AcDieu225
Co Vang amazon Tammy

Free Hit Counters
Web Site Hit Counters

Khách viếng thăm

Translate

Powered by Translate

cam-on-anh_TPB (2).jpg

Truyện ngắn

 

DÁNG XƯA

 

ĐIỆP MỸ LINH

Đoàn quân cộng sản Việt Nam (c.s.V.N.) qua khỏi đường Độc Lập, đi về hướng rạp xi-nê Tân Quang. Với đôi dép râu, nón cối, Lộc vừa bước vừa cố ý tìm lại ngôi nhà xưa của Thúy Vân – người tình trong mộng của Lộc. Bất ngờ Lộc ngạc nhiên khi thấy từ hướng quân y viện Nguyễn Huệ, nhiều xe xích-lô chở thương binh chạy ngược chiều với chàng. Nhìn quanh, Lộc thấy rất nhiều thương binh – không được người nhà đón – đang bò, lết bên lề đường!

Đang hoang mang, Lộc chợt thấy một thương binh cụt hai chân, máu tươm ra từ vết thương, đang nằm xuôi tay bên vệ đường. Một cán bộ bước đến, đá vào vết thương của anh thương binh. Lộc chạy đến, ngăn:

-Nó chết rồi, tha cho nó đi, đồng chí!

-Chết cái ‘.éo’ gì mà tay nó còn ngo ngoe thế kia?

Sau khi nhìn kỹ, Lộc bảo:

-Vâng, người này còn sống, đồng chí.

Đồng chí ấy quát:

-Sống cũng “.éo” có “nợi” ích gì cho đất nước, cho xã hội. Đồng chí còn nhớ thời mình thực hiện “nời” của bác để xẻ dọc Trường Sơn dánh Mỹ “kíu” nước, có thằng bộ đội nào bị thương nặng mà được đưa về hậu cần hay không?

Lộc chưa kịp đáp thì đồng chí ấy vừa quay đi vừa tiếp:

-Bắn bỏ nó đi! Đồng chí không “xử ný” nó thì để tớ “xử ný”!

-Được rồi, tôi sẽ xử “lý nó”.

Vừa khi đó vợ của anh thương binh chạy đến. Nhìn sát mặt anh thương binh để nhận diện, vợ anh ấy thét lên:

-Trời ơi! Em với anh Phát tìm anh khắp nhà thương mà không thấy!

Trong khi vợ của anh thương binh vừa khóc vừa đưa cao tay vẫy chiếc xích lô thì Phát xuất hiện. Tiếng “Phát” của người phụ nữ nhắc Lộc về người bạn rất thân, ngày xưa học cùng lớp. Lộc nhìn Phát, không tìm được nét thân quen nào!

Xích lô dừng lại. Lộc vừa khom xuống đỡ anh thương binh giúp Phát vừa hỏi nhỏ:

-Anh Phát! Anh họ gì?

-Chi vậy, cán bộ?

-Hồi trước anh có học trường Võ Tánh hay không?

-Có.

-Đệ nhị cấp anh học lớp nào?

-C2.

-“Thằng khỉ”! Tao, Lộc “sún” nè!

Nhận ra Lộc, Phát im lặng. Lộc tiếp:

-Mày còn ở với cụ Bà nơi đường Công Quán hay không?

Quay sang người phụ nữ và bác xích lô Phát bảo:

-Đưa nó về nhà. Anh chạy về ngay.

Xoay sang Lộc, Phát tiếp:

-Còn. Cán bộ hỏi để làm gì?

-Cán bộ cái con khỉ! Mỗi đứa có một con đường do hoàn cảnh đất nước đưa đẩy thôi.

-Đừng lạm dụng chữ nghĩa! Cả lớp – ngoại trừ nhỏ Thúy Vân – đều biết, con đường của cán bộ đi không phải do hoàn cảnh đất nước đưa đẩy mà chỉ vì nhỏ Thúy Vân.

Lộc cúi mặt, im lặng. Ngày xưa, Thúy Vân không những thu hút phái nam bằng sắc đẹp mà tiếng hát của nàng cũng làm say đắm nhiều người. Nhân lúc chỉ có chàng và Thúy Vân bước lên cầu thang để lên lớp, Lộc hỏi:

-Thúy Vân! Điều gì ở phái nam thu hút sự chú ý của bà?

