AcDieu225
Co Vang amazon Tammy

Free Hit Counters
Web Site Hit Counters

Khách viếng thăm

Translate

Powered by Translate

cam-on-anh_TPB (2).jpg

Nhớ lại ngày 30 tháng Tư vào 47 năm trước.

 

' TÔI PHỤC VỤ PHI ĐOÀN 225 '

 

225

Nguyên Quân

 

Mấy năm gần đây, mỗi khi đến gần ngày Quốc Hận, tôi thường viết một truyện ngắn như ôn lại những chuyện thương đau của cái ngày oan nghiệt nầy. Lần nầy tôi lại chọn cái đề tài “Tôi phục vụ Phi Đoàn 225”. Phải nói là khó viết quá. Đây như là một bài viết như kể chuyện thôi mà, sao tôi bảo là khó ? Xin thưa khi viết về đề tài nầy bắt buộc phải nói đến nhiều đến cái tôi mà ai cũng biết “ Le Moi est haissable ” thôi thì tôi cố gắng đừng để cái 'Tôi' của mình bị ghét nhiều, có vậy mới là được.

Tôi đến PĐ 225 vào tháng 10 năm 1970, sau khi tôi phục vụ một PĐ ở Cần Thơ hơn một năm với số giờ bay trên 1,300 giờ. Kể ra lúc đó tôi cũng có thớ lắm vì PĐ 225 mới thành lập, chỉ có một số ít các anh đã từng bay cho PĐ nào đó trước khi về đây, còn phần lớn là các phi công mới, họ nhập ngũ vào năm 1968 và ra trường vào thời điểm nầy nên được bổ sung vào đây. Giai đoạn nầy phi đoàn đóng tại phi trường Sóc Trăng cũng là quê hương của tôi. Tôi được cấp một cái phòng nhỏ gần phòng hành quân PĐ để có chỗ ngủ khi bay đêm, hoặc tạm nghỉ ngơi trong khi chờ phi vụ. Đêm đến, tôi về trú ngụ nhà mẹ tôi ngoài phố. So với các anh em khác tôi sướng hơn nhiều vì có nước sạch để tắm gội mỗi ngày chứ không như ở trong căn cứ, nước đã bị phèn rồi còn khổ hơn nữa là khi có, lúc không. Cái chuyện nầy làm ai cũng thắc mắc không hiểu tại sao, căn cứ nầy trước đây do Mỹ đóng quân, ai cũng biết người Mỹ luôn đặt nặng lên hàng đầu cái vụ phải có nước sạch trong đơn vị của họ cho dù bất cứ nơi đâu, thế mà qua tay Việt Nam chỉ một vài tháng thôi, thì tình trạng thiếu nước tồi tệ như thế đó. Theo chu kỳ thì tôi bay 5 ngày và được nghỉ dưỡng sức 3 ngày, vào ngày nghỉ nếu có tiền tôi dong về SG du hí hay xem phim như các anh em khác, còn khi cạn tiền thì về nằm nhà bà cụ ăn bám, như vậy cũng xong. Nói vậy chớ, lúc ở Sóc Trăng tôi đở khổ nhiều lắm nghen, nhờ có mẹ và hai bà chị chu cấp thêm nên trông tôi mập mạp ra, bởi vì sáng nào cũng được ăn sáng đàng hoàng, khi thì cơm tấm bì, cơm cà ry khi thì hủ tiếu, mì, phở hoặc điểm tâm kiểu chú Ba : bánh bao, xíu mại, há cảo v.v..trước khi xách nón đi bay. Chiều tối thì được bạn bè tới kéo đi nhậu. Tôi còn rất nhiều bạn cũ tại đây, hầu hết là bạn học thuở nhỏ, bây giờ phần lớn chúng nó làm việc tại Tiểu Khu, ty Cảnh Sát và tòa Hành Chánh tỉnh, rồi cộng thêm gần một chục ông bạn học gốc người Hoa nữa chi, họ là lính kiểng, lính ma gì là chuyện mấy ổng, được cái là mấy ổng có lắm địa nhiều tiền, nhậu với mấy ổng luôn là rượu dư thịt thừa, đã không chỗ chê. Nói vậy chớ tôi cũng biết kềm chế bản thân, như hôm nào sáng phải đi bay sớm thì đêm trước đó tôi nhậu ít lại, khoảng 10 giờ đêm thì rút lui về ngủ, chỉ khi nào ngày nghỉ mới dám xả láng, sáng về sớm.

