AcDieu225
Co Vang amazon Tammy

Free Hit Counters
Web Site Hit Counters

Ac Dieu

ImageProxy.gif


 


Tế bào gốc 

 

  BS. Hồ Ngọc Minh

 

LTS: Bác Sĩ Hồ Ngọc Minh được biết trong cộng đồng người Việt nhiều năm qua với chuyên khoa về hiếm muộn, vô sinh, và lựa chọn trai gái theo ý muốn. Ông đã từng làm nghiên cứu về bệnh hiếm muộn, và các bệnh ung thư của phụ nữ tại National Cancer Institute trực thuộc National Institutes of Health. Bác Sĩ Minh là Board Certified về Obstertrics, Gynecology và Reproductive Endocrinology Infertility. Phòng mạch tọa lạc trong khuôn viên bệnh viện Fountain Valley, tại 11180 Warner Ave., Suite 465, Fountain Valley, CA 92708. Số phone liên lạc: (714) 429-5848, trang nhà:www.bacsihongocminh.com

 

Hôm ngày 4 tháng 9, 2014, các bác sĩ nước Nga cho biết họ đã tìm ra phương pháp sử dụng tế bào gốc (stem cells), cấy ghép vào trong lá gan, để cho lá gan đã bị xơ cứng có thể “tự chữa”. Tin tức có vẻ phấn khởi cho cộng đồng người Việt ta vì bệnh đau gan khá nhiều. Tuy nhiên, đọc cho kỹ bản tin, thì thí nghiệm này, như bao nhiêu ngàn thí nghiệm khác trước đây chỉ thành công trong chuột bọ mà thôi.

 

Trong bài viết, “Ăn nhau thai”, BS. Minh để dành chưa nói đến một lý do thiên hạ muốn ăn nhau thai, hay sử dụng sản phẫm chế biến từ nhau thai để làm mỹ phẩm, kem dưỡng da, đó là, nhau thai có chứa tế bào gốc. Thế thì phương cách sử dụng tế bào gốc như thế này khả dĩ có hiệu nghiệm hay không?

Thật ra cho đến nay, chỉ có một công dụng duy nhất của tế bào gốc được công nhận là có giá trị lâm sàng đó là việc hiến và ghép tuỷ sống cho người bị hoại huyết vì ung thư máu, vì trong tuỷ có chứa tế bào gốc.

Năm 1974, người ta khám phá ra trong lá nhau và máu cuốn rốn có chứa tế bào gốc, và trong vòng 20 năm kế tiếp các khoa học gia biết thêm là tế bào gốc đến từ cuốn rốn có công dụng giống như tế bào gốc ở trong tuỷ sống. Sự hiểu biết nầy đưa đến những thí nghiệm thành công trong việc sử dụng tế bào gốc từ cuốn rốn để cấy ghép cho người bị ung thư máu vào khoảng năm 2005, và cho đến nay đã có khoảng 40,000 cuộc cấy ghép từ máu cuốn rốn được thực hiện để chữa trị ung thư máu. Hệ quả song song, là sự ra đời của các công ty cung cấp dịch vụ lưu trữ máu cuốn rốn của em bé sau khi sanh (cord blood banking) để sử dụng về sau, lỡ khi cần. Hiện nay người ta suy luận là, tế bào gốc chứa trong máu cuốn rốn ngoài việc chữa ung thư máu có thể dùng để chữa những bệnh nan y khác, “trên lý thuyết”!

 

Ở đây ba chữ “TRÊN LÝ THUYẾT” nằm trong ngoặc kép.

 

Thế thì tế bào gốc là gì? Nguồn gốc của tế bào gốc từ đâu tới? Lợi ích có thể có của tế bào gốc là những gì? Tương lai của các khám phá, chữa trị với tế bào gốc sẽ đi về đâu?

