AcDieu225
Co Vang Tammy

Free Hit Counters
Web Site Hit Counters

Acdieu

Cơ phi

 

 Cựu Thượng Sĩ

 

Ngay cả nhiều người ở trong binh chủng Không Quân cũng không biết Cơ Phi là cái gì, còn người ngoài KQ thì cứ thấy ai mặc đồ bay mà không đeo lon thì gọi chung là "bọn" Cơ Phi Xạ Thủ.

Thời trước, người vào ngành Hoa Tiêu hay Cơ Khí học bên Pháp ra đều mang cấp bực Trung Sĩ, nhưng thời Tổng Thống Ngô Đình Diệm thì Hoa Tiêu được đặc cách lên Chuẩn Uý, trong khi các anh thợ máy, dù Cơ Khí dưới đất hay Cơ Khí Phi Hành đều cứ phải mang cấp bực HSQ, chả thế mà sau này có hai anh bạn thân mà người thì lên tới Tướng Tá, trong khi anh kia còn mang Th/s  hay Chuẩn Uý già như ông Mê-Vô Dương Hùng Cường tác giả của cuốn Buồn Vui Phi Trường (Sau chuyển qua làm đài Không Lưu Biên Hoà).

Cũng có những khoá KQ mà ra trường đã là sĩ quan ngay, nhưng ông PĐT của tôi hồi mới ra trường, ông cũng mang lon Trung Sĩ.

Cho đến thời kỳ trước và sau tết Mậu Thân ít năm, KQ và HQ Việt Nam đều không có lớp HSQ lấy từ dân chính vào như bên Bộ Binh, mà chỉ có khoá Đào Tạo HSQ lấy từ cấp  Binh nhất hay Hạ sĩ cơ hữu gửi đi học ở Biên Hoà và TSN.

Nhưng sau này riêng KQ bành trướng quá nhanh, nên những khoá HSQ đã  được mở ra cho dân chính mà điển hình là khoá 5 HSQ Cơ Phi có 395 người mà tôi theo học.

Trên mỗi chiếc máy bay đều có một người Cơ Khí Viên Phi Hành  gọi tắt là Cơ Phi hay Mê Vô (mecanicien volant) tức là thợ máy biết bay (!) ngoại trừ máy bay quan sát L19 hoặc Khu trục.

Người Cơ phi học trường quân sự trong 6 tháng, vừa ở Biên Hoà vừa ở Nha Trang và huấn nhục tại trung tâm này cực khổ vất vả, thì chẳng khác gì các khoá SQKQ hay SQ Thủ Đức. Sau đó còn 6 tháng nghề nghiệp ở trường Kỹ Thuật, vị chi là một năm chẵn.

Tuỳ theo khoá chuyên môn học trong trường Kỹ Thuật mà sau này sẽ đi theo phi đoàn C119, C47, C7 Caribou, C130, CH47, H34 ... và nhiều nhứt là trực thăng UH1.

Đã là nhân viên phi hành thì đều được cấp phát áo bay, jacket, đồng hồ, kiếng, súng như nhau và đeo cánh bay, nhưng khác biệt:

-Navigator ở giữa cánh bay có quả địa cầu.

-Hoa tiêu có ngôi sao.

-Quan sát có ống dòm.

-Y tá phi hành có chữ thập đỏ.

-Áp tải có con voi.

-Vũ khí phi hành có cây súng.

-Cơ phi có cánh quạt.

Nhớ ngày chúng tôi ra đơn vị thì KQVN mới có mấy Phi Đoàn Trực Thăng mà thôi, đó là PĐ213, 219 ở Đà Nẵng, PĐ215 Nha Trang, PĐ211 và 217 ở Cần Thơ, hầu hết đã có UH1 ngoại trừ PĐ219 đi đổ biệt kích thì vẫn còn xài H34.

Xạ Thủ mà tên chính thức là Vũ Khí Phi Hành thì lại được tuyển mộ từ bên Bộ Binh qua. Thường thì học vấn của những anh em này không được cao lắm (trong khi một người lính Không quân bình thường phải có ít nhất bằng TH đệ nhất cấp), nên đang là một người lính khinh binh vất vả cùi đày, được chuyển qua một ngành mặc áo bay liền quần, flare đeo đỏ dới và cây ru lô xề xệ, một số ít xạ thủ có những hành động lấy le thái quá, nhận đại là SQ để cua đào, rút súng bắn lấy oai nơi vũ trường, quán xá.. v v.. Làm cho giới HSQ Phi hành mang tiếng không ít.

Dĩ nhiên ngành xạ thủ có nhiều nhân viên đầy tư cách, xứng đáng là những quân nhân gương mẫu, họ lại có nhiều kinh nghiệm chiến trường từ hồi còn ở Bộ Binh, nên khi máy bay bị bắn rớt trong rừng già, họ thường trở thành leader của cả Phi hành đoàn và nhờ đó chúng ta thoát hiểm.

Chính vì lẽ tự ti mặc cảm, tôi để ý thấy phần đông Cơ Phi không mặc áo bay liền quần, ngoại trừ lúc đi chào cờ. Họ mua áo bay rời Nomex màu cứt ngựa của US Army mà mặc, vừa tiện lợi, vừa chống lửa, lại không bị người ta gọi bằng từ ngữ khinh miệt "bọn cơ phi xạ thủ".

Hồi tôi ra Đà nẵng, tập thể Cơ Phi hầu hết còn độc thân, sống trong một dẫy barrack kế bên đồn Quân Cảnh, rất sạch sẽ và kỷ luật, mỗi sáng đều có xe của Phòng Hành Quân xuống chở lên PĐ.

