AcDieu225
Co Vang amazon Tammy

Free Hit Counters
Web Site Hit Counters

Ac Dieu

CÀNH ĐÀO, CÀNH MAI

 

NGUYỄN HÒA

 

"Mạc Vị Xuân Tàn Hoa Lạc Tận

Đình Tiền Tạc Dạ Nhất Chi Mai"

 

maidocondo.jpg

  

Câu thơ sau cùng trong bài thơ của thiền sư Mãn Giác rất hay về cấu trúc nghĩa là hay về thi pháp. Nhưng nó cũng làm cho cả bài thơ hay thêm rất nhiều về thi tứ, thi vị, về thiền lý, thiền vị nữa.

Bây giờ đọc và suy nghĩ lại bài thơ tôi không nghĩ là sẽ phân tích được cái gì cho rõ ràng, vì khó làm lắm, vì chính người làm thơ trước khi hạ bút xuống họ đâu có phân tích, xếp đặt ý tưởng, hình tượng gì cho rõ ràng. Mọi thứ đến với nhà thơ như từ cõi vô ý thức, qua trực giác, nên khi đọc để thưởng thức thơ tôi cũng chỉ dùng trực giác thôi, vì " làm sao phân tích làn hương " cho được. Ta cảm nhận được cái hay tiềm ẩn trong một bài thơ hoặc không cảm nhận được gì hết, vậy thôi.

 

Chép lại nguyên bài thơ chỉ có 6 câu :

 

Xuân khứ bách hoa lạc

Xuân đáo bách hoa khai

Sự trục nhãn tiền quá

Lão tòng đầu thượng lai

Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận

Đình tiền tạc dạ nhất chi mai

Mãn Giác (1052-1095)

 

Bản dịch của Ngô Tất Tố :

 

Xuân đi trăm hoa rụng

Xuân đến trăm hoa cười

Trước mắt việc đi mãi

Trên đầu già đến rồi

Đừng tưởng xuân tàn hoa rụng hết

Đêm qua, sân trước một cành mai

 

Bài thơ này nguyên có cái tựa là "Cáo Tật Thị Chúng", tôi hiểu có nghĩa "Nói là mình bệnh để dạy đệ tử". Về hình thức thì bốn câu thơ đầu rất thường được thấy ở những bài kệ mà các nhà sư đời Lý Trần hay dùng để thuyết giảng ngắn gọn một giáo lý về đạo Phật, hay về Thiền. Bài kệ như thế cũng thường có 4 câu , 5 chữ (có khi 6, 7 chữ) được viết bằng văn vần, với dụng ý có lẽ để cho người nghe dễ nhớ, dễ gìn giữ trong đầu mà nghiền ngẫm lúc thuận tiện một ý kinh thường rất sâu kín. Làm với mục đích như thế nên nhiều bài kệ có khi chưa phải thật sự là thơ.

Trước hết, chúng ta thấy bốn câu kệ đầu tiên tuy có mang hình tượng hay thấy trong thơ cổ, như "xuân, hoa lạc, hoa khai", nhưng vẫn chứa đựng rất rõ các tư tưởng của giáo lý nhà Phật: vấn đề sinh diệt, tính vô thường chi phối mọi hiện tượng. Hoa nở hay tàn nằm trong điều kiện gọi là duyên sinh, duyên hợp: xuân có đến thì hoa nở, xuân đi hoa lại tàn. Vì thế mà chuyện đời cứ luôn thay đổi, tương tục, đuổi bắt nhau theo dòng thời gian qua nhanh của mỗi kiếp người. Tóc nay đã bạc, thân nay đã già (bệnh) là minh chứng cho luật Vô Thường, là chứng cớ không có gì bền vững mãi, không có gì không bị hư mất đi. Nhưng rồi hai câu thơ cuối bỗng như là lời thơ rất quen thuộc đã gặp ở đâu đây, như là đến từ một tập thơ Đường:

 

Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận

Đình tiền tạc dạ nhất chi mai.