 

Khi một tế bào phân chia, một số tế bào được giữ lại làm vốn, đại khái như “lúa giống” để dành cho mùa sau, những tế bào nầy có khả năng tiếp tục sanh sản khi cần để bảo trì các cơ phận của cơ thể bị hao mòn. Những tế bào “lúa giống” nầy gọi là tế bào gốc. Như thế để phân loại, người lớn cũng có tế bào gốc “adult stem cells” và phôi thai cũng có... tế bào gốc “embyonic stem cells”. Tương tự, động vật cũng có tế bào gốc mà cây cỏ cũng có...tế bào gốc “plant stem cells”. Thai nhi cần tế bào gốc để lớn, trong khi người lớn cần tế bào gốc để sống, và, khi mà nguồn tế bào gốc ngày càng cạn dần, thì chúng ta sẽ già, sẽ cỗi, da nhăn, má tóp, lưng khom…

 

Nói về khả năng thì tế bào gốc có thể chia ra làm 5 nhóm khác nhau:

Te_bao_goc

 

1. Totipotent: (toti: toàn phần, potent: hiệu lực, hiệu năng) trên nguyên tắc phôi mới thụ tinh cho đến ngày thứ 4 là tế bào gốc nguyên thủy, từ đây “tế bào gốc” nầy có thể biến, sanh trưởng ra bất cứ loại tế bào nào khác kể cả tách ra thành sanh đôi sanh ba giống nhau như đúc. Sanh sản vô tính (cloning) dùng các tế bào ở giai đoạn nầy.

 

2. Pluralpotent: (plural: nhiều) embryonic stem cell, là tế bào từ phôi khoảng 5-đến-7 ngày tuổi. Từ đây tế bào gốc nầy có thể biến thành tất cả các cơ phận khác nhau như tế bào thần kinh, xương da, ruột gan nhưng mất khả năng để biến thành toàn bộ con người.

 

3. Multipotent: (multi: khá nhiều) tế bào gốc có chứa trong lá nhau, cuốn rốn, trẻ sơ sinh và cả trong người lớn đều có nhiều hay ít. Nhưng tế bào nầy có hạn chế chỉ biến ra một số tế bào khác trong nhóm mà không thể biến ra toàn thể cơ phận khác trong cơ thể. Thí dụ từ hệ thần kinh không thể sanh ra da thịt được.

 

4. Oligopotent: (oligo: ít, hiếm) cụ thể là tế bào máu có trong tủy sống biến ra khác tế bào của máu kể cả hồng huyết cầu, bạch huyết cầu v.v.v

 

5. Unipotent: (uni: một) tế bào nào sanh ra tế bào ấy, thí dụ như tế bào mỡ sanh ra mỡ , thịt sanh ra thịt, xương ra xương v.v...

 

Như thế tế bào gốc có giá trị lâm sàng tốt nhất là loại thứ 2 lấy từ phôi 5 ngày tuổi vì khả năng sanh sản thành những tế bào khác rộng rải nhất, “có nhiều đường binh” nhất. Ngoài ra khi cấy vào người khác, nhóm tế bào gốc thứ 2 còn có cái lợi là ít bị dị ứng vì nó còn non. Tuy nhiên để có tế bào gốc từ nhóm thứ 2 thì phải huỷ đi một hay rất nhiều phôi thai, có thể nói là huỷ đi những mạng sống có thể có được! Vì thế, vì luân lý và đạo đức, một số nghiên cứu gần đây tìm cách biến nhóm thứ 3 để có tính năng giống nhóm thứ 2. Cách biến đổi ngược chiều (subvert) này dựa trên hiện tượng sanh sản của tế bào ung thư!

>te_bao_goc

Những thí nghiệm sơ khởi trong vòng 20 năm vừa qua cho thấy khi tiêm cấy tế bào gốc nhóm 2 vào trong các con chuột, có thể giúp đỡ chữa trị các bệnh liệt thần kinh, ung thư, xơ gan v.v... Tuy là thí nghiệm trên tế bào gốc của chuột, nhưng những khám phá nầy cũng tạo niềm phấn khởi là một ngày nào đó, hy vọng không xa, người ta có thể làm những điều tương tự cho con người như chữa bệnh bại liệt cột sống, bệnh run rẩy Parkinson, bệnh ung thư các loại, bệnh tim mạch v.v... Các tài tử như Michael J. Fox, Christopher Reeves, bỏ tiền thiện nguyện tài trợ bạc triệu dollars cho các công trình nghiên cứu về tế bào gốc nầy. Tài tử Robin Williams treo cổ tự tử một phần khi biết mình mắc chứng bệnh run Parkinson, chưa có thể tri được với tế bào gốc. Cho tới nay Michael J. Fox vẫn còn chịu đựng vì bệnh Parkinson còn tội nghiệp, Christopher Reeves tài tử đóng phim Superman tới khi chết vẫn chưa đi được, huống gì là có thể bay, sau khi bị liệt toàn phần vì chấn thương cột sống.


