AcDieu225
Co Vang amazon Tammy

Free Hit Counters
Web Site Hit Counters

Ac Dieu

vn_flag.gif

Nhớ về đồng đội cũ

Bảo Tuấn

 

Tôi là một quân nhân hiện dịch. Tôi yêu quân đội và chọn quân đội làm binh nghiệp. Tôi gia nhập quân đội lúc tuổi đời còn rất trẻ. Tôi rời xa bạn bè, mái trường, thầy cô rất sớm nên học vấn chẳng bằng ai. Tôi là người hiếu động, thích không khí sôi động nơi chiến trường. Công việc an nhàn ở văn phòng, bộ tham mưu không thích hợp với tôi. Thuở còn bé, tôi thích xem phim chiến tranh. Ước ao khi lớn lên sẽ là một tướng lãnh anh hùng, điều khiển ba quân ngoài mặt trận. Thần tượng của tôi lúc ấy là Vua Quang Trung Nguyễn Huệ, Hoàng đế Nã Phá Luân. Nã Phá Luân vốn là sĩ quan Pháo Binh lúc trẻ sau này trở thành một danh tướng làm rúng động cả trời Âu.

 

Giữa năm 1960, sau khi tốt nghiệp khóa Pháo Binh Trung Cấp ở trường Pháo Binh và Hỏa Tiễn Hoa Kỳ (Fort Sill- Oklahoma), một lần nữa tôi được thuyên chuyển ra miền Trung! Hầu hết người miền Nam như tôi rất ngại ra Trung, vì ở đó không tìm đâu ra ánh đèn màu ở các vũ trường hay các phòng trà ca nhạc về đêm. Tôi bất hạnh sinh ra trong một gia đình nghèo, thuộc loại “bần cố nông,” vả lại cũng không phải là một thanh niên ham vui, bay bướm, nên tôi bất cần các chuyện lặt vặt đó.

Vả lại tôi nghĩ đã là một quân nhân, nhất là một quân nhân hiện dịch như tôi, thì bổn phận chính là phục vụ cho quân đội, còn địa phương là vấn đề thứ yếu.

Tôi được điều động về đơn vị Pháo Dã Chiến, đồn trú nơi địa danh lịch sử, Cổ Thành Quảng Trị. Tôi nhấn mạnh đến từ “lịch sử,” vì nơi đó chúng ta và Cộng Sản đã đổ biết bao máu xương trong hai lần lấn chiếm và tái chiếm khiến Cỗ Thành Quảng Trị hoang tàn, không còn hình dạng như xưa, đầy rẫy hố bom, đạn! Và từ đó, địa danh Cỗ Thành Quảng Trị đã đi vào lịch sử. Nơi đó cũng là lịch sử của đời tôi, vì ngày thành hôn năm 1961, vợ chồng tôi thết đãi tiệc cưới cho các sĩ quan trong đơn vị, nơi câu lạc bộ sĩ quan cũng tại địa danh này.

Tôi sinh ra thuộc “cung” khổ cho nên những cuộc hành quân nào nguy hiểm và vất vả, tôi đều được chỉ định đảm trách. Thuở ấy tôi mới lập gia đình, bỏ vợ mới cưới đi hành quân hoài, để nàng ngủ một mình, sợ ma! Tội nghiệp đêm đêm nàng phải nhờ cháu bé con của sĩ quan trong cư xá qua nhà ngủ chung cho đỡ cô đơn! Ðôi lúc cũng bực, nhưng kỷ luật nghiêm minh của quân đội đã ấn định rõ “thi hành trước, khiếu nại sau.” Nhiều khi tôi cũng tự an ủi, mình được cấp chỉ huy tín nhiệm là một vinh dự được giao cho những công tác khó khăn, nhưng tội nghiệp cho các thuộc cấp của tôi, họ cũng khổ lây theo tôi.

Suốt cuộc đời binh nghiệp, trải dài hơn 20 năm chiến đấu không ngừng, tôi đã nhiều lần đối diện với cái chết. Cái chết đến đột ngột với các chiến binh ngoài mặt trận. Sự sống và sự chết chỉ cách nhau một tích tắc đồng hồ, may thì thoát, không may thì vĩnh viễn nằm xuống trở về với cát bụi!

Tôi xin lược kể ra đây vài trường hợp thoát chết mà tôi đã đối diện.

* * * *

Thoạt đầu, tôi được đề cử làm Pháo Ðội Trưởng một Pháo Ðội tác xạ đại bác 105 ly. Thời gian đó, Pháo Binh QLVNCH chưa phát triển. Mỗi Sư Ðoàn Bộ Binh có một Tiểu Ðoàn Pháo Binh đại bác 105 ly và một Tiểu Ðoàn Súng Cối 106 ly cơ hữu. Mỗi Pháo Ðội tác xạ 105 ly có 4 khẩu đại bác. Nhiệm vụ chiến thuật của Pháo Ðội tôi lúc ấy là yểm trợ trực tiếp cho Trung Ðoàn 3 Sư Ðoàn 1 Bộ Binh. Thời gian ấy Trung Ðoàn 3 BB đang hành quân tại thung lũng Ashau - Alưới. Thung lũng này nằm dưới chân dãy Trường Sơn sát biên giới Lào. Thung lũng này là con đường xâm nhập thuận tiện nhất của quân Cộng Sản từ Bắc vào Nam.

