AcDieu225
Co Vang amazon Tammy

Free Hit Counters
Web Site Hit Counters

Ac Dieu

ImageProxy.gif

Tin Hoa Kỳ : Sau Ferguson, chú ý dồn vào các ụ nổ súng của CS

 Tin của VOA‏

 

ATT00000 (1).jpg

Sau Ferguson, chú ý dồn vào các vụ nổ súng của cảnh sát

Vụ một cảnh sát viên da trắng nổ súng hồi tháng trước bắn chết một thiếu niên Mỹ gốc Phi Châu sau một vụ đối đầu trên đường phố ở Ferguson trong bang Missouri đã thu hút sự chú ý vào các vụ việc tương tự khác ở khắp Hoa Kỳ, giữa các cuộc biểu tình phản đối và yêu cầu của các nhà lãnh đạo dân quyền đòi điều tra về thành kiến chủng tộc trong hành vi hung bạo của cảnh sát.

Chưa đầy 1 tuần sau cái chết của Michael Brown ở Ferguson, cảnh sát ở thành phố St. Louis gần đấy lại bắn chết Jajieme Powell, một người da đen 25 tuổi mắc bệnh tâm thần cầm một con dao nhỏ trong tay. Hai cảnh sát viên đã nổ súng trong vòng 15 giây khi đến hiện trường nơi Jajieme Powell đang đi vòng quanh trong trạng thái vô định, tay buông thõng.

Tại Utah, một thanh niên da đen 22 tuổi bị cảnh sát bắn chết hôm 10 tháng 9 ở Saratoga Springs. Anh này đeo sau lưng một thanh kiếm Samurai dài 1 mét vừa mua trong một cửa hàng bán đồ lưu niệm, và một số nhân chứng kể lại rằng trông anh ta có vẻ “không vui”. Gia đình cho biết anh ta đã bị bắn sau lưng trong lúc bỏ chạy.

Tại New York, nhiều người tuần hành đòi công lý cho Eric Garner, một người đàn ông Mỹ gốc Phi Châu, 43 tuổi, tử vong cách đây 2 tháng sau khi cảnh sát siết cổ trong lúc bắt giữ anh về một tội nhẹ. Một đại bồi thẩm đoàn đang điều tra về cái chết của ông Garner.

Thân nhân của 2 người đàn ông da đen khác bị giết trong các vụ cảnh sát nổ súng vào năm 2011 và 2012 đã tụ tập bên ngoài toà án liên bang ở Lower Manhattan đòi Bộ Tư pháp Hoa Kỳ kết thúc các cuộc điều tra về những cái chết đó.

Người con trai 18 tuổi của bà Constance Malcolm, tên là Ramarley Graham đã bị bắn chết năm 2012 dưới tay một cảnh sát viên thuộc đơn vị bài trừ ma tuý đã đuổi bắt anh về tới nhà ở khu vực Bronx, phá cửa vào phòng tắm trên lầu. Tin ghi lại rằng cảnh sát viên Richard Haste nói đã nổ súng khi nghĩ rằng Graham định rút súng ở thắt lưng. Không tìm thấy khẩu súng nào, tuy có phát hiện một lượng nhỏ cần sa trong phòng tắm.

Bà nội của Graham và người em 6 tuổi có mặt lúc đó. Bà Malcolm mới đây đã đưa một đơn khiếu tố với 33.000 chữ ký đòi các công tố viên liên bang phải có biện pháp. Bà nói: “Chúng ta phải chặn đứng hành vi bạo tàn của cảnh sát. Con cái của chúng ta là quan trọng. Những đứa con trai da đen và gốc Mỹ Latinh là quan trọng. Quý vị không thể bắn hạ chúng vì chúng không phải là những cái đích để tập bắn.”

