AcDieu225
Co Vang amazon Tammy

Free Hit Counters
Web Site Hit Counters

Ac Dieu

Tết Dựng Cờ

- Bảo Định

Tet_dung_co.jpg
Tet_dung_co.jpg

Chương II, Điều 2 của Hiệp định Paris 1973 ghi: “Một cuộc ngưng bắn sẽ có hiệu lực trong toàn cõi miền Nam lúc hai mươi bốn giờ (giờ GMT) ngày hai mươi bảy tháng Giêng năm 1973”. Điều 3, mục b ghi: “Các lực lượng vũ trang của hai miền Nam Việt Nam sẽ ở nguyên vị trí của mình…” Điều 10 ghi: “Hai bên miền Nam Việt Nam cam kết tôn trọng ngừng bắn và giữ hòa bình ở miền Nam Việt Nam, giải quyết các vấn đề tranh chấp bằng thương lượng và tránh mọi xung đột bằng vũ lực”.

 

Tiểu đoàn 2/43/SĐ18BB đặt hậu cứ tại Núi Thị. Đó là một ngọn núi không cao, có hình thế yên ngựa, nằm cách thị xã Xuân Lộc hơn 3 cây số về hướng Tây. Đây là một điểm cao quân sự, có thể khống chế cả một khu vực rộng lớn. Từ đây, ta có thể nhìn thấy rõ thị xã cách xa lối 3 cây số, nằm trải dài bên dưới ở hướng Đông, và ngã ba Dầu Giây, cách xa lối 10 cây số ở hướng Tây. Khi trận chiến Xuân Lộc bùng nổ tháng 4.1975, Sư đoàn 18BB đã bố trí tại đây nhiều khẩu pháo 105 ly và 155 ly. Với dàn pháo cấp Tiểu đoàn hùng hậu, yểm trợ đắc lực cho quân bạn, đã góp phần ngăn chận hữu hiệu các mũi tiến công của của quân CSBV vào thị xã.

Tại điểm cao nhất của Núi Thị, một tòa lâu đài tráng lệ, rất kiên cố, được chủ đồn điền Pháp xây dựng, có lẽ từ thời Pháp thuộc. Vì là một điểm cao quân sự, chính phủ Việt Nam Cộng Hòa đã trưng dụng, và hàng năm phải trả cho chủ đồn điền Pháp một số tiền lối 3 triệu cho việc chiếm dụng này.

Từ ngày Núi Thị trở thành nơi đặt hậu cứ cho Tiểu đoàn, mỗi lần sau cuộc hành quân dài ngày, đơn vị được về nghỉ ngơi dưỡng quân tại đây. Đầu năm 1973, vài ngày trước giờ ngưng bắn có hiệu lực, đang hành quân xa, đơn vị được điều động về Xuân Lộc. Khác với thường lệ, Tiểu đoàn di chuyển thẳng về thị xã, đóng quân trong hậu cứ của Tiểu đoàn 3/43. Tôi được chỉ thị không mở những cuộc hành quân, không tổ chức những cuộc phục kích. Đơn vị chỉ lo gìn giữ an ninh vị trí đóng quân.

Đêm truớc ngày hưu chiến, lần đầu tiên trong đời lính, tôi đã có thể nằm ngủ yên giấc. Đó là một đêm bình yên! Tiểu đoàn 2/43 của tôi đã chấp hành nghiêm chỉnh huấn lệnh của thượng cấp. Toàn bộ đơn vị ngưng mọi hoạt động thế công.

Chính phủ VNCH thi hành đúng đắn Hiệp định ngưng bắn do đại diện bốn bên tham chiến ký tại bàn hòa hội Paris. Về phía Hoa Kỳ, do Ngoại trưởng William P. Roger; VNCH do Ngoại trưởng Trần Văn Lắm; VNDCCH do Ngoại trưởng Nguyễn Duy Trinh và VC do Bà Nguyễn Thị Bình. Nhưng cộng sản là không tin cậy được. Chúng sẵn sàng lật lọng, tráo trở để đạt được mục đích tối hậu. “Cứu cánh biện minh phương tiện”. Từ trước giờ ngưng bắn, trong giờ ngưng bắn, và sau giờ ngưng bắn, chúng đã vi phạm hiệp định. Lực lượng bộ đội CSBV tìm cách xâm nhập, cùng với bọn du kích địa phương, âm thầm len lõi vào các khu dân cư vốn thuộc sự kiểm soát của VNCH để “dành dân, lấn đất”.