Pháo Ðội tôi được chia đôi: 2 khẩu đóng ở Ashau và 2 khẩu đóng ở Alưới. Khoảng cách giữa Ashau và Alưới quá xa, không yểm trợ hỗ tương được cho nhau, cho nên Bộ Tư Lệnh SÐ 1 thiết lập một căn cứ phụ, nhỏ hơn nằm ở giữa. Ðó là căn cứ Tà Bạt. Căn cứ này được yểm trợ bởi một khẩu pháo 25 pounder - loại pháo cỗ của Pháp để lại trước khi rút về nước. Như thế cả ba căn cứ đều có pháo binh hiện diện, có thể yểm trợ hỗ tương lẫn nhau.

Hè năm 1962, thời tiết thuận tiện, ít mưa và ít sương mù nên BTL Sư Ðoàn mở cuộc hành quân ở vùng Cokawa. Ðịa danh này nằm ở Bắc Alưới. Vì Trung Ðoàn 3 BB án ngữ tại thung lũng Ashau - Alưới nên địch không hoạt động được, đành phải rút lên Cokawa để thiết lập mật khu.

Trung Ðoàn 3 BB đảm nhiệm hành quân càn quét mật khu này và di chuyển toàn bộ BCH lên sát vùng hành quân để dễ chỉ huy. Tại căn cứ Ashau lúc bấy giờ tôi là người có cấp bậc cao nhất, dù là pháo thủ, tôi cũng bị Ðại Tá Ðỗ Cao Trí lúc bấy giờ là Tư Lệnh Sư Ðoàn 1 Bộ Binh, chỉ định làm Chỉ Huy Trưởng căn cứ! Dưới quyền tôi lúc bấy giờ ngoài quân số của bán Pháo Ðội tác xạ còn có quân số của 1 Ðại Ðội Trọng Pháo Trung Ðoàn 3 BB, 1 Trung Ðội Bộ Binh phụ trách canh gác và giữ an ninh phi trường, 1 Tiểu Ðội Bộ Binh hàng ngày hoạt động bên ngoài để phát hiện sự hiện diện của địch. Tình hình tổng quát tại Ashau lúc ấy cũng không căng thẳng lắm, chỉ có hoạt động du kích lẻ tẻ. Thỉnh thoảng, BTL/ SÐ biệt phái cho tôi một phi cơ L.19 để sử dụng bay quan sát khu vực chung quanh căn cứ để phát hiện hoạt động địch.

Vào những dịp thuận tiện, tôi cũng đi thăm các anh em pháo thủ bên Alưới và Tà Bạt, kiểm soát huấn luyện và trao dồi kỹ thuật. Một hôm tôi theo chuyến bay tiếp tế Caribou - loại phi cơ có khả năng đáp và cất cánh trên phi đạo ngắn - để thanh tra anh em bên căn cứ Tà Bạt.

Tà Bạt cách Ashau trong tầm pháo 105 ly, chừng 5 phút bay. Khi đến vùng trời Tà Bạt, phi cơ lượn vài vòng để xem hướng gió. Trong khi phi công cho hạ thấp cao độ chuẩn bị đáp thì một chú du kích hay thượng cộng nào đó tác xạ một phát vu vơ nhắm vào phi cơ. Hậu quả của phát đạn đó lại gây một tai họa. Thay vì phi công giảm bớt tốc độ và cao độ, điều khiển phi cơ đáp từ đầu phi đạo, phi công lại liều lĩnh đáp ở giữa phi đạo! Vì lẽ căn cứ nhỏ, phi đạo ngắn, Caribou không làm sao dừng lại ở cuối phi đạo được. Kết quả phi cơ đâm thẳng vào mép rừng cuối phi đạo, bốc cháy! Phi công trưởng và phụ tử nạn.

Tôi với tính cẩn thận khi lên phi cơ đã gài nịt an toàn, chỉ bị shock trặc xương sống và sây sát hai tay, kịp thoát ra ngoài, vô sự!

Lần thứ hai gặp nạn cũng trên một chuyến bay hành quân. Ðầu Xuân 1971, trong cuộc hành quân Lam Sơn 719 đánh vào Hạ Lào, Trung Ðoàn 1 và Trung Ðoàn 3/ SÐ1BB được lệnh tấn công song hành.

Trung Ðoàn 1 BB thiết lập căn cứ Hỏa Lực Alpha cách biên giới Lào khoảng 20 cây số và Trung Ðoàn 3 BB thiết lập căn cứ hỏa lực Delta xa hơn, nằm giữa Tchepone và Khe Sanh. Mục tiêu của Sư Ðoàn là sử dụng các đơn vị cơ hữu luân phiên (alternate) tiến công chiếm cho được Tchepone là mục tiêu tối hậu.

Những ngày đầu của cuộc hành quân, địch chưa tập trung kịp nên lực lượng ta đã phá vỡ nhiều căn cứ hậu cần và ống dẫn dầu của địch, thu nhiều chiến lợi phẩm.

Sau đó thì Tiểu Ðoàn 2/3 Sư Ðoàn 1 BB do Thiếu Tá Hoàng Mão chỉ huy chạm địch nặng, gần như bị bao vây, đạn dược gần hết! Xin cần nói thêm là trong cuộc hành quân này, lực lượng bộ chiến Hoa Kỳ không tham dự, cũng không có cố vấn Mỹ đi theo do lệnh cấm của Ngũ Giác Ðài. Mỹ chỉ yểm trợ trên không như tiếp tế, tản thương, trực thăng vận, yểm trợ tiếp cận với những phi vụ từ Ðệ Thất Hạm Ðội và phi vụ chiến lược B.52 theo yêu cầu.

