AcDieu225
Co Vang amazon Tammy

Free Hit Counters
Web Site Hit Counters

Ac Dieu

ImageProxy.gif

ÂM HỒN TÀI TỬ

Nguyễn Thanh Liêm

 

"Đờn ca tài tử“ là một hoạt động nghệ thuật rất đặc biệt của người dân vùng đồng bằng sông Cửu Long, hay vùng Tiền Giang - Hậu Giang, tức là vùng địa lý trải dài từ Gó Công - Mỹ Tho - Bến Tre đến Sóc Trăng - Bạc Liêu - Rạch Giá, vv... Đây là vùng đất mới của người dân Việt trong tiến trình „Nam tiến“ từ miền Trung vào Nam trong các thế kỷ XVII - XVIII. Đờn ca tài tử với những bài cổ nhạc đầy rung cảm, nhất là với những câu vọng cổ buồn não nuột, lâm ly ai oán, trong thế kỷ qua đã gắn liền với xã hội miền Nam, nhất là với nền   "Văn Minh Miệt Vườn“ như nhiều người thường gọi.

Vào cuối thế kỷ XIX sang đầu thế kỷ XX vùng Hậu Giang còn nhiều rừng hoang chưa khai khẩn hết, dân cư vẫn còn thưa thớt. Khoảng 1875 - 1880 dân số ở Nam Kỳ chỉ có 1.620.000 người với diện tích trồng trọt khoảng 520.000 mẫu. Sau khi người Pháp đặt xong nền đô hộ ở Nam Kỳ, họ cho đào kinh, mở đường, để dân chúng khai khẩn thêm nhiều ruộng đất. Sang đầu thế kỷ XX dân số Nam Kỳ cùng diện tích trồng trọt tăng nhanh. Vào những năm 1911 - 1915 dân số đã lên đến 3.200.000, tăng gắp đôi so với thời thập niên 1870. Diện tích trồng trọt lúc nầy là 1.650.000 mẫu, gần gắp ba lần diện tích trồng trọt hồi bốn thập niên trước. Khi xảy ra cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới năm 1930 dân số ở miền Nam đã lên tới 4.500.000 người với diện tích trồng trọt hơn 2.000.0000 mẫu.  Trong vùng Tiền Giang - Hậu Giang có một khu vực địa lý gọi là „Miệt Vườn.“ Đây là vùng đất tương đối cao, hoặc là đất ruộng mà người dân đào mương, đắp bờ làm thành những bờ đất cao để có thể trồng nhiều thứ cây trái, từ cây kỹ nghệ như dừa khô, đến cau, chuối và các loại cây ăn trái khác như cam, quýt, bưởi, xoài, ổi, điều, mận, dâu, mít, măn cụt, lơm chơm, sầu riêng, bòn bon, vv... Vùng miệt vườn này cũng có ruộng lúa nhưng diện tích trồng lúa ít hơn diện tích làm vườn rất nhiều. Phần lớn các ông điền chủ miệt vườn chú trọng vào việc khai thác huê lợi vườn hơn huê lợi ruộng. Làm vườn chỉ cực lúc đầu khi mới lên bờ cần phải trồng chuối, trồng khoai mì, để cho cỏ đừng lên được nhiều, chờ cho đất bớt phèn mới bắt đầu trồng dừa. Thường là phải từ năm năm sau trở lên mới bắt đầu có huê lợi. Nhưng khi có huê lợi rồi thì điền chủ miệt vườn sẽ rất thoải mái. Thường thì chỉ cần mướn người giựt dừa, thả xuống mương đem dừa về sân nhà, bán ra hằng tháng lấy tiền xài. Sáu tháng dừa treo thì huê lợi ít một chút, nhưng qua sáu tháng dừa mùa thì lợi tức vô nhiều hơn bù lại những tháng kia. Kinh tế miệt vườn cũng như đời sống của người dân miệt vườn rất thoải mái, nhất là các ông điền chủ miệt vườn. Trên toàn cõi Đông Dương vào năm 1930 có tất cả 6.690 đại điền chủ (có từ 50 mẫu đất trở lên). Trong số này riêng Nam Kỳ đã có tới 6.300 người. Thành ra đa số đại điền chủ đều ở trong vùng đất mới khai khẩn này, nhất là vùng miệt vườn.

