AcDieu225
Co Vang amazon Tammy

Free Hit Counters
Web Site Hit Counters

Ac Dieu

ImageProxy.gif

    Một ngày khó quên

 Mùa xuân năm 1972, để chuẩn bị cuộc tấn công mùa hè đỏ lửa, Việt Cộng đã gia tăng các cuộc tấn công và vây hãm tiền đồn của ta ở khắp các vùng chiến thuật. Riêng tại vùng 4, chúng thường áp dụng chiến thuật công đồn đả viện, khiến cho việc di chuyền bằng đường bộ rất khó thực hiện.

Đối với lính đóng đồn miền xa, vấn đề tiếp tế là một vấn đề sinh tử.Chỉ có phương tiện duy nhất là phi cơ. Các vận tải cơ thả đồ tiếp tế, thường không mấy hiệu quả. Dù cho các phi hành đoàn đã can đảm bay thấp hết cỡ để hất hàng xuống ‘không dù’ khiến cho quân bạn ở dưới đất rất cảm kích, nhiều khi còn lo sợ cho sự gan lỳ và lòng dũng cảm của các phi hành đoàn vận tải…Nhưng vì tốc độ khá nhanh, máy bay lại cồng kềnh, đồn lại quá nhỏ nên các kiện hàng phần nhiều bị rơi lạc ra ngoài vòng đai… vào tay giặc! Trong lúc đó, tiếp tế bằng trực thăng tỏ ra hữu hiệu hơn vì nó bay chậm, đứng được một chỗ, xoay trở lanh lẹ…imagesCA0VMRTE.jpg

Tờ mờ sáng, khi mặt trời chưa ló dạng, chúng tôi đã xách áo giáp, nón bay, súng đạn, bản đồ, ra bãi đậu phi cơ để làm tiền phi, chuẩn bị cất cánh. Bắt đầu một ngày mới, một ngày bay trên chiến trận đầy những bất trắc, hiểm nguy đợi chờ…

Chúng tôi, bốn chiếc trực thăng rời phi trường Sóc Trăng, họp thành đội hình « quả trám » trực chỉ Cà Mâu để làm việc cho tỉnh này…

Vừa đáp xuống Cà Mâu là được phân phối đi tiếp tế ngay cho các tiền đồn thuộc các quận Cái Nước, Đầm Dơi, U Minh, Thới Bình…

Mấy anh lính Địa Phương Quân đã chất xong hàng lên phi cơ,chúng tôi sửa soạn cất cánh đến tiếp tế cho một đồn nhỏ nằm về phía Bắc của U Minh chừng ba cây số đường chim bay. Nơi mà những người lính trấn thủ lưu đồn đang chờ đợi từng viên đạn, từng gói gạo sấy, từng cuộn băng cứu thương…magesCAGMBB4Q.jpg

Vừa đổi qua tần số Bộ Binh, đã nghe tiếng của trưởng đồn sốt ruột réo gọi.

« Ác điểu đây sơn ca…Ác điểu đây sơn ca  »

« Ác điểu nghe Sơn ca 5/5 nói đi » tôi trả lời.

Gịong Sơn ca mừng rỡ.

« Ác điểu còn mấy phút nữa đến chổ Sơn ca …trả lời ? »

« Ba phút nữa sẽ đến bạn, cho biết tình hình bãi đáp. Khi nào thấy, cho trái khói, nghe rõ trả lời? »

«Thẩm quyền yên chí, con cái tôi đã làm an ninh cho thẩm quyền rồi » …

 « Ác điểu đây Sơn ca, tôi đã thấy thẩm quyền rồi, tôi sẽ cho con cái ra bãi đáp nhận hàng »

Tiếng ông đồn trưởng sang sảng trong máy chào đón người bạn KQ đem qùa đến tặng…

Phi cơ đã đến gần đồn, chúng tôi tất cả đều căng mắt ra quan sát địa thế, tình hình địch, hướng gió để áp dụng cách đáp cho nhanh và an toàn.

