AcDieu225
Co Vang amazon Tammy

Free Hit Counters
Web Site Hit Counters

Khách viếng thăm

Translate

Powered by Translate

cam-on-anh_TPB (2).jpg

TÌNH  BẠN  TRONG  TRUYỆN  THỦY  HỬ

          “ Làm trai chớ đọc Phan - Trần ”. Lại có người thay “ Phan - Trần” bằng “ Thủy Hử ”.

          “ Làm gái không học Thúy Vân, Thúy Kiều ”.

          Đó là câu nói trong dân gian có từ lúc xa xưa. Nhưng rồi dần hồi truyện Phan - Trần, truyện Kim Vân Kiều được đưa vào dạy cho con em ở bậc Trung Học. Lúc nhỏ tôi cũng nghĩ như nhiều người,  nhận định rằng Thủy Hử là chuyện của 108 tên cướp, có gì hay ho, đọc nó sẽ gây ảnh hưởng xấu trong đầu óc chứ chẳng ích lợi gì vân vân và vân vân. Nhưng khi vào quân ngũ với nhiều năm thâm niên tôi mới chiêm nghiệm rằng tình bạn thật là thiêng liêng cao quý, vậy tôi thử đọc truyện của Thi Nại Am xem sao. Truyện Thủy Hử lấy bối cảnh vào cuối thời Nam - Tống thuộc thế kỷ XIII. Vua Thái Tổ của nhà Tống là Triệu Khuông Dận, người mà dân Hán tộc xem đây là một trong những vì vua vĩ đại nhất trong lịch sử của họ nhưng đến đời cháu chắt như Độ Tông, Cung Tông quá hèn yếu, kém cỏi thấy rõ vì vậy đành mất ngôi bởi quân Mông (Nhà Nguyên) và cũng chính tiểu thuyết gia Kim Dung chuyên viết truyện chưởng, kiếm hiệp cũng lấy bối cảnh lúc nầy đây mà viết liền tù tì bốn quyển truyện:  Võ lâm ngũ bá, Anh hùng xạ điêu, Thần điêu đại hiệp, Đồ long đao -Ỷ thiên kiếm, chiếm trọn một phần tư trong các tác phẩm tuyệt đỉnh của ông. Truyện Thủy Hử sao mà hay thế, thiển nghĩ các người đó có làm loạn đi nữa thì cũng phải bởi họ chịu đựng áp lực tủi nhục quá nặng, bị dồn nén vào chỗ không lối thoát bởi sống dưới chế độ Quân chủ chuyên chế bạo tàn, trên thì vua ươn hèn, ngu muội, dưới là triều đình thối nát văn võ bá quan như Hồng Thái Úy, Cao Thái Úy, Xái Thái Sư …toàn một lũ tham ô, cấu kết với nhau vơ vét hiếp đáp dân lành, người dân thấp cổ bé miệng phải sống trong một xã hội đầy bất công, bị bốc lột tận xương tủy, sống đã dở chết càng dở hơn, cái thân phận con người không khác gì loài khuyển mã.

Thật ra mà nói thì truyện của Thi Nại Am làm sao sánh được những truyện được xếp hạng Nhất, Nhì Tài Tử Thư như Tam Quốc Chí, Đông Chu Liệt Quốc. Nhưng khi so tài thao lược điều binh khiển tướng của Ngô Dụng trong Thủy Hử với Quản Trọng thời Xuân Thu, Gia Cát Lượng thời Tam Quốc thì chắc kẻ tám lượng người nửa cân. Hay so sánh võ nghệ dũng mãnh thì bọn Lâm Xung, Dương Chí, Võ Tòng chắc không thua Quan Vân Trường, Trương Phi, Triệu Vân là mấy. Còn nói về phụ nữ nhan sắc, lăng loàn sẽ thấy mấy mụ hổ xé voi giày như Phan Kim Liên, Sảo Vân, Cổ Thị nơi đây  ăn đứt Văn Khương, Điêu Thuyền của thời Xuân Thu, Tam Quốc. Chuyện Phan kim Liên còn có tên “Võ Tòng sát tẩu” thì dường như ai cũng biết bởi vì giới điện ảnh, sân khấu đã khai thác quá ư tận tình. Chuyện Sảo Vân sẽ nói về sau. Bây giờ thử xét qua cái trung tín, nhân nghĩa chỉ một vài nhân vật thôi, chúng ta sẽ thấy họ có cách sống rất có tình, có nghĩa, luôn vì bạn quên mình. Xin bắt đầu nhé :

          1 - Chuyện Lỗ Đạt cứu Lâm Xung.- Báo Tử Đầu Lâm Xung làm chức Giáo Đầu dạy 80 vạn cấm binh ở Đông Kinh, có vợ trẻ đẹp. Cậu ấm Cao là con nuôi của Cao Thái Uý giở trò trêu hoa ghẹo nguyệt nên bị Lâm Xung đánh cho một tát tay, thằng bé về nhà mét bố. Cao Thái Úy còn là thượng cấp của Lâm Xung, hắn đã không rầy la con mình thì chớ, lại còn lập kế bày mưu hãm hại Lâm Xung, bằng cách nhờ người dụ Lâm Xung hiên ngang mang gươm vào “Bạch Hổ Đường”, xong Cao Thái Úy tri hô là có thích khách, gọi hộ vệ quân bắt trói Lâm Xung rồi đóng gong đày xuống Thương Châu cách Đông Kinh hơn hai nghìn dậm để thọ án. Đã vậy còn dặn riêng hai thằng công sai thân tín là Đổng Siêu, Tiết Bá có nhiệm vụ giải Lâm Xung đi, bảo tụi nó là khi nào có dịp thì giết quách hắn cho rồi. Dĩ nhiên mọi chuyện làm sao qua mắt được Lỗ Đạt, còn được gọi là Hoa Hòa Thượng Lỗ Trí Thâm, hắn âm thầm theo sát bọn chúng nhưng bọn chúng đâu có biết, đến khi tới khu rừng Dã Trư, một địa điểm thuận lợi, bọn chúng định ra tay giết Lâm Xung thì bỗng nhiên Lỗ Trí Thâm lộ mặt, đánh cho một trận u đầu sướt trán rồi bắt phải thay phiên cõng Lâm Xung đi, hoặc có mướn được xe thì phải đẩy xe cho Lâm Xung ngồi trên đó, còn Lỗ Trí Thâm luôn đi bên cạnh, đưa bạn đến Thương Châu một cách an toàn. Đi và về như vậy phải mất hơn bốn tháng đường bộ. Chuyện kế tiếp