Bây giờ xin kể sơ lượt về chuyện bay bổng lúc nầy nhé, thời gian nầy Sư đoàn IV/KQ có 4 phi đoàn trực thăng để yểm trợ cho Quân đoàn IV gồm : 16 Tiểu khu, 3 sư đoàn chủ lực và một Biệt khu tương đương với cấp sư đoàn, bộ Tư lệnh Biệt khu thường chỉ huy hay điều động các lực lượng Tổng trừ bị được biệt phái đến đây, khi là một Lữ đoàn TQLC, khi thì một vài Liên đoàn BĐQ. Bốn phi đoàn trực thăng chia làm 2 team, nghĩa là 2 phi đoàn vào một team. Phi đoàn của tôi lại chung team với Đệ nhất PĐ 211, ở chung team với đại ca nầy thì cũng đã thiệt, không biết đại ca có áp phe gì với Quân Đoàn hay không, hay lấy l‎ý‎ do tiết kiệm xăng, khỏi phải bay trình diện (T.O.T) nơi xa, thành thử đại ca luôn được yểm trợ phía bắc sông Hậu giang và vùng biên giới Miên-Việt do Biệt khu 44 đảm trách. Thằng em 225 phải yểm trợ phía nam sông Hậu nên ngày ngày : khi thì trình diện ở Chương Thiện, lúc thì xuống Cà Mau, Bạc Liêu vào ra U Minh Thượng, U Minh Hạ thấy toàn là rừng tràm, rừng đước hoặc rừng dừa nước, không có gì vui cả . Có những địa danh mà người dân thị thành biết được qua tiểu thuyết của Hồ Biểu Chánh, Dương Hà, Sơn Nam như là : Gò Quao, Chắc Băng, Cạnh Đền, Giồng Riềng, Miệt Thứ, Kinh Trèm Trẹm, Cán Gáo, Thái Bình, Tân Bằng, Đầm Dơi, Cái Nước, Năm Căn, sông Gành Hào, sông Ông Đốc v.v…. chớ còn anh em chúng tôi thì tới những nơi ấy hà rầm như ăn cơm bữa. Lại có những nơi thật vô cùng nguy hiểm, bay vô đó thật là hú vía, kinh hồn chẳng hạn như vùng ‘VC Lake’, nằm tả ngạn sông Ô. Đốc, cách con sông lớn nầy chừng 2 miles và cách quận Sông Ô. Đốc ở hướng tây chừng khoảng 10 miles, cái hồ nầy khá lớn và đẹp giống như cái hồ Possum Kingdom ở Mineral Wells của tiểu bang Texas mà tất cả phi công trực thăng đều biết vì là gần trường bay Fort Wolters. Sở dĩ tôi nói ‘nguy hiểm’ là vì nơi đây cộng quân nhiều vô số kể, chính cái tên ‘VC Lake’ là do phi công Mỹ đặt ra đấy, chớ anh em 225 âu yếm gọi tếu là ‘Hồ bao tử khìa’. Nếu bạn được dịp bay chiếc võ trang, bạn có dịp bay rà sát ngọn cây vùng nầy, bạn sẽ thấy phía dưới không còn một khoảnh đất nào gọi là lành lặn cả, toàn là vũng rộng hố sâu bởi do bom, đạn đại pháo tạo nên và nếu tiếp tục bay nữa thỉnh thoảng bạn bắt gặp đủ loại thân xác trực thăng bị bắn rơi tại đây như : trứng vịt OH6, cụ ông H-34, UH1B, trái chuối già H-21 với hai hệ thống rotors trên nóc giống như Chinook và có cả loại phi cơ nhỏ cánh quạt Cessna, L19. Chiếc thì sứt gọng, gãy càng, chiếc thì chỉ còn lại cái đuôi hay cái cánh, chiếc thì bị cháy thành đống sắt vụn, chỉ thấy thôi thì cũng đủ làm bạn đái són ra quần. Chúng tôi cũng cống hiến nơi đây một chiếc võ trang nằm phía nam cái hồ nầy lối chừng ba dậm, tức là phía bắc của Chi khu Hải Yến độ chừng 5 dậm.

Nhưng rồi như một phép lạ, cuối cùng chúng tôi cũng được luân phiên yểm trợ phía bắc sông Bassac như các PĐ đàn anh, nguyên do là : ông anh 211 đụng phải mặt trận Kompong Trạch, đây là một trận chiến lớn, địch quân hằng cả một Sư đoàn bao vây 3 tiểu đoàn BĐQ (đây là BĐQ biên phòng) và một thiết đoàn M113 của quân ta, vì vậy Quân Đoàn tăng cường thằng em 225 đến giúp ông anh 211 và sau đó họ thấy thằng em nầy làm cũng được việc quá đi chớ, cho nên kể từ đó 225 có mặt tất cả chiến trường từ nội địa đến ngoại biên giống y những PĐ kỳ cựu. Là hoa tiêu trực thăng (phải kể luôn cả phi hành đoàn nữa mới được, không thôi hai ông em ngồi phía sau cự nự là phiền lắm đó) thì phải chấp nhận hằng bao cái bất trắc, hiểm nguy đang đón chờ, nội cái tội : tấm thân sồ sề, bay chậm và thấp thì coi như là tấm bia tập bắn cho đối phương rồi. Bạn tôi và tôi đã từng nếm trải đủ loại súng đạn của quân thù từ bích kích pháo 61, 82 hay hỏa tiễn cầm tay B40, 41 tại bãi đáp, rồi loại súng nhỏ như AK 47, CKC, loại trung liên, đại liên rồi thượng liên RPD, phòng không 12 ly 8 và loại hỏa tiễn tầm nhiệt địa đối không SA-7. Được sống được tới giờ nầy, chắc là nhờ cái phước đức quá lớn của ông bà, ông vãi để lại.

Vào đầu năm 1973, PĐ được dời về Cần Thơ. Chiến trường vùng I và vùng II bắt đầu thật sôi động, các lực lượng Tổng trừ bị được lệnh rút ra khỏi vùng IV để tăng cường cho các vùng I và II. Dù vậy Quân đoàn IV vẫn giữ vững tình hình, có lẽ là nhờ các chiến sĩ Quân đoàn IV rất siêng năng hành quân tảo trừ, luôn bẻ gãy những chiếc đũa lúc còn riêng rẽ của cộng quân trước ‎‎cái ý ‎đồ gom lại thành từng bó lớn của chúng và tình trạng yên tỉnh tốt đẹp của vùng IV vẫn tiếp tục kéo dài cho đến ngày 30 tháng Tư năm 1975. Vào đầu tháng 3 năm 1975, PĐ 225 còn tăng phái cho Sư đoàn VI/ KQ tại Pleiku có nghĩa là PĐ chúng tôi còn góp mặt chiến đấu cùng với Quân đoàn II chống lại giặc thù chung nữa đấy.

