AcDieu225
Co Vang amazon Tammy

Free Hit Counters
Web Site Hit Counters

Khách viếng thăm

Translate

Powered by Translate

cam-on-anh_TPB (2).jpg

Cha Bửu Diệp.

 ( Bài viết của ái nữ Nghĩa Đặng )

 Lời giới thiệu ._Bài viết nầy của một Ác Điểu thuộc thế hệ hai tức là ái nữ của một Ác Điểu hiện sống tại SàiGòn. Với lối hành văn giản dị, trong sáng cháu diễn tả lòng hiếu thảo của cháu bằng cách đã chìu  người cha tuổi sấp sỉ bước vào cỗ lai hi, vậy mà còn đòi du lịch chỉ trong hai ngày thôi bằng xe hai bánh,  xuống tận các tỉnh cuối nước Việt như để sống lại những kỷ niệm xa xưa, chuyện đó làm cho người đọc vô cùng cảm động. Rất cám ơn cháu. Gia đình PD 225 Ác Điểu xin giới thiệu.

8/8/2017

Sáng 6:15 bắt đầu chạy.

Phương tiện: chiếc "giấc mơ 2" của Ba.

Điểm đến: Nhà thờ Tắc Sậy, Giá Rai, Bạc Liêu.

Tổng cây số: theo anh google map là 314 cây số.

Từ nhà ra Bà Hom, Kinh Dương Vương rồi thẳng tiến quốc lộ 1. Vì không biết đường nên tốt nhứt là cứ theo quốc lộ 1. 

Qua khỏi Bến Lức, tới Tân An, rồi Trung Lương, Mỹ Tho, ăn sáng, hai tô hủ tiếu. Đáng lẽ quẹo trái vô cái nhà hàng nổi tiếng ở đó ăn hủ tiếu mà quẹo lố bên phải. Thành ra ăn hai tô bình thường.   Đi được 74 cây số. Chưa thấy gì. Vẫn còn sung sức. Đổ xăng lần thứ nhất. Chạy tiếp tới Cai Lậy, Tiền Giang 20 cây số nữa, thỉnh thoảng thấy chợ, nhà cửa, qua vài cây cầu đủ thứ tên. Lúc này bắt đầu thấy xe tải xe hàng không là gì cả. Chỉ có chết là do dân từ trong hẻm trong chợ trong nhà người ta cứ phóng ra đường lộ như đường làng, né không kịp thì bang ra ngoài lane xe tải cho nó nghiến vô con lương thôi. Rồi ổ gà, vài đoạn quốc lộ 1 gớm khiếp, nhưng nhìn chung vẫn ổn. Tiếp thêm 36 cây số tới cầu Mỹ Thuận, tỉnh Vĩnh Long. Sông Tiền Giang. 36 cây số nữa tới cầu Cần Thơ. Bự thiệt, cao thiệt, lý trình dài 2,6 cây số. Bên dưới là sông Hậu Giang. Bên phải là thành phố Cần Thơ. Lúc này là giờ ngọ, 11:30 trưa mặt trời đỉnh điểm. Đổ xăng lần thứ hai.

Đi thêm 33 cây số nữa tới thị xã Ngã Bảy, sắp sửa giáp ranh Sóc Trăng. Lúc này tự nhiên nguyên tắc "quốc lộ 1 thẳng tiến" bị phá vỡ. Chạy lộn vô quản lộ Phụng Hiệp, thay vì quốc lộ 1 vô Sóc Trăng. Vừa mới vô, thấy kì kì rồi, sao không thấy cột mốc trắng đỏ nữa, đường y như đường làng, không có vạch trắng, đi một hồi nữa thấy lạc rồi, haha. Đường 3 tháng 2 gì đó, quốc lộ 1 của tui đâu mất tiêu rồi. Hỏi đường người ta nói quốc lộ 1 ngoài kia, nhưng cứ đi, sẽ tới Bạc Liêu được. Hoang mang một chút nhưng GPS chỉ điểm đang đứng thì cũng không đến nổi nào. Đúng nghĩa là “cứ đi” thiệt, đi mãi, đi mãi, đi ... mãiiiiii, hai bên toàn ruộng lúa, nhà le que vài căn, không có đèn đường, dây điện vài cây số mới bắt ngang một cọng, thỉnh thoảng vài chiếc xe hơi (bảo đảm cũng lạc đường hay sở thích khám phá chẳng biết nữa) cuối cùng cũng thấy được một tấm bảng chỉ đường. Tấp vô uống nước, một giờ chiều. Cặp mông coi như tan nát, tê liệt, mất cảm giác, cặp bàn chân y như BBQ. Cháy khét lẹt. Mặt mày đầy bụi đường đen sì. Vậy mà vẫn chưa biết mệt là gì. Uống cà phê sữa vô cho tỉnh táo 

