AcDieu225
Co Vang amazon Tammy

Free Hit Counters
Web Site Hit Counters

Ac Dieu

 

Biển Đông : 

Tòa-án Trọng-tài chấp-nhận xem-xét đề-nghị của Việt-Nam

 bien_dong.jpg

Trụ sở Tòa án Trọng tài Thường trực, La Haye, Hà Lan  

 

Hai ngày sau khi hết thời hạn dành cho Trung Quốc để trả lời Philippines trong đơn kiện đường lưỡi bò tại Biển Đông, vào hôm qua, 17/12/2014, Tòa án Trọng tài Thường trực (Permanent Court of Arbitration) đã chính thức yêu cầu Manila cung cấp thêm luận chứng bằng văn bản. Tòa án đồng thời cho biết đang xem xét đề nghị của Hà Nội yêu cầu bảo vệ các quyền lợi của Việt Nam trong vụ việc.

 

Trong một bản thông cáo báo chí về « Thủ tục trọng tài giữa Cộng hòa Philippines và Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa », Tòa án Trọng tài Thường trực, trụ sở tại La Haye (Hà Lan), đã kỳ hạn cho Philippines là từ nay cho đến ngày 15/03/2015 phải cung cấp thêm luận chứng bằng văn bản liên quan đến một số vấn đề cụ thể. 

 

Dù bị Trung Quốc nhiều lần phủ nhận vai trò trong việc phán xử về tranh chấp ở Biển Đông, Tòa án Trọng tài Thường trực vẫn tiếp tục yêu cầu Bắc Kinh phải trả lời các luận điểm mới của Manila trước ngày 16/06/2015. 

 

Liên quan đến Việt Nam, Tòa án Trọng tài Thường trực xác nhận là đã nhận được bản tuyên bố lập trường của Việt Nam đối với vụ kiện do Philippines khởi xướng nhắm vào Trung Quốc, cùng với yêu cầu quan tâm đến quyền lợi của Việt Nam. Văn kiện này đã được Tòa án chính thức nhận được ngày 05/12/2014 vừa qua. 

 

Trong bản thông cáo báo chí, Tòa án Trọng tài Thường trực cho biết : « Tòa án trọng tài hiện nay đang tham khảo ý kiến các bên tham gia vụ kiện về một bản "Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Việt Nam lưu ý Tòa án trong Thủ tục trọng tài giữa Cộng hòa Philippines và Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa" được phòng Đăng bạ nhận được ngày 05/12/2014. » 

 

Lời lẽ trên đây có nghĩa là Tòa án Trọng tài Thường trực đã chính thức yêu cầu Philippines và Trung Quốc trả lời các yêu cầu của Việt Nam liên quan đến vụ kiện.

 

Bản tuyên bố lập trường của Việt Nam về vụ kiện Trọng tài Biển Đông đã được Việt Nam gởi đến Tòa án Thường Trực La Haye ngày mồng 5/12/2014 , nhưng chỉ được phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam loan báo công khai hôm 11/12/2014 .

 

Theo giới phân tích bản tuyên bố của Việt Nam gởi đến Tòa án Trọng tài Thường trực về vụ kiện của Philippines nhắm vào Trung Quốc đã phản ánh rõ rệt lập trường của Việt Nam : Đó là công nhận thẩm quyền của Tòa án Trọng tài trong việc xem xét vấn đề Biển Đông, đối lập hẳn với quan điểm của Trung Quốc, từ trước đến nay vẫn luôn luôn phủ nhận thẩm quyền của Tòa. 

 

Bản tuyên bố của Việt Nam gởi đến Tòa án La Haye cũng thể hiện lập trường ủng hộ Philippines một cách rõ rệt và công khai nhất từ ngày Manila khởi xướng vụ kiện. 

 

Mặt khác, Việt Nam cũng phản bác lập luận về chủ quyền lịch sử của Trung Quốc tại Biển Đông, được Bắc Kinh nhắc lại trong bản Tuyên bố Lập trường về vụ kiện ngày 07/12. Việt Nam nhấn mạnh trở lại rằng các yêu sách phản ánh qua bản đồ "đường đứt đoạn" hoàn toàn phi pháp.

