AcDieu225
Co Vang amazon Tammy

Free Hit Counters
Web Site Hit Counters

Khách viếng thăm

Translate

Powered by Translate

cam-on-anh_TPB (2).jpg

Một sáng kia thức dậy…

Khởi Nam

Thảm kịch thuyền nhân thập niên 80-90 của thế kỷ trước với hàng trăm ngàn oan hồn người Việt cứ tưởng đã mãi chấm dứt, nay đã tái diễn trong thế kỷ XXI với người vùng Trung Đông. Trên bước đường đi tìm tự do, nhiều nạn nhân của áp bức đã dần đuối chết vì sự thờ ơ của đồng loại – trước khi họ bỏ mạng trên biển.

Aylan & Reem

Mọi nhân mạng đều đáng quý, nên không thể có sự so sánh về những giọt nước mắt đầy hay vơi; như biển Đông năm xưa, Địa Trung Hải đang dần thành nấm mồ lớn đã thủy táng khoảng 2.350 thuyền nhân – riêng từ đầu năm đến nay.

Cuối cùng thì em bé Aylan Kurdi cũng được đưa về an táng ở quê nhà, kết thúc hành trình tìm bình an không bao giờ đến đích. Chúng là trẻ em mà. Có những tâm hồn đang rạn nứt đâu đó, bởi chẳng mấy ai có mặt ngay tại chỗ - vì chúng. Anh, Pháp, Đức và nhiều quốc gia đã mở rộng cửa hơn tiếp đón dòng người tỵ nạn… Nhưng tất cả các thay đổi thuộc dạng đối phó khẩn cấp này có đủ sức ngăn chặn những cuộc khủng hoảng nhân đạo khác sẽ xảy ra trong tương lai hay không – vẫn còn là một câu hỏi lớn, không chỉ len lỏi trong trái tim những người dân Âu châu mà còn lảng vảng trên nghị trường nhiều quốc gia khác trên thế giới.

Liệu việc Hoa Kỳ và các quốc gia vùng Vịnh đã tỏ ra rất hào phóng đóng góp tài chính giúp cải thiện đời sống của người Syria ở tại các trại tỵ nạn ở Jordan và Lebanon, hay tiếp nhận di dân như nhiều nước Âu châu – có phải là giải pháp lâu dài cho những cuộc khủng hoảng nhân đạo? Chẳng có gì để bảo đảm rằng, tương lai thảm họa nhân đạo tương tự sẽ không xuất hiện ở Á châu hay Mỹ châu. Chính sách của một đất nước sẽ đưa quốc gia ấy về đâu, một khi không gắn chặt với nền tảng nhân bản.

Đến hôm nay thì cả thế giới đều biết, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã dũng cảm đứng lên. Đức dự trù sẽ nhận hơn 800.000 người xin tỵ nạn chỉ riêng trong năm 2015, tức là cao gấp bốn lần so với năm 2014. Sự thay đổi đột ngột của bà Merkel khiến công luận nảy sinh không ít ngạc nhiên, bởi người ta khó mà quên hình ảnh về Reem - một bé gái tỵ nạn người Palestine bật khóc nức nở trong buổi đối thoại với Thủ tướng Đức Angela Merkel, từng được đài truyền hình NDR trình chiếu trên chương trình thời sự trước đây.

Reem đã thổ lộ “tôi cũng có những mục đích, khát khao, ước vọng như bất kỳ con người nào khác”. Trước mong muốn được tiếp tục học của Reem, bà Merkel hắng giọng: “Hừm. Tôi hiểu điều đó. Nhưng nhiều khi, tôi cũng phải cứng rắn về chính sách. […] Một số người rồi cũng phải hồi hương thôi“. Câu kết lạnh lùng của bà Merkel vô tình chạm đúng vào nỗi lo sợ có thể bị trục xuất bất kỳ lúc nào của bé gái người Palestine. Reem lặng đi một thoáng, rồi bỗng bật khóc. Ngay sau đó, bà Merkel tiếp tục diễn thuyết về yêu cầu cần phải hạn chế số người nhập cư vào châu Âu mà không đả động gì tới hoàn cảnh của Reem.