Chạy tiếp với giấc mộng làm ơn cho tui ra đường quốc lộ 1 “yêu dấu”. Bảng chỉ đường tiếp tục hiện ra, quẹo trái Bạc Liêu, đi thẳng Cà Mau. Ôi trời đất ơi, đâm đầu quẹo trái liền, xem như ta và mi, quản lộ Phụng Hiệp, không bao giờ có lần thứ hai tái ngộ đâu nhé. Mừng thầm trong bụng, Bạc Liêu ơi, ta đến đây!!! Lần thứ hai tiếp tục đi mãi, đi mãi và đi mãi trên con đường làng. Chắc cũng 20 cây số trong đó, không biết đường tên gì, chỉ thấy ghi ấp gì đó, tỉnh Bạc Liêu. Cuối cùng cũng thấy ánh sáng cuối đường hầm (mặc dù đi ban ngày) Con đường quốc lộ 1 hiện ra. Mừng rỡ mở hội trong bụng. Bảng chỉ đường Thành phố Bạc Liêu đi ngược lại, Giá Rai đi ngược xuống. Hai giờ bốn mươi lăm phút chiều. Mặt trời vẫn chiếu soi nhưng bắt đầu dịu dàng hơn. Có điều nóng vẫn cứ nóng chảy mỡ. Tấp vô hai cha con ăn đại hai tô hủ tiếu ở quán bên đường. Quyết định đi Cha Diệp luôn, từ đây đến Tắc Sậy 32 cây số nữa.   Coi như sắp thành chánh quả, Tam Tạng đi thỉnh kinh sắp thỉnh được kinh rồi. Chạy tiếp đổ xăng lần ba. Hay lần bốn cũng không còn nhớ để đếm nữa.

Vô tới Giá Rai, mây đen phía xa đen thùi lùi, chắc sẽ mưa, vậy mà cứ chạy tới thì không thấy mưa. Cuối cùng nhà thờ Tắc Sậy cũng hiện ra. 

imageBốn giờ kém năm phút chiều. Bự ơi là bự. Chia làm nhiều khu. Khoảng hai chục ngàn mét vuông. Ngày thường nên không đông lắm. Chạy xe vô khuôn viên nhà thờ, nhìn quanh quất không biết gửi xe ở đâu, thấy tấm bảng giữ xe Honda, chạy vào hỏi thì người ta nói cứ chạy vô, không lấy thẻ xe gì hết. Nghĩ trong bụng “mất xe thì sao?”. Hehe. Bắt đầu công cuộc cầu xin, chụp hình, tham quan, tìm hiểu. Lúc đầu không nhận ra cha Diệp, chỉ thấy chúa Giê Su và phần mộ nơi thi hài của cha Diệp an nghỉ. Xong đi ra ngoài, nhìn lại, mới thấy cha Diệp đang đứng cầm thánh giá ngay phía trước. Cầu xin cha hiển linh ban phước lành và cứu rỗi linh hồn con, gia đình, người thân. Đi tiếp sang bên phải, tượng cha Diệp và hình ảnh di tích nơi xác của cha được tìm thấy đã chết, được đưa đi đến những nơi nào, sau đó cuối cùng an nghỉ tại thánh đường Tắc Sậy ra sao. Những tấm bảng tạ ơn cha xếp hàng dọc bờ tường lối đi. Đa số đều để tên thánh là những người theo đạo, rất nhiều từ USA, Australia, Canada, có một tấm bảng gây ấn tượng “con là người ngoại đạo”, và một tấm bảng làm hai cha con giật hết cả mình. “Nghĩa+ Phụng và các con các cháu”. Trùng hợp ngẫu nhiên lạ kỳ. Ba nói sao mình photoshop gắn tên ba và má vào cái bảng gì mà lẹ dữ. Haha. Mình dắt tay lại gần, ba vẫn đọc đi đọc lại như không tin nổi vào mắt mình. Không sao, nhất định có ngày con sẽ quay lại tạ ơn cha. Lúc này sẽ là chính chủ “Nghĩa Đặng + Phụng Võ và các con”. Sang bên phải tiếp, là thánh đường nơi làm lễ vào các giờ khác nhau trong tuần và nơi dành cho khách muốn ở lại qua đêm nghỉ ngơi. Lúc lên cầu thang vào thánh đường thì chưa tới giờ làm lễ, khoảng năm giờ chiều, nên thánh đường đóng cửa. Hỏi ba có muốn chờ đến năm giờ chiều để xem làm lễ không, hai cha con quyết định đi tiếp vô thành phố Bạc Liêu nghỉ.