          2 - Chuyện Hoa Vinh vì bênh vực Tống Giang mà làm lọạn ở Thanh Phong.- Tống Giang còn được gọi là Cập Thời Vũ Tống Công Minh làm chức Ấp Ty ở huyện Vận Thành, nổi tiếng là hào hiệp hay giúp người nên ai nấy đều mến mộ. Ngày kia bởi lỡ tay giết chết nàng hầu tên là Bà Tích phải tìm đường bôn tẩu. Tống Giang giao du rất nhiều người nên nhân cơ hội nầy đến thăm bạn bè luôn thể. Sau khi ở nhà một vài người bạn, mỗi nhà ở chừng một vài tháng, người kế tiếp Tống Giang định đến thăm là Tiểu Lý Quảng Hoa Vinh hiện làm quan võ tại một xã lớn: Thanh Phong thuộc miền rừng núi phía tây nam. Đường đến Thanh Phong phải đi qua rặng núi Thanh Châu, nơi nầy có đại vương Yến Thuận, phó vương Vương Nụy Hổ thống lãnh chừng lối hai trăm lâu la. Yến Thuận, Nụy Hổ thường cho dàn quân dưới chân núi, chận cướp người qua lại. Khi Tống Giang đi ngang qua đó thì đương nhiên bị chúng bắt, giải lên cho đại vương, phó vương. Hai ông nầy nhận diện ra Tống Giang thì mừng lắm, tự tay cởi trói rồi sai bọn đàn em mổ dê, giết ngựa làm tiệc đãi đằng. Đang lúc mọi người vui vẻ đánh chén, thì chúng lại giải đến một mụ đàn bà trông dáng vẻ một mệnh phụ phu nhân, hỏi ra mới biết bà nầy là vợ của Lưu Cao, làm quan văn ở Thanh Phong nghĩa là bạn đồng liêu với Hoa Vinh. Nụy Hổ rất dâm đãng, lại nữa đã có chút rượu vào thì rất muốn vùi hoa dập liễu ngay. Tống Giang hết sức can gián, đồng thời Yến Thuận cũng cản ngăn, cuối cùng bà được tha, bà hết sức cám ơn, xá lạy Tống Giang như tế sao trên trời rồi được lâu la dắt xuống núi ra về. Phần Tống Giang ở chơi nơi đây thêm dăm ba ngày nữa thì cũng từ biệt để đi Thanh Phong. Hoa Vinh gặp lại Tống Giang vô cùng mừng rỡ, ngày ngày yến ẩm bù khú, trong lúc vui Tống Giang có kể cho Hoa Vinh nghe chuyện chàng cứu được vợ Lưu Cao khỏi bị ô uế bởi tay Nụy Hổ, Hoa Vinh không vui, bảo: cái mụ đàn bà đó không đáng cho hiền huynh ra tay cứu độ, vợ chồng họ là thứ nham hiểm, trên đội dưới đạp, ăn ở thật bất nhân v.v… Tống giang ở đây đã được ba ngày, hôm nay là lễ Nguyên Tiêu (Rằm tháng Giêng), xã Thanh Phong nầy có tổ chức hội chợ hoa đăng, Hoa Vinh vì bổn phận phải dẫn lính đi tuần tra giữ an ninh để mọi người nô nức vui chơi nên Tống Giang một mình ra phố xem thiên hạ du xuân. Tình cờ vợ Lưu Cao trông thấy Tống Giang, tức tốc về báo cho chồng hay, Lưu Cao cho quân lính ra bắt Tống Giang đem về tư dinh, đánh đập khảo tra tàn nhẫn, bắt ép phải nhận tội là đầu đảng của bọn cướp ở Thanh Châu rồi định sau đó sẽ giải lên huyện, lên phủ kết án nữa. Hoa Vinh hay được, bèn kéo rốc hết binh lính sang tư dinh Lưu Cao giải thoát cho bạn và phá tan hoang nhà cửa. Lưu Cao sợ quá chạy trốn bằng ngõ sau, phi ngựa nhanh lên huyện, lên phủ cấp báo. Hoa Vinh vì cứu bạn, thêm một lần nữa phải đối đầu với quan quân từ huyện, phủ của triều đình…. Chuyện kế tiếp, kể về một tình bạn có đầy đủ lễ, nghĩa, trí, tín :

         3- “Ơn Châu Long, tình bằng hữu Lưu - Dương bội phần khăng khít”

             “Giết Sảo Vân, nghĩa đệ huynh Dương - Thạch thấm đượm mặn nồng”

          Cùng là phận nhi nữ, thì trong truyện Lưu Bình - Dương Lễ ai ai cũng ngợi khen vai trò của Châu Long thay chồng, nuôi bạn của chồng ăn học cho đến khi đỗ đạt thành danh nhưng khi đọc cái trích đoạn “Anh em Dương Hùng - Thạch Tú” mọi người đều chán ghét loại gái voi giày Sảo Vân. Thật còn may cũng nhờ Bệnh Quan Sách Dương Hùng chịu suy xét thấu đáo, không thôi anh em dễ hiểu lầm nhau. Câu chuyện đó như sau: Biển Mệnh Tam Lang Thạch Tú con nhà nghèo, hàng ngày vào rừng đốn củi đổi gạo độ nhật. Ngày kia gánh củi ra chợ bán thì thấy chín, mười tên côn đồ bủa vây đánh một người. Chịu không nổi cảnh bất bình đó, Thạch Tú liền nhảy vô tiếp sức, dẹp được đám côn đồ, hỏi ra mới biết người mà bị chúng ỷ đông, uy hiếp là Dương Hùng làm chức Tiết Cấp ở phủ Kế Châu nầy. Đợi bọn chúng cao bay xa chạy, Dương Hùng mới mời Thạch Tú vào một hàng quán bên kia đường cùng nhau hàn huyên, đánh chén. Qua một vài tuần rượu họ cảm nhận là rất mến nhau, Dương Hùng đã biết Thạch Tú mới hai mươi tám tuổi, nghĩa là nhỏ hơn Dương Hùng một tuổi nên đề nghị:

          -- Hay chúng ta kết nghĩa đệ huynh, Tam Lang nghĩ thế nào?

          Thạch Tú mừng rỡ, cúi rập mình thi lễ 4 lạy, rồi nói:

          -- Ngu đệ kính mong được hiền huynh chấp nhận đứa em khờ khạo nầy.

          Dương Hùng lòng vui không thể tả, thi lễ đáp lại bằng 2 lạy, rồi nói tiếp :

          -- Anh em ta tuy sanh khác ngày, khác năm khác tháng nhưng từ nay xin nguyện được chết cùng ngày, cùng tháng cùng năm. Có giàu thì cùng nhau hưởng phúc, gặp cơn hoạn nạn chung sức sẻ chia. Thôi đứng lên đi hiền đệ, bây giờ đệ phải theo huynh về cho biết nhà và còn ra mắt đại tẩu nữa chứ. 

