AcDieu225
Co Vang amazon Tammy

Free Hit Counters
Web Site Hit Counters

Ac Dieu

ImageProxy.gif

Cầu hồn

Hạo Nhiên Nguyễn Tấn Ích‏

Lúc tôi lên bảy tuổi, mẹ tôi sinh đôi hai đứa em trai. Ðứa nào cũng mũm mĩm, trắng trẻo, ai nấy đều trầm trồ khen đẹp như tượng . Bà con nội ngoại đến thăm cứ dành nhau ôm vào lòng nựng nịu. Thấy nhiều người  khen, sợ “bà quở ”, cha mẹ tôi cấm chị vú bồng hai đứa bé ra ngoài.

Ðến ngày thôi nôi, chúng nó ngủ suốt đêm không thức dậy đòi sữa. Mẹ tôi đến săm soi mấy lần  thấy hai đứa nhỏ ngủ say, ngáy như người lớn. Mấy giờ sau thì chị vú phát giác chúng nó không còn thở nữa. Mẹ tôi hốt hoảng mời thầy thuốc đến chẩn mạch. Thầy bảo tim chúng đã ngưng đập.  Có điều lạ lùng là hai đứa đang khỏe mạnh không hề khóc nhè và cả hai chết đúng ngày Phật Ðản 18 tháng Tư âm lịch. Nhìn hai đứa em đặt nằm song đôi, tôi không tin là chúng nó đã chết. Khuôn mặt tươi tắn  như đang ngủ. Cha tôi vô cùng đau đớn. Ông bứt tóc, đấm ngực như người thất chí, còn mẹ tôi ngồi nơi cuối giường nhìn thi hài hai đứa con mà lầm bầm như nói chuyện với hồn ma. Trước cái chết kỳ bí như thế, bà con nội ngoại khuyên cha mẹ tôi phải mời pháp sư có tay ấn cao nổi tiếng đến nhà trừ yểm.

 

Các thầy bấm độn, bốc quẻ, cầu cơ, ngồi đồng. Sau cùng mới có kết luận :

“ Dòng họ nhà tôi có một vong linh hay bắt con cháu đem theo hầu hạ”.

Cha tôi nhớ lại những cái chết tương tự như đứa con ông bác chết lúc lên hai, con bà cô chết vừa đầy tháng. Con ông chú chết lúc thôi nôi khiến cha mẹ tôi sợ hãi nên  chỉ còn đặt niềm tin vào quyền phép của các thầy.

Ðể yểm trừ tận gốc, các thầy yêu cầu tổ chức ba ngày trai đàn. Không thể trì hoãn, cha mẹ tôi lập tức cho dựng trại, làm sạp, tuân hành răm rắp theo sự hướng dẫn của quý thầy. Trước ba ngày, cha tôi phải ăn chay, nằm đất. Mẹ tôi hối thúc người làm, kẻ xay lúa giã gạo, người gói bánh tét chay. Nấu liền hai ngày đêm hàng trăm chiếc bánh không nhân để cúng cô hồn và phát chẩn. Tìm mua một con chó vàng có bốn khoang chân màu trắng và một con gà tơ trống chân vàng, lông trắng đúng theo sự đòi hỏi của quý thầy.

Ngày khởi sự là đêm mười bốn tháng bảy. Cả chục ông pháp sư, ông nào cũng tỏ ra có tay ấn cao cường. Vào giữa đêm, các thầy khai lễ “Ðánh Ðồng Thiếp”.  Trai đàn, cờ xí, khói hương nghi ngút, tiếng sanh, tiếng mõ vọng liên hồi. Pháp sư tay bắt ấn quyết, miệng hô thần chú triệu khiển âm binh, âm tướng. Những bức tranh thần hộ pháp treo quanh bàn thờ trông diện mạo thần nào cũng dữ dằn, kinh khiếp. Nhìn thấy là đủ  rợn người. Một “xác đồng” mặt phủ khăn vải điều ngồi đối diện trước bàn thờ. Pháp sư khởi đọc bài cầu vong :

 

Tiết tháng Bảy mưa dầm sùi sụt

Toát hơi may lạnh buốt xương khô

Não người thay, buổi chiều thu

Ngàn lau nhuốm bạc lá ngô rụng vàng

……………………………………

Trong trường dạ tối tăm trời đất

Có khôn thiêng phảng phất u minh

Thương thay thập loại chúng sinh

Hồn đơn phách chiếc lênh đênh quê người

Tiết đầu thu lập đàn giải thoát

Nước tĩnh đàn sái hạt dương chi

Muôn nhờ đức Phật từ bi

Giải oan cưú khổ độ trì Tây phương…

 

Bài cầu hồn khá dài tôi chỉ trích một đoạn. Hương đăng phưởng  phất cộng thêm giọng đọc trầm buồn đầy khẩn thiết như lung linh theo hàng nến tỏa, khiến tâm trí mọi người phiêu phiêu, say say trong bầu không khí u hiển. Từng chặp, từng chặp, pháp sư lại bắt quyết, hô thần chú truyền  lệnh cho âm binh, âm tướng triệu dẫn vong hồn lai lâm. Tay trái bắt ấn quyết, tay phải thầy vung dải khăn điều trước mặt xác đồng để tróc vong.