Bốn giờ hai mươi chiều, tạm biệt nhà thờ Tắc Sậy, hai cha con đi ngược vô lại tp Bạc Liêu thăm “anh” công tử Bạc Liêu.  Vô tới thành phố Bạc Liêu, mở GPS lên tìm đường Điện Biên Phủ là nhà anh công tử rồi mướn khách sạn ở cho tiện. Thấy ánh sáng đô thị cũng dịu người hẳn. Chạy con đường Võ Thị Sáu, quẹo trái ra Hòa Bình, rồi Trần Phú, rồi Hai Bà Trưng, thấy tấm bảng Công Tử Bạc Liêu. Mà sao nhìn như cái công viên. Chắc không phải, chạy vòng ra cái cầu nhìn đẹp lắm, y như hồi xưa. Xong vòng lại cái “công viên” lúc nãy thấy, ra phía bờ sông thì nguyên tấm bảng Nhà công tử Bạc Liêu năm 1919, số 13 Điện Biên Phủ. Dinh thự của ảnh đây rồi, vậy mà kêu cái “công viên”. Tấm bảng bán vé tham quan, và cổng đóng im ỉm. Thôi để sáng mai rồi rat ham quan. Chạy ra con đường nhỏ gần đó Phan Ngọc Hiển, vô mướn khách sạn 250,000/đêm. Phòng ốc cũng không đến nổi. Gần trung tâm nữa. Hai cha con tắm rửa, ba quá mệt nên chợp mắt một chút. Điện thoại reo, bạn thân của ba, bác Việt lùn (bạn cùng thời), hỏi đang làm gì. Ba nói đang đi Bạc Liêu chơi. Qua điện thoại, bác Việt cứ tưởng ba đang ở trên xe đò. Lúc phát hiện ra ba đi bằng xe gắn máy, liền chửi “mày khùng hả mậy???”hahaha… Xong hai cha con đi kiếm gì đó ăn uống. Mình lên mạng search xem Bạc Liêu có gì hay. Món bún xào nem nướng số 514-516 Võ Thị Sáu nghe biểu nổi tiếng mà rẻ 35,000/phần. Quyết định đi, trên đường mò mẫm số nhà, gặp hai anh CSGT áo vàng đang phạt ai đó. Mình quay qua nhìn ảnh, ảnh nhìn lại mình, ba nhìn ảnh, ảnh nhìn lại ba. Xong hai cha con đi tiếp. Tới quán rồi, gạt chống, nhìn xuống cái xe, ôi trời đất ơi, không có mở đèn xe từ nãy đến giờ. Vậy mà hai anh CSGT nó không thổi phạt. Hú hồn hú vía. Hahaha. Vô quán ăn, tương chấm ngọt như chè. Đúng là miền Tây, cái gì cũng bỏ đường. Nói chung cũng ngon. Sau đó đi vòng vòng gần đó chơi. Cảm giác ko ồn ào náo nhiệt như sài gòn thiệt thích. Đi đâu mình cũng thích, không khí khác hẳn SÀI GÒN bát nháo là mình thích. hehe. Vì là thành phố mà, nên cái gì cũng có, trừ món trà sữa gongcha và kois hay cà phê starbucks.   Đi vòng vòng ra đường Trần Phú chơi. Ba nói để ráng nhớ coi nhà tỉnh trưởng ở chỗ nào, con đường ba đi xe jeep, bãi đáp trực thăng ngày xưa coi chỗ nào, mà sao cảnh cũ người xưa mất rồi. Chẳng thấy nữa. Tất cả hoàn toàn mới tinh. Ba có vẻ buồn. Chắc buồn ngủ. hehe. Hai cha con quay về khách sạn ngủ li bì không còn biết trời trăng mây nước gì từ 9:30 tối tới sáng 6:30. Dậy đi qua nhà anh công tử Bạc Liêu. Mua vé 20k/vé. Vô chụp hình tá lả, nhìn hình ảnh cũng ko đẹp trai như mong đợi, chắc thời đó vậy là nhứt rồi, mặt mày phúc hậu và tiền đầy túi   Tên thật là Trần Trinh Huy. Trong nhà có bộ bàn ghế xà cừ, máy hát, ti vi, bộ chén dĩa, rồi chiếc xe màu đen thời đó, duy nhứt cái mình khoái là đồng hồ cổ, made in Germany. Đẹp thiệt luôn!!! Xong ra cà phê phía trước nhà ảnh, ngồi nói dóc với ba. Trên đầu treo mấy cái đèn “măng-sông”, phải đổ dầu hôi để thắp sáng. Khách tham quan vài đoàn vô ngồi, nhìn là biết. Cà phê sữa cà phê đá, một cảm giác yên bình nhen nhóm, không muốn về đâu.  