 

------------------------------------------------------------

 

Hạ viện Mỹ đòi Washington xét lại quan hệ quân sự với Bắc Kinh

 

Ủy ban Quân sự Hạ viện Mỹ yêu cầu Lầu năm góc xét lại chính sách "giao lưu" với quân đội Trung Quốc (Wikimedia)                            

Chiều hướng cứng rắn của Mỹ đối với các hành vi quyết đoán của Bắc Kinh tại các vùng biển châu Á-Thái Bình Dương càng lúc càng rõ nét. Dấu hiệu mới nhất là yêu cầu hôm 10/12/2014 của một dân biểu đầy thế lực, đòi Lầu Năm Góc xét lại chính sách đối thoại quân sự với Trung Quốc.

Theo dân biểu này, lý do là vì chính sách của Washington mang lại cho Bắc Kinh quá nhiều lợi ích, nhưng không thuyết phục được quân đội Trung Quốc chấm dứt các hành động hiếu chiến ở châu Á-Thái Bình Dương. 

Trong một bức thư dài ba trang gởi đến Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel và Thứ trưởng Quốc phòng Robert Work, Dân biểu Đảng Cộng hòa Randy Forbes, Chủ tịch Tiểu ban Hải lực thuộc Ủy ban Quân sự Hạ viện Mỹ đã yêu cầu « xem xét lại chính sách "giao lưu" hiện hành với quân đội Trung Quốc… trong khuôn khổ một chủ trương rộng lớn hơn (của Lầu Năm Góc) nhằm rà soát lại các mục tiêu an ninh của Mỹ trong khu vực. » 

Đối với ông Randy Forbes, chủ trương giao lưu để khuyến khích quân đội Trung Quốc hòa hoãn hơn đã mang lại kết quả ngược lại với mong đợi của Mỹ. Ông viết : « Vào lúc chúng ta tăng cường việc phát triển quan hệ giữa hai quân đội trong hai năm qua, các hành động của quân đội Trung Quốc lại chỉ trở nên hung hãn hơn. (…) Các sự cố liều lĩnh trên biển và trên không đã liên tục xẩy ra và Trung Quốc đã sử dụng nhiều hình thức cưỡng bức mới nhắm vào các láng giềng của họ ở Biển Hoa Đông và Biển Đông ». 

Trang mạng tờ báo Mỹ Washington Free Beacon vào hôm qua đã nêu bật nhiều sự cố đã khiến cho vị chủ tịch Tiểu ban Hải lực của Hạ viện Mỹ phải lên tiếng. Tờ báo đã nhắc lại các hành vi ngày càng hung hăng của Trung Quốc trong việc đòi hỏi chủ quyền lãnh thổ ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, xây dựng cơ sở trên các đảo đá đang tranh chấp, cho máy bay và tàu quân sự cản mũi phi cơ hay chiến hạm Mỹ trong vùng, những hành vi đã từng bị Lầu Năm Góc mô tả là « nguy hiểm » và « khiêu khích ». 

Một cách kín đáo hơn, Bắc Kinh cũng lợi dụng giao lưu quân sự để « học lóm » công nghệ hay kỹ thuật của Mỹ. Tờ Washington Free Beacon đã nêu lên vụ Tướng Trung Quốc Phòng Phong Huy (Fang Fenghui) được mời lên tham quan tàu sân bay USS Ronald Reagan ở San Diego vào tháng năm vừa qua. Ít lâu sau, một đô đốc hải quân Trung Quốc đã về hưu đã xác nhận với thông tấn nhà nước Trung Quốc là Tướng Phòng Phong Huy đã thu thập được các thông tin có giá trị về năng lực của chiếc USS Reagan. 