Thật ra cho đến nay, chỉ có một công dụng duy nhất của tế bào gốc được công nhận là có giá trị lâm sàng đó là việc hiến và ghép tuỷ sống cho người bị hoại huyết vì ung thư máu, vì trong tuỷ có chứa tế bào gốc.

 

Tại sao đường đi vẫn còn nhiêu khê?

 

Thứ nhất, những hiểu biết về tế bào gốc vẫn còn quá phôi thai. Các chữa trị nếu có thì chỉ “may nhờ rủi chịu”, “phước chủ, may thầy” vì đa số không có kết quả hoàn hảo và kết quả không giống nhau, tùy theo mỗi tình huống. Ngoài việc chữa trị ung thư máu, một số trường hợp sau khi ghép tế bào gốc, các người bị gãy xương “có vẻ mau lành hơn”, chưa có một bằng chứng nào cho thấy tế bào gốc có thể giúp người ta có được trái tim mới, người liệt biết đi, vân vân và vân vân...

 

Thứ nhì, là để có đủ lượng tế bào gốc sử dụng cho việc chữa trị, khoa học gia phải dựa vào kỹ thuật học hỏi được của việc “sao nhân bản vô tính”. Bạn còn nhớ BS. Minh đã đề cập đến việc nầy trong bài viết “Sanh sản vô tính”? Ngoài ra như khi truyền máu hay khi cấy ghép tim, thận nếu tế bào gốc không tương thích sẽ gây ra đại hoạ! Khi dùng tế bào gốc nhóm thứ 3, không phải từ phôi thai, lý tưởng nhất là của người nào xài cho người đó. Để tránh tình trạng bị dị ứng “rejection” khi cấy ghép, một “dòng tế bào gốc” gọi là “cell-line” phải được cấy riêng cho mỗi cá nhân sử dụng. Kỹ thuật làm “dòng tế bào” lại đi vay mượn từ hiện tượng “sống đời” của những tế bào ung thư, làm sao cho tế bào gốc được sanh sản mà không bao giờ chết. Hiện tại chưa có một “dòng tế bào gốc” nào của con người hiện hữu trên thương trường , mà nếu có các công ty biotech đang tìm tòi phát triển, tổn phí có thể lên đến nhiều triệu dollars.

 

Thứ ba là vấn đề làm sao cho các tế bào gốc, cho dù từ nhóm 2, khi ghép vào sẽ tác động đính thực, vừa đủ vào những tế bào mình muốn nó chữa (target oriented)? Vì chúng có thể biến thành bất cứ loại tế bào nào trong cơ thể sau khi cấy ghép. Chưa kể vì chúng là tế bào “sống đời”, có những cơ chế đã thay đổi như tế bào ung thư, thay vì chữa, chúng có thể gây ra ung thư hay không? Khó khăn nầy vẫn chưa có thể vượt qua được. Tờ báo khoa học Scientific American có tường trình một trường hợp một bác sĩ hút mỡ bụng và bơm vào mí mắt của người bệnh cho được đầy và thơ mộng. Sau đó không biết có sự tương tác với các loại mỹ phẫm có kích tố tăng trưởng sao đó mà các tế bào gốc có trong nhóm mỡ được cấy ghép nầy phát triển thành một... cục xương… trên mí mắt, chứ không phải là “giọt sương trên mí mắt”.

