AcDieu225
Co Vang amazon Tammy

Free Hit Counters
Web Site Hit Counters

Ac Dieu

ImageProxy.gif

Về tác giả bài “NƯỚC NON NGÀN DẶM RA ĐI”

 

Vương hồng sển

 

 

Tôi trộm nghĩ bà công chúa Huyền Trân đời Trần, bị người đời nay gán cho là tác giả bài ca Huế điệu Nam Bình, “Nước Non Ngàn Dặm Ra Đi”, tôi e sự thật chưa phải vậy. Tạp chí Cửa Việt số 10 năm 1991, từ trang 20 đến 76, linh mục Nguyễn Văn Ngọc viết về “Sự Thành Lập Các Làng Cổ Ở Quảng Trị”, thật là hấp dẫn và đầy đủ, tôi học thêm được rất nhiều về quê cha đất tổ, linh mục nhắc bài Nam Bình “Nước Non Ngàn Dặm...” và nói rằng theo lời cụ Cao Văn Chiếm cho biết, thì chính Huyền Trân công chúa đời Trần, mượn theo điệu hát Chàm, soạn bài ấy... và cũng trong lời chú thích của báo Cửa Việt ghi nơi sau bài của LM, tôi chép y nguyên văn tại đây: “Theo chúng tôi (CV), giả thuyết này (về bài “Nước Non Ngàn Dặm...”), không có cơ sở thực tế, Nam Bình là một điệu nhạc Huế, chỉ ca được giọng Huế, nên chắc phải xuất hiện sau, vì Huyền Trân vốn nói giọng Bắc...(CV)”.

 

Tôi đã đọc trọn bài, tôi hoàn toàn đồng ý với lời chú thích ấy của Cửa Việt, hôm nay, tôi xin tiếp lời bàn rộng thêm đôi chút, ấy chẳng qua “tôi thêm mở rộng một cửa không đóng và đã mở toanh...”. Vậy xin độc giả đừng cười.

 

Và cũng đừng cười tôi, tuy nay tuổi tròn chín chục, mộng Vu Sơn đã dứt, nhưng lòng xuân còn ngún như kẻ tuổi đôi mươi tràn trề – mỗi khi tôi gặp và nghe được một giọng ca đúng như tôi hiểu mỗi dấu sắc dấu huyền đều hóa ra đấu nặng, tỷ như “trăng khuyết” thành “trăng Khuyệt”, “má hồng da tuyết” thành “má hồng da tuyệt” v.v… thú thiệt, bất luận người ca nỏn nà hay đã như hoa xế chiều - những lúc ấy hồn tôi như gửi đám mây xanh, khiến tôi nhớ Huế ôi là nhớ, và tôi đã được một đôi phút thoát trần, và như vậy đối với tôi, bản Nam Bình “nước non ngàn dặm...” ca đúng giọng Huế, quả là một viên ngọc bích đáng trân trọng, thử hỏi trên đời có được mấy bài ca du dương thoát trần như thế này?

 

Một đôi khi, tôi may gặp người ca sĩ có biệt tài, đã thay thế đi vài chữ, tỷ như bài LM ngọc, thì theo bản của Văn Thanh, 1989, Sở Văn Hóa Bình Trị Thiên (tôi đã được nghe), thì:

 

- Câu 1: “Nước non ngàn dặm ra đi, mối tình chi?” (chữ “mối” đổi ra chữ “cái”, “cái tình chi” nghe bình dân hơn.

 

- Câu 8: “Thấy chim hồng nhạn ra đi, tình tha thiết, bóng dương hoa quì" đổi lại là “Thấy chim hồng nhạn bay đi (“bay” thế cho "ra"), tình lai láng, bóng dương hoa quì”, “tình lai láng” thay cho “tình tha thiết”, tình tứ hơn.

