AcDieu225
Co Vang

.

.

AcDieu

BẠC LIÊU LÀ XỨ CƠ CẦU

               BẠC  LIÊU  LÀ  XỨ  CƠ  CẦU

               Lần nầy tôi thử viết về Bạc Liêu xem quý anh chị có thích không? Bạc Liêu là tỉnh giáp ranh với Sóc Trăng là quê hương của tôi, vì thế tôi cũng biết kha khá về  Bạc Liêu ( BL). Đây là một tỉnh rất trù phú nhiều lãnh vực: Lúa, muối, cá tôm, chăn nuôi, trồng trọt v.v…thêm cái thuận lợi nữa giao thông dễ dàng: đường bộ thì có quốc lộ 1, trước 75 gọi là quốc lộ 4, ngoài ra còn có tỉnh lộ, hương lộ v.v.. đường thủy thì kinh rạch nhiều vô số kể, nên BL phát triển vượt bực, chắc không ai thấy đó là lạ. Bạc Liêu dân số độ khoảng hai trăm năm mươi ngàn dân (năm 1972) gồm ba sắc tộc: kinh, Hoa và Khmer. Người Kinh chiếm đa số trong tổng số đó. Lượng người Hoa đặc biệt bang Triều Châu đến nhiều nhất phải kể là vào năm 1920 với sự cho phép của thực dân Pháp nên dân gian có câu vè rằng: “BL là xứ cơ cầu, dưới sông cá chốt trên bờ Triều Châu, Triều Châu ăn cá bỏ đầu, Quảng Đông tiếc rẻ xỏ xâu mang về”. Còn cá chốt là cá gì? Đây là loại cá nhỏ có nhiều xương, dài không hơn một chống tay, thân hình lớn nhất là ở khúc bụng cũng chỉ bằng ngón tay cái mà thôi, cá nầy rất giống loại cá ba sa ( ca tra ), mình cá màu trắng có sọc đen 2 bên, da không trơn lắm, có râu, có ngạnh, ăn tạp. Tôi không nghĩ ngành ngư học họ xếp hai loại cá nầy vào cùng một họ, vì môi trường sống hai loại cá khác xa và kích thước thì quá sai biệt. Cá chốt có mặt khắp mọi nơi như ao, đầm, kinh, rạch. Riêng đặc biệt ở BL cá nầy có nhiều ở trên kinh sáng lớn nối liền hai tỉnh: BL và Cà Mau, và nhiều nhất là vùng phố thị BL ở cầu quay, hai bên kinh là loại nhà sàn nửa trên, nửa dưới, nhà sau cư dân ở đây họ làm nhà xí trên sông rồi một khi sản phẩm rơi xuống thì dòng họ cá chốt nầy tranh giành ăn, nước bắn lên tung tóe y chang như cá tra vậy. Người Khmer sống ở BL cũng khá đông, số lượng chỉ đứng sau Trà Vinh, Sóc Trăng mà thôi. Sau năm 1975, nhà cầm quyền mới nhận thức rằng diện tích đất đai của tỉnh Cà Mau quá rộng trong khi đó các tỉnh Cần Thơ, Sóc Trăng, Bạc Liêu thì hơi nhỏ nên chia ranh lại: Cần Thơ lấn xuống Sóc Trăng khoảng 10 kilomét ( ngày xưa ranh giới 2 tỉnh nầy tại Phụng Hiệp ) sau nầy ranh giới là Trà Quít. Sóc Trăng được đền bù bằng quận Vỉnh Châu của Bạc Liêu. Còn ranh giới Bạc Liêu thì đươc lấn xuống Cà Mau. Sóc Trăng có được Vỉnh Châu kể cũng sướng vì đây là một trong những quận trù phú nhất của Bạc Liêu, nổi tiếng với vườn nhãn dọc bờ biển dài năm ba cây số. Những cây nhãn nầy giờ đây có trên trăm tuổi, gốc nhãn to cả vòng ôm của trẻ con. Vả lại ngày nay người ta trồng loại nhãn Thái hạt nhỏ, cùi to nhiều nhất ở Sa Đéc, Vỉnh Long nên nhãn Vỉnh Châu không còn là sự thu hút độc quyền như trước kia, thế thì người dân Vỉnh Châu nghĩ ra cách trồng hành tím và củ cải trắng, việc nầy phải nói là rất thành công.