-Bộ quân phục – nhưng không phải quân phục của c.s.V.N. đâu, nha! Chỉ có bộ quân phục mới thể hiện được tất cả nam tính của một thanh niên.

Lộc thầm nghĩ, nếu thi tú tài I và tú tài II thông suốt thì ít nhất cũng hai năm nữa Lộc mới có thể được mặc quân phục; trong thời gian đó, chỉ có Trời mới biết khi nào Thúy Vân sẽ bị một trong những chàng mặc quân phục – mà Lộc thường gặp tại nhà Thúy Vân – “rinh” đi!

Trong khi Lộc lặng lẽ ôm niềm thất vọng thì, vào giờ ra chơi, Doanh – học trên Lộc mấy lớp, nhân chuyến về phép, ghé thăm trường cũ – xuất hiện trong bộ quân phục Không Quân. Thấy nụ cười tươi và khuôn mặt rạng rỡ của Doanh rồi nhìn nhiều nữ sinh len lén nhìn theo Doanh với ánh mắt đầy thiện cảm, Lộc chịu không được! Điều làm cho Lộc khó chịu hơn nữa là sau đó, Lộc nghe học sinh “xầm xì” rằng Doanh từng đeo đuổi Thúy Vân, nhưng Thúy Vân còn bé, chỉ thích ca hát, chưa biết yêu!

Thời gian sau, cũng nhân lần về phép, Doanh ghé trường vào giờ ra chơi, thăm thầy Hiệu Trưởng và xin phép đến lớp đệ nhất C2 thăm người bạn. Khi đến trước cửa lớp của Thúy Vân, nhìn quanh không thấy nàng, Doanh trao cho Lộc một hộp giấy, nói:

-Em! Em làm ơn trao hộp này cho Thúy Vân. Trong này không có gì quan trọng; chỉ có xấp lụa màu tím để may áo dài.

Trong buổi văn nghệ mừng Xuân năm đó, Thúy Vân – với đôi mắt ươn ướt và khuôn mặt rất buồn – mặc chiếc áo dài tím do Doanh tặng. Trước khi hát, đột nhiên Thúy Vân nói vào micro: “Kính thưa thầy Hiệu Trưởng, quý thầy cô, quý phụ huynh học sinh và các bạn, con xin trình bày tình ca Ngàn Thu Áo Tím của Hoàng Trọng và Vĩnh Phúc để tưởng nhớ anh Doanh, cựu học sinh của trường Võ Tánh”. Thúy Vân nghẹn lời, đưa tay quẹt nước mắt, tiếp: “Trong một phi vụ Bắc phạt, phi cơ của anh Doanh đã bị hỏa tiễn tầm nhiệt của Nga bắn hạ tại Hà Nội!”  Cả hội trường “ồ” lên một tiếng thảng thốt!

Thúy Vân đứng yên, nước mắt nhạt nhòa, thu hết nghị lực, lắng nghe tiếng Guitar của Lộc, rồi “bắt” vào: “Ngày xưa xa xôi em rất yêu màu tím… mà sao anh đi, đi mãi không về nữa? Một bóng áo tím buồn ngẩn ngơ, khóc trong chiều gió mưa, khóc thương hình bóng xưa!... Ngàn thu đau thương vương áo em màu tím. Nhuộm tím những chuỗi ngày vắng nhau, tháng năm càng lướt mau, biết bao giờ thấy nhau!” Trong khi Lộc cúi chào và cả hội trường vừa vỗ tay vừa đứng lên thì Thúy Vân chấp hai tay, từ từ quỳ xuống!...

Đang chìm đắm trong vùng ký ức xa xưa, tiếng Phát đưa Lộc trở về hiện tại:

-Chào cán bộ. Tôi phải về lo cho em tôi.

-Tao đi với mày. Mẹ! Trở về quê xưa, chỉ gặp mày là thằng bạn duy nhất mà mày cũng không thèm nhận tao là người bạn xưa thì tao sống thế “.éo” nào đây, Phát?