          Nhà Dương Hùng cách đây chừng hai dậm đường, nhìn sơ qua cũng biết thuộc loại khá giả, người đầu tiên hai người gặp là lão Phan Công, nhạc phụ của Dương Hùng. Dương Hùng bảo Thạch Tú chào hỏi trượng nhân đi, còn mình vào nhà sau gọi phu nhân lên đây cho Thạch Tú gặp mặt luôn thể. Phan Công chỉ có một đứa con gái duy nhất, sanh vào giữa ngày mùng bảy, tháng bảy nên lão đặt tên con là Sảo Vân. Cách đây 4 năm lão gả nó cho một vị lại mục (quan văn) ở Kế Châu là Vương Ấp Ty, vợ chồng họ ăn ở với nhau được 2 năm thì Vương Ấp Ty ngả đùng ra chết, Sảo Vân buồn muốn chết, để tang chồng mới được một năm, ả lại tái nạm tái giá với Dương Hùng, hai người nầy lấy nhau cũng gần một năm rồi. Sau khi chào hỏi nhau, lão Phan thử tra hỏi Thạch Tú vài câu : vậy chớ ngoài cái nghề làm tiều phu đốn củi, thúc thúc còn biết làm nghề gì khác không, Thạch Tú thành thật thưa : lúc xưa cha mẹ có làm nghề mổ heo, xẻ thịt bán nhưng khi cha mất rồi, không còn vốn liếng đâu nữa mà làm. Lão nghe vậy thì mừng lắm, đề nghị ngay :

          -- Hay thúc thúc hãy ở lại đây đi, sớm hôm cùng ta mổ lợn bán để có thu nhập đồng vô, đồng vào, thúc thúc nghĩ có được không vậy?

          Dương Hùng cũng nói thêm vào, cuối cùng Thạch Tú ưng thuận tạm trú nơi đây. Độ hai mươi ngày sau, trong bữa cơm chiều, lão Phan nói :

          -- Hôm nay ta có một chuyện cần bàn với hiền tế và mọi người trong nhà : ba hôm nữa là đúng tròn hai năm ngày Vương Ấp Ty quy tiên. Ta thiết nghĩ phải để em nó (ý nói Sảo Vân) làm một cái lễ báo nghĩa với Vương Ấp Ty cho trọn đạo làm người. Ta không biết ý kiến của hiền tế và mọi người ra sao?

          Dương Hùng thưa rằng :

          -- Lời trượng phụ dạy thật chí lý. Làm người là phải biết lễ, biết nghĩa mới được, thưa trượng phụ dạo nầy con bận lắm gần như đêm nào cũng phải ngủ lại nơi công sở, nhưng không sao có thúc thúc ở nhà sẽ  thay con giúp trượng phụ và bầy trẻ coi sóc việc lễ bái cúng kiến. Có được không hả thúc thúc?

         Và ngày đó cũng đến, cả nhà bận rộn cỗ bàn, mâm cúng, đèn nhang hoa quả. Đêm rồi đã có mời bốn năm sư cụ đến tụng niệm suốt đêm, cả nhà ai nấy đều mõi mệt rã rời, đã vậy sáng nầy lại có thêm thầy trò Hòa Thượng Hải Công, thế danh là Bùi Như Hải ở chùa Bảo Ấn đến làm lễ tiếp nữa. Sở dĩ sư Hải Công được thụ phong chức hòa thượng khi tuổi còn quá trẻ là vì sư trụ trì vừa mới viên tịch, ngoài Hải Công là đệ tử ruột của ông ra, không ai thay thế. Nhà sư viên tịch lại là em họ của lão Phan Công, nên sư Hải Công gọi lão là can gia, gọi Sảo Vân là Vân muội, nghe cho được thuận tai và thân thiết. Sư Hải Công nầy, giá như không cạo trọc đầu và không khoác đạo bào, hắn là một người đàn ông điển trai lại có giọng nói trong trẻo nên tụng kinh rất hay, đặc biệt cặp mắt láu liêng như thứ lẳng lơ đa tình. Trong suốt thời gian ở nhà lão Phan, sư Hải Công nhiều lần nhìn ngang, liếc dọc Sảo Vân và cô ả cũng chẳng vừa gì, giả bộ cuối đầu e thẹn, nhưng má ửng hồng, mắt chớp lia, môi chúm chím cười mỉm hoặc đôi khi còn liếc xéo sư Hải nữa. Tất cả động tác của hai người nầy làm sao qua được mắt Thạch Tú. Thạch Tú chợt nghĩ lại những lời đùa cợt của cô ả đối với mình chắc không đơn giản là lời trêu chọc để tạo sự gần gũi bình thường của người chị dâu và đứa em chồng. Như vậy thì thật tội nghiệp cho anh mình vì lấy phải mụ vợ chẳng ra gì, rồi đây, thiên hạ biết được sẽ cười chê anh của ta, tốt hơn mình nên theo dõi ả kỷ càng thêm, rồi chừng đó ra tay chẳng muộn. Đã quá canh trưa, lão Phan đại diện gia đình thỉnh mời quý chư tăng vào nhà trong thụ trai, sẵn còn vài ghế trống, lão gọi Sảo Vân và Thạch Tú ngồi vào ăn luôn thể. Trong bữa ăn, sư Hải Công ngỏ lời :

          -- Còn ba hôm nữa là lễ Vu Lan, năm nầy bổn chùa dự định cử hành lễ tương đối trọng đại hơn vì trong đó có thêm phần lễ cầu siêu cho Sư Ông viên tịch cách đây không lâu. Nhân đây tôi kính mời can gia cùng hiền muội trước là đến viếng thăm chùa, sau nữa dâng sớ cầu siêu cho bá mẫu, chẳng hay như vậy có thuận tiện cho cả nhà mình không ạ.

          Sảo Vân nhanh nhẩu hỏi cha và dường như nàng cũng đã quyết định rồi :

          -- Cha à, con thấy Hải huynh nói thật chí lý. Cha con mình đã lâu rồi không đến viếng chùa, còn cái chuyện cầu siêu cho mẹ vào ngày rằm tháng Bảy rất là hệ trọng, mình không thể nào bỏ qua được đâu cha. Vậy cha hãy hứa với Hải huynh là mình sẽ đến đó nghen cha.