Chiến trường mỗi ngày thêm khốc liệt sau khi đồng minh rút đi. Tôi càng ở lâu trong quân ngũ tôi càng hư đốn. Tứ đổ tường : Tửu, sắc, tài, khí thì tôi làm đổ mẹ hết 3 bức tường rồi, chỉ chừa lại cái bức tường thứ tư là nằm thủ cây Bazoka bắn khỉ hay hít cocaine thì tôi chưa dám thử. Cái tôi mê nhất là Tửu vì nó giúp tôi dễ ngủ, thêm can trường, dũng cảm để mỗi ngày phải bay ra mặt trận. Và rồi cũng chính cái tánh nết bê tha phóng túng khiến tôi mắc nợ như chúa chổm. Những hàng quán gần quanh khu cư xá độc thân đều cho tôi ăn nhậu “à la ghi”. Để coi tôi nợ ai, nếu tính con đường từ phòng hành quân cũ đến cuối khu cư xá SQ độc thân thì : xe bánh mì thịt của bà phi đoàn phó, tôi nợ nơi đây năm bảy bao thuốc lá 555 mỗi tháng; kế đến là quán anh chị Hưng râu, tôi nợ hơi nhiều cũng bởi anh Hưng biết tôi từ lúc ở quân trường Nha Trang nên anh chị cho tôi ghi sổ ‘líp ba ga’, trong quán nầy còn có ‘gian hàng’ của chị Tần. Xin phép chị, đùa với chị một chút cho vui chớ chị Tần làm gì có được gian hàng, chẳng qua là một quang gánh được ông bà Hưng râu thương tình cho đặt trong một góc xó xỉnh, bên nầy gióng chị có cái nồi nhôm to đặt trên hỏa lò để hâm nóng sản phẩm của chị, bên kia gióng chị bày trí nào là tô, đũa, lọ tương ớt, hũ tiêu đen, chai nước mấm, khăn giẻ lau khô v.v…Món ăn của chị được thay đổi luôn khi thì cháo cá, cháo vịt khi thì bánh canh, hủ tiếu v.v…Chị nấu không ngon lắm nhưng được cái là giá cả rẻ mạt, chỉ chừng 1/3 đến nửa giá tiền nếu so với các quán ăn dưới dốc cầu Bình Thủy, chính vì thế gánh hàng của chị luôn hết sạch vào lúc 10 giờ sáng mỗi ngày. Chị Tần có gương mặt chơn chất, thiệt thà của phụ nữ miệt vườn miền Tây, chị luôn nói cười hệt hạt với mọi người nên tạo cho người đối diện có cảm nhận là chị rất dễ mến, do vậy tên ‘chúa chổm’ nầy chưa dám ăn thiếu nơi gánh hàng của chị. Quán kế tiếp là ‘Sơn Sỏi Đá’, quán nầy bán giống y chang như quán anh chị Hưng, nghĩa là chủ yếu vẫn là cà phê, nước ngọt, sinh tố giải khát, trong quán cũng có nhạc xập xình từ chiếc máy ‘AKAI reel to reel’ và kèm theo vài món ăn sáng dễ làm như xôi mặn, bánh mì kẹp thịt hay bánh mì trứng chiên ‘ốp la’. Họ còn giống nhau ở cái 'mode' tăng cường thêm một vài cô em họ hàng bên vợ, bưng nước dọn bàn bẹo hình bẹo dạng để thu hút khách hàng. Tôi ít khi lui tới quán ni, l‎‎ý do là không có gì khác biệt so với quán anh Hưng, còn l‎‎ý do chánh nữa là mình đang ghi sổ bên quán anh ấy, lại chui vào quán nầy thì coi sao đặng. Quán cuối cùng trên con đường nầy là quán ông bà Tr/u Phương, ối giời ơi cái quán nghèo ơi là nghèo, vỏn vẹn hai chiếc bàn cây nhỏ và tám chiếc ghế đẩu con. Ông bà nầy chỉ bán bia và nước ngọt thôi, đồ nhấm để nhậu bia có mỗi món tôm khô củ kiệu ngoài ra không còn thứ gì khác. Tôi bày cho bà Phương là nên mua thêm vài loại cá khô như : khô cá đuối, mực, cá kèo, cá khoai v.v…rồi pha luôn một keo nước mắm tỏi ớt có điểm dưa chua như củ cải, củ sắn, cà rốt xắt que tăm và bán thêm rượu thuốc, rượu nếp than hoặc rượu đậu nành v.v… ít ra phải như vậy mới lôi kéo được nhiều người. Tôi hỏi đùa bà ấy “Có cho tôi ghi sổ không ?” Bà vui vẻ trả lời “Được chứ, nhớ khi lãnh lương anh phải trả cho em trước à nghen”. Đùa vậy thôi, chớ thấy cái khó khăn của ông bà nầy, ai nở ghi sổ. Các quán tôi vừa kể chỉ là quán để bạn ăn vặt hay uống nước giải khát thôi, còn muốn ăn cơm trưa thì phải vào quán Đ/u Thông cũng ở gần đó. Đúng ra‎ chúng tôi ăn cơm ở câu lạc bộ Cửu Long nhưng trở ngại là đi bộ quá xa, vậy thì chui vào quán cơm phần của ông Thông coi như là thượng sách, đó là chưa kể anh ấy cho bạn ăn ghi thỏa mái, thật thích hợp với tôi. Các quán ăn sáng ăn trưa coi như tôi kể đã xong, bây giờ nói qua quán nhậu, tôi tâm đắc nhất là quán Song Mã của Tr/u Ba Lang ở ngoài cổng phi trường, nơi nầy khá khang trang, nhiều món ăn tương đối hấp dẫn dân nhậu, cũng vì thế mà tôi nợ ở nơi nầy hơi nhiều đấy. Mỗi cuối tháng sau khi thanh toán nợ ăn nhậu chịu, tiền lương của tôi còn lại chừng một phần ba, hoặc nhiều lắm là gần một nửa, vậy làm sao đủ sống cho hết tháng? Thôi thì mình tự an ủi : ‘Trời sanh voi thì sanh cỏ mà’, không thấy trong Kinh Thánh, Chúa Kitô dạy sao : "Loài chim Sẻ nào có biết để dành để dụm được hạt thóc nào đâu, thế mà Đức Chúa Trời đâu có để chúng nó chết vì đói". Vậy thì ta hơi sức đâu mà lo cho hao gầy thân xác.