-Ủa, hai Bác với anh chị em của cán bộ hồi đó ở gần cầu Hà Ra, cán bộ đã ghé thăm chưa?

-Di tản hết rồi! Bây giờ tao chỉ còn có mày thôi. Đi! Đi về nhà mày xem thằng em của mày ra sao.

Hai người vừa đi vừa chạy. Lộc tiếp:

-Tại sao em mày bị thương nặng vậy?

-Nó tòng sự tại tiểu khi Phú Yên. Khi quân của Việt Nam Cộng Hòa (V.N.C.H.) rút khỏi vùng I và vùng II, nó cùng đoàn người di tản về đây bằng đường bộ. Đến đèo Rù Rì, c.s.V.N. pháo kích ngay vào đoàn người di tản. Nó “lãnh đủ” – may mà không chết!

-Làm gì có chuyện bộ đội pháo kích ngay vào đoàn người di tản, mày!

-Cán bộ hỏi thì tôi nói; tin hay không là quyền của người thắng trận.

-Thắng cái “.éo” gì! Nếu bên tao thắng thì ông bà Già và anh chị em của tao đâu phải “bỏ của chạy lấy người”?

-Đó là cán bộ nói chứ không phải tôi.

-Mày mang quân hàm gì? Quân binh chủng nào?

-Tôi chỉ khai khi được giới chức của c.s.V.N. trực tiếp phỏng vấn; còn chức vụ cũng như quyền hạn của cán bộ là gì tôi không biết nên tôi không khai.

-Tao biểu mày “dẹp” hai tiếng cán bộ đi, “thằng khỉ”?

Phát im lặng. Lộc tiếp, bằng giọng thân tình:

-Gọi tao bằng mày như hồi trước đi, Phát! Hồi đó tụi con trai gọi nhau bằng “mày, thằng”; con gái gọi nhau bằng tên hoặc “bồ”; còn con trai gọi con gái cùng lớp bằng “bà” và con gái gọi con trai cùng lớp bằng “ông”. Nhớ không?

Phát im lặng. Lộc tiếp:

-Khi tụi tao kéo quân qua cầu Hà Ra, tao xin phép cấp trên để ghé nhà thăm gia đình tao. Không ngờ, cả xóm chỉ còn lèo tèo vài gia đình không di tản kịp. Nhìn ngôi nhà vắng lặng của ông bà Già tao, tao khóc và tự hỏi: Tại sao thằng con đi theo “cách mạng” mà khi “cách mạng” thắng, thằng con trở về thì Cha Mẹ và họ hàng của nó phải “dông mất tiêu”? Từ ngày tao thất vọng vì nhỏ Thúy Vân và trở nên oán giận những người mặc quân phục V.N.C.H. cho đến giây phút nhìn xóm làng “vắng hoe” tao mới ý thức được sự nông nổi, bồng bột của tao! Mày hiểu tao chưa, Phát?

Phát thở dài, vừa nói vừa choàng vai Lộc:

-Tao hiểu mày rồi, Lộc!

******

Cô gái tính tiền xong, Vân đưa Discover card, hỏi:

- Cô làm ơn nhắc giùm tôi đưa phía nào của credit card vào máy?

Cô tính tiền nói lớn và nhanh bằng giọng Bắc lơ lớ như người Nùng:

-Bộ hồi giờ không “cà” hay sao?

-Tôi không nhớ chứ không phải tôi không biết.

-Có thẻ mà không nhớ để “cà” thì có thẻ để làm dzì?

-Cô từ Việt Nam mới qua, phải không? Ở đây không ai đối xử với nhau thiếu lễ độ như cô. Tôi sẽ gặp “manager” của cô sau khi tôi trả tiền.

-“Chảnh” dữ! Người trông thế mà độc!

Sau khi tìm người quản lý, trình bày câu chuyện, Vân đi nhanh ra cửa. Bất ngờ Vân nghe tiếng gọi từ phía sau:

-Chị ơi, chị!

Vân quay lại. Một người đàn ông vừa bước nhanh về phía nàng vừa nói:

-Chị xem thử lúc nãy xảy ra “sự cố” với cô tính tiền, chị có làm rớt bằng lái xe hay không? Nãy giờ thấy chị nói chuyện với “manager”, tôi không dám tới hỏi.