 Tet_dung_co.jpg

Lối 8 giờ sáng ngày 27 tháng 1 năm 1973, tôi cho lệnh mời tất cả cán bộ từ cấp Tiểu đội trở lên, về họp tại Bộ chỉ huy Tiểu đoàn, để mừng Hiệp định chấm dứt Chiến tranh, lập lại Hòa bình ở Việt Nam, đồng thời để đón nghe Thông điệp của Tổng thống VNCH. Là lính, bất đắc dĩ phải cầm súng để bảo vệ Tổ Quốc trước cuộc xâm lăng của CSBV, nhưng hơn ai hết, chúng tôi rất mong muốn hòa bình, rất mong muốn quê hương không còn tiếng súng, để có thể trở lại đời sống thường dân.

Đúng 8 giờ, qua làn sóng phát ra từ chiếc radio Phillips, tiếng chiêng trống mừng cuộc ngưng bắn chưa dứt, chúng tôi chưa kịp nghe thông điệp của Tổng thống, thì Xuân Lộc đã mịt mù lửa đạn. Đúng giờ ngưng bắn, Việt Cộng từ các cụm rừng cao su bao quanh, từ các khu nhà dân bên ngoài vòng đai phòng thủ của thị xã mà chúng vừa len lỏi chiếm hôm qua, xử dụng súng cối 61 ly, 82 ly rót liên tục vào Xuân Lộc. Đạn pháo giặc nổ khắp nơi, bất kể đó là khu dân cư, khu chợ, khu trường học, hay doanh trại các đơn vị quân đội. Tôi được lệnh tức khắc lên Trung tâm Hành quân BTL/SĐ nhận chỉ thị.

Chiếc xe jeep đưa tôi đi vừa ra khỏi cổng doanh trại, đã được đón chào bằng một loạt đạn cối giặc. Một trái nổ ngay đầu xe, tưởng chừng như xe tan vở! Trên xe, ngoài tài xế và tôi, còn có sĩ quan hành quân, sĩ quan tiền sát, sĩ quan truyền tin và hai hiệu thính viên. Nhưng tất cả đều vô sự. Thật là mạng may phước lớn!

TĐ2/43 được lệnh cấp tốc mở cuộc hành quân giải tỏa ấp Bảo Vinh, nằm bên ngoài thị xã, do Nghĩa quân và Nhân dân Tự vệ giữ gìn an ninh. Nhưng lợi dụng lúc phe ta ngừng các hoạt động quân sự, giặc từ các hang ổ bò ra. Đám du kích địa phương và bọn nằm vùng lộ diện. Do thiếu cảnh giác, bị đối phương áp đảo, Nghĩa quân và Nhân dân Tự vệ phải lui về thị xã. Ấp Bảo Vinh khá lớn, nhà cửa san sát, hầu hết là nhà mái tranh vách đất, nằm hai bên một con đường đất đỏ, chạy dài theo hướng Nam Bắc. Liền sau khi VC xâm nhập, một số đông bà con đã tìm cách chạy trốn về thị xã.