Hôm đó tôi bay trên trực thăng chỉ huy C+C (Command and Control) với Ðại Tá Trung Ðoàn Trưởng Trung Ðoàn 3 BB, tìm cách cứu TÐ 2/3 ra khỏi vùng hành quân. Phi công trực thăng là Không Ðoàn Trưởng Không Ðoàn Trực Thăng Hoa Kỳ.

Ðến khu vực TÐ 2/3 BB, chúng tôi yêu cầu ở dưới đánh dấu vị trí. Khói màu vàng được nhận thấy từ trực thăng của chúng tôi. Phi công trưởng dọ dẫm thăm dò cho hạ thấp cao độ, lướt nhẹ trên vị trí khói vàng. Trên trực thăng nhìn xuống, tôi thấy nhiều quả đạn súng cối nổ gần vị trí đánh dấu đồng thời một loạt AK cũng bắn theo trực thăng. Tôi nghe rõ tiếng đạn lướt qua ngang đầu và phi công điều khiển trực thăng vọt nhanh lên cao, lấy lại cao độ. Rồi thì đèn báo động đỏ trên trực thăng chớp liên hồi, báo hiệu hệ thống cánh quạt bị trúng đạn, trực thăng sắp rớt.

Phi công khẩn cấp rời vùng hành quân, đồng thời báo cáo về Khe Sanh. Nơi đây liền gửi toán tiếp cứu (rescue) thuộc Ðại Ðội Hắc Báo với thang dây, kẹp theo sát chúng tôi. Còn ở bên này biên giới Lào, trực thăng phải đáp khẩn cấp bất chấp hiểm nguy! Rồi một trực thăng khác đến kịp thời, thay thế chiếc hỏng. Chúng tôi lại tiếp tục bay, tìm cách để trực thăng vận cứu nguy cho TÐ 2/3 BB. Cuối cùng thì TÐ 2/3 BB dưới tài chỉ huy xuất sắc của Thiếu Tá Hoàng Mão cũng thoát được vòng vây, di chuyển bộ về căn cứ hỏa lực Delta. Ông ta là niên đệ cùng trường Võ Bị Quốc Gia Ðà Lạt (khóa 20?) với tôi.

Trên đây là hai lần tôi may mắn thoát chết, thoát trong đường tơ kẽ tóc. Và trong cuộc đời binh nghiệp của tôi, tôi cũng chứng kiến những cái chết đau lòng của anh em thuộc cấp, những người không may mắn như tôi, đã vĩnh viễn nằm xuống vì chính nghĩa Quốc Gia. Tôi xin kể lại dưới đây những trường hợp mà tôi còn nhớ rõ.

* * * * *

Ba Lòng là một quận lỵ nằm trong thung lũng dưới chân dãy Trường Sơn. Ðất phì nhiêu dân cư thưa thớt, nhưng Ba Lòng là một vị trí chiến lược. Nếu không chiếm giữ Ba Lòng, thì từ đây địch sẽ thiết lập căn cứ địa, gây bất ổn cho Quảng Trị và Ðông Hà. Vì là một vùng xa xôi, hiểm trở, nên có thời các chiến sĩ Ðại Việt đã thiết lập chiến khu nơi này để chống lại chính quyền Ngô Ðình Diệm.

Trước đó, quận lỵ Ba Lòng đã hai lần bị địch tràn ngập và cả hai lần Pháo Ðội tôi được trực thăng vận vào yểm trợ cho lực lượng giải tỏa. Vì không có đường giao thông và thuở ấy chưa có trực thăng Chinook - loại trực thăng khổng lồ có khả năng câu được cả đại bác 155 ly - nên trực thăng vận Pháo Binh lúc ấy rất nhiêu khê phiền phức! Một khẩu pháo được tháo rời thành 5 bộ phận: nòng, liên hệ đàn hồi, giàn súng (gun assembly), 2 bánh, 2 càng. Từng bộ phận được câu bằng trực thăng “quả chuối” H.21, đến vị trí hành quân mới ráp lại.

Ba Lòng nằm ở vị trí không tiếp viện bằng đường bộ được, ngoài tầm yểm trợ pháo binh nên BTL/SÐ quyết định thiết lập một căn cứ quân sự tại đây. Lúc ấy thì dân chúng không còn một ai, một số thì về Quảng Trị, một số thì về Cam Lộ, Ðông Hà sinh sống.

Căn cứ được thiết lập theo hình tam giác để dễ yểm trợ lẫn nhau. Pháo Ðội của tôi được tách ra hai khẩu yểm trợ cho một Tiểu Ðoàn BB trong thời gian thiết lập căn cứ.

Thiếu Úy Nguyễn Văn Tố, Khóa 8 Sĩ Quan Trừ Bị Thủ Ðức, chỉ huy hai khẩu trên. Thời gian đó không có chức vụ Trung Ðội Trưởng. Trường hợp Pháo Ðội chia đôi như vậy, thì Pháo Ðội Trưởng chỉ huy hai khẩu và Sĩ Quan Tác Xạ phụ trách hai khẩu. Vì là một vị trí “yết hầu” gây trở ngại, ngăn cản địch, không cho địch mở rộng hoạt động xuống đồng bằng Quảng Trị và Ðông Hà nên địch quyết định nhổ cái gai ấy với bất cứ giá nào.