 

Theo tôi những biến đổi ấy tôi đều tha thứ, và nếu cho phép tôi nhớ lại nghề xưa, tôi đều cho điểm ưu cả hai, và bàn thêm rộng, vả chăng tiếng Việt là tiếng độc âm, người Việt là người tánh hay xí xóa, tha thứ, cho nên mặc tình pha phách (Nơi đoạn sau, tôi sẽ múa búa, nhắc lại một bài trong Nam biến thể, sẽ dựng chứng cho bài "Nước Non Ngàn Dặm..." ắt không thể nào do bà Huyền Trân sáng tác được).

 

Chuyện đó để đó, nay nói qua việc hôn phối bà Huyền Trân.

 

Tội nghiệp thay cho bà, làm vật hy sinh.

 

Đây là một bài thi, vì hay, nên tôi chép lại, mặc dù tác giả mang tiếng không được trung với vua với nước, thi rằng:

 

Công chúa Huyền Trân

Đổi chác khôn ngoan cũng nực cười

Vốn đà không mất lại thêm lời

Hai châu Ô Lý vuông ngàn dặm

Một gái Huyền Trân của mấy mươi

Lòng đỏ khen ai lo việc nước

Môi son phải giống mãi nên đời

Châu đi rồi lại châu về đó

Ngơ ngẩn trông theo mấy chú Hời

 

(Chép theo bản trong “Văn Đàn Bửu Giám”, Trần Trung Viên và Hư Chu (Mặc Lâm xuất bản, tập 2, trang 2, năm 1976). Tác giả bài thi là Hoàng Cao Khải).

 

Thơ hay, độc địa, nhức xương, tôi xin nhường độc giả đọc và hiểu lấy. “Ngơ ngẩn mấy chú Hời”, tôi làm sao biết được? Duy tôi biết trai đời Trần (mèo đời nào cũng vậy, mất cục mỡ thì tiếc nhớ hùi hụi), vả chăng trai Hời nếu vì vua Chàm xa xỉ, ham miếng đất xéo ba góc mà làm mất hai châu “ngàn dặm”, đó là việc riêng của các trai Hời, còn trai đời Trần khóc bóng gió mấy câu xa xôi: “Tiếc thay cây quế giữa rừng, ai cho thằng Mán, thằng Mường nó leo”, xít lại gần hơn, nào: “Tiếc thay hột gạo tám xoan, thổi nồi đồng điếu lại chan nước cà”. Tôi để mặc cho bà công chúa hy sinh, tôi khảo xét qua “Việt Nam Sử Lược” của Trần Trọng Kim (bản Tân Việt in lần thứ 5, tôi không đọc được sử chữ Hán), rồi tôi đọc lại bản chữ Pháp của Jean Boisselier, “La Statuire du Chapa” (về Tạc Tượng Đá Chàm), tôi mừng vì thấy hai tác giả viết gần y nhau, tôi tóm tắt đại lược ra đây: "Năm 1301 (Tân Sửu) Trần Nhân Tông nhường ngôi cho Trần Anh Tông, để lên làm thượng hoàng, rồi khoát áo nhà thiền, lên chơi đất Chàm, la cà lâu hoắc và hứa gã một công chúa cho Mân Vương, việc kéo dài sáu năm đến 1306, Huyền Trân làm hậu vua Chàm, hương lửa ba năm chưa nồng, ngữ dị đồng, phong tục không giống, bỗng 1308, vua Chàm áng giá nước Chàm có tục hỏa thiêu người vợ (sách Tây kể có một ông vua Chàm tử, mười bốn bà chết cháy... Ghê tởm quá), vua Trần Anh Tông sai tướng Trần Khắc Chung giả mượn tiếng viếng thăm, lén rước công chúa thoát khỏi lửa thiêu, (hai châu của Chàm, năm 1307, vua Anh Tông đã nhận và đổi Ô, Rí thành Thuận Châu và Hóa Châu) (CNSL, trang 162), sách Pháp của Boisselier kể tên vua Chàm dài nhằng khó nhớ, tôi đã từng làm “dâu” cho Tây, trường Viễn Đông Bác Cổ nay da cổ còn trầy, phép của trường có chứng tích mới tin, còn nước ta, bên nước ta hễ thơ tục đều phao là của Cống Quỳnh, hễ thơ chớt nhả đều phao của bà Hồ Xuân Hương, không thấy ai tranh luận, đến như bài “Nước Non Ngàn Dặm...”, theo tôi, phải chứng rằng điệu Nam Bình đã có từ đời Trần, thì bà Huyền Trân mới có thể phỏng theo và là tác giả được, nhưng xét về lời lẽ, tình tứ, tôi lại nghĩ và xin hỏi người lịch duyệt, Nam Bình điệu e từ đời Tự Đức, các ông hoàng Tùng Thiện, Tuy Lý, các bà công, thiếu chi người tài, (ông Nguyễn Khoa Vy chẳng hạn... ). Nay tôi viết lại đây một chuyện trong Nam, về buổi phôi thai "hát cải lương", cũng chưa đến nỗi lạc đề:

