AcDieu225
Co Vang amazon Tammy

Free Hit Counters
Web Site Hit Counters

Ac Dieu

 

MIỀN NAM QUÊ HƯƠNG TÔI

 

VÕ LONG TRIỀU

 

*Mùa nắng bắt đầu, tôi đi xôm lươn

 

Thời tiết đồng bằng sông Cửu Long có hai mùa: nắng và mưa. Đồng ruộng khô dần, bùn sệt cứng, bước chân đi không lún. Những con lươn còn sống sót rút sâu xuống hang. Đêm đêm chúng nhoi đầu thò mỏ ra hứng sương. Do đó, người đi xôm lươn ban ngày nhìn kỹ mặt đất thấy chỗ nào có một lỗ nhỏ trơn lu, hay lợn cợn dính vài hột bùn còn ướt do lươn ngậm đất lấp lỗ thông hơi thì biết liền bên dưới có lươn.

 VN_que_huong_toi.jpg

Tôi học xôm lươn, nghéo ếch là do bác Ba Ninh chỉ cách và mách dạy kinh nghiệm. Bác Ba là người giúp việc cho gia đình tôi từ lúc bác còn nhỏ cho đến khi bác lớn khôn. Ông nội tôi cưới vợ cho bác và cấp cho vợ chồng bác 2 công dòng, gần đất thánh gia đình có lăng mộ của ông cố tôi. Vợ chồng bác ba Ninh trồng khoai, tỉa bắp, nuôi heo, nuôi gà để sinh sống.

 

Mỗi khi nhà tôi có cúng giỗ, đám tiệc hay ngày Tết thì cả nhà bác tự nguyện đến dọn dẹp nhà cửa, chưng bông, phụ lo việc bếp núc. Cũng có khi cần người lao lực ba tôi chỉ hú một tiếng là có mặt bác ngay, cùng với một người bạn trang lứa của bác cũng sống bằng sự giúp đỡ của ông nội tôi. Bác Ba là dân nhậu nên biết nấu những món ăn ngon như: lươn rút xương, lươn um dừa, lươn xào lăn, ếch bầm xào khô, cháo ếch đậu xanh, lá cách xào nhái, chim chuột, quay chảo. Vì là dân nhậu nên bác thường đi kiếm mồi trong thiên nhiên bằng cách đào chuột, đuổi chim, nghéo ếch, xôm lươn, câu rê... Tôi thường theo bác trong mọi sinh hoạt thích thú đó mỗi khi bãi trường về quê.

 

Cây xôm lươn làm bằng thanh sắt nhỏ dài độ một thước. Đầu trên tra cứng vào cán cây tròn bằng cổ tay dài một tấc, vừa đủ để nắm chặt xôm sâu. Đầu dưới cây xôm chẻ làm đôi, nông rộng ra độ một phân, giũa nhọn, chặt ngạnh để lươn dính vào không tuột ra được.

 

Buổi sáng đi sớm, lươn còn luồn trong bùn cạn, xôm dễ trúng. Càng về trưa lươn càng lặn sâu tránh nóng, người xôm phải nhấn lút cây chĩa, có khi cũng không trúng nó. Mỗi lần tìm được lỗ hơi thì cứ đâm thẳng cây xôm xuống bùn, đâm chung quanh một vùng chừng một thước vuông. Nếu may mắn trúng vào lưng nó thì cây xôm động đậy ngay, tay cầm cây xôm cứ vặn tròn nhiều vòng cuốn tròn con lươn lại làm cho nó khó vùng vẫy để thoát thân. Và cứ thế mà từ từ kéo nó lên gỡ ra bỏ vào đục.

 

Cái đục là một thứ giỏ tròn đan bằng tre, miệng ống cao có nắp đậy, có giây mang. Những ai lười không mang đục theo thì chỉ cần một sợi giây lát xỏ vào mang xuyên qua miệng con lươn, xách theo chờ cơ hội xỏ thêm nhiều con khác nếu trúng mối. Ngày nào đi về tay không thì khỏi mất công mang đục lè kè. Không mang theo đục cũng có cái lợi là đi dọc đường, người quen hỏi đi đâu mình nói đi xôm lươn, dù là trên đường về nhà tay không, tránh khỏi bị người ta yêu cầu dở đục cho xem thử có nhiều hay ít.

