AcDieu225
Co Vang amazon Tammy

Free Hit Counters
Web Site Hit Counters

Ac Dieu

Co_VN

 Bài 2: Tản mạn về tính nhân bản trong thi ca miền Nam thời chiến – Cây súng

tranhoaithu / October 10, 2013

Không phải những câu thơ đầy tình người  của Nguyễn Dương Quang là những câu thơ hiếm. Trái lại chúng bàng bạc khắp cùng thơ văn miền Nam nhất là thơ văn của những người mang bộ đồng phục. Lý do dễ hiểu: chúng là tiếng nói, nhịp đập của trái tim, trước hết vì con người, cho con người..

van-38 (1).png 

Từ cây súng – một vật bất ly thân mà người lính cần phải có bên mình. Súng là một khí giới để giết người. Nó có nòng thép, lổ chiếu môn, có lẩy cò, cơ bẩm. Có thể nó bắn tự động hay từng viên. Có thể súng ngắn hay súng dài, tiểu liên, trung liên đại liên… Nó vô tâm, lạnh lùng. Khi ngón tay bóp vào lãy cò, nó chẳng bao giờ thương xót khi kẻ địch gục xuống để nhận được bốn chữ tổ quốc ghi ơn, hay anh hùng liệt sĩ….

 

Súng đạn là vợ con. Trong quân trường chúng tôi vẫn hằng nghe những lời nhắc nhở của các huấn luyện viên. Ra đơn vị, trước khi “làm ăn”, đơn vị tập họp, người trung đội phó trình diện, người trung đội trưởng kiểm soát lại súng đạn sợ thuộc cấp vì ngại nặng mà bỏ bê. Nhưng khi khẩu súng đã khoác lên vai, đã cầm trong tay, thì nó được nhìn bằng hai cách khác biệt giữa văn chương miền Bắc và văn chương miền Nam:

 

TRong văn chương miền Bắc, thời chiến, súng được xem như một biểu tượng cho một nhiệm  vụ thiêng liêng. Cầm phải cầm chặc. Nhắm phải nhắm trúng, càng hạ nhiều quân thù càng tốt.  Như bài thơ ngợi khen của “Bác Hồ” về chiến công một tiểu đội 11 dân quân gái đánh tan một tiểu đoàn lính Mỹ, dùng súng trường hạ 4 xe tăng (!):

 

Dõng dạc tay cầm khẩu súng trường/Khôn ngoan dàn trận khắp trong phường/Bác khen các cháu dân quân gái/Đánh giặc Hoa Kỳ phải nát xương”

(HCM)

 

(nguồn: Internet)

 

Súng nhắc nhở đến một nhiệm vụ thiêng liêng

 

Chiếc bàn ngồi học năm xưa

Con về ngồi đấy, trước giờ xuất quân

Vở xưa soạn lại tần ngần

Sách xưa tay sẽ lật dần từng chương

Cây A.K dựng bên tường

Lặng im như nhắc: chiến trường chờ con

 

(Chế Lan Viên – súng bên bàn)

 

Một khẩu súng giữ hai trời Nam Bắc

Một dấu chân in màu đất hai miền.

(Lê Bá Đương)

 

Xóm dưới làng trên, con trai con gái

Xôi nắm cơm đùm ríu rít theo nhau,

Súng nhỏ súng to chiến trường chật chội,

Tiếng cười hăm hở đầy sông đầy cầu.

Bộ đội dân quân trùng trùng điệp điệp

Dô hò nón vẫy theo…

(Chính Hữu)

 

Anh trinh sát hy sinh trao lại tấm bản đồ

Anh xung kích hy sinh phất cao cờ chuẩn

Xin Hùng hãy trao cho mình khẩu súng

Trận đánh vẫn còn tiếp diễn, Hùng ơi!…

(Nguyễn Đức Mậu)

 

Tôi nghĩ trích dẫn mấy bài thơ trên cũng đủ để chúng ta có cái nhìn về văn chương miền Bắc. Chúng chỉ rập khuôn với chừng nấy ý: xem việc chiếm miền Nam là một niềm hãnh diện, xem việc cầm súng là nhiệm vụthiêng liêng, Thơ chính là một vũ khí không hơn không kém.

 

Còn cây súng trong văn chương miền Nam thì sao.

 

hình như cây súng con lạ lắm

sao nó run lên khi đạn lên nòng

tâm hồn nó như tâm hồn con vậy

một kẻ nằm, kẻ đứng, xót xa không?

(Nguyễn Dương Quang - Đêm cuối năm viết cho má) (1)

 

Nó không phải là một biểu tượng của chiến công, hay một nhiệm vụ thiêng liêng, mà ngược lại, nó như cành củi khô:

 

Buổi chiều những bà mẹ run rẩy thắp hương đốt nến và thu hai bàn tay lê n mặt đã ướt như mặt đã ướt như mặt ngói mùa mưa đầy rêu xanh những cây súng nằm hiền lành như những cành củi vung vãi, nghếch mũi lên trời thở hơi  khét.