 

Đọc Tam Quốc Chí, ai lại không biết có đến một lúc, bên Thục, quân sư Khổng Minh, gặp buổi nguy cấp, binh của Tư Mã Ý kéo rần rần, mà trong thành, không người chống chế, cho nên Khổng Minh bày ra “không thành kế” - sai quân mở hoắc cửa thành, không một binh tướng canh giữ, chỉ thấy một tên lính câm cầm chổi quét sơ sịa trước sân... Lúc tôi còn học trường tỉnh Sóc Trăng, khoảng 1918 - 19, hát cải lương đang hình thành ở hạt Mỹ Tho, tôi không nhớ ắt, gánh Nam Đồng Bang, hoặc gánh thầy Nam Tú, đang phong trào ở Sài Gòn “tẩy chay China”, khách buôn Nam tranh mở quán tiệm dành mối với người Tàu, cùng một lúc, tôi ở Sóc Trăng, đêm nào cũng chạy trên để đi coi gánh hát Tiều

 

(Triều Châu), lúc ấy có đến ba gánh lớn, gánh ở Long Xuyên, Châu Đốc, sơn thùng đựng y phục đồ nghề màu đỏ, xưng là “Àng lán”, (àng là hồng, màu đỏ, lán là vựa, thùng, rương); gánh ở Trà Vinh, thùng màu xanh, xưng “Xe lán (xe: thanh); còn tại Sóc Trăng, có gánh, thùng sơn đen, xưng “Ô lán”, (Ô, Xe, Áng, đều là Thiên Địa Hội màu cờ đen, cờ xanh, cờ đỏ trá hình. Cả ba gánh đều thiện nghệ, thường diễn tuồng “không thành kế” linh (động lắm, nay tôi không dám chắc bài đờn “Khổng Minh tọa lầu” tác giả chính là ai, duy tôi nhớ mại mại thuở ấy, trong đám thầy tuồng, có ông Nguyễn Trọng Quyền, viết tuồng cho gánh bà Bảy Phùng Há, và ông Trương Duy Toản (hiệu là Mạnh Tự), hình như ông này có dựa theo bản “Khổng Minh tọa lầu” của hát Tiều (tôi nhớ câu đờn đầu bài: “Túng lửng, từng tưng”, vỏn vẹn mỗi câu có bốn chữ như vậy, mà ở Mỹ Tho đẻ ra bài:

 

Bài số 1 (đờn và hát):

 

“Kế Khổng Minh cao

Tư Mã Ý nghi (câu này hát hai lần, bis)

Bốn cửa thành đều mở cửa ra (bis)

Tư Mã Ý đến, chẳng dám vào thành (bis)

Đồn binh ngoài hạ trại vừa xong (bis)

Lòng nghi ngại, rút binh trở lại (bis)

Về nửa đường, xảy gặp Triệu Vân (bis)

Tư Mã Ý hết hồn!"