 

Sự tò mò của dân quê trong làng nó có một thứ thâm tình khó nói. Họ ngưỡng mộ nếu thấy mình xôm được nhiều lươn, họ tội nghiệp nếu thấy cái đục trống rỗng! Còn người chủ đục thì sượng sùng mắc cỡ, hoặc khi có nhiều thì phải biếu xén hàng xóm láng giềng. Người nào ích kỷ chỉ xôm vài con đủ ăn, đủ nhậu ngày đó thôi. Còn những con lươn ngoài đồng thì “rộng đó” chờ ngày khác. Làng tôi có ba người nổi tiếng là tay nghề xôm lươn nghéo ếch. Bác Ba Ninh, Dượng Ba Thình và Chú Sáu Lưu, cả ba đều là dân nhậu lai rai, sống ngày qua ngày một cách thoải mái. Họ cuốc dòng trồng khoai, cày ruộng gặt lúa theo mùa. Đuổi chim nghéo ếch đào chuột theo lúc. Tôi thường dự những buổi nhậu của Bác Ba Ninh và bạn bè bác, những món tôi thích ăn nhứt là lươn xào lăn, ếch bầm xúc bánh tráng và chim mỏ nhát quay chảo. Thiên hạ đồn rằng thịt lươn có tính cường dương, lúc nhỏ tôi ăn thường nhưng không biết nó có dương tính hay không? Tôi thuộc loại “phá mồi”Ô nghĩa là chỉ biết ăn mà không biết nhậu. Bác ba luôn luôn nhắc mời tôi: “Ăn đi con”, mặc dù chỉ có một con lươn hay vài con ếch không đầy một dĩa mà tôi chĩa gần hết phân nữa. Các bác vui thấy tôi ưa thích món nầy hay món khác còn mấy ổng thì chỉ cần vài trái me non, me giốt hay khế chua, nhâm nhi uống hết xị rượu nầy đến xị khác, có khi tôi ăn no nê về nhà mà trưa chiều trở lại còn thấy đám nhậu sần sì người tỉnh, người say.

 

Người ta có thể bắt lươn bằng cách đặt ống trúm. Họ lấy một ống tre dài hai mắt, đầu cuối có mắt tre bít lại, phần trên chẻ ra thành nhiều cộng banh lớn ra, đương với nan tre vuốt mỏng chừa lỗ vuông nhỏ, đầu trên đậy bằng một cái hom, con lươn chun vô được mà không thể chui ra. Trong cái bộng tre đương đó người ta bỏ mồi thúi, thường là ruột gà, rắn chết sình chặt từng khúc ngắn. Đem ống trúm ghim xuống bùn trong mương hay rạch, vài ngày sau lấy lên có thể bắt được lươn.

 

Mình lươn có nhớt rất trơn, nhớt là một phương tiện tự vệ, mỗi khi bị nắm bắt, tự nhiên mình lươn tiết ra một chất nhớt trơn tru để thoát nạn. Cho nên kỹ thuật bắt lươn không phải là mò trúng nó dưới bùn rồi nắm chặt. Nắm trọn mình con lươn trong tay mười lần nó vuột ra hết tám, chín lần. Người bắt lươn mỗi khi mò trúng nó thì quấu hai ngón tay trỏ và giữa, siết chặt vào ba ngón còn lại, làm cho xương sống nó công sức luồn vuột của nó bị giảm thiểu tối đa. Mò bắt lươn trong mương, trong đìa tát cạn tôi có làm qua. Còn đặt ống trúm thì chưa bao giờ tôi thử.

 

Cuộc sống của mấy ông bợm nhậu nói trên thật thanh nhàn an phận, không ganh đua, không tham vọng. Con cái trong nhà giúp cha mẹ nối nghiệp nhà nông. Hình như cuộc sống của họ bị đóng khung vào giai cấp nông dân. Họ chấp nhận như vậy. Sung túc hay đói khổ chỉ nhờ trời mưa nắng thuận mùa hay nghịch cảnh.