Từ cao độ 1500 bộ, nhìn xuống đồn vắng hoe không một bóng ngưòi, tất cả binh sĩ đều ở dưới giao thông hào.Chúng tôi dự đoán phiá ngoài đồn là do địch kiểm soát, nên không ai dám nhởn nhơ ra bãi đáp để nhận hàng. Mọi người đang ngước nhìn trực thăng bay vòng vòng trên trời. Lá cờ vàng ba sọc đỏ rách bươm, bạc màu phần phật tung bay trong gió.

Nhận thấy tình hình không được an ninh như ông trưởng đồn đã nói, tôi cho phi cơ đáp theo vòng xoắn ốc xuống thật nhanh ngay trên sân đồn. (Với lối đáp này có thể vô hiệu hóa hỏa lực nhỏ của địch ở đâu đó chung quanh khu rừng, còn ăn pháo hay không là do may rủi).Vừa chạm đất, tất cả thùng hàng được tuôn xuống thật nhanh. Phi cơ lại vội vã bốc lên.

 Đáp trở lại U Minh, ông Quận trưởng cho biết là phải trả chúng tôi về lại Cà Mâu vì có lệnh. Khi đến Cà Mâu, ba chiếc kia cũng đã đáp rồi.Tại đây sĩ quan tiểu khu bảo chúng tôi liên lạc với Không Quân vùng 4 để nhận chỉ thị. Gọi phòng Hành Quân Chiến Cuộc KQ,chúng tôi được lịnh cấp tốc đến tăng cường cho Biệt Động Quân ở phi trường Tô Châu thuộc Hà Tiên.

Lấy thêm xăng để đi Hà Tiên,sau gần một giờ bay,chúng tôi vào đáp phi trường Tô Châu.Từ trên cao nhìn xuống thấy đã có sẵn mười chiếc trực thăng đậu ở hai bên phi đạo.

Chúng tôi tự hỏi, không hiểu tại sao ở đây, hôm nay lại tập trung nhiều trực thăng thế, chắc có cuộc hành quân quan trọng? Chúng tôi được biết một nửa phi cơ là của phi đoàn bạn do một thiếu tá VN chỉ huy, nửa kia thuộc đơn vị Hoa Kỳ do một thiếu tá Mỹ dẫn đầu.Ông đại úy liên lạc của BĐQ cho hay là BĐQ và Thiết kỵ đang bị VC vây hãm tại vùng Kâm –pông- Trạch bên Miên. Cần được tiếp viện để giải tỏa áp lực địch gấp.

Kâm –pông- Trạch là một thị trấn nhỏ thuộc tỉnh Kâm-Pôt của Cambodia, về phía Bắc, Tây Bắc Hà Tiên, cách phi trường Tô Châu chừng mười lăm phút trực thăng.

PtToChau.jpg

Trong vùng rừng núi khô cằn nằm trên đường đi từ thị trấn này tới biên giới Hà Tiên, liên đoàn 7 Biệt Động Quân (800 người) cùng thiết đoàn 12 (hơn 80 chiếc thiết vận xa M113+ 250 người) đã bị bao vây bởi sư đoàn Sao Vàng CSBV tăng viện một phần của sư đoàn Thép 320 và hai trung đoàn đặc công 51 và 52, tổng cọng quân số Cộng sản trên bảy ngàn người.

Với quân số chênh lệch 1 chọi 7, các chiến sĩ anh dũng Biệt Động Quân và Thiết Giáp của QL/VNCH đã kiên cường chống trả bao đợt xung phong, pháo kích của địch, ròng rã gần một tháng trời mà căn cứ vẫn đứng vững. Dù đêm đêm, Việt Cộng thường bắt loa kêu gào « hàng sống, chống chết »vẫn không làm sờn lòng các chiến sĩ BĐQ và Thiết kỵ. Để rồi về sau bị quân tiếp viện của ta từ Hà Tiên qua đánh lui, giải tỏa áp lực cho căn cứ.Tiếc thay, khi liên đoàn 7 rút lui đã để lại tiểu đoàn 94 BĐQ đóng ở phiá bắc Kâm Pông Trạch khiến tiểu đoàn này bị Việt Cộng tràn ngập. Chỉ có tiểu đoàn trưởng và một số ít binh sĩ sống sót chạy về !!!