Trước giờ tấn công, tôi cho phát loa yêu cầu đồng bào hãy tìm cách chạy về hướng quân quân đội cộng hòa, nếu không, phải ẩn núp để tránh đạn lạc. Với khí thế dũng mãnh, áp dụng chiến thuật hành quân trong thành phố, quân ta tiến nhanh và gọn. Đám giặc cỏ không dám trụ lâu. Chúng chống đở yếu ớt, và tìm cách rút chạy. Nhưng trước khi trốn chạy, chúng đã đốt nhà dân, hầu tạo màng khói che chở. Chỉ trong một thời gian ngắn, toàn ấp đã được giải tỏa, và giao lại cho Nghĩa quân và Nhân dân Tự vệ gìn giữ. Rời vùng chiến địa, đơn vị được lệnh lên xe M.113 của Chi đoàn Thiết Kỵ do Đại úy Đào chỉ huy, hành quân dọc đường QL.1 về huớng rừng lá. Những xã ấp hai bên đường hầu như đã bị bỏ ngỏ. Cờ VC cắm la liệt đó đây. Nhưng quân ta đi đến đâu, giặc tan ở đó. Chúng rút chạy, bỏ lại nhiều lá cờ máu. Quân ta gom lại và thay thế bằng những lá cờ vàng. Quân ta vừa đánh vừa di chuyển, cho đến ngã ba Ông Đồn (giao điểm của QL.1 và LTL.333). Chỗ nào giải tỏa xong thì liền bàn giao lại cho chính quyền xã ấp và lực lượng Nghĩa quân. Trước khi trời tối, đơn vị đuợc lệnh trở lại Xuân Lộc.

Vào lúc quá nửa đêm ngày hôm đó, Đại úy Đào và tôi được lệnh đi gặp Đại tá Mạch Văn Trường, Tỉnh trưởng Long Khánh. Được biết một đơn vị CSBV vừa xâm nhập ngã ba Dầu Giây. Chúng tôi được lệnh đi giải tỏa. Khi ra về, vị Đại tá tỉnh trưởng đã nói những lời chân tình: “Hai em hãy ráng giúp qua!” và ân cần trao những chai rượu Tây gọi là khao quân và thưởng Tết cho đoàn quân chiến thắng! Chưa đánh, vị Tỉnh trưởng đã biết chắc phần thắng thuộc về chúng tôi!

Ngã ba Dầu Giây là giao lộ của QL.1 và QL.20 (đường đi Đà Lạt). Đây là điểm trọng yếu, chỉ cách Thủ đô Sài Gòn trên 50 cây số, cần phải giải tỏa ngay. Nếu nơi đây bị VC chiếm giữ lâu ngày thì người dân thủ đô sẽ thiếu rau xanh và trái cây mang về từ Đà Lạt.

Trận đánh ngã ba Dầu Giây thật cam go. Tin tức tình báo không có gì rõ ràng. Nhưng được biết VC vừa mới đột nhập ngã ba này. Đó là các đơn vị của Trung đoàn 33/CSBV. Chúng đưa một tiểu đoàn đến đóng chốt trên một tuyến đường dài, từ ấp Nguyễn Thái Học gần núi Sóc Lu trên QL.20 đến xã Dầu Giây trên QL.1. Đơn vị Địa phương quân giữ gìn anh ninh tại đây bị dồn vào một góc, ở cuối xã, về hướng đèo Mẹ Bồng Con.

Từ hướng ấp Trần Hưng Đạo tiến lên, nhiều lần mở đợt tấn công, nhưng vẫn bị địch đẩy lui. Trong một đợt tấn công, Đại đội 1 của Trung úy Chánh đã băng qua đường, bị địch phản công mạnh, khựng lại, phải thối lui bị, nhưng một phần đại đội kẹt lại ngay ở tấm bảng quảng cáo mì ăn liền. Tiến lên không được, mà rút lui cũng không xong. Đó là một địa thế trống trải. Bên trên là một rẻo rừng cao su ở một địa thế cao. Địch có cây thượng liên 12ly8 và khẩu súng không gật 100ly. Chúng bắn xối xả vào đội hình tấn công của quân bạn. Súng cối 61 ly và 82 ly từ xa rót vào liên tục. Bên ta không có gì che chở cả. Hai chiếc M.113 bị trúng đạn bốc cháy. Những chiếc còn lại thụt lùi. Bô binh cũng thụt lùi. Nhưng những người lính bám sát tấm bảng quảng cáo vẫn còn trụ lại. Họ co cụm, chịu đựng! Lòng tôi nóng như lửa đốt.