 

Lúc tôi còn nhỏ thấy họ chân lấm tay bùn thì tội nghiệp. Thấy họ vui chơi hưởng lạc với bạn bè qua ly rượu chén trà, tôi tiếc giùm cho họ. Tại sao họ không tận sức lao động tạo thêm điều kiện cho gia đình mình vươn lên. Bây giờ tuổi đời quá thất thập, vinh nhục, sang giàu có nếm đủ thì tôi lại tiếc rẻ sao mình không được ông trời ban phát cho một nếp sống giản dị an nhàn như vậy? Phải chăng là vì tôi đứng núi nầy trông núi nọ?

 

Thật ra, sống trong xã hội nào cũng vậy, nhà quê, tỉnh thành, xứ tân tiến hay nghèo chậm tiến, nơi nào cũng có những người ham danh, tham lợi, bon chen ganh ghét, đam mê cờ bạc, rượu chè, trai gái. Nơi nào cũng có người tốt, kẻ xấu. Nhưng thông thường, đa số người dân quê chất phác thật thà, lòng dạ cởi mở trọng nghĩa, khinh tiền, nhứt là người miền Nam thời đại trước ngày 30 tháng 4 năm 1975.

 

Có những buổi trưa xôm lươn về, trời nắng chang chang, mấy thằng chăn trâu đồng tuổi với tôi ngồi chễm chệ trên lưng con trâu đang cúi sát đầu, mài miệng nó trên đám cỏ cùng còn sót ở các bờ đê. Mùi nắng khét, bùn tanh, pha mùi rơm rạ là đặc hương của đầu mùa nắng. Chiều tối, người ta đốt rơm tưới thêm nước với mục đích tạo thật nhiều khói để un cho muỗi bớt cắn trâu trong chuồng. Mùi khói đó đối với tôi có một hương thơm đặc biệt. Tất cả mùi thơm của lúa chín, của bông cau, của mạ non, mùi bùn, mùi khói là những đặc thù của ruộng vườn quê tôi. Nó làm tôi nhớ lại cái định nghĩa cụm từ “lòng yêu nước” do Thiếu Tướng cố Tổng Thống Charles de Gaulle, người hùng đã cứu nước Pháp hai lần, viết trong quyển hồi ký “L'appel du 18 Juin” của ông. Khi ông tự hỏi lòng yêu nước là gì? Thì ông cũng tự trả lời: Phải chăng là mùi thơm của đồng quê, lúa mì, cây cỏ, nó khiến cho con người cảm nhận bổn phận phải bảo vệ mùi hương đó cho xứ Pháp tồn tại dù phải hy sinh tính mạng của mình. Tôi nghĩ ông Charles de Gaulle có lý. Yêu nước, thương quê hương là như vậy. Nhớ nhà là cái gì? Phải chăng là nhớ đồng quê, làng xã của mình, hay là đường phố với hàng cây bóng mát, với nhà lầu, cao ốc, xe cộ đầy đường đối với người ở tỉnh thành. Nhớ như bài hát nhớ Saigon của nhạc sĩ Nam Lộc: Saigon ơi ta đã mất người trong cuộc đời.

 

Có những buổi chiều mặt trời sắp lặn, từng đoàn năm ba con trâu lớn nhỏ, với người mục đồng nón lá trật sau lưng, đầu trần, ngâm nga một vài câu vọng cổ buồn. Hay là xa xa có tiếng vi vu của anh chăn trâu nào đó biết thổi sáo, giọng thăng trầm thật ảo não trong cảnh chiều tà. Hay là có ai đó ngồi trên lưng trâu hút gió lẩn biến trong màu tím sậm dần của hoàng hôn. Thật là thơ mộng, tiếc rằng lớn lên tôi không còn cơ hội thưởng thức được những cảnh trời chiều đẹp buồn như vậy. Nếu không, biết đâu tôi cũng đã thành thi sĩ vô danh.