Tưởng chừng bằng cái vỗ lưng là giải pháp hữu hiệu cho những thân phận lưu vong. Từ khóa “cái vỗ lưng của Merkel” đã đi vào thế giới mạng như một lời chế giễu nhà lãnh đạo Đức quốc. Để đối chọi với cơn bão dè bỉu của những người phản đối, bà Merkel biện minh bằng lý luận phân liệt cơ chế chính trị và và giá trị nhân đạo thành hai lãnh vực độc lập với nhau. Thay vì phải tìm cách tu chỉnh một hệ thống chính sách thiếu bóng con người, Thủ tướng nước Đức lại đề cập đến hành lang luật pháp hiện hành – mà bản chất mớ bòng bong này là thủ tục hành chánh quan liêu. Mọi chuyện cứ trôi qua bình thản, như một nếp hành xử chính trị vốn dĩ. Lật lại hồ sơ châu Âu, trong cuộc khủng hoảng nợ trước đó tại Hy Lạp, Thủ tưởng Merkel đã từng thể hiện một lập trường quá cứng rắn và thiếu lòng cảm thông với hoàn cảnh khốn khổ của người dân Hy Lạp. Nhắc lại sự kiện này, có một bức ảnh thuộc loại “chế tác” hình bà Merkel đang vỗ lưng Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras, với chú thích đây là “chiến lược để giải quyết cuộc khủng hoảng Hy Lạp”.

Phong cách xử lý nặng kiểu hành chính không phải chỉ là lối làm việc của riêng nữ thủ tướng Đức mà còn là bóng tối của nghị trường Âu châu. Luôn trì hoãn các quyết định bất cứ khi nào có thể và và thận trọng phán xét mọi thứ với những số liệu trên giấy tờ, vờ như sau chúng không phải là các số phận con người… Liên minh châu Âu đã phải trả cái giá khá đắt cho sự khéo léo của các chính trị gia, khủng hoảng ở eurozone trầm trọng và kéo dài hơn dự tính. Những tính toán thực dụng đã biến một liên minh các quốc gia bình đẳng, chấp nhận hy sinh một phần nền độc lập cho lợi ích chung, thành một liên kết EU của những chủ nợ với con nợ.

Tất nhiên không riêng gì bà Merkel, đa số dân Âu châu đều hiểu rằng lòng nhân đạo là quan trọng, nhưng trong guồng máy hoạt động của một quốc gia – xem ra cũng còn những thực tế quan trọng hơn, như: khả năng duy trì ngân sách ổn định, mức tăng trưởng sản phẩm quốc gia… Trong lúc mãi lo đối phó với những điều rất “thực tế quan trọng” kia, cuộc khủng hoảng nhân đạo tỵ nạn đã tràn vào Âu châu.

Chính trị & tinh thần Nhân bản

Giờ đây, nỗi khốn khổ của con người đang làm các chính sách–vắng-con-người rúng động. Liệu những gì châu Âu đang thực hiện có phải là một giải pháp hoàn hảo? Một thế giới mà nhân quyền được luật pháp bảo vệ là Âu châu đang bị thử thách – khi đối diện hàng loạt trường hợp có quyền tỵ nạn không thể bị chối từ, vì phải đào thoát khỏi môi trường chính trị chuyên chế và áp bức.

Thực tế cần những giải pháp rốt ráo giải quyết trọn vẹn sự việc, và có phải chăng mọi chuyện bắt nguồn từ mức độ quan tâm đến con người? Thời đại Internet cho phép liên tục giải tỏa những hồ nghi, những quan điểm thuần túy thực dụng khó qua mặt được dân chúng. Một hệ thống chính trị không thể lành mạnh nếu cơ chế ấy thoát ly khỏi tinh thần nhân bản.

Những gì đang diễn ra với những người Syria bỏ quê hương ra đi hiện nay, đã có nhận định rằng là cuộc khủng hoảng người tỵ nạn tồi tệ nhất ở mức độ toàn cầu, kể từ năm 1945. Xu hướng sẽ phân bổ người tỵ nạn vào các nước thành viên EUtrên  cơ sở bắt buộc đang được Liên Hiệp Quốc xem là giải pháp duy nhất. Có lẽ cuối cùng rồi Âu châu cũng chấp nhận một hệ thống giải quyết làn sóng người tị nạn với sự tham gia của 26 thành viên tham gia khu vực tự do đi lại Schengen. Theo ước tính, trong năm nay nước Đức sẽ phải tiếp nhận khoảng 800.000 người tị nạn và tổng phí tổn nước Đức phải chi trả để cứu trợ người tị nạn có thể lên tới 10 tỷ Euro.