-Cảm ơn ông, để tôi xem.

Mở ví xem, Vân mỉm cười:

-Vâng, tôi làm rớt bằng lái xe khi lấy credit card ra khỏi “billfold”.

Từ nãy giờ nhìn tấm ảnh trên bằng lái xe, bây giờ thấy nụ cười và nghe giọng nói, Lộc hỏi:

-Xin lỗi, hồi trước chị có ở Nha Trang hay không?

-Dạ, có.

-Chị học trường Võ Tánh, lớp C2, đúng không?

-Sao ông biết?

-Bà ơi! Tôi là Lộc cùng lớp với bà nè!

Vân còn hoang mang, Lộc tiếp:

-Nhớ ai đàn cho bà hát bài Ngàn Thu Áo Tím để tưởng nhớ anh Doanh không?

-Nhớ rồi! Làm thế nào ông nhận ra tôi?

-Bà không khác mấy.

-Già nhiều chứ!

-Ở đây đông người, ồn quá! Mời bà về nhà tôi – gần lắm – nói chuyện xưa. Tôi gọi thằng Phát tới thăm bà luôn. Thằng Phát mà biết tôi gặp lại bà là nó… “nhảy cà tưng” cho xem.

-Phát nào?

Lộc lấy điện thoại ra, vừa bấm số gọi Phát vừa đáp:

-Hồi đi học bà cứ ngơ ngơ, đâu thèm để ý đến tụi này. Thằng Phát trưởng lớp đó.

Vân chưa kịp đáp, Lộc  nói gì trong điện thoại rồi trao điện thoại cho Vân:

-Thằng Phát tưởng tôi đùa. Nó muốn nói chuyện với bà.

******

Thấy ngôi nhà vắng vẻ, Vân hỏi:

-“Bà Đầm” của ông đâu?

-Bà ấy chết lúc gia đình vượt biển; tôi bị bắt, ở tù mấy năm.

-Ông đi theo lý tưởng của ông; đến khi “phe” của ông thắng thì gia đình ông lại liều chết đi vượt biển. Lạ thật!

-Thôi, bà đừng khơi lại vết đau còn mưng mủ của tôi! Bà đi năm 75, phải không?

-Vâng.

-Qua đây sớm thì đỡ; qua trễ như tôi cực quá, phải vừa đi làm vừa đi học.

-Qua 75 cũng vậy thôi. Ủa, con cháu của ông đâu mà nhà im quá vậy?

-Ba thằng con trai mua nhà trong vùng này. Tôi sống với vợ chồng đứa con gái. Để tôi lấy hình gia đình của tôi cho bà xem, nhen!

-Okay.

Nhìn tấm hình gia đình toàn người Việt mà lại có chàng Mỹ đứng cùng, Vân hỏi:

-Chàng Mỹ nào đây?

-Rể của tôi.

Vân lặng im, cảm thấy cay đắng! Như nhận biết Vân nghĩ gì, Lộc tiếp:

-Tôi biết bà nghĩ gì rồi! Cha theo c.s.V.N. đánh Mỹ “kíu” nước. Mỹ đi rồi, con gái phải lấy Mỹ để cứu Cha và anh chị em ra khỏi vũng lầy do c.s.V.N. và Trung cộng tạo nên. Mỉa mai quá, phải không?

-Ông đừng để mặc cảm dày vò. Chúng tôi – kẽ trốn khỏi c.s.V.N. từ 1975 – không thể có thiện cảm với những ai qua Mỹ sau này mà lại mang theo những hành động, lời lẽ thiếu lễ độ, thiếu lịch sự rồi hễ có cơ hội lại trương “cờ máu” ra! Nếu lá “cờ máu” đó có giá trị đối với quý vị thì tại sao quý vị phải bỏ Quê Hương ra đi? Chúng tôi sẽ dang tay đón quý vị trong tình đồng chủng nhưng chúng tôi không thể nhìn lá “cờ máu” bằng ánh mắt thân thiện; vì lá “cờ máu” gợi lại trong lòng chúng tôi những khổ lụy mà hơn nửa thế kỹ qua “đảng cờ máu” – đảng c.s.V.N. – đã gây nên cho Quê Hương và dân tộc! Hãy dẹp lá “cờ máu” ấy đi!