 

Vì bài đờn quá vắn, câu hát phải nhồi đi nhồi lại (bis) và đó là nhại thằng câm Tiều quét chổi mời Tư Mã vào thành, trong khi quân sư Khổng Minh ung dung một mình ngồi đàn trên mặt thành bỏ trống.

 

Bài số hai nhan là “Bánh tôm khô chiên” nhại theo điệu “Kế Khổng Minh cao”. Nhắc lại năm 1918, trận Âu Châu đệ nhứt thế chiến vừa dứt, tại Sài Gòn xảy ra phong trào "tẩy chay China", bản hát Tây Madelon và Marseillaire thịnh hành, người Nam vịn theo bài hát ấy, hát “Đồng lòng cùng nhau ai nay” (điệu Marseillair) hoặc “Đồng lòng cùng nhau, Tẩy chay China” (điệu Madelon) . trong lúc ấy tại tỉnh Mỹ Tho, lại có bản “Bánh tôm khô chiên”, tôi chỉ nhớ mấy câu đầu, mấy câu sau tôi quên mất, và hát như vầy:

 

Bánh tôm khô chiên

Dầu chà quảy chiên

(Hai câu hát lặp lại hai lần, thiên hạ cười rần).

 

Nó là đồ các chú đem qua!"

(Thiên hạ cười bể rạp)

 

Bao nhiêu ấy đủ ăn khách, nhất là khi kép Ba Du hát, vừa duyên dáng chọc cười, vừa thỏa lòng khán giả và thính giả có mặt tại rạp hôm ấy. Kép Ba Du sau đó lên đường ra Bắc tập kết, câu hát còn lại, đánh dấu một phong trào bồng bột toan cỗi ách Pháp, nhưng mượn tuồng tích Tàu để tránh mắt tai bọn cú nịnh Tây, và tôi xin giải thích: đời Tống bên Trung Quốc bị binh Phiên Ngột Truật kéo qua cướp nước, vì Tần Cối (thừa tướng) nghe lời vợ là Vương Thị, cả hai theo Phiên, sàm tấu với vua Tống, ám hại tướng tài Nhạc  Phi. Phi bị giết, nhà Tống mất đất phương Bắc chạy về phương Nam, dân chúng phẫn uất thì đã quá muộn, nên bày ra chiên dầu vợ chồng Tần Cối cho đỡ bực tức, và câu hát đúng là: “Du tạc Cối” (“du” là đậu phộng “tạc” là đục gỗ, hiểu ở đây là chiên... và cái bánh hai miếng bột mì chiên cặp, tượng trưng cho vợ chồng Cối... Cho đến ngày nay, hát trại và sai, nghe là "dầu chà quỷ" (quải) (du tạc quỷ), và ngày nay nhiều người sáng điểm tâm "Du tạc Cối mà nào ngờ! Ấy đó từ “Không thành kế”,Kế Khổng Minh cao” mà trở nên “Bánh tôm khô chiên”, nó “là đồ bên Tàu, các chú đem qua...”, lòng dân, ý dân, đời nào như đời nấy, xưa như nay, phải chiều lòng dân thì mới được yên, mà trong này nào có nói bài hát "Kế Khổng Minh..." và bài “Tôm khô Chiên” là đã có từ đời Tam Quốc!

 

Bài “nước non ngàn dặm ra đi” nên nói “thật lòng Công Chúa Huyền Trân” hơn là "do Huyền Trân sáng tác".

AcDieu

Tin vui

Tin Buồn

Bài Củ

06-2014

05-2014

04-2014

03-2014

02-2014

01-2014

RFI
Nguoi_Viet
RFA
Quan_Su_VNCH
Quân Sử VNCH
Voa_tieng_Viet
BBc_Tieng_Viet

TIME