Ngoài ra, vào tháng 11 vừa qua, Trung Quốc đã cho chiến đấu cơ tàng hình đời mới nhất của họ bay thử. Chiếc J-31 của Trung Quốc tuy nhiên đã được cho là sử dụng công nghệ của loại phi cơ Mỹ F-35 mà Quân đội Trung Quốc bị tình nghi là đã đánh cắp được thông qua các cuộc tấn công tin học nhắm vào một nhà thầu phụ của tập đoàn chế tạo máy bay Lockheed Martin của Mỹ. 

Theo giới quan sát, thái độ nghi ngại Trung Quốc của Dân Biểu Mỹ Randy Forbes không phải là cá biệt, mà phản ánh một phản ứng chung của dư luận Mỹ trước những hành vi thái quá của Trung Quốc, không chỉ đối với Hoa Kỳ, mà cả đối với các láng giềng của Trung Quốc. 

Mới đây, trong một động thái hiếm hoi, Hạ viện Mỹ ngày 03/12 vừa qua, đã thông qua Nghị quyết H. Res-714 lên án các hành vi cưỡng chế hoặc sử dụng vũ lực để ngăn cản việc thực thi quyền tự do sử dụng vùng biển hay không phận quốc tế trên các vùng Biển Đông và Biển Hoa Đông, mà tác giả là Trung Quốc.

 

------------------------------------------------------------

 

Hạ viện Mỹ : Phải tôn trọng tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông

 bien_dong.jpg

BIỂN ĐÔNG  

 

Trong một hanh động nêu bật mối quan tâm của Mỹ đối với tình hình Biển Đông và Biển Hoa Đông, Hạ viện Mỹ vào hôm qua, 04/12/2014, đã thông qua một nghị quyết kêu gọi các nước giải quyết trong hòa bình các tranh chấp chủ quyền tại hai vùng Biển Đông và Biển Hoa Đông. Nghị quyết đã được thông qua không một lời phản đối.

     Mang ký hiệu H. Res-714, nghị quyết này đã được trình lên Hạ viện Mỹ để xem xét từ ngày 08/09/2014, nội dung tái khẳng định sự ủng hộ của Hoa Kỳ đối với các giải pháp hòa bình cho tranh chấp lãnh hải ở Biển Đông và Biển Hoa Đông.

Nghị quyết cũng tái khẳng định hậu thuẫn đối với quyền tự do hàng hải và hàng không, đồng thời lên án những hành vi cưỡng chế hoặc sử dụng vũ lực để ngăn cản việc thực thi các quyền tự do sử dụng vùng biển hay không phận quốc tế.

     Nghị quyết của Hạ viện Mỹ đã liệt kê một loạt những vụ ngăn trở quyền tự do lưu thông trên không và trên biển từ năm 2010 đến nay mà tác giả là Trung Quốc khi tàu Trung Quốc tấn công hay uy hiếp tàu cá, tàu công vụ của Việt Nam, Philippines, Ấn Độ tại Biển Đông.

     Nghị quyết đặc biệt nhấn mạnh đến tính chất sai trái trong việc Trung Quốc đơn phương tuyên bố Vùng nhận dạng phòng không trên Biển Hoa Đông vào tháng 11/2013, và việc cho hạ đặt giàn khoan HD-981 trong vùng thềm lục địa của Việt Nam tại Biển Đông từ đầu tháng Năm đến giữa tháng Bảy 2014.

     Trên các cơ sở đó, nghị quyết đã kêu gọi Trung Quốc tự kiềm chế trong việc thực thi các quy định về Vùng nhận dạng phòng không trên Biển Hoa Đông, bi cho là trái với các quy định quốc tế, và tránh những hành động tương tự ở những nơi khác trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

     Theo nhận định của các nhà quan sát, nếu Thượng viện Mỹ - định chế có chức năng đối ngoại - đã nhiều lần chính thức lên tiếng quan ngại về tình hình Biển Đông và Biển Hoa Đông, đây là lần hiếm hoi mà Hạ viện Mỹ - phụ trách các hồ sơ đối nội - ra nghị quyết về vấn đề này.