Phần tiếp theo cũng là đoạn cuối bài viết nầy chắc tôi phải nhắc vài chuyện vào những ngày cuối cùng tại Quân đoàn IV cũng như tại PĐ 225 . Vào tháng Tư (năm 75) tình hình chiến sự vô cùng ác liệt, phần thua thiệt đã nghiêng hẵn về phía VNCH. Hai Quân Đoàn I và II tiêu tan rồi triệt thoái, lãnh thổ Quân khu III phải thu hẹp lại, phòng tuyến xa nhất (Xuân Lộc) chỉ cách Thủ Đô Sàigòn chừng lối 60 dậm (100 kilometres), nơi đây Sư đoàn 18 và vài đơn vị Tổng trừ bị đang dũng cảm chiến đấu để ngăn chận cơn sóng bạo tàn của cộng quân đang vỗ ập về phía nam. Dù vậy Quân khu IV vẫn còn kiểm soát được, nói chung tinh thần chiến đấu của binh sĩ nơi đây không suy sụp, tất cả quân nhân đều hớt tóc ngắn gọn theo lệnh của Tướng Nam, răm rắp thi hành mọi chỉ thị từ thượng cấp giao phó, sẵn sàng trực diện với quân thù nhất là bằng mọi giá phải giữ an ninh cho bằng được quốc lộ 4 đó là con đường huyết mạch tiếp tế về thành đô. Nhưng than ôi, trung tuần tháng Tư thì phòng tuyến Long Khánh bị chọc thủng, cộng quân ráo riết tiến nhanh về Thủ đô nhưng gặp nhiều ổ kháng cự của quân ta làm chậm bước của chúng, phi trường Biên Hòa bị chúng nã pháo dữ dội, tất cả phi cơ đều phải di tản. Ngày 29 tháng 4 phi đội II của tôi lên ca chánh, chúng tôi thi hành phi vụ 'package nhẹ' : 1-2-2 (1 C&C, 2 slicks, 2 gunships) làm việc cho Tiểu khu Sóc Trăng, đến 5:30 chiều chúng tôi được họ 'released'. Trên đường về chúng tôi nghe rõ mồn một trên tần số FM Emergency, ôi thật là ồn ào kinh động, họ gào hét inh ỏi y như là cảnh mổ heo hay nhóm chợ ở miền quê, kẻ nói tiếng Mỹ người nói tiếng Viêt, họ báo cáo bị emergency, kẻ hỏi : Đệ thất hạm đội HK hiện ở tọa độ nào ? Người hỏi : lấy heading mấy, nếu bay từ Phú Quốc qua Utapao ? Kẻ hỏi : liệu khi đáp ở Côn Sơn có chắc là có tàu rước mình đi không ? v.v..và v.v…Những âm thanh đối thoại nầy không khỏi làm hoang mang xôn xao thêm cái tâm tư của anh em chúng tôi, mà nỗi ưu tư nầy vốn có sẵn cách đây vài tuần khi mà lãnh thổ VNCH chỉ còn lại một nửa. Liệu rồi đây có giải pháp nào cứu vãn tình hình nầy được chăng ? Đất nước chúng ta sẽ ra sao ? Còn tương lai của chính mình nữa ? Lại còn thêm cái tin Hoa kỳ có kế hoạch di tản gia đình của những người làm sở Mỹ và vợ con mấy ông tướng tá thuộc hàng sĩ quan cao cấp của Quân đội VNCH. Vậy ta nghĩ sao về mấy cụ tướng tá nầy, họ có còn tinh thần chiến đấu nữa không ? Hay mấy cụ cũng đang tính đường “vọt” theo vợ con ? Chắc là chúng ta đã có câu trả lời cho câu hỏi nầy, bởi chính chúng ta đặt ra mà. Hàng ngày hình ảnh và tin tức được báo chí đăng tải ở trang đầu về những trại tỵ nạn dã chiến do Mỹ thiết lập để tiếp nhận người tỵ nạn như Utapao ở Thái Lan, Subic Bay ở Phi Luật Tân, trại Asan và trại lều vải Orote Point tại đảo Guam, Trại ở Wake Island v.v…Tất cả các tin tức trên đã tàn nhẫn kết hợp lại làm nản lòng người vô vạn, và tạo ra muôn ngàn câu hỏi dồn dập bủa vây trong tâm trí mọi người. Rồi từ đó những lần đi bay chung một hợp đoàn, các anh đâm ra biếng nói ít cười, không còn chọc phá, kể chuyện tiếu lâm hay trêu cợt nhau trên radio như lúc trước nữa.

Bỗng tôi nghe giọng anh Th. trong hợp đoàn hỏi tôi qua làn sóng VHF nội bộ : “Anh định thế nào hả anh Q ?”. Đang mơ mơ, màng màng theo dõi diễn biến trên FM, thế mà khi nghe câu hỏi nầy, tôi tỉnh lại ngay, không phải suy nghĩ tôi trả lời dứt khoát : “Tôi không tính gì cả, đơn vị mình còn nguyên vẹn, tôi không hề có ‎ý định đào ngũ đi trước, tôi không thể phản bội anh em”. Và rồi cả 5 chiếc về đáp phi trường Bình Thủy lúc gần 6 giờ chiều, tất cả 20 anh em vào phòng hành quân, 5 anh hoa tiêu phó làm bổn phận ghi báo cáo giờ bay vào quyển sổ Phi Vụ như thường lệ, sau đó các anh em chia tay về nghỉ. Tôi gặp anh A. trong phi đội của tôi tại nơi đây, A. bảo tôi tối nay đến phòng hắn, hắn có chuyện cần nói với tôi. Tôi uể oải phóng xe Honda về nhà mình trong khu cư xá Hoàng Hoa III ở ngoài cổng phi trường. Bước xuống nhà sau tôi thấy nước mưa đầy cả hồ chứa thì khoái lắm, đó là nhờ cơn mưa lớn vào tối hôm qua, thời gian nầy là bắt đầu mùa mưa ở miền Nam và kéo dài trong suốt 6 tháng liền, ngày nào trời cũng u ám chuyển mưa trông thật ủ dột, buồn thảm tưởng như thương xót khóc than cho số phận hẩm hiu của miền nam sắp rơi vào tay cộng quân chăng. Tôi cởi áo bay ra, tắm một phát rồi mặc y phục ‘civil’ vào, cảm thấy mình khỏe ra và rồi bao tử bắt đầu làm eo, thôi thì cuốc bộ đến quán Song Mã kiếm cái gì ăn vậy, mình đang có tiền mà (Hôm nay tôi gặp anh tôi tại tòa Hành chánh ST, ảnh dúi vào túi tôi một ít tiền). Trên đường đi đến đó phải đi ngang nhà ông Tư Ch., Tôi định nếu thấy ổng ở trước nhà thì rũ ổng nhậu với mình vài chai bia cồ cho vui, nói vậy chớ khó gặp ổng lúc nầy vì ổng mới rước bà từ SG xuống. Bây giờ đã no rồi, tôi lưỡng lự chưa biết làm gì đây, vào PĐ gặp ông A. chăng, tôi nghĩ chắc không cần thiết lắm đâu, tôi đoán là hắn muốn báo cho mình biết nội dung của buỗi họp Tham mưu vào tối đêm qua mà mình vì bận nên phải nhờ hắn đi họp thay, nếu có vậy thì ngày mai gặp hắn cũng được, dù sao sáng mai mình cũng phải vào PĐ sớm vì ngày nầy : phi đội tôi xuống ưu tiên II tăng cường nên rất có thể tôi có tên đi bay vào lúc sáng sớm. Vậy thì quyết định nằm ở nhà lấy quyển ‘Thiên Long Bát Bộ’ ra đọc tiếp. Dạo nầy tôi rất khoái đọc chuyện chưởng, đó là cách tránh cho đầu óc mình không phải suy nghĩ nhiều về thời cuộc, dẫu biết rằng mình chỉ là hạng tép riu, cấp thừa hành bé tí tẹo thì có giải quyết được chuyện gì đâu nà, nhưng trước tình thế nầy thì đố ai giữ cho đầu óc mình được thanh thản vô tư ? Tôi không biết thiền, vậy thì đọc tiểu thuyết kiếm hiệp, đó là cách ru tôi vào giấc ngủ dễ dàng thôi.

