-nam-sau-loi-keu.html

 

up

AcDieu
Google Search:       
RFI
Nguoi_Viet
RFA
Quan_Su_VNCH
Quân Sử VNCH
Voa_tieng_Viet
msn
BBc_Tieng_Viet
Dan_lam_bao
Radio_VNHN

TIME