Trạng thái địa chính trị châu Âu hiện nay là lành mạnh, nền chính trị lục địa này không bị chi phối nhiều bởi cạnh tranh ý thức hệ; song những chính sách của tầng lớp lãnh đạo kỹ trị đã gây ra không ít những thất vọng khi đối diện những vấn nạn đời thường. Nền dân chủ ở châu Âu sẽ chệch hướng nếu tiếp tục lãng tránh các cam kết bảo vệ nền tảng nhân bản.

Phe có quan điểm bài ngoại ở Âu châu cần thức tỉnh; dòng người ra đi tìm kiếm tự do cũng là những đồng loại - không phải đám người man rợ hay lũ ăn bám đồng tiền nộp thuế của người dân châu Âu. Thái độ phẫn nộ suông trước hoạn nạn đồng loại cần thay đổi. Hiện ở Đức và Áo đã có nhiều người tình nguyện cung cấp thức ăn, đồ uống, chăn ấm và trà; trong đó có sự góp mặt của những người từng tỵ nạn từ biển Đông năm xưa. Nhưng khi người tỵ nạn đến quá đông, họ cũng không thể đảm đương hết mọi việc, thế nên việc chịu đói hay không có chỗ trú chân vẫn đang diễn ra.

Có vẻ câu chuyện bị giới hạn bên kia bờ Đại Tây Dương, không mấy liên can đến xứ Hoa Kỳ. Thảm họa nhân đạo này không nên để mặc cho châu Âu đối phó; các cường quốc khác như Hoa Kỳ và khối G7 cần có những động thái thiết thực hơn. Những nghĩa cử chia sẻ có vẻ đang bị thói ích kỷ dập tắt. Có phải chăng thị trường sôi động ngoài kia, đã đóng băng các tâm hồn giữ vai trò chủ thể của nền kinh tế? Nỗi bối rối khi đối diện cuộc khủng hoảng nhân đạo tại châu Âu sẽ có những tác động nhất định đến liên minh xuyên Đại Tây Dương. Bắc Mỹ, Úc châu và Đông Á không thể đứng nhìn như khán giả bên đường.

Các bức hình chụp xác cậu bé Aylan đã có tác động về mặt chính trị, khiến nhiều chính trị gia Âu châu thay đổi lập trường. Trong quá trình xây dựng sự thịnh vượng của một quốc gia dân chủ, trách nhiệm đạo đức cần thường xuyên được nhắc đến như một phần thể hiện về tư cách cần thiết đối với một công dân. Trong giai đoạn toàn cầu đang có nhiều nguy cơ bất ổn, cần đặt lại sự dấn thân cấp nhà nước. Nhân bản là giá trị rất thực, không phải là những lý tưởng tuyệt đối vượt quá tầm với của con người trong xã hội. Giải pháp bền vững vẫn là thế giới phải tỏ ra có trách nhiệm hơn trong tiến trình chuyển hóa các thể chế chính trị phi nhân bản. Những bối rối trước dòng người tỵ nạn hôm nay có phải chăng là hệ quả từ thái độ thờ ơ của Âu châu và nhiều cường quốc khác hôm qua…

Cùng về tương lai

Trong tình hình khẩn cấp hiện nay, tiếp cứu người tỵ nạn chỉ là một giải pháp tạm thời trong tình trạng khẩn cấp, nhưng Châu Âu nói riêng và toàn cầu nói chung – cần một hệ thống giải pháp nhân bản hơn: không chỉ giải quyết vấn đề người tỵ nạn mà còn tính đến phương cách giải tỏa các nguy cơ gây ra bi kịch phải trốn chạy khỏi quê hương của con người. Tôn trọng sự sống tha nhân không chỉ là một bổn phận đạo đức của các công dân mà còn được thể hiện một cách trực diện qua chính sách quốc gia; mưu cầu hạnh phúc cùng tương lai nhân loại là thước đo nhân tính phản ánh trình độ văn minh của một xã hội dân chủ tự do.

Hãy xác định các giá trị nhân bản ở mọi định mệnh. Nếu cứ mãi thờ ơ cùng đồng bào và đồng loại, có thể rồi một sáng kia thức dậy, chợt băn khoăn vì nhận ra: mình đang từ chối thân phận được làm… NGƯỜI.

9.2015

 

 

up

AcDieu
Google Search:       
RFI
Nguoi_Viet
RFA
Quan_Su_VNCH
Quân Sử VNCH
Voa_tieng_Viet
msn
BBc_Tieng_Viet
Dan_lam_bao
Radio_VNHN

TIME