Khi viết về BL mà không nhắc đến vài nhân vật nổi cộm vang danh một thời thì quả là một điều đáng trách. Vào cuối thế kỷ 19, BL lại nảy ra một số đại điền chủ nguyên do là như vầy: BL lúc đó còn nhiều vùng đất hoang dã, cây cối um tùm, dân chúng chưa dám lui tới, bấy giờ thực dân Pháp dán cáo thị cho những ai chịu vào khai thác, được bao nhiêu là làm chủ bấy nhiêu, năm ba năm đầu thì được nhà cầm quyền miễn thuế, sau đó đăng bộ sở hửu chủ, rồi sẽ trả thuế vào những năm về sau. Tức thời có vài chục ông bá hộ , thiên hộ họ bỏ tiền ra mộ dân đi vào vùng đất hoang du để khai khẩn. Công việc nầy thật hết sức vất vả, khó khăn và nguy hiểm như: chướng khí, nước độc rừng thiên, đỉa vắc muỗi mồng, thú hoang, thủy quái gây biết bao khổ sở, đau yếu bệnh tật, mồ hôi, nước mắt và máu tuông rơi, số người vùi thây nơi đây không phải là ít, mới tạo được vùng trù phú như ngày nay. Và dĩ nhiên những ông bá hộ, thiên hộ đã bỏ tiền ra làm việc đó, bây giờ trở thành những ông đại điền chủ và cái ông thành công nhất là ông Trần Trinh Trạch. Nghe đâu ông có tới trên một trăm nghìn mẫu ruộng lúa và khoảng bảy tám nghìn mẫu ruộng muối. Mẫu là đơn vị đo ruộng của miền nam, mỗi mẫu rộng hơn hai hectare hay nói cách khác mỗi mẫu bằng năm acres của Mỹ. Như vậy quí vị đã thấy ông giàu đến bậc nào. Ông nầy có 3 người con trai và vài người con gái. Tất cả con trai của ông đều được ăn học đến xong trung học, chớ không lên cao nữa. Đứa con thứ nhì của ông tên Qui, người dân BL quen gọi là cậu Ba Qui được ông yêu quí nhất đã gởi qua Tây học thêm 3 năm, không biết có đậu được cấp bằng nào không và rồi trở về nước. Ông rất tín nhiệm cậu Huy nầy ( cậu Ba thấy tên Qui có vẻ quê mùa, nên đổi thành Huy- Trần Trinh Huy ), mọi việc nhà ông đều giao cho cậu Ba cai quản, vì thế cậu Ba được dịp xài tiền phung phí và trở thành danh công-tử Bạc Liêu kể từ đó. Hãy thử kể những gì cậu Ba có được, đầu tiên ba Huy xây ngôi biệt thự 2 tầng thật là đồ sộ ở trung tâm thành phố, tất cả xây vật liệu ông commande ngay bên Pháp từ: đá, ngói, gạch, vôi hồ, bê tông cốt sắt, hoa văn trang trí cho mỹ thuật v.v…(nghe đâu chánh quyền mới đã tịch biên ngôi biệt thự nầy để làm khách sạn cao cấp cho tỉnh BL). Phía trong dinh, người ta thấy có những 2 xe bốn bánh: chiếc Vedette màu đen dành cho ông Hội Đồng Trạch đi lại do tài xế lái (Ông Trạch bây giờ đã mua được chức Hội Đồng của chánh quyền Pháp. Phú quí sinh lễ nghĩa mà lỵ), còn ông (ba Huy) thì lái chiếc Peugeot 203 decapotable (convertible), VN trong thời điểm nầy toàn quốc chỉ có 2 chiếc xe loại nầy mà thôi: chiếc kia là của Đức Quốc Trưởng Bảo Đại. Dưới sông ông có vài chiếc ca nô, loại thường và loại cao tốc để trượt nước ( water skiing ). Ông lại chơi ngông dám sắm luôn tàu bay cánh quạt loại nhỏ để bay chơi, chuyện nầy cả nước Việt chưa ai có. Ông còn mướn một thằng Tây già để làm quản gia cho gia đình ông. Nói chung ông sống rất xa hoa hưởng thụ, nhưng cũng có lòng nhân thường hay giúp đở những người neo đơn khốn cùng, hoặc chẩn bần trong những năm mất mùa đói rét, ông thích hoang phí tiền bạc nhưng với tài sản kết sù thì chẳng làm sao, đây cũng là bản tính của người VN chăng? Như gần đây chúng ta nghe những đại gia VN mua du thuyền hằng năm ba triệu đô la, mua trực thăng, nhà ở bên trong dát vàng v.v…Còn cái chuyện “dùng tiền nấu trứng, tỏ ra mình giàu” hoặc cậu Ba đốt tờ giấy “Bộ Lư”( một trăm đồng Đông Dương ) để tìm vật gì đó đánh rơi xuống đất lúc tối trời thì tôi nghĩ hoàn toàn không có, lý do dễ hiểu người nam bộ họ hiểu biết ít nhiều về Nhân Quả , thế nào là tạo Nghiệp thì làm sao dám làm chuyện dại dột, tài trời như vậy. Phần “gia đạo” coi như tạm đủ, thử nói về “tình duyên” của cậu Ba.