Trọng Nghĩa

 

------------------------------------------------

 

MỸ CHÍNH THỨC BÁC BỎ ĐƯỜNG LƯỠI BÒ CỦA TRUNG QUỐC

 

  Bộ Ngoại giao Mỹ công bố báo cáo khẳng định yêu sách “đường 9 đoạn” (đường lưỡi bò) mà Trung Quốc đơn phương đưa ra tại Biển Đông là không phù hợp với   luật pháp quốc tế về biển, theo tài liệu chính thức từ trang web Bộ Ngoại giao Mỹ.

 bien_dong.jpg

bien_dong.jpg

Đường 9 đoạn là yêu sách phi lý của Trung Quốc - 

Ảnh: chụp từ báo cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ

 

Báo cáo dài 26 trang, được công bố ngày 5.12 do Cục Đại dương và Các vấn đề môi trường và khoa học quốc tế thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ tiến hành đã chỉ ra sự phi lý trong yêu sách “đường 9 đoạn” của Trung Quốc.

 

Báo cáo này được đưa ra ngay trước thời hạn 15.12 mà Toà trọng tài quốc tế yêu cầu Trung Quốc đưa ra tài liệu pháp lý về vụ kiện của Philippines đối với những tuyên bố chủ quyền phi lý và phi pháp của Trung Quốc tại biển Đông.

 

Năm 2009, Trung Quốc gửi lên Liên Hiệp Quốc tấm bản đồ “đường 9 đoạn”, tuyên bố chủ quyền phi pháp ở biển Đông. Theo yêu sách này, Trung Quốc chiếm khoảng 2 triệu km2 diện tích biển và 13 km2 diện tích đất trên biển Đông, bao gồm cả quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và bãi cạn Scaborough.

 

Báo cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ cho thấy “đường 9 đoạn” mà Trung Quốc đưa ra nằm gần với đường bờ biển của các quốc gia tiếp giáp biển Đông, trong đó đoạn số 1 (theo báo cáo) chỉ cách bờ biển Việt Nam 50 hải lý và cách đảo Lý Sơn của Việt Nam 36 hải lý. Các đoạn 3,4,5 lần lượt cách Indonesia, Malaysia, Philippines 75, 24 và 35 hải lý.

 

Báo cáo cũng chỉ ra nhiều điểm không hợp lý trong tấm bản đồ của Trung Quốc. Các đoạn ở tấm bản đồ năm 2009 đều gần bờ biển các nước láng giềng hơn trong tấm bản đồ năm 1947, tấm bản đồ được cho là lần đầu tiên có “đường lưỡi bò”. Báo cáo dẫn chứng ở đoạn thứ 2 nằm gần bờ biển Việt Nam hơn 45 hải lý so với đoạn gần nhất trên bản đồ năm 1947 trong khi đoạn 1 gần hơn 15 hải lý. 

 

Báo cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ khẳng định Trung Quốc vẫn chưa làm rõ những đòi hỏi về biển liên quan đến “đường 9 đoạn” theo cách thức phù hợp với luật pháp quốc tế. Báo cáo cho rằng, các luật lệ, tuyên bố và hành động chính thức của Trung Quốc đều thể hiện sự mâu thuẫn đối với bản chất và phạm vi của các yêu sách mà nước này đưa ra. Bộ Ngoại giao Mỹ đưa ra 3 cách diễn giải khác nhau mà Mỹ cho rằng Bắc Kinh muốn thể hiện.

 

Theo cách diễn giải thứ nhất, “đường 9 đoạn” là khu vực mà Trung Quốc đòi hỏi chủ quyền đối với các đảo và vùng biển liên quan được xác lập dựa trên các đảo này theo quy định của Công ước Liên Hợp Quốc về luật biển (UNCLOS). Báo cáo cho rằng nếu đường 9 đoạn thể hiện điều đó thì các đảo và vùng biển trong phạm vi đường 9 đoạn này phải phù hợp với các quy định của UNCLOS về lãnh hải, vùng tiếp giáp, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa được xác lập dựa trên bờ biển và các cấu trúc địa lý theo đúng định nghĩa về “đảo” trong điều 121 của công ước này

 

Thế nhưng, theo Bộ Ngoại giao Mỹ vẫn còn có tranh chấp ở các đảo và vùng biển liên quan đến các đảo ở biển Đông. Mặt khác, kể cả nếu Trung Quốc có chủ quyền đối với các đảo tại biển Đông thì ranh giới của bất kỳ vùng biển nào được xác lập dựa trên các đảo này theo điều 121 của UNCLOS cũng đều phải được phân định giữa các nước liên quan.