Một khắc sau, xác đồng “dậy” run toàn thân do hồn ma nhập, tiếng thở rít lên phì phì như người bị cơn lạnh cóng. Sau vài phút đồng hồ, xác đồng vùng đứng lên đi quanh lễ đài. Một giọng nói the thé của người con gái nổi lên :

“Ta là bà tổ cô Nguyễn Thị Hương, con gái thứ năm của ông tổ tộc trưởng Nguyễn Chất và mẹ ta là bà chánh thất Phùng thị Nương”. Nói đến đây chợt xác đồng ôm mặt khóc. Cha tôi vô cùng bối rối. Gương mặt ông như kẻ mất hồn liền quỳ mọp lạy xác đồng liên hồi. Chợt bà lên tiếng quát tháo quở trách lũ cháu chắt đã bỏ quên bà để hồn ma cô đơn lạnh lẽo, mộ phần không người chăm sóc nguội lạnh khói hương. Cha tôi lạy hồn bà cố tổ trong xác đồng xin tha tội và nguyện dâng đầy đủ lễ vật. Hồn bà tổ cô đòi cấp áo quần, mười hai hình nộm hài nhi và thuyền linh để bà đi về tiên cảnh. Nói xong, xác đồng chạy thẳng xuống bờ sông gieo mình xuống dòng nước đang chảy xiết.

Một pháp sư phóng người xuống sông ôm xác đồng lên bờ. Bỗng xác đồng rùng mình đẩy đám người đứng chung quanh dạt ra rồi chạy nhanh như gió băng qua cánh đồng, vượt qua khu rừng thưa đến thẳng nghĩa địa. Các Pháp sư và gia nhân đốt đuốc soi đường chạy theo.  Ðến nơi, người ta thấy xác đồng nằm phủ phục trên một nấm mộ đã bị nước chảy xói mòn, không bia mộ. Pháp sư bắt ấn quyết, phất khăn phù để xả. Xác đồng nằm thoi thóp như người sắp chết, người nhà phải dùng võng khiêng xác đồng về trai đàn.

Ngày hôm sau, cha tôi bảo với mẹ tôi và các chị rằng : Tên ông tổ Nguyễn Chất, bà chánh thất Phùng thị Nương và bà tổ cô Nguyễn thị Hương đều có tên trong gia phả. Còn cái mộ kia thì được một vị trưởng thượng trong dòng họ Nguyễn đã chín mươi tuổi thuộc chi dưới xác nhận thuở còn trẻ, ngày chạp mả hàng năm ông thường được bố của ông cho biết đó là mộ của bà tổ cô chết trôi trong mùa nước lụt năm Thìn  khi còn trẻ.

Ngày kế tiếp là những cuộc cúng  tế âm binh âm hồn, giết gà, giết chó để trừ ma quỷ. Người trong nhà được dây máu chó trên khăn bịt đầu, uống huyết gà. Các thầy dùng phép chém hình nộm dán bùa trên cây chuối để trừ tà.  Ngày cuối cùng là lễ cúng trên mộ phần bà tổ cô Nguyễn thị Hương. Các thầy đốt vàng mã, 12 hình nhân, thả thuyền linh trên sông vào nửa đêm. Ðèn trên thuyền sáng rực. Có điều lạ lùng là thuyền ra giữa sông không trôi theo dòng nước mà  đi theo vòng tròn của hình xoáy ốc từ rộng đến hẹp, cuối cùng thuyền chìm ngấm như bị con nước xoáy cuốn hút xuống đáy sâu. Các thầy bảo : “Hồn hiển linh đã đưa thuyền về cõi âm.”

Suốt ba ngày đêm, không lúc nào trai đàn vắng người xem. Có lẽ lần đầu tiên người làng tôi mới chứng kiến được cảnh cúng trai đàn và cầu hồn lớn như vậy.

Ðó là hình ảnh một trong những sinh hoạt tâm linh thời bấy giờ đã khắc ghi trong trí nhớ của tôi.

Suốt 9 năm sau đó, sống trong thời Việt Minh của liên khu 5, những sinh hoạt như thế bị đả phá kịch liệt. Chính quyền Việt Minh Cộng sản cho đó là nạn “mê tín dị đoan”, tàn dư  của bọn phong kiến, thực dân để lại. Họ kích động các đội Thanh Thiếu Niên Tiền Phong đập phá các tượng thờ, bôi xóa các chữ Thần, câu đối trong đình miếu…Tuổi thơ chẳng biết gì, chỉ hành động theo tính hiếu động của mình. Các bậc cha mẹ luôn luôn giữ yên lặng trước việc làm xúc phạm đến thần thánh của con cái. Thời đó con cái sẵn sàng tố cáo cha mẹ nào vi phạm chính sách, nói năng phản động  đối với đảng và nhà nước….

Rồi hiệp định Geneve được ký kết, cán bộ, bộ đội ở Miền nam từ vĩ tuyến 17 trở vào phải tập kết ra miền Bắc.  Vùng Liên Khu 5 được chính quyền Quốc Gia tiếp thu. Một chế độ tự do, những sinh hoạt về tâm linh của ngày xưa trở lại . Nhà thờ, đền  miếu, chùa chiền được sửa sang , hoặc xây dựng lại. Hoạt động tôn giáo mỗi ngày mỗi lớn mạnh. Cha tôi và một số bô lão trong làng mang trả lại cho các nơi thờ tự những tượng phật, tượng chúa, tượng Quan Công … mà họ đã âm thầm chôn dấu dưới hầm nhà khi chính quyền Việt Minh phát động phong trào bài trừ “mê tín dị đoan” cho người đi đập phá các nơi thờ tự .