Tôi hội ý với Đại úy Đào, cùng các Đại đội trưởng, và đi đến quyết định: Chi đoàn Thiết Kỵ dàn hàng ngang 20 chiếc, bộ binh theo sau hay ngang hàng. Khi có lệnh tấn công, tất cả cùng tiến lên. Nếu có thương vong hay xe bị trúng đạn, những người khác vẫn tiếp tục tiến lên. Cứ để lại thương vong và xe bị bắn cháy, sẽ có người lo. Ai trái lệnh sẽ bị truy tố ra trước tòa án quân sự.

Khi nhận lệnh đi giải tỏa, Đại tá tỉnh trưởng cho biết nhiệm vụ phải hoàn tất trước 12 trưa, để xe cộ có thể lưu thông. Đúng 11 giờ, tôi cho lệnh tấn công. Quân bạn rầm rộ tiến lên như vũ bão, vuợt qua con đường máu, tràn vào tuyến địch, chiếm được các công sự của chúng. Quân CSBV không ngờ quân ta quá dũng mãnh. Những tên sống sót chỉ kịp tháo chạy về hướng ấp Nguyễn Thái Học, và núi Sóc Lu. Kết quả, địch để lại nhiều thương vong, một đại bác không giật 100ly, một súng cối 82 ly, một súng cối 61ly và nhiều vũ khí cá nhân khác. Ta bắt sống 3 tù binh, trong đó có tên B trưởng, tức Trung đội trưởng. Khai thác sơ khởi, tên B trưởng cho biết, hắn thuộc Trung đoàn 33, và đơn vị phục kích cấp Tiểu đoàn. Thật là đúng hẹn! Đúng 12 giờ trưa, tôi báo cáo đoạn đường đã được khai thông. Xe cộ nối đuôi nhau cả đoạn đường dài, chạy qua mặt. Trên xe từ hướng Sài Gòn trút xuống nào là bánh kẹo, nước ngọt và báo chí. Từ hướng Đà lạt trút xuống trái cây và hoa quả! Hành khách trên xe không ngớt nói lời cám ơn, và ca ngợi quân đội Cộng hòa.

Nhổ xong chốt ngã ba Dầu Giây, chúng tôi tạm dừng quân tại ấp Trần Hưng Đạo, cách nơi chiến trận không xa, hy vọng được nghỉ ngơi vài ngày. Nhưng trong đêm, chúng tôi lại nhận lệnh tiếp. Sáng sớm hôm sau, đơn vị tôi và Chi đoàn của Đào trực chỉ Phương Lâm. Một Tiểu đoàn quân CSBV vừa về đóng chốt ở đây, làm gián đoạn sự lưu thông từ Đà Lạt. Chuyến đi này, ngoài vũ khí đạn dược, còn được trang bị nhiều lá cờ vàng!

Theo hiệp định ngưng bắn da beo, nơi nào có cờ của phe nào là đất của phe đó. Chính vì điểm này mà VC đã tìm cách len lỏi vào các xã ấp vốn thuộc của ta để cắm cờ, và quân ta đã mất công đi nhổ cờ. Trên đường hành quân, đơn vị phải dừng lại nhiều lần để nhổ những lá cờ máu, thay thế bằng những lá cờ vàng. Đoạn đường từ cây số 125 đi Phương Lâm, là đoạn đường gian nan, và đầy hiểm nguy. Từ cây cầu nhỏ đến biên giới Madagui, hai bên là núi và rừng, VC đã đóng chốt tại đây dài cả cây số. Chúng đặt một cây thượng liên 12ly8 trên một mõm núi cao bên phải đường, có thể khống chế một khu vực rộng lớn. Bộ đội của chúng bố trí trên các ngọn đồi thấp sát đường. Địa thế hẹp, không thuận lợi cho việc xử dụng thiết giáp. Quân bạn đã xử dụng nhiều pháo binh và phi cơ ném bom để làm tiêu hao lực lượng địch. Nhưng cây thượng liên 12ly8 của địch vẫn tiếp tục tồn tại, đã gây trở ngại lớn cho sự tiến quân của quân bạn. Tôi phải tạm ngừng tấn công, tìm cách khống chế cây thượng liên quái ác này trước. Một Đại đội được lệnh len lỏi vào rừng, tiến gần đến cây thượng liên. Cuối cùng cây thượng liên ngừng bắn. Hẳn là địch thấy bị động, đã di chuyển. Ở dưới này, tôi cho lệnh vượt qua cầu, mở cuộc tấn công. Quân bạn tiến nhanh, thẳng đến biên giới địa đầu của tỉnh Lâm Đồng. Quân ta vừa tiến, vừa nhổ cờ máu của địch, đồng thời thay thế bằng những lá cờ vàng ba sọc đỏ của tổ quôc thân yêu. Trước khi trời tối, cả một vùng đồi núi vào xuân rực rỡ màu vàng của lá cờ Tổ quốc. Để đạt được chiến thắng này, bao nhiêu máu người đã đổ. Cùng với máu của ta, có nhiều máu của giặc, tất cả là máu đỏ da vàng, đã tô thắm lá cờ vàng ba sọc đỏ.