Sáng hôm nay tôi đã có mặt tại phòng hành quân rất sớm, tôi thấy Th/ tá Đ. đã ở đó rồi, tôi đến chào ông thì được ông cho biết : “Đêm rồi Vc pháo kích vào thành phố Cần Thơ, hai chiếc gunships của mình phải bay suốt đêm. Vậy tôi muốn đích thân anh và anh cắt thêm một phi hành đoàn (PHĐ, crews) chiếc số hai nữa, lên thay thế hai PHĐ trên đó, để họ về nghỉ”. Lệnh lạc của ông Alpha như vậy thì làm kẹt tôi quá, vì nguyên tắc thì phi đội nào lên ca chính thì họ mới có quyền cắt bay. Như tôi đã nói ở trên là hôm nay phi đội của tôi đã xuống ưu tiên hai rồi, nhưng mà : Nhà binh, lệnh là phải thi hành, chuyện khiếu nại là sau. Tôi nhìn lên bảng phi vụ : Crews của tôi và crews anh S. nằm ở cuối bảng trực bay, thế là tôi sẽ dùng hai crews nầy, còn chút thắc mắc là tôi không biết 2 ông cơ phi, 2 ông xạ thủ của 2 crew nầy có bay được gunship không, điều đó tôi phải check lại ông Ch/úy trưởng toán của họ và cũng nhờ ổng điều động họ phải có mặt phòng hành quân trong 15 phút nữa, đồng thời tôi nhờ ông sĩ quan trực xuống cư xá thông báo đến 3 ông hoa tiêu có tên trong hai crews nầy lên đây gắp, rồi xe pick-up truck chở xuống cư xá vãng lai Hồng Lạc. Tôi phóng xe Honda đến đó trước để bàn giao. Tôi trông thấy tám ‘người hùng’ có vẻ cũng mệt mõi, tôi nói “Thôi các ông chuẩn bị đi về nghỉ, chúng tôi sắp lên đây thay thế các ông theo lệnh ông Alpha Đ.” Tám ông nầy còn muốn tiếp tục bay nữa nên họ bảo tôi :“ Các ông cứ 'ground alert' tại PĐ, khi nào mệt, tụi nầy sẽ gọi về, chừng đó các ông sẽ lên thay”. Tôi chào các ổng rồi về lại PĐ, chắc mọi người hiểu rồi đấy : thời gian nầy mà có con tàu trong tay thì dễ dầu gì các ổng chịu nhả ra. Về tới phòng hành quân tôi thấy bảy anh em sẵn sàng lên xe truck, tôi bảo họ “Thôi, không phải đi đâu hết, hai crews của bọn mình tạm thời cứ trực 'ground alert' tại PĐ, khi nào mấy ông trên đó muốn về thì mình sẽ lên thay, bây giờ có thể giải tán”. Tôi cũng dặn ông SQ và HSQ trực hãy gọi chúng tôi lên thay thế, khi nào các ông trên đó muốn về. Xong xuôi tôi đi qua văn phòng của Th/tá Đ. báo cho ông biết chuyện giao ước giữa các crews của chúng tôi. Ông Đ. nói : “Như vậy cũng được, tôi còn một chuyện nữa là nhờ anh điểm danh anh em thật kỹ lúc 9:00 sáng nầy cho tôi”, rồi ông nói thêm : “Đây là lệnh của Sư đoàn, ai vắng mặt không l‎ý‎ do thì bảo ban Văn thư báo cáo đào ngũ”. Tôi đáp : “ Thưa, vâng ” chào ông, rời khỏi nơi nầy. Lại là một chuyện khó cho tôi nữa đấy, vì theo thông lệ : Điểm danh là nhiệm vụ của phi đội nào xuống ưu tiên III nghĩa là phi đội đang nghỉ xả hơi tại đơn vị hoặc sắp đi phép. Mà thôi, Sếp bảo tôi làm, thì tôi làm, nhà binh mà. Cũng xin nói thêm mấy tháng gần đây không hiểu sao Sếp có vẻ chiếu cố tôi hơi ‘kỹ lưỡng’ như : cách đây hơn một tháng, ông bảo tôi lấy xe truck qua PĐ 217 bên phi trường 31 mượn đỡ mấy trăm hộp thực phẩm khô (C ration) về phân phát cho anh em đi tăng phái miền Trung, rồi lần khác ông bảo tôi xuống khu tiếp liệu k‎ý‎ mượn 12 chiếc giường sắt có luôn nệm, đem đặt trong cái Shelter ngoài phi đạo để anh em có chỗ ngũ khi đến đây trực đêm (trực dời tàu qua phi trường 31, khi căn cứ nầy bị tấn công), cũng may cho tôi : mấy chiếc giường đó chưa bị ai chôm chọt, chớ nếu mất một cái thôi, tôi phải đền thấy m..., toàn là những chuyện không phải nhiệm vụ của tôi. Bây giờ tôi phải trở lại phòng hành quân, nhờ SQ và HSQ trực thông báo dùm anh em là có cuộc điểm danh bất thường và rất quan trọng vào lúc chín giờ, yêu cầu mọi người phải có mặt đầy đủ. Sau đó, tôi về phòng nghỉ một chút, vì sáng tới giờ cứ làm chuyện gì đâu không.