Trước những thay đổi hoàn toàn trái ngược của thời cuộc, đức tin của tuổi trẻ bị xáo động, không kiên định được đâu là chánh, đâu là tà. Chỉ một điều duy nhất  mà tôi ghi nhận là sau này mẹ tôi sinh thêm ba người con gái hoàn toàn khỏe mạnh. Phải chăng đó là kết quả của ba ngày trai đàn? Một trong ba đứa em gái của tôi là hoa khôi của trường nữ trung học, được chọn đóng vai trong hoạt cảnh “Trưng Trắc Trưng Nhị” đoạt giải nhất văn nghệ toàn tỉnh.

Đến tháng Tư năm 1975, toàn thể Miền Nam rơi vào tay Cộng sản.  Chính sách triệt hạ các cơ sở tín ngưỡng được thực thi triệt để. Họ dùng ban tôn giáo trong Mặt trận Tổ quốc nhân danh sức mạnh của quần chúng tịch thu các nơi thờ tự như chùa chiền, nhà thờ, thánh thất . Ðập phá các hình tượng thiêng liêng, san bằng mồ mả trong các nghĩa địa lấy đất làm nghĩa trang liệt sĩ cách mạng hay cho xây dựng những tụ điểm vui chơi như công viên văn hóa, bãi chiếu phim lộ thiên, sân đá bóng…Dân chúng Miền Nam vô cùng uất ức nhưng đành phải câm lặng trước sự đàn áp thô bạo của chính quyền cộng sản.

Dương Thái Lan là con trai trưởng của bà cô Út trong dòng họ nhà tôi. Sau ngày đất nước hết chiến tranh, Lan mang vợ con từ Hà Nội trở về Nam sau hơn hai mươi năm tập kết ra miền Bắc. Vì  là thành phần thương binh nên hắn được chính sách ưu đãi. Chính quyền địa phương cấp nhà ở và đám ruộng tương đối phì nhiêu trên cánh đồng Lớn.  Ðám ruộng hắn nhận được vừa thuận nước, gần nhà lại sát đường huyện lộ. Duy có một điểm khiến cho vợ hắn không bằng lòng là có cái mả cổ nằm chình ình giữa ruộng. Ðối với Dương Thái Lan điều đó chẳng khó khăn gì. Chỉ qua mấy ngày sau, một mình hắn cặm cụi dùng cuốc san bằng nấm mộ đồ sộ rồi tháo nước vào, bừa bằng mặt trở thành đám ruộng rộng thênh thang. Người dân trong làng nhìn thấy hành động của hắn đều lắc đầu le lưỡi rồi thầm thì với nhau:

“ Chỉ có cán bộ cách mạng mới dám xúc phạm đến cái mồ linh thiêng đó.” Hắn đứng nhìn thành quả của mấy ngày qua rồi tự khen mình có quyết định sáng suốt. Hắn bảo với vợ: “Dân ngụy lạc hậu thật, cái thói ‘mê tín dị đoan’ đã làm cản trở cả công tác sản xuất”.

Vợ hắn cũng là một đảng viên kỳ cựu nên được cấp trên đề bạt cho giữ chức Bí thư Phụ nữ xã. Ðời sống kinh tế gia đình hắn cao hơn rất nhiều so với người dân lao động bình thường.

Khi đám ruộng của hắn đã làm đất đâu vào đấy, tổ vòng công được kêu đến cấy. Vừa đặt chân  xuống ruộng, các bà phát hiện có rất nhiều rắn. Loại rắn đầu đỏ , đuôi đỏ, cổ khoang xanh. Không biết rắn độc hay hiền, các bà sợ quá bỏ chạy không dám đứng nhìn bầy rắn đang ngo ngoe bơi trên mặt nước loạn xạ . Vợ chồng hắn cùng đứa con trai phải dành một ngày để tận diệt rắn. Nhưng khi cả nhà bước chân xuống ruộng thì đàn rắn biến đi đâu mất. Hắn nổi giận kêu ầm lên rồi đuổi vợ con về nhà để một mình hắn canh chừng chờ khi nào rắn xuất hiện là hắn đuổi theo chém bằng chiếc phảng, loại dao phát bờ.

Ðợi mãi, đến chiều tối một con rắn nổi lên mặt nước giữa ruộng. Hắn nhanh chân phóng xuống ruộng đuổi theo. Khi hắn ở cuối bờ thì rắn lại nổi lên bờ phía bên kia. Rắn và người cứ vờn nhau lội bì bõm trên đám ruộng bùn và nước.  Cả ngày nhịn đói, với đôi chân thương tật của hắn không còn chịu đựng nổi nên ngả sấp trên mặt ruộng ngất đi. Rất may, người đi đường trông thấy vội vã vực hắn dậy. Thóat chết, hắn vác phảng thất thểu về nhà với nỗi căm tức tột độ .

Ðêm đó, hắn không ngủ được vì kiệt sức, thêm lòng căm hận bầy rắn. Hắn còn để trí suy  nghĩ tìm ra một phương cách nào diệt gọn chúng. Nào là rải thuốc độc, nào dùng lưới bũa, lại có cả kế hoạch hiện đại hơn là dùng dòng điện châm vào nước thì lũ rắn yêu tinh đó không chạy đâu cho thoát. Phương cách sau cùng hắn cho là hữu hiệu .