 

Ở cách diễn giải thứ hai, “đường 9 đoạn” là các đường ranh giới quốc gia của Trung Quốc. Bộ Ngoại giao Mỹ cho rằng những đoạn mà Trung Quốc đưa ra đều không có cơ sở pháp lý phù hợp với luật biển. Theo luật quốc tế, các ranh giới biển được xác lập dựa trên thỏa thuận giữa các quốc gia láng giềng và do vậy, một quốc gia không thể đơn phương xác lập ranh giới biển với một quốc gia khác.

 

Thêm vào đó, một đường ranh giới quốc gia như vậy không phù hợp với thực tiễn giữa các nước và luật pháp quốc tế. Bởi lẽ, vị trí của ranh giới biển được xác định dựa trên đường bờ biển đối diện, dài và liên tục chứ không phải dựa trên các hòn đảo rất nhỏ và biệt lập như tại biển Đông.

 

Ngoài ra, ở các đoạn 2,3 và 8 trên bản đồ phi pháp năm 2009 của Trung Quốc không chỉ nằm khá gần bờ biển của các nước khác mà tất cả hoặc một phần của những đoạn này đều nằm ngoài phạm vi 200 hải lý tính từ bất kỳ cấu trúc địa lý nào mà Trung Quốc đòi hỏi chủ quyền.

 

Ở cách diễn giải cuối cùng, “đường 9 đoạn” là ranh giới của cái gọi là “các đòi hỏi biển lịch sử” của Trung Quốc. Theo báo cáo, nếu đường 9 đoạn định thể hiện khu vực mà Trung Quốc đòi hỏi cái gọi là “vùng nước lịch sử” hay “quyền lịch sử” thì những yêu sách này cũng không nằm trong mục “đòi hỏi lịch sử” được quy định trong điều 10 và 15 của UNCLOS.

 

Theo Bộ Ngoại giao Mỹ, Trung Quốc không đáp ứng được các tiêu chí pháp lý đối với yêu sách về “vùng nước lịch sử”, bao gồm thực thi chủ quyền một cách công khai, được biết đến rộng rãi, liên tục và hiệu quả tại biển Đông và được các nước khác công nhận việc thực thi này.

 

Với những phân tích trong 26 trang báo cáo, Bộ Ngoại giao Mỹ kết luận rằng yêu sách hiện nay của Trung Quốc về đường 9 đoạn là phi pháp, không phù hợp với luật quốc tế về biển.

 

Theo THANH NIÊN ONLINE

 

 

-------------------------------------------------------------

 

Bộ Ngoại giao Mỹ : 

Đường chín đoạn ở Biển Đông phi lý và phi pháp

 

Trọng Nghĩa (RFI)

 bien_dong.jpg

Biển Đông vẫn căng thẳng do mưu đồ độc chiến Biển Đông của Trung Quốc.Reuters

Vào lúc tranh cãi Manila-Bắc Kinh về vụ Philippines kiện đường lưỡi bò Trung Quốc ở Biển Đông bùng lên gay gắt trở lại, Washington lần đầu tiên chính thức nhập cuộc. Một văn kiện chính thức của Bộ Ngoại giao Mỹ, công bố ngày 05/12/2014 phân tích cặn kẽ yêu sách chủ quyền của Trung Quốc tại Biển Đông trong bản đồ 9 đoạn và nêu bật các tính chất mơ hồ, phi lý và phi pháp của các đòi hỏi.