Nhiều chiến sĩ của Tiểu đoàn 2/43, và Chi đoàn Thiết kỵ của Đại úy Đào đã nằm xuống sau giờ ngưng bắn có hiệu lực. “Ngưng bắn”, “Hòa bình”, ôi mỉa mai làm sao! Những chiến sĩ anh dũng Tiểu đoàn 2/43 và Chi đoàn Thiết Kỵ đã hy sinh trong cuộc hành quân dựng cờ, chiếm lại đất, giành lại dân. Họ là những anh hùng đã hy sinh vào giờ thứ 25. Những người lính Cộng Hòa đã không ngại hy sinh để bảo vệ Tổ Quốc.

Tết Mậu Thân năm 1968, nhiều chiến sĩ Đại đội Hắc Báo của Sư đoàn 1BB đã hy sinh để chiếm lại Kỳ đài Thành nội Huế, bị quân xâm lăng CSBV chiếm, để kéo lá cờ vàng thân yêu, sau 25 ngày vắng bóng. Tờ mờ sáng ngày 16.9.1972, Đại đội 2, Tiểu đoàn 3/TQLC cũng đã đổ nhiều máu truớc khi dựng được cờ vàng trên Cổ thành Quảng Trị:

“Cờ bay! Cờ bay oai hùng trên thành phố thân yêu, vừa chiếm lại đêm qua bằng máu…”

Hẳn nhiếu người trong chúng ta đều thuộc nằm lòng lời thơ bình dị được giảng dạy tại bậc tiểu học:

 

“Ngày ngày chào lá Quốc kỳ,

Nhớ nguời chiến sĩ chết vì non sông”

Tet_dung_co.jpg

Tet_dung_co.jpg

 

Đất nước Việt Nam không còn, tạm thời bị lũ tay sai Tàu cộng cai trị. Chúng chỉ là những tên Thái thú tân thời, tự nguyện biến Việt Nam thành xứ tự trị, hay tỉnh huyện của Tàu cộng. Chúng ta lìa bỏ quê hương, nhưng lòng luôn luôn vẫn hướng về cố hương, mong một ngay trở lại để dựng ngọn cờ vàng. Chúng ta đã mất đất nước, nhưng chúng ta còn lá cờ vàng. Lá cờ vàng thôi thúc chúng ta đoàn kết, và đấu tranh giải trừ chế độ cộng sản bạo tàn. Cờ vàng là lá cờ truyền thống, là biểu tượng của tự do – dân chủ, là hạnh phúc - ấm no, là nhân quyền – bác ái. Một ngày không xa, lá cờ vàng lại phất phới tung bay trên dải đất thân yêu hình chữ “S”./.

Michigan, Ngày Lễ Tạ Ơn năm 2014

BẢO ĐỊNH

up

AcDieu
Google Search:       

Tin vui

Tin Buồn

Bài Củ

11-2014

10-2014

09-2014

08-2014

07-2014

06-2014

05-2014

04-2014

03-2014

02-2014

01-2014

RFI
Nguoi_Viet
RFA
Quan_Su_VNCH
Quân Sử VNCH
Voa_tieng_Viet
BBc_Tieng_Viet
Dan_lam_bao

TIME