Trong giấc mơ, hắn thấy bầy rắn chết phơi xác lềnh bềnh trên mặt ruộng. Hắn đứng trên bờ thọc tay vào túi quần cười ha hả. Bất ngờ, bầy rắn sống lại bơi tụ vào một chỗ ở giữa ruộng. Trong lúc hắn đang bối rối thì bầy rắn biến thành một cụ già râu tóc bạc phơ, trông rất tiên phong đạo cốt đến đứng trước mặt hắn bảo:

“ Nhà của ta đang ở, tại sao ngươi đến cào phá. Ta hẹn đến ngày Rằm tháng Tư này, ngươi phải xây lại nhà cho ta. Nếu không nghe, nhà ngươi chớ có trách ta”.

Hãi quá, hắn hét toáng lên. Vợ hắn nằm bên cạnh nhanh tay đập vào trán chồng còn ướt nhẹp mồ hôi. Với bộ não đặc sệt duy vật biện chứng, hắn cho là giấc mơ bình thường nên không chú ý nữa. Suốt mấy ngày liên tiếp, vợ chồng hắn khẩn khoản, nằn nì đám người cấy vòng công nhưng không một ai dám bén mảng tới gần đám ruộng. Vợ chồng hắn đành phải dầm mưa tự cắm mạ trên ruộng cho kịp vụ mùa.

Ðúng ngọ ngày Rằm tháng Tư, cả gia đình hắn đang ăn cơm trưa. Chợt thằng con trai với đôi mắt trợn trừng, tròng mắt  đỏ ngầu, chỉ đũa vào mặt bố, hét lên :

“ Ta là Thái Tử Thuần Ðồng. Hôm nay về đây để hỏi tội tên Dương Thái Lan tại sao  phá mồ mả của ta.”

Vừa nói đến đó, thằng con trai liền phóng hai chiếc đũa bay xẹt qua hai bên mang tai cha như hai mũi tên rồi cắm phập vào bức tường vách đất sau lưng ông bố. Mụ vợ la mắng thằng con sao chơi đùa xấc láo với bố lại còn nguy hiểm nữa. Thằng con như không đoái hoài đến lời la mắng của mẹ, hắn ngồi xếp bằng như tượng Phật, hai tay bắt ấn đặt trên đầu gối.

Dương Thái Lan  tay chân run bần bật như người lên đồng, mặt tái xanh, miệng há hốc. Ðầu cổ hắn xoay tròn khiến thức ăn và nước dãi trong mồm văng tứ tung. Mụ vợ trố mắt ngạc nhiên tưởng cha con đùa chơi cho đến khi thấy chồng vọt lên cây trính giữa nhà treo lơ lững bằng đôi chân thương tật thì la làng kêu cứu. Hàng xóm chạy đến trông thấy ông chồng bà bí thư Hội Phụ nữ xã  treo tòn teng trên cây trính bằng hai chân tréo lại. Hai mắt hắn trợn trừng, lưỡi thè ra như lưỡi chó. Người ta phải bắc thang để đưa hắn xuống. Nhưng hai bàn chân hắn tréo vào nhau cứng như dây xích sắt, gở mãi không ra. Một cụ già nhìn đứa con rồi nhìn người cha, ông đã hiểu được nguyên nhân nên đề nghị bà vợ thắp hương khấn vái xin bề trên tha cho chồng. Bà vợ hắn sợ quá nên nhờ người chạy mua nhang thực hiên ngay. Bà bí thư phụ nữ xã phải cúi rạp mình lạy đứa con trai đang ngồi bắt ấn, hiện thân của  thần linh Thái Tử Thuần Đồng . Chỉ một thoáng sau là đôi chân của cán bộ Dương Thái Lan  mềm ra và đươc mọi người đưa xuống. Thằng con cũng ngã nằm dài trên mặt phản gỗ.

Những vị cao niên trong làng cho biết ngôi mộ giữa ruộng của hắn rất linh thiêng . Khi chưa “giải phóng”, vào những ngày lễ hoặc ngày rằm, mồng một, người ta mang hoa qủa đến thắp hương cầu xin về sức khoẻ, gia đạo, hay cầu cơ xin số đề rất linh ứng. Ông góp ý với gia đình nên đắp lại cái mả ấy như xưa. Nếu không, tai họa có thể đến, sẽ không lường được.

Chuyện xảy ra trong nhà bà Bắc kỳ bí thư phụ nữ xã, không ngờ loan truyền rất nhanh ra cả huyện. Sau cùng đến tai các ông huyện ủy. Ðể chận đứng tình trạng “mê tín dị đoan” trong dân chúng, bà bí thư phụ nữ xã bị cách chức ngay. Ðứa con trai học trung học cũng không được thi vào đại học với lý do hạnh kiểm xấu, đầu óc còn lạc hậu , địch có thể dễ dàng đầu độc, lợi dụng.

oOo

Những mẩu chuyện kể trên xảy ra tại quê nhà, tôi là người trong cuộc vừa là một chứng nhân. Những ngày tháng sống trên đất Hoa kỳ, một đất nước mà nền khoa học thực nghiệm phát triển vào bậc nhất hoàn vũ thế mà vẫn hiện hữu những căn nhà ma trong hàng thế kỷ, những linh hồn xuất hiện ngay cả trong tòa Bạch Ốc mà khoa học không thể giải thích được. Học thức càng uyên thâm, càng tin tưởng chung quanh  ta còn có thế giới vô hình .