Căn cứ được thiết lập gần xong thì địch mở cuộc tấn công, một cuộc tấn công được thiết kế và phối hợp rất tỉ mỉ. Ðịch dùng một bộ phận tấn công cầm chân Ðại Ðội tiền đồn cách căn cứ khoảng một cây số, không cho tiếp viện, một bộ phận khác tấn công quấy rối vị trí Pháo Ðội 155 ly đóng ở vị trí hành quân Bao Căng để bịt pháo. Lực lượng tấn công chính vào Ba Lòng là lực lượng đặc công tinh nhuệ.

Mặc dù chung quanh căn cứ có rào mìn phòng thủ nhưng địch điều nghiên, biết rõ cách thức đặt mìn của Công Binh. Thông thường giữa các dãy mìn đều có khe hở (gap) ở mỗi góc cạnh. Ðịch cho đặc công điều nghiên kỹ cách bố trí phòng thủ vào những đêm trước cuộc tấn công. Vào thời điểm tấn công, lợi dụng sương mù và đêm tối vùng rừng núi ban đêm, chúng cho toán đặc công kinh nghiệm bò sát, len lỏi vào khe hở (gap) bãi mìn, tên đi trước kéo theo một băng vải trắng đánh dấu lối xâm nhập, các tên đi sau cứ lần mò hàng một theo tên đi trước. Ðến khi toán đầu xâm nhập vào được căn cứ thì chúng dùng lựu đạn và bộc phá, hiệu quả hơn là vũ khí cá nhân.

Khi lính gác phát hiện được một số địch đã lọt vào căn cứ, Thiếu Úy Tố liền rời Ðài Tác Xạ, chạy từ khẩu đội này đến khẩu đội kia thúc đẩy các khẩu đội tác xạ cận phòng với yếu tố nạp 1, thỏi nổ 1.5 giây. Vì trách nhiệm và quá hăng say với nhiệm vụ, không ngại hiểm nguy, Thiếu Úy Tố bị một tên đặc công sát hại trên bờ giao thông hào!

Gần sáng, không thắng được, địch rút lui, để lại một số chết trong căn cứ, một số trong bãi mìn, chết hàng một vì đạn đại liên bắn xâu táo, và nhiều vết máu với băng cứu thương vì đạn pháo binh cận phòng.

Sáng hôm đó tôi theo trực thăng tản thương, đem một số nhân viên lên để chấn chỉnh lại Trung Ðội. Nhân viên tác xạ khiêng xác Thiếu úy Tố trên cáng tản thương ra trực thăng để chuyển về hậu cứ ở La Vang. Tôi ra dấu anh em dừng lại, ngậm ngùi nhìn thân xác lạnh của anh, trìu mến vuốt má anh lần cuối.

Phải chi anh ở trong đài tác xạ lúc bị tấn công thì anh đã không chết!

Ba hôm sau tôi trở về Huế dự lễ truy thăng cho anh. Ðám tang nào mà không có nước mắt? Ngoài nước mắt sụt sùi của người vợ trẻ, tôi cảm thương cho đứa con gái của anh. Mặt cháu bé kháu khỉnh, đôi mắt tròn, đầu đội khăn tang, ngơ ngác vì số người đông đúc trong lễ truy thăng. Cháu sinh ra hơn tuần thì Tố theo Trung Ðội lên Ba Lòng. Chắc Tố cũng không có dịp hôn con nhiều trước khi xa con.

Ôi chiến tranh! Chiến tranh đã cướp đi biết bao thanh niên ưu tú, đã biến biết bao người đàn bà thành quả phụ và bao trẻ thơ bỗng dưng mồ côi cha! Tôi không nén được xúc động quay mặt đi chỗ khác, nước mắt lưng tròng trong lúc thượng cấp làm lễ truy thăng Trung Úy cho anh.

* * * *

Căn cứ Gio Linh nằm trên đồi cao so với địa thế chung quanh. Trên đài quan sát Gio Linh, bằng ống nhòm ta cũng nhìn thấy rõ Cầu Hiền Lương bắc ngang sông Bến Hải. Về phía Tây là đồi Cồn Thiên nằm ở phía bắc quân lỵ Cam Lộ. Trên đỉnh đồi này cũng có đài quan sát pháo binh để theo dõi địch bên kia sông Bến Hải. Nơi đây cũng xảy ra những trận chiến đẫm máu giữa Thủy Quân Lục Chiến Hoa Kỳ và quân Cộng Sản sau này.

Thiếu Úy Nguyễn Văn Hòe thuộc Khóa 7 Sĩ Quan Trừ Bị Thủ Ðức thuyên chuyển về Tiểu Ðoàn 1 Pháo Binh và làm Sĩ Quan Tác Xạ cho Pháo Ðội tôi. Ðược một thời gian thì tôi được thăng cấp Ðại Úy sau cuộc đảo chánh 1 tháng 11, 1963, sau hơn 7 năm ở cấp bậc Trung Úy thực thụ. Và cũng từ ngày ấy, tôi rời chức vụ Pháo Ðội Trưởng để giữ chức vụ cao hơn.

Không ai biết rõ lai lịch của anh Hòe. Nghe phong thanh cha anh chết lúc anh còn bé, mẹ anh tái giá và không còn liên lạc với anh. Anh nhờ bà con bên nội nuôi ăn học cho đến khi khôn lớn, do đó anh không được hưởng tình mẫu tử! Như tôi trình bày ở phần trên, khi Pháo Ðội tách ra làm đôi thì Sĩ Quan Tác Xạ cũng là Trung Ðội Trưởng và Hòe lúc đó chỉ huy Trung Ðội Pháo Binh đóng ở Gio Linh.