 

(Nguyễn Phan Thịnh – Những ngày nội chiến) (1)

 

Súng chỉ là một phương tiện để tự vệ:

 

ta mang súng trường tưởng săn chim săn chuột

một đôi khi ta lỡ dại săn người

ta biết chắc Phật Trời không chấp nhất

(không bắn người người cũng bắn ta thôi)

(Nguyễn Sinh Từ – Trấn Tình) (1)

 

Súng  gieo thêm  mầm mống của thù hận lủy thừa:

 

thằng vũ chết rồi trong trận pleime đó em

thằng vũ chết rồi trong trận đánh pleime đó em

khủng khiếp và khốc liệt

những lần về phép sau này em ra cửa đón anh

sẽ không bao giờ thấy nó

nó chết rồi

thằng vũ nó chết trong trận pleime cho quê hương

đó – nó nằm đó – nó ngồi đó

những tràng súng nổ chính nó bóp cò, địch bóp cò

cho tất cả chúng ta trong trận giặc chúng ta

đó – nó nằm đó che giấu chỗ nát bấy trên ngực

dòng máu đỏ đọng lại trên thảm cỏ khô

đến nhận diện đi em

em hãy khóc lớn một chút rồi đốt cho nó mấy que nhang

thằng bạn đồng đội chỉa mũi súng lên trời thét lớn:

ta sẽ thù cho mày – sẽ trả thù cho mày

xong tất cả

(Phan Huy Mộng – Người chết ở Pleime) (1)

 

Súng không phải mang đến niềm vui trong chiến công mà ngược lại:

 

viên đạn tròn trong nòng

khóa an toàn đã mở

xin anh em vui lòng

xin bạn bè hớn hở

mừng tôi giờ chiến công

trái tim nào nát vỡ

anh em nào thấy không ?

 

(Phan Nhự Thức – Hòn đạn) (1) (2)

 

Cũng có khi,  người lính trút hết tâm sự thầm kín của mình, trên nòng súng thép lạnh. Tôi đăng hết bài thơ này của Phan Như Thức, Thủ Đức khóa 23, bạn tôi. Với tôi, đây là  bài thơ tình tuyệt vời nhất trong số những bài thơ tình mà tôi được đọc. :

 

ôi gió nào lên buồn mang mang

cát hoang cồn bãi hàng theo hàng

trái tim nghe đã mềm tay lụa

thơ cũng vàng trưa nắng hạ vàng

 

 phương này trời dựng cao mong nhớ

đầu gối ba lô hồn phiêu bồng

thương em lòng rợp che đường nhỏ

tình trải xanh giòng sông tiếp sông

 

 phương ấy giờ em nghiêng nón che

chiều tan học  thả mộng sang hè

vu vơ giăng tuổi rong đường phố

nỗi tình e cũng đã sương che

 

ta đêm phục kích ngày lùng giặc

tay súng làm sao giữ lấy em

mười nhánh sông trôi vào nghi hoặc

muốn hỏi nhưng đành im lặng im

 

 buồn lắm em ơi nào hiểu không

ở đây vết lệ giòng tuôn giờng

phương kia thành phố vui bè bạn

có nghĩ gì ta một nẻo mong ?

 

sơn hội   (buổi dừng quân tháng ba)

 

(Phan Nhự Thức – Nỗi tình trên súng) (1) (2)

 

Nhắc đến súng là nhắc đến sự sống và chết cận kề. Đó là ám ảnh.  Để người lính viết sẳn di chúc:

 

Tôi vẫn lo sợ nếu mai kia tôi chết đi

 

Một viên đạn làm vỡ tan lồng ngực một trái phá vô tình xé thân thể tôi thành nhiều mảnh thịt nhầy nhụa đất đen.Mắt tôi sẽ phải nhắm lại, miệng tôi sẽ phải câm lặng muôn đời, trí óc tôi sẽ không còn suy nghĩ thì làm sao người ta có thể biết được tôi muốn nói gì trong óc.

 

Tôi muốn rằng nếu mai nầy tôi có rủi ro nằm xuống

Xin người ta đừng khoác lên linh hồn tôi quá nhiều danh từ vĩ đại

Xin đừng bắt tôi cúi đầu nhận chịu những vương miện những vòng hoa đổi lấy cuộc đời

Cũng xin hãy đừng truy niệm tôi bằng giây phút trống rỗng trong tâm hồn những người còn sống.

Đừng làm gì hết cả – đừng khóc cho tôi hỡi người yêu nhỏ bé hãy để dành nước mắt cho những mối tình dang dở.

Những người thân còn lại bên bờ cuộc đời hãy nghe đây:

 

- Ta không cần các người đưa tiễn, ta không cần các người xót thương.

Ta không cần những hình thức những lễ tấn phong những hình ảnh đời người đã chết.

Ta đi đây – ta chiến đấu cho các người dành cơm dành áo, dành tiền bạc sang giàu.