Vân vừa nói đến đây thì chuông cửa reng.

Vừa thấy Vân, Phát dừng lại, dang hai tay, cười:

-Đúng như thằng Lộc nói, bà không khác nhiều; gặp ngoài đường tôi vẫn nhận ra. Bây giờ ai cũng già rồi, bà cho tui “hug” bà một cái, được không?

Cả ba người cùng cười rồi choàng vai nhau. Khi tình cảm lắng xuống, cả ba người đều tưởng như được trẻ lại, được sống những ngày vui dưới ngôi trường Võ Tánh thân yêu! Phát hỏi:

 

-Bà ở đây hay là từ đâu tới mà gặp “thằng khỉ” này?

-Tôi ở đây mấy mươi năm rồi. Còn ông?

-Gia đình tôi qua theo diện H.O.. Thằng Lộc qua sau, nhưng nó chịu khó đi học lại. Nó làm cho công ty điện lực; công việc tốt quá, nó chưa thèm về hưu. Còn “ông xã” của bà đâu?

-Ông ấy kẹt lại, bị tù và chết trong tù!

-Từ ngày ông Hồ du nhập chủ nghĩa cộng sản vào Việt Nam, tôi chưa thấy một gia đình Việt Nam nào mà không là nạn nhân của đảng c.s.V.N.! Nhưng thôi, bạn bè mấy mươi năm mới gặp lại, nói chuyện dzui nhen, bà!

Thúy Vân nhún vai. Lộc cười khẩy, đáp lời Phát:

-Đời tôi đâu có gì vui. Đúng là “sai một ly, đi một dặm”! Sau khi sống, làm việc trong hàng ngũ của tụi nó – c.s.V.N. – bây giờ nhìn vào tất cả thảm trạng trên quê hương Việt Nam tôi chỉ thấy: Kẻ thù của đảng c.s.V.N. chính là người Việt Nam thôi!

Thấy Thúy Vân và Phát nhìn nhau như ngại ngùng, Lộc tiếp:

-Trong mấy mươi năm qua tôi đã góp phần với c.s.V.N. để tạo ra nhiều điều tàn ác cho người cùng dòng máu, cùng ngôn ngữ với tôi…

Nói ngang đây, Lộc xúc động, im lặng. Thúy Vân hỏi:

-Vụ Mậu Thân ông có tham dự hay không?

-Sao khỏi được! Trong những cuộc xâm lăng tàn khốc vào miền Nam đều có tôi! Sau khi chiếm được miền Nam, những “thằng” bộ đội như tôi đều muốn thấy một cái gì tốt đẹp cho Quê Hương mình. Nhưng chúng tôi hoàn toàn thất vọng khi nhận ra, chúng tôi góp xương máu chống Mỹ để sau đó đảng c.s.V.N. “rước” Trung cộng vào! Đảng và người c.s.V.N. chỉ thực hiện những gì có lợi ích cho đảng và người cộng sản mà thôi. Điển hình như chuyện phá rừng. C.s.V.N. từ rừng chui ra, nhờ rừng mà ẩn náu hơn 20 năm; bây giờ c.s.V.N. cho cày nát rừng để lấy gỗ quý bán cho Trung cộng và xây nhà cho cán bộ; vì vậy, mỗi khi mưa – cây rừng không còn để ngăn bớt nước – lũ lụt dâng cao, người dân nghèo không có phương tiện tránh lũ, chết! Trong khi người nghèo phải chống chọi với nghèo đói, lũ lụt, thức ăn nhiễm hóa chất do Trung cộng nhập cảng thì c.s.V.N. còn bắt dân nghèo đóng tiền xây dựng nông thôn! Theo Vietnamnet thì tại Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh, trẻ em từ 06 tháng cho đến người già dưới 80 tuổi, trung bình mỗi “hộ” phải đóng từ 04 đến 05 triệu đồng!