          Dĩ nhiên lão Phan phải hứa cho vừa lòng ái nữ. Và hôm nay là ngày lễ Vu Lan đó, mọi thứ cần đem cúng chùa thì đã được mua sắm từ ngày hôm qua. Sáng nầy, vì là ngày rằm lớn nên gia đình lão có chút kiên cử là không cạo heo bán thịt như mọi bữa, nên khi điểm tâm xong, lão Phan nhờ Thạch Tú ra phố mướn về một cỗ kiệu, lão cũng căn dặn Thạch Tú coi sóc nhà cửa kỹ lưỡng, lão sẽ trở về lúc xế chiều. Chùa Bảo Ấn nằm trên lối về hướng Tây, cách chừng ba dặm đường, Sảo Vân ngồi trên kiệu còn lão và thị nữ Liên Nhi đi bộ bên hông. Đến chùa, khi cô ả vừa bước xuống kiệu thì đã thấy sư Hải Công đích thân ra đón tiếp, nhà sư tỏ ra rất lịch thiệp mời mọi người vào thẳng hậu liêu dùng trà, bánh mứt giải lao. Còn thị nữ Liên Nhi được thiếu nãi (mợ chủ) dạy là phải qua khu nhà khách, xuống dưới bếp tập dịch, hãy làm chút ít công quả gì đó cho được phước. Lão Phan để ý thấy khách thập phương viếng chùa cũng khá đông, mình không thể ngồi đây lâu làm khách, gây bất tiện cho sư Hải nên nói với sư để gia đình mình đi dạo cảnh xem hoa quanh khuôn viên nhà chùa. Chừng lối đầu giờ Tỵ, họ trở lại khu chánh điện lễ Phật như mọi người, tiếp theo đó là phần thuyết pháp của sư trụ trì. Xong phần nầy nữa thì cũng vào giữa giờ Ngọ nên sư Hải Công mời tất cả Phật tử qua nhà khách thụ trai. Trên đường đi, sư rỉ tai với Lão Phan, Sảo Vân là muốn hai người nầy đến đó chỉ nói chuyện xã giao với mọi người thôi, đừng ăn uống chi cả vì sau đó mình về lại hậu liêu nơi dùng trà ban sáng, sẽ ăn cơm tại đó. Đâu chừng qua đầu giờ Mùi, tiệc chay chấm dứt, cái đám Phật tử lũ lượt ra về, sư Hải ân cần đưa lão Phan và Sảo Vân về lại hậu liêu. Nơi đây đã có sẵn một mâm cơm cho ba người, thức ăn đơn sơ chỉ có vài món rau củ xào nấu nhưng là những thứ đắc tiền ngon miệng như loại nấm quý xào với đậu hủ sốt dầu hào; nấm rơm còn búp nụ xào với đậu ván, bắp non và mì căng giả làm xả xíu; món cuối là đậu hủ chiên dòn chấm tương đặc chế gia thêm đường ngọt, ớt băm. Còn cơm là thứ gạo nanh chồn nấu lên thơm ngát, thức uống thì có ba loại : rượu ngâm thuốc bổ đựng trong lọ nhạo đặc biệt chỉ dành cho lão Phan, một ly nước cam vắt lớn cho Sảo Vân, còn sư Hải dùng trà Ô Long. Bữa cơm thật là thân mật kéo dài cũng khá lâu, Sảo Vân, sư Hải có dịp đá long nheo thật là thỏa thích. Và rồi lão Phan bảo : cớ sao mà buồn ngủ quá, sư Hải giả bộ vui mừng, nói : Vậy là can gia hợp với loại rượu thuốc nầy rồi, nó đã giúp can gia ăn biết ngon, cơn ngủ lại dễ đến, thôi thì can gia qua bộ trường kỹ nầy nằm nghỉ lưng một lát đi, bên ngoài còn nóng lắm, có gấp gáp gì đâu mà về vội. Nói rồi, sư dìu lão qua bộ trường kỹ, lót gối kê đầu cho lão, không mấy chốc lão ngáy pho pho. Sư Hải nói với Sảo vân :

          -- Trong lúc chờ can gia thức dậy, ta mời hiền muội lên lầu xem răng của đức Phật vậy.

          Linh tính Sảo Vân báo cho biết là ông nầy sắp giở trò ma mãnh đây. Ờ mà sao cơ thể mình rất muốn được mân mê ve vuốt, hay ổng đã bỏ thuốc gì vào ly nước cam mình chăng, còn cha mình nữa, xưa nay ông ấy không có tật đi ngủ liền sau khi vừa ăn xong, chắc cha cũng bị gã đánh thuốc ngủ  ‘thập hương nhuyễn cân tán’. Dù biết vậy, cô nàng chẳng hề sợ, vẫn nối gót sư Hải đi lên tầng trên. Khi bước chân của ả ở nấc thang cuối cùng, sư Hải khóa trái cánh cửa lại, đoạn xoay người lại ôm xiết cô nàng vào lòng và hôn khẽ lên má nàng. Sảo Vân giả bộ vùng vằng gỡ nhẹ tay ra, rồi làm như hăm he :

          -- Hải ca mà sàm sỡ là tui la lên đó nghen.

          Sư Hải biết là cô nàng đã chịu lắm rồi, nếu không thì phản ứng kịch liệt hoặc la to cầu cứu, chớ sao có chuyện “ tui la lên đó nghen”, tuy nhiên mình cũng cần nói vài lời ngọt ngào hơn nữa :   

          -- Nương tử ơi, đã từ lâu ta đã trộm nhớ thầm yêu nương tử, ta xin nàng đoái hoài xót thương thân ta, ta hứa là sẽ yêu nàng suốt quãng đời còn lại của ta, nếu ta sai lời thì…Nghe đến đây, cô ả cảm thấy đủ mãn nguyện nên lấy tay bịt mồm gã lại, không để gã thề thốt lôi thôi, thế rồi ả mềm nhũn trong vòng tay của gã, hai thân hình quấn cuộn vào nhau và lăn tròn trên chiếc giường ngủ bên cạnh đó, rồi từng mãnh xiêm y, từng chiếc áo đạo rơi xuống sàn nhà. Có lẽ chất ‘dâm hương hoắc’ đã tác dụng thật mạnh trên cơ thể nàng, đã nhiều lần cơn khoái lạc lên tột đỉnh vu sơn, đã nhiều lần hai tay nàng bấu đứt sạt manh chiếu, cào cấu rách da lưng sư hổ mang, rồi cho dù đôi môi nàng mím thật chặc, hai hàm răng cắn nhau thật khít, cốt là để đừng phát ra những tiếng rên quá lớn do cực kỳ sung sướng mà ra, nhưng không hiểu sao hai hàm răng nàng cứ nghiến vào nhau nghe trèo trẹo, âm thanh khoái lạc hừ…hừ như thoát ra từ cổ họng vọng lên tận mũi của nàng. Sư hổ mang gặp phải thứ đàn bà quá ư nhiệt tình trong chuyện ái ân, hắn chịu không nổi phải thua non ở trận đầu, rồi hắn tiếp tục đánh trận thứ hai ngay liền sau đó, chiêu thức của hắn thật khéo léo khiến cô ả không phát hiện ra điều nầy, cho nên sau cuộc chiến, cô ả ỏng ẹo khen chàng nức nở, còn bảo rằng : chàng đúng là mẫu đàn ông lý tưởng cho quý bà. Mãi đến hôm nay Sảo Vân mới nhận ra đời thật là đẹp, đáng yêu vô cùng, trước kia nàng thường oán trách số phận sao quá hẩm hiu, dù mang tiếng hai lần có chồng nhưng chả ra làm sao cả: Ông chồng trước là một vị quan văn, ốm yếu, cả cuộc đời ông dính liền chữ nghĩa văn chương ngày ngày ra vào cửa Khổng sân Trình, đối với vợ thì ông cũng muốn chìu chuộng nhưng không đủ sức khỏe thì làm sao gần vợ thường xuyên, rồi ngày kia ông trong một lần ‘cố quá trở thành quá cố’ trên lưng ngựa khi tuổi đời vừa mới hai mươi lăm. Ông chồng bây giờ là một võ quan, khi nào rãnh rỗi ra thì ông luyện võ, múa kiếm, múa gậy. Thường thì người theo võ nghiệp, họ luôn nằm lòng cái câu của sư tổ dạy ‘Ba bát cơm mới làm được một giọt máu, ba giọt máu tạo thành một giọt kh...’ Bởi vậy họ rất tiết chế trong vấn đề gối chăn, cho đở hao cơm, tốn máu chăng? Đọc chuyện chưởng, ta thấy nhiều ông còn dám trảm đầu thằng nhỏ như Lâm Bình Chi, Nhạc Bất Quần, Đông Phương Bất Bại để luyện thành công một bí kíp nào đó. Dương Tiết Cấp chưa đến nổi xuân-thu nhị kỳ nhưng chỉ một lần trong một tuần trăng, trời ơi như vậy thì quá tội cho nàng phải không, nên nhớ Sảo Vân mới chừng hai mươi hai, hai mươi ba tuổi chớ mấy, với cái lứa tuổi cơ thể người đàn bà nảy nở thật là tròn vẹn, họ rất cần chu cấp đầy đủ. Chuyện cung cấp đó bây giờ thì nàng đã có rồi đấy : sư hổ mang, hắn còn là người rất sành tâm lý đàn bà, sau ái ân phần lớn giống đực hay quay người vào vách ngủ khì, sư hổ mang không làm như vậy, trái lại vẫn tiếp tục mân mê, ve vuốt, buông lời tha thiết hứa hẹn :

