AcDieu225
Co Vang Tammy

Free Hit Counters
Web Site Hit Counters

Acdieu

Đừng để cơn gió lớn thổi tắt ngọn đèn thông minh !!!!‏

Tri và Hành !!!
Xin mời đọc

 

Nghĩ về cơn gió lớn

Đức Phật đã chỉ dạy: "Sự sân giận là ngọn lửa thiêu đốt hết cả mọi công đức!". Và "Người nào ngăn được cơn giận dữ nổi lên như dừng được chiếc xe đang chạy mạnh, mới là kẻ chế ngự giỏi; ngoài ra chỉ là kẻ cầm cương hờ"
Có lẽ tất cả mọi người đều đã biết, thuộc lòng câu tục ngữ rất đơn giản này: "No mất ngon, giận mất khôn".
Bụng đã no ứ rồi, thì dầu có con tôm xuất khẩu giá trên hai chục ngàn đồng một con ăn vào cũng chẳng thấy ngon lành gì! 
Cũng vậy, khi cơn giận nổi lên thì người dầu đã già trên bảy mươi, hay có các bằng cấp đại học, trên đại học, cũng dễ trở nên người... ngu như thường! ("mất khôn" có nghĩa là ngu si, ám muội, vô minh rồi!).
Đức Phật cũng đã chỉ dạy: "Sự sân giận là ngọn lửa thiêu đốt hết cả mọi công đức!". Và "Người nào ngăn được cơn giận dữ nổi lên như dừng được chiếc xe đang chạy mạnh, mới là kẻ chế ngự giỏi; ngoài ra chỉ là kẻ cầm cương hờ" (1).
Tục ngữ phương Tây cũng có câu:
 "Sự giận dữ là cơn gió lớn làm tắt ngọn đèn thông minh".
******
Ngày xưa, vợ chồng chủ một hiệu bán bánh bất hòa, cãi nhau- từ nhỏ tiếng đến to tiếng.
Người ta nghe tiếng chị vợ hét lên:
-Anh đòi giết tôi hả? Tôi không sợ anh đâu!
Tiếng người chồng:
- Được rồi, tui nhất định sẽ giết bà!
Ông già bên hàng xóm chạy sang khuyên can họ:
- Này hai bác ơi, làm gì mà đòi giết nhau dữ vậy? Có việc gì không nên, không phải hai bác hãy bình tĩnh mà chỉ bảo nhau, chứ đừng nên làm thế người ta chê cười - làm sao mà dạy bảo con cháu được ?
Họ không thèm nghe lời ông già. Người vợ lại to tiếng hơn:
- Cứ giết tôi đi! Tôi thách anh đó...
Người chồng cũng chẳng nhịn:
- Hôm nay tôi nhất định sẽ giết bà!
Ông già liền đến các sạp bánh của họ, thu hết tất cả các loại bánh, đem phân phát cho những người đang bu lại xem họ cãi cọ, đánh nhau.
Hai vợ chồng thấy thế, lập tức không đánh nhau nữa, vội chạy ra hỏi:
- Ô kìa! Ông làm cái gì vậy? Nhà người ta buôn bán sao tự nhiên ông lại đem lấy của chúng tôi cho không mọi người?
Họ trừng mắt nhìn ông già, hấp tấp ngăn cản.
Ông già thản nhiên nói:
- Vừa rồi, bác trai nói nhất định giết bác gái; tôi nghĩ, bác gái mất rồi, thì bác trai cũng sẽ không sống được, vì hối hận và buồn. Vậy cả hai người đều chết, và tiệm bánh này cũng sẽ vô dụng, nên tôi đem bố thí để gây chút công đức, tiếng thơm cho hai bác đấy chứ! Làm người khó được, mà chết như thế thì không biết đến kiếp nào được làm lại người đây?
- Không được, nếu ông đem cho hết thì ngày mai chúng tôi lấy gì mà ăn đây?
Thôi chúng tôi không cãi cọ, đánh nhau nữa...(2)
"Cơn gió lớn" thổi tắt đi ngọn đèn thông minh, làm cho tâm địa con người tối tăm, không còn trí khôn, sự sáng suốt, để hướng dẫn hành động: dễ xảy ra bao việc đáng buồn, đáng tiếc; đang và sẽ nổi lên trong lòng mọi người...
Vậy có cách gì ngăn trở, dập tắt "Cơn gió lớn" hung ác, gây bất hạnh cho nhiều gia đình, tạo sự bất an, rối loạn trong xã hội hay không?
Có nhiều phương cách để hóa giải, tiêu trừ "Cơn gió lớn" (hay ngọn lửa) nguy hại ấy; nhưng tựu trung cũng bắt nguồn từ bốn tâm lớn : Từ, Bi, Hỷ, Xả. Người đã có bốn tâm vô lượng diệu kỳ ấy rồi, thì mọi trận cuồng phong cũng sẽ tiêu tan.
Ngày xưa, Thầy tôi có dạy : "Khi cảm nhận có điều bất bình, không được như ý, có thể đem lại sự sân giận; con hãy nhớ, đọc ngay câu này : "Nói là ngu, im lặng là khôn"... Đó là đức nhẫn nhục rất cao quý sẽ mang lại cho ta cho người sự an bình, hạnh phúc...".
Thầy giảng dạy cho tôi về giá trị to lớn của chữ "Nhẫn nhục": Tục ngữ cũng có câu "Một câu nhịn, chín câu lành". Người có đức tính "nhẫn nhục" là người có tâm hồn rộng lớn, có tình thương yêu chân chính, bao la. Đức hạnh "nhẫn nhục" là hạnh thứ 3 trong 6 hạnh mà Chư Bồ Tát luôn hành trì để tế độ (lục độ) cho mình cho người.