 

Trong bản nghiên cứu số 143 về các Ranh giới trên biển (Limits in the Seas) mang tựa đề : Trung Quốc Yêu sách trên biển Nam Trung Hoa (tức Biển Đông) - China Maritime Claims in the South China Sea, Vụ Đại dương và các vấn đề Khoa học và Môi trường Quốc tế của Bộ Ngoại giao Mỹ đã tập trung phân tích « các đòi hỏi chủ quyền trên biển của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, đặc biệt là yêu sách của "đường gián đoạn" bao quanh các hòn đảo và vùng nước tại Biển Đông ».

Ngay trong phần mở đầu, tài liệu dài 24 trang, kèm theo rất nhiều bản đồ dẫn chứng, đã nhắc lại sự kiện Bắc Kinh gởi công hàm cùng tấm bản đồ 9 đường gián đoạn đến Liên Hiệp Quốc vào tháng 05/2009 để khẳng định chủ quyền Trung Quốc tại Biển Đông, một sự khẳng định đã bị các nước Việt Nam, Indonesia và Philippines phản đối, cho rằng tấm bản đồ đó không có cơ sở pháp lý dựa theo luật biển Liên Hiệp Quốc.

Bản đồ rất mơ hồ

Điểm đáng chú ý được bản báo cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ ghi nhận là vào năm 2011, Trung Quốc đã gởi thêm một công hàm khác đến Liên Hiệp Quốc, nhắc lại các yêu sách của họ đã được ghi trong công hàm năm 2009, và bổ sung thêm hàng chữ : « Chủ quyền của Trung Quốc, cùng với các quyền liên quan và quyền tài phán tại Biển Đông được chứng tỏ bằng vô số bằng chứng lịch sử và pháp lý ».

Vấn đề được Bộ Ngoại giao Mỹ nêu bật là : « Trung Quốc đã không làm rõ bằng luật lệ, tuyên cáo, hoặc văn kiện chính thức nào khác các cơ sở hay bản chất pháp lý của các yêu sách liên quan đến tấm bản đồ với đường gián đoạn ». Trong tình hình đó, nghiên cứu của Bộ Ngoại giao Mỹ đưa ra nhiều diễn giải khác nhau về các yêu sách chủ quyền của Trung Quốc, để xem diễn giải nào phù hợp với luật pháp quốc tế về biển.

Bản báo cáo của Mỹ đã xem xét ba cách giải thích khác nhau về đường gián đoạn mà Trung Quốc vẽ ra trên Biển Đông : (1) Ranh giới xác định chủ quyền trên các hòn đảo, (2) Biên giới trên biển của một quốc gia - mà ở đây là Trung Quốc ; (3) Ranh giới xác định chủ quyền lịch sử.

Các đường gián đoạn lung tung và không nhất quán

Nhận định đầu tiên của bản báo cáo này là các đường gián đoạn đã được vẽ rất lung tung, không nhất quán. Trang 5 bản báo cáo ghi nhận : « Công việc mô tả các đường đứt đoạn của Trung Quốc về mặt địa lý rất phức tạp do mâu thuẫn giữa bản đồ năm 2009 và những tấm bản đồ khác cũng của Trung Quốc, chẳng hạn như bản đồ năm 1947, thậm chí cả các bản đồ đương đại (xuất bản năm 2013-2014) vì các bản đồ này cho thấy những đường gián đoạn có kích cỡ khác nhau và ở những vị trí khác nhau ».

Nhận xét khác là các đường gián đoạn – phân thành 9 vạch - lại gần bờ biển các nước bao quanh Biển Đông như Việt Nam, Philippines, Indonesia hay Malaysia, hơn là gần các hòn đảo, chưa nói đến việc rất xa bờ biển Trung Quốc. Một ví dụ : Vạch số 1 chỉ cách bờ biển Việt Nam 50 hải lý, và cách đảo Lý Sơn 36 hải lý ! Kỷ lục là vạch số 4, chỉ cách đảo Borneo của Malaysia 24 hải lý mà thôi.