Vừa qua, tôi đọc bài viết “Hành Trình Tìm Mộ Chị Gái của Tướng Trần Ðộ” của Trần Toàn Thắng là con trai của tướng CS Trần Ðộ tường thuật.

Vào khoảng 1997, tướng Trần Ðộ gặp nhà Ngoại cảm Nguyễn Văn Liên, người nổi tiếng với việc chỉ dẫn tìm kiếm hàng ngàn hài cốt liệt sĩ. Trần toàn Thắng viết:

“Qua điện thoại, cha tôi nói: “Tôi có một người chị gái bị tù ở Hỏa lò rồi ốm chết trước Cách Mạng Tháng Tám. Không biết bây giờ mộ ở đâu?”. Ngưng một hồi lâu, ông Liên bảo: “Còn mộ đấy, có thể tìm được, ông hãy theo hướng dẫn của tôi sau đây : Ông đứng trước cửa Hoả Lò, chiếu thẳng về hướng Nam, cách khoảng 2 km, mộ nằm ở đó. Nhưng tôi sợ bây giờ nhà cửa của người dân xây san sát như thế, mộ nằm phía dưới sẽ rất khó tìm đấy”.

Cha tôi đối chiếu bản đồ, thấy rõ khu vực ông Liên hướng dẫn là vùng Bạch Mai, Hồng Mai bây giờ. Cha tôi sực nhớ đến Thiếu tướng Chu Phác, đồng đội cũ, hiện là Chủ nhiệm bộ môn Cận Tâm lý (Trung Tâm Nghiên Cứu Tiềm Năng Con Người của CSVN).

Ông Phác quen biết khá nhiều nhà ngoại cảm nổi tiếng như Nguyễn Văn Liên, Phan Thị Bích Hằng, Nguyễn Khắc Bảy, Thẩm Thuý Hoàn , Dương Mạnh Hùng, Nguyễn Văn Nhã, Nguyễn Thị Phương… Cha tôi liền tìm đến Thiếu tướng Phác nhờ giúp đỡ. Ông vui vẻ nhận lời và lên kế hoạch tìm mộ.

Ngày 4/8/2000, Thiếu tướng Chu Phác cùng nhà ngoại cảm Nguyễn Khắc Bảy đến nhà tôi ở đường Trần Hưng Đạo (Hà Nội). Anh Bảy ngồi đối diện với cha tôi, chăm chú nhìn vào trán ông, miệng hỏi, tay vẽ sơ đồ. Anh Bảy cho biết: Mộ bác Câu tôi hiện vẫn còn, nằm gần mộ ông Hồng Văn Thụ, trong vùng Hồng Mai. Mộ bác ở cạnh một vũng nước, trong khu vực còn nhiều mộ. Có những bộ hài cốt đã chuyển đi. Khu vực này có những công trình kiến trúc lớn như đình, chùa, trường học, xưởng máy. Đường xá vào đó khá ngoằn nghèo.

Ngày 25/11/2000, Thiếu tướng Chu Phác lại dẫn một nhà ngoại cảm khác là Dương Mạnh Hùng đến gặp cha tôi. Anh Hùng sinh ngày 15/6/1959 hiện ở quận Hoàn Kiếm (Hà Nội). Anh tốt nghiệp Trường Trung cấp Y học có tay nghề bốc thuốc, được truyền thủ thuật bắt mạch bệnh nhân, đặc biệt là bắt mạch thái tố. Bắt mạch thái tố cho cha tôi, anh hỏi: “Trong nhà bác có người phụ nữ nào chết từ lúc còn rất trẻ không?”

Cha tôi trả lời: “Có anh ạ! Đó là chị tôi. Hiện tôi đang muốn tìm mộ chị ấy”. Cha tôi vừa nói dứt lời, anh Hùng đã nhìn xoáy vào góc phòng, miệng lẩm bẩm: “Đã xuất hiện rồi”. Cha tôi sốt sắng hỏi: “Anh nói cái gì? Ai xuất hiện cơ ạ?”. Anh Hùng vẫn khẽ khàng: “Chị gái bác”. Đoạn, anh bảo cha tôi đưa cho một tờ giấy trắng và cây bút rồi phác thảo ngay một khuôn mặt phụ nữ. Cha tôi nhìn, giật mình thấy khuôn mặt trong giấy giống chị Câu thuở sinh tiền như đúc. Từ đấy, anh Hùng cứ nắm chặt cổ tay cha tôi, mắt nhìn chăm chú vào góc phòng và bắt đầu trò chuyện. Tóm tắt những thông tin thu được là: Bác Câu là một người con gái trẻ đẹp, to cao, bị ốm phù nề rồi chết. Mộ bây giờ ở nơi giống bãi tha ma, muốn đi tới đó phải qua những con đường ngoằn nghèo có tên là Bạch Mai, Trương Định, Hồng Mai. Mộ ở gần một ngôi chùa và đình, gần một hàng nước mà ông chủ hàng là một ông già độ 60 tuổi tên Trúc, có bà vợ tên Thu. Hồn Bác Câu hay về nhà ông Trúc. Gần mộ bác Câu có một cây hoa râm bụt đỏ, một lùm hoa trinh nữ cây trắng… Bác Câu chết vào năm Giáp Thân (1944), vào mùa thu, tháng 8, đêm 26 rạng ngày 27 âm lịch.