Trong thời gian đơn vị đồn trú ở La Vang, anh có quen một cô nữ sinh trường Trung Học Nguyễn Hoàng ở thành phố Quảng Trị. Quen nhau một thời gian thì anh xin phép cưới.

Trong ngày hợp hôn của anh, mẹ và bên cha anh không ai có mặt. Anh nhờ vợ chồng tôi thay mặt họ nhà trai làm chủ hôn. Thật là một lễ cưới đơn giản trong thời chiến. Chú rể không có được một bộ đồ suit, chỉ có một áo sơ mi trắng với một cà vạt không lòe loẹt, phai màu! Một đám cưới không có dâu phụ, rể phụ! Và như trong bài thơ “Màu Tím Hoa Sim” của Hữu Loan, có câu “cưới nhau xong là đi,” rất trùng hợp với đám cưới của anh.

Tiểu Ðoàn cấp cho anh 7 ngày phép để cưới vợ! Nào có tuần trăng mật gì đâu, chỉ lẩn quẩn trong thành phố Quảng Trị nhỏ bé trong thời gian đó. Hết 7 ngày phép, chưa hưởng hết hương vị ái ân với người vợ mới cưới thì anh trở lại Gio Linh. Tạo hóa quá ác nghiệt! Một tuần sau, căn cứ Gio Linh bị địch tràn ngập! Cũng như Tố, anh chết ở giao thông hào trong lúc thúc đẩy anh em kháng cự cuộc tấn công.

Tội nghiệp người vợ trẻ của anh, mới tháng trước đây còn là cô nữ sinh ngây thơ, bỗng nay trở thành góa phụ!

Thân xác anh được chôn trên đồi La Vang trước ngôi chùa Phật Giáo địa phương. Ngày đưa tiễn thân xác anh ra phần mộ, chỉ có tiếng khóc nức nở của người vợ trẻ mới cưới với sự bùi ngùi của các sĩ quan trong đơn vị. Ngày hợp hôn của anh đơn giản bao nhiêu thì ngày mà thân xác anh ra nghĩa địa cũng đơn giản bấy nhiêu. Không có người thân hay họ hàng bên anh đưa tiễn!

Chiến trận ngày thêm khốc liệt, mộ anh thiếu khói hương, không người thăm viếng. Không biết ngày nay xương cốt anh có còn nguyên dưới huyệt mộ lúc chôn hay cũng bị bom đạn cày nát như Cỗ Thành Quảng Trị. Luôn luôn tôi vẫn nhớ đến anh, thương cho phần số nghiệt ngã của anh và ngậm ngùi gửi đến anh hai chữ “Tiếc Thương.”

Tượng Thương Tiếc trước Nghĩa Trang Quân Ðội Biên Hòa trước và sau ngày Quốc Hận 30 tháng 4, 1975 đã bị Việt Cộng kéo đổ tiêu hủy.

* * * *

T-bone là một căn cứ hỏa lực kiểu mẫu nằm về phía Tây thành phố Huế, bên trái Quốc Lộ 1, hướng về phương Bắc, khoảng giữa cây số 17 và Huế. Tbone là tên của quân đội Hoa Kỳ đặt cho căn cứ này, vì hình thể của nó trên không nhìn xuống không khác gì lát thịt bò T-bone. Căn cứ có hai Pháo Ðội, một Pháo Ðội 155 ly và một Pháo Ðội 105 ly chiếm vị trí ở hai nhánh triền đồi. Sau này căn cứ được đổi tên Việt với địa danh là An Ðô. Vì là căn cứ kiểu mẫu nên hàng ngày những phái đoàn quan trọng từ Mỹ cũng như từ Sài Gòn ra Huế đều được hướng dẫn đến viếng thăm.

Thời tiết mùa Hè ở miền Trung rất nóng và oi bức, lại thêm cơn gió Lào -bắt nguồn từ Lào thổi qua- gió mạnh từng cơn, cuốn bụi và cát bay mù trời! Vào khoảng thời gian này, ăn cơm toàn trộn chung với cát!

Một buổi chiều sau khi dùng cơm xong, tôi ra đứng trước Ðài Phối Hợp Hỏa Lực đặt cạnh BCH Trung Ðoàn 3 BB vu vơ nhìn về hướng Ashau Alưới, nơi tôi đã từng ở đó một thời gian với núi non trùng điệp.

Bỗng tôi thấy bốn luồng khói xanh nhạt nối đuôi nhau, tiếp theo 4 tiếng nổ khởi hành (depart) của hỏa tiễn ở một đường thông thủy, cách căn cứ khoảng 3 cây số. Ðịch sử dụng hỏa tiễn 122 ly không phải pháo kích chúng tôi mà lại pháo kích về hậu cứ của Trung Ðoàn 3 BB và hậu cứ Tiểu Ðoàn chúng tôi. Phản ứng tự nhiên, tôi chạy vụt qua Pháo Ðội 105 ly, thúc đẩy anh em tác xạ, dập pháo địch. Vì vị trí hỏa tiễn để lộ quá rõ, nên các Khẩu Trưởng Pháo Binh 105 ly và 155 ly tự động chỉ huy trực xạ.