Cậu Ba là kẻ lắm của nhiều tiền vì thế mèo mỡ không ít, từ các nàng thuộc siêu sao trong giới cải lương, các mụ đầm Tây nạ dòng, những ca ve thượng thặng nhưng rốt cuộc thì có lẽ Cậu mặn mà với hương đồng cỏ nội hơn. Cậu có một bà “chánh hậu” tên là Trần thị Đen thì phải và năm ba bà “thứ phi”. Bạn tôi tên Trần H. C  là con của cậu Ba và một bà thứ phi thứ mấy không biết, ở H.T Sóctrăng. Tôi không rõ ông có bao nhiêu con, nhưng tôi biết một điều những đàn bà nào sanh con cho ông, ông rất yêu quí và cho tài sản rất lớn. C, bạn tôi rất giống ông, cao lớn to người, da ngăm đen, khuôn mặt vuông bàn cờ tướng, long mày đen rậm hình nón lá, miệng hơi móm duyên, y chang như ông nên C được ông thương lắm. Tôi cũng có tính tò mò muốn biết mẹ của C đẹp cở nào mà được công tử BL mê mẫn như vậy và một ngày nọ tôi có dịp đến nhà C ở ST, trước hết thấy được hình cậu Ba sau đó được dịp nói chuyện và quan sát bà, bà bấy giờ chừng hơn bốn mươi tuổi (năm 1960), phải nói rằng bà khá đẹp, rất đoan trang quí phái, nói chuyện từ tốn dễ gây cảm tình cho người đối thoại, lúc nầy ba mẹ con bà mua một căn nhà nhỏ sống ở ST để tiện việc đi học của C, sở dĩ tôi nói ba mẹ con vì C còn một người chị lớn hơn C vài tuổi nữa. Chuyện dời ra ST  còn là chuyện né tránh Cộng Sản vì nhà bà ở Trà Quít, nhà gạch 2 tầng và mấy trăm mẫu ruộng bao quanh, do chồng bà mua lại từ thằng Tây La Bach, coi như là chia tài sản cho mẹ con bà. Năm 1962, C và tôi lên Sài thành học tiếp, mãi đến năm 1972 tôi mới có dịp gặp lại C ở Sóc Trăng. C tốt nghiệp kỹ sư Nông lâm Súc đã đi làm trưởng ty ở tỉnh nào đó, lối  chừng một năm thì bị động viên khóa 24 haỵ 25 Thủ Đức, hiện là Thiếu úy Truyền tin Tiếp vận ở Cần Thơ. C cho tôi biết chừng một năm nữa C sẽ trở về nhiệm sở cũ. Rất có thể C hiện tại ở bên Mỹ không chừng.

Đoạn viết về vị công tử ba Huy, dụng ý của tôi là xin trả lại sự công bằng cho gia đình người ta, luôn luôn bị dựng chuyện bêu xấu nào là phong kiến, cường hào ác bá, hiếp đáp dân lành v.v…(cái nầy có lẽ do Việt Minh xúi giục), ngày cuối cùng lê lết xin ăn ở đầu đường xó chợ, rồi chết trong nhà thương thí v.v..là hoàn toàn xuyên tạc, bịa đặt. Gia đình nầy bị suy sụp cũng giống như mọi gia đình của các điền chủ khác: trong chín năm kháng chiến, họ có thu hoạch được hạt lúa nào đâu, kế đến thời đệ nhất Cộng Hòa, chánh phủ đã truất hửu gần hết ruộng đất của họ chỉ chừa lại vài trăm mẫu rồi đến thời đệ nhị Cộng Hòa với luật người cày có ruộng thì kể như trắng tay luôn. Cậu ba Huy mất vào năm 1972 hay 73 gì đó, coi như chấm dứt câu chuyện công tử Bạc Liêu từ đấy.