          -- Chốc nữa đây muội phải về rồi. Thật tội cho ta, ta vì thương nhớ nàng chắc sẽ điên mất. Nàng ơi có cách gì để chúng ta sớm gặp lại nhau không, hả nàng?

          --.Hải ca ơi, muội cũng nghĩ đến chuyện ấy. Chắc là Hải ca cần đến sự giúp đở của tên đệ tử thân tín Hồ Đạo, còn muội thì đã có thị nữ Liên Nhi làm tay trong. Để muội về nhà, thư thả nghĩ ra cách muội sẽ sai cô ả đến nói cho sư Hồ Đạo biết, rồi nhờ sư nầy báo lại với Hải ca, được không.

          Cách của nàng thì cũng dễ thực hiện thôi. Dương Hùng thường xuyên vắng nhà vì phải trực đêm, trung bình mỗi tháng chàng chỉ được ngủ ở nhà 10 đêm, còn 20 đêm kia thì phải ngủ tại công sở, nghĩa là cứ hai đêm ngủ tại công sở thì mới được ngủ ở nhà một đêm. Phía sau nhà lão Phan là một ngõ cụt, lão có cất một cái nhà kho để chứa mấy thứ vật dụng không xài đến như: bàn ghế cũ, giường ngủ, tủ kệ v .v.., phía trước nhà đó, lão mới che thêm một mái xiên che mưa che gió làm chỗ mổ heo cho Thạch Tú, bên cạnh đó là một giếng nước rồi một cái miếu nhỏ xây bằng gạch thờ Thành Hoàng, mặt miếu ngó ra ngoài đường. Sảo Vân dặn Liên Nhi đêm nào lão gia vắng nhà thì ra miếu thắp cây đèn nhỏ vào lúc chạng vạng, còn nhiệm vụ của hành giả (thầy chùa) Hồ Đạo thì giả bộ đi lang thang gần đó, nếu thấy đèn thắp sáng thì về báo ngay cho sư hổ mang. Thường thì sư hổ mang đến đây vào lúc đầu giờ Hợi, lần đầu tiên gã đến đã được Sảo Vân đứng đợi tại lều mổ heo, cô ả đưa gã vào phòng, mấy lần sau gã có thể tự vào được. Liên Nhi còn thêm một công tác nữa là dẫn đường và chỉ rõ cho ông đạo Hồ biết chỗ nào là phía bên ngoài phòng ngủ của thiếu nãi, bởi vì đạo Hồ còn một nhiệm vụ nữa là: vào giữa giờ Dần, phải đến chỗ đó giả bộ gõ mõ niệm Phật thật lớn để đánh thức họ dậy, để sư hổ mang thoát ra ngoài, bằng không hai người rất dễ ngủ quên bởi họ phí sức quá nhiều. Gớm thay lòng dạ đàn bà, khi mê trai họ quá liều lĩnh, ả đã thảo một kế hoạch vô cùng hoàn hảo tinh vi, sư hổ mang góp ý thêm là phải ly gián sự liên hệ giữa Dương Hùng với Thạch Tú bằng cách thỏ thẻ tâu hót cùng Dương Hùng rằng Thạch Tú đã lắm lần sàm sỡ thiếp v.v…Chuyện tày đình nầy cũng xuôi chèo mát mái, kéo dài được hơn nửa tháng…

          Nhưng rồi trời bất dung gian đã xui khiến cho Thạch Tú tình cờ phát giác ra chuyện của họ. Chiều nầy cũng như mọi hôm, sau khi cơm nước, Thạch Tú kiểm điểm lại sổ sách thu nhập của  ngày hôm nay, hắn thấy không bằng lòng với con số thành, hắn tính đi tính lại nhiều lần, suy nghĩ lung lắm chính như vậy làm hắn khó ngủ chăng. Nằm bên lão Phan trên bộ phản lớn ở nhà trước, lão Phan thì ngáy pho pho còn hắn hai mắt vẫn mở thao láo, đã một vài lần ra nhà sau đi tiểu thế mà vẫn chưa ngủ được, thôi thì nằm im dưỡng thần cho khỏe, rồi đầu canh năm mình ra phía sau nhà, thử đi lại một vài đường quyền mà từ lâu nay mình vì quá bận nên không tập luyện được. Bổng hắn phát hiện một gã đầu đà đang đi về hướng nhà nầy, càng gần đến nhà gã nầy càng ngó dáo dát, quan sát kỷ chung quanh, Thạch Tú lấy làm lạ, tạm ẩn mình để tìm hiểu gã là ai, đến đây với mục đích gì chứ, rồi gã đầu đà bắt đầu vào nhà nầy, Thạch Tú nhận diện ra gã chính là đồ đệ của sư Hải Công đây mà, Thạch Tú vẫn yên lặng, tiếp tục theo dõi, thấy gã lấy cái mõ và chiêc dùi ra từ cái nải bằng vải mang trên vai và tiến về phía bên hông phòng ngủ của Dương huynh, gã bắt đầu gõ mõ và niệm lớn hồng danh của đức Di Đà. Đến lúc nầy Thạch Tú bắt đầu ra tay, hắn nhanh nhẹn tiến đến sau lưng gã, tay trái khóa cổ gã còn tay phải lăm le con dao ngắn trên má, lôi xềnh xệt gã ra phía xa, rồi hỏi :

          -- Nầy gã hành giả khốn nạn, khôn hồn mau khai sự thật, may ra ta thương tình tha mạng. Còn nếu để ta phát hiện có điều chi gian dối, thì đừng trách ta độc ác. Nào, ai sai ngươi đến đây? Tại sao gõ mõ niệm Phật to tiếng giữa đêm khuya là có ý gì ?  Nói.