Phát và Thúy Vân lại nhìn nhau với ánh mắt lúng túng, hoài nghi. Lộc tiếp:

-Bỏ hết mấy chuyện c.s.V.N. xé hiệp ước đình chiến, xây tượng đài đi! Tôi chỉ muốn nói với hai bạn về vài việc bất nhân, bất nghĩa sau 1975 thôi.

Thúy Vân hỏi:

-Sau khi ông biết sự thật của c.s.V.N. tại sao ông không ra chiêu hồi để trở về miền Nam?

-Bà tưởng dễ lắm sao? Thằng bộ độ nào ra chiêu hồi mà gia đình thằng đó còn ở ngoài Bắc thì gia đình thằng đó kể như “tiêu”; vì sẽ bị c.s.V.N. trừng trị thẳng tay. Còn thằng chiêu hồi mà gia đình ở trong Nam thì dễ quá, c.s.V.N. ra lệnh cho đám nằm vùng “xử lý” gia đình thằng đó liền!

Phát thở dài:

-Một chế độ mà xem thường nước mắt và máu của người dân rồi xoay ra bắt tay, dâng đất cho Trung cộng – kẻ thù truyền kiếp của người dân – thì chế độ đó không sớm thì muộn cũng tan!

Thúy Vân chán nản:

-Năm ngoái, c.s.V.N. cho Tàu cộng thuê 3 đặc khu, thấy người trẻ trong nước tổ chức nhiều cuộc biểu tình ôn hòa nhưng rầm rộ, tôi rất vui mừng và thán phục. Nhưng từ khi Thủ Thiêm bị cưỡng chế để xây nhà hát giao hưởng – mà không thấy người trẻ trong nước tỏ thái độ tích cực – tôi rất thất vọng!

Lộc lên tiếng:

-Tụi c.s.V.N. biết mẹ gì về âm nhạc, nghệ thuật mà đòi xây nhà hát giao hưởng! Ngay như thủ tướng c.s.V.N. Nguyễn Xuân Phúc mà còn làm trò cười trên truyền thông quốc tế về hành động cầm tờ chương trình quạt “phành phạch” tại buổi hòa nhạc giao hưởng ở Đức, do thủ tướng Đức – bà Markel – mời tất cả nguyên thủ quốc gia tham dự hội nghị thượng đỉnh G20; vậy thì làm thế nào đảng và người c.s.V.N. hiểu được nhạc giao hưởng là gì? Còn thành phần dân chúng có trình độ thưởng thức thì lại không có tiền mua vé vào cửa! Thế thì xây nhà hát giao hưởng để làm gì trong khi bệnh viện thì quá tải và trẻ em đi học thì không có phương tiện? Nếu bảo rằng xây nhà hát giao hưởng để chứng tỏ Việt Nam cũng văn minh như các nước khác thì hãy nhìn vào những đống rác sau mỗi vụ tập họp, vui chơi và số lượng rác trong những con kinh, con lạch trong các thành phố mà rất nhiều lần người ngoại quốc phải tự nguyện dọn rác giùm trong khi người Việt thì dùng iPhone để quay phim, chụp hình!

Thúy Vân hỏi:

-Những điều ông nêu ra rất chính xác. Còn vụ vườn rau Lộc Hưng, ông nghĩ như thế nào?

-Vụ vườn rau Lộc Hưng cũng như các vụ ở Cần Thơ, Cồn Dầu, Dương Nội, Tiên Lãng, Long An, Dak Nông, Thủ Thiêm, v.v…đều là những vụ c.s.V.N. cướp đất của dân  – cũng như năm 1975 c.s.V.N. cướp miền Nam – chứ khác gì đâu!

Phát chen vào:

-Hồi đó, nghe Việt Minh đốt hoặc đập phá chùa, nhà thờ, nhà dân để thi hành chính sách “bần cùng hóa nhân dân”, tôi không tin! Bây giờ, gần một thế kỹ sau mà c.s.V.N. cũng vẫn “xài” chính sách đó; chỉ khác một tý là bây giờ c.s.V.N. không giăng khẩu hiệu “đả đảo thực dân Pháp tàn phá quê hương ta”!

Lộc cười:

-Bây giờ phải giăng khẩu hiệu là: “Đả đảo cộng sản Việt Nam tàn phá quê hương ta!”