Ngoại trừ những năm bị ảnh hưởng nặng nề của cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới (các năm 1930, 1931, 1932, và tệ nhất là 1933), khiến nhiều điền chủ phải phá sản, nhất là các điền chủ chủ ruộng có vay tiền của Chà Chetty hoặc các cơ quan địa ốc (bởi giá tiền một giạ lúa còn có một cắc mà thôi, thay vì một đồng tám trước kia, tiền lúa không đủ trả tiền lời, nợ bị chồng chất, đất bị tịch thu) còn thì trọn thời gian từ đầu thế kỷ XX đến năm 1939, khi Đại Chiến Thế Giới Thứ Hai bắt đầu, có thể xem như là thời kỳ rất bình yên, rất thịnh trị của xã hội miền Nam. Đời sống của người dân miệt vườn lúc này có thể coi như một cõi thiên đàng hạ giới, nhất là đời sống của các ông điền chủ miệt vườn. Trong cảnh thanh bình, sung túc đó, với cuộc đời thong thả, các ông điền chủ thường tổ chức hội họp ăn nhậu đờn ca xướng hát tìm thú giải trí thanh tao trong những chuỗi ngày buồn trong cảnh vắng vẻ ở nhà vườn. Phong trào đờn ca tài tử ra đời trong hoàn cảnh xã hội đó. Bộ môn được dân miệt vườn hâm mộ nhất là cổ nhạc, và những người trong các nhóm đờn ca tài tử là những người chuyên về cổ nhạc. Phong trào này xuất hiện vào khoảng đầu thế kỷ XX ở miền Nam Việt Nam, và phát triển mạnh mẽ ở miệt vườn. Tập sách nhạc đầu tiên mang tựa đề „Bản đờn tranh và bài ca“ được tái bản lần thứ tư vào năm 1910. Trong sách có những bản Lưu Thủy Trường, Tứ Đại, Nam Xuân, Nam Ai, và một ít bài khác. Tiếp theo đó từ 1915 trở đi nhiều tập bài ca như trên được xuất bản với nhan đề có chữ tài tử trong đó, như Tứ Tài Tử, Bát Tài Tử, Lục Tài Tử, Thập Tài Tử. Những tập bài ca này chứa đựng từ 19 đến 21 bài ca cổ nhạc trong đó. Đề tài phần lớn lấy trong truyện Tàu như Chiêu Quân Cống Hồ, Đào Viên Kết Nghĩa, Bá Nha Tử  Kỳ, Thoại Khanh Châu Tuấn, vv... Truyện Thúy Kiều cũng là một đề tài được các tài tử khai thác. Hình bìa của các tập bài ca này thường mang hình vẽ các nhạc cụ mà người tài tử thích sử dụng như đờn cò, đờn kìm, đờn tranh, ống tiêu, nhịp sanh, đờn độc huyền.