 Đại Uý Toàn (về sau là Tr/t PĐT 239) đã liên lạc với cố vấn Mỹ mà xin rồi chở về cho chúng tôi giường nệm, tủ cá nhân, TV và thực phẩm hộp, nên cuộc sống coi mòi thoải mái hơn những quân nhân ngành nghề khác.

Nói đến đây, tôi cũng ghi thêm nỗi bất bình của những ngày mới ra Đà Nẵng. SQ thì có Cư Xá SQ, Binh sĩ cũng có Cư Xá Binh sĩ gần Phạn xá, nhưng đám HSQ Cơ Phi mới ra trường thì lêu bêu vất vưởng không có chỗ ở, Ban Cư Xá thì đá qua Phi Đoàn, mà PĐ233 mới thành lập thì chưa có cơ sở và .. chưa có cả máy bay. Hoa tiêu còn gửi bay với Mỹ ở bên Blackcat Sơn Chà chưa về. Cũng may Đ/uý Toàn ở PĐ213 giúp đỡ nhiều, chứ không thôi chúng tôi rất khốn đốn trong những ngày mới ra đơn vị.

Chuyện ngày xưa có câu:

-Rớt tú tài anh đi trung sĩ ....

... đã làm cho những người lính Cơ phi tủi thân nhiều lắm, bởi vì tất cả đều là "Tú Tài Lạc Đệ". Ngoài giờ đi hành quân về là họ không la cà ngoài quán xá, cả bọn chúi mũi vào học và đọc sách nên chỉ ít năm sau là hơn một nửa số Cơ phi ở Đà Nẵng đã có bằng Tú Tài 2 và nhiều người sau đó đã ghi danh ở Đại học Huế và SG.

Trong khi đó SQ hoặc lính Kỹ thuật thì hầu như tự bằng lòng với chính mình, nên rất hiếm người đi học thêm ở các trường dân sự.

Khi khoá Hoa Tiêu hay SQ Đà Lạt mở ra, nhiều lính Cơ phi đã xin đi học, nhưng tiếc rằng khi vừa ra trường để thành SQ thì ... đứt phim.

Khoá trực thăng chúng tôi có 50 người, chừng 25 người ra đơn vị mới thành lập là Phi đoàn 233 Đà Nẵng, rồi sau này tản ra các phi đoàn khác như 239, 219, 253 v v...Hoặc theo học các khoá SQ.

Trong số 25 người đó, thì riêng trận Hà Lào đã dớt đi hai người, rồi tới mùa hè đỏ lửa tại Quảng Trị, trận tái chiếm Bastogne Tây nam Huế ... cứ hao hụt đi dần dần.

Sau năm 72, khoá chúng tôi, những người còn sót lại hầu hết đã lên trưởng toán và cấp bực là Thượng sĩ.

(Tôi không hiểu tại sao có những vị SQ cao cấp viết hồi ký mà cứ xài chữ Quân hàm, vì hồi thời VNCH, trên giấy tờ hoặc lời nói thường ngày, chúng ta vẫn xài "cấp bực", chữ quân hàm chỉ có VC xài).

Mặc dầu cũng là dân Phi Hành mà năm 75 khoá tôi di tản qua Mỹ được có hai người, bây giờ kể cả ở VN, Úc và Mỹ chỉ còn sót lại tám người.

Cả khoá 50 người mà sau sáu năm ....chỉ còn có 8, thì sự hy sinh của giới Cơ phi trong KQ cũng đâu phải nhỏ!

Chúng tôi cũng có nhận được những huy chương như Anh Dũng Bội Tinh hay Phi Dũng Bội Tinh, nhưng thú thực là không dám tự hào, vì rằng có phải tự chúng tôi lao vào lửa đạn đâu. Ngồi đằng sau thì Hoa Tiêu bay đâu mình tới đó, tụi Vẹm có bắn lên thì mình phụt xuống vậy thôi, không lẽ roót quá cứ ngồi phơi Cụ Hồ ra cho chúng bắn.

Ngày dự trận Hạ Lào, tôi thuộc PHĐ với Th/uy Đạt và Bi, bị bắn rớt ở Đồi 31, thế mà PHĐ của Đ/uy Kỳ đã làm một cú Rescue ngoạn mục và anh dũng.

 

Qua Mỹ, chúng tôi tương đối thành công về học vấn và kinh doanh ở xứ sở này, những điều mà hồi trước nằm mơ cũng không thấy, vì Cơ phi thì có khi nào mà được du học hay tu nghiệp ở Mỹ.

Đặc biệt ở PĐ 233 có Thắng Cơ Phi qua Mỹ  hồi 75 rồi gia nhập quân đội Mỹ và lái trực thăng võ trang A1H Cobra, anh tham dự trận đánh Kuwait lên đến cấp Đại uý rồi xuất ngũ, bây giờ đang ở ngành cảnh sát tại San Francisco.

Dù bây giờ vật đổi sao dời, chúng tôi có khi giữ chức vụ cao trong ngành nghề, hay giàu có trong thương trường, mỗi khi gặp lại những SQ xưa hay anh em cùng binh chủng, chúng tôi vẫn kính trọng và giữ tình thân ái, giúp đỡ hết lòng, vì không bao giờ quên câu "Không bỏ anh em, không bỏ bạn bè" đã học thuộc lòng từ ngày còn ở Quân trường Nha Trang.

 

 Dallas -Thong. PĐ 239


AcDieu

Tin Buồn

03-2014

02-2014

01-2014

RFI
Nguoi_Viet
RFA

TIME