8:30 sáng 9/8/2017, tạm biệt thành phố Bạc Liêu, chạy ra Trần Phú rồi thẳng tiến quốc lộ 1. Kỳ này sống chết gì cũng đi quốc lộ 1, không có quản lộ hay quản lí gì hết.   Chạy từ trung tâm tp Bạc Liêu 46 cây số tới thành phố Sóc Trăng. Ba nói ghé vô thăm phi trường Sóc Trăng cho ba nhớ lại ngày xưa. hehe. Dĩ nhiên rồi. Tới ngã ba, không đi quốc lộ 1 mà vô đường Trần Hưng Đạo, thành phố Sóc Trăng, ba nói hồi trước mỗi lần chuẩn bị đáp là bay ngang cái chùa. Chạy một hồi, đúng là có một cái chùa bự, ba còn tần ngần không biết có phải không, vì cổng chùa mới tinh tươm, vàng óng. Ngoài cổng, tên chùa là Chroi Tưm Chacs, vô trong sân, nhìn bên trái chùa cổ chưa xây mới hay sửa mới, ôi đúng nó rồi. Hai cha con vô chụp hình, mấy chú tiểu theo phái Nam Tông mặc áo nửa vai nói tiếng khờ me đang chuẩn bị xây cất một khu kế bên. Lạy Phật trước khi đi, rồi ra cổng đi tiếp tìm sân bay Sóc Trăng. Bắt đầu thấy bờ tường kẻm gai, ngày nay nó đã bị chiếm làm trường quân sự quân khu 9. Cảnh cũ người xưa (của Ba) nay còn đâu. Vừa chạy xe, vừa nhìn ngóng vào trong, chẳng thấy gì nữa hết. Con đường xi măng lấp ló khúc ở ngoài cổng, rồi cái đài không lưu cũng mất. Lô cốt mình thấy được một cái. Rồi cứ chạy mà nhà dân bao xung quanh chẳng thấy được gì. Đất của sân bay chắc bán gần hết. Buồn, ba nói thôi vô thành phố Sóc Trăng, được vài cảnh vẫn còn, ba vẫn còn nhớ hồi đó đáp xong, đi ra chợ chơi, ra bờ sông nhậu, mấy quán xá giờ làm gì còn, rồi cái công viên đối diện tháp truyền hình. Hai cha con tấp vào quán nước mía bên đường, gọi điện thoại cho bạn ba, bác Tô Thoàng (hồi xưa chung phi đoàn 225 Ác Điểu đóng ở phi trường Sóc Trăng)  đang sống gần đó, thế là alo ra ngồi nói chuyện ngày xưa. Hai người kể chuyện ngày xưa, những giây phút cuối cùng ngày 30/4/1975, bác Thoàng lên trực thăng bay từ phi trường ra, pilot lại là sĩ quan trực, không nhớ rõ có phải trung úy Đào, không dám bay thẳng ra biển, đành quay vô lại phi trường Sóc Trăng. Đáp đại ngoài đường, tưởng sao, quân cảnh không cho vô. hehe. Bác Thoàng nói “bỏ chạy hết rồi, cho tui vô lấy đồ”, quân cảnh suy nghĩ có lý nên cho vô. Xong bác Thoàng đi về nhà. Coi như hết phim. 30/4/1975. Câu chuyện tiếp tục rôm rả với các nhân vật: Gunner Dũng Bụng, pilot Tuấn bắc kỳ, co-pilot Quách Dũng Tiến lúc rớt ở Hải Yến, Cà Mau…Ba người ngồi nói chuyện ở quán nước mía số 254 Nguyễn Huệ Tp Sóc Trăng. Sau mới biết cái tháp truyền hình bị dời đi rồi, cái tháp ba cứ nhớ ngày xưa giờ không phải cái mình đang ngồi gần nữa. Buồn, tụi nó phá hết, không để lại dấu tích gì. Bác Thoàng thấy mình ngồi buồn, cũng hỏi thăm, thêm một người nữa hết sức ngạc nhiên sao mà nhìn ba ốm yếu mà dám đi xe máy xa vậy. haha. Sau đi theo vô nhà bác Thoàng chơi chút, nhà ở đường hẻm cắt ngang Trần Bình Trọng và đường gì quên rồi. Căn nhà nhỏ, phía trước mặt tiền Trần Bình Trọng thì em bác ở, nhà cha mẹ, nên phía sau bác Thoàng ở. Bước vô, hết hồn luôn, bác Thoàng sửa đồ điện tử, nhà cửa ta nói, chất đầy đủ thứ đồ, ruột gan phèo phổi của máy vi tính, tivi… Ba khoái lắm, đang chế cái máy hàn điện, thế là xin bác Thoàng cái mạch điện tử đem về. 11:00 trưa tạm biệt bác Thoàng, tạm biệt Sóc Trăng vô Cần Thơ chơi.