Trong phần phân tích, các tác giả bản báo cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ đã thử tim hiểu xem phải chăng các đường gián đoạn của Trung Quốc được dùng để xác định ranh giới các đảo mà Trung Quốc đòi chủ quyền, hay là biên giới quốc gia của Trung Quốc. Trong hai giả thuyết này, các đường ranh đó hoàn toàn không phù hợp với luật lệ quốc tế hiện hành.

Không có cơ sở pháp lý nào cho việc đòi chủ quyền lịch sử

Riêng trong trường hợp thứ ba là dùng đường đứt đoạn để xác định chủ quyền lịch sử, thì bản báo cáo xác định là yêu sách của Trung Quốc không phù hợp với luật quốc tế.

Theo bản báo cáo, khi đòi hỏi chủ quyền lịch sử, một quốc gia phải công bố rộng rãi yêu sách đó để quốc tế biết đến. Điều này thường được thực hiện qua các thông báo chính thức. Thế nhưng các tấm bản đồ 9 đường gián đoạn khác nhau của Trung Quốc lại không chính xác hoặc không nhất quán, do đó không đáp ứng được điều kiện này.

Ngoài ra, theo báo cáo, yêu sách chủ quyền của Trung Quốc tại Biển Đông cũng không đáp ứng ba yêu cầu căn bản : (1) Thẩm quyền không được hành xử một cách công khai, thực thụ và được mọi người biết đến ; (2) Thẩm quyền không được hành xử một cách liên tục ; (3) Thẩm quyền không có sự chấp thuận của các nước ngoài.

Lúc nào Trung Quốc cũng nói đến chủ quyền lịch sử không thể chối cãi của họ ở Biển Đông. Ngày 07/12/2014 chẳng hạn, theo tin Tân Hoa Xã, trong bản Tuyên bố lập trường về việc bác bỏ vụ kiện của Philippines, Bắc Kinh đã tái khẳng định rằng :

« Trung Quốc có chủ quyền không thể tranh cãi đối với các quần đảo ở Biển Đông (quần đảo Đông Sa, quần đảo Tây Sa (tức Hoàng Sa), quần đảo Trung Sa và quần đảo Nam Sa (tức Trường Sa) và các vùng biển lân cận. Các hoạt động của Trung Quốc ở Biển Đông có từ hơn 2.000 năm trước đây. Trung Quốc là quốc gia đầu tiên phát hiện, đặt tên, khám phá và khai thác các nguồn tài nguyên ở Biển Đông, và là bước đầu tiên thực hiện quyền chủ quyền trên các đảo này.

Từ năm 1930 đến năm 1940, Nhật Bản đã chiếm cứ bất hợp pháp một số quần đảo trên Biển Đông trong cuộc chiến tranh xâm lược Trung Quốc. Vào cuối của Chiến tranh Thế giới Thứ hai, Chính phủ Trung Quốc đã lại tiếp tục hành xử chủ quyền đối với các quần đảo ở Biển Đông... »

Đối với Bộ Ngoại giao Mỹ, lý luận của Trung Quốc về chủ quyền lịch sử của họ trên Biển Đông không đứng vững. Bản báo cáo kết luận : 

«Trừ phi Trung Quốc làm rõ rằng yêu sách chủ quyền gói trong các đường gián đoạn chỉ nhắm vào các đảo nằm bên trong và các vùng hải phận được tạo ra từ những thực thể địa dư theo quy định của luật biển quốc tế, như được phản ánh trong Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển, nếu không thì yêu sách chủ quyền thể hiện qua các đường gián đoạn không phù hợp với pháp luật quốc tế về biển ».

 

up

AcDieu
Google Search:       

Tin vui

Tin Buồn

Bài Củ

11-2014

10-2014

09-2014

08-2014

07-2014

06-2014

05-2014

04-2014

03-2014

02-2014

01-2014

RFI
Nguoi_Viet
RFA
Quan_Su_VNCH
Quân Sử VNCH
Voa_tieng_Viet
BBc_Tieng_Viet
Dan_lam_bao

TIME