 

Một số sản phẩm hay mỹ phẩm có trên thị trường nếu có chứa tế bào gốc thì chỉ là tế bào gốc cây cỏ, hay tế bào gốc động vật, và có bao nhiêu tế bào gốc sống sót trong các hoá chất của sản phẩm, không ai có thể biết được, cũng như không ai có thể thẩm định công hiệu của các sản phẩm này. Vì tế bào gốc có thể sản xuất ra kích tố tăng trưởng IGF’s nên các sản phẩm nầy dựa trên giả thuyết là, tuy cơ thể con người không thể sử dụng được tế bào gốc của cỏ cây, động vật nhưng, kích tố tăng trưởng có thể giúp cho da thịt “tươi mát” trở lại. (Xin đọc thêm loạt bài “Ghiền đường”, “Gạo lứt”, “Mất ngủ” và các bài khác để hiểu thêm về kích tố tăng trưởng IGF’s). Đại loại cũng như thuốc dược thảo, không phải cấy ghép, mổ xẻ, vô thưởng vô phạt, vì thế nên cơ quan FDA chưa phàn nàn cho lắm về các sản phẩm có chứa tế bào gốc kiểu này. Tương tự, trở lại việc ăn nhau thai, tế bào gốc có trong nhau thai rất ít mà có còn cũng sống không nổi sau khi nấu nướng, biến chế chưa kể đến môi trường acid ở trong bao tử.

 

Tóm tắt, kỹ thuật cấy ghép tế bào gốc hoàn chỉnh vẫn còn cách độ vài ba chục năm nếu không nói là cả thể kỷ trước khi có thể thành hiện thực. Giá trị chữa bệnh chân chính của tế bào gốc là chuyện có thực, chỉ hơi sớm để biết nó sẽ phát triển theo chiều hướng nào. Sẽ có một ngày, giấc mơ trẻ mãi không già, hay tế bào gốc có thể giúp để chữa bá bệnh từng bước trở thành hiện thật cũng như... iPhone số 1, 2, 3, 4, 5, 6 cũng là chuyện khoa học viễn tưởng của thế kỷ trước.

 

Nếu ai nói đến cấy ghép tế bào gốc bằng cách truyền máu hay mổ xẻ, thì bạn nên tìm biết sự trung thực và các tiến bộ của việc cấy ghép tế bào gốc và nên tham khảo với các trung tâm nghiên cứu lớn, các trường giảng dạy Y Khoa danh tiếng ở Mỹ, chứ đừng nghe, đừng đọc những gì “người ta đồn rằng…” trên Internet. Nếu có “tham khảo” Internet thì hay dùng cụm từ “Stem Cell Snake Oil”, Google sẽ cho bạn cả triệu dẫn chứng. Chương trình “60 minutes” của đài truyền hình CBS có mục phóng sự “Stem Cell Snake Oil Story”, còn lưu trữ trên Youtube,https://www.youtube.com/playlist?list=PLD587E43B9B2BE78B, nếu bạn muốn xem cho biết. Chuyện kể về những người nhẹ dạ bị lường gạt là sẽ được dùng tế bào gốc để chữa khỏi bệnh liệt do thoái hóa hệ thần kinh ALS (Amyotrophic lateral sclerosis). Cho đến nay, “trên lý thuyết”, tế bào gốc có thể giúp chữa bệnh ALS, nhưng, trên thực tế không có một chữa trị nào thành công cả. Vì thế, gần đây có phong trào ủng hộ tinh thần cho những người nầy bằng cách…tắm nước đá, “ALS ice bucket challenge”.

 

Khoảng năm 1900’s ở Mỹ có một số người quảng cáo bán “Dầu Rắn”, “Snake Oil” có thể chữa bá bệnh trên trời dưới đất. Không biết rắn có dầu hay không nhưng “Snake Oil” thật ra chỉ là một loại dầu tràm hay dầu khuynh diệp do người Tàu định cư ở San Francisco đem sang phòng khi trái gió trở trời. Hai chữ “Snake Oil” của Mỹ đồng nghĩa với thành ngữ “Treo đầu dê bán thịt chó” của ta, hiểu sao thì hiểu, nhưng xin đừng để chúng biến giấc mơ của bạn thành cơn ác mộng hãi hùng.

 

 

up

AcDieu

Tin vui

Tin Buồn

Bài Củ

08-2014

07-2014

06-2014

05-2014

04-2014

03-2014

02-2014

01-2014

RFI
Nguoi_Viet
RFA
Quan_Su_VNCH
Quân Sử VNCH
Voa_tieng_Viet
BBc_Tieng_Viet
Dan_lam_bao

TIME