Nhân vật nổi tiếng thứ hai của xứ BL, đó là cố nhạc sĩ cổ nhạc Cao văn Lầu. Phải nói đây là một thiên tài về cổ nhạc ví chừng như: Văn Cao, Phạm Duy bên tân nhạc vậy. Ông xuất thân trong làng đờn ca tài-tử, một đêm nọ chạnh lòng nhớ tới người vợ đầu tiên, vì trót mang tội chậm sanh con nên bị cha mẹ ông buộc ông phải bỏ bà ấy mà lấy vợ khác, khi nghe tiếng chuông chùa ông chợt nghĩ đến bà ấy, giờ nầy chắc cũng đang mong nhớ ông nên ông xuất thần viết bài “Dạ cổ hoài lang”( Nửa đêm nhớ đức lang quân ):

Hò lìu xang xê cống
Líu cổng, líu cổng xê xàng…
Từ phu tướng,
Bửu kiếm sắc phong lên đường
Vào ra luống trông tin chàng
Đêm năm canh mơ màng
--------------------------------

Đây là một thể loại vọng cổ đầu tiên, mỗi câu 8 nhịp, dần dần các nghệ sĩ về sau nâng lên 16 nhịp, 32 nhịp rồi 64 nhịp. Tất cả giới cải lương xem ông như là cha đẻ ngành cổ nhạc. Có một điều trớ trêu thay, sau ngày “toàn dân kháng chiến” bản vọng cổ bị Việt Minh lên án nặng nề, cho là ủy mị, suy nhược hóa tinh thần đấu tranh giành độc lập cho Tổ Quốc v.v…dĩ nhiên là tên tuổi của ông bị dìm xuống bùn nhơ. Thế rồi đến khi cụ mất (1999?) chánh quyền sở tại BL lại tưng bốc cụ, mộ cụ và bà vợ được trùng tu thật khang trang, được coi một trong những danh lam để săn đón du khách đến tham quan. Con đường dẫn ra mộ cụ (phiá bên kia cầu quay, chạy dài ra biển) cũng được mang tên Cao văn Lầu. Điều nầy làm người viết suy gẫm lời nói của Tông Tông Thiệu…. ôi sao thật là chí lý.

Đoạn kết viết về BL, tôi sẽ nói về đặc sản và các món ăn ngon. BL như những tỉnh đồng bằng khác sản xuất chánh là lúa gạo, đặc biệt nữa là muối. Muối thì tính ra các tỉnh tiếp giáp với bờ biển đều là có ruộng muối nhưng vì sao toàn quốc lại ưa chuộng muối của BL, vì muối BL đơn thuần vị mặn cứ không có thêm vị đắng và tanh như những nơi khác, có người giải thích rằng nước biển vùng BL mặn hơn những nơi khác? BL còn xuất tỉnh những cua bể, tôm khô, cá khô, cá mặn (của người Hoa), cá đồng, hải sản như: sò huyết, nghêu, chem chép, mực, và cá biển với số lượng không thua gì Cà Mau.