Còn chừng năm ba phút là đúng 9 giờ, tôi trở lại phòng hành quân với cái danh sách nhân viên 225 trong tay, gần như tất cả mọi người đều có mặt tại phòng họp. Đúng 9 giờ hai ông Th/tá Đ. và Ch. bước vào, tôi đứng lên chào và hô to :"Tất cả..vào hàng .. phắc", mọi người trong phòng họp đều đứng lên nghiêm trang chào đón hai ông ấy, sau đó lại hô : "Tất cả ngồi... xuống”, anh em ngồi xuống, tôi bước tới bục, quay mặt xuống đưa tay lên chào tất cả mọi người. Trước tiên tôi cho anh em biết tại sao có cuộc điểm danh đặc biệt nầy, tôi lập lại y chang những lời sếp Đ. nói với tôi lúc nãy và sau đó là điểm danh. Xong phần điểm danh, tôi hỏi hai vị Th/tá nầy có cần nói gì với anh em không, Sếp Đ. đứng lên tiến về phía bục, tôi lại chào tất cả phòng họp lần nữa, rồi đi xuống ghế ngồi. Hôm nay Th/tá Đ. nói năng thật nhỏ nhẹ, ông khuyên anh em : "Đừng có dại dột mà lặn vọt lúc nầy, chính người ngoài phố họ còn muốn vào trong đây mà không được, nơi nầy chúng ta có sẵn tàu bay trong tay, nếu có lệnh di tản thì chúng ta sẽ cùng đi v.v…". Đến đây phần điểm danh sáng nầy coi như đã xong, tôi làm thủ tục để tiễn hai ổng đi ra, sau đó phòng họp giải tán, tôi trả lại cái bản danh sách cho ban văn thư. Vừa bước ra cửa tôi gặp anh H. ở mái hiên, anh và tôi trò chuyện cũng khá lâu, anh cho tôi biết : nếu có chuyện di tản thì anh sẽ không đi đâu, anh chỉ muốn trở về quê của anh ở CĐ. Đứng lâu, tôi thấy hơi mỏi chân nên rũ anh vào quán Hưng Râu uống cà phê, H. từ chối vì anh muốn qua khu cư xá 211 để thăm vài người bạn bên đó.

Bây giờ đã hơn 10 giờ sáng, tôi đi đến quán anh Hưng, tôi thấy các bạn Đ., L., Q., H.Indian, T.(Flight II) có mặt ở đây nên tôi tấp vô bàn của họ để ngồi tán gẫu giải khuây, gọi luôn cho mình một cà phê filtre đá có đường. Khoảng 10:30 sáng, anh Hưng chủ quán hớt hải mang tới bàn chúng tôi một cái radio cassette đang nói tin tức lỡ dở, Hưng nói: “Các ông nghe kỹ đi, Tổng Thống Minh Cồ đã tuyên bố đầu hàng rồi”, sáu đứa chúng tôi chưa nghe được gì vì ông nói sắp xong rồi, tiếp nối là một bản hùng ca. Kinh nghiệm xưa nay cho ta thấy trong những lần có biến loạn như đảo chánh, chỉnh lý gì đó, thì đài phát thanh thường hay xen kẽ giữa những huấn thị, hiệu triệu của tướng lãnh bằng một bản nhạc hùng ca. Vậy phải đợi xong bản nhạc nầy thì chắc họ sẽ ‘playback’ hiệu triệu của ông Minh. Đúng vậy, giọng ông Minh thật là monotone, ông nói rất từ tốn chứ không giống như giọng của một vị tướng lãnh, tôi chỉ nhớ đại khái ‘…kêu gọi QL/VNCH hạ vũ khí đầu hàng không điều kiện quân Giải phóng miền Nam VN…từ trung ương đến địa phương trao lại cho chánh phủ cách mạng lâm thời miền Nam VN ’.

Thế là hết, nỗi uất hận đã hằn lên gương mặt mọi người, muốn khóc mà khóc không được. Tôi uể oải đứng lên định đến quầy trả tiền, anh Hưng chận lại, anh nói : “Coi như tôi đãi các bạn lần cuối”. Thật ra ổng rất muốn tất cả mọi người trong quán rời khỏi đây cho rồi, để còn thu xếp chuyện của ổng. Năm ông bạn của tôi trở lại cư xá, còn tôi thì lên văn phòng của hai ông Thiếu tá nầy xem hai ổng đã biết tin nầy chưa? Rồi tôi sẽ hỏi luôn các ổng : ‘Đã đến lúc chúng ta lấy tàu di tản được rồi chứ? Không lẽ các ông ngồi đây đợi họ tới bàn giao?’ Nhưng tôi không thấy ông nào ở đây cả, thôi thì tôi trở lại cư xá với mấy bạn lúc nãy. Chúng tôi đứng chụm nhum 4,5 người bàn thảo với nhau ngay phía ngoài phòng ngủ của A. và Đ. Chừng 10 phút sau thì thấy Đại tá T.M.Th quá giang xe Honda của ai đến đây, nhập với bọn tôi. Hầu hết chúng tôi đều biết ông Đ/tá Th, ông hiền từ như cái tên của ông, ông đã từng giữ chức Chỉ huy trưởng căn cứ Sóc Trăng lúc PĐ 225 đồn trú tại đó. Ông cho chúng tôi biết : “Soleil của mình (Tướng TL Sư đoàn IV/KQ) mới lên Cessna đi rồi, vậy các anh hãy tự lo liệu cho chính mình.” Ông không thấy chúng tôi phản ứng gì, nản quá ông từ giã bọn tôi, đi bộ qua cư xá 211. Và rồi chừng 5 phút sau thì có một chiếc tàu đang Hovering fly từ khu Parking về đến khu cư xá, tàu hover trên cao, canh ngay cái sân vuông ở giữa 4 dãy cư xá 225 rồi hạ thẳng xuống, thì ra ông pilot đó là H.Indian, thảo nào tự nãy giờ tôi không thấy mặt ổng. H. gài controls bằng 'Forced trim', rồi mở cửa bên phải phóng đi tìm vợ con. Tàu bắt đầu chòng chành vì H. quên giảm vòng quay của máy (Engine RPM), bọn tôi đứng cách tàu chừng 5, 6m thôi, tôi phóng tới mở cửa trái leo vào, chụp controls điều khiển, các bạn tôi cũng leo lên tàu luôn, L. ngồi vào ghế phải, tôi đợi khi nào H. đem được bầu đoàn thê tử của hắn lên phi cơ đàng hoàng thì tôi take off, trong lúc đó lại có thêm 5, 3 ông nữa nhảy lên tàu. Ngoài tôi và L., tổng cộng người lớn và trẻ con cũng khoảng 15, 16 người rồi, ngồi kín cả sàn tàu. Trước mặt tôi là cây trứng cá khá cao, tôi làm cái 'maneuver' : maximum take off, cũng may con tàu nầy rất mạnh nên lên khá dễ dàng nhưng vẫn khốn đốn với giây điện, cột anten TV của cư xá 211, phải luồn qua, lách lại mới ra được. Sau khi đạt được cao độ, tôi lấy heading 150 độ để bay ra Côn Sơn giống như tôi đã nghe lóm từ hôm qua. Rồi từ phía sau chuyền lên cho L. và tôi mỗi người có một chiếc helmet, L. mở tần số FM emergency, và VHF nội bộ của 225 để theo dõi, chúng tôi thấy là chúng tôi đã bay đúng hướng như những người đi trước chỉ dẫn. Chúng tôi đáp tại phi trường Côn Sơn lúc 12:45 trưa, thấy nơi đó có 2 vòi Fuel, chúng tôi ghé vào đổ đầy săng cái đã và theo sự chỉ dẫn của một vị Th/tá phi công trực thăng nào đó, chúng tôi đem đậu vào bên hông phi đạo, 'line up' với mười mấy chiếc đậu sẵn tại đây, sau đó chúng tôi tắt máy như những chiếc kia. Viên Th/tá gặp lúc nãy lại đến tàu chúng tôi nói chuyện, ông cho biết : “Nơi đây rất an ninh, hiện tại chúng ta đang có một UH-1 toàn những ông rất giỏi tiếng Mỹ đang bay orbit gần Đệ thất hạm đội để liên lạc với họ, xin họ cho chúng ta được đáp xuống Hàng không mẫu hạm. Họ trả lời, họ cần phải gọi về Washington trước mà bây giờ bên Mỹ là đêm, nên họ bảo mình ráng chờ, họ tin là WA sẽ chấp nhận thỉnh cầu nầy. Chiếc UH-1 đó vẫn còn tiếp tục bay gần họ để chờ tin, khi được tin tốt, chiếc UH-1 sẽ về cho chúng ta biết ngay. Bây giờ chúng ta phải lập nhiều hợp đoàn V5 sẵn, cứ 5 chiếc vào một hợp đoàn để bay an toàn, tôi nghĩ chắc sẽ có rất nhiều trực thăng nữa bay ra đây sau khi nghe lệnh đầu hàng của ông Minh.”