Kinh nghiệm chiến trận có thừa, anh em thi hành trực xạ rất chính xác. Khói súng đại bác bay mù trời, cộng với tiếng nổ khởi hành trực xạ của hai Pháo Ðội gây nên một náo động kinh khủng! Bỗng nhiên tôi thấy một quả súng cối nổ cách Pháo Ðội 105ly chừng 200 thước, sau đó quả thứ hai gần hơn, 100 thước và quả thứ ba sát gần hơn nữa. Nhận định mình đang bị súng cối điều chỉnh, tôi quát to “Vào hầm núp.” Lệnh của tôi không ai nghe được vì quá náo động lúc bấy giờ và quả cối sau cùng rơi ngay vào vị trí khẩu 6-105 ly. Kết quả Khẩu Trưởng và Xạ Thủ chết ngay tại chỗ, số còn lại bị thương. Ðại Úy Ðải (Khóa 8 Sĩ Quan Trừ Bị Thủ Ðức) người nhỏ, thấp, bị một mảnh đạn súng cối xước qua đầu, tôi cao hơn đứng trước ông ấy lại may mắn an toàn!

Lúc đó tôi mới nhận biết địch dùng hỏa tiễn đặt một nơi, lừa chúng tôi ra phản pháo đoạn dùng súng cối đặt ở một nơi khác pháo kích chúng tôi dễ đạt được kết quả hơn. Phải nhìn nhận địch thành công với mưu chước này.

Sau quả cối rơi ngay vào vị trí khẩu 6 thì địch cũng ngừng pháo kích vì vị trí của chúng cũng bị phát hiện. Anh em khiêng những pháo thủ bị thương vào Ðài Tác Xạ để y tá săn sóc.

Tôi bước qua mình một pháo thủ bị thương đang nằm dài trên nền Ðài Tác Xạ pháo đội, cầm điện thoại định báo cáo về Pháo Binh Sư Ðoàn. Tôi nghe một giọng nói nhỏ nhẹ: “Trung Tá cứu em với!” Tôi quay người lại, quỳ thấp xuống, vỗ nhẹ vào má anh như dỗ dành và an ủi: “Không nặng lắm đâu, đừng sợ, em.” Ðó là Ðính, cấp bậc Hạ Sĩ Nhất, nhắm viên khẩu 6. Dáng người anh vạm vỡ, da sạm đen, bắp thịt rắn chắc, chắc đã trải qua nhiều mưa nắng với đồng ruộng trước khi nhập ngũ. Nhìn bề ngoài cũng đủ biết anh là người có thừa can đảm. Anh bị thương ở bụng, một mảnh súng cối cắt đứt ruột!

Tôi biết anh đau đớn lắm nhưng can đảm chịu đựng, không rên rỉ! Chắc anh cũng linh cảm điều không may sẽ đến với anh, khó thoát khỏi cái chết nên tha thiết khẩn nài: “Trung Tá cứu em với! ”

Trực thăng tản thương đến kịp thời. Ðính và vài người bạn trong khẩu đội được tản thương về Quân Y Viện Nguyễn Tri Phương trong thành nội Huế. Ðêm đó tôi cầu nguyện cho Ðính thoát khỏi tay tử thần. Sáng hôm sau, tôi chỉ thị cho Sĩ Quan Trợ Y Tiểu Ðoàn vào bệnh viện theo dõi tình trạng của Ðính thì được báo cáo là Ðính đã chết khi chưa đến bệnh viện!

Anh Ðính ơi! Tôi đã giã từ vũ khí trên 33 năm, nay tuổi cũng đã xế chiều, may mắn thoát chết mấy lần, còn sống ở thế giới bên này, còn anh ở thế giới bên kia! Tuy chúng ta ở hai thế giới cách biệt, nhưng hình ảnh của anh trước giờ anh chết và ba tiếng ngắn ngủi “Cứu em với!” vẫn sống mãi trong tim tôi cho đến tận ngày hôm nay. Tôi khẳng định không sợ sai lầm, đó là những lời nói cuối cùng với cấp chỉ huy trực tiếp của anh là tôi trước khi anh vĩnh viễn rời xa thế giới bên này để qua thế giới bên kia. Tôi cảm thương anh, một thuộc cấp của tôi, chỉ nói được vài lời ngắn ngủi trước khi chết với cấp chỉ huy của mình. Anh đâu có dịp nói những lời trăng trối cuối cùng với vợ con anh, với cha mẹ anh, phải không?

Ðời chiến binh sống đó rồi chết đó! Chiến tranh thật ác nghiệt!

* * * *

Sau cuộc hành quân Lam Sơn 719, lực lượng Sư Ðoàn 1 BB rút về để chỉnh trang.

Thừa dịp đó địch ồ ạt chuyển quân và tiếp liệu phẩm theo đường mòn Hồ Chí Minh xuống thung lũng Ashau Alưới. Gọi là đường mòn chứ ở vào thời điểm này không còn là đường mòn nữa mà là đường đất rộng rãi chạy được hai chiều. Ban đêm từng đoàn convoy với đèn sáng rực thong dong chạy tự do. Pháo Ðài Bay chiến lược B.52 từ căn cứ Utapao (Thái Lan) và Guam hoạt động thưa thớt(?).