 Tôi được đưa đến trình diện trung tướng Ngô Quang Trưởng từ vùng 1 đổi về làm tư lệnh Quân đoàn 4 và Quân khu 4, đang đứng cùng với nhóm sĩ quan tham mưu bên cạnh phi đạo của phi trường Tô Châu.

Tướng Trưởng nói với tôi là ông chỉ cần một chiếc trực thăng để bay vào chổ quân ta đang bị bao vây và thi hành hai nhiệm vụ sau đây:

1. Đón phi hành đoàn trực thăng bốn người bị bắn rớt ngày trước, đang ở với BĐQ và Thiết Giáp trong căn cứ.

2. Chở vào một số thuốc men cần thiết và một số súng bắn xe thiết-vận -xa, cho quân ta dùng để triệt hạ 5 chiếc M113 đã bị địch chiếm được và đang xử dụng bắn lại quân ta.

Có lẽ vì giao cho chúng tôi một việc làm đơn độc, nguy hiểm, mà hy vọng thành công rất mong manh, nên tướng Trưởng dặn thêm: « phòng không địch được ghi nhận là rất mạnh chung quanh căn cứ, các em phải cẩn thận, nếu vào không được thì thôi, còn nếu vào được nhớ đừng quẹo rộng quá coi chừng bị bắn ».

Tôi nhận lệnh và trở về tàu mình.Trong lòng đầy ưu tư, lo lắng và thắc mắc tại sao mười chiếc trực thăng vừa Mỹ vừa Việt, không một chiếc nào cất cánh mà lại bắt chúng tôi phải hủy bỏ phi vụ đang tiếp tế cho các đồn bót ở Cà Mâu để về đây nhận lấy mission này?

 Tôi tập họp bốn phi hành đoàn lại, thuyết trình cho họ biết ý định của tướng Trưởng và nói là tôi sẽ bay chuyến này. Tất cả có vẻ lo ngại cho chúng tôi nhưng không nói gì và trở về tàu của họ.

Trải tấm bản đồ xuống bãi cỏ và ngồi bệt xuống cùng ông trung úy hoa tiêu phụ nghiên cứu xem đường bay nào có thể đánh lạc hướng địch, thế bay nào có thể cứu mạng chúng tôi khỏi những dàn phòng không đang chĩa lên trời chờ làm thịt con tàu chậm chạp, mong manh, không có khả năng tự vệ này!

Nếu bay trên đất liền, dù ở bất cứ cao độ nào, khi vào vùng kiểm soát của địch, mà đường ta ta cứ bay thì trưóc sau gì cũng bị phòng không chiếu cố. Phản lực bay nhanh mà còn bị bắn te tua! Chúng tôi bay thấp, nằm trong tầm súng từ cá nhân AK47,phòng không 12ly 7 đến hỏa tiển tầm nhiệt SA7.Trực thăng bay chậm, chở nặng, không có vũ khí tự vệ mà còn đưa cái bụng phệ ra thì chỉ có nước chờ…chết. 

Bay sát ngọn cây, trên đầu địch bên đất Cam Bốt lại càng không được an toàn vì phần lớn là đồng trống, rừng cây thưa thớt không đều và khô cằn, ngoại trừ những vùng có sông rạch… Đây qủa là là một phi vụ tiến thối lưỡng nan!

 Có một con sông nhỏ mà dài, chảy quanh co từ biển Hà Tiên vào tận Châu Đốc. Một con sông khác ngắn hơn nối với sông này chảy vào Kâm Pông Trạch, gần căn cứ của BĐQ và Thiết Kỵ.