Phát bảo:

-Đúng đó, Lộc! Vậy mà c.s.V.N. cứ nói “hòa giải”!

Thúy Vân góp ý:

-Hòa giải cái nổi gì khi mà nhà cầm quyền c.s.V.N. đối xử với “nhân dân” thì như đối với kẻ thù; còn đối với Thương Binh Việt Nam Cộng Hòa (TB/VNCH) thì quá tàn tệ! Mới đây, ngày 23 tháng 01 năm 2019, gần Tết, nhà thờ Hòa Khánh, quận Liên Chiểu, Đà Nẵng tổ chức Tri Ân TB/VNCH. Nhiều vị Thương Binh đến từ Nha Trang, Phú Yên, v.v…chỉ với mục đích được gặp lại bạn hữu cùng cảnh ngộ; vậy mà cả 100 nhân viên công lực của c.s.V.N. đến rút giây điện micro, buộc tháo gở mọi sự trang hoàng!

Lộc bảo:

-Tôi đã đọc vụ Thương Binh V.N.C.H. ở Đà Nẵng. Nhưng khi xảy ra vụ Lộc Hưng – cũng có liên hệ trực tiếp đến TB/VNCH – thấy đôi chân giả của ông TB/ V.N.C.H. nào bị bỏ “chổng gọng” trên đống gạch vụn, tôi cảm thấy bất nhẫn vô cùng!

Thúy Vân hỏi:

-Còn vụ “an ninh mạng”, ông Lộc nghĩ sao?

-Nghĩ gì nữa! Nhà cầm quyền c.s.V.N. cứ “bô bô” cái miệng là không có vấn đề bán đất cho Trung cộng. Thế thì ai cho Trung cộng vào làm “tành banh” nước Việt Nam? Do đó, tụi c.s.V.N. bày đặt luật an ninh mạng chỉ với mục đích giới hạn sự hiểu biết của người dân thôi.

Thúy Vân thở dài:

-Thôi, quên hết đi; vì ông đã thỏa mãn được ước nguyện của ông rồi!

Lộc đáp rất thật:

-Tôi đâu có ước nguyện theo Việt cộng đâu, bà!

-Thế thì tại sao ông bỏ học để vào “bưng”?

Lộc và Phát nhìn nhau. Phát nghĩ: “Hai đứa nó” bây giờ cũng độc thân, biết đâu mình nói ra sự thật sẽ giúp được “hai đứa nó” trong tình cảnh hiện tại. Nửa đùa nửa thật Phát cười lớn, đáp thế cho Lộc:

-Tại hồi đó nó thất tình bà!

Thúy Vân giật mình:

-Ông Phát này nói tầm bậy!

Lộc nhìn Thúy Vân, nghiêm giọng:

-Thằng Phát nói đúng sự thật!

-Cái gì?

Lộc tiếp:

- Bà nhớ, sau khi chấm dứt đơn ca tình khúc Ngàn Thu Áo Tím, bà vừa quỳ xuống vừa chấp tay như nguyện cầu hay không? Hình dáng của bà lúc ấy trông thánh thiện vô cùng! Và cũng chính hình dáng của bà lúc ấy cho tôi hiểu rằng không bao giờ tôi có thể quên bà được!

Thúy Vân chuyển đề tài:

-Trong cuộc chiến, bạn mình chết nhiều lắm, ông Lộc biết không?

-Tôi đâu có trực tiếp giết tụi nó!

-Đúng! Ông không trực tiếp giết bạn của chúng ta; nhưng nếu không có những người như ông, không có những kẻ nằm vùng, những kẻ nội tuyến và những người trong Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam thì chưa biết ai giải phóng ai!

-Bà nói đúng. Nhưng cuộc chiến đã qua gần nửa thế kỷ. Hãy quên hết để sống cho thời gian còn lại của tuổi xế chiều.

-Tôi chưa thể quên được! Bạn tôi và thuộc cấp của ông nhà tôi chết nhiều lắm!

-Thôi, mình là bạn xưa, bây giờ gặp lại trong hoàn cảnh đơn côi, hãy để tình bạn nẩy sinh theo chiều hướng tốt đẹp nhất, nha!