Cứ như trí nhớ của mẹ tôi (bà Nguyễn Thị Hằng), người đã ở tù cùng bác Câu thì một buổi sáng, mẹ đến làm vệ sinh cho bác đã thấy bác nằm chết cứng. Có thể, bác chết lúc gần sáng. Bác chết năm trước thì năm sau Nhật đảo chính Pháp. Vì thế, mẹ cứ tiếc bác Câu tôi không sống thêm mấy tháng để trốn khỏi nhà tù. Năm sau là năm 1945, vậy năm trước đúng là năm 1944 (Giáp Thân). Anh Hùng cho biết thêm: Hài cốt bác Câu còn một chứng tích, đó là hàm răng đen của bác bị gãy một cái.

Trong suốt hai ngày 26 và 27/11/2000, Thiếu tướng Chu Phác đã đưa ba nhà ngoại cảm là Nguyễn Khắc Bảy, Dương Mạnh Hùng và Thẩm Thúy Hoàn đi thực địa. Họ đến làng Hồng Mai, tìm đến chùa Nga My và ngôi đình làng thờ tướng quân Trần Khát Chân, ra khu vực nghi ngờ có mộ bác Câu tôi. Điều kỳ lạ là tất cả những gì hiện hữu trước mặt lúc ấy đều trùng khớp với những thông tin mà các nhà ngoại cảm đã cung cấp từ trước.

Mộ bác Câu tôi nằm bên cạnh một vũng nước, cách cây hoa đại trắng chừng 3-4m. Mộ chỉ là một mô đất cao 10-20cm, bên cạnh con đường xi măng nhỏ, phía sau đình và gần chùa.

Cũng trong ngày 26/11, nhà ngoại cảm Phan Thị Bích Hằng đã có cuộc “trò chuyện” với hồn bác Câu tôi tại Văn phòng của Bộ môn Cận Tâm lý ở số 46 Nguyễn Văn Ngọc (Hà Nội). Thông tin Bích Hằng nhận được là: đến làng Hồng Mai, hỏi chùa Nga My, cách một khu vườn vài chục mét. Mộ nằm ở nơi đất bằng phẳng, cạnh gốc cây chuối gần chùa Nga My và đền thờ Trần Khát Chân. Có cây hoa đại. Mộ nhìn lên hàng rào dây thép gai ở đầu nhà dân. Bác Câu mặt bị sưng to và nằm nghiêng, sâu độ 70-90cm. Mộ không có tiểu, khi đào phải cẩn thận.

Điều đặc biệt là tuy các nhà ngoại cảm làm việc độc lập với nhau song các tín hiệu đưa ra có nhiều điểm trùng hợp. Điều đó khiến cả nhà tôi vui mừng và tràn đầy hy vọng, nhất là cha tôi. Ngày 13/12/2000, cha tôi điện thoại vào TP Hồ Chí Minh, yêu cầu tôi thu xếp công việc ra Hà Nội để thay cha tìm mộ bác. Cha tôi lúc này đã 78 tuổi, lại đang ở vào giai đoạn cuối của bệnh tiểu đường nên sức khoẻ sa sút trầm trọng. Trước khi lên máy bay, Thiếu tướng Chu Phác có điện thoại cho tôi, yêu cầu tôi liên lạc với nhà ngoại cảm Nguyễn Văn Nhã ở TP Hồ Chí Minh. Qua điện thoại, anh Nhã cung cấp thông tin:

- Vị trí mộ đúng như các nhà ngoại cảm ở Hà Nội đã xác định,

- Cách mộ hơn 3m về phía Tây có một cây hoa đại trắng cao hơn 3m,

- Cách mộ chừng 1,5m có bụi cỏ khô cao hơn 1m,

- Trên mộ có ba mảnh thủy tinh hoặc sành lấp lánh,

- Mộ gần vũng nước,

- Năm ngày nữa anh đến, cách mộ mấy mét có con gà trống kiếm ăn ở đó. Và quả thực, đúng như lời của nhà ngoại cảm Nguyễn Văn Nhã đã báo trước khi tôi đến viếng mộ…”

Trần Toàn Thắng.

oOo

Còn một câu chuyện thực khác rất đau lòng và cũng đầy tàn nhẩn. Nhà Ngoại cảm Phan thị Bích Hằng cùng với hai nhà ngoại cảm khác là Nguyễn Khắc Bảy và Thẩm Thúy Hoàn đã phát hiện 500 hài cốt của bộ đội đặc công vùi sâu dưới lòng suối bị tử thương trong trận đánh tại căn cứ Biệt kích K’ Nak thuộc huyện K’ Bang tỉnh Gia Lai mà cấp chỉ huy đã che dấu trước sự thất bại to lớn nầy. Các nhà Ngoại cảm đã nói chuyện với liệt sĩ tiểu đoàn trưởng Ngô Trọng Ðãi, người đã tử thương cùng với 500 bộ đội bỏ xác tại căn cứ nầy và hiện giờ xác bị vùi sâu dưới lòng suối Ðắc-Lốp. Chuyến đi tìm xác do anh Phạm Văn Mẫn là một thương gia, là em ruột của liệt sĩ Phạm Văn Thành đã chết trong trận nầy đứng ra bảo trợ. Một phái đoàn gần 40 người. Trong đó có những người trực tiếp chỉ huy trận đánh, trực tiếp chiến đấu hoặc đích thân  mai táng các tử sĩ, như Trung tá Nguyễn Văn Ẩm, Trung tá Nguyễn Văn Cán, Trung tá Nguyễn Minh Sang,Trần Duy Trung, Nguyễn Trọng Bình, Châu Khải Ðịnh, Trần Tấn Ước…và rất nhiều cựu chiến binh nhân chứng tháp tùng . Ðặc biệt chuyến đi có Thượng Tướng Nguyễn Nam Khánh làm trưởng đoàn. Trong lúc cầu hồn tại mồ chôn tập thể, hồn của tiểu đoàn trưởng Ngô Trọng Ðãi đã buông lời trách móc :