Anh binh sĩ BĐQ có nhiệm vụ theo tàu để phụ hai anh cơ phi, xạ thủ vứt đồ xuống cho nhanh khi tàu đáp, đã từ chối đi với chúng tôi vì quá sợ hãi. Ông đại úy BĐQ phải cự nự, chửi thề, xô anh này lên tàu và nói: « phi công người ta không sợ mà mày sợ cái gì? », anh ta mới miễn cưỡng leo lên.

Nếu ông đại úy tinh ý, chắc sẽ thấy chúng tôi cũng không hơn gì anh lính kia, nhưng vì kỷ luật Quân đội, danh dự Quân chủng, danh dự cá nhân và truyền thống của Không Quân là “không bỏ anh em, không bỏ bạn bè”mà phải thi hành thôi…Có ai bình thường mà không sợ chết ?

Trước khi cất cánh, toàn thể phi hành đoàn chúng tôi đều cởi bỏ áo Nomex (một loại phi bào chống lửa mà pilot của US Army xài), chỉ bận áo thun, và quần Nomex mà thôi. Bỏ lại bóp tiền bạc, giấy tờ cho bạn giữ.Vì nếu bị bắn rơi, bị bắt làm tù binh thì nhất thời địch sẽ không biết chúng tôi là ai, mang cấp bậc gì.

Còn nếu bị bắt, bị dẫn ra bờ sông sắp hàng… bắn bỏ thì hết chuyện!

Trong đời bay bổng, tôi chưa hề thấy một hình ảnh vừa khôi hài vừa bi tráng và kém an phi như phi hành đoàn “áo thun” của chúng tôi như lúc này.

 

uh-1_047.jpg

Cất cánh ra hướng biển, bay trên phi đạo để lấy cao độ, chúng tôi nhìn xuống thấy vài người cả Mỹ lẫn Việt dỡ nón phất chào. Không biết họ chúc thượng lộ bình an, vẫy chào tạm biệt hay vĩnh biệt ?

Bay vài vòng trên không phận Tô Châu để đưa tàu lên đến một độ cao khả dĩ có thể quan sát chiến trường xa tít, đồng thời nhận diện địa thế...Chúng tôi quyết định bay bên hữu ngạn con sông trên địa phận Hà Tiên, hướng về ngã ba sông để vào Kâm pông Trạch.Tôi nhắc nhở mọi người phải ráng nhìn ở dưới những lùm cây, hể phát hiện đốm lóe hay những cụm khói đen nhỏ bắn lên thì báo động ngay.

Bốn cặp mắt lo lắng trừng trừng nhìn xuống những khoảng rừng thưa và đồng trống ở dưới để canh chừng phòng không địch.

Từ giờ phút này, chúng tôi thật sự đang đánh đu với tử thần…! Sự may mắn của chúng tôi không kéo dài được bao lâu, vì khi vừa vào không phận Cam Bốt, địch đã nghe tiếng trực thăng, đã phát hiện chúng tôi và đang sẵn sàng bắn hạ…

Bổng anh trung sĩ xạ thủ hốt hoảng la lớn: « phòng không nó bắn mình đó ông ơi, tui thấy nhấp nháy hướng… ».Như đã dự định,lập tức tôi cho phi cơ rơi tự do, đảo qua đảo lại, nghiêng ngã như sắp bị rớt. (Mẹo này có lẽ làm những tên xạ thủ VC tưởng đã hạ được trực thăng nên ngưng bắn, hay vì bay không đường lối, lại rơi nhanh khiến chúng bắn không trúng?).

Với độ rơi của phi cơ ở 3000 bộ một phút, con tàu rung bần bật tưởng như sắp rớt ra từng mảnh, mà chúng tôi vẫn cảm tưởng như đứng một chỗ. Những giây phút chờ đợi trúng đạn nổ tung, bốc cháy, hoặc một viên đạn oan nghiệt bắn vỡ mặt, văng óc thật là căng thẳng…

Khi tàu xuống trên ngọn cây, tôi quẹo gắt để cắm vào giữa giòng sông, bay giữa hai hàng cây mọc cao bên sông, cứ thế lướt trên mặt nước và lượn theo những khúc ngoặc của sông.

liếc nhanh qua bên trung úy hoa tiêu phụ, thấy anh đang gồng mình ngồi, nhìn thẳng về phía trước,tay cầm Thánh giá, miệng lẩm nhẫm đọc kinh. Tự nhiên tôi trở nên bình tỉnh hơn, tin tưởng sẽ được các bề trên che chở bởi lời cầu nguyện và nét mặt thành khẩn của anh.