Thật dúng vậy, sau đó cứ 10 hoặc 15 phút thì có một hoặc vài trực thăng UH-1 hay Chinook đáp xuống, tất cả họ đều ‘refuel’ rồi đem tàu đậu nối đuôi nhau. Tôi thấy có chiếc của ông Alpha Đ., của ông Đ., ông Nh., ông S., ông Th. v.v…Tôi mừng lắm khi thấy anh em mình thoát được cũng nhiều, tôi tới thăm hỏi Sếp Đ., Sếp hỏi tôi “Có cách nào để PĐ cùng bay chung Formation với nhau không?”. Tôi trả lời : “Chắc là không rồi, nhưng Sếp đừng lo, tất cả đều đáp USS Midway mình còn gặp nhau dài dài mà”. Tôi cảm thấy mình qu‎ý mến Sếp Đ. hơn vì cho đến lúc nầy ông vẫn nghĩ tới anh em 225.

Khoảng 4 giờ chiều, chiếc UH-1 đi liên lạc với Hạm đội 7 trở lại đổ thêm xăng và ra dấu cho mọi tàu quay máy và đổi frecency mới trên VHF để cho tất cả các tàu có thể liên lạc được với nhau. Hôm nay, chiếc liên lạc coi như là chiếc C&C sẽ hướng dẫn mọi người bay phi vụ cuối cùng trong đời mình. Chiếc C&C cất cánh trước rồi lần lượt các chiếc khác thứ tự cất cánh theo, cứ 5 chiếc ráp một 'Formation V5' như 'briefing' trước đó; V5 sau cách V5 trước chừng 10 cánh quạt. Dường như có tất cả là 7 cái Formation V5 (khoảng 30 đến 40 chiếc UH-1), lấy heading 030 (đi lênVũng Tàu) cao độ khoảng 1500 bộ. Còn bên Chinook cũng có khoảng 3,4 chiếc, họ bay với formation riêng của họ ở phía sau. Bay độ chừng hơn 30 phút thì nhìn xa xa thấy Hạm đội 7 của Hoa Kỳ, khi đến gần hơn, tàu C&C ra lệnh cái V5 thứ nhất (I) đổi qua độ hình Trail (hàng một) và khi nào thấy tàu sân bay bật đèn xanh thì 5 chiếc nầy vào đáp, trong khi đó cái V5 thứ nhì (II) sẽ lên làm lead, dẫn nguyên hợp đoàn lớn bay vòng tròn lớn chờ đèn xanh, khi thấy đèn xanh thì V5 (II) cũng đổi đội hình Trail vào đáp, rồi cái V5 số ba (III) sẽ lên làm lead tiếp tục dẫn hợp đoàn bay vòng chờ…cứ như vậy đến cái V5 cuối cùng. Sở dĩ chờ hơi lâu là vì mỗi tàu vừa đáp xuống xong, đợi cho mọi người trong tàu bước ra hết, trưởng phi cơ phải tuân theo sự hướng dẫn của toán phi đạo trên mẫu hạm Hoa Kỳ : là phải dời tàu mình ra sát mé bìa của chiếc mẫu hạm, sau đó tắt máy, hai phi công bước ra khỏi tàu, tức thì nhóm phi đạo của mẫu hạm Mỹ hì hục đẩy con tàu đó xuống biển ngay.