Hãy tưởng tượng cuộc sống của những người điền chủ miệt vườn. Thường thường họ là những ông chủ, mướn người làm và trông chừng cho người ta làm cho mình tất cả từ móc mương, bồi mương, phát cỏ, giựt dừa, lượm dừa, gánh dừa, lùa dừa, lột dừa, vv và mình chỉ có việc bán dừa lấy huê lợi hằng tháng sống thoải mái thảnh thơi. Họ có nhiều thì giờ rảnh rỗi, có nhiều phương tiện giải trí. Một ít anh em bạn bè thường tụ họp lại với nhau,  ít thì đôi lần một tháng, nhiều thì có thể bốn năm lần. Họ ăn uống, đờn ca có khi cả đêm. Những đêm có trăng họ hay thả thuyền trên sông, mang đồ ăn theo, ăn nhậu, vừa đờn ca xướng hát vừa thưởng ngoạn cảnh vật thiên nhiên. Đó là lối giải trí thanh tao mà người xưa đã từng tận hưởng. Người xưa đã dùng chữ tài tử để chỉ những nhà nho có tâm hồn nghệ sĩ biết tận hưởng những thú vui thanh tao đó. Đó là những người có tâm hồn tuy cũng là nhà nho nhưng phóng khoáng thanh tao, không bị trói buộc chật hẹp bởi lợi danh, bởi những luân lý khắt khe của thánh hiền. Họ biết thưởng thức cái đẹp của thiên nhiên, họ biết dùng cung đàn điệu hát để nâng cao tâm hồn, họ biết để tình cảm của mình hòa nhịp với điệu nhạc lời thơ.  Lý Bạch, Tô Đông Pha cũng như Bá Nha Tử Kỳ đều là những tâm hồn tài tử đó. Nhà Nho Việt Nam cũng vậy. Với ít nhiều ảnh hưởng Lão Trang, nhà nho thấy tâm hồn mình khoáng đạt hơn, tài tử hơn là những kẻ chỉ biết vất vả làm lụng, nô lệ cho đồng tiền, ép mình trong khuôn khổ chật chội của những luân lý khắt khe bóp nghẹt tình cảm tự nhiên của con người. Họ là những tâm hồn thanh cao biết tìm những thú vui văn chương, ca nhạc bên cạnh các ả đào có tài có sắc. Với những bài hát nói và ca trù nổi tiếng nhà nho tài tử đã tạo một truyền thống giải trí thanh cao tao nhã cho người dân Việt sau này. Nguyễn Du, Nguyễn Công Trứ, Cao Bá Quát, Chu Mạnh Trinh, Dương Khuê, kể cả con người rất mực đạo đức của Nguyễn Khuyến cũng đều thuộc nòi tình, có tâm hồn tài tử nói trên.

“Tài tử với giai nhân là sẵn nợ.“

 

hoặc là:

 

Giang tay người tài tử khách thuyền quyên,

Chén rượu thánh câu thơ thần thích chí.“

 (Cao Bá Quát)

 

Tài tử như ta thấy trên đây là người có tâm hồn rộng rải, phóng khoáng, thanh cao, có khuynh hướng thẩm mỹ, có nhiều tình cảm đẹp đẽ thể hiện trong lời ca tiếng nhạc. Họ biết tìm những thú vui thanh cao, tao nhả. Tiếng đàn, giọng hát, lời thơ là những phương tiện giúp giải sầu, giúp quên đi những nỗi buồn khổ, băn khoăn của kiếp người. Nói như Cao Bá Quát :

 

“Ba vạn sáu ngàn ngày là mấy,

Cảnh phù du trông thấy cũng nực cười.“

 

Nhà Nho tài tử xưa kia là như thế, và người đờn ca tài tử sau này trong xã hội miệt vườn cũng vậy. Họ đều cùng là những người trong một nòi tình với nhau. Phong trào đờn ca tài tử với những bản cổ nhạc nhiều rung cảm phát triển mạnh trong không khí thanh bình của nền „văn minh miệt vườn“. Phong trào được phổ biến rộng rãi một phần cũng nhờ chữ Quốc Ngữ đã chánh thức ra đời và bành trướng khắp nơi. Việc in ấn và xuất bản được thực hiện dễ dàng hơn trước.

Từ việc học đờn, học ca, đến kinh nghiệm trình diễn, đến sửa đổi, biến chế, sáng tác, không mấy xa xôi, khó khăn, nhất là đối với những người có óc sáng tạo bẩm sinh. Những người đờn ca tài tử, khi lăn lộn trong nghề, không khỏi không đẻ ra những cái mới lạ. Họ phải là những người đã chế biến thêm thắt vào những bài cổ nhạc cũ để mỗi ngày làm cho nền cổ nhạc được phong phú hơn. Từ những đề tài xưa cũ người ta thêm dần những đề tài mới mẻ hơn, và từ những bản đàn xưa người ta đẻ ra những bản nhạc mới hơn. Trong tiến trình tự nhiên đó, đờn ca tài tử là cha đẻ của Sân khấu cải lương và những câu ca vọng cổ sau này vậy.

   

 

up

AcDieu

Tin vui

Tin Buồn

Bài Củ

08-2014

07-2014

06-2014

05-2014

04-2014

03-2014

02-2014

01-2014

RFI
Nguoi_Viet
RFA
Quan_Su_VNCH
Quân Sử VNCH
Voa_tieng_Viet
BBc_Tieng_Viet
Dan_lam_bao

TIME