Giai đoạn đầu năm 1972, Hoa Kỳ thử nghiệm Việt Nam hóa chiến tranh. Các căn cứ Mỹ ở cận dãy Trường Sơn được rút bỏ. Thung lũng Ashau Alưới bỏ ngỏ. Ðịch gia tăng áp lực phía Tây Huế để chuẩn bị cho chiến dịch Hè 1972. Nhận định tình hình cộng thêm tin tức tình báo chiến thuật, BTL/SÐ 1 BB tổ chức hành quân Lam Sơn 729 để giải tỏa áp lực địch.

Bãi đổ quân trực thăng vận được chọn là Ðộng A Tây. Ðịa điểm này là một núi trọc, cao độ 500 thước, cách lăng vua Minh Mạng về hướng Tây khoảng 20 cây số.

Sáng sớm hôm đó, sau khi họp phối hợp hành quân với lực lượng Hoa Kỳ ở căn cứ hỏa lực Birmingham, tôi, Trung Tá Nguyễn Bùi Quang, Trung Ðoàn Trưởng Trung Ðoàn 3 BB và Trung Tá Cố Vấn Trưởng Trung Ðoàn tiến về trực thăng chỉ huy (C&C) đang chờ để khởi đầu cuộc đổ quân. Chúng tôi lướt nhanh qua toán quân đang đứng chờ trực thăng vận. Thiếu Úy Bằng, Tiền Sát Viên Tiểu Ðoàn, biệt phái cho đơn vị BB và ba pháo thủ trong toán đứng nghiêm chào tôi. Tôi chào trả lại theo quân kỷ và vắn tắt nói, “Cố gắng nhe.” Bằng cũng lễ phép đáp “Dạ.”

Bằng với tên họ là Lê Văn Bằng, xuất thân khóa 7/68 Sĩ Quan Trừ Bị Thủ Ðức. Anh là người miền Nam, ăn nói nhỏ nhẹ, rất đẹp trai; mà đẹp trai thì thường hay đa tình! Nhiều cô gái đẹp thành phố Huế chết mê chết mệt vì anh. Cũng vì anh mà nhiều cô mất tình bạn vì ghen tị!

Tôi là một người rất nhiều tình cảm nhưng bề ngoài tôi rất khô khan, lạnh lùng. Tôi không bao giờ bắt tay nhân viên dưới quyền kể cả Sĩ Quan Phụ Tá. Tôi quan niệm như vậy để giữ cái “uy” của cấp chỉ huy, để cấp dưới khỏi “giỡn mặt, khó làm việc.” Tôi đối với Bằng cũng không ngoài thông lệ đó, chỉ vắn tắt nhắn nhủ và khuyến khích: “Cố gắng nhé.”

Trực thăng chỉ huy cất cánh trước, rời căn cứ hỏa lực Birmingham. Trực thăng lượn vài vòng trên bãi đổ quân, thỉnh thoảng hạ thấp cao độ để thăm dò. Cũng may, khoảng thời gian đó, địch chưa có hỏa tiễn cầm tay Ðịa Ðối Không SA 7, nên phi công hơi liều.

Ðúng thời điểm ấn định, L.19 phóng một hỏa tiễn khói trắng đánh dấu bãi đổ quân. Rồi từng chiếc, từng chiếc trực thăng vũ trang (gunship) nối tiếp oanh kích bãi đáp bằng hỏa tiễn. Dứt đợt oanh kích của trực thăng vũ trang, tôi liền điều khiển tác xạ tập trung nổ đồng thời (time on target) với Pháo Ðội B cơ hữu đóng ở căn cứ Bastogne và Pháo Ðội 155 ly của Hoa Kỳ đóng ở căn cứ Birmingham. Dứt loạt đạn pháo binh cuối cùng, tiếp theo là từng chiếc trực thăng chuyển quân tuần tự đáp xuống bãi đáp.

Trung Ðội bộ binh đầu đáp an toàn. Bỗng Phi Công Trưởng báo cho chúng tôi biết là “bãi đáp nóng” (hot landing zone) và cuộc chuyển quân tạm dừng. Trên trực thăng chỉ huy nhìn xuống, tôi thấy một chiếc trực thăng thay vì lấy cao độ vòng lại điểm khởi hành như các trực thăng khác, lại lảo đảo như người say, lết sát theo một đường thông thủy, đâm vào sườn núi bốc cháy!

Tôi mục kích sự kiện xảy ra rất rõ ràng, từ đấu đến cuối. Ðau đớn thay, khi biết được trên chiếc trực thăng định mệnh đó có Ðại Ðội Trưởng Bộ Binh và Bằng, Tiền Sát Viên của đơn vị. Tôi sững sờ, tim nhói đau, tự nhiên đôi dòng nước mắt lăn tròn trên má! Nào ai ngờ tôi vừa nói mấy lời vắn tắt với anh cách đây chừng nửa tiếng, thì bây giờ anh đã chết thê thảm, chết không toàn thây!

Trên trực thăng chỉ huy, không ai biết tại sao trực thăng lại lâm nạn như vậy. Giả thuyết có thể là phi công thiếu bình tĩnh, hoảng hốt, cho trực thăng cất cánh khi vòng quay của cách quạt chưa đủ tua (turn) nên trực thăng không thể cất cao lên khỏi mặt đất. Cũng có thể phi công bị thương khi có vài tên địch còn sót lại bắn sẻ nên không còn đủ khả năng điều khiển.

Bằng chết quá đột ngột và tôi là người duy nhất trong đơn vị, cấp chỉ huy trực tiếp mà anh còn nhìn được lần cuối cùng trước khi vĩnh viễn rời bỏ anh em!