          -- Thưa hảo hớn, chuyện nầy chẳng hề liên quan gì tới tôi nên tôi chẳng dám dối ngài làm chi, còn thiệt cái thân tôi nữa. Từ lâu hoà thượng Hải Công đã lén lút tư tình với thiếu nãi Sảo Vân nhà nầy. Đêm nào lão gia không ngủ ở nhà thì con tớ gái ra đốt đèn ngoài miếu v.v…Xong lễ công phu ở đầu canh năm, tôi liền đến đây để đánh thức sư Hải Công như ngài đã thấy.

          Thạch Tú nghe xong câu chuyện thì nghiến răng trèo trẹo, tức giận vô cùng nhất quyết phải giết tên gian phu và vạch mặt con dâm phụ để rửa nhục cho Dương huynh. Hắn bảo tên đầu đà hãy cởi áo, mũ nhà tu cho hắn mượn. Hắn liền khoác áo tu ra phía ngoài bộ y phục, đội mũ lên đầu xong, hắn nói :                     

          -- Ta biết ngươi đã thật tình khai báo, ta rất cám ơn và ta cũng xin lỗi là phải giết ngươi để tránh rắc rối về sau. Thạch Tú là tay chuyên nghề chọc tiết lợn vì vậy hắn tính sổ gã đầu đà thật gọn  bân sạch sẽ như giết một con heo, có lẽ gã nầy chưa kịp biết đau thì hồn đã lìa khỏi xác. Hắn kéo thây gã vào khuất bóng tối, rồi  hắn ôm mõ lại gần phòng ngủ Sảo Vân gõ liên tục và thật mạnh, hắn còn định niệm hồng danh của đức Quán Thế Âm nhưng hắn nhớ lại là không được, vì cô ả có thể nhận ra tiếng của hắn rồi đưa người tình về bằng cửa trước thì kể như là toi công. Một chập sau, sư hổ mang mới chịu ra, sư cằn nhằn :

          -- Tiên sư ông, làm cái đếch gì mà gõ mõ to và dai dẳng đến thế. Ông muốn đánh thức cả xóm nầy và cho họ biết chuyện à ?

          Thạch Tú chẳng nói chẳng rằng, lặng lẽ đi bên cạnh sư hổ mang, còn sư hổ mang cứ tưởng là Hồ Đạo đang bên cạnh mình. Hai người ra khỏi nhà sau, đi xa chừng một trăm thước, thình lình Thạch Tú xoay người lại đá thốc vào ngực sư hổ mang thật mạnh, sư té xuống, ráng gượng đứng lên nhưng không nổi, định chửi thề nhưng khi nhìn kỷ lại là Thạch Tú, thôi thì sư im lặng vậy. Thạch Tú cuối xuống lột hết áo quần để sư trần truồng và đâm nhầu năm ba nhát dao, sư giãy giụa nhẹ rồi nhắm mắt lìa đời. Đoạn Thạch Tú tức tốc trở lại sân nhà sau, vác thây ma Hồ Đạo đặt gần sư hổ mang và dúi con dao nhọn vào bàn tay phải của gã. Đến đây coi như mọi việc đã hoàn tất một cách tốt đẹp, thế là hắn lặng lẽ trở lại căn nhà nhỏ, chuyện đầu tiên là kiếm chỗ để dấu hai bộ áo quần thầy tu, kế tiếp là múc nước tạt rửa cho sạch máu me để phi tang. Và khi mọi chuyện nầy xong xuôi thì cũng vào đầu giờ Mẹo tức là vào lúc Thạch Tú khởi công cho một ngày mới: nghĩa là nấu chảo nước sôi, cạo heo xẻ thịt bán buôn như mọi ngày.

          Đã hơn một tuần, vụ án mạng hai nhà sư cũng không còn ai nghi vấn hay bàn tán gì nữa, dễ hiểu thôi vì họ là những người tu hành, không thân nhân hay quyến thuộc ruột rà nên không có ai đứng ra kiện tụng thưa gởi gì ráo. Quan điều tra cấp huyện, cấp phủ làm một bản báo cáo nhanh gọn là : có lẽ hai sư nầy tức bực nhau về vấn đề tiền bạc chia chác không đều chi đó, nên sư già Hồ Đạo xuống tay đâm chết sư trẻ Hải Công, rồi vì sợ tù tội nên sư già tự cắt đứt cổ họng chết luôn. Còn trong nhà thì Sảo Vân cứ ở thúc trong phòng, diện cớ đau yếu nên biếng ăn mất ngủ. Buổi chiều, lúc bữa cơm trong gia đình nếu ai để ý, sẽ thấy mắt ả hơi sưng bụp, có lẽ ả đã khóc quá nhiều thì phải ?

          Hôm nay sau khi buôn bán xong, Thạch Tú sắp xếp đến công sở gặp Dương Hùng để nói chuyện với anh. Dương Hùng gặp mặt nghĩa đệ ở đây thì mừng lắm, kéo Thạch Tú vào hàng quán gần đó để nhậu một trận cho thỏa lòng, thật ra thì hàng ngày anh em họ vẫn gặp nhau ở bữa cơm chiều, vì có nhiều người, nên họ chỉ nói chuyện bình thường thôi còn muốn tâm sự thì hơi khó. Hai người chọn cái bàn hơi xa mấy đám đông cho dễ hàn huyên. Sau một vài tuần rượu Dương Hùng mới nói đùa với nghĩa đệ :

          -- Hai ông đạo ấy có tội gì mà thúc thúc ra tay mạnh với hai ổng vậy?     