-Tôi vẫn xem ông là bạn. Gặp ông tôi vẫn chào hỏi.

-Chỉ có vậy thôi sao?

-Làm thế nào hơn được?

-Cuối tuần mình có thể đi ăn, đi xi-nê, đi nghe nhạc, đi du lịch chứ?

-No way!

-Tại sao?

-Ông nhớ thời mình đi học tú tài ban Anh văn, có nữ sinh nào gặp Mỹ mà dám dừng lại trò chuyện hay không? Không phải chúng tôi không có khả năng đàm thoại bằng tiếng Anh mà chỉ vì chúng tôi được nuôi dạy trong một môi trường lễ giáo của một xã hội có nền tảng đạo đức cao. Bây giờ, hơn nửa thế kỷ đảng c.s.V.N. “trồng người” thì Đại Hàn, và Đài Loan không cấp Visa nhập cảnh cho người Việt; vì đa số phụ nữ Việt xuất cảnh đều làm nghề bán dâm; đàn ông Việt thì trốn ở lại để “làm chui”.  Cửa hàng Selgros tại Đức ra cảnh báo đặc biệt khi có camera ghi lại hình ảnh người Việt nam ăn cắp. Trung cộng truy lùng được nhiều ổ mại dâm với nhiều phụ nữ Việt Nam. D.James – chuyên gia ngành y – làm việc tại khu công nghệ cao kể:  "Căn hộ tôi ở quận 2 là nơi có nhiều cô gái Việt  tìm đàn ông ngoại quốc…Ngay cả những cô có trình độ học vấn cao cũng vậy. Họ rất dễ để làm quen… Tôi có cảm giác như họ đến đó để tìm bạn trai chứ không phải giao lưu hoặc phát triển công việc. Nhiều cô mang giày cao gót và mặc trang phục chỉ hợp cho phòng ngủ, cách nói chuyện của các cô này khiến đa số đàn ông phương Tây đánh giá thấp phụ nữ Việt Nam…” Ông Lộc xa phụ nữ miền Nam lâu rồi cho nên ông cứ tưởng chúng tôi cũng như phụ nữ Việt Nam ở trong nước!

Thúy Vân nói đến đây thì điện thoại của Phát “rung”. Phát nói “xin lỗi” rồi bước ra sân. Lộc và Thúy Vân chưa biết tiếp nối câu chuyện như thế nào thì Phát mở cửa,  nói:

-Sorry, hai bạn! Tôi phải đi giúp bà xã của tôi; bả bị bể bánh xe.

Thúy Vân vội vàng đứng lên:

-Tôi cũng phải về kẻo thức ăn để trong xe lâu không được.

Lộc nhìn Phát bằng ánh mắt như “cầu cứu”! Phát bắt tay Lộc rồi nói với Thúy Vân:

-Bà ở lại chơi với nó một chút. Thay bánh xe cho bà xã xong, tôi trở lại liền.

-Tôi phải về.

Lộc vừa bước về phía Thúy Vân vừa lấy điện thoại ra, nói:

-Điện thoại của bà số mấy, nói đi để tôi bấm vào điện thoại của tôi.

-Hôm khác. Bây giờ gấp quá!

Biết Thúy Vân từ chối khéo, Lộc chỉ tựa cửa nhìn theo nàng. Sau khi Thúy Vân bước vào chiếc SUV của nàng, Lộc tưởng như nghe được tiếng hát năm xưa văng vẳng trong không gian lành lạnh của chiều 29 Tết: “…Nhuộm tím những chuỗi ngày vắng nhau, tháng năm càng lướt mau, biết bao giờ thấy nhau!” Lộc thở dài, quay vào nhà, lòng xót xa nghĩ đến chuỗi ngày cô đơn vô tận của chàng!

ĐIỆP MỸ LINH

https://www.diepmylinh.com/

 

up

AcDieu
Google Search:       
RFI
Nguoi_Viet
RFA
Quan_Su_VNCH
Quân Sử VNCH
Voa_tieng_Viet
msn
BBc_Tieng_Viet
Dan_lam_bao
Radio_VNHN

TIME