 

*Nghéo ếch

 

Đi sâu vào mùa nắng, đất ruộng càng khô, những dấu chân trâu giẫm đầy trên ruộng, khắp đồng lồi lõm, đi guốc không được, chân không thì bị cấn đau. Cũng may mà còn mấy gốc rạ, do người cắt lúa không tận gốc, cho nên cứ đạp trên đó mà đi thì không bị cấn. Dân quê làng tôi, thời đó ít có ai mang giày dép, trừ khi lên tỉnh thành hay đi đám tiệc, có người mang dép đi dự đám cưới đám giỗ, tiệc xong ra về họ lột khăn đống cởi áo dài vắt vai, cởi dép cặp nách đi chân không, có ông còn lột cả quần dài mặt quần cụt, áo bà ba về nhà. Bộ đồ bà ba là y phục thông dụng nhứt cho người lớn, nam cũng như nữ trong làng. Nông dân lao động thì mặc quần đùi, áo bà ba rách vá nhiều lỗ, cho dù trong nhà của họ lúa ví đầy bồ, trong tủ có giấy xăng nhét đầy “ruột ngựa”. Ruột ngựa là một thứ dây nịt may bằng vải có nhiều ngăn đựng tiền để cất giấu. Đêm ngủ cột vào lưng sợ “ăn trộm đào ham”, hay phòng khi hữu sự chạy giặc, trốn cướp thì cột vào hông mà chạy. Ăn trộm đào hầm có nghĩa là đa số nhà ở thôn quê làm bằng cây, vách ván hay vách lá. Kẻ trộm muốn vào nhà chỉ cần khoét sát vách một lỗ to dưới đất, đủ rộng để cho người chui vô chui ra vào nhà lấy quần áo, lục tủ tiền.

 

Trở về chuyện nghéo ếch cũng là một trong những sinh hoạt vô cùng thích thú của thời thơ ấu mà bây giờ tôi nghĩ lại còn mơ tiếc. Đôi khi tôi ôn tất cả những thú vui của tuổi đời từ nhỏ đến ngày nay và biết rằng không khi nào tôi sống lại được những giây phút đó. Vì vậy tôi ngầm thưởng thức bằng kỷ niệm, bằng mơ mộng trong trí nhớ. Đôi khi bị bà xã quấy rầy, kêu tôi nói chuyện nầy chuyện khác, lôi tôi về với thực tế của hiện tại, tôi hay càu nhàu trách móc.

 

Nắng khô loài ếch còn sống sót, lớp nhảy vào rừng hay bụi rậm, chui nằm dưới nhiều lớp lá, hay trong những hang hóc, gốc cây, chờ đêm đêm nhảy ra ăn sương hứng mát. Lớp ếch khác đào hang trên ruộng còn ướt, sâu cạn tùy theo ruộng gò, ruộng trũng. Chúng ngậm đất lấp lỗ hang từng ngụm làm nắp hang sần sùi, sáng sớm còn ỷ ướt. Đến trưa nắng khô nhưng vẫn biết được là hang ếch vì quan sát kỹ thấy chung quanh rìa tròn, lấp đất vụng về, sần sùi như dấu ráp từng ngụm đất. Lấy cây khều mạnh, bật nấp ra thấy liền một hang sâu cạn tùy ếch lớn nhỏ, tùy gò hay trũng. Ếch to thường gọi là “ếch bung”. Loài ếch nhái cũng như loài cá, trời cho chúng nó một giác quan đoán biết được mùa khô sắp đến, phải chịu đói khát thời gian dài, nên chúng tìm mọi cách ăn thật nhiều tạo đầy mỡ trong cơ thể để tiêu hao dần lúc nắng hạn không có mồi. Giống như loài ốc ở Âu Châu, chúng ăn no đủ mập để ngủ Đông. Hay là chim, thú ở vùng tuyết lạnh cũng phải chuẩn bị cho thời gian thiếu thực phẩm.

 

Loài cá đồng thì cảm nhận được mùa khô sắp đến nên cá lóc, cá rô, cá trê đua nhau bỏ ruộng hướng về sông, rạch hay ao đìa mà lội, lóc, nhảy, tìm đường sống. Do đó người ta mới làm hầm đón ngả đi của chúng mà bắt, hoặc những con di chuyển không kịp kẹt lại nằm trên những vũng nước nhỏ sắp khô, người ta chui vào ruộng lúa chín tìm bắt gọi là “bắt cá cạn”. Còn tôi bây giờ tạm thời đi nghéo ếch.