Và Thầy đã kể cho tôi nghe về sự tích của câu "Bách nhẫn hóa thiên kim" (100 nhẫn hóa ngàn vàng) : Ngày xưa, ở làng nọ, có ông lão nổi tiếng về đức "nhẫn nhục". Cả huyện ai ai cũng mến phục. Bữa nọ, trong ngày làm lễ thành hôn cho cậu con trai út, có một ông già hành khất, đến ăn xin. Ông không chịu ngồi ăn chung với quan khách, cũng chẳng chịu ngồi ăn riêng một cỗ, mà lại đòi ngồi ăn trong bàn họ.Ông lão gia chủ cũng vui vẻ chấp thuận sau khi xin phép hai họ. Buổi chiều , tiễn họ về, quan khách đã vắng; ông già khất thực chưa chịu ra đi! Lão gia chủ vui vẻ dọn cơm. Đến tối, ông già đòi ngủ lại. Lão ta sốt sắng cho người nhà dọn riêng một phòng tươm tất. Ông già không chịu ngủ ở phòng ấy, lại đòi vào ngủ ở phòng "tân hôn" được trang hoàng lộng lẫy!Lão gia chủ đưa con sang phòng khác, dành phòng "tân hôn" cho ông ta theo ý muốn của ông.Hơn 8 giờ sáng chưa thấy ông già khất thực dậy ăn điểm tâm, lão gia chủ khẽ đẩy cửa bước vào: không thấy ông già xin ăn đâu cả, mà lại thấy nguyên một pho tượng bằng vàng ròng óng ánh! (3)"Cơn gió lớn" sẽ nổi dậy trong ta bất cứ lúc nào, vì điều bất như ý luôn luôn xảy ra trong đời sống thường nhật. (Mà có cuộc sống nào luôn suôn sẻ, "Vạn sự như ý" đâu?). Sự im lặng trước mọi nghịch cảnh, nghịch lý, là điều vô cùng cần thiết, để ta đủ thông minh, sáng suốt, có thể quyết định chính xác, đúng đắn; tránh được mọi suy nghĩ chủ quan, dẹp được cái "ngã" tự cao mù quáng - sẽ đem lại nhiều an vui, lợi ích thiết thực cho ta và cho người. Chỉ trong phút chốc giận dữ, ngọn lửa hung bạo sẽ thiêu đốt hết mọi công đức tích chứa nhiều tháng năm, thậm chí đến nhiều kiếp.
Vậy luôn tỉnh giác, xin đừng bao giờ để cho "Cơn gió lớn thổi tắt ngọn đèn thông minh" vốn có trong ta nhé!
Hãy cứ nói ra