Không có dữ liệu toàn quốc về những cái chết có liên quan đến cảnh sát. Cục Điều tra Liên bang FBI nói phần lớn trong số 18.000 cơ quan cảnh sát địa phương tự nguyện báo cáo một con số tổng cộng khoảng 400 vụ cảnh sát giết người có thể biện minh được mỗi năm, trong đó có nhiều vụ nổ súng qua lại. Nhưng FBI không kiểm chứng tính xác thực của các báo cáo đó, và những vụ cảnh sát giết người được cho là không thể biện minh được không được bao gồm trong các báo cáo. Tất cả các bằng chứng có được cho thấy các cảnh sát viên bị tố cáo trong những vụ giết người phi lý hiếm khi bị truy tố hay kết tội. Khoảng 25% những người bị giết là người Mỹ gốc Phi Châu, con số cao gấp đôi so với thành phần trong dân số. Khoảng phân nửa những người bị giết theo ước tính mắc bệnh tâm thần.

Người cha 68 tuổi của Kenneth Chamberlain, ông Kenneth Chamberlain, Sr., là một binh sĩ thuỷ quân lục chiến hồi hưu, sống một mình ở White Plains, New York và mắc bệnh đau tim và bệnh khí phế thũng. Ông sợ hãi và giơ một con dao qua khe cửa khi cảnh sát được gọi đến nhà ông sau khi ông vô tình bấm nút dây đeo báo động y khoa của mình.

Ông Kenneth Chamberlain, Sr. đã la lên “Tôi biết tôi sẽ bị hãm hại,” và không chịu mở cửa. Cảnh sát tước dao của ông qua khe cửa, nhưng vẫn đòi vào nhà. Phần lớn vụ việc năm 2011 đã được ghi lại qua dịch vụ báo động y khoa cũng như trên máy quay phim gắn trên dụng cụ gây sốc của cảnh sát.

Ông Chamberlain bị kích động đã la lên nhiều lần. “Đi đi! Tôi không sao.” Cảnh sát không nghe, gọi ông lúc thì là “Ông Chamberlain,” lúc thì là “Kenny.” Một người nói, “Ông già đầu rồi.” Một viên cảnh sát có lúc đã dùng từ ngữ lăng mạ chủng tộc nói với ông. Ông Chamberlain càng lúc càng bối rối, gọi tên một người là Lynette và kêu tên của một số người cao tuổi khác trong giáo hội. Ông cũng đã la lên, “Họ đang phá cửa, thưa ngài Tổng thống, họ đang phá cửa. Tôi bị khống chế rồi.”

Cảnh sát từ chối đề nghị của cô cháu gái sống trong cùng tòa nhà để giúp trấn tĩnh người chú, cũng như đề nghị gọi cho con trai ông Chamberlain ở gần đó. Sau 1 tiếng đồng hồ, cảnh sát đã gỡ bản lề cửa phòng, dùng dụng cụ gây sốc và bắn đạn giả vào ông Chamberlain, và sau đó bắn hai phát đạn thật. Một phát đã trúng ngực ông Chamberlain khiến ông tử thương.

Con trai ông là Kenneth Chamberlain, Jr. nói: “Tôi thách bất cứ ai nghe phần ghi âm đó mà không trở lại với một kết luận dựa trên sự thực rằng đây là một hành vi sai trái và sát nhân.” Ông đã đệ đơn kiện về việc giết người sai trái và đang chờ kết quả cuộc điều tra của Bộ Tư pháp bắt đầu từ tháng 5 năm 2012.

Một đại bồi thẩm đoàn từ chối không đáp lại lệnh truy tố cảnh sát viên đã bắn ông Kenneth Chamberlain sau khi lệnh truy tố đầu tiên bị một thẩm phán bác vì sai lầm trong thủ tục tố tụng. Viên cảnh sát dùng lời lẽ có tính phỉ báng chủng tộc tại hiện trường sau đó bị bãi chức. Một báo cáo dài 2 trang của các chuyên gia bên ngoài do sở cảnh sát White Plains uỷ nhiệm đã kết luận rằng vụ nổ súng là “hoàn toàn được biện minh,” và nói rằng “việc thương lượng và mọi phương tiện phi sát thương đã không thành công, và ông Chamberlain đã dùng dao đến gần một trung sĩ cảnh sát.”

Bà Donna Lieberman, giám đốc Liên đoàn Dân quyền Thành phố New York, không đồng ý như vậy.