(Anh Vân, nếu anh tình cờ đọc được bài này, một lần nữa xin cám ơn anh, người trung úy hoa tiêu phụ hiền lành, đã cầu nguyện bình an cho cả phi hành đoàn chúng ta ngày đó).

Sắp đến chỗ quân bạn bị vây rồi mà chúng tôi vẫn chưa thấy phản ứng của địch trên khúc sông này. Có lẽ chúng tôi đột nhập bất ngờ bằng đường sông nên địch không kịp trở tay. Hay là bộ đội VC quá ngạc nhiên vì chưa bao giờ thấy giặc lái của KLVNCH bay trên sông như tàu cao tốc mà còn nhấp nhô lã lướt uốn lượn quanh co, nên mải mê xem mà quên cả bắn?

Quẹo trái để tiến về căn cứ. Vừa lấy lại thăng bằng, tôi bổng giật nảy người.Trên một cành cây cao chắn lối, một tên VC đang đứng cheo leo núp sau thân cây, có lẽ đang quan sát hoạt động của quân bạn bên trong căn cứ bị vây. Hắn ngạc nhiên nhìn xuống, tôi chới với nhìn lên.Việc thấy tên VC chần dần trước mặt xãy ra quá nhanh khiến tôi ú ớ, không kịp báo động cho hai xạ thủ, và do phản ứng tự nhiên, tôi kéo tàu vọt lên, ngang qua đầu hắn, bụng phi cơ lướt ào ào trên ngọn cây với hy vọng là hắn không có thì giờ phản ứng…Tôi chờ đợi tiếng

AK của hắn bắn đuổi theo nhưng hoàn toàn im lặng.

Tàu ngóc lên cao, ngay phía dưới, trước mặt là căn cứ của BĐQ và Thiết Kỵ đã hiện ra.

Nhớ lời dặn của tướng Trưởng, tôi quẹo thật gắt đến độ sợ cánh quạt chém mấy cây antenna của thiết giáp bên dưới. liếc mắt xuống, chúng tôi thấy các thiết vận xa M113 làm thành môt vòng tròn bao quanh căn cứ, nằm sau những ụ đất, bên trong có rất nhiều luống đất đỏ như những nấm mồ vừa chôn vội vã ?

Đã thấy tấm panneau đánh dấu bãi đáp đàng xa nhưng vì quẹo qúa gắt, tàu chở nặng trì xuống nên tôi không kịp đưa tàu đến đáp.

Tôi quyết định đặt tàu xuống bên dãy ụ đất đỏ,như vậy sẽ gần hơn cho phi hành đoàn trực thăng võ trang bị bắn rơi ngày hôm qua khỏi phải mất công chạy ra tận bãi đáp và cũng tiện cho việc hất đồ tiếp tế xuống gần quân bạn hơn…

Trong chốc lát các thùng hàng đã được liệng xuống. Tôi nhìn lại phía sau, đã thâý lố nhố mấy người bận áo bay ngôì trên tàu.Anh trung sĩ cơ phi báo cáo là phi hành đoàn đã lên đủ. Một ông lính BĐQ khác râu ria lởm chởm, không biết từ đâu, nhảy vội lên tàu và la lớn với chúng tôi : « cất cánh nhanh lên,chúng nó đông lắm 6,7 nghìn tên chung quanh,nhanh lên, nhanh lên».Tôi nhìn lên bờ đất, thấy một số binh sĩ  đang dìu đồng bạn vượt ụ đất chạy về phía tàu, dường như là thương binh? Cùng lúc đó có một tiếng nổ ầm vang gần tấm panneau.Thì ra VC phát hiện chúng tôi đã đáp nên đang pháo vào từ những núi đá thấp gần đó, nhưng lại rơi ra xa…

Mọi sự xảy ra trong nháy mắt.Không chậm trễ một giây, tôi nhấc bổng tàu lên vì sợ địch điều chỉnh tác xạ, sợ bị lính leo lên thêm vì trên tàu đã có sẵn mười người rồi sẽ không bay ra được vì quá nặng.