“Nếu đồng chí Nguyễn Huy Chương, nguyên chính trị viên trưởng tiểu đoàn, người quyết định trận đánh mà có trách nhiệm đến thăm anh em chúng tôi ngay từ khi hòa bình lặp lại thì có bao nhiêu anh em sẽ đến đây hương khói họặc tìm cách đưa chúng tôi về bên gia đình , chứ có đâu đến bây giờ đã trải qua 37 năm hương tàn khói lạnh mới tìm đến. Nơi nầy tắm máu anh em xong rồi bỏ đấy. Hồn liệt sĩ Thành nói chen vào:

“ Mẫn ơi! Chỉ cần em vào đây thắp hương là đủ rồi. Ðể anh ở lại đây. Không phải anh không muốn về. Anh cũng nhớ mẹ lắm chớ nhưng sợ em “lực bất tòng tâm” vì anh đang nằm dưới làn nước sâu.”

Chuyến đi nầy hoàn toàn thất bại vì mộ chôn bên dòng suối cạn năm xưa giờ nằm sâu dưới lòng hồ đập nước thủy điện thuôc huyện K’Bang tỉnh Gia Lai.

Mới đây, đầu năm 2007, tôi được nghe một đoạn băng thu âm bài phát biểu của Giáo sư Trần Văn Hà trước một cuộc họp của Mặt trận Tổ quốc, một tổ chức ngoại vi của đảng cộng sản Việt Nam.  Ông Hà với tư cách là ủy viên Hội đồng Khoa học Kỹ thuật, ủy viên Hội đồng Tư vấn Hội nghị Khoa học Trung ương. Ông cùng với Giáo sư Viện sĩ Vũ Tiên Hoàng khẳng định là có linh hồn một trăm phần trăm. Ông chứng minh qua thực tế không khác gì kết quả qua khoa học thực nghiệm lâm sàng rằng các nhà “Ngoại Cảm” ở trong nước đã có khả năng nói chuyện, tiếp xúc với linh hồn người đã chết ( Ðây là hình thức đánh đồng thiếp của pháp sư ngày xưa). Cụ thể là được hồn người chết hướng dẫn họ tìm ra hàng ngàn bộ hài cốt của những bộ đội chết trên trên đường vào Nam tham gia trận chiến. Ông liệt kê tên họ của những nhà “Ngoại Cảm” hiện giờ đang nổi tiếng tại Việt Nam như : Nguyễn Văn Liên, Nguyễn Văn Nhạn, Phan thị Bích Hằng, cô Nam Nghĩa, chị Phương ở Hàm Rồng, chị Thảo, cô Năng… Trong số các nhà “Ngoại Cảm” hiện nay ở trong nước có người con trai của DươngThái Lan người bộ đội thương binh . Xin chúc mừng cháu H. đã có năng lực siêu nhiên giúp đời và lấy lại danh dự cho bố mẹ.

Trong buổi nói chuyện này, Giáo sư Trần Văn Hà có những kiến nghị lên thượng cấp đang hiện diện. Ðó là các ông Ðào Mạnh Ðức và Vũ Thế Khanh, như sau:

- Nhà nước phải công khai xác nhận có thế giới tâm linh và lập viện nghiên cứu tìm mộ người đã mất dựa vào những nhà “Ngoại Cảm”

- Cần có chế độ trợ cấp cho những nhà “Ngoại Cảm” đi tìm mộ.

- Cấp bằng khen thưởng cao quý cho những nhà “Ngoại Cảm” có công trạng tìm được 1000 mộ trở lên.

- Chủ tịch nước hiện nay phải đứng ra xin lỗi nhân dân về những sai lầm trong mấy chục năm qua là đã chủ trương phá chùa chiền, đền thờ, miếu mạo, san bằng mồ mả trong các nghĩa trang…

- Hàng năm, nhà nước tổ chức lễ cầu siêu cho các vong linh từ Nam chí Bắc không phân biệt chính kiến Bắc Nam.

Giáo sư Hà đã đưa ra những chứng minh cụ thể là ông đã nhờ nhà “Ngoại Cảm” Nguyễn Văn Liên tìm ra mộ đứa cháu ruột kêu bằng chú đã mất tích trên 40 năm. Cô Bích Hằng tìm được mộ người cha ruột của một ủy viên trung ương đảng chết tại Côn Ðảo. Sau  khi thử nghiệm DNA xác nhận là đúng nhưng ông ủy viên trung ương này yêu cầu dấu tên. Giáo sư còn phát hiện có một số vị trong Bộ Chính Trị cho vợ con ghi tên mình trong chùa Phúc Khánh ở Hà Nội để hàng năm dâng sớ cầu phước, cầu nguyện đấng linh thiêng phò hộ cho tai qua nạn khỏi. Nói chung, đa số các đảng viên hiện nay tin là có linh hồn, có thế giới tâm linh nhưng vì “cái đuôi định hướng xã hội chủ nghĩa” của chế độ đã làm cản trở tâm linh của các đồng chí ấy!