Bà nói: “Những gì xảy ra cho ông Chamberlain là một thí dụ khác cho thấy tình trạng cơ bản là thiếu tôn trọng đối với một số người.” Bà nêu ra rằng những người bị chết trong những vụ đương đầu với cảnh sát thường là những người nghèo khó, thành viên của một khối thiểu số chủng tộc, hoặc bị rối loạn về tình cảm.

Những người bênh vực khối người bị bệnh tâm thần cũng nói rằng cảnh sát thường đáp lại bằng sức mạnh quá mức khi được gọi đến để đối phó hoặc giúp đỡ một cá nhân bị rối loạn về tình cảm. Một câu chuyện năm 2012 đăng trên báo Portland Press Herald ở Maine liệt kê nhiều vụ cảnh sát bắn chết những người bị bệnh tâm thần, kể cả vụ bắn sau lưng một người hăm dọa tự vẫn, và vụ một người cụt cả hai chân ngồi xe lăn giơ một cái bút lên bị bắn vào đầu.

Tháng 3 năm ngoái, tại Albuquerque trong bang New Mexico, một toán Ứng cứu khẩn cấp đã bắn chết một người đàn ông vô gia cư không vũ khí, một cái chết nay đang được điều tra hình sự. Một cuộc khảo cứu năm 2014 của Bộ Tư pháp về 37 vụ nổ súng chết người của cảnh sát Albuquerque từ 2009 đến 2012 phát hiện đa số các vụ này là vô lý và vi hiến.

Bản phúc trình nói: “Các cảnh sát viên Albuquerque thường dùng vũ lực gây chết người trong các tình huống không có mối đe doạ tức thời gây tử vong hay thương tích nghiêm trọng cho các cảnh sát viên hay người khác. Một thanh tra liên bang có thể được bổ nhiệm để giám sát cảnh sát thành phố, giống như tại nhiều thành phố lớn khác của Hoa Kỳ, trong đó có Detroit, New Orleans, Los Angleles và Seattle.

Cựu cảnh sát viên Eugene O’Donnell nói ông tin rằng cảnh sát thường tự chế trong đa số các trường hợp. Nhưng ông nói họ ít khi được huấn luyện để ứng phó tốt với những người bị rối loạn tình cảm.

Ông O’Donnell nói: “Khi gửi cảnh sát đáp lại một vụ bị bệnh tâm thần, thì đó là điều tệ nhất có thể xảy ra. Tôi không thể nghĩ đến điều gì tệ hơn. Cảnh sát thường đem theo vũ khí. Họ có khuynh hướng thiên về vũ lực. Họ phải bám víu vào những vũ khí ấy. Họ nghĩ đến tình huống xấu nhất.”

Ông Lieberman và ông O’Donnell đồng ý rằng lý do tiềm ẩn của một số những cái chết không cần thiết có liên quan đến cảnh sát là do hành động quá đáng của cảnh sát và những vụ bắt giữ vì những tội vặt vãnh, thường do các nhà lập pháp hay thậm chí công chúng đòi hỏi. Một vụ bắt giữ vì nhổ nước miếng trên lề đường hay bán thuốc lá bất hợp pháp có thể vượt ra ngoài tầm kiểm soát. Theo ông O’Donell, “Để giảm thiểu bạo lực cảnh sát, ta cần phải giảm bớt sự hiện diện của họ. Cần phải yêu cầu họ làm bớt lại.”

Ông Lieberman nói thêm, “Điều đáng chú ý là mọi giao tiếp mang tính thù nghịch mà cảnh sát có với cộng đồng đều có tiềm năng vượt ra khỏi tầm kiểm soát. Cảnh sát có một nhiệm vụ rất quan trọng và nguy hiểm. Nhưng những lỗi lầm thì lại có xu hướng theo một khuôn thức. Chúng ta phải tự hỏi nếu như Ramarley Graham là người da trắng, thì sự việc có xảy ra như thế hay không?

 

 

up

AcDieu

Tin vui

Tin Buồn

Bài Củ

08-2014

07-2014

06-2014

05-2014

04-2014

03-2014

02-2014

01-2014

RFI
Nguoi_Viet
RFA
Quan_Su_VNCH
Quân Sử VNCH
Voa_tieng_Viet
BBc_Tieng_Viet
Dan_lam_bao

TIME