Đi quốc lộ 1, khoảng 64 cây số tới thành phố Cần Thơ. Ngay ngã ba, đi thẳng Vĩnh Long, quẹo trái vô Cần Thơ. Qua cầu Cái Răng vô đường 30/4. Thành phố mà, cái gì cũng có. Vincom plaza, coopmart… nhìn hiện đại hơn Bạc Liêu và Sóc Trăng nhiều. Đường xá cũng bự. Đi thẳng đường 30/4 5 cây số, vô bến Ninh Kiều. Đang chạy, thì hết hồn hết vía, nguyên bức tượng chủ tịch HCM “vĩ đại” mặc bộ đồ của anh “Mao Trạch Đông” đứng vẫy tay chào. Ám ảnh quá, cái bến của người ta tự nhiên ra đó “đứng” làm cái gì không biết nữa. Mất hứng à. Ngừng xe vô, chụp cho ba một tấm có chữ bến ninh kiều. Tất cả đều hiện đại hết, ba nói không còn cái gì của ngày xưa. Rồi chạy lên chút, chụp chợ cần thơ. Cảm giác vắng người, ba nói vậy là sầm uất rồi, nhưng sao vẫn ko thấy bát nháo như cái sài gòn. Định đi phi trường Cần Thơ, mà ba nói bác Lực biểu không thấy gì nữa đâu, nên thôi, không đi nữa. Vô đại quán ăn hai tô phở bò, nghỉ chút rồi đi về.

Tạm biệt Cần Thơ, đi về đây. Đường về thì ôi sao xa quá, haha. Đi mãi đi mãi và đi mãi. Cặp mông coi như tê liệt, cặp chân vẫn nóng rát BBQ. Lần sau có đi nhứt định sẽ mua quần độn mông bận, cho nó êm ái.   Sau khi đi mãi đi mãi thì cũng tới Mỹ Tho Tiền Giang, 4:00 chiều. Ko còn nhớ nổi đổ xăng lần mấy, chỉ muốn ngồi nghỉ luôn không về nữa. Vô tới Tân An, Long An, đi quốc lộ 1 nhưng ko đi tuyến tránh để đi ngang thành phố chơi, Long An đông nghịt người, xe máy khắp nơi y như Sài Gòn, lúc đó 4:45 hay 5:00 chiều gì đó, cầu Tân An cũ kẹt xe y như cầu sài gòn, khiếp đảm đi ra lại tuyến tránh rồi về. Đi mãi đi mãi, nhìn thấy được địa phận TPHCM, ôi trời đất ơi, thần linh ơi, vậy chứ mới vô tới Bình Chánh thôi   Về tới Kinh Dương Vương, 3/2 TPHCM, 6:00 kém 5. Bắt đầu công cuộc kiên nhẫn lội qua con đường đông như kiến, thèm được phóng 70-80 cây như trên quốc lộ biết mấy. Haha. Lúc mò vô tới cửa là 6:25 chiều, mình mẩy ê ẩm, sống lưng rêm rêm, tay chân cứng đơ, mặt mày bụi đen, mặt ba đen như cột nhà cháy, nhìn y như ông táo, nói chung chổ nào hở ra là nó đen hơn những chỗ còn lại. Haha.

Kết thúc chuyến đi khùng nhất chưa từng có. Tối 8:30 ngủ mất dép tới sáng. 

Hết.

up

AcDieu
Google Search:       
RFI
Nguoi_Viet
RFA
Quan_Su_VNCH
Quân Sử VNCH
Voa_tieng_Viet
msn
BBc_Tieng_Viet
Dan_lam_bao
Radio_VNHN

TIME