 

Cây nghéo làm bằng thanh sắt thép nhỏ, thường là cây kèo của dù hư. Người ta lấy nó chặt ngạnh, giũa nhọn, uốn cong chừng hai phân. Lưỡi nghéo được tra vào một cán cây tre dài một thước. Lúc đầu mới tập nghéo tôi theo bác ba Ninh. Về sau tôi đi rảo quanh ngoài ruộng một mình, nếu gặp hang, lật nắp, thò nghéo xuống đụng phải vật gì mềm thì biết liền có ếch. Nghéo trúng, ếch la to nghẹo nghẹo inh ỏi, tôi mừng rỡ kéo lên. Thường trúng bụng lòi phèo, đổ ra một thứ gì như cái bông có tia tia màu cam, đó là mở ếch người ta gọi là “mùng tơi”. Ếch nào có nhiều mùng tơi là ếch đó mập. Tôi gỡ bỏ ếch vào đục, còn bác ba Ninh tôi thấy bác cột dây ngang eo con ếch, cột nhiều con thành một xâu xách lòng thòng. Ếch sống lâu khó chết dù lòi ruột đổ máu mà từ trưa đến xế chiều về tới nhà chúng vẫn sống nhăn

 

.

 

*Mùa mưa bắt đầu tôi đi soi ếch

 

Trời sa mưa giông, đám mưa đầu mùa thường có giông to gió lớn, sấm sét ầm ĩ, mây đen giăng mịt trời, những lằn sét chớp như điện xẹt từng đường dài cong queo. Cảnh tượng đó đối với thằng nhỏ như tôi thật hãi hùng. Một phần vì sợ giông bão sập nhà một phần vì sợ trời gầm sét đánh trúng mình. Dù trong đầu tôi nghĩ nhà nền đúc tường gạch làm sao sập được, vậy mà tôi cứ mãi đứng nhìn cây cối đưa qua, quặc lai gần như chúng nó muốn ngả. Cái sợ vẫn ám ảnh tôi cho đến hết cơn mưa. Trời mưa như xối nước, sân trước nhà đầy nước, chảy xuống ruộng không kịp. Hột mưa lớn từ trên cao rớt xuống văng bọt lí tí cùng sân. Cơn mưa tạnh, gió lặng, khí mát, khoan khoái lạ thường.

 

Đứng sau nhà nhìn ra đồng ruộng mênh mông nước ngập đều, nếu không có những bờ đê ngăn cách sẽ giống như mặt biển im lìm không sóng gợn. Cảnh tượng quen thuộc nầy toàn dân trong làng ai cũng chờ đợi từ mấy tháng nay. Người thì van vái cho trời mưa đúng lúc cày cấy kịp thời, người thì mong mỏi trời mưa vì nước chứa uống suốt mùa khô đã cạn. Chờ mong, trông đợi, rồi cuối cùng hớn hở vui mừng nhứt là tôi bởi vì tối nay tôi sẽ được đi soi ếch với chú tư Phiến, người giúp việc trong gia đình mà tôi gọi một cách thân thương là “binh tướng”. Chú tư có trách nhiệm chăm sóc anh em chúng tôi.

 

Nhiều ngày trước chú đã chuẩn bị lồng đèn, giỏ đục để đi soi ếch nhái rồi. Chú biết thế nào trời cũng phải mưa trong đôi ba ngày sắp tới, vì mây đen và sấm sét đã báo hiệu rồi, chỉ còn chờ gió lạnh đùa hơi nước đọng đổ xuống như giội nước tưới rau liên tục.

 

Trời hơi sậm tối là đã nghe tiếng ếch nhái khởi sự kêu vang. Quệt quệt là tiếng ếch, trẹt trẹt trẹt... kít kít là nhái ngan, có nghĩa là nhái nhỏ giống như ếch con, ngắt nghen ngắt nghen là nhái bầu nhỏ bằng ngón tay màu cam lợt. Dùng chúng làm mồi câu cá lóc là tốt. Trời tối dần, tiếng ếch nhái càng kêu ran trời, inh ỏi, lạ thường, khuya một chút đệm thêm tiếng ễnh ươn kêu quền quang kéo dài như tiếng trống đệm hay đờn viô-lông-xen kéo rền trong một bản nhạc hòa tấu. Thật ly kỳ ngay cả đối với những người thường nghe qua nhiều lần, huống chi là đối với người lạ ở tỉnh thành về quê thì họ càng ngạc nhiên hơn nữa. Người khác nghĩ gì tôi không biết, chớ đối với tôi, tiếng kêu không ngừng của muôn ngàn ếch nhái hòa thành một thứ nhạc ly kỳ ghi mãi trong trí nhớ của tôi. Và cứ mỗi khi nghĩ lại, tôi hình dung được cảnh tượng đó hiện rõ trước mắt, tiếng ếch nhái gần như còn dội bên tai như thật. Cái dấu ấn đó in sâu trong đầu, mỗi lần khơi động lại, nó hiện ra toàn diện hình như mới xảy ra ngày hôm qua.