 

Có cái gì bất ngờ hiện ra ở đây về giọng thơ, về hình tượng, về ý tưởng. Hai câu thơ đột nhiên viết thành 7 chữ cho dài ra, cho nhịp thơ trở nên chậm lại, để làm cho ý thơ được nhận thức kỹ càng hơn. Lời thơ bỗng dưng thành trang trọng. Hình tượng thơ cũng thành rõ nét, không còn là những mùa xuân mơ hồ nào đó với chuyện hoa tàn hoa nở rất chung chung, mà bây giờ là một cái gì cụ thể, rất gần gũi, dễ nhận thấy: cành mai ở trước sân còn tươi thắm vì mới nở đêm qua. Một hiện tượng cá biệt được minh định, xảy ra ở một không gian, vào một thời gian nhất định: một cành mai, sân trước, đêm qua. Một ý tưởng mới mẻ đột nhiên được đưa lên như một phản đề. Vừa mới dựng câu chuyện đổi thay là tất yếu, là quy luật tự nhiên, thì bây giờ chợt có cái gì rất nghịch thường: mùa xuân đã đi qua rồi, mà vẫn có ở đây một cành mai mới nở. Cái nghịch thường này như là biểu hiện của một cái gì thường hằng, tồn tại trên những hoại diệt do tính vô thường gây ra. Từ một góc nhìn, cành mai nở trong đêm giữa lúc mùa xuân tàn tạ đã thể hiện cho niềm vui đến từ khổ đau, như hoa sen nở trên bùn. Đạo Phật được biết đến lúc ban đầu như đi từ những nhận thức về luật vô thường là nguyên nhân gây ra hư hoại và khổ đau. Nhưng tới Đại Thừa, bao gồm cả Thiền Tông của Mãn Giác, đã hình thành những tư tưởng về Thường, Lạc... đến từ vô thường, khổ đau.

Hơn nữa, cành mai được nhận thấy là vẫn còn có mặt lúc tàn xuân, không lệ thuộc vào sự thay đổi của thời tiết, sự biến dịch của thiên nhiên, nên cũng có thể hiểu đó như là Phật Tính, là bản thể không hư hoại, thường tịnh, nói theo ngôn ngữ Phật Giáo. Hình ảnh hoa mai nở nằm cuối bài thơ, nếu lại nhìn ở góc cạnh khác xa hơn, có thể thấy như sự bừng sáng đột ngột của tâm thức mà Thiền Tông chủ trương, từ cái được gọi là đốn ngộ. Phải chăng đó là những điều mà thiền sư Mãn Giác muốn các đệ tử ông suy ngẫm khi tìm hiểu về ý nghĩa, mục đích của thiền?

Có một kỹ thuật sắp xếp chữ nghĩa xảo diệu nhằm tạo ra một hình ảnh sắc xảo, một ấn tượng khó quên sau khi đọc bài thơ: Một Cành Mai.

 

Đình tiền (gợi ý gần đây)/ tạc dạ (gợi ý mới nở)/ nhất chi mai

 

Một cành mai khi đặt nằm vào chỗ chấm dứt bài thơ đã choáng hết tâm trí người đọc, làm cho mọi suy tư, cảm nghĩ dừng đứng lại, hay ngưng đọng lại trên một hình tượng đẹp đẽ, thanh khiết. Đó cũng là một mục đích của thiền. Thật khó biết được thiền sư Mãn Giác đã có dụng ý làm vậy hay không? Nhưng với người đọc bài thơ này thì cũng không cần biết gì về các thuyết lý của bốn câu (kệ) mở đầu. Cũng không cần nhớ đến bất cứ ý nghĩa gì về thiền, về kinh Phật. Vì ba hình tượng "đình tiền/ tạc dạ/ nhất chi mai" đã liên kết tạo nên một ảnh tượng chung đầy chất thơ, một cảm xúc rất mạnh vượt khỏi ý nghĩa của chữ, của lời, để tạo nên một ý thơ tuyệt đẹp, có thể lấn át cả ý thiền.