Sự giận dữ thổi tắt ngọn đèn của tâm trí" - Robert Ingersoll, chính trị gia, kiêm nhà hùng biện người Mỹ, đã nói thế.
Và điều đó có thể là đúng. Tôi từng nghe câu chuyện về một phụ nữ đăng mẩu quảng cáo bán chiếc ô tô còn rất mới của mình. Xe mới chạy được 3.000 dặm. "Vẫn còn như mới" - Mẩu quảng cáo ghi rõ
- "Tình trạng tuyệt hảo. Giá 75 đôla".

Một độc giả đọc xong phì cười và nghĩ: "Báo chí bây giờ thật cẩu thả, lại in sai nữa rồi". Nhưng anh ta quyết định vẫn gọi điện cho số điện thoại đăng kèm để hỏi cho rõ.

- Xe của chị có thật là như mới không?
- Chắc chắn rồi! - Người phụ nữ bán xe trả lời.
- Mới chạy 3.000 dặm?
- Đúng.
- Chị bán giá bao nhiêu?
- Bảy mươi lăm đôla - Người phụ nữ nói rõ ràng.
- 75 đôla! Này chị, cái xe có vấn đề gì à?

- Nó chẳng có vấn đề gì cả! Mà ngạc nhiên thật đấy, vì tôi chờ mãi mới có anh là người đầu tiên gọi điện. Chắc là không ai tin vào mẩu quảng cáo đó!
Độc giả nói trên quyết định tới xem xe. Người phụ nữ để anh ta lái thử. Chiếc xe rất đẹp và chạy êm một cách hoàn hảo. Anh ta không thể tin nổi vận may của mình.
- Cứ trả 75 đôla đi và chiếc xe là của anh - Người phụ nữ nói - Xong rồi anh có thể lái nó đi luôn.

Độc giả may mắn trả tiền và cầm chìa khóa.
- Nhưng tôi rất tò mò, mong chị giải thích cho tôi rõ - Anh ta nài nỉ - Lẽ ra chị có thể bán chiếc xe này với giá ít nhất là 35.000 đôla. Vậy thực ra có chuyện gì vậy?
Và người phụ nữ kể câu chuyện của mình: "Tôi mua chiếc xe này tặng chồng tôi nhân kỷ niệm 20 năm ngày cưới. Hai tuần sau đó, anh ta bỏ đi với một cô gái trẻ.
Tuần trước, anh ta gọi điện về cho tôi, nói rằng họ đã đính hôn và đang ở bãi biển Miami, bang Florida.

Anh ta nói rằng, đang hết tiền, rằng chiếc xe này dù gì cũng là của anh ấy vì tôi đã tặng, và nhờ tôi bán nó đi, gửi tiền cho anh ta, coi như là tôi giúp đỡ anh ta việc cuối cùng.
Tôi đã hứa là sẽ làm. Và tôi đã làm".

Bạn thì làm gì khi bạn giận dữ?