Tôi vừa bước ra khỏi tàu thì có một ông thủy thủ da đen cao lớn đến bên tôi, hắn tháo cái dây súng Rouleau P38 của tôi quăng xuống biển rồi bảo tôi qua bên kia đứng với mọi người. Sau đó họ hướng dẫn toán của tôi khoảng ba mươi người đi xuống dưới hầm chiếc mẫu hạm. Tại nơi đây, tôi thấy đã có trên trăm người rồi, họ đang ngồi trong những chiếc tàu nhỏ, loại tàu há mồm đổ bộ của TQLC, phía trước mũi được mở ra để mọi người ra vào. mỗi chiếc chứa khoảng 30 người. Toán của tôi cũng chiếm một tàu giống như vậy, sau đó họ mang cho chúng tôi mỗi người một ít bánh 'Cracker' và một cái ly bằng nhựa chứa chừng 8 oz Coca Cola lạnh. Được dung nạp một số calories do những thứ nầy tôi thấy khỏe ra, bởi từ sáng đến giờ tôi có ăn cái gì đâu. Nội cái chuyện lo âu, hồi hộp đã làm mình quên đói, chỉ thấy mệt trong người thôi. Bây giờ thì đỡ rồi đó, hết lo cái vụ bị người “anh em” phía bên kia bắt bớ giam cầm, khảo tra trả thù gì nữa ... Như vậy ta phải cám ơn người Mỹ mới được, đã giúp ta thật đúng lúc, rồi tôi lại thắc mắc : Tại sao Hạm đội 7 lại vào quá gần bờ ? (giữa Vũng Tàu - Côn Sơn). Tại sao Đặc khu Côn Sơn chỉ là một quận nhỏ của Bà Rịa Vũng Tàu lại rất an ninh vào những ngày cuối, tù chánh trị vẫn bị nhốt kỹ, ngoài phi trường phi cơ lên xuống như bình thường ? Còn cái nguồn nhiên liệu ở đây sao quá dồi dào, nội ngày hôm nay đã cung cấp đầy đủ hơn 40 trực thăng vừa UH-1 vừa Chinook và không biết bao nhiêu tàu trong ngày trước đó nữa ? Phải chăng người Mỹ đã có kế hoạch thu hồi lại những phương tiện và chiến cụ của họ, họ thà đổ xuống sông, xuống biển chứ không muốn tặng cho csVN. Tôi nghĩ như vậy, không biết có đúng không ? Tôi ngó quanh tìm kiếm bạn bè để đến nói chuyện hay thăm hỏi cho đầu óc mình bớt căn thẳng.

Khoảng 9:15 đêm, một ông Hải quân Thượng sĩ Mỹ dùng cái Haul-Parleur loại cầm tay nói cho mọi người biết là chừng 15 phút nữa, họ sẽ tắt bớt hàng đèn lớn trên trần để mọi người nghỉ ngơi. Vậy mọi người hãy dừng đi thăm viếng ở tàu khác mà hãy trở lại tàu của mình rồi ông nhờ một người Việt giỏi tiếng Anh thông dịch lại. Đúng 9:30 mọi đèn lớn trên trần đã tắt hết, chỉ còn vài đèn nhỏ trên vách cao đủ ánh sáng cho ai cần thiết phải đi nhà vệ sinh. Tàu khá chật chội khi phải chứa đến 30 người, mọi người đồng ‎ý ngầm là nhường cho trẻ con, người lớn tuổi hoặc phụ nữ được ngủ nằm còn hạng trai trẻ như tôi phải dựa lưng vào thành tàu, co gối ngồi ngủ. ‘Giang sơn’ của tôi ở phía ngoài cùng (mặt trước của con tàu) vì khi sắp toán dẫn xuống tàu thì tôi là người đi sau chót. Tôi tựa lưng và thành tàu, định chộp mắt ngủ một chút cho khỏe như mọi người nhưng không, không dễ dàng vậy đâu vì với những kẻ đang mang tâm trạng thì bóng đêm là điều kiện tốt để thẩm vấn viên lương tâm lấy khẩu cung can phạm, can phạm đó chính là mình đây. Điều tra viên nầy muốn chính can phạm phải trực diện với lương tâm mình. Tội lớn nhất là bỏ nước ra đi, xa lìa người thân, giờ đây thân quyến của tôi giống như họ đang ở dương trần, còn tôi ở nơi âm phủ thì chắc gì kiếp nầy có dịp thấy lại họ ? Nghĩ tới đó, nước mắt tôi tự dưng tuôn trào, tôi ước gì đừng có ai nơi đây để tôi được khóc rống như trẻ con, hầu vơi bớt phần nào khổ đau như người đời hay nói như vậy. Tôi ngồi phía ngoài, bên phải tôi thì không có ai nên tôi xoay người về phía đó, hai tay bó gối, đầu gục xuống đó để đừng ai nhìn thấy hai dòng nước mắt của mình cứ đầm đìa tuôn rơi không ngớt, xen kẽ đó là những uất nghẹn sắp bật thành tiếng, tôi vội nuốt nước bọt nhiều lần mới kìm hãm lại được. Tôi tự nguyền rủa mình 'chả ra làm sao cả', đối với gia đình : mình là người tắc trách vô tâm, còn với Tổ quốc mình là kẻ vong ân bội nghĩa. Một con người tệ bạc như thế đấy thì tương lai mình sẽ ra sao đây, thôi thì hãy phó thác cho định mệnh.

“Cũng liều nhắm mắt đưa chân,

Thử xem cao tạo xoay dần tới đâu”. ND

Nhờ rơi được nhiều nước mắt nên tôi thấy có chút nguôi ngoai, nhưng không dễ lấy lại trạng thái bình thường được đâu mà lúc nầy tâm trạng tôi vẫn rối bời, cứ chuyện nọ lại xọ qua chuyện kia, bây giờ tôi lại nhớ đến đơn vị cũ : PĐ 225 mà tôi yêu quý như một người tình sắt son chung thủy vì đã chung sống với nhau những 54 tháng rồi, đó là tôi phải tính bằng tháng để được hai con số, chứ tính năm thì chỉ có một con số thôi, mà còn dưới con số 5 nữa. Thật là đau đớn cho tôi phải nói lời giã biệt cùng nàng cũng như giã biệt những con tàu gunship mà tôi coi như những đứa con trai kiêu hùng đã cùng tôi hữu xung, tả đột xông pha nơi trận mạc và những con tàu slick như những đứa con gái mũm mĩm trang đài, giàu lòng nhân ái đã cùng tôi chuyển quân, tiếp tế, tản thương. Chỉ trong một ngày mà tôi có đến hai lần đầu hàng. Đầu hàng lần đầu là thừa lệnh vị Tổng Tư Lệnh QĐ (nhiệm kỳ hai ngày) : hạ vũ khí đầu hàng, sau khi hạ vũ khí thì tôi có thể ra đi được rồi chứ, bởi vì khoảng tiếp theo là ‘bàn giao hay trao lại’ gì.. gì.. đó, thì hoàn toàn không có tôi.. bởi tôi chỉ là quân nhân hạng bét thì có cái đếch gì để ‘trao lại hay bàn giao’? Đầu hàng lần thứ hai là đầu hàng định mệnh, chỉ mong sao định mệnh an bày cho tôi số phận nào cũng được trong những ngày sắp tới.

Nguyên Quân

 

 

up

AcDieu
Google Search:       
RFI
Nguoi_Viet
RFA
Quan_Su_VNCH
Quân Sử VNCH
Voa_tieng_Viet
msn
BBc_Tieng_Viet
Dan_lam_bao
Radio_VNHN

TIME