Tôi chúi mũi lủi về phía trước, thoát đi thật nhanh để lại sau lưng một đám bụi mù…

Trên đường bay ra, vừa đưa tàu lên cao để né tên trinh sát, tôi lại thấy hắn nhưng không phải đứng trên cây mà đã té nằm thẳng cẳng dưới đất. Chắc đã bị tàu bay đụng và đã…sinh Bắt tử Miên.

Không còn bị ai cản trở, tôi cho tàu lạng xuống trên mặt nước, chổng đuôi bay thật nhanh.Sợ lần này bộ đội VC đã đề cao cảnh giác sẽ chận đường thối lui, tôi thay đổi lối bay liên tục. Khu nào dọc theo bờ sông có nhiều cây rậm rạp thì tôi bay sát trên ngọn cây để tránh tầm quan sát và hỏa lực của địch. vùng nào trống trãi thì tôi lại nhào xuống nước làm cao tốc đĩnh…Có nhiều khi đã tính bỏ giòng sông mà bay ngang rừng thì sẽ thâu ngắn đoạn đường về Tô Châu vài cây số, nhưng biết đâu chính đoạn đường rừng thưa thớt này sẽ thâu ngắn tuổi thọ chúng tôi !

Khi thấy ngã ba sông hiện ra trước mặt, tôi biết là mình sắp thoát, vì bên kia sông là Hà Tiên xinh đẹp, an lành.

Kéo tàu vọt lên cao, tôi trao cần lái cho trung úy hoa tiêu phụ.

Bình an trở lại Tô Châu.Các phi hành đoàn bị bắn rớt được chúng bạn đón mừng, chúng tôi được các anh em cùng phi đoàn ân cần thăm hỏi.

Phi vụ hoàn tất mỹ mãn.Tôi lại được đưa đến gặp tướng Trưởng, vẫn còn đứng ngoài phi đạo theo dõi chuyến bay của chúng tôi.Tôi rất ngạc nhiên vì lần này lại có sự hiện diện cuả  tướng Tư lệnh SĐ 4 KQ là tướng nguyễn Huy Ánh.

Tôi đứng nghiêm chào hai Vị Tướng đáng kính này. Mấy ông bắt tay khen ngợi, tướng Trưởng nói với một đại tá Bộ binh đứng bên lấy tên phi- hành- đoàn để cho huy chương. Ông nói với tướng Ánh KQ cũng nên cho chúng tôi huy chương tương xứng.Tướng Ánh hứa là sẽ cho.

Không lâu sau đó tướng Trưỏng lại đỗi ra vùng 1 CT.Tướng Ánh bị tử nạn trong một phi vụ câu máy bay quan sát. Sư Đoàn 4 nói riêng và KLVNCH nói chung đã mất một vị tướng văn võ song toàn, tài năng và đức độ hơn người.

Tờ báo Lý Tưởng của bộ tư lệnh KQ có viết một bài tường thuật phi vụ Kâm Pông Trạch của chúng tôi. Còn mấy cái “anh dũng bội tinh với nhành dương liễu” thì mấy tháng sau đã có người khác không bay… thay mặt đeo giùm.

Cali

AcDieu

Tin vui

Tin Buồn

Bài Củ

06-2014

05-2014

04-2014

03-2014

02-2014

01-2014

RFI
Nguoi_Viet
RFA
Quan_Su_VNCH
Quân Sử VNCH
Voa_tieng_Viet
BBc_Tieng_Viet

TIME