          -- Không phải đệ làm đâu. Nói thật đệ phục huynh sát đất, chuyện gì cũng không qua mắt huynh  được. Thạch Tú bắt đầu tường thuật lại đầu đuôi cho Dương Hùng nghe, Nghe xong Dương Hùng nghiến răng trợn mắt nổi giận đùng đùng, Dương Hùng cũng cho Thạch Tú biết : chính con mụ đàn bà thối tha đó đã muốn gây chia rẽ anh em mình nên đặt điều nói thúc thúc nhiều lần sàm sỡ cô ả, chắc ý của ả là muốn huynh đuổi thúc thúc đi để họ tiếp tục làm chuyện tồi bại mà không một ai biết, nhưng huynh rất tin tưởng đệ và luôn chắc một điều là đệ không bao giờ phản lại huynh. Thôi tới nước nầy thì huynh phải về nhà cắt đầu con dâm phụ cho hả dạ. Thạch Tú hết sức cản ngăn :

          -- Không thể làm ngay bây giờ được, cho dù huynh có giết được con mụ đàn bà bỉ ổi đó thì quan quân phủ huyện cũng còng đầu huynh lại. Mạng của huynh không thể đánh đổi với mạng ả voi giày nầy. Huynh phải nghĩ ra cách nào trừng trị ả thật êm thắm mà không ai biết được, hay là huynh làm theo cách của đệ đây, kề tai nghe đệ nói nhỏ….Thôi thì tối nay huynh đừng về nhà, tánh nóng nảy của huynh làm hư bột, hư đường hết, sáng mai nhớ thức sớm, ghé chợ mua một ít nhang đèn hoa quả ….

          Mặt trời vừa ló dạng, Dương Hùng đã về tới nhà, hắn hối thúc mấy người giúp việc chuẩn bị đồ ăn điểm tâm thật nhanh để hắn, Sảo Vân và Liên Nhi ăn xong còn phải đi viếng miếu bà Cửu Thiên Huyền Nữ tận đỉnh đồi Thủy Bình khoảng bảy dặm ở phía nam. Sảo Vân còn rất buồn chán, chưa muốn ra khỏi nhà nên hỏi chồng : Chứ mình đến đó để làm gì vậy? Dương Hùng giải thích :

          -- Lúc thiếu thời, ta là một kẻ bá vơ chẳng ra gì, ngày kia có dịp đi ngang đó, ta vì đói khát phải tấp vào miếu xin một bữa cơm lót dạ, lão sư nữ trụ trì là một vị hảo tâm khả kính, dọn cơm cho ta ăn, xong rồi còn dạy ta hãy thành tâm khấn vái đức từ mẫu Cửu Thiên : xin ngài độ hộ cho đời  mình vơi bớt khổ sầu. Ta nghe theo, dốc lòng khấn nguyện và hứa sau nầy nếu được ấm no ta sẽ đến đây lễ tạ. Thật là linh thiêng, bây giờ ta đã có chút danh phận và còn có được vợ nữa. Đêm rồi ta mơ thấy : ta thật có lỗi vì quá lâu mà chưa một lần đến đó tạ lễ, cho nên sáng nầy bằng mọi giá ta phải đưa nàng tới đó để vợ chồng ta bái lạy tạ ân.

          Nghe như vậy, Cô ả thấy không còn cách chi thối thác được nữa, đành phải tấm rửa trang điểm và bảo Liên Nhi cũng làm như thế, xong rồi hai ả bước ra khỏi phòng, hỏi Dương Hùng: vậy chớ chúng ta đi bằng cách nào ? Dương Hùng xốc Sảo Vân đặt lên yên ngựa, hắn đi phía trước dắt ngựa còn Liên Nhi xách cái nãi đựng đồ cúng đi bên hông ngựa. Nhớ lời căn dặn của nghĩa đệ, Dương Hùng cố gắng kiềm chế không được để cơn tức giận lộ ra ngoài, có như vậy mới đưa được hai ả nầy đến chỗ hẹn gặp Thạch Tú. Không mấy chốc họ tới chân đồi Thủy Bình, Sảo Vân không thể ngồi trên lưng ngựa lên đồi được nên nàng phải xuống đi bộ, ả nắm chặc tay Liên Nhi để nương tựa vào ả nầy đi cho dễ, còn Dương Hùng tay dắt ngựa, tay xách nãi do Liên Nhi nhờ mang giúp. Cả ba người cùng đi một đỗi nữa thì cũng đến được khoảng lưng chừng đồi, họ gặp một bãi tha ma khá rộng cỏ mọc um tùm, cây cối rậm rạp, có nhiều ngôi cỗ mộ thật to phủ đầy rêu xanh. dường như nơi nầy rất ít người lui tới, thình lình Thạch Tú xuất hiện làm hai cô ả hết sức ngạc nhiên. Thạch Tú cất tiếng :

          -- Kính chào Dương huynh, tẩu tẩu.

          Dương Hùng gật đầu chào lại Thạch Tú, còn Sảo Vân thì nín thinh dường như cô ả đoán chuyện chẳng lành sắp đến với mình đây. Thạch Tú liền rút trong ngực áo ra hai bộ áo quần thầy tu một màu vàng và một nâu quăng mạnh xuống đất, mắt trừng trừng nhìn hai ả, hỏi gằn :

          -- Chớ hai con mụ đàn bà kia có biết mấy bộ quần áo nầy là của ai không?

          Hai cô ả nhìn thấy thì chết điếng trong lòng, mặt đổi sắc xanh dờn như đàn bà bị xảo thai. Thạch Thú tiến đến Liên Nhi, xán cho ả nầy một tát tay nẩy lửa rồi lột hết xiêm y thảy lên đống quần áo thầy tu, xong tiếp tục tháo hết nữ trang trên người ả, giao cho Dưong Hùng. Dương Hùng nhìn sơ qua, thấy hầu hết là những thứ mà mình mua tặngSảo Vân, hắn rất tức giận cái con vợ trời đánh thánh đâm, chính vì muốn trám miệng con tiện tỳ kia mà dám lấy quà tặng của ta mà trao cho ả, nó đã dứt tình ta thì ta dại gì mà giữ nghĩa với nó, Dương Hùng muốn giết vợ ngay tức khắc nhưng kịp dừng lại để chờ xem Thạch Tú xử Liên Nhi như thế nào. Thạch Tú cuối xuống đống đồ, lấy lên một dây lụa Liên Nhi dùng để nịt ngang eo, Thạch Tú dùng dây đó trói thúc ké Liên Nhi trước một cây thông nhỏ, xong Thạch Tú nói như hét vào tai ả :

          -- Trước khi chết, hai sư hổ lửa đã khai với ta hết rồi. Bây giờ ta chỉ muốn chính miệng mi khai lại cho Dương Tiết Cấp nghe. Phải biết rằng nếu dấu diếm một điều chi, thì ngày nầy năm sau sẽ là ngày cúng giáp năm của ngươi đó. Dù rất sợ hãi nhưng Liên Nhi vẫn leo lẻo nói :

          -- Tôi không dính dán gì trong chuyện nầy cả. Tôi là phận nô tỳ, thiếu nãi sai bảo sao, tôi làm vậy. Nếu thúc thúc muốn tôi kể thì tôi sẵn sàng kể hết những gì tôi biết. Xong ả vanh vách kể….Vừa dứt chuyện, bổng nhiên Thạch Tú nạt lớn :

          -- Mi là thứ thị nữ vô đạo, mi đã nhận không biết bao nhiêu lụa là vàng bạc của chủ, thế mà khi đụng chuyện, ngươi không giữ được chữ tín như đã hứa, như vậy nghĩa là sao, tội của mi thật đáng chết. Thạch Tú nhẹ quét ngang lưỡi dao nơi cổ nàng, cuống họng đứt lìa, máu phun xối xả, mắt nàng vẫn trợn trừng đầu ngoẽo một bên, hồn lìa khỏi xác.