 

Người ta nói khi con người sắp chết sẽ nhớ lại trong khoảnh khắc toàn bộ những kỷ niệm vui buồn của đời mình, chắc rồi vào những giờ cuối tôi cũng sẽ thấy cảnh tượng nầy hiện lại trong đầu, âu cũng sẽ là một bản nhạc tiễn đưa tôi đi đầy lý thú!

 

Đèn soi ếch thông thường làm bằng ba miếng ván nhỏ ghép lại, một miếng nhỏ bít đầu dưới để đèn chông, một bít đầu trên có quai cầm tay. Cây đèn chông có tim đốt bằng dầu lửa chiếu sáng hơn dầu dừa và khó tắt. Nhà nghèo ít tiền không mua dầu lửa, người ta lượm dừa khô nạo ra thắng lấy dầu đốt ít sáng dễ tắt. Cây đèn để trong cái lồng mặt trống rọi sáng trước mặt cho phép thấy xa chừng hai thước. Mỗi người đi soi ếch thông thường ai cũng có hộp quẹt máy hay bao diêm để đốt đèn trở lại khi bị gió tắt. Có người bó tròn nguyên một tào lá dừa đốt thành đuốc đi soi, không tốn dầu, khỏi sợ gió tắt nhưng phải có một người vác theo vài ba cây đưốc mới đủ soi. Những ai không có quẹt lửa, gió thổi tắt đèn thì mò đến chỗ nào còn đèn sáng mà mồi. Có người xài đèn khí đá với những cục đá hóa chất bỏ vào một bình bằng kim loại đổ nước vô, đá xì hơi ra một lỗ thật nhỏ đốt cháy. Đèn khí đá sáng ngời tỏa chiếu khá xa gió thổi không tắt. (đá “calcium carbide” cộng với nước, nhả ra khí a-xê-ti-len C2H2 đốt cháy. Ngày xưa thường dùng trong những ngọn hải đăng hoặc đốt sáng dưới các hầm mỏ)

 

Nhà quê người ta hay nói lúc “đỏ đèn” có nghĩa là trời tối tất cả mọi nhà đều đốt đèn thắp sáng. Cũng vào lúc đó, nhiều người xách đèn ra ruộng soi ếch. Càng tối càng đông người, về khuya cả trăm ánh sáng trải đều khắp ruộng làng. Ai ai cũng ham đi soi ếch bắt nhái. Tay trái cầm đèn, rà sát mặt nước, tay phải chụp lấy ếch nhái. Chụp trật không sao, đi vài bước nữa sẽ còn con khác. Ếch nhái ở đâu mà tự nhiên có nhiều như vậy? Chúng nó là những con vật ẩn thân trong rừng bụi hoặc dưới hang. Hết nắng hạn đến mưa rào, đúng lúc chúng nhảy ra lặn lội, chọn bè chọn lứa vừa ý bắt cập để sinh sản. Trời càng về khuya tiếng kêu rân bớt dần, bản nhạc hòa tấu diêu lại, tại vì đó là lúc ếch nhái đã bắt cặp nằm im hưởng lạc. Thường con đực nhỏ hơn con cái vì nó có buồng trứng to. Con đực nằm trên lưng con cái hai tay ôm chặt. Đó là lúc chúng dạn dĩ nhứt, bất chấp tiếng động, không sợ người, mình chỉ cần thò tay bắt bỏ vào đục mà không thề sẩy. Một buổi tối như vậy chú tư, anh năm và tôi bắt hơn nửa đục vừa ếch vừa nhái. Sáng ngày trong đục dính đầy trứng xanh xanh đen đen của những con ếch nhái chờ có nước để sinh đẻ liền.