Giáo sư Hà mỉa mai :

“ Tại sao chúng ta không mạnh dạn sống thực với đức tin của mình như Bác hồ đã thú nhận trong di chúc rằng Bác đi gặp Các Mác, Lê Nin. Như vậy, chính Bác Hồ là người tin có linh hồn, có thế giới tâm linh. Người nào bảo tôi là duy tâm, tôi thương họ quá, bởi vì họ nông cạn quá, họ dốt nát quá. Họ đã tôn thờ một chủ thuyết ngoại lai như một tôn giáo là chính họ đã duy tâm rồi!” ”

oOo

Vừa rồi, tôi được đọc tác phẩm “Bí Ẩn Của Cái Chết” của nhà văn Thinh Quang gởi tặng. Ðây là một tác phẩm sưu khảo rất công phu. Trong cuốn sách này, tôi xin được đơn cử một câu chuyện gần gũi với cộng đồng Việt Nam ở hải ngoại. Ðó là chuyện hồn ma chưa siêu thoát hơn một trăm năm tại Hý Viện Quốc Gia Hoa Thịnh Ðốn. Kịch sĩ John Mc Culloagh đã hiện ra phá bĩnh show “Hành Trình 30 Năm” của trung tâm Asia trình diễn trong ngày 16 tháng Tư, năm 2005. Chín cái camera thu hình và chiếc máy projector chính để phóng hình lên màn ảnh đều bị trục trặc không duyên cớ. Các nghệ sĩ đã nắm tay nhau cầu nguyện. Không khí thật u tịch. Trong lúc tuyệt vọng, nhạc sĩ Trúc Hồ và Việt Dũng đứng ngay trên sân khấu cầu nguyện linh hồn nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng, Duy Khánh và vong linh hàng trăm ngàn người tỵ nạn đã chết về đây thương lượng với oan hồn kịch sĩ này để cho show diễn được.

Tiếng cầu nguyện của Trúc Hồ và Việt Dũng trước 1300 khán giả vào lúc chương trình xuất trưa đang diễn.

Và phép lạ đã xảy ra !

Trong lúc Don Hồ hát ca khúc “ Mười Năm Yêu em”, bỗng trên trần cao, một miếng Plastic rớt xuống sân khấu ngay cạnh ca sĩ Don Hồ. Rồi bất ngờ 9 máy camera thu hình đồng loạt hoạt động bình thường. Ðây là chuyện ma phá phách đã xảy ra trước hàng trăm nhân chứng sống giữa ban ngày. Ngoài số ca sĩ, chuyên viên quay hình…, còn có các nhân vật nổi tiếng trong cộng đồng Việt Nam như kỹ sư lừng danh Dương Nguyệt Ánh, khoa học gia Anh Kim làm việc cho NASA, cựu Ðại Tá Vũ Văn Lộc, Cô Thy Vân – Giám đốc trung tâm Asia. Chính các nghệ sĩ Thanh Thúy, Thanh Tuyền và Lâm Nhật Tiến lo sắm lễ vật, hương đèn, đặt bàn thờ phía sau sân khấu khấn nguyện.

Câu chuyện ma trên đây và nhiều chuyện ma hiện hồn do nhà văn Thinh Quang đã kể lại từ kinh nghiệm bản thân của tác giả cùng với những sưu khảo trong các tài liệu có giá trị trên toàn thế giới đã chứng minh rõ ràng là hồn ma hiện hữu trên thế gian nầy. Cộng với những nghiên cứu về môn khoa học huyền bí đối chiếu với khoa học thực nghiệm của Giáo sư Trần Văn Hà, Viện sĩ Vũ Tiên Hoàng là những cán bộ cộng sản cao cấp trong giới khoa học của chế độ Cộng Sản Việt Nam hiện thời, họ đã mạnh dạn quả quyết rằng: “Có linh hồn, có thế giới tâm linh”

Như vậy,  chuyện của thế giới vô hình không còn là chuyện hoang đường huyễn hoặc nữa. Ðã gần một thế kỷ, người cộng sản chủ trương tiêu diệt đức tin tôn giáo lấy danh nghĩa bài trừ “Mê Tín Dị Ðoan” nay trở thành gậy ông đập lưng ông.

Ðã đến lúc bạo quyền Việt Nam nên mạnh dạn lột bỏ cái nhãn hiệu duy vật ngoại lai đã hoàn toàn thối rữa mà thế giới xem như một xác chết không có linh hồn. Hãy quay về với bản sắc dân tộc Việt Nam đã bám rễ trong tâm hồn tự ngàn xưa của  con cháu Lạc Hồng.

 

 

up

AcDieu

Tin vui

Tin Buồn

Bài Củ

08-2014

07-2014

06-2014

05-2014

04-2014

03-2014

02-2014

01-2014

RFI
Nguoi_Viet
RFA
Quan_Su_VNCH
Quân Sử VNCH
Voa_tieng_Viet
BBc_Tieng_Viet
Dan_lam_bao

TIME