Tôi rất ân hận là tại sao khi anh chào tôi, tôi lại không đến siết chặt tay anh dù không biết được là anh sẽ chết. Ðiều này làm tôi ray rứt mãi đến tận hôm nay.

Khoảng một tuần sau khi Bằng chết mất xác, người yêu của Bằng có ra hậu cứ, khẩn khoản xin phép được xem những di sản lặt vặt của Bằng còn để lại, và tìm một di vật để lưu giữ làm kỷ niệm của mối tình đầu.

Tôi bận hành quân, không có mặt ở hậu cứ, nhưng nghe anh em kể lại, nàng xin giữ một áo lót của Bằng. Nàng đưa áo lót lên mặt, hôn khẻ, như để tìm lại hơi hướm của người yêu còn sót lại đâu đây và khóc nức nở.

Thời gian sau, tôi nghe tin nàng rời xứ Huế lên Ðà Lạt và tu ở một tu viện kín nào đó. Tôi không rõ bây giờ nàng có còn giữ kỹ áo lót của Bằng, một kỷ vật của người yêu vắn số để đêm đêm đem ra nhìn, nhớ lại kỷ niệm xưa hay không?

Tôi kính trọng sự đau khổ của nàng với mối tình đầu dang dở. Mong nàng chóng quên chuyện tình ngày xưa, chuyện tình buồn của thời con gái. Chúc nàng sớm thực hiện được trọn vẹn ước nguyện, quên hẳn những nghiệt ngã, đắng cay, phong ba bão táp trên cuộc đời ô trọc này, và hiến dâng hết cuộc đời còn lại cho Chúa!

* * * * *

Chiến tranh nào mà không có chết chóc, tang thương! Hậu quả chiến tranh đã để lại biết bao nhiêu người đàn bà bỗng chốc trở thành góa bụa. Chiến tranh đã biến những trẻ thơ bỗng mồ côi cha. Chiến tranh đã để lại những vết thương lòng không sao hàn gắn được của mối tình đầu, để cuối cùng hiến dâng cuộc đời còn lại trong tu viện, dưới bóng thánh giá của giáo đường. Chiến tranh đã cướp mất đi một mạng người biết mình gần kề với cái chết nên khẩn nài trong tuyệt vọng “Cứu em với.”

Những trường hợp trên vẫn ám ảnh tôi cho đến tận ngày hôm nay. Thỉnh thoảng trong cơn ác mộng, tôi vẫn gặp lại hình ảnh của các bạn đồng ngũ ngày xưa đã vĩnh viễn nằm xuống!

Tôi không oán trách những người đã cấm súng giết những người bạn của tôi, vì châm ngôn của một chiến binh khi xung trận là “giết hoặc bị giết”!

Khách quan mà nói thì những người nằm xuống ở bên kia chiến tuyến cũng là những anh hùng, nhưng... rất tiếc, “những anh hùng không cùng lý tưởng.” Các người đã bị lừa gạt quá nhiều, nào cách mạng, nào giải phóng, nào giành độc lập, nào chống đô hộ ngoại bang v.v... những từ ngữ rất kêu.

Sau Thế Chiến Thứ Hai, chế độ thực dân thuộc địa đã lỗi thời. Nhìn vào các nước láng giềng chung quanh như Nam Dương, Mã Lai, Tân Gia Ba, Phi Luật Tân và cả Ấn Ðộ khổng lồ khi Bangladesh và Pakistan chưa tách ra; các quốc gia này có tốn một giọt máu nào đâu mà cũng lần lượt được trao trả độc lập. Thậm chí các hòn đảo tí hon mà sau này tôi mới nghe và biết được, cũng được độc lập nốt.

Thánh Gandhi chỉ tranh đấu ôn hòa, bất bạo động mà nước Anh cũng khiếp sợ, trao trả độc lập cho Ấn.

Thánh người ta thì khôn ngoan, còn “thánh Hồ” (sic) sao lại quá ngu si, bị Cộng Sản quốc tế xúi dại chơi trò “chiến tranh giải phóng.” Hết chiến tranh “chống Pháp” ( sic), rồi lại “chống Mỹ” ( sic), chiến tranh triền miên cho đến năm 1975 mới chấm dứt.

Hậu quả là đất nước hoang tàn, trên 3 triệu người chết ở cả hai miền Nam Bắc; với một nền kinh tế kiệt quệ, dân gần như phải cạp đất mà sống!

Khách quan mà nhận xét, không có Hồ Chí Minh thì Việt Nam cũng độc lập và thống nhất từ lâu, không phải đợi đến năm 1975!

Do đó, tôi kết luận Hồ Chí Minh có tội rất lớn với tổ quốc và nhân dân Việt Nam. Tội của Hồ Chí Minh ngập trời! Khi ông ta đi theo Karl Marx, trong lúc oan hồn của 3 triệu người chết vì chiến tranh chưa kịp kết tội và kéo ông ta xuống địa ngục thì bọn trâu, bò, chó ngựa ở dương gian đã đúc tượng xây lăng ướp xác. Rõ đồ khỉ!

 

 

up

AcDieu

Tin vui

Tin Buồn

Bài Củ

08-2014

07-2014

06-2014

05-2014

04-2014

03-2014

02-2014

01-2014

RFI
Nguoi_Viet
RFA
Quan_Su_VNCH
Quân Sử VNCH
Voa_tieng_Viet
BBc_Tieng_Viet
Dan_lam_bao

TIME