Trước năm 75, nếu các anh và một vài người bạn nữa có dịp dừng chân ở một quán nước nào đó gần nhà lồng chợ BL, các anh thử gọi một vài lụi “chành búi” nướng than nhậu với bia thì mới thấy “thắm thía cuộc đời” chao ôi sao mà ngon thế. Người miền Tây họ phân biệt một cách rạch ròi giữa hai con tép và tôm, chứ không như người Trung hay người Bắc con nào cũng là tôm cả, có người bảo rằng tôm thì lớn, tép thì nhỏ, cũng không hẳn thế, mà là như vầy: Con tôm, thì đầu to, mình tròn, vỏ dày và cứng, thường có màu xanh hoặc đen, có loại nhỏ cở ngón tay cái đàn ông, màu đen gọi tên là tôm lò rèn (tôm tiger), hoặc có loại nhỏ cở ngón tay cái các bà mà bụng đầy trứng, gọi là tôm trứng. ngoài ra còn có tôm tích quá nhỏ, hình dáng giống con crawfish của xứ Louisiana. Điều nầy lập luận bảo rằng tôm thì phải lớn thì không ổn rồi đó. Còn tép thì mình dẹp, đầu nhỏ, thường màu bạc thỉnh thoảng có loại màu đất, vỏ mỏng dễ lột. Có loại nhỏ một pound có chừng bốn năm chục con và có loại rất lớn một pound chừng độ 12 đến 16 con, loại nầy người Triều Châu gọi là “chành búi”. Người dân BL thường làm món nhậu thật giản dị từ con tép nầy cứ lặt bỏ đầu, lột vỏ chừa đuôi ướp sương sương tỏi, tiêu trắng và muối, xong xỏ vô que tre, tuỳ theo lớn hoặc nhỏ, mỗ que 3 con hay 4 con, đem phơi vài ba nắng là được. Món ngon kế tiếp là sản phẩm của người Hoa bán nhiều vào dịp Tết đó là vịt ướp Mai quế Lộ, ngũ vị hương căng mỏng phơi khô nhiều nắng. Cách ăn, vì là thịt chưa chín nên cần nướng hoặc chiên, xong chặt nhỏ cho vào đĩa kèm theo dĩa nhỏ dưa chua, chén hắc xì dầu có thêm vài lát ớt, đãi khách đầu năm như vầy thì thật là chu đáo nhưng đừng quên có thêm một ly consummation: cognac pha Perrier nữa nhé. Món ngon kế nữa cũng của người Hoa là cua bể muối, người Hoa họ nấu món nầy cũng giống như món “hầm dỉ” của dân Quảng Đông thay vì dùng cá mặn, thì thay bằng cua muối. Người Việt sơ chế món nầy thành món chấm ngon tuyệt nhưng phải qua rất nhiều công đoạn như bắt xoong nhỏ lên bếp, khi mỡ tỏi vàng thì cho thịt cua vào xào sơ cho thơm, đoạn trút vào đây một chén chè nếp xay nhuyễn, khuấy đều tay đợi sôi lên thì tắt lửa cho vào nửa chén đậu phọng rang giã nhỏ, thế là chúng ta có chén nước chấm độc đáo rất thích hợp với mọi loại bánh tráng cuốn, bún, rau thơm và phần chánh là: cá hấp, cá nướng, tôm nướng, thịt lợn luộc xắt mỏng hay tép luộc v.v…nhớ kèm theo một chai Heineken lạnh. Món sau cùng là lẫu mắm đồ biển Hộ Phòng. Đầu tiên người ta kho mắm như thông thường với cá, thịt ba chỉ xắt mỏng và cà tím trái dài, xong người ta chỉ lấy nước thôi cho vào xoong nhỏ thêm nước sôi vào cho nhạt bớt và đặt lên réchaud để giử cho nóng luôn luôn, trên bàn có sẵn đĩa đồ biển gồm: tôm càng lột vỏ xắt khoanh, mực nang tuốt vỏ lụa bên ngoài trở nên trắng phau, cắt miếng vừa ăn, cá lốc loại to, sau khi làm sạch, thái filet và sau đó xắt lát mỏng. Rồi một đĩa rau ghém gồm: rau muống chẻ, cải bắp xắt mỏng trộn rau thơm, bắp chuối xắt mỏng trộn rau thơm, dưa leo xắt que, thơm xắt nhỏ và một đĩa bún nữa. Cách ăn: lấy một nhúm bún cho vào chén nhỏ, đặt lên trên loại rau ghém nào mình ưa thích, dùng đũa gắp đồ biển nhúng vào lẫu mấm cho vừa chín tới đoạn bỏ vào chén, có thể chan thêm chút nước lèo (mắm kho) sao cho vừa ăn, rồi và vào miệng. Vì đây là món mắm muối, đề nghị bạn hãy nhấm thứ gì mạnh một chút nhé như Vodka pha nước cam vắt vậy. Bây giờ, bạn đã cảm nhận thế nào: ngon hay dở hở bạn?

Tôi viết bài ngắn về Bạc Liêu nầy với tất cả tấm lòng yêu mến quê hương luôn ở trong tôi.
Nguyên Quân.

ad

Tin Buồn

TIME