 

Hôm sau tại chợ làng có gần chục người đem ếch nhái ra bán từng xâu, rẻ rề. Tình trạng soi ếch nhái kéo dài cả tuần mới hết. Nhà tôi ăn nào nhái kho sả, đùi ếch chiên, xào lá cách nước dừa, nấu cháo, muối nướng vân vân. Ngon thật là ngon.

 

Con cóc ít thấy trong những ngày sa mưa dông, nhưng trong mùa trước khi mưa chúng nghiến răng nghe trèo trẹo. Bởi vậy mỗi khi cóc kêu là báo hiệu trời sắp mưa. Cho nên người ta nói con cóc là cậu ông Trời. Thịt cóc ăn được, nhưng phải bỏ hết ruột gan, không làm giập mật, phải rửa thật sạch. Con cóc không có thịt nhiều chỉ có bộ xương dính ít thịt. Người ta bầm ra nấu cháo ăn rất ngọt. Ngon hơn thịt ếch nhái nhưng phải tránh những con cóc tía màu đỏ còn gọi là cóc lửa. Gan cóc có vị độc như gan con cá nóc, dân làng tôi có người trúng độc. Lấy bông cây khế nghiền nát vắt nước uống giải độc không chết. Đôi khi cũng có người chết vì không biết vị thuốc nầy.

 

Cô bảy tôi chặt đầu, lột da ếch làm thịt, hay tay trên của nó bịt đầu vuốt vuốt, thật là tội nghiệp, cô cười nói: Nó đang tìm cái đầu ráp vô đó. Có con chấp hai tay trên của nó lại, bà Hai Nghi nói nó lạy mình xin tha đó tụi bây, lúc bấy giờ tôi chỉ thấy tội nghiệp thôi. Tôi lấy da ếch còn ướt bịt liền vào một lon sữa bò hay một gáo dừa khô nhỏ làm trống đánh lùng bùng, trò chơi của tôi với những đứa con nít trong xóm giả dạng hát Sơn đông hay đánh trống chầu.

 

Thịt ếch ăn ngon, nhưng chặt đầu lột da là cảnh tượng khá đau lòng. Bây giờ tôi mới thấm câu nói của đại triết gia Goethe, người Đức: “Cái đau khổ của người nầy đem hạnh phúc lại cho người khác” (le malheur de l'un fait le bonheur de l'autre). Câu nói chí lý trong bất cứ chuyện gì, từ mua bán đổi chác, đấu tranh chánh trị, tranh đua thể thao, giao dịch xã hội, thậm chí trong chuyện nhỏ nhoi nầy là con ếch đau khổ tôi ăn thịt nó ngon lành.

 

Bẩy mươi lăm tuổi đời tôi nhìn lại tất cả mọi việc xẩy ra đều thấy đúng theo nhận định của Goethe. Nghĩ lại chuyện đời mà xem: Tổng thống đắc cử vui mừng hớn hở, ứng viên thua cuộc buồn tiếc tủi thân. Cộng sản chiếm miền Nam vui mừng chiến thắng, nhưng làm cho hàng triệu người đau khổ, nào cải tạo, nào bỏ xứ ra đi, và cả triệu người phải bỏ xác trên biển cả và rừng sâu.

 

Đảng viên cộng sản cướp đất bán cho người nước ngoài làm giàu, tạo xe hơi nhà lầu, con cái ăn xài phủ phê. Cướp đất của nông dân làm sân golf cho cán bộ và người giàu tiêu khiển, hoặc bán cho người ngoại quốc xây dựng nhà máy kỹ nghệ bất chấp ảnh hưởng tai hại cho môi trường sống của dân chúng hay không, những sự kiện đó khiến cho hàng trăm ngàn người tan hoang nhà cửa đói rách lầm than. Phải chăng là cái khổ của người nầy gây vui sướng cho người khác?

up

AcDieu
Google Search:       

Tin vui

Tin Buồn

Bài Củ

11-2014

10-2014

09-2014

08-2014

07-2014

06-2014

05-2014

04-2014

03-2014

02-2014

01-2014

RFI
Nguoi_Viet
RFA
Quan_Su_VNCH
Quân Sử VNCH
Voa_tieng_Viet
BBc_Tieng_Viet
Dan_lam_bao

TIME