          Sảo Vân sợ són đái ra quần, biết chắc là đã đến lúc Dương Hùng xử tội mình đây. Đúng vậy, Dương Hùng làm giống như Thạch Tú xử tử Liên Nhi, cũng lột hết xiêm y của ả, thảy lên đống quần áo của Liên Nhi, cũng trói nàng cạnh con hầu của nàng. Đoạn bắt đầu hài tội :

          -- Bây giờ ta mới cảm nhận cái câu ‘Tri nhân, tri diện bất tri tâm’ thật là quá đúng. Mặt mày mi trông đẹp đẽ vô cùng nhưng lòng dạ mi thì gian xảo dối trá khó lường được. Mi có cần trăng trối điều gì trước khi từ giã cỏi trần không?

          -- Tướng công ơi, thiếp biết tội của thiếp không thể nào dung tha được nhưng xin tướng công nghĩ lại chút nghĩa tình phu thê và cha của thiếp nữa, ông chỉ có mỗi một người con là thiếp thôi, một mai thiếp chết rồi, còn lấy ai phụng dưỡng ông ấy. Có lẽ nghĩ đến cha, làm nàng mũi lòng nên khóc thật to, đoạn nàng quay mặt nhìn Thạch Tú, nói tiếp : Thúc thúc ơi, ta đối xử không phải với người, cũng vì muốn chia rẽ tình huynh đệ của thúc thúc mà ta đã phao vu là thúc thúc có ý định sàm sỡ ta, rồi giả mét lại với chồng. Vậy ta thành thật xin lỗi thúc thúc, cũng xin người nói giúp một tiếng để Dương huynh cho ta được sống không ?

          Dương Hùng không thể để ả cứ lải nhải kéo dài thời gian, lỡ có ai thấy được thì không hay, thôi thì kết thúc càng sớm càng tốt, hắn rút gươm ra, nhìn thẳng vào mặt Sảo Vân, nạt lớn :

          -- Hởi con dâm phụ đốn mạt kia ơi, ta muốn xem ruột gan của mi ra làm sao mà lòng dạ mi vô cùng xấu xa, đen tối. Vừa dứt lời, Dương Hùng đâm một nhát gươm vào giữa ngực ả, rồi rạch một đường dài tới tận bướm, máu đỏ trào ra, đầu gục xuống, ả khẻ kêu một tiếng nhỏ rồi ngất lịm. Dương Hùng luồn tay vào trong bụng hốt hết ruột gan, thảy lên không trung cho máng vào cành cây tùng như để cúng tế cho lũ diều quạ, kên kên. Sau đó, Dương Hùng lau sạch hai bàn tay và lưỡi gươm bằng đống quần áo của họ. Và người ta thấy hai vị hảo hớn huynh đệ Dương - Thạch cưỡi ngựa xuôi về hướng đông – nam đến phủ Hải Châu, rồi từ đó tìm đường vào đầm nước Lương Sơn Thủy Bạc………

          Trên đây chỉ là ba câu chuyện trong vài mươi câu chuyện vinh danh tình bạn cao quý thiêng liêng trong suốt chiều dài bảy mươi tập của truyện Thủy Hử. Và nếu bạn là người đã từng khoác chinh y bạn sẽ thấy giá trị đích thực của tình bạn như Thi Nại Am diễn tả. May mắn thay cho những ai có được bạn bè, bạn ta là những người từng cưu mang, cứu giúp, giải thoát cho ta trong cơn hoạn nạn kịp thời, thật đúng lúc. Với những hành động của họ, xin lỗi, dù những người thân cùng  huyết thống chúng ta, huynh đệ thủ túc của chúng ta không tài nào làm được. Tôi sắp chấm dứt bài viết nơi đây, cũng xin lỗi đã diễn tả những cảnh giết chóc quá ư rùng rợn, tại vì bản chất của truyện tàu là như vậy, luôn có cảnh máu đổ, thịt rơi, đầu lâu lăn lóc. Để kết thúc cho có hậu, người viết xin kể một chuyện dí dỏm. Thành ngữ Việt Nam có một câu thật là hay, để đời “Giàu vì bạn, Sang vì vợ”, câu có hai vế. Vế một nói về bạn ta, vế hai nói về vợ ta thật là rõ ràng. Từ ngày bỏ nước ra đi, bạn bè tôi rất ít có dịp gặp lại, cứ mỗi lần quy tụ với nhau thì thấy trên bàn ăn ôi thôi bao nhiêu là chai, là lon lỉnh kỉnh. Chia cho đều những lon chai đó thì đố ai không tưởng mình là tỷ phú Donald Trump trong ngày hôm nay, đúng là giàu vì bạn, phải không? Còn chuyện sang vì vợ, chuyện nầy cũng đúng luôn, người sang chính là vợ tôi, sau đó tôi được tiếng sang lây chăng? Quý vị nghĩ coi tuổi của bà cũng thuộc loại cỗ lai hy, thế mà trong nhà vẫn có ôsin giúp bà nấu nồi cơm điện (không nấu thức ăn đâu nhé), đến giờ ăn thì dọn chén đũa ra bàn, hâm nóng thức ăn rồi bưng lên, ăn xong dọn dẹp lau bàn rửa chén. Lịch trình một tuần lễ ôsin phải hút bụi các phòng ngủ một lần, móp nhà bếp, day room, phòng tắm cũng một lần, không bao giờ quên. Và rồi khi trái gió trở trời bà than nhức vai, đau lưng thì Ôsin phải xoa dầu nóng Bengay hoặc dán Salonpas cho bà. Người Ôsin đắc lực và xuất sắc của bà là….T...ô...i.

    Nguyên  Quân.

   Tài liệu tham khảo: Thủy Hử của Thi Nại Am, lời bàn của Ngô Môn Kim Thánh Thán, bản dịch Việt ngữ của cụ Á Nam Trần Tuấn Khải, dường như cụ là thân phụ của nhà thơ Viên Linh ?

up

AcDieu
Google Search:       
RFI
Nguoi_Viet
RFA
Quan_Su_VNCH
Quân Sử VNCH
Voa_tieng_Viet
msn
BBc_Tieng_Viet
Dan_lam_bao
Radio_VNHN

TIME