Cho nên người ta thường biết đến 6 câu thơ đó chỉ như là một bài thơ hơn là một thiền thi. Và là một bài thơ được nhiều thế hệ đón nhận và cho là haỵ

Trong thơ cổ Trung Hoa cũng có những bài kết thúc với một hình tượng mạnh mẽ như vậỵ Như là bài "Đề tích sở kiến xứ " của Thôi Hộ. Bài thơ này có 4 câu thất ngôn, nhưng ba câu đầu rất (tầm ) thường:

 

Khứ niên kim nhật thử môn trung

Nhân diện đào hoa tương ánh hồng

Nhân diện bất tri hà xứ khứ

 

(Năm ngoái ngày này tại cửa này

Mặt người và hoa đào cùng chiếu vào nhau mà hồng lên

Mặt người không biết bây giờ ở đâu)

 

Mấy câu đó thật khó nhận được là những câu thơ haỵ Nhưng câu thơ cuối cùng nhờ có một hình tượng mạnh, mang sức thu hút lớn do những nét đẹp đầy quyến rũ, làm cho bài thơ thành vượt trội, để đến nay vẫn còn nhiều người thích đọc :

 

Đào hoa y cựu tiếu đông phong

(Hoa đào năm ngoái còn cười gió đông - Kiều)

 

Hoa đào phất phơ trước gió xuân là hình tượng đủ đẹp để nắm bắt mọi cái nhìn, chấm dứt những suy nghĩ vẩn vơ khác. Nhưng từ đó lại gợi dậy những xúc cảm về một khoảng trống vắng, về sự mất mát lớn, bên ngoài và trong lòng, về một hình ảnh (má hồng) khó quên của người con gái đẹp năm nào, và xúc cảm vừa nẩy sinh còn khả năng mở rộng hơn, đưa tình cảm đi xa thêm tới một cung trời hoài vọng. Bài thơ bỗng trở thành rất haỵ Nhưng ở đây, phải nhận thấy có chỗ không giống nhau giữa hai hình tượng mà mới nhìn như thể là có chỗ tương đồng (giữa mai và đào) trong hai bài thơ. Có chỗ không giống nhau vì hai mục đích thơ khác nhau, do thể loại khác nhau giữa thơ trữ tình và thơ thiền.

Hoa đào của Thôi Hộ đứng ở đầu câu kéo theo những hình ảnh khác (năm ngoái, gió xuân) gợi mở cho dòng xúc cảm rộng hơn, nhưng rồi cánh hoa đào bị mờ nhạt đi vì những hình ảnh tiếp theo sau nó, để chìm mất trong mối xúc cảm mênh mông, có tính chiếm đoạt tất cả.

Cành mai của nhà sư Mãn Giác là điểm chấm cuối cùng, mang ý nghĩa hội tụ, giữ chặt tâm ý dừng lại trên nó, không đi xa hơn, không đi cao hơn, chỉ có thể ở đây, bây giờ, dù có khả năng đi vào trong, lắng sâu.

Cũng không phải lạ khi bài thơ duy nhất của nhà sư Mãn Giác đời Lý được nhiều người coi là có được một ngôi bậc cao trong làng thơ thiền Việt Nam và Trung Hoa.

up

AcDieu
Google Search:       

Tin vui

Tin Buồn

Bài Củ

11-2014

10-2014

09-2014

08-2014

07-2014

06-2014

05-2014

04-2014

03-2014

02-2014

01-2014

RFI
Nguoi_Viet
RFA
Quan_Su_VNCH
Quân Sử VNCH
Voa_tieng_Viet
BBc_Tieng_Viet
Dan_lam_bao

TIME