Một số người "giải tỏa bằng hành động". Họ đập phá thứ gì đó. Hoặc họ nói ra điều gì đó mà về sau họ phải hối hận. Họ phản công. Hoặc họ bán chiếc xe ô tô với giá 75 đôla.
Một số người "giải tỏa bằng cách chờ đợi". Chờ đợi có vẻ là chiến lược của người chồng lăng nhăng trong câu chuyện kể trên. Chờ cho vợ bình tĩnh lại - hy vọng mọi chuyện sẽ qua.
Cũng có khi mọi chuyện tự qua thật, nhưng lảng tránh xung đột thì hầu hết không đem lại kết cục êm đềm. Rất nhiều chuyện không thể cứ thế tự hết được.
Một số người "giải tỏa bằng cách xả ra". Họ đá con chó con mèo, hay quát tháo trẻ con. Họ nổi cáu với người nào đó không may mắn tình cờ gặp họ.
Vẫn có những người khác "giải tỏa bằng cách chiến đấu". Bob Orben, tác giả viết hài kịch chuyên nghiệp, đồng thời là nhà ảo thuật và chuyên viết các bài diễn thuyết cho các vị lãnh đạo, nói: "Ai có thể quên được những lời nói bất hủ của Winston Churchill: "Chúng ta sẽ chiến đấu trên bãi biển, chúng ta sẽ chiến đấu trên mặt đất, chúng ta sẽ chiến đấu trên chiến trường và trên phố, chúng ta sẽ chiến đấu trên các ngọn đồi"? Nghe giống y như các kỳ nghỉ của gia đình chúng tôi". Đúng là, với gia đình và bạn bè, việc chúng ta xả giận vào họ, để rồi thành cãi nhau, đã trở thành… chuyện thường.

Tất nhiên, cách tốt nhất là "giải tỏa bằng cách nói ra". Không có gì mới cả - chúng ta chỉ cần đưa ra vấn đề trước khi phải tìm cách giải tỏa khác. Nhưng nói ra không có nghĩa là "hét ra". Một số người có vẻ tin rằng nếu mình nói đủ to, thì mình có thể át giọng người khác và như thế sẽ khiến cho mình thành đúng.

Nói ra" là đặt ra vấn đề - nói những gì cần nói một cách rõ ràng, bình tĩnh và tử tế. Nhưng "nói ra" cũng là vấn đề lắng nghe nữa. Tôi nghĩ có một điều thật thú vị khi từ "lắng nghe" trong tiếng Anh (listen) lại bao gồm đúng những chữ cái như từ "im lặng" (silent). Bởi vì bạn không thể lắng nghe khi bạn vẫn còn đang nói. Bạn không thể lắng nghe khi bạn còn đang mải nghĩ xem tiếp theo mình sẽ nói gì. Để lắng nghe, bạn phải im lặng.
Và khi bạn im lặng, có một điều kỳ diệu xảy ra. Những bức tường được hạ xuống và bạn bắt đầu nhìn rõ con đường của mình. Khi bạn im lặng, là bạn tạo ra không gian cho những ý nghĩ mới mẻ giữa bạn và đối phương.

"Giải tỏa bằng HÀNH ĐỘNG" và những hành động của bạn sẽ trở thành chướng ngại vật ngăn chặn việc giao tiếp suôn sẻ.
"Giải tỏa bằng cách CHỜ ĐỢI" và bạn có thể khiến các cảm xúc giận dữ chồng chất bên trong mình.
"Giải tỏa bằng cách XẢ RA" và bạn sẽ chỉ gây ra nhiều đau đớn và giận dữ hơn nữa.
"Giải tỏa bằng cách CHIẾN ĐẤU" và bạn sẽ tạo ra những người chiến thắng và những kẻ chiến bại.
Nhưng nếu bạn NÓI RA, là bạn có thể giải tỏa được. Hãy trung thực. Hãy rõ ràng. Nhưng, hãy có lý. Và rồi, hãy im lặng. Hãy để điều thần kỳ của khoảnh khắc im lặng giúp cho sự thấu hiểu được lớn lên.

Và như thế, có thể bạn sẽ giữ lại được chiếc xe ô tô.

Theo Đặng Mỹ Dung

 

 

AcDieu

Tin Buồn

2014

01-2014

02-2014

TIME