Ta, ta dành từng chút hơi thở thiên thần, từng mảnh trời không bị cắt xén không bị che kín bởi màu đỏ của máu lửa màu đen của đêm tối màu trắng của tang tóc.

Ta dành lại từng tấc đất yên lành cho những bước chân không còn sợ gì gai góc.

Ta dành lại ánh sáng công viên lối đi sỏi đá bóng mát cho những cặp tình nhân chưa biết gì về cuộc đời giả dối.

Ta dành lại sách vở bút mục loài dã thú muốn chiếm đoạt về cho các em – các em có thể dùng để viết những danh ngôn những bài thơ ca tụng ái tình hay làm gì tùy ý.

Ta xin dành lại những khung trời cổ tích những nàng tiên ngoan hiền thần thoại

về cho những khuôn mặt trẻ thơ.

Ta xin dành cho những người già cả mớ tháng ngày còn lại yên lành như lòng nôi của mẹ.

Và cuối cùng ta dành lại cho người yêu nhỏ bé những giọt nước mắt vui mừng những vòng tay ân sủng những nụ cười không hề tính toán những đêm nằm ôm gối mà chẳng biết cô đơn.

 

Để chấm dứt bản chúc thư ta xin – Nếu ngày mai ta chết hãy đốt lấy thi hài ra rải cùng mặt đất để cho mỗi nơi có một hạt bụi rơi xuống sẽ mọc lên một mầm Thương Yêu.

 

(Phù Vân – Chúc thư) (1)

 

Dù cây súng là một vũ khí dùng để giết người, nhưng trong thi ca miền Nam, chúng ta nhận ra nó đã mang theo ý nghĩa của tình người. Ta bắn ngươi vì ngươi bạc phước/Chiến tranh này chỉ một trò chơi (thơ Nguyễn Bắc Sơn)  Hay như  bài thơ của Trang Châu sau đây được chúng tôi sưu tầm:

 

nó bị thương

bị bắt sống

mọi người đòi giết nó:

nó núp trong hầm

với một khẩu tiểu liên

cầm chân cả trung đội:

nó bắn ngã chúng tôi một người

bắn bị thương hai người khác

tôi đọc nét căm hờn

trên những khuôn mặt đồng đội

mọi người đòi giết nó

tên du kích vùng khốn nạn

gài lụu đạn lùm cây bờ ruộng

giết những người bắt cá mò tôm

 

nó nằm đó

mình bết bùn

máu cánh tay nhầy nhụa

tránh những tia nhìn nổ lửa

những báng súng gờm gờm

nó nằm chờ

một phát súng vào đầu

một lưỡi dao rạch bụng

một cái đạp xuống hố sâu

nó nằm chờ nằm chờ

tử thần

 

Trang Châu: Nước mắt kẻ thù,  (3)

Bài thơ trên được kết thúc bằng  ý nghĩ của tác giả về ý niệm chiến thắng. Trái ngược với văn chương miền Bắc chỉ biết  hô hào cổ vũ cho việc giết  người, càng nhiều Mỹ ngụy càng tốt, thì, trong văn chương miền Nam, chiến thắng chính là giọt nuớc mắt của kẻ thù:

 

nhưng

 

chỉ có bàn tay vuốt dịu căm hờn

bàn tay băng bó vết thương

bàn tay vỗ về an ủi

nó nằm chờ tử thần

sững sờ bắt gặp tình thương

đồng loại

đôi mắt sát nhân vụt bỗng hiền từ

nhen hai dòng lệ nhỏ

 

Trong cuộc chiến hôm nay

cho tôi xin chiến đấu không hận thù

xin những vết thương bình đẳng

cho tôi đổi một trăm chiến thắng

lấy một giọt nước mắt kẻ thù

 

Trang Châu: Nước mắt kẻ thù,  (3)

 

Kể chuyện về cây súng là kể một chuyện dài. Chỉ xin được trích lại một số thơ tiêu biểu. Và để bạn đọc phán đoán về văn chương hai miền. Để có câu trả lời về một nền văn chương đích thật.

Tùy bạn.

____

 

(1)  Thơ miền Nam trong thời chiến, Thư Ấn Quán sưu tập và xuất bản 2009

(2) Đốt Tuổi, thi phẩm của Phan Như THức, Thư Ấn quán tái bản

(3) Thơ tự do miền Nam, Thư Ấn Quán sưu tập và xb, 2009) (1)

 

← Tản mạn về tính nhân bản trong văn chương miền Nam thời chiến (1)

Bài 3 (Viết thêm): tản mạn về tính nhân bản trong thi ca miền Nam thời chiến : trái tim → (3)

up

AcDieu
Google Search:       

Tin vui

Tin Buồn

Bài Củ

09-2014

08-2014

07-2014

06-2014

05-2014

04-2014

03-2014

02-2014

01-2014

RFI
Nguoi_Viet
RFA
Quan_Su_VNCH
Quân Sử VNCH
Voa_tieng_Viet
BBc_Tieng_Viet
Dan_lam_bao

TIME